Một Cõi Đi Về

° Triết học ấn Độ nói rằng: nếu ở nơi này vừa có một kẻ bỗng dưng giàu lên thì lập tức ở một nơi khác sẽ có một kẻ mất hết sản nghiệp.
Chiều nay ở sân bay vừa đưa tiễn những người thân đi xa. Về nhà, người bạn tôi nói: ở nơi này vừa thiếu đi bốn người thì lập tức ở nơi xa xôi kia nhận thêm được bốn người...
Có một nỗi buồn ở nơi này thì sẽ có một niềm vui ở chốn khác.
Có một trái tim khổ nạn ở người này thì tất nhiên sẽ có một trái tim hân hoan ở kẻ khác.
° Những ai đã đi đến với đời thì phải có lúc lìa xa nó. Một cõi đi về...
Trong Phật giáo, một trong những "hạnh" cao nhất là hạnh bố thí.
Cho kẻ này nhưng sẽ nhận lại ở kẻ khác.
Thanh Tùng nói với tôi: Tôi muốn làm một điều gì đó thật tốt đẹp cho người đã khuất, người vợ một đời lo âu, tận tụy vì tôi.
Vợ Tùng đã một đời cho Tùng nhiều quá thì sẽ nhận được quà tặng ở một nơi khác. Tùng biết cách cho thì vợ Tùng sẽ nhận được. Những đứa con của vợ Tùng sẽ nhận được.
Những thân quyến, bạn hữu của vợ Tùng sẽ nhận được.
° Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người đã chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người.
Trước khi mất vợ Tùng nói với tôi: Nếu khoẻ, em về lại nhà và sẽ chỉ làm hai điều này thôi. Mang quà mỗi ngày cho những người nghèo đau ốm trong bệnh viện và chiều chiều làm đồ nhậu cho các anh với anh Tùng để nghe các anh nói chuyện đời, chuyện nghệ thuật.
Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hóa cho một ý tưởng khác nảy sinh.
Cái mất không bao giờ mất hẳn.
Cái còn không hẳn mãi là còn.
Sóng Nhạc 1990
Hồi ức
Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua.
Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa xuân mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mù mịt.
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có những tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ. Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Nó không cám dỗ như cõi phồn hoa đô hội nhưng nó là mạch nguồn của một nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất gần như không có thực.
Nhưng sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.
Đó cũng là thời gian mà mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyến đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ bay đang đóng kín cửa.
Thời gian trôi đi ở nơi đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.
Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.
Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên.
Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.
Thế giới âm Nhạc - Tháng 3/1997
Giấc Mơ Hạ Trắng
Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một dàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó lại còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và áo quần sờ vào đâu cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42 - 43.
Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, Cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi không. Lúc ấy mọi người mới khóc oà lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình, cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.
Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như "áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” để viết nên bài Hạ trắng.
Thế giới âm Nhạc - Tháng 5/1997
Cát Bụi
Vào một buổi chiều ngày tháng không còn nhớ, tôi một mình đến rạp Casino xem phim. "Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6. Đây là một bộ phim nhiều tập, đã xem tập này thì không thể không chờ xem tập khác. Nói chung là tập nào cũng hấp dẫn. Trong tập 6 có đoạn hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe một tiếng nói bình giải ca ngợi. Đường kiếm như có thêm sức mạnh mỗi lúc mỗi uyển chuyển huy hoàng hơn. Sau khi cứu được nàng Kiều, hiệp sĩ mù quay về phía tiếng nói vái tay chào hỏi. Hoá ra bên vệ đường, dưới gốc cây to, có một người mù khác đang ngồi xếp bàn, trên hai chân có cây đàn bọc trong bao vải gác ngang. Người nghệ sĩ mù có nhã ý muốn chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng gần đấy. Hình như là rừng vào thu nên các cành đều trơ lá, chỉ thấy một thảm lá vàng đỏ trải dày trên mặt đất. Hai người ngồi tựa vào hai góc cây đối diện nhau. Tiếng đàn nửa chừng bỗng đứt giây. Người nghệ sĩ mù nói: có kẻ bất thiện đang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một tên gian đang rình rập hiệp sĩ mù. Thế là hai người lặng lẽ chia tay.
Hết phim, tôi tản bộ lang thang trên phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến tôi buồn buồn. Chiều tối về nhà, sau khi ăn, tôi ngồi đọc lại cuốn Zorba le Grec. Đến đoạn Zorba than thở: "Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa. Tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, tôi bỗng gập sách lại và không đọc nữa. Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa li biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi. Tôi lại ra đường tìm đến một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà lấy giấy bút ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích.
