Chương Bảy

Hầm mổ là một hầm bằng khá rộng nóc được lát bằng những súc gỗ lớn.Nước mưa nhỏ từng giọt động lại thành một vũng lớn, căng mọng trên tấm ni lông căng trên trần.
Hầm bỏ không. Một ca mổ vừa xong. Ở góc hầm, Tháp đang ngồi dựa vào chiếc bàn mổ làm bằng tre còn nhớp nháp những nước và máu ngủ rất say. Một ngọn nến to bằng cườm tay đúc bằng ống nứa cắm trên bàn soi sáng cả gian hầm. Bên ngoài, mưa trút nước ào ào. Gió hú trên những ngọn cây vút dài lởm chởm. Trong hầm ngọn nến cháy bình lặng. Nước thấm qua những lớp đất dầy đắp trên nóc hầm nhỏ xuống tấm ni lông từng giọt đều đặn. Ba giờ sáng.
Một cáng nữa được đưa vào hầm. Ca mổ thứ ba trong đêm nay. Liên xếp dụng cụ ra khay. Cô cố gắng thật nhẹ tay tránh gây ra những tiếng động mạnh làm Tháp tỉnh giấc. Xong xuôi, cô mở nồi hấp lấy ra một miếng vải màn còn nóng cẩn thận phủ lên khay dụng cụ.
-Thử máu chưa?
Thành quay sang Liên hỏi nhỏ
-Dạ. Đã.
Liên trả lời khe khẽ. Thành kiểm tra công tác chuẩn bị một lần nữa. Anh lấy kẹp,kẹp lại một bộ truyền đang chảy ri rỉ trong lúc Liên lấy khăn lau lau vội bàn mổ. Thấy không còn gì nữa, Thành đi lại lay vai Tháp.
Tháp uể oải ngẩng lên. Con mắt trũng sâu hốc hác. Tháp vớ lấy cái khăn mặt, lau mặt cho tỉnh ngủ. Con mắt anh chằng chịt những tia máu nhỏ,
- Xong rồi à?
- Xong rồi.
Tháp không hỏi gì nữa. Họ đã thuộc tính nhau đến mức không cần phải nói nhiều. Khi nào Thành nói “ Xong rồi” thì có nghĩa Tháp có thể yên tâm làm việc. Đã từng mổ cùng với nhiều người nhưng Tháp chưa thấy ai chu đáo trong việc chuẩn bị đến như Thành. Anh không bao giờ cho phép ca mổ phải dừng lại dù chỉ là một phút vì khâu chuẩn bị. Thành vẫn thường bảo mọi người
-Một phút phải dừng lại thôi có khi là tính mạng của cả một con người.
Lần đầu tiên mổ với Thành, Tháp đã thấy ngạc nhiên khi Thành cho phân loại máu của thương binh.
-Để làm gì?
Tháp hỏi
-Nếu sao ta có thể truyền máu ngay được.
Thành trả lới. Lần ấy Tháp suýt bật cười. Đúng là tâm trạng của một anh chàng lần đầu tiên đứng vào bàn mổ. Tháp thầm nghĩ. Ngày xưa chính mình cũng như thế. Cũng sau lần đó ở ban một này mới có việc phân loại máu của tất cả nhân viên trong ban.
Có Thành đứng phụ mổ bên cạnh, Tháp thấy yên tâm hẳn. Trong hội chuẩn, bao giờ Thành cũng cân nhắc từng thì cần phải tiến hành. Thì nào trước, thì nào sau,mỗi thì cần dùng những dụng cụ gì Thành đều nhớ như in trong óc nên phụ mổ cho Tháp, Anh đưa dụng cụ cho Tháp rất chính xác và đúng lúc mà không cần Tháp phải nói
Đấy là một người phụ mổ lí tưởng. Tháp vẫn nói vậy với mọi người trong tiểu đoàn. Những ca mổ có tiên lượng xấu, có Thành, Tháp thấy vững tâm hơn. Đã nhiều lần đang mổ gặp khó khăn, lần nào Thành cũng đưa ra được những giải pháp sử lý để cho Tháp thực hiện.
Trường từ ngoài bước vào trong hầm. Anh cởi tấm ni lông ướt sũng treo ở ngoài cửa. Liên châm thêm một cây nến nữa.
- Ta bắt đầu chứ
Thành hỏi
- Còn ông Sơn nữa.
Sao mình cứ quên vai trò của người chính trị viên trong những ca mổ như thế này? Thành ân hận tự trách mình. Lần này là lần thứ mấy rồi? Sao vậy?Sao mình vẫn chưa nhìn thấy vai trò của anh ấy?
Sơn đến, cuộc hội chuẩn bắt đầu. Sơn im lặng lắng nghe ý kiến của mọi người. Lại gặp một ca khó rồi. Sơn lo lắng thầm nghĩ. Làm chính trị viên của đội phẫu đã nhiều năm, những kinh nghiệm dồn tích lại cho anh có thể phân loại được mức độ trầm trọng của từng ca mổ. Giọng nói chậm chạp, nhấn mạnh vào nhứng chỗ quan trọng của Thành càng rắc thêm mối lo lắng vào trong lòng anh
-Đây là một ca mổ có tiên lượng rất xấu. Vết thương ở lân cận xoang tĩnh mạch nên có thể khi mổ huyết áp sẽ tụt rất nhanh. Không phải là có thể nữa mà nhất định sẽ là như thế….
Có thể phải truyền máu. Sơn nghĩ nhanh. Tiếng máu đỏ tươi hiện lên trong đầu Sơn rồi lồng vào đấy là những khuôn mặt thân quen của những người trong ban. Khuôn mặt Liên tái xanh sau mấy ngày con ốm. Khuôn mặt Nga đỏ bừng trong cơn sốt đang hành hạ. Tín với một khối lượng công việc khổng lồ anh đang gánh vác. Tất cả những khuôn mặt ấy lướt qua rất nhanh, chập chờn. Nổi hằn lên trên tất cả những khuôn mặt ấy là một chữ Máu đỏ tươi, sắc cạnh và gân guốc.
Nhân viên của ban quá ít. Khối lượng công việc lại lớn. Nếu cứ phải cho máu liên tiếp thế này  liệu họ còn đủ sức khỏe để công tác không.?
Thành đột ngột quay sang hỏi Liên.
-Thương binh nhóm máu gì?
-Nhóm A
-Ai có máu ấy?
Sơn hấp tấp hỏi chen vào
-Tôi.
Liên đáp lại gọn lỏn
-Không còn ai nữa à?
-Không
Liên đứng hơi lùi sau mọi người khuất vào trong bóng tối. Sơn quay lại.Trong vùng tối mờ mờ Sơn bỗng thấy sao Liên quá bé nhỏ.
Tháp cười
-Sao tham thế cô bé? Cả tôi nữa chứ.
-Anh Sơn còn ý kiến gì nữa không?
Thành quay sang hỏi Sơn như thể bù lại những phút lãng quên Sơn của mình lúc trước.
-Không!- Sơn lắc đầu- Chỉ xin nhắc mọi người. Phải cứu sống thương binh. Chúng ta phải đánh tan quan niệm mổ vết thương sọ não trong mùa mưa rất dễ bị tử vong đang ngự trị trong tiểu đoàn. Mà lần này ai mổ?
-Anh Tháp thôi.
Thành đáp ngay không do dự. Sơn lắc đầu cười cười nhìn vào mắt Thành.
-Không! Lần này anh sẽ mổ.
-Tôi?
-Sao nữa. Anh Tháp sẽ phụ mổ. Anh Trường gây mê hồi sức. Thế nào, Đồng ý chứ?
Sơn hỏi tất cả mọi người
-Được đấy
Tất cả trả lời Sơn vẻ thoải mái. Thành bối rối.
-Không nên để anh Tháp làm thì hơn
-Anh nên nhớ anh là một bác sĩ. Anh định làm “Ét” đến bao giờ nữa? Cứ mổ đi. Ông cần phải mổ mà mổ cho thật giỏi để còn nhận những trách nhiệm mới nặng nề hơn nữa chứ. Sơn vỗ vai Thành thân mật. Anh đã bỏ tiếng “Anh” mà gọi Thành bằng ông một cách rất tự nhiên.- Mà không phải riêng mình ông. Mọi người trong ban ai cũng phải làm được những công việc cao hơn vị trí của mình..- Sơn dừng lại,kết thúc cuộc hội chuẩn-Thôi kí biên bản đi
Mọi người lần lượt kí vào biên bản và đứng vào vị trí của mình. Tháp lật miếng vải màn đậy trên khay dụng cụ và đưa cho Thành dụng cụ đầu tiên. Thành cầm lấy lưỡi đục từ tay Tháp. Lưỡi đục vừa lấy ra từ nồi hấp còn ấm nóng. Luồng nhiệt từ lưỡi đục truyền sang Thành một niềm vui ấm áp. Đây là một phần thưởng cả ban dành cho anh. Với một người thầy thuốc ngoại khoa, còn gì vui hơn khi mọi người tin anh, trao cho anh lưỡi dao mổ.
