Chương Chín

-B52
Tiếng Trường chìm nghỉm trong một bể những tiếng nổ giật cục. Đất quẫy mình rùng rùng. Loạt thứ nhất nổ cách phẫu khá xa. Loạt bom vừa dứt, Trường đứng bật dậy. Một số anh em thương binh tuy cụt chân nhưng vẫn vào được trong hầm. Ở ngoài chỉ còn những thương binh bị nẹp cứng. Anh nhanh nhẹn xốc từng người vào trong hầm. Như một con thoi, Trường chạy đi chạy lại bế từng người vào hầm. Anh không ngờ mình lại khỏe đến thế
-Dịch vào một tý, tí nữa.. Được rồi.
Anh nói với những người ngồi trong hầm với một giọng  gấp gáp, luôn luôn bị đứt quáng vì hơi thở hổn hển. Còn năm người. Còn bốn người. Nhanh lên! Nhanh lên! Tất cả sức lực của Trường được huy động ra hết trong những giây phút ngắn ngủi này. Phút tạm dừng giữa hai loạt bom tọa độ. Còn ba người nữa. Sắp hết rồi. Cố lên. Không kịp. Những loạt bom đã sé gió ngay trên đỉnh đầu
-Anh Trường xuống hầm đi mặc chúng tôi
Ba người thương binh còn lại kêu lên. Tường lắc đầu. Anh ngồi xuống bên cạnh một người thương binh gần nhất
-Không! Tôi sẽ ở lại đây với các đồng chí.
Bầu trời như có hàng ngàn, hàng vạn tấm thép cọ vào nhau Những quả bom hú lên điên loạn. Không nghe thấy tiếng nổ, chỉ nghe thấy những tiếng luc bục rất khẽ. Ngôi nhà âm lắc như một con thuyền nằm trên đỉnh những con sóng dữ. Đất từ vách nhà đổ xuống rào rào.
Cả bốn người còn lại nhích lại gần nhau im lặng. Trường nghe thấy tất cả mọi tiếng động, cảm thấy tất cả mọi hiện tượng, từ những tiếng gào thét của những quả bom, những tiếng lục bục như một chảo nước khổng lồ đang sôi âm trong lòng đất đến cái chao đảo của ngôi nhà một cách minh mẫn lạ thường. Đây không phải là lần đầu tiên anh nằm giữa bãi B52. Đã nhiều lần bị B52 đánh trúng đội hình, lần nào anh cũng ngồi trong hầm, chiếc áo giáp chắc chắn nhất của những người lính nhưng chưa bao giờ anh nghe thấy hết, cảm thấy hết những cái gì diễn ra xung quanh mình trong bãi bom như lần này.
Quả này trúng, quả này trúng, quả này….Những ý nghĩ cứ lặp đi lặp lại trong đầu của bất kì một người nào đã từng một lần ngồi giữa thảm bom và của chính Trường nữa trong những trận bom trước lần này không đến với anh. Trường bình thản nhìn thẳng vào cái chết. Anh đã chọn nó. Sao lâu thế? Loạt bom chỉ kéo dài có gần hai phút mà với Trường nó như kéo dài hàng tiếng. Tất cả những tiếng lục bục bỗng lặng ngắt. Giây im lặng trở nên rất nặng. Trường nín thở chờ đợi tiếng nổ của quả bom lạc cuối cùng.
Trong một loạt bom B52. Không hiểu sao, không ai bảo ai nhưng tất cả đều sợ quả bom cuối cùng này. Có người bảo: quả này rất hay tụt tạt thất thường rơi không có một quy luật nào nhất định. Có người lại bảo quả này có sức công phá rất mạnh. Có lẽ tất cả đều đúng. Nhưng đặc biệt lần nào cũng thế, trước lúc quả bom cuối cùng nổ là một giây rất lặng. Có lẽ người ta sợ cái giây im lặng đó hơn là sợ quả bom vì chỉ sau cái giây ngắn ngủi đó họ sẽ biết số phận của mình. Sống hay là chết. Hay tất cả sự sợ hãi, lo lắng và sự hồi hộp chờ đợi vào sự may rủi của cả một loạt bom dài hàng trăm quả đều dồn vào cái tích tắc cuối cùng này? Trường không biết. Nhưng trong cái giây im lặng đến khủng khiếp của tiếng nổ cuối cùng, cũng như bao nhiêu người khác, anh nín thở chờ đợi
Ình! Đất rung lên lần cuối. Thoát rồi. Tất cả thở phào nhẹ nhõm. Rất nhanh, Trường đưa nốt số người còn lại vào hầm. Khi tiếng réo của loạt bom cuối cùng rít lên thì anh đã ngồi gọn trong hầm. Muộn rồi con ơi. Anh thầm nghĩ. Mệt lả, anh tựa lưng vào vách hầm nghe vách hầm rung rung đều đặn. Loạt này nó ném xa rồi.Tuy nghĩ như vậy nhưng cho đến dứt đợt bom anh mới lom khom chui ra ngoài.
