Chương Ba

Trời sáng mờ mờ cái ánh sáng chưa đủ để nhìn rõ mọi thứ trong lán mà chỉ đủ cho mọi vật trong lán nhô lên dưới hình dạng những vật thể hình khối đen sẫm. Trong lán im lặng, chỉ còn tiếng thở nặng nhọc của người thương binh. Anh ta nằm rất im, thỉnh thoảng mới trở mình và mỗi lần trở mình hai hàm răng lại nghiến vào nhau nghe lạnh cả cột sống. Tiếp theo đó là một tiếng thở dốc ra và sau đó lại hoàn toàn im lặng. Không nhìn thấy cái gì rõ nét cả ngoài cái chân của người thương binh. Trong mầu đen nhập nhoạng, cái chân hằn lên thành một khối trắng toát, bất động. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ chạy một cách đều đặn. tiếng một con dế rên rỉ trong đêm. Tiếng những hạt sương rơi lộp độp ngoài sân. Tiếng sào sạc rồi lặng đi rất nhanh của lá cây còn ngái ngủ.Tất cả những âm thanh đó gieo vào lòng Liên một cảm giác nặng nề.
Ngoài rừng, tiếng gọi nhau khắc khoải của đôi chim ăn đêm chót bóp nghe đã rất gần nhau.. người ta bảo khi đôi chim này gặp nhau thì cũng là lúc trời vừa sáng. Tiếng gọi nhau của đôi chim làm đêm trở nên sâu thẳm.Tiếng chim nghe tha thiết đến não lòng. Chúng lần tìm nhau trong đêm. Gọi nhau đến khản giọng. đến khi trời mờ sáng chúng mới gặp được nhau. Tình tự với nhau được ít phút ngắn ngủi rồi lại chia đôi mỗi con về một núi. Đêm xuống chúng lại đi tìm nhau. Tiếng gọi lan trong đêm sâu, vọng lên triền núi.
Liên ngồi trong bóng tối không thắp đèn dù ngọn đèn ở ngay bên cạnh chỉ vươn tay là với tới. Tiếng chim đêm khắc khoải nhớ mong dội vào lòng cô một cảm giác bâng khuâng. Liên nhớ.
Không có một cái mốc nào cả, tình yêu đến với mình lúc nào Liên cũng không rõ. Chỉ biết rằng trước lúc tự thú nhận với mình, đã có một thời gian dài cô cảm thấy bâng khuâng. Bỗng thấy vui hơn, yêu đời hơn nhưng lại thích ngồi im  để cho những ý nghĩ không rõ nét mong manh như một sợi tơ nhện chăng vương trong lòng. Rồi bỗng mặt đỏ lên khi tự bắt gặp mình đang nghĩ vơ vẩn. Người bỗng thấy nhẹ bẫng..
Cái cảm giác ấy đến với cô sau một thời gian người ta chuyển đến một thương binh bị bỏng nặng. Suốt thời gian nằm ở lán bất động Liên không thấy anh ta rên một lần nào. Mỗi lần thay băng cho anh ta, cô thấy người nổi gai khi bóc những lớp băng dính chặt vào da thịt.Có nhiều lúc lớp băng kéo theo ra những mảnh da xám sịt. Những lúc ấy, hai hàm răng của người thương binh nghiến chặt. Mồ hôi túa ra rất nhanh trên cái trán dô ra một cách bướng bỉnh. Cô không hiểu làm sao anh ta có sức chịu đựng ghê gớm đến vậy. Một lần đang ngồi nói chuyện với cô thì cơn đau ập tới. Anh ta bóp chặt tay Liên đến đau buốt. Mặt tái mét. Người quằn đi. Cô chỉ còn biết ngồi im nhìn người thương binh vật vã trong cơn đau ghê gớm. Thấy Ngọc, tên người thương binh quá đau đớn, Liên mang đến một ống móc phin nhưng anh ta chỉ nhìn cô lắc đầu. Một lúc sau, Ngọc lịm đi và lúc ấy, lần đầu tiên cô nghe thấy  anh ta rên những tiếng rên khe khẽ. Một tuần sau, cô đã thấy anh ta mang ống nước giải đi đổ. Bảo anh, anh chỉ nói
-Tôi không có thói quen nhìn người khác phục vụ mình.
Thương binh về đây thường bị những cơn đau hành hạ nên nhiều người đâm bẳn tính. Có lần khi tiêm can xi cho một thương binh đang tiêm bị chệch ven thế là anh ta thẳng cánh giáng cho Liên một cái tát. Cô bưng mặt khóc bỏ ra ngoài. Một lúc sau khi đã trấn tĩnh lại, cô quay lên lán thì nghe thấy tiếng Ngọc ở bên trong
-Mình ngượng thay cho cậu. Đâu phải chỉ mình cậu đổ máu. Cậu không thấy người ta phục vụ cậu như thế nào à mà cậu có thể hành động như thế? Số máu cậu đổ chả xứng với cái công mọi người phục vụ cậu ở đây đâu.
Trong lán lặng đi một lúc rồi vẫn tiếng Ngọc cất lên. Lần này cô không biết Ngọc nói với mình hay nói với người mắc lỗi
-Cậu đã đánh bao nhiêu trận? Được một chục trận chưa? Mình đây này, mình đã đánh ngót bốn mươi trận. Đã được tặng ba huân chương. Đã năm lần bị thương thế mà mỗi lần nằm viện mình lại thấy mình làm được quá ít. Còn cậu, cậu lại đi hành hung một cô gái. Thật là nhục nhã.
Tiếng một ai đó phẫn nộ kêu lên
-Đánh bỏ mẹ nó đi.
Để tránh một cuộc xô sát, Liên bước vội vào trong lán. Thấy Liên, mọi người im lặng nhìn cô  rồi nhìn người thương binh có lỗi. Mắt họ như đòi hỏi, giục dã người thương binh phải lên tiếng. Liên thấy ngượng trước những ánh mắt thân thiết đang nhìn mình. Cô đến bên người thương binh nhẹ nhàng
-Anh để em tiêm tiếp
Người thương binh lúng túng, ngượng ngập nhìn Liên muốn nói nhưng lại im. Thấy thế Ngọc lên tiếng nói hộ
-Cô Liên này, lúc nãy anh ấy có nóng.Anh ấy và cả lán đều mong cô bỏ qua.
-Lỗi tại em
Liên đỏ mặt lí nhí trả lời. Cô thật sự hết giận người thương binh nóng tính. Ngọc cười tán vào
-Tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Thế thì chia đôi mỗi người một nửa. Tất cả đều cười. Mọi chuyện được xí xóa.
Truớc kia Liên cứ nghĩ rằng tình yêu phải bắt đầu bằng những kỉ niệm. Kỉ niệm kéo hai người lại gần nhau, gắn hai người lại với nhau và lúc xa nhau những kỉ niệm làm cho họ nhớ. Bây giờ cô mới biêt rằng không nhất thiết phải như vậy.Tình yêu đến với cô đột ngột như một tiếng sét. Anh với cô chẳng có một kỉ niệm nào nhưng xa anh cô vẫn nhớ. Nhớ đến da diết, cháy bỏng. Đêm nằm nghe tiếng súng, con tim cô thắt lại vì lo lắng. Anh ấy đang ở đâu? Đang làm gì  và những tiếng súng ấy? Những câu hỏi cứ quẩn đi quẩn lại. Lúc ấy thì cô hiểu: cuộc đời mình không thể thiếu anh. Thế là tình yêu ư? Nhiều lần cô tự hỏi. Không trả lời được nhưng nỗi nhớ cứ tăng lên.
