Chương Kết

Đường càng ngày càng bớt dốc. Những cánh rừng gỗ tạp rậm rì chằng chịt những dây leo thưa dần ra, cuối cùng nhường chỗ cho những cánh rừng khọoc bạt ngàn quang đãng mở ra nom thật thích mắt. Những cây khọoc to lớn, lực lưỡng, mùa khô đã trút gần hết lá lao thẳng lên giữa nền trời đầy nắng và gió. Mặt đất bằng lì được trải dưới một lớp lá khô giòn tan như bánh đa mới nướng làm rừng vừa sạch sẽ lại vừa phóng khoáng. Nắng! Ngước nhìn lên chỉ thấy những chiếc lá khọoc cuối cùng đang quắt lại, lay lắt, run rẩy trong những đợt gió dữ dội của cánh Nam. Mới đầu mùa khô mà bầu trời không lấy một gợn mây. Những đám mây đen dày đặc ngự trị bầu trời suốt sáu tháng nay như đã bị mặt trời đốt cháy. Mặt trời không còn rõ nét. Chỉ thấy một vành mờ sáng trắng, lóa lên những vầng lửa hung hãn thiêu đốt mặt đất đã khô cong. Những con suối nhỏ đã cạn hết nước. Lòng suối khô khốc phơi ra những tảng đá trắng mốc lên hơi hầm hập. Họa hoằn lắm mới gặp một vũng nước còn sót lại mà những đám rêu quanh đấy đã bị dẫm nát bởi muôn vàn những dấu chân người, chân thú.
Văn đặt ba lô lên một gốc cây đổ men theo dòng suối đến vũng nước. Một đàn bướm đông nghịt, đủ các mầu sắc đang đậu trên những miếng đất ẩm ướt  giật mình tung lên. Những cánh bướm quạt nắng chấp chới
“ Còn em thương bên tây anh mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ….”
Văn chợt nhớ đến bài hát “Trường Sơn đông, Trường sơn tây” Mà anh rất thích. Chính cái cảnh này đây đã làm anh “Say miền đất lạ” và bây giờ anh đã gặp nó rồi.
Hồi Văn vào là cuối mùa mưa, mùa măng đã qua. Rừng tre chỉ còn lại những cây măng nhọn hoắt, cao vút. Cô gái giao liên một lần nhìn thấy bữa cơm ăn với canh ruốc lèo tèo vài ngọn rau tàu bay của bọn Văn đã bảo.
-Sao các anh không đi lấy măng về mà ăn?
-Măng năm ngoái à, Đồng chí?
Văn đã lém lỉnh hỏi lại. Tất cả cười ồ. Cô giao liên cũng cười một cách dễ dãi.
-Các anh không biết đấy thôi. Đến cuối tháng mười mới hết vụ măng cơ mà.
Bọn Văn ngớ người không biết cô gái nói gì. Về sau hỏi lại mới biết ở Trường sơn này măng có ba vụ. Đầu mùa mưa, những chiếc măng mới nhú lên khỏi mặt đất như những chiếc sừng nghé. Muốn ăn, người ta phải đào xuống đất lấy cả củ măng mang về vụ ấy gọi là vụ măng đào. Vào giữa mùa mưa, những ngọn măng đã mọc khá cao, muốn ăn chỉ việc lấy chân đạp gẫy ngọn măng bỏ vào gùi nên gọi là vụ măng đạp. Vụ này là vụ măng chính. Măng vừa nhiều, vừa ngon lại dễ lấy. Còn bây giờ, những ngọn măng đã mọc cao tít tắp, người ta phải rung cây măng cho ngọn rụng xuống mang về ăn.
-Mà lấy măng rung các anh nhớ phải lấy mũ cứng đội vào không ngọn măng rơi vào đầu thì khốn.
Hôm ấy, cô gái đã bày cho bọn Văn cách bóc măng thế nào cho ngon và “Lúc luộc măng nhớ cho một viên Niva quin vào. Măng sẽ vàng và chóng hết đắng. Nhưng đừng nói với ai là em bảo đấy”
“Hết rau rồi em có hái măng không” Không hiểu chàng lái xe trong bài hát đã nhắn người yêu của mình trong vụ măng nào? Chắc là vụ măng đạp vì măng vụ ấy ngon hơn lại dễ lấy hơn nên chàng lái xe mới thay tiếng “Đạp” bằng tiếng “ Hái” cho duyên dáng.
Buổi chiều hôm ấy văn đã vỉết thư về cho người bạn gái
“ Trường sơn bây giờ đang vào vụ măng rung. Mình vừa đi hái măng về nhớ đến Vân vội vàng viết vài dòng cho Vân”
Chẳng hiểu lấy măng vào vụ này người ta có gọi là đi “Hái măng” như trong bài hát không?. Hái gì mà phải ôm cây măng rung đến vã mồ hôi hột. Văn cũng thấy hơi ngượng khi viết mấy câu này.  Nhưng rồi Văn tặc lưỡi. “Hái” cũng được chứ sao. Đấy chẳng qua là một động từ nói về sự thu hoạch. Mà trong từ điển cũng chẳng ai định nghĩa từ này đâu. Chẳng hiểu trong từ điển người ta có định nghĩa về từ “Hái “ này không nhưng nếu có thì chắc là một định nghĩa sai. Mấy ông ngôn ngữ học ngồi lỳ ở Hà nội làm sao biết được thế nào là “Hái” măng cuối mùa.
Đàn bướm xoay tròn lại như những chiếc lá khô bị một cơn gió xoáy quấn tròn lại với nhau. Chúng từ từ hạ thấp xuống sát mặt nước rồi lại bung ra như những cánh hoa. Văn cúi xuống lấy tay khỏa đám váng gỉ sắt kết thành bọt trên mặt vũng nước, lấy khăn mặt định nhúng xuống
-Đừng! Sau chúng ta còn nhiều đoàn khác.
Nga đứng sau thấy vậy khẽ nhắc. Cô lấy ca Mỹ múc nước  dội cho Văn vò khăn mặt. Văn thấy mình không được bình thường. Có cái gì nao nao khó tả. Anh ngước lên nhìn trộm cô gái một cái rất nhanh. Mặt Nga đỏ hồng vì nắng. Cái cổ thon thon trắng. Cái hóp ở cổ đang phập phồng theo hơi thở. Và. Dưới một chút nữa, một đường cong mềm mại nổi rõ dưới lần vải mỏng đang lên xuống một cách đều đặn. Như bị điện giật, Văn quay vội mặt đi.
Rửa mặt xong, hai người quay trở ra. Nga đi trước, Văn vục vội bi đông xuống vũng nước. Lúc ngẩng lên, Văn bỗng ngẩn người ra. Nga đã đi được một đoạn. Đàn bướm đang quấn quanh cô gái như quấn quanh một bông hoa vừa nở ngát hương. Dưới nắng rực rỡ,những cánh bướm chấp chới, lấp lóa. Hơi nóng bốc lên lay động làm bóng hình của cô gái mờ ảo như thực lại như mơ. Bóng cô gái đổ xuống những tảng đá trơ trọi, trơn bóng.
Văn đứng dậy theo ra. Đến ba lô của mình, anh cầm bi đông hoa lên một vòng.
-Nước nhé
Trường nhẩy bổ ngay lại nhưng Quyết đã nhanh tay giằng lấy. Anh ngửa cổ tu liền mấy ngụm. Chiếc bi đông lần lượt truyền qua tay từng người. Đến Thành, anh đổ nước ra nắp bi đông, uống từng ngụm nhỏ chậm chạp như như để tận hưởng cái trong mát của từng ngụm nước
-Thế nào? Có ngon hơn si rô ở Thủy tạ không?
