Dịch giả: Huy Tưởng
Chương 8
Cái chết của trẻ con

Vào đầu những năm ba mươi, tờ nhật báoHainenik Dailymở thêm trang cuối tuần, và được hưởng ứng mạnh mẽ, tôi tham dự bằng cách viết và gửi nhiều truyện và cả kịch ngắn nữa, gửi đăng và không lãnh nhuận bút. Giờ nghĩ lại, tôi thấy đó là một điều quan trọng, bởi đối với một nhà văn mới khởi sự cầm bút thì sự xuất hiện các tác phẩm đầu tay của anh ta sẽ gây nên một niềm phấn khích sáng tạo rất lớn – anh cứ viết và có một chỗ tiếp nhận anh. Nhà văn có thể viết thoải mái, theo cảm hứng và tuỳ thích, chẳng cứ phải canh cánh bên lòng rằng ông chủ bút sẽ nhíu mày nói rằng truyện không hợp với chủ trương của bổn báo, như nhiều vị và nhiều báo khác vẫn ra đòn như vậy. Tôi thực sự cảm thấy may mắn khi có được trang cuối tuần đó để gửi tới, tôi cũng mang ơn ông chủ nhiệm Reuben Darbinian vô cùng, ông đã mở rộng vòng tay đón chào những tài năng trẻ. Ông là một trong những vị chủ báo vĩ đại nhất.
Trường Emerson có ma. Trường gồm hai toà kiến trúc liền nhau, lợp bằng đá xám, với những bức tường cao trần trụi và các cửa sổ nhỏ tối om, nối liền nhau qua chiếc cầu gỗ, về đêm trường trông có vẻ ủ ê và buồn thảm. Ngay cả trong ánh sáng ban ngày nó cũng nhốm một vẻ gì rất đỗi hoang liêu, và hầu như tất cả các học trò đều thầm mong cho trường bị hoả hoạn hay bị hư huỷ quách cho rồi. Trường cũng mới được xây, và có một bác thợ mộc người Assyria ở xóm chúng tôi bảo là bác đã góp công sức trong việc xây dựng ít nhiều. nhưng chúng tôi nghĩ là nó đã xưa lắm rồi, xưa như đã đến hồi tàn rữa mục nát. Mỗi tối chạng vạng, bọn dơi đen bay vù vù ra từ những ô hốc, kẽ hở, và chập chờn chao liệng khắp sân. Quả thật là chúng tôi chưa từng thấy một con vật nào xấu xí hơn, một loài gặm nhấm biết bay, không biết hót, trần trụi không lông, và không có được một chút vẻ đẹp nào của loài lông vũ.
Toà nhà phía tây dành cho các lớp trung chuyên, còn toà nhà phía đông gồm các lớp bốn, năm và sáu. Cả hai toà nhà đều có ma. Người ta thường kể là, cứ đêm mà phải đi ngang qua hai toà nhà này, thế nào cũng được nghe các ông thầy đã quá cố về la mắng các học trò những thế hệ trước. Hẳn ta lại nghe được cô giáo già Timanus căn dặn, Nào, cả lớp nghe đây. Nghe kỹ đây. Hai lần tám là mười sáu, phải không nào? Đúng rồi, thế thì hai lần mười sáu là bao nhiêu? Rồi ta sẽ nghe những tiếng cười khúc khích, nghịch ngợm, những hồn ma của các con trai và con gái trước kia chạy lao xao trong lớp.
Frank Sousa nói là chính tai nó nghe hết mọi việc. chúng tôi tin ngay và đêm đến tránh xa ngôi trường.
Một chiều đông trên đường bán báo về, tôi đến ngôi trường tối tăm đó, và khi sức nhớ là trường có ma, tôi bắt đầu thấy sợ và run như cầy sấy. Tôi đã định đi bằng lối tắt qua hai toà nhà rồi băng qua sân trường để đến đường Santa Clara, nhưng khi nghĩ lại cái chết người của ngôi trường về đêm, tôi quyết định đi vòng qua trường. Từ bên kia đường tôi nhìn lên cửa sổ phòng học của tôi, phòng lớp bốn, và khi vừa ngước nhìn lên thì tôi nghe nhiều tiếng động rợn người, và đèn phòng bật sáng choang, tôi khiếp quá.