Còn Ngọc, anh không thể ngờ được mình đã để lại một vết hằn sâu trong trái tim một cô gái. Như một cánh chim trời vô tư, Ngọc lại bay đi. Những trận đánh cuốn anh đi. Liên chỉ là một trong số hàng trăm cô gái mà anh đã gặp trong suốt những chặng đường hành quân. Cô gái nào cũng đáng yêu, đáng quý thì làm sao anh có thể nhớ. Chính Liên cũng biết như thế nhưng cô không thể dập tắt đi ngọn lửa của lòng mình. Liên yêu nhưng không tin. Cô không tin tình yêu của mình lại kết thúc bằng một đám cưới. Ngọn lửa ấy vẫn cháy. Không hiểu cái gì  đã giữ cho ngọn lửa ấy cháy trong suốt hai năm.
Hai năm sau kể từ ngày ra viện, Ngọc nhận được một lá thư của một cô gái mang cái tên Liên không quen biết. Trong thư, cô nhắc cho anh nhớ những ngày nằm viện. Nói với anh tình yêu tha thiết, cháy bỏng của mình. Kể với anh những buồn vui đến với mình như với một người thân. Ngọc ngồi nghĩ nát óc vẫn không thể nhớ nổi cô gái tên là Liên vẫn chăm sóc anh hồi nào. Hai năm đã qua rồi, cuộc sống có bao nhiêu thay đổi nhưng cô gái ấy vẫn nhớ tới anh và yêu anh. Điều đó khiến anh xúc động. Anh để trọn một đêm viết thư trả lời. Thư gửi đi rồi mà anh vẫn nghĩ mãi không thôi. Anh bắt đầu dò hỏi những người mới đi viện về cô gái. Mỗi người một ý, anh đã góp lại và dựng lên một cô Liên gần giống với cô Liên thật đang sống ở trên đời.. Và tất nhiên, với hình mẫu đã dựng lên đó, anh hoàn toàn ưng ý.. Câu chuyện đó dù giữ kín như thế nào thì cũng vẫn bị lộ. Chẳng biết những chàng lính trẻ ranh ma đã lần đâu ra câu chuyện giữa hai người. Một lần lên họp ở trung đoàn, chính ủy đã vỗ vai anh  cười mà nói lấp lửng
-Kì này cậu mà đi viện, tớ sẽ gửi kèm theo một bản lí lịch và bảo chính trị viên tiểu đoàn đi theo hộ tống.
Nhưng những trận đánh cứ kéo miết anh về  nơi có tiếng súng. Hai người ngày một xa nhau. Ngọc vẫn thầm mong một này gặp mặt.
Một cô gái không xinh nhưng có duyên ngầm. Rất hiền, ít nói nhưng lại hay cười một mình. Cô ta có một cái răng nanh khểnh nom rất duyên. Toàn xưng em với thương binh và là chiến sĩ thi đua của viện. Đấy là tất cả những gì anh biết qua lời kể của mọi người. Anh háo hức chuẩn bị cho ngày gặp mặt nhưng những chiến dịch cứ như những cơn lốc cuốn anh đi. Biết bao giờ mới gặp?
Nhưng dù là hai đường thẳng song song thì vẫn cứ gặp nhau ở vô cực. Đằng này, bệnh viện với người lính lại không thể song song nên họ gặp nhau. Ngọc bị thương vào nằm viện lần nữa và lần này, khi ra viện anh đã có một người vợ để mà nhớ, mà thương. Cái gùi khoác trên vai đã cảm thấy nặng hơn mỗi lần bước vào trận đánh. Và người lính họ đã thực sự trở thành anh hùng khi mang cả vợ con vào trận.
Còn Liên, cô không thể quen ngay với những cảm giác khi xa cách nên khi Ngọc vác ba lô đi cô cảm thấy chống chếnh. Đêm nằm, thiếu đi hơi thở ấm nóng của chồng. Thiếu đi cái mùi mồ hôi khét nồng trên bộ quân phục đã bạc mầu cô không sao ngủ được. Không được ôm chặt lấy chồng, giấu mặt vào bộ ngực vạm vỡ của anh, cô thấy mình hụt hẫng như thiếu đi một chỗ dựa vững chắc.. Những cảm giác ấy, ngày đầu đè nặng xuống cô. Người chồng như con thuyền, người vợ như bến đỗ. Bến là niềm tin của thuyền, là nơi trao cho thuyền sức mạnh để thuyền ra khơi vào lộng và thuyền trở thành nỗi nhớ mong của bến. Quãng thời gian chung sống với chồng của Liên quá ngắn ngủi. Ngắn tới mức cô không có lấy được một kỉ niệm nào sâu sắc ngoài đứa con. Nhưng nỗi nhớ và tình thương đâu có phụ thuộc vào kỉ niệm.
Từ khi bé Hải ra đời, nỗi trống trải trong Liên giảm bớt. Hơi thở của đứa con thay thế được một phần hơi thở của chồng, đã trở thành một chỗ dựa về tình cảm cho người mẹ. Ngày tháng cứ trôi đi, cô quen dần với cái lo, cái nhớ. Có hàng vạn, hàng triệu người phụ nữ lấy chồng rồi xa chồng ở nhà tần tảo nuôi con. Làm việc và nhớ thương, lo lắng và chờ mong, thèm một ngày sống bên chồng cũng như thèm một lá thư ngắn ngủi. Những cái ấy đã trở thành bình thường nên ít ai nghĩ tới. Những cái phi thường đã trở thành những cái bình thường. Biết đến cái đó, có chăng chỉ có người chồng. nhưng biết làm sao? Anh còn phải đánh giặc. Ngày trở về huân chương chói ngời trên ngực anh còn trên ngực vợ thì không. Người phụ nữ tự hào về chồng mình, còn những hi sinh thầm lặng, những phút nhớ mong cháy bỏng, những ngày lo âu lắng nghe tiếng súng thì người vợ lặng im. Đêm nằm, người chồng lắng nghe tiếng con tim vợ thổn thức. Kéo vợ vào sát mình. Anh muốn nói nhưng không nói được. Anh chỉ còn biết lặng im vuốt ve mái tóc có khi đã chớm bạc của vợ để tỏ lòng biết ơn. Và người vợ cũng chỉ cần có thế.
Liên cũng không có được một đêm như thế.
Người thương binh rên một tiếng rên khe khẽ. Liên giật mình choàng tỉnh. Cô châm đèn rồi đi đến bên người thương binh. Anh nằm nghiêng, cơn đau làm mặt anh co dúm lại, tái đi. Hai vết răng hằn sâu trên đôi môi đã xám lại vì sốt rét. Cô thấy người thương binh này sao giống với chồng mình. Cũng hàm răng nghiến chặt, cũng nét mặt tái đi nhăn nhúm vì đau, cũng răng cắn sâu vào môi để ngăn tiếng rên khỏi bật ra. Liên bỗng thấy yêu đến tha thiết những người lính dạn dày này.
°
°
Lão trời mùa mưa thật là đáng gét lúc nào cũng sụt sịt như đứa trẻ khóc nhè. Mặt lúc nào cũng nặng như chì không lúc nào tươi lên được một phút.
Nga đang ngồi cất nước, cô ngao ngán nhìn ra ngoài trời. Bên ngoài, mưa chăng dày như một tấm thảm. Nhìn ra đồi tranh trước mặt, chỉ thấy một mầu trắng mờ của mưa. Những con gà ướt sũng rúc hết vào các hiên nhà. Ngoài sân, nước đọng thành những vũng nhỏ sủi tăm nhìn chẳng khác một đoàn quân đang xung trận.