Trường nhẩy lên mặt đất. Cái đầu tiên đến với anh là một vòm trời mênh mông chang chang nắng. Nắng trưa chói chang trong một vùng cây cối đổ nát, đỏ loét những hố bom làm cho cái nắng vốn quen thuộc bỗng có cái gì đó khác lạ làm Trường ngỡ ngàng. Con mắt vốn quen bị rừng cây xanh chắn ngang tầm nhìn nay loạt bom đã phát quang tất cả để lộ ra một hành lang đổ nát, chết chóc cộng với cái cái nắng gay gắt làm con mắt thêm nhức nhối.
Cả ban nằm gọn trong ba loạt bom B52. Không còn nhận nổi ra chỗ mình đang đứng. Cánh rừng già biến mất thay thế bằng một bãi bom lổn nhổn. Cây cối đổ ngổn ngang sơ xác. Những gốc cây lực lưỡng bị phạt ngang thân trơ trơ chĩa lên trời khúc thân còn lại đã nát tướp. Một gốc cây săng lẻ chưa bị phạt đứt hẳn, ngọn cây gục xuống rũ rượi trong chẳng khác gì cái đầu người bị chém nhưng chưa đứt.. Phía trước, bụi đất, khói bom đang từ từ dâng lên tạo thành một bức tường mầu đỏ nhạt.
Hầu hết các lán đều bị sụp. Tiếng nứa nổ lốp đốp của một chiếc lán cháy vọng đến. Nhìn đám cháy, Trường cố hình dung lại từng vị trí của các lán trước kia xem lán đang cháy là lán nào.
-Thằng Hải!
Trường hoảng hốt kêu lên. Anh lao đến chiếc lán đang bốc cháy dữ dội. Tiếng khóc của thằng bé đã khản đặc từ trong đám lửa bay ra. Không kịp suy nghĩ, Trường ôm đầu lao vào. Một luồng lửa táp vào mặt anh bỏng rát. Khói đắc sệt trong ngôi nhà. Trường thấy ngạt. Luồng khói cay sè luồn vào tận trong cuống phổi rồi đóng cục tại đấy. Nước mắt nước mũi chảy dàn dụa. Trường căng mắt cố gắng tìm kiếm. Không thấy gì hết. Trước mắt Trường chỉ toàn một mầu vàng khè với những lưỡi lửa đỏ khé đang đảo lộn. Một chiếc xà nhà cháy rớt xuống vai Trường. Hất nó sang một bên, không thấy đau mà cũng không thấy nóng.,anh quờ quạng tìm kiếm. Tiếng khóc của thằng bé đã lặng hẳn. Tay Trường chạm phải thành giường. Trường xoài người quờ nhanh. Không có. Ngực Trường như muốn nổ tung. Anh quỳ xuống đất. Đầu gối quỳ trúng một thanh gỗ đang cháy. Trường rùng mình như có một luồng điện cực mạnh dần dật truyền từ khớp gối lên đỉnh đầu. Anh toài nhanh vào sâu trong gậm giường. Bàn tay anh chạm vào một vật mềm nhũn.
Đây rồi. Trường ôm thằng bé vào lòng. Dùng toàn bộ nửa thân trên của mình che lửa cho thằng bé rồi lao vút ra ngoài. Đầu anh va phải bức vách đau điếng. Trường lùi trở lại. Đứng thẳng người, anh căng mắt cố tìm cánh cửa. Tàn than rơi lả tả quanh người. Giữa một vùng vàng đục chợt hiện ra một khoảng sáng mầu trắng hình chữ nhật nhỏ Trường lao thẳng về hướng đó. Những lưỡi lửa réo lên dữ dội.
Một bàn tay mát lạnh xoa lấy khắp cơ thể Trường. Gió!  Anh sững lại lảo đảo. Một cánh tay đỡ vội lấy anh. Trước lúc mê man, Trường dồn tất cả sự minh mẫn để hiểu: Mình đã ra khỏi đám cháy. Đến lúc ấy, anh mới chịu lịm đi trong cánh tay của Nga.
-Anh Trường! Anh Trường!
Nga gọi cuống quýt. Cánh tay Trường vẫn còn ôm chặt lấy bé Hải. Cả hai nằm gọn trong cánh tay của cô.
Nga từ từ quỳ xuống. Cô dặt hai người nằm trên mặt đất, gượng nhẹ gỡ thằng Hải ra khỏi cánh tay Trường.
Tóc Trường cháy hết. Quần áo anh khô giòn, Nhiều chỗ bắt lửa cháy đỏ. Vai trái rách toạc để lộ ra  một vết thương sâu hoắm, đen. Máu từ vết thương đang rỉ ra cũng đen kịt. Nga cuống đến nỗi không nghĩ ra là phải dập những chỗ cháy trên quần áo của Trường. Khi tay cô chạm vào một chỗ vải đang cháy bỏng dãy cô mới chợt nhớ vội vàng đi dập những chỗ đang cháy. Vừa làm vừa khóc. Đúng lúc ấy thì Sơn chạy đến.