Đó là câu chuyện về sự ra đời của bài Cát bụi.
Mỗi bài hát gần như đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu.
Bây giờ thì Người hiệp sĩ mù kia đã chết rồi. Khoảng hai năm nay.
Người viết Zorba đã qua đời, dĩ nhiên con chim đa đa kia cũng đã chết. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakis tiểu thuyết hoá thì nay ông ta cũng đã mất rồi.
“Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi... "
Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi.
Thế giới Âm Nhạc - Tháng 1/1998
Nhớ Về Một Bài Hát
Cách đây nhiều năm, sự kiện thanh niên xung phong đến các nông trường xa thành phố Hồ Chí Minh để lao động là một tin thời sự nóng bỏng và còn mới lạ đối với nhiều người trong thành phố.
Những cuộc xuất quân rầm rộ cấp thành, rồi cấp quận, cấp phường, cấp xã. Những thanh niên, thanh nữ ra đi với một tâm trạng còn bề bộn những vui buồn lẫn lộn, những băn khoăn, âu lo thắc mắc trăm điều.
Đã qua đi cái thời kỳ ấy. Bây giờ người thanh niên xung phong ra đi, bất kỳ nơi đâu, với một sự tự nguyện và với một tâm trạng ổn định hoàn toàn. Không phải ngẫu nhiên mà có được thành quả đó. Tất cả hoa trái hôm nay có được là nhờ những bước chân dũng cảm đi trước, nhờ những ý chí tiên phong, nhờ những hy sinh mất mát qua những tấm gương tuổi trẻ của những đội ngũ xung kích làm thành những biểu tượng đẹp đẽ, đáng yêu kính trong những ngày đầu.
Trong những ngày đầu ấy chúng tôi đã có dịp đến thăm và sinh hoạt cùng với anh em thanh niên xung phong ở một vài nông trường. Lần đến nông trường Nhị Xuân là lần để lại nhiều kỷ niệm nhất. Xe chở chúng tôi đến nông trường lúc trời còn sáng đang ngả dần về chiều. Đường vào nông trường bụi đỏ bay đầy. Bụi đỏ bay cao, tỏa về phía các rẫy mía, ở đó thanh niên xung phong nam nữ cũng đang chuẩn bị trở về các lán trại sau một ngày lao động.
Chiều bắt đầu thẫm màu, đã nghe vang lên tiếng cười, tiếng hát, tiếng đàn ghita từ phía các lán dựng về phía bờ kinh. Đêm xuống mà lòng người như cứ muốn bay lên. Tự nhiên thấy muốn yêu người yêu đời hết sức. Cái không khí bao trùm xung quanh gợi lên khung cảnh thơ mộng lãng mạn của những kẻ phiêu lưu đi khai phá ở những vùng đất mới.
Chúng tôi dùng cơm tối với nhau. Các cô thanh niên xung phong vừa phục vụ, vừa chào hỏi, đùa nghịch vui vẻ. Cô nào trông cũng rắn chắc, khoẻ mạnh, nước da nâu hồng, sự tươi trẻ lan truyền khắp cả phòng ăn. Tôi thử hỏi tên một vài cô, cô nào cũng bảo em tên là thanh niên xung phong.
Sau giờ ăn chúng tôi bắt đầu ca hát. Mưa đổ xuống bất chợt. Nơi trình diễn là một nhà tranh dài, bốn bề không có vách. Mọi người đều ngồi bệt xuống đất. Mưa cứ tiếp tục đổ xuống, ướt cả người hát lẫn người nghe. Tạm ngừng? Không! Và cứ thế chúng tôi hát, người nghe vẫn yên tĩnh ngồi nghe rồi lại hát chung, hát riêng, không còn phân biệt ai là người trình diễn ai là người nghe nữa.
Đến khuya, nước tràn qua các bờ kinh, leo lên gần chỗ ngủ các lán thì chúng tôi về. Xe sắp vào thành phố thì chúng tôi buộc phải dừng lại vì lực lượng dân phòng ngại không đảm bảo được an ninh. Lúc bấy giờ đã gần 2 giờ sáng.
Chúng tôi buộc phải ngủ lại tại trụ sở của lực lượng thanh niên xung phong gần đó.
Sự ra đời của một bài hát nào thường cũng gắn liền với một thực tế nào đó, hoặc một câu chuyện tình cảm hoặc một bối cảnh ngẫu nhiên.
