Chương Bốn

Liên ngồi ngay đầu nhà giặt băng bẩn. Băng thiếu, tất cả những cuộn băng đã dùng rồi phải giặt đi để dùng lại. Những cuộn băng dùng đi dùng lại nhiều lần đã trở nên vàng ố. Liên vục cả hai bàn tay vào chậu băng sát mạnh cố gắng tạo nên nên một chút bọt. Xà phòng hết, đã mấy tháng nay ngày nào Liên cũng phải đi mấy tiếng đồng hồ lấy quả Bồ hòn về thay cho xà phòng. Quả Bồ hòn giã nhỏ cho vào nồi đun lên lúc sôi thấy bọt sủi ngầu cả chậu thế mà lúc bỏ băng vào cấm thấy một chút bọt nào. Những cuộn băng chỗ thì mủ đã khô cứng đen sịt, chỗ mủ còn lầy nhầy, thối hoắc thoạt nhìn đã thấy ghê cả người. Còn ghê hơn nữa là các loại ruồi. Ruồi đủ loại. Những con nhặng to tướng, xanh biếc, người đầy lông lá trông đến gớm giếc, những con ruồi đen to nhỏ đủ cả tìm mọi cách lăn xả vào nồi băng. Có con quá đà rơi tõm xuống nồi nước bồ hòn cô lại phải lấy tay vớt nó ra.  Liên vò mạnh, mười đầu ngón tay nhăn nheo, nhợt nhạt vì ngâm nước quá lâu. Chậu nước bồ hòn đã chuyển thành mầu đen sỉn. Cầm một dải băng lên xem, cô thật sự không hài lòng khi thấy những vết mủ vẫn còn tạo nên những đường cong mờ khép kín ngoằn ngoèo.. Cô lại bỏ dải băng xuống giặt tiếp. Cô gái cứ mải miết vỏ sát. Đôi bàn tay đỏ lên. Những ngón tay nhăn nheo quắt lại, nhợt nhạt và đôi chân ngồi lâu đã bắt đầu tê cứng. Cô gái cứ ngồi giặt băng như vậy như không hề để ý đến mùi hôi thối nồng nặc xông ra từ những cuộn băng và đàn ruồi đang vo ve quanh mình.
Thương binh ngày một nhiều. Người thiếu, thuốc thiếu, băng thiếu. Thiếu đủ mọi thứ. Mùa mưa lại đến, nhiều khi băng giặt chưa khô đã phải cho vào nồi hấp để rồi lúc mang ra là một cuộn băng ướt nhèo. Vẫn cứ phải dùng nó để băng cho thương binh thôi. Biết làm sao được. Mọi người trong ban thay phiên nhau sấy băng từ sáng đến tối  rồi lại từ tối đến sáng vẫn không đủ băng khô để dùng. Mùa mưa, chỉ ba ngày không thay băng là mùi hôi đã xông lên không sao chịu nổi. Mà nào chỉ có băng bị ướt. Những chiến dịch đánh dài ngày như chiến dịch này có lúc băng ướt cũng không có mà dùng. Những chiếc màn của Sơn, của Tháp, của Thành lần lượt bị xé ra làm băng hết. Cả ban chỉ còn mỗi cái màn của Liên. Có lần Liên đã đưa nó ra nhưng Thành ngăn lại.
-Còn thằng Hải.
Thành chỉ nói có thế. Với Liên bao giờ anh cũng nói rất ngắn. Nhiều lúc câu nói cụt lủn như một mệnh lệnh. Anh chỉ nói với cô khi nào thật cần thiết. Nói xong anh gập cái màn lại rồi đi ngay. Hai người chưa bao giờ ngồi nói chuyện với nhau được lấy hai phút. Ngoài những lời nói về công việc, chưa bao giờ anh nói ra ngoài đề. Càng tốt!. Liên bây giờ thấy sợ những cuộc gặp mặt. Sợ những lời an ủi chân tình. Nó chỉ làm dấy lên nỗi khổ. Thà mọi người cứ im lặng. Liên cảm thấy sợ Thành hơn. Thành im lặng tránh gặp Liên. Anh thầm lặng chăm sóc Liên, chăm sóc bé Hải. Nhiều lúc cô thấy sợ sự chăm sóc ấy. Thành không nói nhưng sự chăm sóc của anh đã nói lên rất nhiều. Nó có lúc làm cô dội lên những cơn đau, có lúc lại làm cô lặng đi bồi hồi xúc động. Cách đây ba hôm, từ buồng tiêm trở về nhà Liên thấy một gói giấy báo đặt ngay ở đầu giường mình. Mở ra, cô thấy hai chiếc áo len trẻ con. Ôm hai chiếc áo vào ngực, người cô ấm hẳn. Cô biết đấy là áo của Thành. Chỉ có anh mới im lặng đến thế. Cô định mang hai chiếc áo trả lại cho anh. Sống tự lập quen rồi, cô không thể chịu nổi khi trong con mắt của mọi người cô là một cô gái mềm yếu, đang đau khổ cần được sự che chở của mọi người. Một lần ngồi nói chuyện với Nga, cô ngỏ ý muốn trả lại cho Thành hai chiếc áo.
-Sao chị lại như thế- Nga kêu lên-Chị làm thế anh Thành sẽ nghĩ về chị như thế nào?
-Mình không cần người khác rủ lòng thương mình. Mình không muốn lợi dụng lòng tốt của anh ấy.
-Chị mà biết anh ấy nói gì với em khi nhờ em đan hai chiếc áo ấy thì chị đã không nói như vậy
-Cô đan à?
-Em đan. Anh ấy còn nhờ em đưa áo cho chị mà đừng nói là áo của anh ấy. Anh ấy sợ chị không nhận. Anh ấy nghĩ về chị lung lắm. Bây giờ chị mà trả lại thì anh ấy chắc là sẽ rất khổ tâm. Mà sao chị cứ làm khổ anh ấy mãi thế?
Liên bỗng thoáng đỏ mặt
-Cô này ăn nói hay nhỉ. Tôi làm khổ gì người ta?
-Không làm khổ à? Anh ấy nói với em là chị mở cửa tâm hồn mình với tất cả mọi người nhưng lại đóng lại với anh ấy. Chị có thể nhận sự chăm sóc của tất cả mọi người nhưng với anh ấy thì không. Anh ấy đã nói đúng.
-Đúng là thế nào- Liên vặn lại.
-Chị chẳng định trả lại anh ấy hai chiếc áo này là gì. Chị làm thế vừa phụ lòng tốt của anh ấy, vừa phụ công đan của em. Biết thế em chẳng nhận đan cho anh ấy, vừa vất vả vừa mang tiếng.