Rồi tôi thấy tôi đang chạy thục mạng.
Cả năm sau, tôi cố nghĩ đó là người dọn quét phòng ban đêm. Nhưng còn về tiếng động thì không sao giải thích nổi.
Chẳng bao giờ một người lại có thể gây nên tiếng ồn ào được như thế. Nếu vậy, có lẽ là do tôi tưởng tượng quá đáng. Dù sao không ai lại không co là trường không có ma ám, còn về buổi sáng thì chắc chắn là đã có bọn chúng tôi ám.
Chúng ta có đủ chiều kích của những thực thể, chúng ta có sức nặng của hình thể, của cử động, thế nhưng có một cái không thực nơi tất cả chúng ta, những bé trai, bé gái, các thầy cô giáo già hay trẻ, các chương trình, việc ngồi với sách vở và những con số mùi của trường lớp, của bụi phấn, hỏi và trả lời tất cả những câu hỏi kiểu trẻ con. Có những cái lạ lùng về việc chúng ta ngủ và thức, và sống lại ngày này qua ngày khác, những giây phút huyễn hoặc và hiếm hoi trong đời.
Chúng ta bao gồm các loại thể.
Có Rosa Tapia, cô bé người Mễ duyên dáng hơn bất cứ đứa nào trong trường, nhưng không có tài học, không hiểu văn phạm, kém về số học. Nó có đó mà như không có đó. nó đi nó đứng như thể là nó không có thực ở trên dương thế, hoặc nếu như có, thì chỉ vì một lầm lẫn nào đó thay vì một phép lạ. Nó ăn nói nhỏ nhẹ, quý phái, lời thốt ra như âm điệu của bài hát. Khi Hoa Kỳ tham chiến, hai người em trai của cô Gamma rời đại học Berkeley để nhập ngũ, cô giáo đến lớp chúng tôi bằng đôi mắt đỏ ngầu va khuôn mặt thờ thẫn. Cô thật đáng phục khi dạy chúng tôi môn địa lý rồi tuyên bố rằng vì biến cố quan trọng này, cả buổi còn lại chúng tôi được nghỉ, đọc thuộc lòng, và ca hát. Cô hỏi, Có ai tình nguyện đứng trước cả lớp và hát một  bài ái quốc. Không có ai đề nghị ai hát cả.
Rồi thì Rosa Tapia đứng ra chỗ lối đi cạnh bàn nó và nói, Thưa cô Gamma, cô có muốn em hát bài "Juanita" không?
Cả lớp sững sờ, nhưng sững sờ nhất có lẽ là cô giáo Gamma của chúng tôi. Khuôn mặt buồn của cô nhíu lại vì ngạc nhiên, và cô nói, Dĩ nhiên là cô muốn, Rosa ạ. Em hãy lên đứng trước lớp.
Con bé người Mễ bước lên trước lớp mà chẳng hề lúng túng, nó nói "Juanita" và  bắt đầu hát bằng tiếng mẹ đẻ của nó.
Con bé không hát chỉ bằng phổi và môi, mà bằng cả cái hình dáng của nó, cái hình dáng mờ mờ mà chỉ có chúng tôi là cảm biết được, bởi chúng tôi là những kẻ đang sống với nó giữa cái thực tại của ngủ và thức, và tất cả chúng tôi luôn cảm giác rằng con bé là không có thức, không phải chỉ còn là đứa con gái nữa. Và chúng tôi hiểu rằng, con bé có biết cũng không sao, và có lẽ càng không nên biết gì về văn phạm, về số học và về tất cả những cái chẳng đâu vào đâu đang được dạy dỗ chúng tôi.