Trường hỏi. Thành  gật đầu công nhận.
-Tuyệt. Nhưng giá mà có ít đường với vài tinh thể vitamin C của cô Nga bỏ vào thì cà phê bốn mùa trả về tiền.
Nghe nói đến vitaminC, Tín chép miệng liền mấy cái. Nuốt nước bọt đến “Ực” một cái  tán vào ngay.
-Phải đấy thủ trưởng. Cho ít sinh tố C với đường thì anh em lại sức ngay tức thì. Khoảng chục gam chứ mấy.
Thành chỉ ngay vào Nga:
-Tớ thì đào đâu ra. Chủ nhiệm dược ngồi ngay đây thì không hỏi.
-Đâu mà lắm vi ta min thế. Cứ làm như gói mắm kem của nhà anh không bằng
Giọng Nga lanh lảnh.
-Gớm! Người ở đâu ta mà có cái giọng sinh tố C thế không biết. Cho xin cái địa chỉ.
Văn chọc ngay vào. Nga quay lại lườm Văn một cái rất sắc trả miếng.
-Dân cướp cảng đây. Vào chiến trường bốn năm nay  bây giờ mới gặp người đồng hương thứ nhất. Trước em cứ tưởng cả Hải phòng có mỗi mình em đi bộ đội.
Văn tịt mít. Quả thật cả viện gần hai trăm nhân viên tỉnh nào ít nhất cũng có đến hai ba người riêng Hải Phòng của Văn chỉ có mỗi anh là số một.
Gần trưa, cái nắng càng trở nên dữ dội. Mặt trời đã đứng ngay trên đỉnh đầu, cái bóng thu tròn ngay dưới bàn chân. Cả đoàn dừng lại nghỉ ăn cơm trưa. Những nắm cơm vắt, buổi sáng còn mịn màng là thế bây giờ đã khô cong nứt nẻ. Miếng cơm khô cứng, chạm vào đôi môi cũng khô cứng nghe ram ráp như có cát. Không ăn được, những nắm cơm chỉ mới cắn một hai miếng vứt lăn lóc khắp nơi. Chỉ có nước, bao nhiêu cũng không đủ. Mỗi lần ngồi nghỉ, mọi người lại chạy nháo đi tìm nước. Sơn ngồi khuất vào bóng mát của một cây Khoọc lớn kiên nhẫn ăn nắm cơm của mình. Cổ họng anh đắng ngắt, nước bọt khô quánh lại trong miệng. Miếng cơm đang nhai bã bà bà. Rất mệt nhưng không thấy đói. Cả người bải hoải, rã rời. Mỗi lần ngồi nghỉ, nhìn xuống bàn chân, Sơn lại thấy nó đang run lên bần bật.
Cũng như mọi người, Sơn cũng không muốn ăn cơm. Anh định ngồi nghỉ đợi cho anh em ăn xong rồi sẽ đi tiếp nhưng khi thấy Văn cắn một miếng cơm rồi lại nhả ra ngay, vung tay ném nắm cơm đi thì Sơn thấy mình phải ăn. Mình là chính trị viên mà không ăn thì làm sao động viên được người khác ăn! Sơn lấy nắm cơm ra, bẻ từng mẩu nhỏ ăn một cách kiên nhẫn ghê gớm.
Thấy Quyết đứng dậy định ném nắm cơm đi, Sơn vội ngăn lại
-Ông mà cũng thế à?
-Sao?
Quyết ngừng tay quay lại hỏi. Sơn chỉ vào một hố củ mài không hiểu ai đã đào ở ngay bên đường
-Ông đã quên những hố củ mài này rồi sao?
Mặt Quyết tối sầm. Anh ngồi xuống lặng lẽ bẻ nắm cơm thành từng miếng nhỏ cho vào miệng. Văn ngồi cạnh thấy thế tò mò hỏi
-Những hố củ mài thì sao anh Sơn?
-Bảo ông Quyết kể cho mà nghe.
Văn quay về phía Quyết. Không ai bảo ai, mọi người đều dịch lại.
Không! Quyết không thể quên, cũng như những lớp người đầu tiên của ban còn lại như Trường, Sơn,Liên không thể quên. Người ta sao có thể dễ dàng quên đi những tháng năm gian khổ nhất, ác liệt nhất. Những tháng năm mà mỗi một giờ sống, họ lại phải khắc thêm vào trái tim đã chai cứng vì những mất mát, những đau thương của chính cuộc đời mình, những kỉ niệm rỉ máu.. Những kỉ niệm nằm im giữa trái tim của họ và bất chợt, một lúc nào đó, sau một thời gian dài người ta đã tưởng quên nó đi, nó bỗng lại bùng lên khi họ bất chợt bắt gặp ở hiện tại một cái gì đó có những nét giống như một những nét của quá khứ. Như hố củ mài này chẳng hạn.
Những người mới vào chiến trường như Văn, Thành họ sẽ không tin. Và nếu có tin thì họ cũng không thể tưởng tượng nổi có những tháng dài cả ban này không có lấy một hạt gạo. Trên đường dây, thỉnh thoảng lại bắt gặp những người lính gục xuống ngang đường vì đói. Đi năm ngày mới đến nương sắn,lại gùi nặng thế mà ai cũng thích đi chỉ vì một lí do hết sức đơn giản: Đi sẽ được ăn mấy bữa no. Sắn lấy về chỉ dám bóc lớp vỏ gỗ bên ngoài, chặt thành khúc rồi mang luộc. Một khúc sắn chỉ nặng chừng ba lạng mà không dám ăn hết một lúc. Phải bẻ thành những mẩu nhỏ ăn rả rích suốt cả ngày.
Rồi những nương sắn cách mạng cũng hết. Lên nương chỉ thấy những thân cây sắn đã nhổ ngả nghiêng. Những chiếc lá sắn non cũng bị lấy hết.
Thời gian ấy là mùa mưa. Con suối Đắc Rông lũ réo ầm ầm, Con suối đục ngầu phăng phăng cuốn đi những cây gỗ cả người ôm thế mà từng tốp, từng tốp lính vẫn gói quần áo vào ni lông làm phao liều lĩnh vượt sông. Con lũ đã nuốt đi bao nhiêu tốp người đã kiệt sức vì đói khát, vì bệnh tật ngay trước mắt họ. Mặc! Những tốp lính vẫn tìm mọi cách vượt sông một cách lì lợm và gan góc. Biết làm sao! Bên kia sông là kho gạo, bên này sông cả một “Công Trường” (1) đang chết đói.
Quyết vẫn nhớ như in cái lần vượt sông ấy. Vừa thấy một cây gỗ vùn vụt lao đến chỗ Trường như một con trăn khổng lồ, Quyết quạt mạnh tay xuống nước, nhô hẳn nửa người lên khỏi mặt nước gào đến rách họng
-Anh Trường! Gô…ô..ỗ!
Tiếng Quyết bị vùi lấp đi trong tiếng nước réo ầm ầm. Mắt Quyết bỗng tối sầm, người cong lại như một con tôm. Chân tay anh đờ cứng. Trên bờ, Tháp chỉ kịp nhìn thấy cánh tay Quyết dơ lên chới với rồi mất hút giữa xoáy nước đục ngầu.
Lúc Quyết tỉnh lại thì trời đã tối. Anh thấy mình đang nằm gọn trong lòng Trường, bên cạnh một đống lửa đang cháy rừng rực. Hai bàn tay to lớn, chai ráp của Trường đang kiên nhẫn, cần mẫn xoa khắp người anh.