Cô lấy thêm mấy thanh củi cho vào bếp. Lửa cháy lem lém. Ánh lửa làm má cô gái hồng lên. Trong chiếc lọ thủy tinh, những giọt nước cất trong suốt nhỏ từng giọt chậm chạp chẳng bù cho ngoài kia mưa đang như trút.
Thành khoác ni lông đi xuống. Anh đứng ở ngoài hiên giũ tấm ni lông cho sạch nước, cẩn thận gạt những tảng bùn đất dính bê bết ở dép rồi mới bước vào nhà. Anh ngồi bên bếp hơ tay lên ngọn lửa.
-Than hồng thế này mà có củ sắn nướng thì tốt.
-Sắn thì khó gì.
Nga đứng dậy đi ra cửa gọi với sang nhà bếp.
-Anh Tín ơi!
Từ trong bếp, Tín ló ra, mắt đỏ kè vì khói
-Cái gì?
-Cho em xin củ sắn
“Huỵch” Củ sắn to tướng gãy làm đôi lăn lóc giữa nhà..Nga dùng dao khoanh một đường xoáy ốc quanh củ sắn cẩn thận bóc lớp vỏ rồi đưa củ sắn cho Thành. Anh gác củ sắn lên hai thanh củi, hơ cho nó khô hết nhựa rồi cứ thế xoay củ sắn cho đến khi nó vàng ươm. Mùi sắn chín bốc lên thơm lựng. Nga tách đôi khúc sắn đưa cho Thành một nửa. Cô gái ăn miếng sắn một cách ngon lành, vừa ăn cô vừa khen
-Dạo này anh nướng sắn tiến bộ đấy.
Hồi mới đến ban này, lần đầu tiên Thành nướng sắn. Anh cứ thế quẳng củ sắn còn nguyên vỏ vào bếp lửa. Đến khi mang ra, củ  sắn đen thui, cháy nham nhở. Thành bẻ củ sắn định ăn thì Nga đi ngang qua trông thấy. Cô giằng lấy củ sắn, nướng cho anh một củ làm mẫu vàng ươm, giòn tan. Cô bảo với anh
-Anh đúng là dân Hà nội.
Mà nào thế đã thôi, chiều đến vác bát xuống nhà ăn, Thành thấy củ sắn của mình treo trước cửa dưới có treo một mảnh giấy đề “ Phó ban nướng”. Thành có thêm biệt hiệu phó ban sắn cũng từ đấy. Bây giờ nghĩ lại vừa thấy ngượng vừa thấy hay hay.
-À! Áo em đan xong rồi đấy.
Đang nhai miếng sắn, Thành dừng ngay lại
-Đâu, cô đưa tôi xem nào.
Nga vào gian trong mang ra hai chiếc áo len trẻ con đưa cho Thành. Anh giở từng chiếc ra xem, săm soi từng tý một ra chiều ưng ý.
-Đẹp đấy,chỉ sợ hơi rộng quá
-Không rộng đâu, em đo kĩ rồi mà.
Thành cẩn thận gói hai chiếc áo vào một tờ báo đặt lên giường. Làm như vô tình anh hỏi.
-Cô Liên có biết không?
-Chị ấy biết thì làm sao?
Nga vặn lại. Thành lúng túng. Anh bẻ một miếng sắn định bỏ vào mồm nhưng lại thôi
-Cô đưa cho cô Liên hai cái áo này nhé.
Nga dẫy nẩy
-Sao lại là em?
Thành đăm đăm nhìn vào ngọn lửa. Ngọn lửa nhảy múa trong hai mắt anh. Anh nói giọng buồn buồn
- Tôi đưa cũng được nhưng chắc rằng cô ta sẽ không nhận đâu. Cô ta sẽ hiểu nhầm những ý tốt của tôi. Cô ta sẽ cho rằng tôi thương hại cô ta. Mà cô ta thì không cần đến sự thương hại ấy.
Thành bực bội ném một mẩu củi vào trong bếp, nói tiếp giọng trầm và lắng sâu. Hôm nay anh mới nói hết những suy nghĩ của mình.
-Tại sao người ta cứ phân biệt về giới tính? Như cô chẳng hạn, tại sao cô ta có thể nói hết những tâm sự của mình với cô mà không thể nói với tôi? Tôi rất khổ tâm khi tôi với cô ta như có một tấm lưới vô hình ngăn cách. Tôi muốn san sẻ nỗi đau của cô ta dù chỉ là chút ít nhưng không được. Cô ta lẩn tránh tôi. Cô ta mở cánh của tâm hồn mình với tất cả mọi người nhưng lại đóng lại với riêng tôi. Tại sao thế? Tại tôi là con trai? Không phải thế. Đối với anh Sơn, anh Trường cô ta lại khác. Vì tôi là nguyên nhân cái tang đau đớn trong cuộc đời cô ta.
-Anh cứ nghĩ như thế thôi.Với em chị ấy cũng có nói gì đâu.
Thành cười cay đắng
-Đối với mọi người có thể cô ta cũng không nói gì vì chịu đựng đã trở thành bản lĩnh của cô ta. Nhưng cô ta có thể nhận sự chăm sóc của tất cả mọi người trừ tôi. Như hai cái áo này chẳng hạn. Nếu cô đưa thì cô ta sẽ nhận còn tôi đưa thì cô ta sẽ cám ơn và từ chối. Tôi thương thằng Hải và thấy mình có trách nhiệm với nó. Có thế thôi.Thật đơn giản nhưng làm sao nói để cô ta hiểu được.
-Nếu chị ấy không nhận của anh thì em đưa chị ấy cũng vẫn trả lại.
-Cô đừng nói là của tôi.
-Em chịu thôi.
Nga chối đây đẩy.
Ngoài đồi tranh mưa trắng trời mù mịt. Những bụi cỏ tranh ngả nghiêng trong mưa. Cảnh vật nhòa đi. Một đám gió xoáy nổi lên chạy lướt trên đám cỏ tranh đổ rạp.. Trong nhà chai nước cất nhỏ từng giọt. Ánh lửa hắt lên soi hồng hai khuôn mặt trầm ngâm. Thành ngồi bẻ vụn mẩu sắn cầm trong tay. Bất giác, anh thở dài, đứng dậy cầm lấy tấm ni lông.
-Anh định đi đâu?
Nga hỏi
-Lên lán cấp cứu. Hôm nay là mấy ngày rồi nhỉ?
-Bốn ngày rồi. Liệu có cứu được cái chân không anh?
-Nếu hết ngày hôm nay mà không việc gì thì cứu được.
Thành quàng ni lông vào người định bước ra cửa thì Nga giữ lại.
-Đi  bây giờ thì ướt hết mất. Trên ấy đã có anh Tháp. Anh chỉ lo không đâu.
Ngần ngừ một lát, Thành kiên quyết lắc đầu. Anh bước hẳn ra khỏi cửa.
-Còn gói áo.
Thành quay lại nhìn Nga.
-Cô không đưa giúp tôi thật à?
-Không!
Nga nói giọng khẳng định
-Cô không thương thằng Hải sao?
