Chương Mười

Mùa khô bắt đầu bằng những đợt gió heo may se se lạnh và những tia nắng vàng rực rỡ về buổi sáng. Những cánh rừng le, rừng khộp bắt đầu trút lá để lộ ra  mầu xanh dịu mát của nền trời. Mùa khô đến rồi. Người lính thốt lên. Thế là từ nay chấm dứt những cơn mưa tầm tã đáng nguyền rủa. Chấm dứt những bộ quần áo luôn luôn hôi sì của sáu tháng mùa mưa.. Ngoài đường ô tô, những vũng bùn bắt đầu se mặt. Xe bắt đầu chạy. Không gian như náo động hẳn lên bởi những tiếng động cơ ô tô ầm ì suốt đêm.
Mùa khô!
Những người lính chờ đón nó bằng những niềm vui luôn luôn mới, bằng sự rậm rịch của không gian, bằng sự náo nức trong lòng người. “Mùa khô đến rồi”.Những người lính truyền nhau câu nói đó một cách thầm thì dù nó chẳng có gì là bí mật. Câu nói chưa hoàn toàn đầy đủ. Nó vẫn còn có những chấm lửng đằng sau nhưng với những người lính, chỉ cần nói thế thôi cũng đã là quá đủ. Cái gì nữa sau câu nói đó? Ai cũng hiểu và ai cũng chờ đợi.
Ở những cánh rừng nằm sâu trong vùng địch, thỉnh thoảng lại xuất hiện những tốp người đi thành hàng một. Họ im lặng xuyên đi. Những tốp người ấy thoắt hiện ra rồi lại thoắt biến mất để lại trong cánh rừng, trên những gốc cây, những vết dao găm băm sâu vào thớ gỗ. Kể từ đó, những cánh rừng thao thức chờ đợi. Những đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường đã trở về.
Sâu trong hậu cứ, cuộc sống ở đây trào dậy, chuyển động với một tốc độ phi thường. Những đoàn xe chạy hối hả suốt đêm. Những trung đoàn dự trữ nằm im suốt sáu tháng mùa mưa bắt đầu chuyển động. Những khẩu pháo rời khỏi nơi trú ẩn ra đi. Hơn thế nữa là tiếng động cơ trầm, nặng của những đoàn xe tăng vượt dốc. Tiếng động cơ tăng in đậm trong sự náo nức chờ đợi của mọi người. Nó tượng trưng cho sức mạnh đang lớn lên không ngừng của sự sống ở đây. Mùa khô! Đêm rút lại còn quá ngắn.
Khi những cơn mưa cuối cùng lướt nhanh trong đêm, những trận mưa chỉ đủ tưới ướt mặt đất mà không đủ sức là vẩn đục những dòng suối đã bắt đầu cạn nước thì những người lính đã chuẩn bị sẵn sàng. Ở ban một này cũng thế. Người ta cũng đang chờ đợi ngày lên đường. Hôm qua, trong bản báo cáo gửi lên tiểu đoàn, Sơn đã ghi vào dòng cuối một dòng chữ được tô đậm bằng mực đỏ “ Ban một đã sẵn sàng”.
Suốt một mùa mưa vừa qua, đội phẫu đã lần từng bước theo sát những trung đoàn chiến đấu thế mà sao tất cả vẫn cứ bồn chồn chờ đợi một mùa khô đang tới? Tiếng súng mùa khô chưa nổ nhưng sẽ nổ và nổ vào một ngày rất gần. Những khẩu súng được lau lại. Những dụng cụ ytế được bổ xung.Những chiếc gùi nan đen bóng vì mồ hôi người, vì mưa, vì bùn đất của mùa mưa được thay bằng một loạt gùi mới. Tất cả đang nóng ruột đợi Thành mang mệnh lệnh từ tiểu đoàn về.
-Sao đến tận bây giờ mà chiến dịch vẫn chưa mở nhỉ?
Không nhịn được Trường đã sốt ruột hỏi Sơn. Sơn nhìn khuôn mặt loang lổ những vết sẹo bỏng của Trường  thông cảm với nỗi sốt ruột của anh.
-Chắc cũng sắp rồi.
-Tôi sốt ruột quá.
Trường cúi xuống tỉ mẩn chuốt từng sợi nan gùi đã bóng láng. Sơn ngồi xuống bên cạnh Trường.
-Sốt ruột thì ông cũng không được đi đợt này cơ mà.
Trương ngẩng lên nhìn Sơn chằm chằm.
-Thật quá đi chứ.
Sơn nói nửa đùa nửa thật. Trường thốt nổi nóng. Những thớ thịt trên mặt anh giật giật. Những vết sẹo trên mặt co dúm lại đỏ tía trong thật dễ sợ.
-Các anh không có quyền..
-Nhưng chi bộ có quyền.
Sơn vẫn cố tình trêu chọc. Trường hạ thấp giọng.
-Tôi đi được mà. Anh Thành bị thương thấu bụng như thế mà vẫn đi được đấy thôi.
Nghe giọng nói năn nỉ của Trường, Sơn không nỡ trêu chọc anh nữa. Sơn bỗng nhớ đến câu của Quyết đêm qua khi Sơn bảo Quyết đi điều trị
-Tùy các đồng chí thôi.
Nghe Quyết nói và nhìn vẻ mặt âm thầm của Quyết Sơn ngạc nhiên. Quyết sốt đã hơn một tuần nay. Người anh gầy rộc, tiều tụy trong chẳng khác gì một anh lính mới vào chiến trường bị sốt rét lần đầu. Sống với Quyết đã nhiều, đây là lần đầu Sơn nghe thấy Quyết dùng từ “Đồng chí” khi nói chuyện. Quyết chỉ nói thế rồi cúi xuống không nhìn Sơn. Sự im lặng như có một ý gì trách móc, hờn giận, nhẫn nhục. Tính Quyết vốn thẳng thắn, bốp chát. Quyết bao giờ cũng tỏ rõ thái độ của mình trước mọi quyết định, mọi công việc của tập thể. “Tùy các đồng chí thôi”,sao lần này Quyết lại như thế? Sơn nhìn Quyết hỏi thăm dò.