Cũng giống như người lính bộ binh mới nhập ngũ, khi người chính trị viên thay mặt nhân dân trao cho anh khẩu súng, anh sẽ cảm thấy từ phút ấy, trách nhiệm của mình sẽ nặng nề hơn, anh sẽ thấy mình đã lớn hơn lên một bậc. Tình cảm của Thành lúc này cũng thế. Đâu có phải bỗng dưng anh có cái phút này, cái phút Tháp thay mặt mọi người đưa cho anh lưỡi đục. Đây là kết quả của những đêm trắng bên cuốn sách. Kết quả của những đêm gùi hàng vượt dốc, của những ngày bên giường thương binh. Đây là niềm tin của mọi người đối với anh. Không đơn thuần chỉ là niềm tin vào những kiến thức anh đã học. Trước tiên đây là niềm tin vào con người. Một niềm tin mà chỉ có kiến thức không thôi sẽ không sao lấy được. Phải có những buổi phát nương, những lần gùi hàng vượt dốc. Phải có những phút chung chịu những trận pháo bầy mới có được niềm tin hôm nay. Cái phút mọi người tin cẩn trao cho anh tính mạng một con người.
Ngọn nến trong tay Liên cháy sáng. Khi lưỡi đục bắt đầu hạ xuống, những cảm xúc trong Thành tan hẳn. Anh rất tỉnh, gần như lạnh lùng bắt tay vào công việc. Tiếng kìm gặm xương sồn sột. Thành mở rộng vết thương, thăm dò vào sâu bên trong. Thần kinh anh căng lên. Tất cả tinh lực dồn vào năm đầu ngón tay cố gắng phân biệt từng những va chạm nhỏ từ chiếc que thăm dò truyền đến. Thời gian trôi vùn vụt. Vẫn chưa thấy đường vào của mảnh đạn.
Hay chưa thấu não? Nếu vậy thì mảnh đạn nằm ở đâu? Những câu hỏi hiện ra trong đầu rồi lập tức bị bác bỏ. Vô lí!Nếu chưa thấu não thì sao thương binh lại trong tình trạng hôn mê như thế này.
Mồ hôi đổ ra lấm tấm trên trán. Liên lấy chiếc khăn mặt lau vội những giọt mồ hôi trên mặt cho Thành. Hồi còn thực tập ở khu bốn, Thành đã gặp nhiều trường hợp bị áp xe não do kết luận sai vị trí của mảnh đạn. Mảnh đạn thấu não lại đi kết luận rạn hộp sọ nguyên nhân vì thăm dò không kĩ. Bây giờ anh mới hiểu những khó khăn của người bác sĩ khi không có những thiết bị khoa học trong tay. Giá như ban có một máy X quang. Cái ước mơ nho nhỏ ấy anh đã phải gạt bỏ ngay không dám nghĩ đến. Bông băng còn không đủ nói chi đến các thiét bị cao xa. Mà có cao xa gì lắm đâu. Hồi còn là sinh viên, Thành đã từng được mổ dưới màn hùynh quang của những phòng mổ hiện đại. Thế mà bây giờ. Chiếc que thăm nhẫn nại dò tìm đường vào của mảnh đạn.
“Kịch” một tiếng động rất nhỏ. Thành nghe thấy tiếng động đó không phải bằng đôi tai mà bằng sự nhậy cảm của năm đầu ngón tay. Năm đầu ngón tay hẫng nhẹ. Rất nhẹ. Thành thầm reo lên “ Đây rồi”.
Mảnh đạn oái oăm đi chếch lên vùng xoang tĩnh mạch. Mũi khoan ăn xuống lớp xương ken két. Mảnh xương sọ trắng đục vừa được nhấc lên, một dòng máu đen sẫm phun lên như một dòng suối. Vết thương hoác miệng sâu như một cái giếng. Máu đen thẫm từ đó phun ra như không có gì có thể giữ lại được Thành lấy ngón tay cái bịt vào vết mổ. Ngón tay anh như bị đẩy bật ra. Một chút gợn rất nhỏ trên ngón tay. Mày đây rồi. Mảnh đạn nhanh chóng được gắp ra
-Huyết áp tụt 7 trên 4
Trường nói hấp tấp. Mồ hôi Thành túa ra. Cái áo đang mặc dính chặt vào người.
-Cắt lấy một miếng thịt đùi.
Thành nói, cố giữ lấy giọng bình thản cho mọi người khỏi cuống. Rất nhanh, Tháp hiểu ngay Thành định làm gì. Anh nhanh nhẹn lọc lấy một miếng cơ đùi của thương binh cho vào cái bát dần sơ qua rồi chuyển cho Thành. Đặt miếng thịt lên vết mổ, kéo lớp da đầu phủ lên, Thành lấy kim định khâu kín lại.
- Đừng! đặt một cái mét thì hơn
Tháp vội ngăn lại
- Sao?
- Để đề phòng trường hợp não chết
Sao có cái điều đơn giản như thế mà mình lại quên? Mình cuống rồi chăng? Thành tự hỏi.
Dòng máu đã được cầm lại nhưng tiên lượng xấu đi rất nhanh. Huyết áp tiếp tục tụt gần đến số không. Mạch không bắt được nữa. Thành cắn môi quyết định
- Truyền máu.
Hạ xong mệnh lệnh, Thành như sực tỉnh. Anh quay lại nhìn Liên. Cô gái bắt đầu kéo ống tay áo lên. Tháp ngăn lại
- Để tôi.
Anh xắn ống tay áo để lộ ra một cánh tay lực lưỡng.
-Không được! Anh Tháp. Anh còn phải mổ.
Vừa nói Liên vừa chìa cánh tay ra trước mặt Trường. Ánh nến như chập chờn. Cánh tay của cô gái như xanh nhợt ra trước ánh nến không đủ sáng. Trường cầm ống lấy máu lưỡng lự nhìn Thành.
- Thế nào. Anh Thành?
Thành quay mặt đi nói nhỏ nghèn nghẹn
- Thôi để Liên
Thành không nhận ra nổi tiếng của mình. Liên đã nói đúng. Chiếc kim lấy máu chích vào cánh tay xương gầy của cô gái nhói buốt  trong ngực Thành. Anh quay đi không dám nhìn vào dòng máu đỏ tươi đang chảy vào chiếc chai thủy tinh. Đã quay đi rồi nhưng hình như có một sức mạnh nào đó buộc Thành phải quay lại để nhìn. Dòng máu lúc mạnh,lúc yếu theo nhịp đập của con tim trong lồng ngực cô gái. Thành đăm đăm nhìn dòng máu đỏ tươi ánh lên dưới ánh nến. Bất giác anh quay lại nhìn sang Liên. Cô gái nằm im, mắt mở to,lặng lẽ nhìn dòng máu từ cơ thể mình chảy vào lọ. Như đáp lại những ánh mắt lo lắng của mọi người đang nhìn mình. Cô gái nở một nụ cười nhợt nhạt. Lòng Thàmh đau thắt.
Biết làm thế nào Liên ơi!
°
°
Ca mổ thành công. Lẽ ra cũng giống như những phẫu thuật viên khác Thành phải vui mới đúng. Đằng này anh lại buồn. Rất buồn. Cứ nghĩ đến cái lúc Liên gần như lịm đi anh không thể nào vui lên được. Gần hai trăm C C máu, gần một nửa tính mạng của một người con gái như Liên. Cuộc chiến đấu này đã cho anh một tình yêu quá lớn. Lớn đến cái mức anh không thể bằng lòng với chính mình. Làm sao anh có thể vui được khi anh phải quay mặt đi để nói một câu muốn ứa nước mắt “ Thôi để Liên”. Giá như anh có thể đảm đương được tất cả những ca mổ thì anh đâu phải nói cái câu đau lòng ấy. Thành thấy giận chính bản thân mình.
Không ai hiểu nổi tâm sự rất sâu này của anh. Anh buồn sau một ca mổ thành công. Điều này làm mọi người trong ban ngạc nhiên.. Lúc ra khỏi hầm mổ, Tháp thân thiết ôm lấy vai Thành lắc khẽ.
-Chúc mừng anh.
Thành cười rất tươi. Những tia sáng đầu tiên của buổi sáng như nhẩy vui trong mắt anh. Chỉ một thoáng thôi, nét mặt anh bỗng sầm xuống. Anh gỡ mình ra khỏi tay Tháp.
-Không! Không! Anh Tháp
Thành bỗng im bặt. Niềm vui như một con chim ưa nhẩy nhót chỉ đọng lại trong Thành một thời gian rất ngắn rồi lại vù bay mất. Niềm vui? Có đấy nhưng không lớn. Khi người ta lớn lên thêm một bậc lại là lúc hình như người ta thấy mình bỗng nhỏ đi. Cũng giống như một người ham học. Càng học lại càng cảm thấy mình dốt nát.