Một buổi sáng cách đây bốn năm tôi tình cờ gặp anh Mai ở căng tin Hội văn nghệ. Chúng tôi uống cà phê. Anh Mai người nhỏ, cao không quá một sải tay, nhưng là người nhiều năm tận tụy phụ trách phần ca hát nhạc cho lực lượng thanh niên xung phong. Anh Mai hỏi tôi còn nhớ những cô có tên là “Thanh niên xung phong" ở Nhị Xuân không? Mới sáu bảy tháng làm sao quên được. Qua câu chuyện anh Mai kể tôi được biết là sau lần chúng tôi đến sinh hoạt văn nghệ có hai mươi cô trong số chúng tôi biết mặt đã tình nguyện tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Trong một chuyến tải đạn các cô bị bọn Pôn Pốt phục kích và đã hy sinh rất thảm thương. Tôi không muốn kể lại chi tiết về những cái chết đó, nhưng nếu ai còn là người Việt Nam thì nghe xong câu chuyện không thể không căm thù. Tôi cảm thấy lòng mình tràn ngập một tình yêu thương và một nỗi buồn quá lớn. Những khuôn mặt yêu đời ấy tôi còn nhớ rõ. Những tiếng cười đùa nghịch ấy tôi cũng còn nghe rõ. Tôi tiếc là chưa được nắm lấy một lần những bàn tay trẻ trung đó đã chai đi vì những tháng ngày lao động ở nông trường. Những đôi vai thanh xuân đó đáng lẽ phải được gánh nhẹ nhàng những hạnh phúc của đời, thì đã phải quên mình để gánh hết những nhọc nhằn của những biên giới chưa yên .
Người ta có thể làm được những kỳ công nhưng không ai dễ dàng sáng tạo ra những con người đẹp đẽ như thế. Tất cả những hình ảnh ấy sáng lên trong tôi như một huyền thoại. Một huyền thoại mang đầy đủ nét trữ tình và chất lãng mạn mới của thời đại chúng ta.
Những bản anh hùng ca mới rồi sẽ ra đời. Ở tôi, đáng tiếc vì những hạn chế của khả năng, chỉ mới thành hình được một ca khúc nhỏ: Em ở nông trường, em ra biên giới. Tôi đã viết bài hát này như một nỗi nhớ thương của riêng tôi đối với những người bạn trẻ. Bài hát nào cũng có một sự tích của nó. Đó cũng là kỷ niệm, những khói trầm hương tôi đốt lên để nhớ những người con gái mà tôi không bao giờ còn gặp lại.
Nhị Xuân bây giờ đã khang trang, không còn những lán trại dã chiến như xưa nữa. Hội trường, nhà cửa, đường sá đã mọc lên thành nếp ngăn trật tự. Tôi hy vọng trên những con đường vào Nhị Xuân trong tương lai sẽ không thiếu tên những người con gái đó trên những tấm biển đường.
Ngày Văn Cao Trở Lại
Chỉ là chuyến đi bình thường nhưng đã thành một sự kiện. Nhạc sĩ Văn Cao vào thăm thành phố Hồ Chí Minh và cái thành phố luôn náo nhiệt làm ăn này dường như đang hằng mong đợi ông. Ba buổi biểu diễn nhạc Văn Cao đã được tổ chức cấp tốc ở nhà Văn hóa Thanh niên, đông hết sức chứa, bất kể những cơn mưa tháng bảy...
Nhạc sĩ Văn Cao trở lại Sài Gòn lần này, với tôi, có điều gì đó không giống những năm trước. Sự có mặt của anh bên cạnh ly rượu làm tôi nhớ đến những người đã vắng mặt. Những anh Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng. Những con người tài hoa của nghệ thuật cũng như anh Văn mà có thời tôi đã cùng chia nhưng ly rượu sáng chiều ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn. Cái có, không ở đời là chuyện thường tình của cuộc sống, nhưng cứ mỗi lúc có một cái gì gợi nhớ là không thể không ngậm ngùi. Anh Văn Cao là sự gợi nhớ đó.
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái không khí ảm đạm, cô đơn của những mùa thu đông ở Hà Nội, với hình ảnh một Văn Cao ngồi một mình với cốc rượu trước mặt ngày này qua ngày khác. Anh ngồi đó mà như một sự vắng mặt trước cuộc sống. Ngồi hơn hai mươi năm như một cái bóng. Ly rượu cũng biến thành cái bóng. Cái bóng của hai người. Người và ly - rượu - người. Thân thiết chia sẻ cùng nhau những nỗi đời riêng, hiu quạnh không còn ai khác có thể san sẻ giùm.