Nga im lặng. Cô không biết làm thế nào cho Thành hiểu được ý mình. Anh bị dằn vặt quá nhiều và thậm chí đã hiểu lầm về Liên. Cô muốn nhân việc này để Thành hiểu về Liên hơn. Để anh đỡ bị dằn vặt. Từ hôm nhận đan áo hộ Thành, cô bỗng thấy thương Thành và thương Liên vô hạn.Cô bỗng nảy ra một ý nghĩ mà nhiều lúc cô thấy ý nghĩ ấy thật ngộ nghĩnh, buồn cười. Cô mong Thành với Liên sẽ trở thành một đôi. Tuy biết anh đã có người yêu rồi nhưng không biết tại sao cô vẫn mong như thế.
-Anh vào trong này em hỏi một tý đã.
Thành quay vào trong nhà, bỏ ni lông ngồi xuống. Ngập ngừng một lúc Nga mới hỏi.
-Cái áo ấy là của chị Hà đan cho anh à?
-Ừ. Sao?
-Thế nếu chị ấy biết thì sao?
-Chẳng sao cả.
Nga cười nhìn Thành. Mắt ánh lên những tia sáng ranh mãnh
-Anh không sợ chị ấy gen à?
-Sao lại gen?
-Vì sợ anh vì người mẹ hơn là vì đứa con chứ sao nữa
Thành nhìn Nga, nét mặt lộ vẻ ngạc nhiên
Làm sao cô ta có thể nghĩ như thế? Mà chắc rằng không bao giờ cô ta lại nghĩ như thế đâu.-Ngừng lại một lúc, anh đột ngột hỏi lại Nga –Đặt vào địa vị cô, cô có nghĩ như thế không?
- Sao lại không
-Sao cô lại có thể nghĩ như vậy được?
-Vì em phải bảo vệ hạnh phúc của em.
Thành bật cười.
-Tôi không tin. Nếu người nào cũng nghĩ về hạnh phúc một cách hẹp hòi ích kỉ như thế  thì người ấy sẽ không bao giờ có hạnh phúc.
-Thế anh có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ gặp một người hơn chị Hà không?
-Có chứ.
-Thế lúc ấy thì sao?
-Sao là sao?
-Em muốn hỏi nếu anh gặp một người hơn chị Hà mà người ấy lại yêu anh thì liệu anh có bỏ chị Hà để yêu người ấy không?
-Không!
Thành đứng dậy, cầm lấy gói báo bọc hai cái áo bước ra cửa.
-Thôi tôi đi đây.
Thành đi rồi, còn lại mình Nga, Cô ngồi thần ra bên bếp lửa. Sao mình lại nghĩ quẩn thế nhỉ? Cô gái tự trách mình. Chị Hà chắc phải rất xinh và rất tốt nên anh ấy mới trả lời một cách khẳng định như thế. Nghĩ thương cho chị Liên quá. Mà mình cũng thật dở, anh ấy chưa vợ, ai lại đi đâm đầu vào lấy một cô gái đã có một đời chồng với một đứa con như chị Liên. Con gái bây giờ thiếu gì. Nhưng biết đâu đấy.
Ngọn lửa trong bếp cháy đùng đùng. Lọ nước cất đã tràn từ lúc nào. Nga đứng dậy đi thay lọ. Một cơn gió thổi thốc vào trong nhà làm ngọn lửa réo lên phần phật
°
°
Tháp cẩn thận gỡ nhẹ từng vòng băng trên cái chân bị hoại thư của Lương, người thương binh đã có lần tháo nẹp  vì sợ loét. Tim đập mạnh, những lo âu, hồi hộp lúc tăng lên lúc giảm đi theo từng vòng băng đã ố vàng trong tay. Mọi người dịch lại,chăm chú theo dõi từng động tác rất gượng nhẹ của Tháp. Tháp quỳ một chân xuống nền nhà, đầu hơi cúi xuống, mặt nghiêng nghiêng gỡ một vòng băng bị rối. Một luồng hơi thở dồn dập, nóng hổi lướt ngay sau gáy. Anh quay lại gặp ngay mắt Thành. Hai người nhìn nhau một thoáng rất nhanh rồi Tháp lại cúi xuống. Những vòng băng lại tởi tiếp cởi dần nỗi lo âu của mọi người. Tất cả ai cũng cố len lên phía trước nhưng đều tự giác giành riêng cho Tháp một vòng cung khá rộng để làm việc. Những vòng băng như sải ra vô tận.
Ồ! Một tiếng ồ phát ra cùng một lúc ở tất cả mọi người. Tháp nở một nụ cười rạng rỡ. Chưa bao giờ anh thấy vui đến thế.. Bắp chân đã lộ ra.  Cái mầu xám ngắt, những tiếng kêu ọp ẹp đáng sợ đã biến mất.. Một mầu hồng mờ nhạt rất khó nhận biết đối với người ngoài nghề đã hiện ra. Những lát rạch chưa liền da thỉnh thoảng lại rỉ ra một dòng máu đỏ tươi báo hiệu sự sống vẫn tồn tại  trên cái chân suýt nữa bị cắt bỏ. Tháp hơi dừng lại khi khoảng bắp chân đầu tiên lộ ra. Một niềm vui ập đến rạo rực. Mắt anh chớp liền mấy cái..Vòng cung giành riêng cho Tháp tự nhiên hẹp lại. Tiếng thương binh lao sao hỏi nhau ngoài sân lọt vào trong nhà.
-Có giữ được không?
-Không biết
-Hình như giữ được thì phải
Vòng băng cuối cùng rời khỏi bắp chân rơi xuống đất. Tháp đứng thẳng lên đón lấy ca nước thuốc tím từ tay Thành. Dòng nước đỏ hồng rót đều xuống bắp chân chảy tong tong vào chiếc chậu nhựa. Rưới thêm một lượt kháng sinh, Tháp quay sang Nga đón từ tay cô những cuộn băng mới tinh, cẩn thân băng lại cái chân.
-Bây giờ thì ông yên tâm rồi chứ?
Tháp cười hỏi Lương.  Nét mặt mọi người ngời lên những tia sáng rạng rỡ. Tín từ ngoài len vào, tay cầm một gô cháo hơi còn bốc nghi ngút
-Xong chưa anh Tháp?
-Xong rồi
Tín đặt gô cháo xuống bàn nói với Lương
-Ông  ăn đi cho nóng, cháo gà đấy.
Đang nằm, Lương hơi nhỏm dậy nhìn Tín, môi mấp máy. Một nỗi xúc động trào đến. Anh chỉ nói được một câu “ Cám ơn” cụt lủn. Tháp múc cháo ra bát quay ra bảo mọi người
-Thôi giải tán cho người ta còn ăn.
Mọi người tản đi, trong lán chỉ còn Lương và Tháp.. Lương chống tay định ngồi dậy đón bát cháo nhưng Tháp lắc đầu.
-Ông cứ nằm yên, mình xúc cho.
-Tôi tự ăn được mà.
Tháp ngồi xuống cạnh Lương bón từng thìa cho anh.. Vừa bón anh vừa dỗ dành Lương như dỗ một đứa trẻ
-Cố ăn thêm lấy nửa bát nữa.
Lương lắc đầu.
-No lắm rồi.
-Thì ăn thêm vài thìa nữa vậy.
Tháp rửa bát, úp  xuống bàn đến ngồi bên cạnh Lương. Một nỗi buồn chợt kéo đến.