Không phải anh không có lúc tự thỏa mãn với bản thân mình. Có. Đấy là lúc anh cầm mảnh bằng tốt nghiệp.
Năm năm một gạch một sao
Một côn—bát sắt đeo vào ngang hông
Một cô vợ trẻ má hồng
Một căn phòng nhỏ giữa lòng thủ đô
Trong cái đêm làm lễ lĩnh bằng tốt nghiệp, Thành đã viết mấy câu đó vào trong nhật kí.Thế là đủ còn cần gì hơn nữa. Một ước mơ chật hẹp trỗi dậy đè bẹp những ước mơ bay nhảy của tuổi trẻ. Cả kiến thức cũng thế. Nhiều lúc Thành thấy như mình là đã quá đủ. Những ngày thực tập, nhìn bạn mổ, thầy mổ, thậm chí ngay chính mình mổ cũng vậy. Ca nào anh cũng cảm thấy dễ. Những ca phức tạp đã có giáo viên đứng ngay bên chỉ dẫn. ngay cả những ca như thế anh cũng cứ nghĩ nó thành công là do tài năng của mình. Chưa có ca nào làm anh phải day dứt, băn khoăn đến mất ăn mất ngủ. Làm sao có thể day dứt đến mất ăn mất ngủ khi làm việc mới chỉ là nghĩa vụ?. Bây giờ khi con dao mổ trong tay đã hóa thành tình cảm, thành ý thức trách nhiệm trước những người đã chết và những người còn sống Thành lại thấy mình dốt. Rất dốt. Làm sao có thể vui được khi Liên ốm, con Liên ốm mà anh vẫn phải đồng ý để cho Liên cho máu.
Rời hầm mổ về nhà, Thành buồn ngủ đến díu cả mắt tưởng chỉ cần đặt mình xuống là có thể ngủ ngay được. Đã mấy đêm thức trắng. Thành không có được thói quen như Tháp. Sau mỗi ca mổ, anh có thể gục ngay xuống bàn, tranh thủ ngủ trong vòng bảy tám phút ngắn ngủi trong thời gian chuẩn bị cho ca mổ sau. Thành không thể như thế. Anh không thể yên tâm khi công việc chuẩn bị không có tay mình. Là một bác sĩ, anh hiểu rõ giá trị của từng phút trong lúc phẫu thuật. Chỉ một sơ xuất rất nhỏ. trong khâu chuẩn bị cũngcó thể làm cuộc phẫu thuật phải dừng lại hàng chục phút. Ca mổ trước vừa xong, Thành lại cùng Liên chuẩn bị cho ca mổ tiếp theo. Cứ thế cho đến sáng. Có lần Liên đã nói với Thành.
-Anh tranh thủ ngủ đi một lúc. Em chuẩn bị được.- Thành lắc đầu. Cô gái nhìn đôi mắt trũng sâu của anh rồi nói tiếp- Không thì anh cũng ngồi xuống nghỉ đi. Đứng suốt rồi còn gì.
-Thế còn cô?
Thành hỏi lại.
-Em khác. Em là con gái.
Ra vậy. Thành đã sống nhiều với những cô gái trong chiến trường. Hồi đang học dở năm thứ tư, anh đã vào Quảng trị phục vụ hơn một năm ở một đội thanh niên xung phong. Ở đấy, công việc nặng nhọc, bom đạn ác liệt đã làm cho những cô gái trở nên xốc vác, quả cảm nhưng đồng thời cũng làm cho họ trở nên “Nam” hơn. Những ngày đầu sống với những cô gái như thế anh cảm thấy rất khó chịu. Trong anh, Hà đã trở thành khuôn mẫu cho anh nhận định, đánh giá những cô gái khác. Con gái có thể tinh nghịch nhưng phải dịu dàng.. Nhưng rồi sống lâu ngày anh cũng quen dần. Anh không còn thấy khó chịu về sự “Nam hóa “ấy. Sống ở một môi trường như vậy, họ tất phải như thế. Anh vẫn tự nghĩ thế. Sống đâu quen đấy.Người ta vẫn nói vậy và anh cũng thấy câu ấy đúng. Mãi về sau Thành mới biết mình lầm.
Một hôm người ta đưa vào trạm xá của anh một cô gái. Cô ta đã đứng trên hút bom nổ chậm cho đoàn xe vượt qua. Đoàn xe qua hết, cô gái vừa chạy được mấy bước thì bom nổ. Cô gái bị thương phải đưa vào trạm xá. Hơn một tháng nằm điều trị, khi cô gái ra viện có người bảo với Thành.
-Con bé hơn hai năm đi thanh niên xung phong mà vẫn cứ như hồi còn ở nhà. Thật lạ ông Thành hè?
Đến lúc ấy, anh mới nhận thấy đấy là một cô gái rất “Con gái”.  Hóa ra không phải vì quen mà vì cuộc sống quá dữ dội và hào hùng đã tước bỏ đi trong anh những thành kiến vụn vặt, khắt khe. Cho anh một tầm nhìn xa hơn về con người và sự việc. Mỗi ngày, cuộc sống lại cho anh nhìn xa hơn được một chút, rộng hơn được một chút. Như hôm nay đây chẳng hạn, nghe Liên nói, Thành mới hiểu được những gì cô phải chịu đựng khi không muốn biến mình thành một chàng trai. Không phải Liên không buồn ngủ. Cô cũng rất muốn gục xuống chiếc bàn mổ còn nhớp nháp những máu và nước kia để chợp mắt dù chỉ là một hai phút. Nhưng cô đã cưỡng lại chỉ vì “ Em là con gái”. Một việc rất nhỏ thôi nhưng phải dồn vào đấy bao nhiêu nghị lực. Còn bao nhiêu điều phiền phức khác của một cô gái sống giữa một tập thể toàn đàn ông?.
Thành lấy khăn chùm lên mặt. Ngủ thôi. Đêm nay còn thức. Không ngủ được. Những ý nghĩ miên man kéo đến. Nụ cười nhợt nhạt của Liên hằn vào anh một câu hỏi. Đến bao giờ ta mới có thể đảm đương được?
Biết không thể ngủ được, Thành ngồi dậy cầm ống nghe lên các lán. Các lán đang ăn cơm sáng. Bữa sáng có măng chua sào và nước chấm. Lán hơi chật, mười một người ngồi trên sạp quanh rá cơm đang bốc hơi nghi nghút. Trong không khí lành lạnh của buổi sáng, mùi cơm chín làm người Thành ấm hẳn lên.
-Anh Thành vào ăn cơm với chúng tôi
Thấy anh mọi người quay lại chào. Thành bước vào trong lán, ngồi xuống sạp. Trận mưa đêm qua còn để lại trên nóc lán mấy vũng nước lớn. Ánh sáng buổi sớm qua lớp ni lông mỏng được nhuộm thành mầu xanh nhạt. Ban mới chuyển đến đây, lán làm chưa kịp. Nhiều người còn phải căng tăng võng nằm ngoài trời. Gọi là lán cho ra vẻ thôi chứ thực ra cũng chỉ là loại nhà tăng mà anh em chiến sĩ vẫn làm mỗi khi phải chốt đêm lại. Mái lán được căng bằng những tấm ni lông mỏng. Trong những trận mưa, nước đọng thành những vũng lớn trên nóc lán. Về đêm, anh em ngủ quên không kiểm tra, vũng nước lớn quá bị bục ra làm những người nắm ở dưới ướt sạch. Nhìn anh em ăn ở như thế rất khổ tâm. Thương lắm nhưng đành chịu. Nhân viên có mười một người thì sáu người chuyên đào hầm, làm lán vẫn không kịp.. Thành ngồi xuống cạnh một người đắp chăn kín mít.
-Sốt à anh Tam?
Tam thò đầu ra khỏi chăn. Mặt anh đỏ bừng. Lính mới vào người nào cũng sốt rất cao. Anh bỏ chăn ra và bắt đầu khám bệnh. Vừa sờ tay vào bụng người lính trẻ, Thành giật mình. Lách to quá. Lách xa xuống dưới rốn, cộm lên trong ổ bụng. Chỗ ban ở lại rất dốc. Thành lo lắng đứng dậy bảo với mọi người.
-Lách anh Tam to quá. Các đồng chí đừng để anh ấy đi lại nhiều. Mà sáng nay anh ấy ăn gì chưa?
-Anh ấy chẳng ăn gì từ chiều qua.
-Chết thật. Để tôi đi lấy cho anh ấy hộp sữa.
Thành tất tả quay xuống. Đường mùa mưa lầy lội, trơn tuột. Bùn lọt vào lòng dép làm bàn chân cứ chực chạy lên trước cả cái dép. Mấy lần anh loạng choạng suýt ngã. Đi qua lán một có người gọi anh.
-Vào đây cái đã, bác sĩ Thành.