-Ý kiến của ông thế nào?
-Các anh đã không tin tôi thì việc gì phải hỏi ý kiến tôi nữa?
-Sao anh lại nói như thế? Có việc gì cứ nói thẳng ra xem nào
Quyết ném hòn đất trong tay quay lại phía Sơn. Môi nhếch một nụ cười cay đắng
-Tùy! Các anh quyết định thế nào tôi cũng xin chấp hành.
Quyết đứng lên đi thẳng. Còn lại mình Sơn. Anh ngồi cứ nghĩ mãi về  câu nói của Quyết. Anh ân hận, cảm thấy mình có lỗi với Quyết,.  “Tùy các đồng chí thôi” Câu nói đầy đau sót ấy như một nắm muối sát vào lòng Sơn.
…. Đấy là Quyết. Còn bây giờ là Trường. “Anh không có quyền”. “Tùy các đồng chí thôi”. Cả hai người cùng đòi hỏi nhưng hai câu nói lại trái ngược nhau như nước với lửa. Con người thật đa dạng. Sơn phãi xoa dịu cơn nóng của Trường.
-Đùa thế thôi. Còn phải đợi ông Thành về xem sao đã.
-Bao giờ ông ấy về? Ông ấy đi tập huấn gần hai tuần rồi còn gì.
-Theo kế hoạch thì hôm nay đây nhưng chắc đến chiều thì ông ấy mới về được đến nhà.
Lúc hai người ngồi nói chuyện với nhau là lúc Thành đang trên đường về ban. Cái lạnh se se của buổi sáng làm anh phấn chấn. Trời còn sớm. Mặt trời mới ló ra khỏi hai ngọn núi mà đã chói lọi khác thường. Những giọt sương đêm thỉnh thoảng lại rơi xuống vai Thành lả tả làm anh rùng mình. Một con sóc đang mê mải gặm quả cây, Thấy Thành nó thuăn thoắt leo lên một cành cây cao rồi dương mắt nhìn Thành. Mắt nó tròn xoe, đen nhánh long lanh như hai viên ngọc. Con mắt như có cái vẻ ngây thơ, tinh nghịch, vừa có cái vẻ ngỡ ngàng. Hình như nó muốn hỏi “Đi đâu mà sớm thế? Anh bạn”
-Suỵt!
Thành dậm chân suỵt một tiếng. Con sóc biến ngay vào hốc cây. Một lúc sau, cái đầu thon gọn và cặp mắt đen ướt của nó lại lấp ló sau một cành cây lớn. Thành phá lên cười. Con sóc trông ngộ nghĩnh một cách kì lạ. Lòng Thành thấy vui vui, một niềm vui nhẹ nhàng tưởng như vô cớ. Thành đi, cái que trong tay vung vẩy quật vào những cành là xòa ra hai bên đường. Những giọt sương rơi lộp độp xuống mảnh đất ẩm ướt.
Từ lúc nhận nhiệm vụ trên tiểu doàn, niềm vui trong anh ngày một lớn dần lên. Thành không cảm thấy ngạc nhiên về sự thay đổi này của mình. Hai năm về trước, mỗi lần nhận nhiệm vụ đi phục vụ phía trước lòng anh lại chồng chất những lo lắng bề bộn. Không phải anh sợ. Anh cũng giống như người lính lần đầu vào trận. Không sợ chết đâu nhưng sao trái tim vẫn đập một cách khác thường. Ba năm đã trôi qua, Thành đã dầy dặn hẳn lên. Sao lại thế. Mới chỉ mấy tháng trước anh vẫn còn lo lắng thế mà lần này nhiệm vụ trên giao rất nặng mà lòng anh vẫn thấy thanh thản? Phải chăng những mất mát, những hi sinh, những khó khăn gian khổ mà anh đã vượt qua đã rèn luyện cho anh trở nên dầy dạn làm anh có thể thản nhiên, bình tĩnh trước nhiệm vụ được giao? Không phải! Mà vì hôm nay anh đã tin hơn. Mấy tháng trước dường như mọi mối lo chỉ đè xuống riêng anh nhưng đến hôm nay, mối lo ấy đã san sẻ cho tất cả mọi người. Từ sau hôm cả ban nằm gọn giữa bãi bom B52, Thành bỗng nhận thấy sự lo lắng của mình hết sức vô lý. Trận bom đã làm anh thấy rõ sức mạnh của cả một tập thể. Một tập thể như thế sẽ vượt qua được tất cả. Niềm tin vào mọi người đã cho anh sự thanh thản hôm nay.
Gầm đến ban,Thành rẽ xuống đi dọc bờ suối kiểm tra lại máng nước. Đã gần trưa, cái buốt giá của nước suối đã tan hết. Làn nước mềm mại, trong vắt luồn lách qua những tảng đá sù xì, xám mốc. Một cây chuối rừng mọc nghiêng ra hẳn ngoài dòng nước khoe cái hoa đỏ tươi của nó giữa đám lá xanh ngắt. Thành rút dao găm vòng qua một bụi cây tiến đến chỗ bụi chuối. Anh bỗng dừng lại.
Ngay bên cạnh bụi chuối, Liên vừa tắm xong. Cô gái đang đứng hong tóc. Nép nhanh vào một bụi cây, Thành gần như nín thở. Trên một tảng đá lớn, Liên đứng người nghiêng nghiêng. Mái tóc  xòa xuống che kín cái lưng thon mảnh của cô gái. Nắng đổ lốm đốm trên mái tóc. Cô gái đứng im như đang tự ngắm mình trong dòng nước. Chiếc áo lót cắt rất khéo bó sát lấy người để nổi lên dưới nắng những đường cong mềm mại, gợi cảm của cơ thể. Thành bỗng thấy Liên đẹp. Một vẻ đẹp riêng biệt mà có lẽ ngoài anh có lẽ không một ai nhận ra. Ba năm rồi bây giờ anh mới nhận ra điều này. Sao vậy? Một vẻ đẹp thầm lặng phải sống lâu mới nhận ra nổi và đã nhận ra rồi thì càng ngày càng thấy đẹp hơn. Thành đứng im không dám động đậy. Một tình cảm rất lạ nhen dậy làm anh ngây ngất. Dòng suối hắt nắng lên bụi chuối thành một khoảng sáng lung linh.