Những ngày này, ở đây, giữa Sài Gòn xưa và nay, tôi thấy ở anh thoáng hiện những nụ cười yêu đời hóm hỉnh. Dấu hiệu của một sự yêu đời đã trở lại. Vì đời yêu anh nên anh phải yêu đời. Yêu đời là lẽ sống của những người không bệnh hoạn.
Anh Văn Cao đã nói với những người yêu nhạc ở thành phố này về tình yêu, về những kỷ niệm xa xưa đã làm nên những bài hát trữ tình của anh. Ai cũng thấy rõ anh đã có một thời yêu đương, một thời mơ mộng. Đừng tưởng tuổi già làm anh cụt hứng với cuộc đời. Anh vẫn yêu, vẫn còn những mộng tưởng êm đềm đối với cuộc sống chung quanh. Như thế, có nghĩa là anh vẫn còn tồn tại dài lâu với cuộc đời chưa hề muốn phụ bạc anh. Vì qua ba buổi trình diễn những ca khúc xưa của anh, mọi người vẫn thấy rõ cái cảm xúc còn dấy lên như một cơn lốc, từ những tiếng vỗ tay không muốn ngừng nơi đám đông người ở một thế hệ quá trẻ.
Thành phố này đã yêu anh - quá khứ, và tiếp tục yêu anh - hiện tại. Đó là món quà lớn cho một đời người làm nghệ thuật. Sống mà không ai quên được mình thật là khó. Anh đã làm được chuyện ấy thật không dễ gì.
Mọi điều xấu tốt rồi sẽ qua đi, không ai để lòng nhớ mãi những câu chuyện đời. Nhưng tôi biết rằng, và cũng tin rằng, ở nơi đây, trên mặt đất quê hương này, khi nhiều năm nữa, sẽ qua đi, thì những Thiên thai, Suối mơ, Sông Lô... cũng vẫn mãi mãi còn vang vọng trong những trái tim yếu mềm vì một thứ nghệ thuật chỉ dành riêng cho những con người đích thực.
Hai mươi không phải là quá trẻ và bảy mươi chưa phải là đã già. Sự già trẻ trong nghệ thuật là ở trái tim còn biết rung động và nồng nàn với cuộc sống. Trí tuệ cũng muốn nói một điều tương tự.
Anh Văn Cao đã từng cùng bằng hữu của anh đi qua cuộc đời này và chắc anh không nghĩ khác rằng trái tim và trí tuệ chỉ là một. Trái tim nuôi trí tuệ và trí tuệ nuôi lại trái tim.
Có bao nhiêu người sẽ còn nhớ lại những đêm Văn Cao ở Sài Gòn? Nhớ bao lâu và sẽ nhớ đến bao giờ? Những đầu tóc phai màu và những đầu tóc còn xanh. Có lẽ phải nói thật một điều, dù phũ phàng đến bao nhiêu, sẽ không còn nhớ ai trong cuộc đời này cả. Người mất đi sẽ bị thiệt thòi. Cuộc sống vẫn cứ êm đềm hoặc sinh động trôi đi. Những nụ cười. Áo đẹp. Vóc dáng. Xe cộ ngược xuôi. Tình yêu. Hoa quả cây lá xanh tươi. Quá nhiều điều trong cuộc đời không nhớ hết.
Dù sao vẫn còn sót lại trong lòng tôi một mơ ước là tất cả chúng ta, đã cùng có mặt trước, sau trong cuộc đời, đối với những ai đã mang đến những khúc hát, những bản tình ca, những lời rao truyền được hát lên như bi ai hoặc hạnh ca, thì cũng nên có phút nhẹ lòng được nhớ lại và nghĩ đến.
Tôi nhớ anh Văn Cao như nhớ đến một người đồng hương mà quê quán không còn vết tích. Tôi vẫn mong chờ ở anh Văn Cao một bản tình ca sau cùng.
Văn Cao - Cuộc đời và tác phẩm
 
Trong Âm Nhạc, Văn Cao Sang Trọng Như Một Ông Hoàng
Mùa thu. Gõ cửa. Vào. Anh Văn Cao ngồi trước chiếc bàn có tẩu thuốc lào và ly rượu, 8 giờ sáng.
Không bao giờ ra Hà Nội mà tôi không ghé anh Văn. Anh Văn ngồi. Ngồi ở sạp gỗ cũ kỹ như đã ngồi hằng trăm năm. Ngồi tóc bạc phơ, râu cũng bạc phơ. Chỗ ngồi đã mòn. Lưng dựa đã mòn. Ngồi như thế ích gì anh Văn. Anh nói: "Lấy cái ly sạch cho Sơn đi bà". Buổi sáng mùa thu uống rượu với anh Văn và nghĩ ngợi.