Thành rẽ vào. Vừa đến cửa anh đã hỏi.
-Có việc gì đấy các đồng chí?
Một thương binh cười nói.
- Thấy anh vất vả quá thì mời anh vào chơi thôi. Ngồi uống nước anh.
Người thương binh nghiêng ca rót nước chè ra cái bát mời Thành. Nước chè trong xanh bốc hương thơm ngát. Thành uống một ngụm thấy người tỉnh hẳn. Uống xong bát nước Thành đứng ngay dậy.
- Thôi. Các anh ngồi chơi nhé. Tôi đang bận.
Một người nhìn đôi dép bê bết bùn đất của Thành hỏi ái ngại.
- Anh không có tất à?
Thành lắc đầu. Anh ta đứng dậy lấy trong ba lô ra một đôi tất len chiến lợi phẩm còn nguyên trong túi ni lông ra đưa cho Thành.
- Anh cầm lấy mà dùng.
Thành lắc đầu từ chối. Lính phía trước trở về có rất nhiều “ Đồ cổ”.Với họ, một đôi tất len, một chiếc đèn pin hay vài chéo dù hoa chẳng có nghĩa lí gì. Ngược lại những người ở phía sau như Thành lại không có mà dùng. Nhiều người về đây đã ngỏ ý cho Thành nhiều thứ nhưng không lần nào anh nhận. Lấy của thương binh vừa mang tiếng mà có khi còn bị kỉ luật. Xin những cái nhỏ quen đi rồi sẽ dẫn đến xin những cái lớn. Không ít người đã bị kỉ luật vì thế. Người chiến sĩ dúi đôi tất vào tay anh.
-Đôi tất chứ có gì đâu mà anh phải ngại. Nào có phải cái đài hay cái đồng hồ cho cam.
Mọi người ở ngoài nói vào. Không thể từ chối được, Thành lúng túng cám ơn rồi cầm lấy đôi tất.
Xuống dưới bếp, thành đã thấy Sơn ngồi đấy. Thấy Thành Sơn nói ngay.
-Ông Thành đây rồi. Tôi đang định đi tìm ông- Sơn móc túi đưa cho Thành một mảnh giấy-Ông xem đi.
Thành mở tờ giấy ra đọc. Đấy là thư của viện trưởng Thanh. Bức thư viết
Gửi các đồng chí ban một.
Các đồng chí cho một tổ phẫu bốn người ( Một phẫu thuật viên) lên gấp tiểu đoàn nhận nhiệm vụ mới
Thanh
Thành gấp tờ giấy trả lại cho Sơn.
- Nhiệm vụ gì mà gấp thế nhỉ?
- Phẫu thằng 24 vừa bị oanh tạc. Chắc là ta đi tăng cường cho nó. Anh thấy thế nào?
- Anh Tháp có ý kiến gì chưa?
Thành hỏi thăm dò. Sơn nắm ngay được ý nghĩ của Thành. Anh phát vào lưng Thành một cái rất mạnh.
-Làm gì phải giữ ý đến thế. Cứ nói thẳng ra xem nào.
Thành hơi ngượng. Quả thật từ hồi va chạm với Tháp quan hệ của hai người vẫn chưa được bình thường. Giữa hai người vẫn còn một khoảng cách tuy không rộng nhưng chưa thể vượt qua
- Có lẽ nên để tôi đi thì hơn..
Sơn sởi lởi.
- Tôi cũng nghĩ như thế. Anh định lấy đi những ai?
- Cái này thì phải bàn với anh Tháp xem sao đã.
Thành lưỡng lự. Sơn kéo tuột Thành lên nhà trên. Trước lúc đi anh còn quay lại dặn Tín
- Ông mang cho ông Tam ở lán ba hộp sữa nhé. Từ hôm qua đến giờ ông ấy không ăn được gì.
°
°
 
Đêm vượt sông là một đêm trăng sáng. Sau những trận mưa tầm tã ban ngày, trời đêm hiện ra cao thẳm với muôn vàn vì sao lóng lánh. Vầng trăng bàng bạc chênh chếch. gối đầu lên dãy núi phía tây. Cũng từ phía ấy, tiếng nổ rền rĩ của những trận pháo bầy vọng tới. Tiếng nổ dội vào vách núi, bật ngược trở lại tạo thành một chuỗi tiếng nổ nghe rất trầm.
Đêm càng sâu, khu rừng càng náo động. Dưới ánh trăng bàng bạc, trung đoàn như một con rắn khổng lồ trườn về phía trước. Qua một trảng đồi trống,  từ trên đỉnh đồi cao, Trường quay lại nhìn xuống. Giữa một vùng đổ nát tan hoang tưởng như không còn sự sống của những bãi bom B52  dầy đặc, nối tiếp, ánh trăng trải ra mênh mông. Một cái cây cổ thụ còn sót lại mọc vút lên, hằn vào trong ánh trăng một vệt đen thẫm trơ trọi. Đoàn quân đi in vào đêm một bóng đen chuyển động. Trường bỗng thấy đêm hôm nay sao tĩnh lạ.
Đêm trong rừng tĩnh mà lại động. Tiếng những bước chân rậm rịch. Tiếng sắt thép va vào nhau rồi lặng tắt nhường chỗ cho những tiếng thở gấp. Cái náo động trong thầm lặng. Cái yên tĩnh của một con mắt bão. Đêm trong rừng rất sâu. Cái sâu của lòng người trước khi vào trận.
Tổ quân y của Thành đi lẫn vào với trung đoàn. Phía trước, bên kia sông thỉnh thoảng lại vọt lên một chiếc pháo sáng hoảng hốt. Trong ánh trăng bàng bạc, ánh sáng của chiếc pháo sáng trở nên chập chờn, ma quái. Nó để lại dưới mặt đất những bóng đen run rẩy. Chiếc pháo sáng lụi đi rất nhanh trở thành mầu vàng úa và cuối cùng chỉ còn để lại một chấm đỏ trên nền trời.
Trung đoàn dừng lại, tản ra dọc bờ sông chờ đò. Trường khoác ba lô đến một tảng đá lớn ngồi xuống. Dòng sông trải ra như một dải lụa bạc.Tiếng sóng vỗ vào bờ triền miên..
Dòng sông! Có lẽ ít người hiểu được dòng sông như Trường. Quê Trường nằm bên một dòng sông cũng rộng như dòng sông này. Sông Chanh. Tên con sông nghe đã thấy thanh bình.. Mà quả cũng đúng như vậy. Con sông bốn mùa xanh ngắt. Nhà Trường nằm ngay bên bờ sông và đêm đêm, ngôi nhà nhỏ đầy ắp tiếng sóng.
 Đừng tưởng tiếng sóng không bao giờ thay đổi. Tiếng sóng không những thay  đổi theo lứa tuổi mà còn thay đổi theo thời gian. Đối với lũ trẻ, tiếng sóng như lời ru của mẹ. Vào những buổi trưa hè, tiếng sóng trở nên rất trong. Nó như một lời dục giã khiến lũ trẻ phải nhào xuống và dòng sông lại vang tiếng cười đùa..Đối với những người già, tiếng sóng là tiếng nói của biển. Trong đêm, biển kể cho họ biết bao nhiêu chuyện. Tiếng biển trầm và sâu lắng.Từ lòng biển sâu thẳm. biển nhắc họ nhớ về một quá khứ căm uất, tủi nhục. Biển mách họ một luồng cá mới về hay bảo họ ngày mai đừng cho thuyền đi. Ngày mai biển động. Cứ như thế, cuộc đời họ lớn lên trên sóng. Từ lúc sinh ra, con thuyền trở thành một chiếc nôi lớn. Tiếng ru của mẹ tan rất nhanh trong tiếng sóng gào. Tiếng sóng ngấm dần vào cuộc đời và trở nên thân thuộc. Hồi mới nhập ngũ, những ngày đầu tiên xa nhà Trường không sao ngủ được. Trong người, cứ như thấy thiếu đi một cái gì quá thân thuộc. Mãi về sau anh mới hiểu đó là thiếu đi tiếng sóng.
Quyết đi đến ngồi bên cạnh Trường. Gió sông lạnh, ẩm ướt. Trường hít một kơi dài đến căng lồng ngực bảo Quyết.
-Gió sông ở đây nhàn nhạt thế nào ấy.
-Ông lại bịa rồi.- Quyết cười- Ông làm như muối biển có thể ướp mặn được những ngọn gió ấy.
-Chứ lại không. Ông không thấy người ta vẫn viết “ Gió biển mằn mặn” đó à?
-Bọn nhà văn thì cũng bịa nốt. Chúng nó có khi chẳng biết tý gì về biển đâu.
-Tôi thấy chẳng bao giờ ông tin vào một cái gì. Có lẽ ông hoài nghi ngay chính cả bản thân mình nữa cũng nên.