Nga nói với cái vẻ hờn dỗi rất ngây thơ. Liên ôm lấy Nga im lặng. Biết nói thế nào đây cho Nga hiểu bây giờ? Chiếc áo len này là của Hà người yêu của Thành đan cho anh khi vào chiến trường. Bây giờ anh ấy lại phá nó ra đan cho thằng Hải, ở ngoài kia nếu cô gái có tên là Hà ấy mà biết thì sẽ gây phiền phức cho anh. Còn cả tiểu đoàn này nữa. Bây giờ chắc chẳng ai nói gì nhưng sau này biết đâu chẳng có lời ra tiếng vào. Đến lúc ấy mới thanh minh thì thanh minh làm sao được. Nên tránh trước là hơn.  Nhưng bây giờ trả lại anh ấy cũng rất khó. Lấy cớ gì đây mà trả? Anh ấy tốt với mẹ con mình quá. Một khi lòng tốt bị từ chối, anh ấy sẽ rất khổ tâm. Một người cả nghĩ như anh ấy sẽ bị dằn vặt. Có lẽ Nga nó nói đúng. Mình đã làm khổ anh ấy quá nhiều. Anh ấy đã phải nghĩ về mẹ con mình quá nhiều sau ca mổ đáng nhớ ấy. Mình cũng muốn gần anh ấy lắm. Nhiều lúc mình chỉ muốn gục vào ngực anh ấy để khóc cho thỏa, để nói với anh ấy nỗi khổ của mình như nói với một người anh trai. Ôi! Giá như mình có một người anh trai như anh ấy. Anh ấy là người mình có thể nói hết mọi chuyện.Thật tội. Anh ấy phải nghĩ về mình nhiều quá. Làm sao để anh ấy hiểu mình? Mình đâu có muốn lạnh tanh khi gặp anh ấy. Dưới kia anh Ngọc chắc sẽ yên lòng khi mình có những người bạn, người anh như thế.
Liên đứng dậy đi thay nước. Ngồi lâu, hai chân đã tê cứng. Cô phải ôm lấy cột nhà đứng im một lúc mới bước đi được. Băng đã sạch. Cô cẩn thận giũ thêm hai nước nữa rồi mới vắt kiệt những cuộn băng, bỏ vào chậu đi xuống bếp dược. Cô rũ băng xếp thành từng lớp lên những tấm phên đan thành hình mắt cáo đặt lên bếp bắt đầu sấy. Hơi nước từ những cuộn băng bốc lên mờ mờ. Cô rút bớt mấy thanh củi ra khỏi bếp cho ngọn lửa đừng to quá. Thỉnh thoảng cô lại dở những cuộn băng cho chóng khô rồi im lặng ngồi nhìn ngọn lửa. Củi ẩm, những làn khói xanh nhạt từ những mẩu củi cháy dở bốc lên tạo thành những đường ngoằn ngoèo trong không khí. Lên đến tấm phên, chúng bị lớp băng cản lại. Ngọn lửa lay lắt muốn tắt. Liên cúi xuống, ghé mặt vào sát bếp dùng hết sức thổi lửa. Ngọn lửa chỉ bừng lên được trong giây lát rồi lại tắt ngấm. Khói xộc vào mắt cay sè làm Liên ho sặc sụa. Cô bỏ ra ngoài cửa đứng một lúc rồi lại quay vào  thổi lửa. Nước mắt, nước mũi giàn dụa.
Trường đi qua thấy thế ghé vào thổi hộ. Ngọn lửa có lẽ sợ hai lá phổi to tướng của Trường nên lập tức bùng lên. Mặt Liên đỏ gay vì dùng quá sức. Cô tựa vào vách thở hổn hển. Trường nhìn Liên lắc đầu.
-Cô yếu quá rồi phải đi an dưỡng thôi.
Năm nay tiểu đoàn có chế độ cho những người yếu sức khỏe đi an dưỡng. Ban đề nghị cho Liên đi nhưng cô không đồng ý. Đang giữa chiến dịch, mọi người bận tối mắt tối mũi. Bỏ đi an dưỡng lúc này thật không đành lòng.Giữa cái lúc mọi người ai cũng cố để làm thêm được một việc gì đó thì mấy ông tiểu đoàn lại nghĩ đến chuyện đưa người đi an dưỡng. Thật kì cục.
-Em không đuổi gà được cho ban à?
-Ai khiến cô. Đuổi gà đã có thằng cu Hải. Cô cứ đi xem sao nào. Từ trước đến nay không có cô dễ chúng tôi bó tay cả đấy.
Trường cho thêm mấy thanh củi vào bếp, cời than cho ngọn lửa cháy to thêm. Nhổm người sờ lên trên tấm phên, thấy băng đã khô. Anh đứng dậy dỡ băng giúp Liên cuộn băng lại cho vào nồi hấp. Làm xong, Trường nhanh nhẹn bắc nồi hấp lên bếp, cho thêm mấy thanh củi nữa vào lò.
-Anh vừa nhận được thư của chị hả?
-Ừ
Mặt Trường bỗng sa sầm. Cô liếc nhìn trộm nét mặt của Trường và bắt đầu thấy lúng túng. Trường vừa nhận được hai lá thư nhà, một chiếc của vợ, một chiếc của đứa em gái. Đọc thư xong, anh lập tức sé phăng cả hai lá thư rồi cứ thế lầm lì chẳng nói chẳng rằng. Sơn gợi chuyện mãi mà Trường vẫn chỉ lặng thinh.
-Ở nhà có chuyện gì đấy anh?
Cô rụt rè hỏi. Trường biết không thể nào dấu mãi mọi người. Vả lại với Liên anh cũng không muốn dấu. Cô là người kín đáo nên anh tin. Vả lại, chuyện này cũng chỉ có thể nói được với một người phụ nữ đã làm mẹ. Từ khi nhận được thư, Trường đâm hoang mang không biết nên giải quyết việc này thế nào cho phải. Trường vừa giận lại vừa thương vợ. Hai người lấy nhau đã tám năm nhưng ở với nhau vẻn vẹn chỉ có bẩy ngày trời rồi anh khoác ba lô đi biệt. Tám năm trời, người con gái nào chẳng phải lo nghĩ, tính toán cho hạnh phúc của mình. Phụ nữ lại vốn cả tin nhẹ dạ. Biết thế nhưng giận vẫn cứ giận. Giận thương lẫn lộn đến nghẹn thở, đến mất ngủ
-Chuyện gì à? Chuyện vợ tôi đi cải thiện thêm một thằng con chứ  còn chuyện gì nữa.