Ngay từ cái phút ném lưỡi dao mổ xuống khay, khinh bạc quay đi không thèm nghe tiếng Sơn gọi lại, Tháp cứ đinh ninh rằng không có mình tham gia thương binh sẽ chết. Cái chân vẫn còn khả năng giữ lại được thật nhưng tội vạ gì mà lại làm như thế. Vừa vất vả mà lại vừa rất nguy hiểm. Thương binh có thể chết. Thành tích của ban bị mất mà mình còn có thể bị kỉ luật. Tháp ung dung đứng ngoài cuộc chờ đợi. Thành sẽ được một bài học đích đáng về hành động liều lĩnh của mình. Sẽ có thêm một ca tử vong. Thành tích của ban sẽ bị mất. Không sao cả. Sau lần này Tháp sẽ có toàn quyền hành động. Chỉ có những bài học thực tế mới có sức thuyết phục mạnh mẽ mọi người.. Tuy biết thế là ích kỉ nhưng không hiểu sao anh vẫn mong sự việc sẽ xảy ra như thế. Anh chờ một tin vui.
Tháp không độc ác.Anh đã nhiều lần khóc trước cái chết của đồng đội mình. Chín năm trong chiến trường, anh gắn bó với mọi người bằng cái nghĩa máu xương..Cả cuộc đời anh đã phấn đấu giành lấy cho mọi người sự sống. Để giành lấy sự sống cho thương binh anh đã không tiếc bất thứ một cái gì kể cả máu của mình. Nhưng mọi việc chỉ dừng lại ở đấy. Với anh nhịp đập con tim đấy là tất cả còn thân thể con tim ấy như thế náo Tháp hầu như không nghĩ đến.
Tháp đã không vui được lâu. Ngay trong ngày đầu tiên, anh thấy mình đơn độc, thấy mình như bị gạt ra khỏi cái tập thể nhỏ bé mà anh thấy yêu tha thiết. Không một ai chú ý đến anh. Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Thành với cái chân người thương binh đang được cứu chữa. Một người cả đời đứng trong đội ngũ, Tìm thấy sức mạnh của mình trong sức mạnh vô tận của tập thể. Tập thể truyền cho anh hơi thở, truyền cho anh tình yêu thương, cho anh tin vào chính mình. Cái tập thể nhỏ bé này chính là gia đình của anh mà trong cái gia đình ấy anh luôn được coi và tự coi mình là một người anh cả. Nay bị tách khỏi cái gia đình tập thể đó, Tháp bỗng thấy mình trở nên nhỏ bé, trống trải. Anh mới hiểu ra  rằng sức mạnh của mình là  cả một sức mạnh tập thể dựng nên. Lúc ném lưỡi dao, quay lưng lại với công việc, Tháp tưởng rằng mọi người sẽ theo mình. Nhưng không. Mọi việc đã đảo ngược. Bị coi là người ngoài cuộc, anh cảm thấy khổ tâm. Anh chờ và mong mọi người sẽ mời mình. Chỉ cần một lời nói với anh thôi là anh sẽ quay lại với tập thể, lại lao vào công việc, lại trở thành người anh cả trong gia đình. Không ai mời anh. Điều kiện để nhập vào đội ngũ dễ mà lại khó đến vô cùng.
Hai đêm trắng với bao nhiêu ý nghĩ quay cuồng. Tháp tự đấu tranh với mình. Hai con người trong cùng một thân thể Tháp đã đến lúc không thể cùng chung sống. Anh muốn quay lại với tập thể nhưng lại sợ danh dự mình bị sứt mẻ. Bây giờ bỗng dưng lại nhẩy vào thì ngượng mà đứng ngoài thì không được.
Cảm giác đơn độc tăng lên ngày một nặng nề. Tháp chịu không nổi. Hai ngày đêm đã trôi qua,  với cái nhậy bén của một người đã lâu năm trong nghề, Tháp biết rằng cái chân sẽ giữ được. Giai đoạn hiểm nghèo nhất đã qua. Nếu lúc này không nhanh chóng trở thành người trong cuộc thì uy tín của mình sẽ sụp đổ hoàn toàn. Tháp lo lắng theo dõi công việc nhưng bề ngoài vẫn ra vẻ thờ ơ lãnh đạm.
Những gì diễn ra trong Tháp có lẽ chỉ có một mình Sơn biết nên đến hết đêm thứ hai, anh thản nhiên bảo Tháp
-Anh lên trực thay cho anh Thành về nghỉ.
Sơn nói điều ấy thản nhiên như có ý “Những cái gì trong anh tôi đã biết cả rồi. Anh còn chờ gì nữa?”. Tháp hiểu được ý đó và thầm cảm ơn Sơn đã mở lối thoát cho mình.
Bắt tay vào công việc, Tháp lại nhiệt tình, mê say đến quên ăn, quên ngủ. Cũng như Thành, anh lo lắng, suy nghĩ đến những thay đổi rất nhỏ của cái chân. Cuốn mình vào công việc, Tháp lại được sống trong những giây phút sung sướng trong lo lắng. Anh thật sự hạnh phúc khi mọi người vẫn yêu quý mình, vẫn tin mình. Tập thể vẫn dang rộng cánh tay đón anh mà không ruồng bỏ anh. Anh sống lại sau hai ngày đã chết. Hai ngày hai đêm, Tháp không rời người thương binh một phút. Ý thức trách nhiệm đã cuốn hút anh. Lúc bắp chân lộ ra với mầu hồng đã trở lại, một niềm vui dâng trào trong lòng Tháp. Một niềm vui thực sự như thế đây là chiến công của chính mình. Mắt anh đã gặp mắt Thành. Trong men say đến rạo rực của thắng lợi, người ta dễ dàng tha thứ cho nhau tất cả..
Đến bây giờ chỉ còn lại hai người trong lán, cái im lặng kéo Tháp quẩn về với những ý nghĩ cũ xưa.. Vị trí của mình sẽ ra sao sau ca này? Câu hỏi này kéo đến xua đi niềm vui ban đầu trong Tháp. Người có công đầu trong ca này là Thành. Anh ta đã dám đưa thương binh vượt sông  giữa ban ngày quay lại viện. Dám chịu trách nhiệm cho việc quyết định bảo tồn cái chân của mình. Anh ta đã vất vả mấy ngày đêm liền cho cái quyết định ấy. Mình cũng có công đấy nhưng chẳng qua chỉ là kẻ dây máu ăn phần vào hai ngày cuối cùng. Đấy là chưa kể đến việc mình đã phản đối quyết định bảo toàn cái chân.
-Anh nghĩ gì đấy?
Tháp giật mình bỗng thấy ngượng với những suy nghĩ của mình. Mấy ngày đêm khiến Tháp hốc hác hẳn và trầm tĩnh hơn. Lương nằm quay nghiêng hẳn người về phía Tháp, nét mặt bỗng tự nhiên đổi khác. Trong ánh mắt Lương lộ rõ vẻ hoang mang lo sợ. Biết Lương hiểu nhầm về những phút yên lặng của mình vừa rồi, Tháp cười nói
-Cái chân không còn gì đáng lo đâu.
-Anh nói thật chứ?
Lương nhìn xoáy vào mắt tháp.
-Thật.
Lương xoay sang nằm ngửa, luồn hai tay xuống dưới gáy nhìn trân trân lên mái lán Im lặng. Tiếng vo ve của mấy con muỗi len vào giữa hai người.
-Ông có vợ chưa?
-Chưa.
-Chắc yêu rồi chứ?.
-Cái đó thì có.
Lương cười với nụ cười tư lự. Tháp nhìn Lương thấy con mắt người thương binh bỗng sâu hơn. Chắc anh ta đang nghĩ về hạnh phúc. Tháp nghĩ thầm và thấy thương Lương. Không định mà Tháp buột ra một câu an ủi.