-Đúng thế,-Quyết gật đầu công nhận- Hồi năm 64 tớ vào đây, tay chính trị viên nói với chúng tớ,”Các anh vào nhanh lên không ống bơ cũng không có mà nhặt” Năm 68 thời cơ nghìn năm có một. Bây giờ thì lại thời cơ cấp bách. Không biết sang năm là loại thời cơ gì? Hồi mới đi B, tôi cũng yêu một cô. Thôi thì thề thốt đủ thứ. Đến bây giờ thì cô ta đã tay bồng tay bế rồi. Đời- Quyết nhún vai- người nọ lại nói dối người kia và nói dối chính mình thôi.
- Sao ông lại nói thế?
- Thì cứ nhìn ông Sơn thì biết. Khi học chính trị, bao giờ ông ấy chả nói “Phải xác định tư tưởng yên tâm phục vụ chiến trường”. Thử hỏi thâm tâm ông ấy bây giờ có muốn ra Bắc không?
- Có quá đi chứ
Trường gật đầu thừa nhận.
- Đấy! Thế có phải là ông ấy nói dối mọi người và nói dối chính bản thân mình không?
Trường lắc đầu nhìn Quyết. Loại người như Quyết trong chiến trường không phải là hiếm. Có lẽ hầu hết những người lính đều trải qua một giai đoạn như Quyết. Chỉ có khác là giai đoạn ấy tồn tại trong họ rất ngắn còn trong Quýết lại quá dài.
- Ông Sơn có nói không được nhớ đến gia đình, quê hương đâu.
- Nhưng ông ấy có muốn ra Bắc không?
- Có,- Trường trả lời điềm tĩnh-Ai chả muốn về thăm vợ con, muốn sống hạnh phúc. Nhưng không phải như thế là người ta nói dối bản thân mình. Ông bảo ông Sơn không yên tâm à? Công tác tốt. Năm nào cũng hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ thế là yên tâm chứ còn thế nào nữa.Những người vào chiến trường đã bẩy tấm năm như ông, ông Sơn, ông Tháp thì mong muốn ra Bắc thăm gia đình là momg muốn chính đáng. Cái cơ bản là khi mong muốn ấy chưa được đáp ứng thì bản thân anh ta sẽ xác định như thế nào.
Bị Trường dồn cho một hồi,Quyết lúng túng im thít. Cái thằng thật lạ, Quyết nhìn Trường thầm nghĩ. Có lẽ chẳng bao giờ hắn tính toán cho tương lai. Với hắn mọi thứ đều đơn giản.
- Thế bây giờ cho ông ra Bắc ông có gì ân hận không?
- Ân hận thì không nhưng ngượng thì có.
- Ngượng?
Quyết hỏi ngạc nhiên.
- Ừ- Trường im lặng một lúc rồi nói tiếp- Ông tính coi, năm năm trong chiến trường bây giờ mình vẫn chỉ là một anh thượng sĩ. Ít nữa ra ngoài kia, người ta sẽ nghĩ gì về mình? Chắc rằng người ta cho mình là một thằng chầy bửa, tụt tạt. Đúng thế không? Có ai biết đến điều kiện cụ thể của mình là phục vụ trong một đơn vị chuyên môn đâu. Trong chiến trường ác liệt, gian khổ hơn thế mà tiến bộ lại không bằng mấy chị em ở nhà. Có ngượng không? Ngượng quá đi ấy chứ. Ít nữa có khi về lại phải trình giấy tờ cho vợ cũng nên.
-Nhưng anh còn là đảng viên.
-May mà mình còn là đảng viên đấy nếu không chẳng còn mặt mũi nào mà về làng
Quyết nín thinh. Niềm tâm sự của Trường chính là điều rất sâu kín của Quyết. Một người như Trường còn ngượng thì mình sẽ ra sao? Trường sợ mọi người hiểu lầm về mình thì đã có những bằng khen, giấy giới thiệu sinh hoạt đảng của anh ta thanh minh hộ. Còn mình? Người ta sẽ đánh giá đúng những năm tnáng mà mình đã sống. Mừời năm trong chiến trường, cái tối thiểu nhất là đảng viên cũng không được thì mình còn biết nói sao đây?
Quyết nhìn ra ngoài sông. Đêm càng khuya trăng càng trong. Vầng trăng lặn xuống đáy sông vỡ vụn bởi những con sóng. Phía bên kia sông, một loạt súng cực nhanh vang lên khô khốc rồi tắt ngấm. Giữa giòng sông bạc, con thuyền chậm chạp tiến vào bờ. Mũi thuyền rẽ nước rào rào.
-Bộ phận nào đây?
Một người len lỏi trong đám người ngồi rải rác vừa đi vừa hỏi
-Quân y F
-Ai đấy? Anh Trường hả- Người đó reo lên khe khẽ- Anh Thành đâu?
-Đây! Đây.
Từ một chỗ vắng Thành vội vàng lên tiếng và đi lại. Vân, người vừa đến nắm chặt lấy tay Thành lắc mạnh.
-Chúng tôi mong các anh đến đỏ cả mắt. Anh chuẩn bị cho anh em sang sông ngay. Mà các anh có mấy người?
Trước niềm vui không dấu diếm của Vân, Thành thấy ngại vì người của mình ít quá. Anh nói nhỏ vẻ ngượng ngập.
-Chỉ có bốn người thôi anh ạ. Chúng tôi cũng gay go lắm.
-Bốn cơ à-
 Vân reo lên to quá khiến mọi người xung quanh phải nhắc
-Suỵt! khẽ chứ. Ông nào thế?
Vân hạ thấp giọng thì thầm. Anh nói thầm mà tiếng cười chỉ chực buột ra khỏi câu nói.
-May quá, chúng tôi tưởng chỉ được mỗi một phẫu thuật viên. Đi thôi các anh.
Trường kéo Quyết đứng dậy, cả bốn người đi theo Vân xuống sông. Vừa xuống thuyền Thành đã hỏi ngay.
-Tình hình bên ấy thế nào hả anh?
-Gay go lắm- Vân thở dài- Đội phẫu bị cả còn lại độc một mình tôi. Đêm nay đội phẫu lại chuyển đến vị trí mới. Sao cô Nga không đi hả anh.
-Trường vỗ mạnh vào vai Vân.
-Hỏi ai không hỏi sao lại cứ xoắn vào cô Nga của chúng tôi là thế nào.
-Không! Không! _-Vân vội vã thanh minh- cậu dược tá của chũng tôi cũng bị thương. Không có người thay thế nên vẫn cứ phải ở lại công tác.- Vân chép miệng-Cậu ta bị thương vào chân không đứng được. Mấy hôm nay phải trải ni lông xuống sạp ngồi pha chế nom thật tội.
Trường gật đầu đồng tình
-Gay go nhỉ
Anh nhìn vào bờ. Một vách đã sừng sững nhô hẳn ra ngoài dòng nước trông chẳng khác gì cánh buồm của những con thuyền đi biển trong đêm. Trên bờ lao sao tiếng gọi nhau của những đơn vị đã qua sông. Tiếng sắt thép chạm nhau lách cách. Một ai đó truyền lệnh
-DK vượt lên
 
 
Mờ sáng, tổ quân y của Thành mới đến được chỗ đội phẫu. Đội phẫu mới chuyển đến. Tất cả chỉ mới có chiếc hầm mổ là đã hoàn chỉnh còn mấy chiếc hầm chữ A đào xong nhưng chưa kịp lấp đất. Gỗ lát hầm còn để bừa bộn trên mặt đất. Đêm về sáng rất lặng. Thỉnh thoảng súng địch vọng lại những loạt ngắn rời rạc. Thành có cảm giác cả bốn phía, phía nào cũng có tiếng súng. Phẫu đặt gần quá. Anh lo lắng nghĩ thầm. Anh quay lại hỏi Vân
-Địch ở hướng nào?
Vân dơ tay chỉ về phía trước mặt. Đúng lúc ấy, một chiếc đèn dù vụt sáng. Chiếc đèn dù rơi rất chậm vạch trên nền trời một dải khói trắng ngoằn ngèo. Như đoán được ý nghĩ của Thành Vân nói nhỏ
-Phía trước chúng ta còn có K1 lực lượng dự trữ của trung đoàn.
Thành quay lại nhìn Vân. Anh bỗng hỏi đột ngột
-Cả anh cũng nghĩ là tôi sợ à?
Vân im lặng không đáp. Thành lặng lẽ nhìn về hướng địch. Ngọn đèn dù vụt tắt. Những ngôi sao đêm đột ngột hiện rả trên nền trời. Đỉnh núi đá, nơi địch đang đóng giữ trơ trọi in vào bầu trời chạng vạng một hình khối đen sẫm  dữ dộ, gân guốc. Ngôi sao mai đã chuyển thầnh mầu xanh biếc sà xuông rất thấp tưởng như đậu ngay trên đỉnh núi, ánh lên những tia sáng cuối cùng. Thành nói rất nhỏ, không hiểu anh nói với Vân hay nói với chính mình.