Nói xong Trường ngồi im. Liên bỗng thấy thương Trường quá. Ở đời ai cũng có một nỗi khổ nào đấy mà không nỗi khổ nào giống với nỗi khổ nào. Hồi Ngọc mới mất, chính anh đã đến an ủi cô rất nhiều và bây giờ đến lượt anh lại đang cần một lời an ủi. Anh đã tìm được lời an ủi cho Liên nhưng giờ đây anh không thể tìm được một lời an ủi cho chính mình.
-Bây giờ anh định như thế nào?
-Chẳng thế nào cả. Tôi sẽ bỏ.
Trường nói giọng giận dữ, dứt khoát. Liên nắm lấy tay áo anh năn nỉ.
-Anh đừng làm thế. Dù sao hai người cũng đã có với nhau một đứa con.
Trường im lặng. Bây giờ, đứa con là sợi dây duy nhất ràng buộc tình cảm của anh. Anh thương con. Anh không muốn nó trở thành một đứa trẻ không mẹ.
-Nhưng cô ta có thương thằng bé đâu.
-Anh tưởng thế thôi. Người mẹ nào không thương đứa con rứt ruột đẻ ra. Người vợ nào mà chẳng thương chồng.
-Thương! – Trường cười gằn- Tôi thấy ghê tởm tình thương ấy.
-Chẳng qua chị ấy chỉ một phút không giữ nổi mình mà trót dại. Anh hãy tha thứ cho chị ấy.
-Không phải bất cứ người con gái nào cũng trót dại. Sao bao nhiêu cô gái khác lại không trót dại như cô ta? Cô bảo tôi tha thứ. Tôi làm sao mà tha thứ được. Tôi vào đây gian khổ, thiếu thốn, ác liệt. Thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm. Từng ấy thứ tôi phải chịu đựng còn chưa đủ hay sao mà bây giờ còn bắt tôi phải suy nghĩ về cô ta nữa. Ở ngoài kia, cô ta phải chịu đựng những gì? Không gì cả. Thế mà có cái nhỏ nhất thì cô ta lại không chịu đựng nổi. Cô còn muốn tôi phải chịu đựng đến mức nào nữa đây?
-Anh nghĩ về phụ nữ chúng tôi đơn giản vậy à?-Thốt nhiên Liên bỗng nổi giận. Giọng cô đanh lại.- Anh tưởng trong cuộc chiến tranh này, phụ nữ chúng tôi không phải chịu đựng gì sao? Anh nhầm rồi. Chúng tôi phải chịu đựng gấp nhiều lần những thứ mà các anh đã chịu đựng. Các anh cầm súng ra tiền tuyến chịu đựng bom đạn, gian khổ, hi sinh nhưng rồi tất cả những thứ đó dần dần các anh sẽ quen đi. Tám năm trong chiến trường thử hỏi đã mấy lần các anh ngồi nghĩ đến vợ con? Có nhưng ít lắm. Nỗi nhớ của các anh chẳng qua cũng chỉ là những tia nắng quái chiều hôm gay gắt nhưng chỉ một lúc sau là vụt tắt. Còn chúng tôi, sau một ngày lao động mệt nhọc thay các anh nuôi dưỡng chăm sóc bố mẹ chồng, nuôi dạy các con, đêm về lại lo, lại nhớ. Con gái ai chẳng phải lo lắng cho hạnh phúc của mình. Thời buổi chiến tranh, có người vợ nào không tự hỏi liệu chồng mình còn hay mất. Đêm nằm nghe tiếng súng nổ lại lo đến thắt ruột. Ăn một bát cơm gạo mới nghĩ đến chồng mà miếng cơm nghẹn đắng. Lâu lâu, không nhận được lá thư của chồng lại lo. Anh tưởng chúng tôi quen được với sự chờ đợi, lo âu à? Không đâu. Sống giữa nhớ mong khắc khoải, lo lắng đến mòn mỏi làm sao mà quen được. Nếu quen được thì chúng tôi đã không lo lắng, không nhớ mong. Thế mà chúng tôi vẫn phải sống. Vẫn phải gánh vác công việc nhà chồng.Còn đàn ông các anh thì sao? Các anh cứ việc khoác ba lô ra đi chẳng phải lo nghĩ gì. Lâu lâu mới gửi được một lá thư về nhà hỏi thăm vợ được vài câu  rồi lại biệt tăm biệt tích. Thoảng hoặc có về nghỉ phép, bế con lên, thơm vào đôi má bụ bẫm của nó mà chẳng có một lời cám ơn vợ đã nuôi con cho mình. Các anh đâu biết đến những vất vả của vợ. Con các anh lớn lên bằng những âu lo, mất ngủ của chúng tôi đêm đêm. Phụ nữ chúng tôi cả lo nhưng chúng tôi không lo cho mình mà chỉ lo cho chồng cho con. Các anh có biết đến điều ấy không?
-Cô làm như đàn ông chúng tôi là những cục đất không bằng
-Tôi không nói các anh không suy nghĩ về gia đình. Nhưng các anh nghĩ ít hơn chúng tôi, những người vợ, người mẹ.
- Tôi không quen nói chỉ quen hành động.
-Kể cả hành động bỏ vợ?
Trường phác ra một cử chỉ tỏ ý phản đối nhưng Liên đã chặn ngay lại.
-Các anh đánh giặc thì rất giỏi. Các anh phải hi sinh rất nhiều. Điều đó thì chúng tôi biết. Nhưng tại sao những lúc phải đổ máu thì các anh không tiếc, không suy nghĩ. Các anh có thể hi sinh một cách dễ dàng nhưng khi tình cảm của mình bị tổn thương một chút thì các anh lại không thể chịu nổi. Tại sao thế?
-Vì chúng tôi chiến đấu cho hạnh phúc của chính mình. Còn cô ta, cô ta không nghĩ đến điều đó. Cô ta không bảo vệ cái mà chúng tôi đã bỏ xương máu ra để bảo vệ.
Liên nhìn Trường lặng lẽ. Một con người tươi mát, vui vẻ như thế lại hóa ra một con người toàn lửa. Lửa rực cháy trong tình yêu của anh. Con tim anh ngay cả trong những lúc đau khổ vẫn đầy lửa đỏ. Cô xuống giọng.
-Em không muốn bao che cho chị ấy. Chị ấy có lỗi với anh cái ấy thì đã rõ. Nhưng có phải anh không thể tha thứ? Không thể coi đó là một sự hi sinh nữa tiếp theo hàng trăm thứ mà anh đã hi sinh? Anh nghĩ mà xem. Bỏ nhau thì dễ. Giữ trọn vẹn tình cảm của đứa con mới là điều khó. Anh sẽ trả lời con anh thế nào  khi nó hỏi anh “Mẹ đâu”?