-Đây là đâu?
Quyết hỏi giọng lí nhí. Trường phải ghé sát tai vào miệng Quyết mới nghe rõ
-Sang bên kía sông rồi! sống rồi.
Trường lay lay vai Quyết nói to. Quyết vịn vào vai Trường gượng ngồi dậy. Hai người đã bị dòng nước cuốn đi gần ba cây số. Họ ngồi nghỉ thêm một lúc nữa cho lại sức.
-Tôi tưởng anh bị với cây gỗ rồi.
-Bị là thế nào—Trường cười. Ánh lửa bập bùng soi vào hàm răng trắng lóa giữa đôi môi thâm sịt, tím ngắt vì sốt rét và vì lạnh—Cá kình của biển kia mà. Ngồi im một lúc, trường nói tiếp giọng thành thật—Không có ông thì tôi cũng “Xong” rồi. Nghe ông kêu, mình vội lặn xuống một hơi dài. Lúc nổi lên, nhìn thấy cây gỗ mà lạnh hết cả người.
-Thế sao ông biết mà quay lại cứu tôi?
-Nhờ ông Tháp. Trên bờ, ông ấy gọi tôi khản cả cổ mà tôi chẳng nghe thấy gì. Thế là ông ấy vớ lấy khẩu AK xả cả một băng. Tôi tưởng địch, hốt quá. Nhìn vào bờ thấy ông ấy cuống quýt chỉ vào chỗ xoáy nước. Mà tý nữa tôi chết oan vì ông đấy. Ai lại cứ ôm riết lấy người ta như ôm vợ mới cưới ấy.
-Nếu không thì tôi cũng “Rồi”
-“Rồi” thì chưa chắc nhưng làm rể Hà bá thì chắc là không trật. Ta đi thôi
Trường đứng dậy dập lửa. Hai người cắt rừng tìm đến kho gạo. Lần ấy cũng không được nhiều. Cả ban gần một trăm con người cả nhân viên lẫn thương binh được cấp non một tạ gạo. Bọn Quyết chỉ được vài bữa cơm |”Tráng bao tử” rồi lại củ mài với rau tàu bay. Gạo để dành cho thương bệnh binh. “Quần vợ, mũ con, cơm lon, nước suối” câu này cũng từ ngày ấy mà ra.
Nhưng đấy cũng chưa phải là điều khổ tâm nhất. Những ngày ấy, những người như Quyết khổ một thì những người như Tháp khổ mười. Bây giờ chắc không có ai tin, giữa những năm sáu tám, cái năm mà chúng ta chiến thắng ròn rã khắp toàn miền. Chiến lược chiến tranh đặc biệt bị thất bại, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền nam, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc lại là những năm một viên Kinakrine phải hòa nước cho ba người cùng uống. Là những năm mà một ống Quynin đã có thể cứu sống một mạng người mà kiếm khắp nơi không ra. Ăn không có, thuốc không có, sốt rét lại nhiều. Ngày nào cũng có người chết vì sốt rét ác tính. Đấy mới là điều khổ tâm nhất. Nhân viên đã nhiều lần nhường cho thương binh những mẩu sơ sắn cuối cùng nhưng thuốc không có mà nhường. Tháp gần như phát cuồng. Mặt anh lúc nào cũng khó đăm đăm. Quyết nhớ có lần, chủ nhiệm quân y mặt trận đến viện kiểm tra, Tháp đã ném chiếc ống nghe làm bằng vỏ đạn ba bẩy lên trước mặt ông nói như quát.
-Tôi không chịu nổi nữa! Các anh cho tôi ra cầm súng. Thuốc không có, các anh còn giữ tôi lại cái nghề này làm gì?
Chủ nhiệm quân y mặt trận cầm chiếc ống nghe lên, nhìn Tháp bằng một ánh mắt nghiêm khắc
-Đồng chí hãy cởi cái áo Đảng ra rồi hãy rời bỏ vị trí công tác.—Ông đứng dậy,chìa cái ống nghe ra trước mặt Tháp. Cánh tay ông run bắn. Mắt ông hắt vào mặt Tháp những tia lửa giận dữ--Đồng chí bao nhiêu tuổi đảng?Tính tiên phong, tính lãnh đạo của một đảng viên đồng chí để đi đâu? Trong lúc khó khăn chồng chất như thế này mà dao động. Đồng chí không xứng đáng là một Đảng viên cộng sản. Đồng chí hãy viết đơn xin ra khỏi đảng đi rồi tôi sẽ cho đồng chí đi cầm súng.
Ông mở sắc cốt lấy ra một tờ giấy và một cái bút bi chìa ra cho Tháp. Lùi lại một bước, Tháp kêu lên, giọng lạc đi
-Không! Anh không có quyền
-Tự rời bỏ trách nhiệm nặng nề của một đảng viên. Đồng chí không ra khỏi đảng thì còn ở lại trong đó làm gì?
Ông tiến thêm một bước nữa. Tháp lùi thêm một bước, anh đã lùi sát đến chiếc giường ở góc lán
-Tôi Không phải….
Tháp không nói tiếp được. Như một người kiệt sức, anh ngồi xuống chiếc giường, úp mặt vào lòng bàn tay, người anh run run. Đột nhiên, Tháp đứng vụt dậy. Mắt anh sáng rực.
-Chỉ khi nào chết tôi mới rời bỏ Đảng.
-Nhưng cho đến chết, đồng chí cũng không được phép rời bỏ vị trí chiến đấu mà đảng giao cho mình nếu như đồng chí còn là một Đảng viên
Quyết đã chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh ấy. Sau đó, lần đầu tiên trong anh xoáy lên một câu hỏi “Đảng là gì nhỉ?”
Đảng là một tổ chức của giai cấp công nhân, tập hợp những người ưu tú nhất chiến đấu cho quyền lợi của giai cấp, của dân tộc
Không! Quyết không muốn nghe điều đó. Những câu như thế hoặc tương tự như thế, Quyết đã được nghe nhiều. Nhiều đến cái mức Quyết đã thuộc lòng. Cái mà anh muốn hỏi là còn cái gì nữa ẩn sau một chữ “Đảng” kia để họ có thể nhận lấy tất cả những khó khăn gian khổ, Thậm chí nhận lấy cả cái chết về mình một cách không do dự. Trước kia, Quyết nghĩ về những người đảng viên một cách rất đơn giản. Họ vào đảng vì họ muốn tiến bộ. Hai từ “Tiến bộ” Quyết dùng ở đây là một từ hoàn toàn chỉ có ý nghĩa vật chất. Là cấp bậc, là chức vụ là đi học. Cán bộ đại đội trở lên bắt buộc phải là đảng viên. Cán bộ trung đội, tám lăm phần trăm phải là đảng viên. Không phải là đảng viên sẽ không bao giờ được cử đi học bất cứ cái gì trong quân đội. Phải chăng vì lẽ đó ai cũng cố gắng phấn đấu vào đảng?
Không phải! Nếu vậy thì cái gì đã làm cho Tháp run lên khi người ta nói “Anh không xứng là đảng viên cộng sản” Cái gì đã làm cho Tháp vùng đứng dậy “Chỉ khi nào chết tôi mới rời bỏ đảng”Cái gì làm cho Trường quay lại cứu anh giữa sông nước trong lúc chính mình cũng đã kiệt sức? Không!  Phải còn một cái gì đó nữa không phải là vật chất ẩn dấu trong chữ Đảng đó làm cho tiếng đó chói ngời trong lòng tất cả mọi người mà anh chưa biết. Đấy là cái gi? Không trả lời được, Quyết đi lang thang dọc theo bờ suối, đầu nóng rực. Dọc bờ suối, rải rác những hố củ mài. Có những hố sâu hun hút chẳng khác gì một hố pháo khoan. Quyết đi đào củ mài cũng đã nhiều nhưng chính anh cũng không biết, bằng cách nào mà những người lính đã kiệt sức vì đói khát lại đào được hố củ mài sâu đến thế.