-Tôi có sợ gì cho riêng tôi. Tôi sợ là sợ cho những thương binh bị choáng nặng.
Đến lúc này Trường mới thấy Thành nói có lí. Hồi tối, ở trung đoàn bộ nghe Thành nói Trường cũng thoáng có ý nghĩ “ Thằng cha này sợ rồi”. Bây giờ nghĩ lại, anh cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ sai về bạn.
-Hay anh quay lại đợi xin ý kiến của chính ủy xem sao.
Trường nói phân vân. Thành lắc đầu bực tức.
-Mặc kệ. Thương binh của họ. Họ khắc phải lo
Hồi tối, sau khi xác định lại vị trí đội phãu trên bản đồ, Thành nói với Bích, chủ nhiệm quân y trung đoàn
-Phẫu đặt gần thế này tôi e không đảm bảo an toàn.
Nhưng Bích chỉ cười. Có lẽ ý nghĩ của Bích cũng giống như ý nghĩ của Trường lúc ấy. Quân y tuyến sư đoàn cách địch hàng ngày đường.  Bây giờ gần địch như thế này làm gì các ông ấy không hốt
-Không sao đâu. Tôi đảm bảo với các anh là  sẽ không có một thằng địch nào mò được đến đấy đừng sợ..
Hai tiếng “Đừng sợ” ở cuối câu nói làm Thành nóng mặt. Phải cố gắng lắm anh mới gìm được một câu trả đũa cứ chực buột ra.
-Phẫu đặt càng gần thì càng phải giải phóng thương binh thật nhanh. Như thế tôi sợ công tác chống choáng và hồi sức cho thương binh sẽ không đảm bảo. Anh cũng biết, không phải tự nhiên mà người ta quy định Phẫu trung đoàn phải đặt cách trận địa từ bốn đến năm tiếng
-Tôi biết. Tôi biết. Vừa nói Bích vừa gấp tấm bản đồ lại ra ý chấm dứt câu chuyện ở đây- Nhưng địa hình ở đây không cho phép. Đồng chí cứ về vị trí công tác có gì tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hành động cả vú lấp mỉệng em của Bích làm Thành uất lặng người. Ý thức phản kháng của tuổi trẻ bồng bột trỗi dậy
-Tôi không thể nhận nhiệm vụ với một đội phẫu như thế này.
Không nhìn Thành, Bích đáp lại gọng thản nhiên.
-Đồng chí sợ à? Nếu vậy đồng chí cứ về.
Một luồng hơi nóng thốc lên cổ. Cơn giận làm Thành không suy nghĩ gì được nữa. Anh xốc ba lô lên vai quay ra..
-Bình tĩnh đã anh Thành.-Trường đứng bên cạnh đã kịp giữ Thành lại. Anh quay sang phía Bích—Đồng chí cho chúng tôi gặp chính ủy.
-Chính ủy hiện giờ không có ở đây.
Trường nhíu lông mày suy nghĩ.
-Thôi được. Bây giờ chúng tôi sẽ đến đội phẫu nhận nhiệm vụ nhưng tôi đề nghị đồng chí báo cáo lên trung đoàn ý kiến của đồng chí Thành và xin chỉ thị của trung đoàn về vấn đề này.
Ra khỏi trung đoàn bộ, Thành cắm đầu đi một mạch. Đi một thôi dài, cơn giận theo mồ hôi túa hết ra ngoài anh mới quay lại hỏi Vân.
-Thằng cha ấy mới ở bên dân y chuyển sang à?- Không để Vân kịp trả lời, anh nói tiếp giọng vẫn còn hậm hực- Chủ nhiệm quân y gì cái ngữ ấy. Có cái phẫu mà cũng không đặt nổi.
-Mà ông cũng dở-Trường cười- Ông định nhận thêm một quyết định kỉ luật nữa à?
Thành nín lặng, thầm cám ơn Trường đã tránh cho mình một lần vấp ngã. Tính Thành vốn thế. Nhìn bên ngoài ai cũng nghĩ anh là người trầm tính nhưng đến khi vấp vào công việc mới biết Thành là người nóng nẩy và bồng bột. Lúc đã nóng lên thì tai ù, mắt hoa chẳng còn nghĩ gì nữa.. Cái lần đưa Lương qua sông và cứu được cái chân bị hoại tử, cùng một lúc anh nhận được hai quyết định. Một bằng khen của sư đoàn và một quyết định cảnh cáo của tiểu đoàn trước toàn ban vì đã dùng vũ khí uy hiếp đồng đội. Tuy kỉ luật nhẹ hơn nhiều so với khen thưởng nhưng đấy cũng là một bài học đích đáng cho anh. Anh chưa có được cái điềm đạm, chín chắn của những người lớn tuổi như Trường.
-Phải như thế mới được-Quyết ở ngoài chêm vào- Càng nhịn chúng nó càng lấn tới cho mà xem.
-Chúng nó là ai?
Thành bực tức vặn lại. Tuy đang rất bực nhưng anh cũng không sao nuốt nổi kiểu nói của Quyết. Tưởng được mình hùa vào Thành sẽ hưởng ứng không ngờ ngược lại. Quyết đâm cụt hứng.
-Tính tôi nhiều khi còn trẻ con quá.
Thành thành thực thú nhận. Ngồi nghỉ một lúc rồi mọi người lại phân ra. Người cùng trung đội công binh đi đào hầm, người đi gùi gạo, thực phẩm. Thành đảo ngay xuống bếp dược. Người dược tá đang ngồi cất nước. Anh ta ngồi trên một khúc lồ ô mới chặt, cái chân bị thương duỗi thẳng. Trời chưa sáng hẳn, anh ta ngồi im mắt nhìn vào lòng chiếc bếp Hoàng Cầm nhỏ như đang suy nghĩ điều gì. Ấnh lửa qua lớp vỏ chăn căng kín mít chỉ còn lại một khoảng hồng rất nhạt ngay sát mặt đất.
-Cất nước à? Đồng chí.
Nghe tiếng hỏi người dược tá giật mình ngẩng lên.
-Anh Thành.
-An! –Thành đứng sững kêu lên sửng sốt. Anh ôm chầm lấy người dược tá lắc mạnh- Vào đây bao giờ đấy. Thằng quỷ?
An gỡ tay Thành ra. Ánh lửa soi rõ một khuôn mặt còn rất trẻ. Đôi má bầu bầu như bụ sữa.
Nhanh quá. Mới hồi nào An còn là một chú bé nghịch ngợm, quần áo lúc nào cũng bê bết. Thích câu cá, bắn chim, đá bóng hơn học. Cậu bé ấy mỗi lần anh đến lại la toáng lên “ Chị Hà ơi có khách” làm Thành vừa thấy hay hay lại vừa thấy ngường ngượng. Thế rồi cậu ta xoắn lấy bên Thành ríu rít kể cho anh nghe đủ mọi thứ truyện. Từ truyện đi câu trộm bị bắt, bài kiểm tra bị điểm xấu, đến cả chuyện chị Hà hôm qua bị mợ mắng. Thế rồi, đến vù một cái, chú chàng lại biến khỏi căn nhà. Một lúc sau đã nghe thấy tiếng nó léo nhéo ngoài phố
Thế mà đã hơn hai năm. Thời gian của những người đầu tuyến lửa như rút ngắn lại còn một nửa còn lũ trẻ thì lại lớn vùn vụt như cỏ dại ngoài đồng hoang. Mới hồi nào còn anh anh em em, còn sán lại ngồi nghe mình kể chuyện thế mà bây giờ đã mặc bộ quân phục, đã trở thành đồng chí của mình rồi. Thành bỗng bật cười với ý nghĩ ấy.
-Em. À quên, đồng chí vào đây bao giờ?
Thành cố tình kéo dài hai tiếng “Đồng chí”  rồi phá lên cười khi thấy hai vành tai An ửng đỏ
-Em mới vào tháng tư vừa rồi.
Hai người ngồi. Thành hỏi An đủ mọi thứ. Thỉnh thoảng nhắc đến một kỉ niệm đáng nhớ, ngộ nghĩnh An lại cười thích thú, thơ trẻ. Một người lính? Không phải. Một đứa bé mặc áo lính thì đúng hơn. Cứ nghe An líu ríu kể chuyện với nụ cười ngượng nghịu, với đôi mắt mở to như ngỡ ngàng ai có thể ngờ đây là một anh hùng? Thế mà đây là một anh hùng thực sự. Một người lính bị thương không chịu rời trận địa. Nhìn cái chân bị thương đang duỗi thẳng của An, trong Thành lại dậy lên mọt niềm cảm phục kín đáo. Lớp măng tầm vông ngày nay mọc rất khỏe và đã nhọn hoắt từ lúc mới ra đời.
-Đưa anh xem vết thương cho nào.