Vực thẳm ngăn cách giữa hai người đã được lấp bằng sau lần anh bị thương. Những ngày Thành nằm bất động một mình chịu đựng sự vò sé của các kỉ niệm, Liên đã thường xuyên đến với anh. Có lẽ những mất mát quá lớn của cuộc đời cô gái đã an ủi được Thành. Nỗi đau của anh đã đáng kể gì so với nỗi đau của cô. Trường đã rất thật khi nói với anh “Cái đau khổ của mình có đáng kể gì với những đau khổ mà bao nhiêu người đã phải chịu đựng”. Hôm nay Thành mới hiểu câu nói đó. Và cũng như Trường, anh đã bình tâm lại. Cô gái đã an ủi anh không bằng những lời đầy thông cảm mà bằng sự chăm sóc dịu dàng thầm lặng của mình. Sự chăm sóc ấy đã lên tiếng thay Liên và tiếng nói ấy thấm sâu vào trong anh thành một dòng nước mát làm dịu xuống những vết thương đang nóng rát. Những ngày ấy họ không thấy sợ nhau. Những mất mát đã lấp đi sự ngăn cách cuối cùng giữa hai người. Họ đã đến bên nhau. Và lúc này đây, lúc vết thương cũ đã lành sẹo cho một hạnh phúc mới trỗi dậy, Thành thấy gần Liên hơn bao giờ hết.
Thành im lặng say mê ngắm cô gái. Liên hất mái tóc ra đằng trước, người hơi quay lại. Hình như cô gái đang mỉm cười một mình. Có gì mà cô ta vui vậy? Và sao ngay trong lúc này, nụ cười vẫn giữ nguyên một vẻ lặng lẽ khác thường? Một thoáng thôi, Liên quay lại như cũ. Thành bỗng muốn Liên quay lại một lần nữa để được ngắm nhìn thêm một lần nữa nụ cười đôn hậu mà lặng lẽ của cô. Liên chải tóc. Đầu cô gái nghiêng nghiêng. Mái tóc chảy dài xuống sát mặt nước. Cánh tay để trần, mảnh dẻ lướt nhẹ chiếc lược sừng trên mớ tóc dày mượt đen như mun. Trông cô gái lúc này sao mà nhẹ nhàng, thanh thoát. Con gái đẹp nhất là lúc này đây, lúc cô gái đang chải chuốt cho sắc đẹp của mình.
Đang chải tóc, Liên đột ngột quay lại. Cái cặp tóc cô đang ngậm trong miệng lóe lên một làn sáng trắng. Thành hấp tấp bước ra khỏi bụi cây.
-Anh Thành.
Liên kêu lên không hiểu hoảng hốt hay mừng rỡ. Mặt cô gái đỏ lên rất nhanh. Cái vẻ lúng túng bỗng hợp với màu đỏ đang lan nhanh xuống tận cổ làm Liên càng thêm đẹp. Thành cũng lúng túng. Anh nhìn xuống dòng suối. Nước suối xanh trong in rõ hình chiếc hoa chuối đỏ thắm. Bóng cô gái lồng vào đó chập chờn. Giá mình chặt cái hoa chuối đã có phải hơn không. Thành tự trách mình.
-Tôi….tôi…định chặt cái hoa chuối.
Thành phân trần. Phút ngượng ngiụ tan đi rất nhanh.  Liên hỏi Thành giọng đã tự nhiên trở lại.
-Anh vừa về à?
-Vừa về. Tôi định đi dọc máng xem chỗ nào hỏng thì sửa luôn cả thể
Liên hơi cười nhìn Thành một thoáng rất nhanh. Cái nhìn như có ý bảo “Em biết thừa đi rồi”. Mặt Thành nóng bừng trước ánh mắt ấy.
-Bao giờ thì ban đi anh Thành?
Thành nhẹ hẳn người. Bao giờ cũng thế, chuyện công tác cũng là chuyện dễ nói nhất và là đường thoát ra khỏi sự lúng túng hiệu nghiệm nhất cho những đôi đang có ngầm ý với nhau
-Sắp rồi. ở nhà đã chuẩn bị xong chưa?
-Xong từ lâu rồi.Mọi người đang mong anh về. Mà ban có được bổ xung thêm ai không?
-Được một y sĩ. Xong chưa ta cùng về.
Hai người lội ngược dòng suối về nhà. Thành hơi lùi lại để cho Liên đi trước. Vừa đi anh vừa ngắm nhìn những sợi tóc vương ra bay bay trong gió. Phút ngượng ngùng tan đi nhanh quá làm anh thấy tiếc. Giác như cảm giác ấy kéo dài thêm chút nữa có phải hay không. Bóng cô gái chao động trong nước. Anh vừa đi vừa nghĩ vơ vẩn. Anh muốn kéo cả hai người quay lại những phút ban đầu.
-Thằng Hải có khỏe không?
Thành ngập ngừng không biết nói gì sau tiếng không ấy. Liên! Cô Liên. Hay là….! Muốn. Muốn rất nhiều nhưng không dám. Anh đành hỏi trống không.
-Dạ khỏe. Mấy hôm anh đi vắng nó cứ nhắc anh miết.
Thế còn em. Tiếng “Em” ngọt đằm trong đầu cứ chực buột ra.
Vừa thấy Thành với Liên từ dưới suối đi lên, Sơn nhìn Thành cười, mắt nháy một cách tinh quái.
