Chương 5 (tt)
Đế quốc Nhật chiếm đóng.

Gauthier
Touby hứa sẽ tìm người tình nguyện cho các yêu cầu này. Việc thăm dò tin tức tình báo tương đối dễ. Với đà dồn quân vào tỉnh ngày càng đông, quân Nhật bận trưng thu thực phẩm và tiếp liệu cung cấp cho binh sĩ. Touby chỉ cần giả bộ tình nguyện giúp Nhật trong tiến trình này. Ngay sau đó, ông làm việc cho Nhật, đi khắp các làng trưng dụng gạo, bắp, gia súc cung cấp cho quân Nhật. Việc này giúp ông thu lượm thông tin về sức mạnh, vị trí của địch.
Trong lúc Touby làm công tác tình báo, biệt kích tổ chức tình nguyện quân Hmong thành những toán lao công, phá rừng dọn bãi cho những điểm thả dù vật liệu chiến tranh xuống Cánh Đồng Chum đến từ Ấn Độ. Serres chỉ định toán thứ nhì trong lực lượng, đại úy René Bichelot, tổ chức, huấn luyện Hmong thành lực lượng du kích quấy nhiễu quân Nhật. Bichelot đặt bộ chỉ huy du kích trên cao nguyên núi Phu San, Bắc đường 7. Touby đề nghị nơi này; Hmong sống quanh Phu San trung thành với ông ta.
Với biệt kích Pháp rình mò trong rừng khu vực cán chảo và phi cơ đồng minh thường xuyên thả dù tiếp liệu, vũ khí trên Cánh Đồng Chum, Nhật bắt đầu nghi ngờ có chuyện lớn gì đó sắp xảy ra. Khi Mỹ oanh tạc các nhà ga xe lửa ở Bắc Việt, sự nghi ngờ của Nhật càng được củng cố. Dù cuộc oanh tạc không có gì liên hệ đến biệt kích Pháp, người Nhật tin rằng cuộc phản công tấn chiếm Đông Dương đang trong giai đoạn chuẩn bị, và toàn quyền Decoux với lực lượng thuộc địa của ông đang chờ quân đồng minh đến là nổi dậy đâm sau lưng họ. Sự giao tình nồng ấm Pháp Nhật mau chóng biến thành chua cay. Đầu tháng ba năm 1945, Nhật đảo chính Pháp và nắm toàn quyền hành chánh, quân sự Lào, Việt Nam và Cambodia.
Những thành phố lớn nhất là mục tiêu đầu tiên dưới gót giày chinh pục Nhật. Đoàn lũ viên chức chính quyền hay sĩ quan vệ binh bản xứ ở Vientaine, Luang Prabang, Thakhek, Savanakhet chạy vào rừng để khỏi bị giam giữ. Sau khi làm chủ tình hình ở các thành phố lớn, quân Nhật tỏa ra vùng quê lùng bắt đám người bỏ trốn.
Biệt kích Pháp theo dõi biến cố diễn tiến qua mạng lưới tình báo. Serres phái 1 giao liên Hmong đến Nong Het báo động cho Doussineau (chỉ huy trưởng lực lượng Pháp ở Nong Het) tin quân đội Nhật trên đường truy nã. Doussineau gom góp vũ khí trong trại giao cho Touby giữ. Sau đó ông lên ngựa theo Tougeu, em Touby, báo động các làng xã khắp khu vực tin Nhật cướp chính quyền và chuẩn bị chiến đấu. Vài ngày sau, một đơn vị du kích Hmong phá nổ đập nước Nam Hin, tạm thời cắt đứt lưu thông vào Lào trên đường 7. Người Nhật chỉ tốn 1 ngày sửa chữa hư hại, nhưng Hmong của Touby đã ra tay trước, công khai chống Nhật. Không có thể hòa hoãn được như cũ nữa.