-Nghĩ cũng chẳng ích gì. Ối người cụt cả hai chân mà vẫn lấy được vợ.
 Lương xoay hẳn người lại.
-Anh tưởng tôi đang lo nghĩ về chuyện vợ con à? -Lương cười lắc đầu. - Không phải đâu.  Tôi lại không hề nghĩ đến chuyện đó. Tôi đang nghĩ xem ngày mai, khi tôi về hậu phương tôi sẽ làm gì để sống.
-Tất cả thương binh trở về hậu phương họ đều chết?
-Không phải là sống mà là sống như thế nào.
Tháp tặc lưỡi
-Miễn sao còn sống là được.
Lương hơi nhỏm dậy hỏi Tháp bằng một giọng hơi sẵng.
-Anh cho thế nào là sống?
-Nghĩa là trái tim còn đập.
Lương lại nằm xuống. Lặng đi một lát, giọng anh bỗng trở nên xa xôi.
-Ra vậy. Anh đúng là con nhà y gốc. Còn tôi, tôi lại không nghĩ như thế. Trước khi nhập ngũ tôi là một kĩ sư địa chất. Tôi đã đi khắp nơi ở miền Bắc và tôi yêu nghề của tôi. Yêu những bí ẩn của những trái núi, những quả đồi suốt  đời im lặng. Sống mà làm gì khi mà mình bị gạt ra ngoài cuộc sống? -Lương dằn giọng. Tháp im lặng. Lương đã nói đúng cái điều mà hai ngày cô độc vừa qua anh đã nhận ra. - Đối với anh sống nghĩa là trái tim còn đập. Với tôi, sống có nghĩa là mình vẫn còn vị trí trong cuộc đời. –Hình như sợ Tháp không hiểu được điều mình nói, Lương nói thêm-Nghĩa là vẫn còn làm được một việc gì đó cho đời.
-Anh sẽ làm được gì trong nghề địa chất với cái chân cụt này?
-Được chứ. –Giọng Lương sổi nổi hẳn lên – Tôi không đi lộ trình được nữa, kể cũng đáng tiếc nhưng tôi vẫn còn khối việc để làm. Ngồi ở phòng thí nghiệm phân tích mẫu chẳng hạn.
-Thế nếu cái chân này không cứu được nữa thì ông tính sao? Ông sẽ tự tử à?
Tháp vỗ vỗ vào cái chân còn lại. Mặt Lương thoáng tối sầm.
-Cũng chẳng biết nữa.Tự tử à? Không đâu.Tìm lối thoát cho mình bằng mấy viên thuốc ngủ thì hèn quá. Mà tôi yêu đời lắm chứ. Những người lính chúng tôi yêu sự sống đến cái mức dám chết cho cái sống mình yêu. Chết! Kể cũng đáng sợ thật. Nhưng không có vị trí trong cuộc sống, trong đội ngũ còn đáng sợ hơn. Anh thấy không? Chết với hi sinh khác hẳn nhau dù rằng cả hai trái tim đều ngừng đập. Thế cũng chưa đúng hẳn. Có khi trái tim còn đập đấy nhưng vẫn là chết. Đấy là lúc mình vẫn sống nhưng chỉ là một sự sống thừa. Lúc ấy sống trở thành một điều đáng sợ.
Lương ngừng lại nhìn Tháp. Đôi mắt sâu như một câu hỏi “Anh có thấy đúng như thế không?”. Tháp quay đi tránh không nhìn vào mắt Lương. Lương đã nói đúng cái điều lâu nay anh vẫn dấu kín. Như thế mới là sống. Từ trước đến nay mình chỉ tránh cho trái tim ngừng đập mà không tránh cái chết. Anh thầm nghĩ.
Bên ngoài, mặt trời sé nát những đám mây đen nặng trĩu đổ xuống một thác nắng. Luồng ánh sáng rực rỡ nhảy nhót trên những tán lá còn ướt đẫm vì mưa, trải ra những khoảng vàng trên mặt đất còn ướt sũng. Một tia sáng mảnh lọt qua mái lán rọi vào trong nhà như một sợi tơ vàng óng vừa được kéo ra từ nồi kén. Một con chim lên tiếng hót. Tiếng hót ngân nga uyển chuyển quyện vào tia nắng.
Lương nhìn ra ngoài cửa tư lự. Anh ta đang nghĩ gì?Cuộc đời có bao nhiêu điều đáng phải suy nghĩ nhất là khi người ta đã trở thành tàn phế. Hôm nay và ngày mai, công việc đã làm,sẽ làm và hạnh phúc.Anh ta còn phải nghĩ rất nhiều nhưng không có gì phải ân hận về một quãng đời đã qua của mình. Một người tàn phế về thể xác nhưng toàn vẹn về  tinh thần. Còn mình thì ngược lại.Trước mặt Tháp hiện lên dáng đi chập choạng của người thương binh bị anh làm đứt dây thần kinh định hướng và sự chăm sóc thầm lặng đến cay đắng của Thành. Người thương binh đó hiện đang ở đâu và làm gì? Và anh ta sẽ nghĩ gì về mình nếu như anh ta biết được sự việc đã diễn ra trên bàn mổ?. Cả anh chàng Lương này nữa. Nếu anh ta biết được sự việc đã xảy ra thì anh ta sẽ nghĩ gì?.
Tháp đặt tay lên vai Lương. Lương nắm lấy tay Tháp.
-Cám ơn anh đã giữ lại cho tôi cái chân. Chính anh là người đã cho tôi một vị trí trong cuộc đời.
-Đừng cám ơn tôi. Tôi…..
-Tôi biết, đây là công lao của cả tập thể nhưng trong đó anh là người chủ trì.
Mặt Tháp đỏ bừng rồi trầm hẳn xuống. Anh buồn bã lắc đầu.
--Tôi định cắt nốt cái chân của anh để cầu toàn, để giữ danh tiếng cho tôi. Tôi phải cám ơn anh. Hôm nay anh đã nói cho tôi hiểu thế nào mới là sống. Trước kia tôi cứ nghĩ “ Sống nghĩa là trái tim còn đập”. Tôi đã định giết chết anh nhưng anh Thành đã giữ tay tôi lại.Anh phải cám ơn anh thành. Anh ấy đã hai lần cứu sống anh, một lần dám đưa anh vượt sông giữa ban ngày, một lần dám quyết định giữ cái chân này lại.
-Từ trước đến giờ anh vẫn mổ cho thương binh với ý thức cầu toàn như vậy?
-Thế đấy
-Có nghĩa là anh đã giết chết nhiều người trước khi định giết chết tôi?
Tháp rùng mình. Câu Lương hỏi sao mà tàn nhẫn. Anh lặng lẽ gật đầu. Hai người lặng im một lúc lâu.
-Cuộc đời ai chẳng có sai lầm. Nhưng sai lầm của anh thật đáng sợ.
-Và còn đáng ghê tởm nữa.
Tháp nói thêm. Hai người lại lặng im. Nói được điều này với Lương, Tháp thấy lòng mình nhẹ hẳn.
-Dù sao anh cũng đã biết được điều ấy và cũng chưa có gì là muộn.
Tháp nhìn Lương  xúc động xen lẫn kinh ngạc. Những người lính, họ có thể độ lượng đến mức ấy sao?
°
°
-Máy bay đâ..â..ấy.