-Tôi vừa cho thằng Tín đi đón ông. Lại trật rồi. Đường to không đi sao lại lội suối?
-Anh….
-Anh em cái gì. Ngày mai tôi cho rào lòng suối lại mới được.
Mặt Liên đỏ gắt. Cô cầm bộ quần áo ướt chạy vội lên trên nhà. Sơn nhìn theo phát mạnh vào lưng Thành cười khơ khớ.
-Mới lên trưởng ban cũng có khác. Tiến bộ đấy.
-Tôi …đi kiểm tra máng nước vô tình…
-V…ô…ô  ti..i…ình _ Sơn kéo dài hai chữ vô tình rồi chỉ vào bắp chân Thành—Mải tâm sự vụn với nhau đến nỗi vắt cắn căng mọng mà không biết còn vô tình cái nỗi gì?
Thành cúi nhìn xuống. Con vắt ma lanh đã chộp đúng thời cơ lúc anh nấp sau bụi cây mà làm một bữa căng mòng. Thành lấy que gạt con vắt xuống đất, lấy mẩu lá le dịt vào chỗ vắt cắn.
-Oan cho tôi quá. 
- Có oan bằng thị Mầu không?
Sơn cùng với Thành đi về nhà. Vừa đi anh vừa hỏi nhỏ
-Bao giờ đi?
-Ngày kia
-Ngày kia à? Sơn hỏi lại. Anh cười thoải mái—Mình đoán thánh thật đấy. Mà này. Đợt này mình định để cô Liên ở nhà ông thấy thế nào?
-Sao vậy?
Thành hỏi lại. Anh nhìn Sơn ngờ vực. Thằng cha này ma lanh lắm. Hắn định chọc hông mình chắc.
-Cô ta đi phía trước suốt rồi cũng phải để cô ta xả hơi một lần chứ. Với lại lần này vào sâu quá
-Thế cô Nga thì sao? Cô ta cũng chẳng đi phía trước suốt là gì. Con gái thì không vào sâu được à? Ông cẩn thận đấy. Họ mà biết họ lại cạo cho ông một trận trắng gáy bây giờ.
Sơn ngạc nhiên. Mọi bận mỗi khi ai đề xướng việc để Liên lại phía sau  thì Thành bao giờ cũng là người đồng ý đầu tiên. Chính anh cũng đã nhiều lần đề nghị cho Liên chuyển sang ban bệnh xá. Ở đấy công việc nhẹ nhàng và cũng tĩnh tại hơn. Sơn không ngờ lần này Thành lại phản đối việc này. Anh cứ tưởng Thành sẽ dơ cả hai tay đồng ý mới phải.
-Gớm! làm gì mà bênh nhau chằm chằm thế?
Thành quay lại củng vào đầu Sơn một cái rõ đau.
°
°
Ban được bổ xung thêm một y sĩ mới. Khi báo tin này cho Thành viện trưởng Thanh đã vỗ vai anh.
Ưu tiên cho ban một lắm rồi đấy.
-Một thôi ạ, Thủ trưởng?
Mắt Thành chớp chớp mấy cái liền hỏi viện trưởng Thanh giọng không dấu nổi vui mừng
-Chứ con mấy nữa?Chê ít à? Hay là để tôi xuống làm lính ban cậu?
Thành đỏ mặt cười xòa.
-Đâu dám. Thủ trưởng cho anh Luyến sang ban tôi chứ?
-Không! Một y sĩ mới cứng.
Viện trưởng Thanh lắc đầu. Nỗi vui mừng trong Thành vụt tắt ngấm. Anh tiu nghỉu nằn nì.
-Thủ trưởng tính. Nhiệm vụ của ban tôi lần này nặng nề quá. Hay là…---Ngần ngừ một lúc Thành mới nói tiếp—Thủ trưởng cho anh Luyến sang ban tôi. Nếu không tôi e..
Thành ngừng lại.
-E không hoàn thành nhiệm vụ có phải không?
-Vâng
Thành mạnh dạn trả lời. Viện trưởng Thanh không nói gì. Ông rời chiếc bàn làm việc, cúi đầu đi từng bước ngắn trong phòng dáng nghĩ ngợi. Thành hồi hộp nhìn theo ông. Trong anh lóe lên một tia sáng hi vọng. Đang đi đột nhiên ông quay ngoắt lại đứng sững trước mặt Thành.
-Ngày trước khi điều cậu về ban một, anh Sơn cũng nói với tôi những lời cậu vừa nói. Nhưng ba năm rồi ban cậu có lần nào không hoàn thành nhiệm vụ không?
Im lặng một lúc ông nói tiếp giọng trầm buồn. Mắt ông trở nên xa xôi như đang nhớ đến một kỷ niệm nào đó của cuộc đời mình.