Đang đi,Quyết bỗng đứng sững lại. Chếch về phía bên trái, một người đã chết cứng từ bao giờ, đầu cắm xuống một hố củ mài đã sâu đến ngang ngực.
Hảo! Quyết nhẩy bổ đến bế Hảo lên. Người cô gái cứng đờ, lạnh toát.
Hảo ơi! Quyết lặng đi tê tái. Chiều buông im lặng, hoang vắng. Mặt trời trầm mặc đứng trên đỉnh núi đỏ bầm như một đĩa tiết vừa đông.
Hảo ơi em chết thật rồi sao! Từ rất sâu trong lòng Quyết dội lên một tiếng nức nở. Mới đêm qua thôi em còn hò cho anh nghe một điệu hò quê mẹ, còn nhắc cho anh nghe những đêm trăng bên dòng sông Yên quê ta. Nơi ấy, trong những đêm trăng em cùng các bạn lội ra giữa dòng nước hò vọng sang bờ bên này tìm bạn
 Ơi hò! Thương anh mấy núi cũng trèo.
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Câu hò lắng đi trong tiếng sóng để lại những phút im lặng, rồi từ phía bờ bên kia cất lên tiếng hò khỏe mạnh của một người con trai mà em vẫn mong chờ
Ơi hò! Tiếng ai như tiếng oanh vàng
Tiếng ai như tiếng cô nàng anh yêu
Tiếng hò mênh mang, xao xuyến theo ánh trăng chùm lên xóm làng. Tiếng hò làm ánh trăng thêm trong, cho đêm ngắn lại. Chúng ta biết nhau từ những đêm trăng như thế. ÔI! Có lẽ nào con chim oanh của Nông—Thanh, của anh đã ngừg tiếng hót?
Khi đi mẹ đã dặn rồi
Đi thì có một về đôi mẹ mừng
Chúng ta chưa thành đôi. Anh dấu kín trong lòng anh tình yêu của mình. Anh chưa dám nói, chưa kịp nói.
Quyết bế Hảo vào lòng, bồi hồi nhớ lại dòng sông Yên với những đêm trăng quê anh. Nông Yên là làng của Hảo, Yên bình là làng của Quyết. Dòng sông Yên vô tình lách vào giữa hai làng. Những đêm trăng, anh vẫn nghe được một giọng hò rất cao, rất trong của một cô gái mà anh chưa hề biết tên, biết mặt vút lên thăm thẳm. Cũng như bao chàng trai mới lớn, Quyết thấy lòng mình xao xuyến. Hai làng ở gần nhau nhưng lại ở hai huyện và con sông Yên làm hai xóm nhỏ hóa xa. Đã bao lần Quyết đi đò sang sông mong biết mặt cô gái đêm đêm đã làm anh thao thức nhưng không lần nào gặp được, hoặc đã giáp mặt một đôi lần rồi mà anh không hay. Các cô gái Nông Yên có nhiều, cô nào cũng từa tựa như nhau, thanh và trong như dòng sông nhỏ làm sao anh có thể nhận ra đâu là cô gái đêm đêm vẫn đối đáp cùng anh bên sông? Bẵng đi một thời gian, giọng hò ấy biến mất. Những đêm trăng,anh vẫn cùng với trai làng ra ngồi bên mép nước nhưng anh không hò. Sau những đêm như thế, trở về nhà, Quyết cảm thấy bâng khuâng như cuộc đời mình thiếu đi một cái gì quá thân thuộc. Bồn chồn, Quyết lại sang sông lần nữa, và lần này anh đã biết tên cô gái nhưng cô đã đi xa. Ngừời đó chính là Hảo đây. Năm sau Quyết đi bộ đội. Họ đã gặp nhau trong chiến trường, đã nhận ra nhau bởi dòng sông Yên trong mát. Gió chiều lặng lẽ thổi qua hai người. Ngọn gió khe khẽ ve vuốt mái tóc đã bị cắt ngắn như tóc con trai của Hảo. Quyết phủi nhẹ những mảng đất dính bết trên mái tóc cô gái. Khe khẽ chứ! Hảo của anh đang ngủ. Một giấc ngủ rất say và cô gái sẽ giật mình. Ôi! Mái tóc. Có ai ngờ mái tóc bị cắt ngắn như tóc con trai này là vết tích của một mái tóc dầy óng mượt. Quyết làm sao quên được cảnh Hảo và Liên úp mặt vào mớ tóc dài óng mượt đã bị cắt rời khỏi đầu khóc nức nở. Xà phòng không có, cánh đàn ông còn đỡ, chị em khổ đủ mọi bề. Chấy rận như xung, không ai bắt buộc mà những mái tóc dài cứ lần lượt biến mất khỏi đầu những cô gái. Gạo có hai lạng một ngày nhưng chị em vẫn đề nghị Hậu cần rút xuống một lạng cũng được để thêm vào cho chị em thêm một bánh xà phòng
Quyết đứng dậy, chậm chậm bế Hảo về nhà. Đảng là gì? Phải chăng đảng chính là Hảo đây. Mười ngón tay cô gái sứt sát vì đào bới. Các kẽ móng tay máu trộn lẫn với bùn đất đóng lại đen mầm. Đôi bàn tay sứt sát, tứa máu này đã đào không biết bao nhiêu hố củ mài để nuôi sống đơn vị, nuôi sống anh trong suốt mấy tháng qua. Đảng đấy. Bữa chiều hôm đó, những miếng mài bở tơi trở nên đắng ngắt, nghẹn lại giữa cổ Quyết. Đang ăn, bất giác một dòng nước mắt trào ra rơi xuống bát mài. Quyết buông bát đứng dậy bỏ ra ngoài. Anh khóc!
-Cũng từ đấy, mỗi lần nhìn thấy hố củ mài là tôi lại nhớ đến Hảo. Và tôi sợ mỗi khi nhìn thấy nó.
Quyết kết thúc câu chuyện. Anh ngẩng lên nhìn khắp lượt mọi người. Tất cả ngồi im phăng phắc. Mắt Nga đỏ hoe. Một giọt nước mắt đang từ từ bò trên má cô gái. Nắng trưa chói lọi chiếu và giọt nước mắt ấy làm nó sáng lóng lánh như một viên ngọc. Có tiếng sụt sịt rất nhỏ. Ai cũng phải cố gắng nén một tiếng nức nở trong lòng. Trường, Sơn, Liên ngồi cạnh nhau. Vẻ mặt ba người trầm ngâm. Họ nhớ. Kỉ niệm ngày xưa hiện lên rất rõ trước mắt. Còn! Còn nhiều nữa mà Quyết chưa thể kể hết. Mỗi lần quay lại nhìn quá khứ, các đồng chí ơi đau đớn lắm, nhớ lắm.