Sơn đứng ở dưới suối lấy tay làm loa gọi vọng lên nhà bếp. Anh nép hẳn vào bụi nứa mọc sát bên suối quay người về hướng có tiếng máy bay chăm chú quan sát. Sương mù bắt đầu tan. Những dảnh sương mù kéo dài uể oải, lười nhác trườn dưới đám lá rậm rủ nhau đi trốn những tia sáng của mặt trời. Những tia nắng sau khi đã khó nhọc băm nát biển sương mù dày đặc trong thung lũng lọt xuống đây chỉ còn là những chùm sáng nhỏ yếu ớt tụ lại thành từng vũng nắng ở những chỗ đã mỏng sương. Trong biển mù mông mênh không nhìn thấy máy bay, chỉ nghe tiếng động cơ vọng lại lắm khi bị nhầm với tiếng ô tô ngoài đường cái. Hai chiếc xương cá bay sát núi, luồn lách trong biển mù trông không khác gì hai con cá sộp lớn đang bơi trong làn nước đục trắng. Hai chiếc xương cá lúc hiện ra rất rõ, lúc lại mất hút trong những đám sương mù trôi bồng bềnh. Có lúc chúng rời hẳn dám sương mù bay ra chỗ quang phơi mình dưới luồng nắng.  Lúc ấy trông chúng gầy nhẳng, xương xẩu, mốc thếch. Chúng bay thằng sau, thằng trước. Thằng sau bay hơi cao hơn. Thằng trước bay sát ngọn cây soi mói tìm kiếm. Chỗ nào nghi ngờ là chúng cho máy bay ghé đít vào, dùng cánh quạt, quạt rạp những lùm cây để nhìn cho rõ.Trong lúc ấy thì một thằng bay cao hẳn lên, lượn tròn xung quanh vừa có ý đe dọa lại vừa có ý nhớn nhác đề phòng. Rồi chẳng hiểu bọn mù ấy có nhìn thấy cái gì không mà cũng cứ phóng xuống đấy dăm quả cối hay một quả rốc két rồi mới chịu bỏ đi chỗ khác. Chúng vừa có cái dáng hung hãn của một tên kẻ cướp, lại vừa có cái dáo dác, sợ sệt của một tên trộm chỉ sợ chủ nhà chợt tỉnh giấc.
Một cơn gió nổi lên trong thung lũng,quét sạch đi những đám mù mỏng cuối cùng. Bầu trời hiện lên rất trong, rất xanh và nắng ùa đến chiếm chỗ  những đám sương mù vừa rời khỏi. Một buổi sáng đẹp thế mà bị hai thằng xương cá quần nát. Tiếng máy bay gầm rú đến rức óc, thỉnh thoảng lại đế vào những loạt bốn mươi li khô khốc, dai dẳng đến khó chịu. Hai thằng xương cá đã lượn trên khu vực của ban. Sơn nhìn lên thấy chúng bay sát sạt ngay trên đầu mình, tưởng chỉ cần vươn tay là có  thể túm được hai thanh trượt dài dưới bụng chiếc máy bay. Một thằng Mỹ đứng gác chân lên cửa máy bay thò hẳn cái đầu ra bên ngoài. Cái mũ sắt sùm sụp che gần hết mặt nó, tay lăm lăm khẩu tiểu liên chĩa nòng xuống đất. Cả người nó đỏ gay như một con gà chọi. Cái mũ sắt làm khuôn mặt nó tối sầm, lạnh lùng, tàn ác.
Không khéo lộ mất. Không hiểu anh em đã đưa thương binh xuống hầm hết chưa? Mà sao cái lán một trống thế không biết. Thằng xương cá vừa vụt qua, Sơn luồn theo những gốc cây to chạy về nhà. Nó sẽ quay trở lại. Thằng xương cá là quần dai có tiếng. Sơn chạy vào trong nhà vớ lấy khẩu súng rồi chạy lên lán bất động. Ở đây thương binh đã được đưa hết xuống hầm. Ổn rồi. Sơn chạy sang nhà bếp, thấy Tín đang ngồi bên cửa hầm. khẩu súng đang dựa hẳn vào vai. Sơn ngó vào trong bếp. Lửa đã dập tắt chỉ còn một mẩu củi nhỏ khói còn bốc lên nghi ngút. Sơn bước vào trong bếp, vừa dập tắt mẩu củi còn bốc khói đã nghe thấy tiếng Tín gọi to.
-Anh Sơn ra hầm đi. Nó quay lại đấy.
Sơn xách súng nhẩy xuống cửa phụ của chiếc hầm. Anh quay lại bảo Tín.
-Tớ thằng trước. Cậu thằng sau. Nghe tớ hạ lệnh mới được bắn đấy.
 Tín gật đầu. Hai thằng xương cá quay lại.Cây cối đổ rạp trong trận gió xoáy của bốn cái cánh quạt. Tiếng động cơ gầm đến lộng óc. Những bụi le, bụi nứa đổ rạp xuống đất kêu rôm rốp. Lá khô bay mù trời.. Tì cả người vào cửa hầm, khẩu AK bám chắc trên vai. Nòng súng rê theo chiếc máy bay đang lại gần. Ngon quá. Hai thằng xương cá không biết những bụi cây  bên dưới có những họng súng đang rình đợi. Chúng cứ thế rà sát ngọn cây phơi cái bụng mốc thếch ra trước các họng súng. Ngón tay Sơn từ từ kéo căng nấc cò thứ nhất. Cái tay đòi bắn nhưng cái đầu giữ lại. Bắn bây giờ trúng ngay, nhưng thằng thứ hai bay cao hơn chắc gì Tín đã bắn trúng. Bắn mà không trúng để nó gọi phản lực đến có mà om xương.Còn gần một trăm thương binh ở đây. Đọ súng bây giờ thật là bất lợi. Thằng xương cá cứ lượn đi lượn lại cuối cùng nó dừng lại trên đầu lán một. Mạch máu ở thái dương Sơn giật mạnh. Lộ rồi. Khẩu súng nằm rất im trên hai cánh tay ghì chắc. Nổ súng? Chưa! một tị nữa may ra thì chưa làm sao. Thằng Mĩ ló ra rồi lại thụt ngay vào. Gần lắm. Sơn đọc được cả dòng chữ trên cái mũ sắt của nó. Thằng Mỹ nhô ra một lần nữa. Lần này nửa thân nó nhô hẳn ra ngoài. Khẩu súng trên tay nó chúc hẳn xuống đất. Bắn! Sơn đạp mạnh vào đất hô một tiếng đanh, sắc, xả cả một băng. Chiếc máy bay cứ hế rơi bịch xuống đất như một quả mít chín nẫu bị rụng. Tin chắc rằng mình đã bắn trúng, anh quay ngoắt nòng súng về phía chiếc thứ hai đã thấy nó chuệnh choạng cất lên, khói đen sì ra dưới bụng. Lúc này Sơn mới nghe thấy nhiều tiếng súng nổ dồn dập. Sơn nhẩy ra khỏi hầm chạy lại chỗ chiếc máy bay rơi. Nhiều người có súng, không súng cũng đang chạy lại đấy. Thằng lái đã chết. Thằng bắn súng bị văng ra ngoài. Cái mũ sắt của nó lăn lông lốc dưới đất. Chân bị gẫy không đứng lên được, thằng Mĩ cứ ngồi dưới đất lòng khòng dơ hai cánh tay lên trời nói bằng tiếng việt khá sõi.
-Tôi xin hàng. Xin hàng.