-Hồi năm 1946 khi trung đoàn thủ đô rút ra khỏi Hà nội tôi mới chỉ là một chiến sĩ cứu thương. Cứu thương thôi chứ không được như ytá  như bây giờ đâu—Ông nhắc lại một lần nữa—Nghĩa là tôi mới chỉ biết có băng bó. Hồi ấy tôi ở với một y sĩ của trung đoàn, Anh ta tên là Hoàn.. Mỗi lần anh ta làm việc tôi lại lần đến đứng học lỏm. Mỗi lần như thế anh ta lại kiếm một việc gì đó đuổi khéo tôi đi chỗ khác. Anh ta dấu nghề mà. Có lần tôi hỏi anh ta.:” Anh Hoàn này ADRELANINE dùng để chữa gì nhỉ?” Anh ta liền lấy ra một cuốn sách tiếng pháp dày cộp đọc cho tôi nghe một tràng dài. Tôi ù hết cả tai.—Ông cười—Cậu tính hồi ấy bọn mình  chữ quốc ngữ đánh vần còn khó nhọc thế mà anh ta giảng cho mình như thế đấy.---Ông móc túi lấy ra hộp thuốc quấn một điếu. Bật lửa nhả ra một đụn khói mờ mịt—Thế mà kiên trì học lỏm mãi rồi tôi cũng biết cách tiêm. Chỉ mới dám tiêm bắp thôi. Cuối năm ấy, không may một quả đạn pháo làm anh ta bị thương nặng. Tôi nhảy lên khỏi hào, mặc kệ những nòng súng đang nhằm về phía tôi mà nhả đạn đưa được anh ta ra phía sau. Lúc ấy anh ta đã ngất lịm. Tôi tiêm cho anh ta một ống trợ lực. Một lúc sau anh ta tỉnh lại. Anh ta bảo tôi tiêm cho anh ta một ống Peniciline. Tôi lục gần hết túi thuốc đưa anh ta xem mà thứ nào anh ấy cũng lắc đầu. Mãi sau tôi mới lấy đúng thuốc. Tôi hòa nước cất và tiêm luôn cho anh ta mà không thử phản ứng. Cũng chẳng hiểu vì sao anh ta cũng không nghĩ đến việc đó. Có lẽ tại anh ta đang bị choáng. –Ông im lặng bập một hơi thuốc dài. Điếu thuốc cháy đỏ lựng—Thế là anh ta bị phản ứng Peniciline—Ông nói tiếp sau một phút im lặng—Tôi cuống lên không biết mình phải làm gì nữa. Và anh ta đã chết. Tôi nhớ mãi câu anh ta nói với tôi lúc chết:”Tôi chết là do tôi”.
Kể đến đây viện trưởng Thanh dừng lại. Thành nhìn ông, một mái tóc đã bạc gần hết. Những vết nhăn sâu như được khắc bằng dao lên vầng trán và đuôi mắt. Viện trưởng vứt điếu thuốc đã tắt ngấm nói với Thành bằng một giọng buồn buồn như trách móc.
-Thế đấy. Tôi nhớ mãi câu nói ấy. Chính vì thế tôi đã quyết tâm học tập. Nếu anh ta sống lại, gặp tôi,  chắc anh ta sẽ không thể ngờ được tôi đã trở thành bác sĩ viện trưởng phải không?
Thành khẽ gật đầu. Anh hiểu viện trưởng Thanh muốn nói gì. Câu chuyện làm cho anh xúc động. Anh thấy hối hận vì những suy nghĩ ban đầu của mình. Mình có tư tưởng ấy từ bao giờ? Thành tự hỏi. Anh bỗng nhớ lại những ngày đầu tiên anh mới về ban. Thành nhớ đến Tháp và cái chân bị hoại thư của Lương. Nhớ lại tất cả. Sao mình lại có thể như thế?.
-Nhiệm vụ của các cậu trong chiến dịch này rất nặng nề. Chúng tôi biết. Tùy các cậu. Nếu thấy quá khó khăn thì chúng tôi sẽ điều anh Luyến sang bên đó.
-Thôi không cần. Chúng tôi sẽ nhận đồng chí ấy
Thành nói hấp tấp. Viện trưởng cười. Những nếp nhăn trên đuôi mắt ông dãn ra.
-Tôi biết. Thế nào cậu cũng nói câu ấy.
Bây giờ khi nắm tay Văn, người y sĩ mới đến trong tay mình, Thành lại nhớ đến buổi nói chuyện với viện trưởng Thanh. Mặt anh thoáng đỏ. Cố gắng lấy giọng tự nhiên và thân mất, Thành tự giới thiệu
-Mình là Thành. Còn ông?.
Người y sỹ mới đến không biết những gì đã xảy ra trước khi anh đến. Thấy Thành giản dị, thân mật, sự xa lạ ngăn cách giữa hai người bị phá vỡ.
-Tôi là văn.
Trong lúc ngồi nói chuyện với Văn Thành kín đáo quan sát và đánh giá anh chàng theo cách riêng của mình. Văn còn trẻ, khoảng hai ba hai bốn gì đấy. Khổ người anh ta to lớn vạm vỡ..Sức lực như Văn, giá như vào một đơn vị bộ binh hay vận tải thì vào đơn vị nào người ta cũng thu nhận không ngần ngại. Chiến trường ưng những con người to lớn. Nhưng ở một đơn vị chuyên môn như đơn vị này thì đấy chưa phải là điều chủ yếu. Ban đang cần một y sỹ chứ không phải là một chiến sĩ gùi thồ. Hãy biết là được một điểm. Văn mặt vông chữ điền, sần sùi những trứng cá. Mái tóc cắt cua càng làm dô ra cái trán bướng bỉnh. Thằng cha này bướng phải biết đây. Thành nghĩ bụng. Nhưng không sao, Sơn cứng tay lắm.
-Tôi xin về trung đoàn nhưng các ông ấy không cho lại điều về  đây.—Văn lắc đầu tỏ ý ngán ngẩm—Thế nhưng vẫn còn là may đấy. Mấy tay cùng đoàn tôi bị điều hết về bệnh xá của các binh trạm. Ở đấy còn mổ với xẻ cái quái gì
À ra vậy. Thằng cha không thích về đây vì sợ không được phẫu thuật. Thành hơi mỉm cười.
-Ông sợ không được phẫu thuật à? Nhầm rồi. Chỉ sợ sau này mổ nhiều quá ông lại phát sợ thôi. Người ta vẫn gọi bọn tôi là bọn thợ pha mà.
Mắt Văn sáng lên.
-Thật thế hả anh? Nhưng mà làm gì đến lượt tôi.—Văn thở hắt ra một cái.—Những ca nhẹ thì tuyến trung đoàn đã giải quyết. Các ca nặng mới chuyển về đây thì lại anh hay mấy ông y sỹ lâu năm mổ. Tôi làm gì đã đến lượt. Làm cái chân chạy ngoài thật ớn.