Trường cúi đầu không nói. Liên đã đánh trúng vào điểm yếu nhất trong tình cảm của anh. Giọng Liên vẫn nhẹ nhàng, sâu lắng.
-Cái hạnh phúc cao cả nhất và cái vĩ đại nhất của người bố là hi sinh vì những đứa con của mình. Đây là cái lúc anh được –Giọng Liên nhấn mạnh vào tiếng “Được” – và phải hi sinh tình cảm của mình để giữ lấy hạnh phúc cho đứa bé. Hai người dù tình cảm không còn gì thì cũng phải bảo vệ lấy tình cảm cho đứa con. Mà chị ấy đã có gì là quá tệ đâu. Chị ấy chỉ mới chót dại lần đầu. Bỏ nhau có nghĩa là anh đã dồn chị ấy vào ngõ cụt mà rồi chính anh cũng sẽ phải day dứt.
-Thà như thế còn hơn sống với nhau mà nhìn nhau trong lòng lạnh giá. Sống như thế chỉ  làm cho cả hai người cùng khổ.
-Không phải thế. Anh đã mất đi một thứ rất quý giá. Nhưng anh sẽ được đền bù gấp hàng trăm, hàng ngàn lần thứ mà anh đã mất đi. Hai người sống với nhau vẫn sẽ rất hạnh phúc nếu như anh biết tha thứ và đủ dũng cảm để tha thứ.
-Cô nghĩ như thế à?
Trường trầm ngâm hỏi
-Không phải là nghĩ mà nhất định sẽ là như thế.
Liên khẳng định. Trường ngồi im cúi mặt nhìn xuống đất. Trong cơn đau nhưng anh vẫn rất tỉnh. Nhìn một người to lớn như Trường ngồi lặng đi trong cơn đau mà Liên bỗng thấy giận vợ Trường đến vô vùng. Sao chị ấy lại dại dột thế? Anh ấy nói thế thôi chứ anh ấy sẽ không bỏ vợ. Những người như anh ấy sẽ tỉnh lại rất nhanh sau cơn đau đến quằn quại.
°
°
  Trời tối, Trăng thượng tuần mảnh dẻ uốn cong như lá lúa ở bầu trời đằng tây. Đêm không mưa, sao dầy chi chít. Những ngôi sao nhấp nháy như những con mắt tinh nghịch của đêm. Sao trời hình như tụ hết về đây  từ từ nghiêng xuống những dãy núi đen sẫm. Qua những chỗ mở ra của tán lá rậm, những ngôi sao hắt xuống một ánh sáng xanh mờ nhạt, lung linh. Trên thảm sao đã chín vàng nhấp nháy là mảnh trăng. Trăng thượng tuần mảnh dẻ, e lệ như một cô gái đứng giữ một bầy trẻ sao tinh nghịch. Trăng thượng tuần trong, cong cong lả xuống ngọn cây. Đêm không mây, ánh trăng mờ nhạt làm bầu trời thêm cao thẳm. Trời đêm như bước vào vụ gặt. Những ngôi sao li ti vàng rực như những hạt lúa chắc mẩy vãi ra trên cánh đồng bầu trời mà mảnh trăng là một cái liềm đang gặt những ngôi sao vừa độ chín.
Đêm rất tĩnh. Gió khẽ thì thào với vòm lá rồi lặng đi nhẹ mơn trên ngực, trên mặt mọi người
Tất cả im lặng ngồi thành một vòng cung quanh người gẩy đàn. Người thương binh đặt cái chân bị thương lên thân đàn. Tay trái vuốt nhẹ lên cần đàn buông ra những âm thanh trong suốt mỏng mảnh. Tiếng đàn nương theo ánh trăng mờ sáng vương vấn trong lòng người nghe. Ôi! Một cánh đồng quê đang mùa gặt hái. Sau những giờ dưới trăng đập lúa là những phút rất lặng, rất yên cho tiếng đàn bầu mỏng manh bay lên. Tiếng đàn trộn lẫn với hương cau thơm mát lan ra khắp xóm. Tiếng gàu ai dưới đêm trăng tát nước thì thụp. Cối gạo nhà ai thao thức trong đêm. Cô gái nào cất lên một lời ca quan họ. Tiếng cô gái trong và ấm lạ. Tiếng hát rung lên theo tiếng láy mềm mại của cây đàn
Người về người có tái hồi
Yêu em đừng đứng đừng ngồi với ai
Câu hát ngân dài tha thiết, âm vang, thổn thức. Hát xong, cô gái ngồi im để cho tiếng đàn lắng xuống rất đậm rất sâu. Chàng trai ngồi nghe mà lòng sao xuyến. Cô gái mảnh dẻ, duyên dáng như khóm trúc dưới trăng đã nói lên tấm lòng mình bằng một câu hát bồi hồi tha thiết. Ai đã một lần nghe em hát thì làm sao có thể bỏ mà về. Làm sao có thể đứng ngồi cùng ai được nữa.
Tiếng đàn vút lên cao, rung lên run rẩy. Vòm trời thẳm lại. Tiếng đàn trải ra mênh mông. Chao ôi sao gần quá. Một cánh đồng quê yên ả. Một cánh cò bay lả chập chờn. Tiếng gàu ai tát nước dưới đêm trăng. Một tiếng ru con giữa trưa hè nắng lửa. Tất cả những cái đó bỗng hiện lên rất rõ, rất gần trong tiếng đàn sâu lắng. Xa những lũy tre xanh, xa cô gái dưới đêm trăng ngồi hát, người lính cầm súng bước vào những trận đánh. Ở đấy, bom đạn, gian khổ, những hi sinh làm anh cứ xa dần với những kỉ niệm thân thiết ngày xưa. Bỗng thấy rất xa những ngày mình đã sống. Đêm nay ngồi đây sau trận đánh, lại thấy quê hương hiện lên trong một tiếng đàn bầu. Đêm bỗng hóa sâu hơn. Trăng bỗng hóa trong hơn. Trăng sà xuống cho tiếng đàn dịu ngọt tan vào ánh trăng vàng.
Những người lính im lặng ngồi dịch lại gần nhau. Không ai yêu quê hương hơn những người cầm súng. Trong họ như trải ra một cánh đồng đầy nắng, câu quan họ đậm đà trải theo gió mênh mang. Cô gái hát câu quan họ lặng đứng nhìn về nơi súng nổ. Đêm không ngủ, mẹ nằm trăn trở lắng nghe. Một miền đồng quê rất xa có những cô Tấm hát dao duyên trong những ngày trẩy hội.