Quyết nhìn sang Văn. Trên vầng trán tươi trẻ còn nguyên những gì của hậu phương lớn bây giờ hằn ngang một nếp nhăn. Trên mảnh đất này không chỉ có những mùa măng gọi dậy trong lòng người những nhớ thương da diết, Không chỉ có những đàn bướm bay lèn đá đầy mộng mơ, không chỉ có những cơn mưa tầm tã đầy gian khổ mà còn có những cái chết đầy sức sống. Những cái chết không thể quên. Những cái chết trở thành những tấm gương mà soi mình vào đó mình thấy mình rất rõ. Soi vào đó, bao giờ mình cũng thấy hổ thẹn với quãng đời đã sống của mình. Những cái chết làm cho những người còn sống thêm mạnh mẽ. Sơn đứng dậy. Anh cầm nắm cơm khô khốc dơ lên nói với mọi người
-Ăn đi các đồng chí. Phải dũng cảm mà ăn. Chúng ta phải ăn cả phần của những người đã chết để lấy sức mà làm việc.
Những nắm cơm vứt lăn lóc được thu lại. Miếng cơm càng nhai càng đằm.Vừa ăn, Sơn vừa quay lại bảo Thành.
-Phải tổ chức ăn uống trên đường đi thế nào chứ cứ thế này thì anh em gục hết mất.
Thành gật đầu. Anh cắn một miếng cơm. Phải ăn! Anh thầm nhủ
°
°
Trời tà chiều, cả đoàn bắt gặp một con suối cạn. Quyết đi đầu, anh đặt phịch chiếc ba lô xuống một tảng đá lớn kêu to
-Chốt thôi.
-Mới ba rưỡi chốt gì.
Thành dừng lại xem đồng hồ rồi lấy khăn mặt vừa lau mồ hôi vừa bảo Quyết
-Ông chẳng hiểu cóc khô gì về cánh nam cả. Bây giờ không như hồi mùa mưa ông ở đây đâu. Không chốt ở đây thì đi đến nửa đêm mới có nước—Quyết chỉ vào những chiếc nhà lợp tăng, những chiếc bếp xếp bằng đá đã đen sì mà những đoàn đi trước bỏ lại—Ông không thấy những đoàn đi trước cũng phải chốt lại ở đây sao?
Thành lưỡng lự. Anh không biết Quyết nói thật hay định lòe mình. Cánh nam, Thành mới ở đây có độc một mùa mưa hồi mới vào còn hầu hết đội phẫu hoạt động ở cánh bắc nên Thành mù tịt.  Không khéo vì mệt quá muốn chốt nên hắn muốn lòe mình cũng nên.
-Sao ông biết?
Thành hỏi ngờ vực
Tôi còn lạ quái gì cái đất cánh nam này nữa. Một nửa gót chân của tôi bị mòn ở đây đấy. Khu vực này còn khá. Vào sâu ít nữa, có khi chỉ đi có hai tiếng là đã phải chốt rồi
Mọi người ồn ào hạ ba lô tìm chỗ mắc võng. Chỉ một loáng, những chiếc võng đã căng la liệt giữa các gốc cây. Quyết nằm duỗi thẳng người trên võng miệng phì pèo điếu thuốc lá. Ba lô của anh mở tung vứt bừa bãi trên đám lá mục. Thấy Văn đang loay hoay mắc tăng,Quyết nói với sang
-Mùa khô, mắc tăng làm gì?
-Sương chứ.
-Ối dào! Vẽ. Ông ở với ông Sơn thật hợp. Xem kìa, ông ấy còn làm giá để ba lô nữa cơ đấy. Đến chịu bố ấy
Sơn đang lúi húi đóng mấy cái cọc làm giá ba lô nghe Quyết nói thế dừng tay, ngẩng lên
-Đừng có mà lười. Ông tướng! Mắc tăng lên đi không mai lại lăn quay ra bây giờ
-Lại ốm được cái thằng tôi—Quyết ngồi dậy, kéo tay áo lên, vỗ vỗ vào bắp tay của mình—Mười năm tây Nguyên rồi đấy. Da này ong bò vẽ châm còn oằn kim thì muỗi Anôphen chỉ có mà khóc. Như ông Thành kia kìa, tuần nào cũng hết phòng ba đến phòng bốn mà có thoát khỏi sốt đâu.
-Đừng có nói trạng. Không có mấy chai huyết thanh của cái Nga thì đã chốt gốc le rồi
Quyết không hề lúng túng
-À! Chẳng qua đùa một tý cho nó vui đấy thôi. Lâu không sốt đâm nhớ. Còn bây giờ ai ăn đứt được tớ nào?
Quyết lên gân tay. Những bắp thịt nổi lên cuồn cuộn. Quả thật Quyết chóng lại sức. Mới nửa tháng trước trông anh xanh nhớt, gầy nhom, hai tay chống hai gậy vừa đi vừa run lẩy bẩy thế mà bây giờ trông Quyết đã khác hẳn. To lớn, lực lưỡng. Văn nhìn Quyết bằng con mắt thán phục. Dưới nắng, nước da đen nhẫy của Quyết hồng lên trông chẳng khác gì một bức tượng đồng hun.
Nó thế nhưng chẳng vứt đi đâu đưộc cái dáng dấp của thằng lính B3 cả. Sơn nhìn Quýết thầm nghĩ. Mà cái thằng lính B3 cũng lạ, trộn đi đâu cũng cấm có lẫn. Nhất là những loại lính cựu như Quyết. Không hiểu mấy ông trên ban chính trị đi họp ngoài kia về nói đùa hay nói thật. Thấy các ông ấy bảo:
-Lính ra an dưỡng ngoài hậu phương, không cần phải hỏi người ta cũng nhận ra ngay anh lính B3. Cứ thấy ai lưng gù gù, đi giữa thành phố mà mắt lúc nào cũng nhìn cắm xuống chân như đang leo dốc với đôi môi lúc nào cũng “Hồng tươi” như hai con đỉa trâu là đích thị. Cũng đúng thế thật. Anh lính của một chiến trường lúc nào cũng gù bốn năm chục cân trên lưng vượt hết dốc này đến dốc khác làm gì lưng chẳng gù. Hồi này còn khá. Hồi năm sáu tám Sơn phục vụ ở đường dây C-0-1 ngày nào cũng gặp những toán lính quay ra an dưỡng. Các đoàn của các mặt trận khác thì nào đài, nào đồng hồ, quần áo vi ni lông, còn đoàn của B3 thì tòng teng một cái gùi xuất kích làm bằng bạt lấy được của địch trên lưng. Quần thì bằng vải phin đen may giống hệt quần của phụ nữ, cái mũ giải phóng bạc phếch vì nắng mưa đội chỏng chơ trên đầu. Đúng cảnh quần vợ mũ con. Lính nói cũng chẳng có gì quá đáng.
Sửa soạn xong chỗ nằm, Sơn lấy khăn mặt, cầm dao đi xuống suối. Con suối đã cạn khô, còn lại một vũng nước lớn rất trong rỉ ra từ vách đá. Cánh con trai đang tranh nhau tắm rửa xối nước ùm ùm, nước bắn tung tóe trên những tảng đá. Tiếng Tín quát the thé như một mụ đàn bà lắm điều.
-Dịch ra! Bẩn hết nước ăn bây giờ. Dịch nữa ra. Thế. Thế.
Nghe tiếng Tín, Sơn sực nhớ ra. Anh rẽ xuống vũng nước, móc từ túi quần ra mấy nắm rau dớn, rau tàu bay đã héo, nhàu nát đưa cho Tín
-Ở túi cóc ba lô mình còn một ít môn thục nữa lấy nấu luôn cả thể nhé.
-Anh đi đâu bây giờ?
Tín vui mừng cầm lấy nắm rau hỏi Sơn
-Mình đi ra đây một tý
-Từng này đủ rồi chẳng phải kiếm thêm nữa đâu. Anh tranh thủ tắm rửa còn nghỉ đi một tý.