Tay này hiếu động lắm. Cũng là cái tốt nhưng e rằng cái xấu lại nhiều hơn. Ngành y, Thành biết, phải là những người chín chắn,điềm tĩnh không bao giờ được nôn nóng. Phải là người biết do dự nhưng không bao giờ được nghi ngờ những quyết định của mình. Những đức tính này ít thấy ở những người hiếu động. Ở họ, thích ngay đấy nhưng rồi lại chán ngay đấy. Dễ dàng tin vào một quýết định táo bạo của mình nhưng cũng dễ bị cuống lên bởi chính cái quyết định ấy. Hăng hái một cách xốc nổi khi thành công nhưng cũng dễ chán nản hoài nghi, tự ty đến mức gác tay dao mỗi lần thất bại. Mà thất bại, đấy là điều không thể tránh khỏi với một người làm khoa học.Thất bại bao giờ cũng đến trước nhất. Thành cay đắng nghĩ đến ca mổ đầu tiên của đời mình. Liên còn đấy.
-Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để anh làm quen với công việc. Nếu anh thực sự là người dũng cảm.
Văn trợn mắt nhìn Thành.
-Anh cho tôi là một người sợ chết?
-Không! Tôi không nghĩ như thế. Nhưng cái dũng cảm của một người y sỹ khác hẳn với sự dũng cảm của  một người lính bộ binh.
“ Anh không sợ chết nhưng cũng không được phép sợ cả cái chết nữa”Thành định nói tiếp câu ấy nhưng anh gìm lại. Anh ta chưa hiểu được điều này. Cũng như mình, trước kia mình có hiểu được điều đó đâu.
Hồi đi đường chín công tác tại một bệnh xá của  một đoàn thanh niên xung phong, một người bác sỹ già đã nói với Thành câu này.Và cũng chính ông đã làm cho anh hiểu câu nói đó. Đêm hôm ấy,Thành đang ngồi nói chuyện với ông thì người y sỹ trực hốt hoảng chạy vào báo cáo
-Cô Tâm ngáp cá rồi.
Thành đứng bật dậy vớ vội cái ống nghe định chạy đi thì người bác sỹ già giữ anh lại. Ông đưa cho Thành một chiếc áo Blu và cũng lấy một chiếc mặc vào. Ông hỏi lại người y sỹ trực bằng một giọng điềm tĩnh gần như lạnh lẽo.
-Ngáp cá rồi à?
Không một chút vội vàng, ông dẫn hai người lên lán cấp cứu. Vừa đi ông vừa hỏi người y sỹ trực diễn biến của bệnh nhân trong những giờ vừa qua. Một cành cây khô vướng vào áo Thành. Anh cầm lấy tà áo giật mạnh. Như cố tình chọc tức anh, cành cây càng quấn vào tà áo nhiều hơn. Người bác sỹ già dừng lại, ông bình tĩnh gỡ hộ anh chiếc áo. Lòng Thành nóng như lửa đốt. Anh chỉ muốn chạy một mạch lên lán xem sao.
Bệnh nhân là một cô gái thanh niên xung phong. Cô bị đái ra huyết sắc tố, một bệnh mới xuất hiện lần đầu tiên ở đây. Mới bước vào lán, Thành biết ngay cô gái không thể qua khỏi. Cô đang ngáp cá.  Miệng cô mở ra hớp từng ngụm không khí như một con cá vừa bị ném lên bờ. Người bác sỹ già tỉ mẩn xem lại cuốn sổ theo dõi nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim của cô gái trong lúc Thành đặt vội ống nghe lên ngực cô. Tai Thành ù đi vì nhịp tim lúc trong, lúc đục, lúc mạnh, lúc yếu. Lúc thong thả điểm từng nhịp một, lúc lại đập hối hả, gấp gáp như vó của một con ngựa đang phi nước đại. Người bác sỹ già chậm chạp đặt ống nghe lên ngực cô gái. Một lúc sau, ông gỡ ống nghe ra nói khẽ.
- Tim mạch trụy mất rồi.
Ba người thức suốt đêm đó bên cô gái. Người bác sỹ già ngồi rất im, thỉnh thoảng ông lại ra những mệnh lệnh cần thiết. Còn Thành anh ngồi sâu vào trong một góc lán. Đầu óc rối bời. Tất cả những kiến thức đã học hiện lên cùng một lúc nhào lộn trong đầu. Chen vào giữa mớ kiến thức đó là khuôn mặt tái mét và cái miệng mở to đang ngáp ngáp của cô gái. Cuối cùng không đủ sức để nghĩ nữa, Thành thả mình ra nghĩ vơ vẩn. Anh nghĩ về cái chết và bỗng thấy thương người con gái không quen biết sẽ chết trong đêm nay vô cùng. Nửa đêm người bác sỹ già quay sang bảo anh.
-Cậu về nghỉ đi để đêm mai còn trực.
Thành đứng dậy về ngay. Quả thật Thành muốn về từ lâu rồi. Không phải vì mệt mỏi mà vì anh tin rằng bệnh nhân nhất định sẽ chết. Anh có ở đây chăng nữa cũng chỉ là để chứng kiến những giây phút cuối cùng của một cuộc đời. Với Thành điều ấy trở thành nặng nề không thể chịu nổi.
Bốn giờ sáng, người bác sỹ già trở về phòng. Thành nhỏm dậy hỏi ngay.
-Cô ta thế nào rồi anh?
-Chết rồi.
Ông cởi chiếc áo Blu treo lên vách, không quay lại, trả lời Thành. Giọng ông vẫn lạnh tanh như cũ. Nghe hai tiếng “Chết rồi”cụt lủn của ông mà Thành thấy gai lạnh cả người. Nói xong ông thổi tắt đèn chui vào màn.