Qua cầu ngả nón trông cầu.
Cầu bao nhiêu nhịp lòng sầu bấy nhiêu.
Bao nhiêu dòng sông, bao nhiêu nhịp cầu đã ngăn cách ta với miền quê ấy và trong ta đang thấy cô gái ngả chiếc nón quai thao ngơ ngẩn nhìn ra những nhịp cầu. Câu hát lắng lại rất sâu trong kí ức.
“Người ơi người ở đừng về”. Tiếng đàn rung lên thổn thức. Tiếng đàn nức nở chan chứa những giọt nước mắt yêu thương. Anh sẽ về với em, cô gái hát dao duyên và cấy lên mầu xanh của lúa. Dù anh có đi trăm miền đất lạ, có chịu trăm nghìn gian khổ thì lòng anh vẫn nhớ vẫn thương. Vẫn yêu em và yêu quê hương. Câu hát dao duyên vẫn ngân lên giữa những bài hành khúc. Nửa cuộc đời cầm súng là nửa cuộc đời sôi động nhất và cũng là nửa cuộc đời  ta thấy rất bình yên.
Trong khổ đau tự ngàn xưa cha ông ta đã tạo nên cây đàn bầu để rồi vào những đêm trăng, sau những buổi ra đồng người buông ra tiếng đàn cho nỗi khổ đau giảm bớt. Không biết than thở cùng ai nên người than thở cùng cây đàn thân thiết. Có phải vì thế mà tiếng đàn lắng sâu?
Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm đau sót lòng mày khế ơi.
Ai làm lòng khế chua sót? Làm lòng người đắng cay? Tiếng đàn lúc đầy lúc vơi như những dòng nước mắt. Những đau khổ tan vào tiếng đàn tha thiết. Lòng người nhẹ đi sau những phút cùng cây đàn thở than.
Càng đau khổ, tình yêu càng cháy lửa. Cây đàn không chỉ than lên những tiếng than thống khổ mà còn thủ thỉ nói hộ tình người. Tiếng đàn ngân dài trầm bổng như ánh mắt người ta yêu xao động dưới trăng. Tiếng đàn láy lên những tiếng láy tinh tế đến vô cùng như tâm hồn cô gái đang run lên chờ đợi. Tiếng đàn dàn trải, lững lờ như dòng nước sông Cầu, dập dờn như sóng lúa, mênh mông như cánh cò rải nắng trên đồng.
Đã gần ba chục năm cây đàn đã quên hẳn đi những lời than khóc. Lòng người không còn chua sót. Tiếng đàn cũng không còn là dòng nước mắt đầy vơi. Ba chục năm nay, tiếng đàn trong và thanh như tình yêu cuộc đời. Sao xuyến bồi hồi như tình yêu đôi lứa.
Những người lính bị thương trong trậnđánh ngồi sít lại gần nhau. Lặng im. Tiếng đàn lắng sâu. Tiếng đàn vút lên rất cao rồi chậm chạp rơi xuống.
-Ôi! Nhớ quá.
Tất cả quay lại nhìn người vừa nói lặng lẽ đồng tình.
-Đánh nữa đi anh.
Một người khác lên tiếng dục. Người thương binh đánh đàn sực tỉnh. Bàn tay chai sạn vì  những đêm đào hầm tiền nhập, sứt sát vì dây kẽm gai, dây nâu nhẹ vuốt lên cần đàn. Một sợi tơ mong manh vương vào không gian, quấn vào nỗi nhớ. Quê hương là thế đó. Một câu quan họ. Một cánh đồng gặt dở. Một lũy tre làng muôn thủa yên vui. Một cánh cò bay lặng cuối chân trời. Tất cả đều là tình là nghĩa. Tất cả gộp lại thành hai tiếng quê hương. Quê hương! Sao rất xa mà lại rất gần. Trìu tượng quá mà vô cùng cụ thể.
Sơn ngồi lắng nghe tiếng đàn, thả mình về quá khứ. Quê Sơn chính đất quan họ. Những cô gái chít khăn mỏ quạ, má ửng đỏ, mắt long lanh duyên dáng cất lên tiếng hát làm say lòng người mời những chàng trai vào hội. Sau ngày hội là ngày cưới. Những tiếng hát dao duyên chấp chới trong ngày hội hóa thành những miếng trầu say nồng mời hai họ. Sơn lấy vợ trong trường hợp như thế. Chàng trai Phù ninh vì quá say mê giọng hát trong và ấm của cô gái Nội duệ mà theo cô về đến tận nhà. Quan họ vốn có lệ: Cô gái nào trong ngày hội mà làm chàng trai phải theo về đến tận nhà, cô gái đó nếu đã có chồng thì người chồng phải ra tiếp. Nếu chưa có chồng thì chính cô gái phải ra mời chàng trai lạ vào nhà. Cô gái mà Sơn theo về đến tận nhà đã phải ra tiếp anh. Anh đã ở lại đất cầu Lim ấy đúng một ngày và thấy lạ vì ở đấy cô gái nào cũng thùy mị, duyên dáng khác hẳn với cái câu đã làm cho các cô gái cầu Lim đã trở thành nổi tiếng “Gái Nội duệ cầu Lim”.
Cô gái ra tiếp Sơn hồi ấy bây giờ đã là vợ anh. Chín năm xa gia đình không biết bây giờ những ngày hội còn có mở? Những ngày đầu mới lấy vợ, hai người cứ quấn lấy nhau như một đôi cu gáy. Vợ cấy thửa ruộng này, chồng cày thửa ngay bên.Vợ cất lên tiếng hát, chồng nghĩ câu trả lời. Có lần mải nghe vợ hát, anh đã làm gãy cả bắp cày. Thế mà đã mười mấy năm trời. Cô gái e thẹn ngày xưa bây giờ đã trở thành người mẹ. Cô gái hay hát ngày xưa bây giờ không hát nữa. Xóm làng mở hội, cô ra nghe mà nhớ lại hồi con gái ngày xưa. Những tháng năm chờ đợi, lo âu in lên đuôi mắt cô gái những nếp nhăn mới. Cô thầm lặng đợi chờ đã chín năm nay.