-Thế cậu?
-Tôi khác. Đây là nhiệm vụ của tôi.
Sơn cười xòa lắc đầu.
-Không phải tớ đi kiếm rau đâu.
Sơn đi ngược dòng suối. Thỉnh thoảng anh lại dừng lại lấy dao phát những bụi cây làm thành một con đường khá rộng. Trường nhìn theo Sơn quay sang bảo với Văn
-Sáng mai lại có thịt tươi ăn rồi.
Sơn cứ đi mãi. Khá lâu sau, anhgặp một vũng nước thứ hai. Sơn đi vòng quanh vũng nước một vài vòng, quan sát kĩ xung quanh vũng nước. Anh gật gù lẩm bẩm
-Đúng rồi! Nhất định là nó
Sơn quẳng dao xuống ngồi nghỉ một lúc rồi lội hẳn xuống vũng nước bắt đầu tắm rửa rồi quay trở lại chỗ nằm.Cơm chưa chín. Trong lúc chờ đợi, anh tranh thủ lấy khẩu súng ra lau. Động tác của Sơn thành thục, thoạt nhìn đã biết ngay đây là một người lính dầy dạn chuyển sang làm công tác chuyên môn. Trải một miếng ni lông xuống đất, Sơn tháo tung các bộ phận của khẩu súng xếp rất thứ tự trên mảnh ni lông. Anh tỉ mẩn lau từng tí một. Xong xuôi, anh mở ba lô lấy ra một chiếc đèn săn làm bằng đầu của một chiếc đèn pin Trung quốc. Anh đội nó lên đầu, thử pin, nâng khẩu AK lên vai, đầu nghiêng nghiêng nheo mắt ngắm qua khe ngắm. Hài lòng, Sơn bỏ súng xuống, tháo đèn nói một mình.
-Đảm bảo chú nai nào lọt vào đèn của tớ thì chỉ một phát chứ không cần đến hai. Cơm chín chưa Tín ơi—Sơn gọi vọng xuống suối—Ăn thôi
-Ăn thôi
Đầu kia tiếng Quyết hò hưởng ứng. Sơn dựng súng vào gốc cây, treo cái đèn lên băng đạn cầm bát đũa chạy xuống.
Mười hai người chia làm hai mâm. Một cái xoong hai mươi vừa chín tới bốc hơi nghi ngút đặt ở giữa. Không khí vui hẳn lên. Đời lính, những bữa cơm dù đạm bạc, gấp gáp đến đâu thì đấy vẫn là những phút đầm ấm nhất. Những phút ấy họ được sống trong không khí gia đình  thương yêu, nhường nhịn. Những lo nghĩ vất vả đã đến với họ trong ngày, sẽ đến với họ trong ngày mai bay biến hết. Những mâu thuẫn, khúc mắc giữa các cá nhân với nhau dù gay gắt đến đâu thì đến bữa cơm cũng đều lắng xuống nhường chỗ cho tình anh em ruột thịt, hòa thuận. Những bữa cơm lính không đủ no trong những năm gian khổ một hạt gạo cõng bốn năm miếng sắn thừa vẫn cứ thừa. Những bữa liên hoan thịt bày ê hề hết vẫn cứ hết. Đời lính có nhiều thứ đáng nhớ và những bữa cơm cũng là một trong những thứ không thể quên. Những người lính được gắn với nhau bằng một thứ keo vô cùng chắc chắn đó là lí tưởng. Những gian khổ, những mất mát hí sinh càng làm cho thứ keo ấy thêm bền chắc. Trong quá khứ xa xưa của những mảnh đời riêng lẻ, những người lính bao giờ cũng có một đoạn nào đó giống nhau. Đấy là những miếng khoai thay cơm những ngày giáp hạt. Đấy là những ngày thôn xóm náo động trong tiếng mõ, tiếng trống thúc thuế, thúc sưu. Là những vết roi lằn ngang dọc trên người dù là ai, ở đâu trong hầm mỏ hay trên đồng ruộng. Là những người chết gục trong nạn đói khủng khiếp năm bốn lăm. Bản thân người lính, có thể có những người không chứng kiến cảnh đó nhưng đời cha, đời ông họ đã chứng kiến và mối thù ấy được di truyền đến đời họ và sẽ còn truyền lại cho mãi mãi sau này.
Xa hơn nữa, họ còn có cả một quãng đường rất dài vô cùng giống nhau. Đấy là một quá khứ vô cùng đau thương, oai hùng suốt bốn nghìn năm của dân tộc. Có tiếng trống đồng Ngọc Lũ vang vọng, tiếng gươm khua trên cửa ải Chi Lăng, tiếng voi gầm và tiếng sóng Bạch đằng. Tất cả những cái đó đã gắn họ thành một khối. Từ cái khối chung đó họ đã chiến đấu và làm nên chiến thắng.
Chỉ một loáng, mọi người đã ăn xong. Nga Liên lúi húi thu dọn nồi xoong mang xuống suối rửa. Những người còn lại chất lên một đống lửa lớn ngồi xung quanh hút thuốc tán gẫu.
Trời tối một lúc khá lâu. Đêm không trăng đầy sao chi chít. Những đêm mùa khô ở chiến trường  thường hao hao giống nhau. Đầy sao, trong và sâu thẳm. Sơn ngửa lên nhìn trời rồi quay sang bảo với mọi người.
-Đêm nay ông trời thương cánh ta đây.
Anh hít mạnh một hơi thuốc, ném mẩu thuốc vào đống lửa đứng dậy.
-Đi đấy à?
Quyết hỏi.
-Ừ
Sơn ừ một tiếng trong cổ, đeo đèn, xách súng đi xuống suối. Đi được một đoạn anh dừng lại.
-Ở nhà bắc sẵn nồi nước lên. Đã nhớ tín hiệu chưa?
-Rồi. Ông cứ đi đi. Mà xuống suối nhớ đừng có bước chân trái. Mà này! Tay không thì đừng có mà vác mặt về đấy.
Sơn cười đầy tự tin..
-Yên tâm! Tớ có bước bằng tay thì mai các  cậu vẫn có một bữa no.
Ánh đèn của sơn quét một vệt dài trong đêm. Một lúc sau, chỉ còn thấy ánh đèn mờ sáng thấp thoáng trong rừng. Trường dục Văn
-Ông xuống múc nước đi kẻo không kịp
-Ông dở bỏ mẹ--Quyết càu nhàu với Trường—Người ta chưa đi mà đã “Được ““ Với chả “Không”
Trường cười.
-Hiếm có người như ông. Thời đại chó lên mặt trăng mà vẫn còn mê tín. Ra cửa không được bước chân trái, không được nói trước được hay hỏng. Còn gì nữa ông nói tôi nghe nốt. Mà Nga này—Anh quay sang phía Nga—Có phải khi pha chế cô mà cầm lọ bằng tay trái thì thuốc bị sốc phải không?
Nga cười rũ gật đầu. Biết là không lại được với cái lưỡi nhọn như kim của Trường và cái giọng chua như dấm của Nga, Quyết vội đứng dậy cầm xoong đi múc nước.
Nồi nước sôi được một lúc khá lâu thì mọi người nghe thấy tiếng súng nổ. Nga vỗ tay reo ầm lên
-Hoan hô
Cô đứng dậy đi lấy đèn pin. Văn vẫn ngồi im bên đống lửa nghi hoặc. Chỉ có độc một tiếng súng.
-Anh đi chặt đòn khênh đi
Nga dục Văn
-Chắc gì đã trúng.