Liền một tuần sau đó những ca như thế xẩy ra liên tiếp. Thành không dám xuống lán cấp cứu nữa. Anh sợ. Chưa bao giờ tỉ lệ tử vong cao như thế. Một trăm phần trăm. Người bác sỹ già đêm nào cũng kiên nhẫn ngồi dưới lán cấp cứu rồi mờ sáng trở về mang theo một cái tin  quá quen thuộc và cũng quá nặng nề. “Chết”. Những đêm như thế còn lại một mình Thành ở nhà. Anh thấy rất chán nghề. Không có gì chán bằng phải cống hiến đời mình cho một nghề nghiệp luôn luôn bất lực trước cái chết, luôn luôn bị giày vò, cắn rứt trước sự bất lực của mình. Mình còn xuống dưới lán mà làm gì? Để chứng kiến cái chết như một người cố đạo đến làm lễ rửa tội cho con chiên trước khi chết hay sao? Anh nằm mà không sao ngủ với một nỗi chán chường đè nặng trong lòng. Đến một buổi sáng, anh sững người khi người bác sỹ già báo tin.
-Cô ta sống rồi
Ông báo tin đó cũng với cái giọng bình thản lạnh lùng như cũ. Thành nhìn ông. Trong đôi mắt quầng thâm, trũng sâu vằn lên những tia máu nhỏ tuyệt nhiên không hề ánh lên một tia sáng nào khác thường. Ông chậm chạp đến bên bàn rót một bát nước. Đột ngột ông bảo Thành.
-Cái dũng cảm của người thầy thuốc khác hẳn với cái dũng cảm của những người lính bình thường. Người thầy thuốc không những không sợ chết mà còn không được phép sợ cả cái chết nữa. - Ông nhấn mạnh vào mấy chữ “Cả cái chết nữa”--.Dám nhận lấy những thất bại day dứt nhất, đấy mới là lòng dũng cảm của một người thầy thuốc. Cái ấy cậu chưa có. Cậu hiểu tôi nói chứ?
Thành gật đầu im lặng. Cũng trong ngày hôm đó, Thành mới biết cũng chính người thầy thuốc già luôn luôn không vội vàng ấy đã đi một quãng đường rừng đầy dốc dài gần  năm mươi cây số trong có tám tiếng để cứu sống một thương binh.
Bây giờ anh đã hiểu điều đó và đã rèn luyện để cho mình có được lòng dũng cảm đó. Còn anh chàng này, Bao giờ anh ta mới có được điều đó?
°
°
- Con ra chú bế
Liên nói với con. Thằng bé quen như mọi bữa, xòe bàn tay bé tý xíu của nó ra theo người thương binh. Anh ta bế nó ra bờ suối ngắt cho nó một bông hoa đỏ chói. Thằng bé cầm bông hoa quay lại nhìn mẹ. Nó toét miệng ra cười. Bông hoa trong tay nó vung vẩy. Hai chú cháu đã đi xa, chỉ còn lại hai người Liên và Luyến. Liên đưa cho Luyến cái túi xách cầm trong tay nói với anh giọng bùi ngùi.
-Anh cho em gửi cái này cho cháu.
Luyến mở cái túi ra xem. Bên trong có mấy bộ quần áo trẻ con cắt rất khéo bằng vải mỏng. Hai chiếc áo len, một chiếc khăn tắm lớn bằng vải bông của Trung Quốc mà viện trưởng Thanh đã cho nó. Đấy là chiếc khăn mà vợ ông đã gửi từ hậu phương vào cho ông. Hai đôi tất trẻ con, mấy miếng xà phòng thơm, một ít đồ chơi linh tinh làm rất khéo bằng mảnh đuya ra, một con búp bê nhựa. Những thứ này chắc là của anh em thương binh đã cho nó. Chỉ có họ mới có thể kiếm ra được thứ đồ  không thể thiếu được này của lũ trẻ con. Lật hai chiếc áo len lên, Luyến thấy mấy hộp sữa nước. Anh cầm mấy hộp sữa ra đưa lại cho Liên
-Cô cầm những thứ này về.
-Em…
-Cô cầm về-- Luyến nói như gắt—Cả cái viện này không nuôi nổi nó hay sao mà cô phải gửi sữa cho nó? Nó là của riêng cô đấy à?
-Có phải sữa của em đâu. Đây là sữa của anh Sơn với anh Thành gửi cho nó đấy chứ.
Liên vội vã thanh minh. Luyến vẫn lắc đầu kiên quyết
- Thế thì cô mang về trả cho các anh ấy. Bảo với họ là cái ban hai này chưa đến nỗi chết đói đâu. Mà có chết đói thì chúng tôi vẫn nuôi nổi nó.
Liên không biết nói gì nữa. Đúng thế. Bé Hải bây giờ không còn là của riêng Liên nữa. Trường đã xông vào giữa đám cháy cứu nó. Thành đã quên vết thương của mình đứng mổ cho nó suốt mấy tiếng liền. Trước mắt Liên như hiện lại khuôn mặt trắng bệch của Thành lúc gục vào tay cô và những giọt máu từ đôi môi rách nát của anh thấm đỏ một vùng trên chiếc áo blu cô đang mặc. Như hiện lại khuôn mặt đen sạm, nứt nẻ, mắt nhắm nghiền của Trường. Còn! Còn rất nhiều nữa. Máu từ trong cơ thể Sơn đang chảy trong huyết quản nó. Liên bồi hồi nhớ hôm cô đang đứng trên buồng tiêm. Mưa như trút nước, Quyết khoác một mảnh ni lông ngắn cũn cỡn chạy lên. Ướt gần hết. Anh giật lấy cái bơm tiêm trong tay Liên nói gọn lỏn.
-Cô về với nó. Để tôi.