Sơn bồi hồi. Tiếng đàn xốn sang day dứt. Chín năm trời, quê hương có bao nhiêu đổi khác. Nhưng dù thay đổi đến thế nào thì tiếng hát vẫn được giữ gìn. Sức mạnh của niềm tin đã giữ cho câu hát không bị mất đi trong bom đạn. Đêm nay đây câu quan họ lại cất lên giữa những người lính. Ngày mai họ lại sách súng lao vào chỗ đạn lửa mà không hề do dự. Quê hương chờ đợi họ  và họ phải sống sao cho trọn nghĩa với quê hương.
Quá nửa đêm, trăng đã lặn. Những ngôi sao chuyển từ mầu vàng sang mầu sáng bạc. Sương bắt đầu xuống nghe lành lạnh. Sơn đứng dậy nhắc mọi người.
-Đi ngủ thôi
Không một ai trả lời Sơn.  Mọi người ngước nhìn lên. Một người nói.
-Nghe thêm một bài nữa đi anh Sơn – Người đó quay sang người gảy đàn-Ông chơi bài “Vì miền nam” được không?
Người thương binh đánh đàn gật đầu. Anh ta cúi xuống lên căng thêm dây đàn và tiếng đàn vang lên mạnh mẽ. Dòng âm thanh lúc dồn dập như thác đổ, lúc tắc nghẹn đau đớn. Lúc tiếng đàn lững lờ như những dòng kênh đêm ngày chở phù sa mải miết. Tiếng đàn da diết nhớ mong. Tiếng đàn gợi về những cánh rừng tràm đầy hoa trắng nhắc đến cánh rừng đước mênh mông, gọi về những dòng sông ghe thuyền trôi êm ả.
Từ lúc cây đàn chỉ biết cất lên những lời than thống khổ đến lúc cây đàn biết thét lên những lời phẫn nộ là cả một sự đổi thay. Dưới đôi tay người lính, cây đàn không chỉ biết yêu thương tha thiết mà còn biết căm giận sục sôi. Tiếng đàn rung lên, rầm rộ như bước chân những người ra trận. Giữa cái lúc âm thanh đang dồn dập, tiếng đàn bỗng tự nhiên lắng xuống chậm chạp trôi trên cảm xúc của người nghe như một nỗi đau mất mát. Rồi tiếng đàn bỗng vút lên, âm thanh chen chúc của một niềm vui vô tận. Chiến thắng. Đoạn kết của bản nhac, giai điệu lại quay về những nốt nhạc đầu tiên. Tiếng đàn kéo dài, chậm rãi, buông lắng. Tiếng đàn tựa như câu hò của cô gái lái đò trong những đêm trăng sáng. Tiếng hò lọc qua ánh trăng bàng bạc ướt đẫm sương đêm bay đến những nương dâu xanh biếc, trải ra trên sóng nước mênh mang. Tất cả ngồi im. Tiếng đàn rất mảnh, rất thẳm. Tiếng đàn tắt rồi mà âm thanh của nó vẫn còn vang vọng. Đến khi nào, tiếng đàn này lượn bay trên sóng nước Cửu long?
Ngày xưa vua Quang Trung mang quân ra Bắc, vào một đêm giáp tết Người bất chợt nghe một người lính gảy đàn. Có ai ngờ đâu một người anh hùng cả một đời chinh chiến, cả một đời chỉ quen nghe tiếng sắt thép chạm nhau lại bị tiếng đàn quyến rũ đến mê say. Người lính ngày xưa mang cây đàn bầu suốt từ nam ra bắc. Trong cái đêm giáp tết, người lính mang cây đàn ra cho tiếng đàn thánh thót ngân nga, cho lòng về nỗi nhớ để hôm sau tiến như thác đổ vào đánh chiếm Thăng Long.
Người lính hôm nay lại mang cây đàn từ Bắc vào nam. Dù người bắc hay người nam. Dù ở sông Cửu long hay sông Hồng đỏ lửa đâu chẳng là xứ sở. Cả nước chung một tiếng đàn bầu.
°
°
Hợi tập tễnh đi cuối cùng trong đoàn người đi lấy gạo. Bỏ được cái gậy đi không Hợi mừng lắm mặc dù chân vẫn còn rất đau. Lúc bị thương anh thấy nó rất bình thường tưởng chỉ dăm bữa nửa tháng là có thể khoác gùi quay về đơn vị. Ai ngờ sáu tháng ròng rã vết thương vẫn không khỏi. Những ngày đầu còn phải chống nạng lò dò tập đi quanh nhà, mồ hôi toát ra, bắp thịt co rút lại đau nhức. Hợi kiên trì tập đi như thế suốt hai tháng, cuối cùng cái nạng le cũng được thay thế bằng cây gậy chống. Cái gậy ngay thẳng cứ thế kết bạn với Hợi từ bấy đến nay. Hôm nay bỏ được cây gậy đi không, Hợi mừng lắm. Anh quyết định chào mừng chiến công của mình bằng một buổi đi lấy gạo.
Chỉ có người bị cụt chân mới hiểu hết nỗi vui mừng sung sướng của người bỏ được cây nạng gỗ. Hàng mấy tháng trời, ăn, ngủ, ỉa, đái cùng một chỗ bất lực đến đau khổ khi người khác phải phục vụ mình. Những lúc chống nạng tập đi xung quanh nhà đau đến đổ mồ hôi hột, nhìn những người khác gùi hàng vượt dốc mà thấy thèm. Bộ quần áo mặc gần nửa tháng mà không dám thay ra vì sợ người khác phải đi giặt cho mình. Những lúc ấy ước mơ nhỏ lại và thiết thực. Giá như mình đi được dù chỉ là tập tễnh để lần xuống suối rửa cái mặt. Để tự tay mình giặt bộ quần áo của mình. Cuộc đời đánh giặc, đôi chân đã trở thành một gia tài. Đi suốt từ bắc vào Nam. Đi dọc chiều dài đất nước đã đi những bước chân mạnh mẽ của một người cầm súng thế mà nay lại từng bước tập đi. Bao giờ mới lại được bước đi trong đoàn quân trùng điệp, lại được chạy nhẩy nô đùa? Bao giờ? Bao giờ? mới lại được cầm khẩu súng.
Hợi thấy thật sự sung sướng trong những bước đi đầu tiên hôm nay.
Đường đến kho phải vượt qua một cái dốc không cao nhưng dốc đứng. Leo lên được cái dốc đầu tiên, mắt Hợi đã hoa lên, thở dốc. Cái chân lâu ngày không đi đâm đổ đốn vừa mới leo được hai đoạn dốc đã rã rời. Vết thương tấy đỏ nhức nhối. Leo lên đến đỉnh, Hợi đã thấy Sơn đứng đợi mình. Sơn nhìn Hợi ái ngại.