Và có cả Carson Wampler nữa, một thằng mặt luôn cau có, con của một trong những người tầm thường ở miền Nam, đã đến miền Tây bằng xe ngựa, không tiền, đói, và khốn cùng dưới một căn lều nào đó ở miền Nam, cạnh đường xe lửa Santa Fe. Ngay cả mùa đông, Carson cũng không có giày để đi học. vào mùa hè thì phần đông chúng tôi đều đi chân đất, trừ vài đứa con nhà giàu đi giày cho ra vẻ sang cả. Nhiều đứa chế giễu Carson và sỉ mạ nó thậm tệ, để rồi cuối cùng xa lánh và ghét bỏ nó, nhìn nó với vẻ khinh miệt. Nó trở nên luôn luôn cô đơn, im lặng, cau có và không có giày.
Từ lâu, nhìn khuôn mặt hốc hác của nó, tôi vẫn nuôi ý định đến gần nó, làm thân và nói chuyện, tỏ cho nó biết là tôi mến nó, nhưng có một cái gì đó quá cao cả trong niềm cô quạnh và vẻ khinh khỉnh của nó mà ta không dám chạm vào, và tôi ngại không sao bắt chuyện được với nó. Chân nó to bè, da dày và nứt nẻ, những khi trời lạnh quá nó đứng run rẩy dưới mái sân trường, và cả trần gian này hình như cũng thế, lạnh lẽo và bơ vơ quá chừng.
Bỗng nhiên nó thôi học, và tôi vô cùng thắc mắc không biết nó về đâu, chân đã có giày hay chưa. Những lúc đó nó hiện về với khuôn mặt mơ hồ mà thỉnh thoảng tôi bắt gặp trong mơ, và khi nhớ đến nó  thì hình như nó chưa thực sự sống, chưa thực sự hiện hữu, và đúng ra tôi chỉ biết nó qua cái bí mật nơi lòng thương cảm của m`inh đối với con người và nhân thế. Nhưng tôi chẳng sao quên được cái vẻ khinh thị trên khuôn mặt hốc hác, cô quả và lẩy bẩy của nó.
Bao năm sau tôi hầu đã đã hoàn toàn quên nó, và nếu như có tưởng tượng, nó hiện ra với khuôn mặt một người lớn, thì, tôi lại gặp nó. Tôi đi với một người bà con trên chiếc Ford, qua vườn nho vùng Malaga. Lúc đó trời đã vào đông, các cây nho rụng hết lá và phong cảnh mong manh trơ trụi nhưng cái khí sắc lại đầy vẻ u trầm của tử biệt dằng dặc, điều đó tô điểm thêm cho cái vẻ đẹp của tiết trong đông, và Carson hiện ra, cao lớn ra nhưng vẫn khuôn mặt hốc hác, đứng bên một cây nho gần đường, tay đang cầm một cái cuốc. Gặp lại nó tôi mừng quá, thấy nó vẫn luôn luôn là một thực tại chứ không phải là một ảo ảnh do tôi tạo ra, và thấy nó vẫn còn sống, tôi mừng quá đến nỗi buột miệng gọi tên và hân hoan chào nó.
Chúng tôi thấy nhau trong lúc xe chạy, và sau khi tôi gọi tên nó, Carson nhăn mặt và búng mũi chế nhạo tôi. Nó làm vậy khiến tôi buồn quá. Tôi thấy tội nghiệp các điệu bộ buồn bã đó của nó, và tôi tự giận mình. Tôi cảm thấy mình đã tự huỷ hoại một cái gì cao thượng vì đã muốn chạm vào, muốn cùng tôi được chia sẻ. Dĩ nhiên, mọi sự rắc rối phần lớn là do chiếc xe. Chúng tôi có quá ít thời gian để bày tỏ tình bạn, và chắc hẳn Carson bối rối, và hoài nghi tất cả, nên đã phản ứng một cách nhặm lẹ, có nhiều tính tự vệ. Và ta chỉ nên tiếc rằng, tại sao giữa bọn con trai với nhau mà lại không có những cung cách giản dị và thẳng thắn hơn mà phải búng mũi một cách khi dễ để bảy tỏ thiện chí và niềm cảm thông. Tôi vẫn tin rằng ngay sau đó, nó sẽ cảm thấy xấu hổ vì cách hành xử hồ đồ và vội vã của mình, và nếu có thì giờ thì chắc là nó sẽ tự vấn mà sửa đổi đôi chút.