Có những con đường anh Văn đã đi.
Có những con đường tôi cũng đã qua.
Những con đường ấy có lúc gặp nhau, có lúc chia lìa.
Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng.
Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi.
Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư.
Quanh anh Văn là tranh. Là thơ. Là nhạc.
Vốn liếng cạnh tôi, nhỏ nhắn vô cùng, cũng là tranh, là thơ, là nhạc.
Anh và tôi đi trên cùng một con đường. Nhưng anh là anh và tôi vẫn là tôi. Cái lớn vô cùng và cái nhỏ cũng vô cùng. Thế mà vẫn gặp. Sự gặp gỡ bình sinh không biết hết. Sự gặp gỡ muộn màng giờ đây tôi muốn hát cho anh nghe.
Khúc hát trễ tràng, giấu kín những điều thầm lặng. Thật đấy.
Tôi hát anh và tôi hát tôi.
Anh đi qua cuộc đời và hát.
Tôi cũng đi qua cuộc đời và hát.
Hát cho người và hát cho mình. Thế thì anh muốn gì hỡi hoàng tử bé -petit-prince-râu tóc bạc phơ?
Đời sống gọn gàng, bé nhỏ. Đôi khi (?) rộng lớn vô cùng.
Anh bé nhỏ và anh rộng lớn.
Văn Cao. Văn Cao.
Thân anh gầy yếu không dựng nổi một mùa. Nhưng tôi nghe trong âm nhạc anh gió vẫn chuyển và cây thay lá.
Anh sống và anh cười thầm lặng. Cái chua xót ẩn kín đằng sau những nếp nhăn.
Anh biết và anh biết hết.
Nhưng anh cũng khờ khạo như trẻ thơ.
Anh ngủ yên nhưng anh tỉnh thức. Thi ca và triết học trên hai bàn tay anh như nâng đỡ cuộc đời.
Sống chết là số phận con người. Anh đâu cần biết. Anh đã từng nhiều năm nặng nợ với âm nhạc, thi ca, hội hoạ. Điều ấy có thật nhưng nhiều khi tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: Anh là ai mà lưu lạc giữa chốn Thiên Thai này?
Văn Cao - Cuộc đời và tác phẩm

Truyện Một Cõi Trịnh Công Sơn Lời mở Hồ Thị Hải Âu Yên Ba Văn Cao Bửu Chỉ Trịnh Cung Trúc Chi Nguyễn Duy Phạm Duy Nguyễn Khoa Điềm Quỳnh Dao Trần Thanh Hà Văn Cầm Hải Lê Hữu Nguyễn Thụy Kha Trường Kỳ Thái Kim Lan Tương Lai Nhật Lệ Khánh Ly Xin Cho Một Đời . . . Hoàng Long Trần Hữu Lục Trương Quang Lục Yoshi Michiko Anh Ngọc Người Hát Rong Của Thế Kỷ XX Hồng Nhung Phạm Phú Phong Bùi Vĩnh Phúc Trương Hồng Quang Đỗ Trung Quân Lê Minh Quốc Nguyễn Quang Sáng Nguyễn Trọng Tạo Có Một Nhà Thơ Tên Là Trịnh Công Sơn Cao Huy Thuần Trần Hữu Thục Đặng Tiến Hà Vũ Trọng Bùi Bảo Trúc Hải Trung Đỗ Minh Tuấn Thanh Tùng Hoàng Phủ Ngọc Tường Hạt Bụi Và Tia Sáng Căn Nhà Của Những Gã Lang Thang Nguyễn Thanh Ty Thế Uyên Bửu Ý Đèn Thắp Thì Mờ. . . Cám Ơn Và Xin Lỗi Nhớ Người Trong Cõi * Phụ Lục 1 Bài Hát Đầu Tiên Vết Thương Tỉnh Thức Nhật Ký Huế Phác Thảo Chân Dung Tôi Nhật Ký Tuổi 30 Cuộc Sống Viết Và Thở Một Cõi Đi Về Tình Yêu Và Tiếng Hát Tôi Luôn Sống Với Hiện Tại Chữ Tài Chữ Mệnh Cũng Là Bể Dâu Truyện ngắn Tôi Đã Mơ Thấy * Phụ Lục 2 Ca Từ Trịnh Công Sơn Ca Từ Trịnh Công Sơn (2) Ca Từ Trịnh Công Sơn (3) Ca Từ Trịnh Công Sơn (4) Ca Từ Trịnh Công Sơn (5) Ca Từ Trịnh Công Sơn (6) Ca Từ Trịnh Công Sơn (7)