Lúc ngồi trên máy bay nó trông hùng hổ là thế. Lúc ấy Sơn đã tưởng nếu bắt được nó mình sẽ quật vào cái bộ mặt nhâng nháo ấy mấy báng súng. Thế mà bây giờ trông nó mới thảm hại làm sao.Đầu tóc nó bơ phờ. Người run như cầy sấy. Mắt nó lấm lét nhìn mọi người. Hai tay nó lòng khòng dơ lên cao run rẩy chẳng khác gì hai ống sậy trong cơn bão. Sơn căm gét nhất là bọn giặc lái. Bọn chúng cứ nhởn nhơ ở trên trời, chỗ nào cũng soi mói, tìm kiếm. Chúng trút bom, trút đạn nhưng tay chúng lại không bao giờ sờ đến khẩu súng. Chúng chỉ ấn nút, những cái nút bé tẹo, hiền lành. Sau cái động tác ấn nút nhìn như có vẻ vô tình ấy là bao nhiêu bom đạn được trút xuống. Rồi lập tức chúng vọt bay lên, không kịp nhìn những tội ác mà chúng đã gây ra. Không nhìn thấy tội ác của mình, lương tâm của chúng lại yên tâm ngủ kĩ. Chủ nhật chúng lại đi lễ nhà thờ. Trong những tội lỗi chúng xưng trước chúa không có cái tội ấn một cái nút. Với chúng, ấn ngón tay vào một cái nút cũng giống như ấn ngón tay vào phím dương cầm. Tất cả đều vô hại. Khi cái cò súng được thay bằng cái nút điện thì tội ác được tăng lên gấp nhiều lần nhưng cảm giác tội lỗi lại giảm đi cho những kẻ sử dụng.
Nhìn tên Mĩ đang chết khiếp trong sợ hãi, sự khỉnh bỉ dâng lên thay cho sự căm giận.. Bây giờ Sơn không thể quật vào bộ mặt tái mét vì sợ hãi của nó mấy cái báng súng mà chỉ có thể nhổ vào đấy một bãi nước bọt khinh bỉ, kinh tởm.
Mọi người xúm quanh tên Mĩ. Liên cũng bế bé Hải lách vào. Thằng bé mở to mắt nhìn thằng Mĩ  cứ như nó nhìn thấy một con khỉ đột. Những tiếng la hét giận dữ nổi lên tứ phía.
-Cho nó mấy báng súng.
Tiếng Tín the thé
-Dúi đầu nó vào bếp lửa.
-Trông nó run rẩy thảm hại chưa kìa.
-Thế mà lúc ngồi trên máy bay nó hung hăng phải biết.
Có người cầm một cây gậy định quật, Sơn đã kịp ngăn lại. Chỉ có thương binh là nhiều người còn giữ được bình tĩnh. Họ lặng thinh đứng từ xa nhìn vào rồi bỏ đi. Bắt tù binh đã nhiều, Mĩ không còn là vật kì lạ đối với họ.
Trường và Tín xốc tên Mĩ vào trong nhà hành chính băng cái chân lại cho nó. Thấy những cuộn băng đã dùng nhiều lần bắt đầu ngả sang mầu vàng ố. Tên Mĩ lắc đầu lia lịa, chỉ vào cuộn băng nói một câu gì đó chẳng ai hiểu.
-Nó nói cái gì thế? Tín hỏi
-Có thánh biết. Tớ có phải người Mĩ đâu. Còn mày, mày muốn gì?
Thằng Mĩ lại lấy tay chỉ vào mấy cuốn băng.
-À, chắc là nó chê băng bẩn. Bẩn cái mả mẹ mày. Ông cho mày mấy báng súng bây giờ.
Trường cáu tiết bắt đầu văng tục. Sơn cười.
-Ông làm như nó biết tiếng Việt ấy.
-Anh không thấy nó xin hàng leo lẻo đấy là gì.
-Nó chỉ biết mỗi câu xin hàng thôi. Câu hộ mệnh mà lại. Thôi ông lấy mấy cuốn băng mới băng cho nó.
-Lại còn băng mới nữa. Ông chiều nó quá thế- Trường kêu lên- Tôi thì tôi cho nó một phát đạn vào đầu.
-Thế mà bây giờ cho ông bắn, tôi cam đoan với ông rằng ông sẽ không dám bắn đâu
Trường im lặng. Sơn nói đúng. Cáu lên thì nói thế thôi chứ với thằng Mĩ này, một kẻ đã hạ vũ khí đầu hàng thì Trường vẫn thấy nó là một con người, một con người mang ít tính người nhất chứ không phải là một con thú. Trường mang băng mới đến. Tên Mĩ ngồi im cho anh băng. Anh lấy bông cồn rửa vết thương cho nó rồi gượng nhẹ băng lại. Anh làm tất cả những công việc đó một cách kiên nhẫn, tỉ mỉ và gượng nhẹ như đang cứu chữa cho một chiến sĩ của mình. Thằng Mỹ ngồi im. Có lẽ nó ngạc nhiên. Những nét sợ hãi trên bộ mặt đỏ gay của nó dần dần mất đi. Bao nhiêu thứ đã đầu độc nó để nó trở thành một con thú người. Bọn chỉ huy đã bảo với nó: “Bọn việt cộng dã man như thú dữ, bắt được lính Mĩ, bọn việt cộng sẽ giết chết ngay” và còn bao nhiêu điều bịa đặt khác. Người ta ấn vào tay nó khẩu súng và bảo nó đi bắn giết. Nó đã bắn giết và trong đầu nó luôn nghĩ rằng nó đã làm thế để bảo vệ  nước Mỹ. Trước khi sang Việt Nam, nó cũng có vợ con, ngày ngày đi làm sống một cách lương thiện như hàng triệu người Mỹ bình thường khác. Thế rồi người ta gọi nó nhập ngũ, ấn vào tay nó khẩu súng và nó bắt đầu  trở thành một kẻ giết người chuyên nghiệp
Cái chân đã băng xong. Thằng Mĩ ngồi im rồi đột nhiên nó bật khóc hu hu. Nhìn thằng Mĩ to lớn ngồi khóc vừa có một cái gì ngộ nghĩnh buồn cười, vừa có cái gì đáng để động tâm. Tấm lòng nhân hậu Việt nam đã thức tỉnh nó. Nó khóc. Nó còn biết khóc thế là tốt. Nước mắt sẽ rửa sạch tâm hồn nó, sẽ cho nó trở lại làm người.
Số phận chiếc máy bay thứ hai cũng chẳng hơn gì. Nó cất mình lên được một đoạn thì nổ tung. Chiếc máy bay lao xuống giữa nương lúa làm hỏng cả một vạt lúa lớn. Cả hai tên Mĩ trong chiếc máy bay đó đều chết. Xác hai chiếc máy bay đã cung cấp cho ban không biết bao nhiêu bát đĩa. Bốn hôm sau, nhà ăn tập thể của thương binh được dựng lên, Tín đã có đủ nồi xoong bát đĩa cho nhà ăn tập thể.
Sơn nhắc nhở mọi người chuẩn bị lại hầm hố, ngụy trang lại nhà cửa. Chúng sẽ còn mò đến nữa. Ai cũng nghĩ thế. Những khẩu súng được lau đi lau lại kĩ càng. Tất cả đã sẵn sàng. Một khí thế mới dấy lên từ sau ngày hai chiếc máy bay bị bắn rụng. Những người chỉ quen cầm sơ lanh nay cầm đến khẩu súng trong họ vừa có cái cảm giác lạ lẫm, bỡ ngỡ vừa có cái cảm giác phấn chấn trong lòng. Đạn đã lên nòng. Khẩu súng trong tay cựa quậy.