Văn nói trống không. Nga trợn tròn mắt
-Không trúng là thế nào. Chưa bao giờ anh ấy nổ súng mà lại phải về không.
“Cô chỉ bịa” Văn định nói câu ấy thì trong rừng đã vang lên hai tiếng súng dõng dạc. Nga nhìn Văn đắc thắng
-Thấy chưa!
Cô gái cầm đèn pin băng về phía tiếng súng
°
°
Cả ban không ai ngờ đường vào lại đi qua chỗ cũ của ban đã từng ở, đến khi chiếc  hầm mổ đã sụt lở gần hết đột nhiên nhô ra trước mắt mọi người thì tất cả  cùng ô lên một tiếng. Lúc ấy mới là tám giờ sáng..
Ba năm, cảnh vật đã thay đổi quá nhiều. Không thể nhận ra được nơi cũ nếu như không có chiếc hầm mổ với cái cây bống báng đã cụt ngọn mà Trường đã tỉ mẩn khắc lên đó dòng chữ sâu hoắm
BAN 1—ĐT4
Những lối mòn lâu ngày không người đi lại bây giờ đã bị cỏ và những bụi cây dại xóa mất tăm. Những mái lán đen sỉn vì thời gian dấu mình trong những bụi cây rậm rạp. Mái tranh xơ xác, vách đã đổ nát gần hết. Những tấm phên còn lại dựa mình một cách hờ hững vào mấy cái cột run rẩy mỗi khi có một cơn gió lùa qua. Những chiếc hầm kèo đã bị những bụi dây leo che kín hết cửa. Có hầm, đất đã sụt gần hết còn trơ lại những cây gỗ lát hầm đã mục làm người ta nghĩ ngay đến một bộ xương người đã chết lâu ngày. Mặt trời đã lên khá cao nhưng trong khu rừng gỗ tạp rậm rạp này không khí hãy còn ẩm ướt và lạnh.Ánh sáng mặt trời bị những tán lá rừng sàng lọc, xuống dưới mặt đất không còn đủ sức để chảy thành những dòng ánh sáng mà bị hòa loãng vào trongkhông gian. Ánh sáng mờ mờ lạnh lẽo.
Tất cả không ai bảo ai đều dừng lại, nhìn quanh. Những kỉ niệm ẩn trong những ngôi nhà mục nát, hoang tàn nay bỗng bật tung cửa chạy ùa đến với họ.
Liên dựa gùi vào một thân cây đổ thần người nhìn chiếc hầm mổ đã xanh um. Giữa một khoảng đất bằng phẳng, chiếc hầm mổ lùm lên thành một nấm đất trông chẳng khác gì một ngôi mộ lớn đã bỏ lâu ngày. Trong ánh sáng được nhuộm thành màu xanh nhàn nhạt của lá rừng, mặt cô gái bỗng trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Đôi đồng tử mở to như thu lại hết những gì đáng nhớ của ngày xưa. Đôi mắt như đờ dại.
Khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, Thành đã gặp ở đâu?Ở đây! Chính ở đây. Thành bỗng nhớ ra điều này khi một giọt sương đêm còn sót lại trong đám lá nhỏ xuống má anh giá buốt.
“Đừng nói nữa anh Thành! Trong chúng ta không ai có lỗi với anh ấy cả” Câu nói từ lâu lắm mà có lúc anh tưởng đã quên đi chợt vang lên trong đôi mắt, trong cảnh xưa quen thuộc. Người Thành gai lên trong một nỗi xúc động ghê gớm. Một ảo ảnh hiện ra trước mắt. Thành bỏ ba lô, quay lại, cố lấy giọng bình thản nói với Sơn
-Ta nghỉ lại đây một ngày anh thấy thế nào?
-Sao thế?
-Đi mười mấy hôm liền rồi còn gì. Anh em đã mệt mỏi cả.
Dù đã cố gắng hết sức nhưng anh vẫn cảm thấy giọng nói của mình không được bình thường. Nó ngập ngừng, rè rè như ngạt thở, trầm và rung lên một nỗi lo sợ Sơn sẽ không đồng ý.
Sơn chăm chú nhìn sâu vào trong mắt Thành. Ánh mắt nghiêm nghiêm nhưng rất ấm, lấp lánh bên trong một đốm lửa ranh mãnh, tinh đời. Ánh mắt như muốn hỏi “Có thật như thế không hay còn vì một điều gì khác nữa?”
Ánh mắt Thành lúng túng, đứt quãng. Ánh mắt của một người không quen nói dối nhưng không muốn nói thật. Đôi mắt chứa một nỗi đau, một lời thú nhận và một sự ngượng ngập. Mi mắt cụp xuống, Thành quay nhìn sang chỗ khác. Sơn hiểu.
-Mình sợ không đến kịp địa điểm đúng thời gian quy định.
Sơn nói nhỏ, giọng nói chứa đầy một mâu thuẫn đang giằng sé.
-Tôi đảm bảo với anh sẽ đến đúng thời gian. Có khi còn sớm là khác.
Thành nói vội vàng như sợ Sơn không tin vào điều mình đang nói
-Thôi được.
Sơn thở dài. Anh hạ ba lô quay lại kêu to
-Nghỉ thôi
Tiếng nói lanh lảnh của Sơn kéo Liên ra khỏi những kỉ niệm
-Nghỉ ở đây à anh Sơn?
-Ừ! Nghỉ
Sơn vừa vung con dao phát những bụi cây để lấy chỗ mắc võng vừa trả lời.
-Sao lại thế?
-Không biết. Hỏi anh Thành ấy. Thấy anh ấy bảo nghỉ lại
Sơn hất hàm về phía Thành. Liên đi lại.
-Sao lại nghỉ ở đây. Anh Thành?
Thành đang buộc võng, dừng tay, quay lại hơi cười.
-Lạc đường mất rồi. Nghỉ lại tìm đường cái đã. Liên đi tìm chỗ nằm đi.
Đoạn cuối Thành nói rất nhanh. Anh muốn cô gái mau mau rời khỏi chỗ này vì lâu hơn nữa cô sẽ biết là anh nói dối.
Liên cũng biết ngay là Thành không nói thật. Cô bắt gặp anh đưa mắt về phía chiếc hầm mổ rồi lại nhìn mình. Ánh mắt ấm như một dòng suối nước nóng, đầy sự cảm thông. Liên chợt hiểu.
Một nỗi xúc động mạnh mẽ tràn đến xâm chiếm cô gái và cô gái lặng đi trong nỗi xúc động ấy.
Cô đã mất đi một tình cảm vô cùng quý giá, đó là tình cảm của chồng, một tình cảm cháy rừng rực như một ngọn lửa mãnh liệt. Ngọn lửa ấy đã sưởi ấm cho cô và truyền cho cô sức mạnh. Và trước kia, đã có lúc cô nghĩ rằng thiếu nó mình sẽ không thể nào sống nổi. Nhưng cô đã nhầm. Tình cảm ấy mất đi, Liên đã được đền bù bằng những tình thương bao la của đồng đội. Cái đã mất đi và cái được đền bù hai cái không thể so sánh được với nhau nhưng cả hai đều vô cùng quý giá. Nếu tình yêu của chồng là ngọn lửa cháy sáng thì tình thương của đồng đội là một lò sưởi nồng ấm nhưng không phát ra ánh sáng nhưng không bao giờ quá nóng và cũng chẳng bao giờ nguội lạnh.
-Đừng nên như thế. Chúng ta không còn thời gian.
Liên nói nhỏ, giọng lạc hẳn đi nhưng rõ ràng cô gái hiểu rất rõ những điều mình đang nói.