Cho rằng Doussineau phá đập, Nhật tung quân lên các ngọn núi tìm bắt mà không biết ông thực sự ở gần đó, ẩn nấp trong một làng Hmong chỉ cách vài dặm từ Nong Het. Nhận thấy việc để Doussineau quá mạo hiểm, Touby dẫn ông lên núi, trú trong một cái hang đá. Touby nên ở với Doussineau trong hang vì người Nhật biết rằng ông giấu diếm người Pháp và biết chỗ giấu vũ khí của Pháp. Gián điệp giả dạng các nhà địa chất của nha công tác khoáng chất Nhật và các thương gia của Chiêu Hòa thương mại công ty thu thập tin tình báo từ các quý tộc Hmong trong khu vực. Sự hợp tác trong việc trưng dụng tiếp liệu và lương thực cho quân đội Nhật không đánh lừa được ai. Sự trung thành với Pháp của ông đã được ghi nhận rất nhiều trong hồ sơ lý lịch.
Một toán tuần tiễu võ trang hùng hậu bắt được Touby ở Na Kong và giải ông về Nong Het. Một trùng hợp may mắn rằng Jean-Henri Mazoyer, giám mục Vientaine đang trên đường kinh lý công tác truyền giáo tại nhà thờ Nong Het khi người Nhật đến tìm bắt Doussineau. Chỉ tìm thấy đức giám mục, Nhật giam tại gia ông tại nhà thờ. Đức giám mục cẩn thận kìm lại khi quân Nhật thẩm vấn Touby. Sau vài ngày tra tấn, Touby thú nhận có giữ vũ khí của quân Pháp ở Nong Het. Khi đức giám mục Mazoyer biết Touby sẽ bị hành quyết, ông không kềm được nữa. Ngài đã bỏ nhiều năm trong 10 năm truyền giáo cho dân miền núi, và chú ý đặc biệt tới Touby vì ảnh hưởng của Touby với Hmong. Mazoyer khuyến cáo người Nhật rằng nếu Touby bị xử tử, toàn thể Hmong sẽ nổi dậy. “Tình hình sẽ mau chóng trở nên không thể quản lý.” Ông thêm vào:” Họ sẽ làm loạn cho dù không có hậu thuẫn của Pháp.” Tin vào sự tháu cáy của đức giám mục, quân Nhật thả Touby.
May mắn thoát chết, Touby tránh xa người Nhật và nối lại liên lạc với biệt kích Pháp. Serres đón chào ông mừng rỡ. Càng thêm nhiều lính Nhật đến từ Việt Nam. Serres rất cần một lực lượng du kích bản xứ khá đông nhằm tăng cường cho nhóm biệt kích ít ỏi của ông. Touby chiêu mộ thêm Hmong để phát triển thành du kích với trang bị, huấn luyện, vũ khí, chất nổ từ kho chứa Đồng Minh thả dù ngày càng nhiều. Sự kiện vũ khí, đạn dược quá nhiều là vì một sai lầm hậu cần ngoài ý muốn.
Nhiều tháng trước, kỹ sư Pháp thuộc bộ Công Chánh Lào, cùng với sĩ quan quân đội thuộc địa tổ chức một lực lượng kháng chiến bí mật tên là tổ chức hoạt vụ ( The Service d’Action. ) Sĩ quan cầm đầu là Mayer. Họ có được một máy vô tuyến giống như của toán biệt kích Gauthier dùng để liên lạc với Crèvecoeur (đại tá chỉ huy trưởng tình báo Pháp) và SOE (tình báo Anh) ở Ấn Độ. Mayer xin vũ khí và tiếp liệu, đủ để trang bị cho dân quân miền Trung và miền Nam Việt Nam. Ông đã có sẵn dân công tình nguyện chuyển những món hàng này sang Việt Nam. SOE chuẩn y và thả dù 90 tấn hàng hóa xuống Cánh Đồng Chum.
Cuộc thả dù không đúng lúc. Những cánh dù thả xuống trong lúc sự hiện diện của quân Nhật càng đông đảo. Với kẻ thù tuần tiễu khắp nơi, toán kháng chiến của Mayer không hy vọng di chuyển được một phần hàng hóa tới Việt Nam. Bằng quyền thụ hưởng mặc nhiên, hàng của Mayer trở thành hàng của biệt kích Serres, phân phối cho Hmong.