-Hay anh quay về
Hợi ngồi phịch xuống một cái cây đổ đã mục, duỗi thẳng cái chân đau, lấy tay xoa bóp bắp chân phải một lúc sau mới trả lời Sơn.
-Tôi đi được
Sơn bỏ gùi ngồi xuống móc túi thuốc cuộn, cuộn một điếu rồi đưa gói thuốc cho Hợi. Mắt Hợi sáng lên. Anh đón lấy gói thuốc cuộn một điếu rõ to. Hợi rít một hơi dài đến lõm má rồi khoan khoái nhả từng tý khói một. Khói thuốc ra khỏi lá phổi của anh chàng nghiện đã mất hết mầu xanh. Mấy ngày hôm nay, anh chạy quanh mà chẳng kiếm được hơi thuốc nào. Chẳng bù cho những ngày còn đánh nhau, xuất kích về, trong gùi người nào cũng đầy thuốc thẳng. Cũng lạ cho cái đời thằng lính, lúc thì ăn đến no kềnh, đứng cũng khổ mà nằm cũng khổ. Lúc thì đói mấy ngày liền không lấy một hạt cơm. Thuốc hút cũng thế. Lúc thì hút lá tàu bay, lá sắn, lúc thì thuốc Battô mang ra mời cũng chẳng thèm hút cho. Bét cũng phải là Capstan không cũng là salem một gói có bốn điếu. Gặp lính phía sau, móc túi quần cho nhau cũng vài bao thuốc thẳng. Những lúc ấy chẳng ai nghĩ đến chuyện dành dụm cho những lúc hút lá sắn, lá tàu bay.
Mới hút được một nửa điếu, Hợi đã dập điếu thuốc hút dở, cẩn thận cất vào túi áo đứng dậy bảo Sơn.
-Ta đi thôi chứ.
Sơn khoác gùi lên vai đứng dậy. Thấy Hợi bước vội, Sơn khẽ nhắc.
-Cứ thong thả mà đi. Từ giờ đến trưa thế nào cũng về đến nhà. Chẳng việc gì mà vội.
Hợi dừng lại, đợi Sơn vượt lên ngang mình.
-Anh đi nhanh anh cứ đi trước đi không anh em họ đợi.
Sơn ngần ngại. Anh không muốn để cho Hợi đi một mình.
-Đã có anh Quyết đi trước rồi.
-Anh mà đợi tôi thì đến trưa mới tới. Anh cứ đi trước còn đong gạo cho anh em không lại muộn.
-Bỏ ông lại mà ông lăn quay ra đấy thì chết tôi à.
Hai người đến kho gạo, mọi người đã đóng gạo gần hết. Từ xa Sơn đã nghe thấy Quyết đang to tiếng với một người.
-Ăn thì khỏe như hùm mà đi lấy gạo thì mang mỗi cái ruột nghé.
Người thương binh cũng chẳng phải tay vừa.
-Tôi ăn của nhà anh đấy à? Mang ruột nghé là còn tốt đấy. Anh mà còn nói nữa lần sau tôi mang khăn mặt đi gói gạo cho anh coi.
Quyết mặt đỏ gay sừng sộ. Bàn tay to sù như lực sĩ của Quyết túm lấy ngực áo của người thương binh.
-Mày nói gì? Sơn lách vội qua đám người đang xúm quanh hai người bước vào gỡ tay Quyết ra. Giọng anh nhẹ nhàng nhưng kiên quyết.
-Định làm gì thế? Đồng chí Quyết.
Quyết buông người thương binh ra hậm hực.
-Nó nói ngang như cua ai mà chịu được.
Sơn nghiêm khắc.
-Đồng chí cứ đong gạo cho thương binh theo sức của họ.
Nói xong Sơn quay sang người thương binh mang cái túi ruột nghé.
-Còn ông, ông cũng phải cố lên một tý. Ai lại mang túi ruột nghé trong lúc mọi người ai cũng mang gùi.
Người thương binh đỏ mặt chống chế.
-Tôi không có gùi nên mới phải mang ruột nghé. Anh ấy làm như tôi ăn của nhà anh ấy không bằng.
Sơn cười, vỗ vai anh chàng giọng thân mật.
-Không có gùi sao ông không nói.- Sơn vẫy Hợi lại gần- Ông đưa cái túi cho ông Hợi, chân ông ấy còn đau. Ông lấy tạm cái gùi của ông ấy mà gùi.
Nhân viên ít, không đủ người để lấy gạo cho hơn một trăm thương binh ăn. Hội đồng quân nhân thương bệnh binh họp ra quyết định: Mỗi tuần, thương binh sẽ đi lấy gạo một ngày. Người đi lấy gạo sẽ do y sinh chỉ định. Từ ngày có nghị quyết đó nhân viên của ban cũng đỡ vất vả được một phần. nhưng lại nảy sinh nhiều chuyện làm Sơn đau đầu. Có người kì lấy gạo nào cũng đi. Một phần đi để rèn luyện, một phần vì thấy anh em trong ban quá vất vả. Nhưng cũng có người nằm viện ba bốn tháng trời mà không chịu đi lấy gạo một lần nào. Y sinh có cử đi thì viện ra đủ thứ để trốn tránh. Có người bị anh em nói nhiều ngượng cũng phải đi nhưng lại mang cái ruột nghé đựng chưa đầy năm gô gạo. Đi lấy gạo chủ yếu là để rèn luyện nên gạo mang tùy theo sức. Nhiều người vin vào điều đó mang rất ít nhìn ngứa cả mắt. Nói thì không được đành cứ phải im. Anh chàng này mang ruột nghé đi lấy gạo đã nhiều lần, trách gì Quyết chẳng cáu.
Lần đầu tiên đi lấy gạo, chưa có kinh nghiệm Sơn để cho thương binh tự lấy gạo mang về. Lần ấy lấy có bốn tạ gạo mà hao gần hai yến. Mấy hôm sau khi đi thăm các lán, Sơn bắt gặp một lán đang ca cóng dưới hầm. Anh lôi ra được gần một ruột nghé gạo. Bấy giờ Sơn mới bết gạo hao nhiều như thế là do đâu. Ca cóng, tụt tạt cũng vốn là sở trường của lính phía trước. Cũng từ đấy mới sinh ra chuyện đong gạo cho từng người ấy thế mà gạo vẫn cứ mất.
Sơn cầm cái túi ruột nghé đong vào đấy già nửa cái túi đưa cho Hợi. Thấy Hợi nhìn cái túi với ánh mắt ngần ngại, Sơn nói ngay.
-Chân ông còn đau, mang vừa vừa cái đã.
-Ai lại mang nửa cái ruột nghé. Đằng nào cũng một công đi. Anh cứ đong đầy vào.