Và tôi chẳng còn gặp lại nó nữa.
Còn có Alice Shwab, cô bé Đức lai Do Thái, to xương, má ửng hồng, con gái của bác thợ sửa đồng hồ. Nó là một đứa chỉnh tề và ăn nói, cư xử rất mực, và mỗi buổi sáng nó đến lớp với một quả táo, một quả cam hay vài đóa hồng cho cô giáo. Có lần nó đem vào lớp một quả bí to đùng, bóng loáng. Quả bí to cỡ bằng cái đầu của nó, và sáng rực như một mặt trăng nhỏ. Nó hái ở vườn của bố nó và cô Gamma phải bỏ ra mười phút để ngợi ca, bí là một loại rau ngon và ông Shwab là cha của Alice đã đem rau ráng đó vào cho lớp học. thú thật, nơi quả bí có một cái gì khiến tôi không sao hiểu nổi, một cái gì sẽ phải xảy ra sau rốt.
Suốt giờ vẽ, chúng tôi cố vẽ quả bí, nhưng chả đứa nào vẽ nổi. Cái làm cho thú vị nhất là màu quả bí, và chúng tôi không tài nào pha cho được cái màu của nó. Quả bí nhìn thật ngon lành nên đứa nào cũng nghĩ rằng nó phải có vị ngọt, nhưng cô Gamma nhíu mày và nói rằng bí này không phải để ăn mà là để chiêm ngưỡng.
Quả bí nằm mãi trên bàn cô giáo cho đến khi bắt đầu thối rữa, và rồi một ngày kia nó biến mất, nó tiêu tán như thể chẳng có chút liên hệ nào với những gì hữu hịnh với trần thế.
Alice không phải là một đứa con gái đẹp, con gái lên chín chẳng có mấy đứa xuất sắc, trừ phi đối với cha mẹ chúng, nó còn xấu tệ nữa là khác. Các đường nét chưa được cân đối, và chính nó có vẻ như một cô bé quá ngoan. Không phải kể hết những điều này, nơi nó bao giờ cũng có vẻ nghiêm trọng, cho dù tất cả những gì nó làm đều có vẻ ta đây và đầy giả dối, nó có tác phong tình cảm hơn bất cứ đứa nào khác trong trường.
Mái tóc nâu sậm của nó thắt bím, buông thõng trên vai, khuôn mặt sáng sủa sạch sẽ, mắt long lanh với vẻ thông minh và nhanh nhẹn, đi đứng kiểu cách, cử động hóm hỉnh, ăn nói nhanh nhảu, sắc bén và quyết liệt. Ở nơi nó không có tí gì là tiêu cực, nó là đứa sống động nhất lớp chúng tôi. Hiếm khi thấy nó trả lời sai, mà thảng nếu có sai lầm chút đỉnh thì mọi người, kể cả cô Gamma đều cảm thấy rằng không, có lẽ là sách sai chứ Alice thì không sai được. Nó hoàn hảo đến khó chịu như vậy đó, và nếu như phải bỏ phiếu, thì hẳn mọi người đều phải nhất trí cao bầu chọn nó là một trong bốn đứa hứa hẹn thành công trong tương lai. Nó là cục cưng của cô giáo, và hẳn nhiên chẳng đứa nào thích nó, đứa nào cũng khó chịu cái kiểu cách hợm người của nó.
Một buổi sáng, với đôi môi run run, cô Gamma nói, Các em làm ơn đứng lên và cúi đầu. Alice đã chết rồi!