Võ trang với vũ khí mới, dù chưa bắn thử, một toán du kích Hmong phục kích một đoàn xe quân sự trên đường 7. Gauthier và 2 biệt kích Pháp khác đi theo cố vấn. Khi 12 xe tải lọt vào tầm súng, người Pháp khai hỏa vào chiếc xe đầu bằng súng tự động. Hmong quay đầu...chạy. Họ chưa từng nghe tiếng súng liên thanh. Tiếng nổ rền làm họ hoảng sợ.
Ngay sau đó Serres nhận được tin tình báo rằng có 2 trung đoàn Nhật đến từ Việt Nam tiến chiếm Xiêng Khoảng. Không mảy may nghi hoặc, Serres điều quân Hmong chưa quen nghe tiếng súng đánh chặn quân địch, với tiêu lịnh tiêu diệt càng nhiều càng tốt. Lần này Hmong chiến đấu mãnh liệt, làm chậm bước tiến quân Nhật.
Hai trung đoàn Nhật chỉ là toán đi đầu cho một cuộc tăng viện ào ào của địch. Hầu như mỗi ngày, từng đoàn quân xa chở lính trên đường 7 vào Cánh Đồng Chum, Luang Prabang, Paksane, Thakhek và Savanakhet. Du kích Hmong phá cầu Ban Ban nhiều lần nhưng công binh và các toán xây cất Nhật luôn có sẵn để sửa chữa.
Một khi số quân tăng viện lên đến cực điểm, nỗ lực kháng chiến trở nên vô ích. Tổ chức hoạt vụ của Mayer trước đây hoạt động ở Vientaine và Luang Prabang, thỉnh thoảng đột nhập vào cánh Đồng Chum, giờ đây đã giải tán. Sĩ quan và viên chức dân sự Pháp lẩn vào rừng chờ cho qua cuộc chiến để tránh bị bắt. Một lực lượng kháng chiến lớn hơn, khoảng vài ngàn người Lào, chỉ huy bởi cựu sĩ quan vệ binh bản xứ, tập trung nỗ lực trong khu vực cán chảo đạt được thành công lớn. Nhóm này cũng đã giải tán. Tất cả trốn trong rừng, dù khoảng 1000 tình nguyện quân người Lào di chuyển về hướng Bắc với một sĩ quan chỉ huy, J. Parisot, và cuối cùng đến Vân Nam, Trung Hoa. Người Pháp sau này mô tả cuộc trường chinh ấy là hào hùng và tưởng thưởng tình nguyện quân Lào tham dự bằng cách thăng chức mau chóng hơn binh sĩ khác trong quân đội Lào. Sau này, nhóm binh sĩ ấy trở thành sĩ quan nòng cốt của quân đội quốc gia.
Biệt kích trên Cánh Đồng Chum cũng bỏ cuộc. Serres đã được triệu hồi về Ấn Độ, nhường chức vụ chỉ huy cho Bichelot. Cánh Đồng Chum tràn ngập binh sĩ Nhật, Bichelot nhận lịnh từ Ấn Độ ngưng hoàn toàn chiến dịch. Các toán biệt kích chia nhau một số xuôi Nam, một số vào Việt Nam làm công tác tình báo. Chỉ còn Bichelot và Gauthier ở lại Xiêng Khoảng để duy trì liên hệ với Hmong và theo dõi hoạt động Nhật trong tỉnh.
Bây giờ công tác chiến đấu đã hết, Touby chuyển sang giúp Bichelot, gauthier, và tất cả người Pháp còn lại ẩn núp, tồn tại cho đến khi Đồng Minh giải phóng Đông Dương. Hmong đem những người Pháp bị thương về nhà chữa trị. Du kích Hmong dẫn người Pháp lên núi ở trong các hang động. Sự kiện này giữ vững tinh thần rất lớn vì người Nhật đối xử tàn nhẫn với tù binh, đâm thủng mũi họ và xỏ dây để lôi kéo như súc vật. Người Nhật buộc tù nhân kéo cầy giống như trâu ngoài đồng. Nhờ hệ thống cứu giúp của Touby, nhiều người Pháp thoát khỏi bị bắt và cứu vãn được số phận.
Touby Lyfong