-Lần sau, lần sau.
Sơn vừa nói vừa nhanh nhẹn đóng gạo vào gùi cho mọi người. Hợi khoác nửa ruột nghé gạo lên vai tranh thủ về trước. Đi được một quãng anh còn nghe thấy tiếng Sơn nói với người thương binh khi nãy
-Thêm một gô nữa nhé. Từ đây về nhà có xa gì.
Thương binh đã gùi gạo về hết, Sơn mở gùi của mình đóng gạo vào. Buộc gùi xong, anh đợi Quyết cùng về.
Quyết là y tá sừng sỏ nhất tiểu đoàn về tuổi quân, tuổi nghề tuổi chiến trường đồng thời cũng là người nổi tiếng bầy hầy, tụt tạt nhất viện. Quyết thuộc hạng người mà như Tháp nói “Loại có sạn trong đầu”. Anh ta từng thẳng thừng tuyên bố.
-Ở ban này tớ chỉ nể ông Sơn với ông Tháp một chút còn lại thì khinh hết, khinh hết.
Nói đến hai tiếng  “Khinh hết” môi Quyết chề ra, tay phải xua xua trước mặt tỏ ý khinh thật sự. Quyết còn nể Sơn với Tháp vì hai người đã vào chiến trường chín mười năm chẳng kém gì Quyết. Những người mới vào chiến trường như Thành thì anh coi thường ra mặt. Cả ban chẳng còn ai nói nổi Quyết. Lúc hứng lên, Quyết làm thục mạng chẳng ai bằng. Lúc đã không muốn làm thì trời cũng không dựng nổi anh ta ra khỏi cái võng. Tính Quyết ương ngạnh chẳng sợ bất cứ một ai. Quyết đã nổi tiếng khắp viện vì câu chuyện cái đài.
Dạo ấy,Quyết đi lĩnh hàng quân y cho viện. Đến trưa, đoàn đi lấy hàng rẽ vào nghỉ nhờ chỗ quân của tỉnh đội. Quyết nhìn thấy một cái đài ba bóng loại tự lắp vứt lăn lóc ngoài sân. Có người lại lấy nó thay cho cái ghế ngồi. Thấy thế anh xin về, hí hoáy tháo lắp không hiểu làm sao cái đài lại nói được mới tài.  Cái đài một băng ậm ạch lúc nói được lúc mất nhưng dù sao vẫn hơn không. Mỗi tội nó ngốn pin quá mạnh nên nhiều lúc anh phải nhét nó vào ba lô vì không sao kiếm nổi pin. Được hai tháng, ở trên có lệnh thu đài. Quyết lên tiểu đoàn cãi nhau một trận om sòm, cuối cùng vẫn phải mang cái đài lên nộp vì Quyết chưa đủ tiêu chuẩn dùng đài. Quyết gỡ bóng, gỡ loa còn lại mang lên tiểu đoàn nộp và thề sống thề chết lúc xin được cái đài chỉ có thế. Mấy hôm sau, Quyết xin được một ít linh kiện của mấy tay cơ công mày mò lắp được một cái đài khác. Không có vỏ, Quyết nhét tất cả vào một cái ống bương đặt ngay ở đầu giường. Tiểu đoàn biết được gọi Quyết lên. Anh vác cái ống bương lên đặt ở bàn hỏi chính trị viên tiểu đoàn.
-Cái này các anh cũng gọi là cái đài à?
Quyết cũng là người bị anh em thương binh kêu ca nhiều nhất về thái độ phục vụ và nóng nẩy của mình.
Thấy Quyết buộc gùi xong, Sơn xốc gùi lên vai. Anh tiếc rẻ nhìn những hạt gạo vương vãi trên mặt đất. Ngần ngừ một lúc, Sơn bỏ gùi gạo xuống vun đám gạo vãi thành một đống hót vào túi mìn mang về.
_Anh lấy về làm gì?
Quyết ngạc nhiên hỏi
-Mang về cho gà
Sơn vừa trả lời vừa xốc gùi đứng dậy. Vượt qua hết cái dốc thứ hai, Sơn vẫn thấy Hợi tập tễnh vượt dốc. Đi ngang đến Hợi sơn đi chậm lại vừa đi vừa đợi. Hợi lấy tay áo lau những giọt mồ hôi trên trán bảo với Sơn.
-Anh gùi nặng cứ đi trước đi.
Quyết chẳng nói chẳng rằng bước lại nhấc túi gạo của Hợi bỏ lên vai mình. Hợi giằng túi gạo lại. Thấy thế Sơn tặc lưỡi bảo Quyết
-Thôi ông cứ về trước đi còn đong gạo cho anh em. Mình với ông Hợi sẽ về sau.
Quyết bước những bước dài bỏ hai người ở lại. Chẳng mấy chốc, anh đã khuất hẳn bên kia con dốc. Sơn hạ gùi xuống bảo Hợi.
-Ta nghỉ tý đã.
Hợi quẳng ruột nghé gạo xuống đất, vớ lấy cái mũ của Sơn quạt lấy quạt để.
-Tôi đi lấy gạo chỉ tổ thêm vất vả cho các anh.
-Chủ yếu là để cho ông rèn luyện mà.
Ngồi một lúc, chưa ráo mồ hôi Hợi đã vác túi gạo lên dục Sơn đi. Hai người vượt thêm mấy cái dốc lại ngồi nghỉ một lần nữa. Đoạn này đường bằng dễ đi nên Hợi đi có vẻ nhanh hơn. Sơn nhìn cái chân của Hợi lắc đầu.
-Thế mà hồi ấy tôi cứ tưởng cái chân sẽ bị cắt.
-Anh Tháp mà ở nhà thì cái chân của tôi đã bị cắt thật rồi.
Sơn hơi ngạc nhiên. Anh tưởng chỉ có nhân viên của ban mới biết được điều ấy của Tháp. Hóa ra Hợi cũng biết. Mà chắc rằng nhiều người nữa cũng biết. Những người thương binh là những người đánh giá người thầy thuốc đúng nhất. Không có một cái gì dù lắt léo đến đâu có thể lọt qua nổi mắt họ. Dừng thấy họ cười đùa, nói chuyện thân mật với mình mà đã tưởng rằng mình như thế là tốt. Hợi vẫn cười với Tháp. Vẫn quý Tháp nhưng vẫn nhận xét về Tháp rất đúng và rất nghiêm khắc.
Về đến nhà hành chính Sơn đã nghe thấy tiếng Quyết oang oang dưới bếp.
-Tâm lán chín mười ba gô.