Hôm đó, Liên cũng đứng lặng như hôm nay. Thành nói, Trường nói, Sơn nói. Tất cả mọi người ai cũng nói nhưng Quyết có chuyển đâu. Thế mà hôm ấy chính đứa con bé bỏng của cô đã làm Quyết bật dậy chui ra khỏi bọc võng đội mưa đến thay cho cô. Cô đã trở về nhà ôm  cơ thể nóng hầm hập của đứa con mà lòng xốn xang những xúc động. Liên nhớ đến những lần hành quân, nó được chuyền hết từ tay người này sang tay người khác. Vẫn còn. Cái đêm bị B52, cơ thể bé bỏng của nó đã nằm trên tay những người thương binh suốt một ngày một đêm. Một phần máu thịt của Liên đã tạo nên nó nhưng máu thịt của bao nhiêu người đã khác đã bảo vệ nó, đã cứu sống nó. Bây giờ nó không còn là của riêng Liên. Trước tiên, nó thuộc về Ngọc, về Tháp về những người đã chết. Sau đó nó thuộc về những người còn sống, thuộc về Trường, Sơn, Thành…. Cuối cùng nó mới thuộc về Liên. Cũng chính vì thế mà Liên càng yêu con hơn. Đứa con càng trở nên thiêng liêng trong cô.
Hôm nay lần đầu tiên xa con, Liên càng hiểu điều đó. Đứa con là một mảnh đời của cô, là một niềm vui vô tận của cô. Hôm họp quân chính mọi người ai cũng nhất trí để Liên ở lại, chỉ riêng Thành cực lực phản đối. Chính nhờ Thành mà Liên được đỉ trong ngày mai. Nhưng cũng chính anh đề nghị gửi thằng bé lại trạm xá. Lúc ấy Liên rất giận Thành. Cái giận của một người mẹ pha vào đấy sự hờn dỗi của một người con gái đang yêu và cả chút ít sự chua sót, tủi thân của một cuộc đời có quá nhiều nỗi bất hạnh đang ngấm ngầm gặm nhấm trong tâm hồn. Nhất là từ ngày cô yêu Thành. Anh ấy chưa làm bố nên anh ấy hiểu thế nào nỗi lòng của một người mẹ phải xa con.. Anh ấy chẳng hề thương nó, chẳng nghĩ gì đến mình. Nó có phải con anh ấy đâu. Người ta có thể dễ dàng xa nó. Hy vọng làm gì nữa.
Tan họp, Liên về thẳng nhà. Bế bé Hải đang ngủ say vào lòng, những ý nghĩ ấy lại cuộn dậy chà sát cô gái. Liên cúi xuống nhìn con. Thằng bé lúc ngủ sao mà ngoan thế. Đôi môi hồng tươi của nó  hơi trễ xuống để một dòng nước miếng trong suốt chảy dài xuống tận chiếc cằm be bé xinh xinh. Hai tay thằng bé quờ quạng ôm lấy mẹ như nó không muốn xa. Liên cúi xuống áp mặt mình vào mặt con. Hơi thở thằng bé nồng ấm.
-Chưa ngủ à,cô Liên?
Liên ngẩng lên, thấy Thành. Mặt cô sầm xuống. Nỗi hờn giận lên đến cực điểm. Liên muốn nói một câu gì đó thật nặng với anh. Không nói được. Nỗi chua sót bất thần ập đến làm Liên chỉ “Dạ” được một tiếng nhỏ nghẹn. Thành ngồi xuống bên Liên, không biết nói gì. Anh mở túi đựng quần áo của thằng bé đặt ở đầu giường xem tất cả các thứ lại một lượt rồi đặt vào đấy mấy hộp sữa và mấy bánh xà phòng thơm.
-Liên giận tôi đấy à?—Thành hỏi nhỏ. Liên cúi mặt không đáp. Sự chăm sóc của anh làm dịu đi những hờn giận trong cô.—Tôi cũng không muốn xa nó. Nhưng lần này vào rất sâu mang nó đi theo thì rất nguy hiểm. Nếu có điều gì xảy ra với nó thì liệu tôi và Liên có thể sống được không?
Thành nói tiếp giọng buồn buồn. Thấy Liên vẫn ngồi im không nói gì, anh đứng dậy lặng lẽ bỏ ra ngoài. Thành đi rồi, Liên chợt thấy ân hận. Cô muốn gọi với theo “Anh Thành”nhưng lại kìm được. Mặt đứa con nhòa đi, chập chờn như thằng bé đang cười với mẹ.
Mọi người với con Liên như vậy đấy. Bây giờ đến Luyến. Nghe Luyến nói, Liên không làm sao được đành phải cầm lấy mấy hộp sữa. Cô tần ngần nhìn theo hút đứa con.
-Thôi cô về đi không nó lại theo bây giờ.
Luyến dục.
-Thôi em về
Liên chào Luyến rồi vội vã quay đi. Cô không dám quay lại nhìn thêm con một lần nữa.
-Má…Má..
Bé Hải quay lại nhìn thấy mẹ bỏ đi nó cất tiếng gọi. Liên vùng chạy. Tiếng khóc của đứa con theo gió bám riết lấy người mẹ. Ra đến suối, cô gục vào một gốc cây cứ thế khóc nức nở. Quyết đi lĩnh thuốc về qua, thấy thế anh dừng lại.
-Còn khóc cái nỗi gì. Bảo ở nhà với con thì không chịu. Xa con thì lại khóc.
Tuy nói vậy nhưng Quyết lại đưa cô cái khăn mặt của mình.
-Thôi xuống suối rửa mặt đi rồi còn về. Đàn bà các cô thật kì cục
Giọng Quyết cấm cảu, càu nhàu như giọng của một người anh trai khó tính, khô khan nhưng lại rất mực thương em. Liên cầm khăn xuống suối rửa mặt. Khỉ quá. Sao mình lại khóc? Mình cũng kì cục thật. Những vòng tròn loang rộng, sóng từng đợt xô vào những tảng đã nhẵn lì. Lòng người mẹ như mặt nước này, luôn luôn dậy sóng. Liên lại bồi hồi nghĩ đến con. Cô cầm cái khăn đứng thần người dưới suối.
-Xong  chưa?
Trên bờ, Quyết sốt ruột dục. Liên giật mình vội vắt kiệt nước cái khăn bước lên. Quyết xốc lại gùi thuốc trên vai đứng đợi. Họ cùng về nhà