Thế là tất cả chúng tôi đều thương tiếc Alice và xúc động, cảm thấy đau khổ và phân vân không hiểu tại sao một con bé mà tất cả mọi người đều kỳ vọng vào nó, lại không còn nữa.
Và thêm một đứa khác đến lặng lẽ như một chiếc bóng, và nó trở thành anh em bầu bạn với tôi, mà tình thương tôi dành cho nó còn có phần hơn cho anh Krikor của tôi nữa, và nó đi vào đời tôi, cuộc đời xưa nay vất vưởng trong cái thế giới tối tăm của cha ông chúng tôi, một cuộc đời đã in dấu khuôn mặt và thằng người của tôi và anh Krikor vào đó. Thằng bé này cũng đến từ những đau thương và thống khổ của cái quê nhà mệt mỏi của chúng tôi. Một kẻ mồ côi, chưa từng biết cười, từ thành phố Van cổ kính và thân yêu, thành phố của riêng chúng tôi, thành phố quê quán của con tim tôi, và tôi biết rằng cơn sợ hãi ái ngại đã làm cho nó im lặng. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật về đời nó (và cũng chính là đời tôi), tôi không bao giờ cảm được như nó về cái sầu thảm mênh mang phủ chụp lên chốn quê cũ của chúng tôi, và khi nó chết ấy là lúc tôi sống, tôi chỉ sống một phần, một phần nào đó thực sự của đời mình khi quay về với nó cùng với cái chết và kỷ niệm, rồi tôi vẫn tồn tại, nhưng tồn tại với nỗi chết luôn sống động trong mình.
Một sáng mùa đông, cửa lớp bỗng mở và ông hiệu trưởng Dickey dẫn vào lớp chúng tôi một thằng nhỏ thó, ăn mặc hơi lạ, tỏ vẻ sợ sệt, và tôi nhận ra ngay nó là người Armenia, vẻ rụt rè của nó có một cái gì làm tôi run lên vì sung sướng, vì tôi cảm biết ngay đó là một người đồng hương của mình, ở nó hiện lên tất cả những biếncố, những ba đào của một vùng đất, và nó bất chấp mọi thứ để có thể sống còn, nhìn nó là để thấy mọi sự đều được an toàn, những giáo đường, những tiếng cười và những bài hát của chúng tôi. Qua nó, tôi nhận ra dân tộc mình, đất nước mình toàn vẹn và bất diệt. Tôi muốn đứng lên và che chở cho nó trước lớp học xa lạ, tôi nhìn nó mê mệt và muốn nó ngẩng lên để thấy và biết rằng, ở nơi đây,giữa chốn xa lạ này đây, nó không hề cô quạnh, nó còn có một người anh em, là tôi đây.
Tôi đến làm thân với nó trong giờ ra chơi ngoài sân trưởng, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng của quê nhà và trở thành bạn thiết ngay, nó kể cho tôi nghe những biến cố nơi quê hương, những ngày thất tán bom rơi đạn lạc, và vô số hình ảnh sống động của một thời chinh chiến.
Sau cùng, nó nói, Tao không sao kể cho mày nghe hết được, nhưng tất cả đã nát tan cả rồi và đến giờ tao cũng không tin là mình còn sống.
Nó theo học một hai năm gì đó, rồi  bỗng nhiên một hôm mẹ tôi gọi tôi đến bên bà và nói, Con có biết thằng nhỏ Gourken từ cùng quê mình đến đây không? Nó chết rồi. Và bà chỉ cho tôi xem một tấm ảnh của nó trên tờ Asbarez, rồi bà đọc bài tường thuật về cuộc đời nó.
Ôi biết nói làm sao! Chính lúc đó và ngay trong căn nhà này, tôi cảm thấy hết một phần đời mình quay về với người bạn thiết ấy cùng biết bao kỷ niệm nơi chốn quê nhà xa lắc. Và cũng chính lúc đó, tôi hầu như đang kề sát bên người anh em và cảm thấy cái chết đang mỗi lúc một sống động trong xương da não tuỷ mình.