Thành ngạc nhiên. Bao giờ anh mới hết ngạc nhiên về em đây?Anh tự hỏi. Ngay cả lúc này đây em vẫn đủ sức mạnh để chiến thắng tình cảm của riêng mình. Lúc thấy Liên đăm đăm nhìn về chiếc hầm mổ, nơi Ngọc đã hi sinh, Thành tưởng cô ta sẽ không nhận ra điều anh nói dối, hoặc có nhận ra thì cô cũng sẽ im lặng trong sự biết ơn sâu sắc. Sự việc diễn ra trái hẳn với điều Thành dự đoán.
-Không sao đâu Liên. Chúng ta vẫn đủ thời gian. Vả lại, nếu không phải là hôm nay thì biết đến bao giờ chúng ta mới có dịp để đến thăm anh ấy. Anh chỉ tiếc rằng hôm nay  không có bé Hải ở đây cho hai bố con được gặp nhau. Thôi! Em tranh thủ dọn chỗ nghỉ đi tỵ nữa chúng ta sẽ đến thăm anh ấy
Nói xong Thành đi xuống suối  trong óc thầm rủa Sơn một cách thậm tệ. Quỷ sao không bắt thằng cha mặt rỗ ấy đi. Sao hắn không giải thích mà lại đùn ngay cho mình.
Xuống đến suối, anh đã thấy  Sơn đã đứng dưới suối từ lúc nào. Thấy Thành, Sơn nheo nheo cái mũi rỗ nhằng nhịt một cách tinh quái.
-Ái chà! Chào ông bạn.  Hôm qua ăn được gan hùm hay sao mà hôm nay mạnh bạo vậy—Sơn đứng thẳng người, nhắc lại câu nói ban nãy của Thành “Anh chỉ tiếc rằng hôm nay không có bé Hải ở đây cho hai bố con được gặp nhau” —Rồi anh phá lên cười—Đã dám xưng anh cơ đấy
Thành cầm cái khăn mặt thẳng cánh quật vào cái lưng to bè của Sơn
-Ông hiểm nó vừa vừa chứ. Sao ông không giải thích cho cô ta mà lại đùn sang cho tôi?
-Thế tớ chủ trương cho nghỉ hay là cậu? Ai cho nghỉ thì người ấy phải giải thích chứ. Anh chăm sóc chị đến thế là cùng. Mau đi thôi. Tớ sẽ ủng hộ một ôm chè rừng
-Ông đùa dai như quỷ ấy.
Thành đỏ mặt. Anh vục đầu xuống nước để che dấu sự ngượng ngập của mình. Những con cá xúm lại chỗ hai người, có con đớp cả vào chân buồn buồn.. Những con cá mình dẹt nhỏ bằng hai ngón tay nghiêng mình quật đuôi lao đi. Trong nước, người nó phản chiếu ánh nắng, loáng lên như một tia chớp bạc. Không gian nhẹ lâng lâng ấm một mùi thơm của những bụi cỏ tóc tiên mọc rải rác bên bờ.
Hai người quay lên, Sơn kéo Thành về phía võng của mình. Anh mở ba lô lấy ra một ống pháo hiệu bằng nhôm, mở nắp, lấy ra mấy thẻ hương đưa cho Thành. Thành suýt kêu lên vì kinh ngạc. Thằng cha tài thật! Không biết hắn kiếm đâu ra hương ở chốn rừng xanh núi đỏ này?
-Mình đã cho người đi đắp lại mộ cho anh ấy rồi. Ông về chuẩn bị đi, tý nữa tất cả chúng ta sẽ đi viếng mộ anh ấy.
Thành cầm mấy nén hương im lặng trong lòng thầm phục Sơn chu đáo. Thế mà mình không nghĩ ra điều ấy. Anh đứng dậy đi về võng của mình.
Thay quần áo xong,Thành bọc mấy nén hương vào một tờ giấy mỏng rồi đi sang chỗ Sơn.
-Tý nữa cậu sang đưa Liên cùng đi, mình ra chỗ mộ trước xem anh em chuẩn bị thế nào
Sơn đi rồi, Thành đi sang chỗ Liên, trong lòng anh thầm cám ơn sơn đã tế nhị giành cho mình những phút như thế này
-Em xong chưa? Chúng mình đi thôi.
Chao ôi! Sao câu nói dịu dàng thế. Người Liên lâng lâng. Tiếng “Em” này cô đã chờ đợi bao lâu rồi
 
Ngôi mộ đã được đắp lại, gọn gẽ, vuông vắn. Những bụi cây mọc xung quanh mộ đã được phát quang. Lớp đất mới đắp đỏ tươi trong nắng. Tấm bia đã mờ nét. Thời gian đã phủ lên tấm bia một lớp gỉ sắt mầu nâu làm người ta không thể đọc nổi những gì ghi ở trên tấm bia. Một đám mây trắng xốp bay ngang làm cái nắng chói chang của mặt trời dịu xuống. Không gian yên tĩnh bình lặng. Thành có cảm tưởng như chính ngôi mộ này đã làm cho không gian trở nên bình yên.
Trước nấm mộ, mọi người tự động xếp thành đội ngũ, cúi đầu lặng lẽ. Thành bước lên, châm mấy nén hương cắm lên ngôi mộ. Mấy làn khói xanh từ những nén hương bay lên vẽ thành những đường ngoằn ngèo trong không khí. Lên cao, khói hương tỏa ra tạo thành một đám mây mờ mờ, rất nhỏ lơ lửng trên nấm mộ. Khói hưong quyến luyến không muốn rời khỏi nơi đây như tình cảm của những người còn sống. Mùi hương thơm ấm thấm sâu vào tâm hồn mọi người làm không gian lắng xuông, trang trọng thiêng liêng.
Anh hãy yên tâm an nghỉ. Tôi sẽ làm thay phần việc của anh trong cuộc chiến đấu này và trong hạnh phúc của cuộc đời vợ con anh. Thành nhìn vào làn khói hương mờ mờ thầm nghĩ.
Một tiếng chim lảnh lót vang lên. Tiếng chim tan vào thinh không làm tan đi cái không khí nặng nề trong những người đang đứng trước mộ. Đám mây trắng bay qua.Trời bừng nắng. Nắng trùm lên ngôi mộ làm cho làn khói hương mờ hẳn đi. Ngôi mộ đỏ rực như cháy lên trong nắng. Lớp đất mới đắp trên mộ lên hơi lẫn trong làn khói hương xanh mờ. Những tia nắng chiếu qua đấy rung rinh như một bức rèm mỏng làm Thành có cảm giác ngôi mộ như cựa mình chuyển động.
Thành đột nhiên quay lại, nắm lấy tay Liên kéo cô đến sát ngôi mộ. Anh ngồi xuống, kéo cả Liên ngồi xuống theo mình. Mọi người sửng sốt nhưng tất cả vẫn im lặng Không biết Thành định làm gì. Anh móc túi áo ngực lấy ra một mảnh đạn đã xám xịt vì thời gian đưa cho Liên.
-Đây là mảnh đạn đã giết chết anh ấy và găm vào trái tim hai chúng ta. Em hãy vì anh chôn mảnh đạn này theo anh ấy để anh ấy có thể yên lòng.
Nước mắt Liên trào ra. Cô cầm lấy mảnh đạn, đào một cái hố nhỏ trên nấm mộ, đặt mảnh đạn vào đấy và lấp lại
Anh! Xin anh hãy yên lòng
 
Viết tại chiến trường Tây Nguyên năm 1973
Chỉnh sửa tại Hà Nội năm 2009

Xem Tiếp: ----