Thành ngồi xổm, kéo ống quần của An lên. Cái chân khẳng khiu của An lọt thỏm trong cái quần số một quá rộng. Thành gượng nhẹ tháo băng. Một vết thương sâu hoắm ngay giữa đùi, sưng tấy.Thành dùng tay ấn nhẹ xung quanh vết thương. Mặt An nhăn lại.
-Không sao.- Thành băng lại vết thương nói với An- Về nằm ở chỗ anh độ một tháng là lành. Mà thế lại hay. Mấy khi anh em mình gặp được nhau. Hồi em đi, chị Hà có hay về nhà không?
Thành làm như hỏi vô tình nhưng trái tim anh đã rung lên với bao nhiêu xúc cảm khi nhắc đến cái tên thân thuộc. An cúi mặt, im lặng một lúc rồi ngẩng lên nhìn Thành nói chầm chậm.
-Có, Chị ấy vẫn về luôn. Hôm đi trả phép vào đây, chị ấy còn đưa em lên tận đơn vị.
Nói xong, An lo lắng quan sát sự thay đổi trên nét mặt Thành. Dù đã cố gắng hết sức, An vẫn nhận thấy giọng nói của mình không được bình thường. Thành cũng nhận ra điều đó bằng sự nhậy cảm tinh tế của một trái tim đang yêu. Anh ngẩng lên nhìn An có ý dò xét. Mắt An lảng đi chỗ khác. Trong một chuỗi nhịp đập đều đặn của con tim, có một nhịp bỗng nhiên bị vấp. Thành tu,s lấy vai An hỏi dồn dập.
-Có gì thế? An! Sao em lại dấu anh? Kìa! em nói đi.
An nhìn vào bếp lửa. Ngọn lửa mờ đi chập chờn. An bỗng quay hẳn người, gục đầu vào ngực Thành. Đôi vai rung lên. Tiếng nói bị lấp đi trong tiếng nấc dồn sâu.
-Chị Hà…
Tai Thành ù đi. Anh không còn nghe rõ tiếng An, chỉ còn nghe thấy những tiếng ngắn, đứt quãng, máy bay, bom,  trên một em học sinh, chị ấy gửi lạicho anh. Những tiếng ấy như một lưỡi dao rạch nát trái tim. Thành ngồi im. Nước mắt An thấm vào ngực áo lạnh buốt như những giọt nước mắt ấy đóng băng trong lồng ngực. Ngọn lửa trong bếp đã lụi tắt. Những cục than chỉ còn soi hồng một vùng rất nhỏ trước cửa bếp. Trong bóng tối nhập nhoạng, hai anh em ngồi ôm nhau im lặng. An cứ thế úp mặt vào ngực Thành, chốc chốc người lại rung lên trong tiếng nấc cách quãng. Tiếng nấc dội vào lồng ngực Thành, âm vang trong đó để rồi từ đó dội ra một tiếng nấc thứ hai cũng đầm và sâu như thế. Thành quàng tay qua vai An, riết chặt An vào ngực mình.
-Đừng khóc nữa em.
Câu nói ngẹn lại. Muốn an ủi An nhưng không nói được vì chính anh cũng đang cần an ủi.
-Anh Thành có đây không?
Tiếng Vân từ bên ngoài hỏi vọng vào. Thành giật mình rời cánh tay khỏi vai An. Anh nặng nề đứng dậy bước ra ngoài. An nhìn theo. Lưng Thành như gù xuống với những bước đi chậm chạp.
°
°
Trận đánh bắt đầu bằng tiếng cối 160 điềm tĩnh. Sau tiếng “ Panh” rất gọn của liều thuốc phóng, một lúc sau, rất lâu mới nghe thấy tiếng nổ đanh, sắc của quả đạn. Cối 160 cứ thế thong thả điểm từng quả một không chút vội vàng. Sau tiếng cối 160, tất cả các cỡ súng lớn nhỏ đều đua nhau lên tiếng. Tiếng nổ dồn dập, hỗn loạn náo trộn cả không khí yên tĩnh của buổi sáng. Chịu không thể đoán nổi tiếng nổ của những loại súng gì. Trong thảm âm thanh hỗn độn đó  chỉ còn phân biệt được tiếng súng 12 li7.Tiếng nổ trầm hùng của nó thỉnh thoảng lại vượt lên tất cả mọi âm thanh. Vang lên dõng dạc, thôi thúc như tiếng hát của người lĩnh xướng vút lên giữa một dàn nhạc đệm.
Đột nhiên mọi tiếng nổ bỗng lặng ngắt. Không gian như lắng xuống trong cái yên tĩnh đến mênh mông của rừng. Cũng trong cái khoảng yên lặng ngắn ngủi đó, Trường bỗng nhận thấy bầu trời buổi sáng rất xanh, rất cao. Chưa bao giờ Trường thấy bầu trời lại xanh và cao đến như vậy. Những giọt sương đọng dầy trên cành lá bỗng chói ngời lên, run rẩy dưới ánh nắng mặt trời. Một con chim bỗng cất lên tiếng hót lẻ loi, lảnh lót. Tiếng hót như vỡ vụn ra trong nắng sớm, rắc vô vàn những mảnh vụn âm thanh vào không gian. Và ở xa xa ngoài kia, bên bờ suối một con chim khác cất tiếng trả lời. Đôi chim cứ thế cất tiếng hót lúc khoan lúc nhặt. Ôi bình yên quá. Trường nhận ra điều đó như nhận ra một điều gì kì lạ. Như đây không phải giờ nổ súng.  Không phải đây là một cánh rừng hoang vắng âm u mà mỗi giây, mỗi phút có bao nhiêu chết chóc đang rình rập mà là một buổi sáng trên mặt sông với những cánh buồm lướt sóng và tiếng chim bói cá lảnh lót.
Tiếng chim vụt tắt. Tiếng súng choàng tỉnh. Một loạt tiếng nổ nối tiếp nhau kéo dài bóp vỡ  tan cái yên tĩnh trong khoảnh khắc. Tiếng súng con rộ lên hỗn loạn. Từ những trận địa pháo của địch vọng đến những tiếng nổ đầu nòng. Đạn pháo bay qua phẫu khoan không khí vo vo.  Tiếng súng con bị chìm nghỉm trong một thác tiếng nổ giật cục của đạn pháo.
Cả tổ phẫu ngồi túm tụm trước cửa hầm mổ. Tất cả ngồi im lặng cố gắng hình dung trận đánh qua tiếng súng lúc rộ lên lúc lắng xuống. Tiếng súng cứ lụi dần như một đám cháy đang tàn. Một lúc sau, chỉ còn tiếng pháo địch bắn hoảng loạn, ngơ ngác. Họa hoằn lắm mới nghe thấy một loạt AK vang lên cụt lủn.
-Dứt điểm rồi.
Vân nói như một người am hiểu, sành sỏi. Anh đứng dậy đội lại cái mũ, chui vào hầm mổ xem xét lại mọi thứ một lần nữa chuẩn bị đón thương binh
-Dứt điểm rồi à?
Thành hỏi lại như một người mới từ đâu vừa tới. Anh cũng đứng dậy, chậm chạp ra xô nước rửa tay chuẩn bị vào công việc. Mới có mấy tiếng mà trông hắn ta bỗng lạ hẳn. Trầm tư và già sọm. Hình như anh ta đang sống trong một giấc mơ nào đó xa xăm. Cái gì đã đến với anh ta? Trường ngạc nhiên tự hỏi.
Thương binh tới, Thành bỗng nhiên thay đổi hẳn. Công việc đã dứt anh ra khỏi những ý nghĩ nặng nề. Tất cả tổ phẫu, không ai bảo ai, tất cả đều bước lại chiếc cáng thương binh đầu tiên chuyển tới. Hai người chiến sĩ vận tải chưa kịp hạ cáng xuống, Thành đã kéo miếng tấm đắp. Người thương binh nằm trên cáng chào anh giọng mệt mỏi nhưng rất tỉnh.
-Anh Thành lần này cũng xuống đây à?
Thành nhìn người thương binh cố nhớ xem gặp anh ta hồi nào nhưng chịu không nhớ ra nổi. Hai năm qua anh đã làm bao nhiêu bệnh án làm sao mà nhớ nổi. Người thương binh lấm láp đầy bùn đất. Máu loang ra một vùng rộng trước ngực áo. Thành quay ra bảo mọi người.
-Đưa đồng chí này vào hầm mổ.
-Sao lại thế?
Vân kêu lên ngạc nhiên. Thành quay lại nhìn Vân, ánh mắt cũng ngạc nhiên như thế.
-Sao?
- Thương binh sẽ vào rất đông ngay bây giờ. Nếu mổ ngay cho người này thì anh sẽ làm chết bao nhiêu người khác.
Đang định nói tiếp, Vân dừng ngay lại dơ tay chỉ cho Thành thấy. Theo hướng tay Vân chỉ, chỗ con đường mòn nhỏ ngoặt vào phẫu hiện ra sáu bẩy cáng nữa.
Thương binh vào đông quá, gần ba chục cáng vào liền một lúc. Thành lúng túng không biết sử trí thế nào. Đây là lần đầu tiên anh đi phãu tuyến trung đoàn. Đoán được sự lúng túng của Thành,Vân nói với anh.
- Ở tuyến này giỏi chuyên môn thôi không đủ mà phải giỏi cả công tác tổ chức nữa nếu không sẽ làm chết rất nhiều người. Bây giờ anh đi khám cho tất cả mọi người rồi phân loại các vết thương ra sau khi phân loại xong chúng ta sẽ bắt đầu mổ.
-Thế thì đến tối mới mổ được.
Thành kêu lên.
-Thì chúng tôi ở đây có mấy khi được mổ ngày. Mà bây giờ mổ ngay cũng không được cơ mà, còn phải hồi sức, chống choáng đã chứ.
Cả ngày hôm đó thời gian đi vùn vụt. Ngoảnh đi ngoảnh lại chiều đã sập xuống từ lúc nào. Cả ngày pháo địch bắn vu vơ khắp nơi trong rừng. Có lần pháo địch bắn gần, mảnh văng vào phẫu rào rào. Tàn binh địch nhan nhản khắp rừng. Có toán đã xộc cả vào trung đoàn bộ. Một trung đội vệ binh được cử xuống bảo vệ phẫu. Địch tình ngày càng căng thẳng. Truyền đạt của trung đoàn chốc chốc lại xuống thông báo tình hình địch làm Thành nóng hết cả ruột. Chỉ cần một toán địch có PRC lọt vào đây là phẫu bị oanh tạc ngay. Hay mổ ngay bây giờ để giải phóng phẫu? Ý nghĩ ấy vừa hiện ra trong đầu đã bị bác bỏ ngay nhưng vẫn cứ luẩn quẩn mãi trong Thành. Tiếng súng nổ lẻ tẻ rất gần trong rừng làm anh lo lắng. Tiếng súng làm những ý nghĩ anh đã cố dẹp đi lại hiện lên lởn vởn trong đầu. Nhưng khi nhìn thấy thương binh nằm thiêm thiếp, ý nghĩ ấy lại biến mất. Mổ trong lúc thương binh còn bị choáng, bị kiệt sức thì cái chết sẽ cầm chắc trong tay. Hai ý nghĩ như hai luồng gió nóng lạnh trái ngược cuộn xoáy, vật lộn trong Thành. Không biết nên theo đằng nào. Những mối lo mỗi lúc thêm chồng chất khiến anh đâm cáu giận với chính bản thân mình
Mỗi lần nghĩ đến cuộc tranh luận với Bích trên trung đoàn bộ nỗi bực dọc của anh lại kéo đến đầy ứ lồng ngực. Trận đánh xẩy ra sớm hơn dự kiến nên phẫu không chuyển được. Tổ phẫu đến hôm trước thì sáng hôm sau đã nổ súng. Trước lúc nổ súng một tiếng, truyền đạt trung đoàn tìm đến trao cho Thành bức thư của chính ủy trung đoàn. Thư viết rất ngắn.
Gửi đồng chí Thành
Ý kiến của đồng chí đảng ủy đã xem xét. Vì giờ nổ súng sớm hơn dự kiến nên phẫu không thể chuyển kịp. Mong các đồng chí khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Báo cáo anh có lệnh của trung đoàn.
Đang kiểm tra một thương binh bị hôn mê, Thành ngẩng lên nhìn người truyền đạt mặt cau có khó chịu.
- Lại lệnh gì nữa?
Người truyền đạt đứng nghiêm báo cáo một cách hết sức nghiêm chỉnh.
Trung đoàn lệnh phải giải phóng phẫu gấp.
- Cái gì?- Thành nổi nóng. Anh đứng phắt dậy. Cái ống nghe mắc ở tai chưa kịp gỡ kéo lòng thòng trước ngực.-Bảo các ông trên ấy xuống đây mà giải phóng. Làm ăn như con….
Thành đã kịp gìm lại một câu rất tục chực buột ra. Anh bỏ đi mặc kệ người truyền đạt đứng ngây ra như phỗng. Đi được mấy bước, anh quay lại bảo người truyền đạt một câu cộc lốc
- Phẫu chưa thể giải phóng được
- Báo cáo anh nhưng…
Thành cắt ngang lời người truyền đạt
-Không nhưng gì cả. Đồng chí về báo với trung đoàn phẫu không thể giải phóng trước tối mai
Nói xong Thành bỏ đi kiểm tra tiếp các thương binh. Người truyền đạt ngần ngừ một lúc rồi cũng vội vàng chạy đi. Chỉ một lúc sau, Bích chủ nhiệm quân y trung đoàn chạy đến
-Đồng chí Thành! Đồng chí cho mổ ngay để giải phóng phẫu. Đây là mệnh lệnh.
Đang lúi húi kiểm tra vết thương của một thương binh, Thành đứng phắt ngay dậy
-Ai ra lệnh? Anh à?—Thành chỉ tay về phía hầm mổ--Có giỏi anh vào mổ đi.
Bích đứng ngây người. Lần đầu tiên anh ta gặp một người ra mặt chống lại mệnh lệnh.
-Tôi sẽ báo cáo việc chống lại mệnh lệnh của anh lên trung đoàn
Mắt Thành vằn đỏ
-Anh gọi cả chính ủy của anh đến đây cũng vậy thôi. Tôi nhắc lại. Không thể giải phóng phẫu trước tối mai.
Thành quay người định bỏ đi thì có một bàn tay đặt lên vai anh giữ lại.
-Đừng nóng! Đồng chí có thể cho tôi biết tại sao không thể giải phóng phẫu ngay được không?
Anh quay lại, chính ủy trung đoàn đã đứng ngay sau anh từ lúc nào. Thành hơi lúng túng vì câu nói có ý thách thức của mình với Bích lúc nãy nhưng anh bình tĩnh lại rất nhanh.
-Báo cáo anh, mổ trong lúc thương binh bị choáng và kiệt sức chắc chắn là thương binh sẽ chết
Chính ủy đưa mắt nhìn những người thương binh đang nằm thiêm thiếp trên cáng  rồi lo ngại nhìn ra những cánh rừng xung quanh. Thỉnh thoảng đâu đó lại rộ lên tiếng súng AR15 của đám tàn quân địch tản mát khắp khu rừng. Không khéo phẫu lại bị đánh trúng mất. Ông thầm nghĩ
-Có thể chuyển thương binh lên tuyến trên mà không cần phải mổ không?
Ông rụt rè hỏi Thành. Anh kiên quyết lắc đầu.
-Không được! Thương binh nhẹ các anh có thể chuyển đi không cần mổ nhưng những thương binh nặng dứt khoát phải được chống choáng mổ và hồi sức mới được phép chuyển đi
-Thôi thế này vậy—Ông quay sang Bích—Anh cho vận tải chuyển toàn bộ những thương binh nhẹ lên tuyến trên. Những người được chuyển đi phải do đồng chí Thành đây chỉ định.—Nói xong ông quay sang người truyền đạt đang đứng bên cạnh—Lệnh cho K1 ngừng truy kích địch rút về bảo vệ phẫu
Ra lệnh xong chính ủy quay đi. Đi được mấy bước ông bỗng quay lại nói với Thành.
-Chúng tôi xin nhận khuyết điểm với đồng chí là đã đặt phẫu quá gần trận địa. Nhưng đồng chí hãy làm mọi cách có thể để giải phóng phẫu càng nhanh càng tốt
-Vâng!  Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng
Sập tối, ca mổ đầu tiên mới được tiến hành. Cả tổ phẫu trắng đêm làm việc nhưng cũng phải hơn chín giờ sáng hôm sau phẫu mới được giải phóng. Vân thở dài nhẹ nhõm. Thành buông con dao mổ, bước một bước ra cửa hầm. Anh bỗng rên lên một tiếng rồi khụy xuống. Vân đứng cạnh vội đỡ lấy Thành. Anh nhìn xuống, hơn mười tiếng đứng mổ, chân Thành xuống máu căng mọng. Anh ngồi bệt xuống nền nhà, duỗi thẳng hai chân dùng hai tay nắn bóp một lúc mới vịn được vai Vân đứng dậy tập tễnh đi lên cửa hầm mổ
 Thành vừa bước được hai bước, người anh bỗng chúi về phía trước. Một quầng lửa đỏ khé bùng lên trước mặt. Bóng đêm ùa đến che tối hai con mắt. Người Thành bị luồng khói đen kịt che khuất. Người truyền đạt thấy Thành nằm úp sấp trên mặt đất. Cơ thể mềm nhũn. Một dòng máu đặc quánh trào ra hai bên mép
-Anh Thành! Anh Thành!
Người truyền đạt lay gọi. Nằm trong cánh tay người truyền đạt, cánh tay Thành thõng xuống, đầu ngửa ra nhìn lên bầu trời. Trời  vàng cháy