-Lấy B1, C, long não. Nhanh lên.
Nga chạy vụt đi. Một thoáng sau cô quay lại, một tay cầm túi thuốc cấp cứu, tay kia cầm một lô những sơ lanh và kim tiêm. Đặt tất cả những thứ ấy xuống dưới đất, cô móc túi lấy thuốc. Nga lập bập không lùa nổi kim tiêm vào ống thuốc. Sơn giật lấy sơ lanh từ tay Nga, lấy thuốc. Anh nhẹ nhàng kéo tay áo của Trường lên, sát trùng rồi cắm ngập kim tim vào bắp tay Trường từ từ bơm. Động tác của sơn lẹ, dứt khoát như một người y tá thực thụ. Sơn tiếp tục tiêm cho bé Hải. Nhận ra thằng bé bị thương, Sơn quay lại bảo Nga
-Cô chạy về lấy bông băng –Nga chạy đi. Sực nhớ ra Sơn gọi với theo- Nhớ mang theo cả chiếc tăng nhé.
Lần này thì Nga đã trấn tĩnh lại. Cả hai nhanh nhẹn băng vết thương cho hai người rồi trải chiếc tăng ra đặt hai người nằm lên đó.
Hơi đất ẩm ướt làm Trường tỉnh lại. Bây giờ anh mới thấy nóng và rát. Người anh hừng hực như lửa. Cổ họng rát khé.
-Nước!
Trường thều thào. Một dòng nước mát lạnh từ từ chảy vào miệng. Trường há miệng đón lấy dòng nước uống một cách thèm khát.
-Đừng cho uống nhiều.
Sơn khẽ nhắc, Dòng nước đã dừng lại rồi mà miệng Trường vẫn còn tóp tớp như một miệng con cá mắc cạn.
Dòng nước mát làm Trường tỉnh hẳn. Anh nhớ lại tất cả một cách rất minh mẫn. Cái minh mẫn ngắn ngủi trước giờ phút hôn mê không còn biết gì. Dường như hoảng hốt, anh chống tay nhỏm dậy nhưng không nổi. Anh lại gục xuống ngất lịm. Cả Sơn và Nga đều nghe rõ tiếng Trường nhắc đi nhắc lại một cách rành rọt.
-Thằng Hải! Thằng Hải!
Sau đó là những tiếng gì đó ríu lại mà cả hai đều không nghe rõ.
Cô ngồi đây trông họ, tôi chạy đi xem tình hình anh em ra sao.
Sơn đứng dậy nói với Nga. Nói xong anh vội vã đi ngay. Nga ngồi ghé vào mép tăng. Cô lo lắng nhìn hai người. Nắng gay gắt rọi vào chỗ hai người. Nga  đứng dậy. Cô muốn chạy về lấy chăn để che nắng cho hai người nhưng cô lại sợ. Mình đi lỡ ở đây xảy ra chuyện gì thì khốn. Ngần ngừ một lúc, cô tiêm thêm cho hai người một mũi tiêm nữa cho chắc chắn. Xong, cô vụt chạy về.. Đôi chân Nga thuăn thoắt nhảy lên những cành cây gẫy lởm chởm trên mặt đất. Lúc Nga quay trở lại thì chiếc áo đang mặc của cô ướt đẫm.  Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Cô lấy tay gạt vội những giọt mồ hôi rồi căng chiếc chăn lên mấy cành cây gãy.
Xong xuôi, cô ngồi xuống,. Cả hai vẫn nằm mê mệt. Có lúc Nga tưởng họ đã ngừng thở. Sợ hãi, cô gái ghé tai áp sát vào bộ ngực vạm vỡ của Trường.  Tim vẫn đập. Còn sống. Cô gái thở phào nhẹ nhõm. Cô quay sang bé Hải.
Sao anh Sơn lâu thế nhỉ? Cô gái bồn chồn tự hỏi. Chắc còn nhiều người khác bị. Ý nghĩ ấy làm Nga nóng cả ruột. Cô nhìn quanh. Vọng đến tai cô là tiếng gọi nhau í ới và tiếng đào đất thình thịch. Lại một chiếc hầm nào bị sập rồi. Cô nghĩ nhanh và dứng dậy cố nhìn về phía có tiếng đào hầm vọng tới. Những cây đổ ngổn ngang làm cô gái không nhìn thấy gì. Bứt rứt, cô gái ngồi xuống lấy một cành lá xua những con muỗi đang vo ve đến chỗ hai người.
Thằng bé bị rất nặng. May quả bom hất nó bay vào trong gầm giường không thằng bé đã thành than rồi. Mái tóc vàng tơ của nó xuăn lại cứng đờ. Nhìn những vòng băng trắng xóa quấn quanh bụng thằng bé, Nga cắn môi. Nước mắt lại rớm ra trong đôi mắt cô gái.
Nếu nó bị làm sao thì thật tội cho chị Liên. Sao số của chị ấy lại khổ thế không biết. Ước gì nó không bị làm sao. Cô nhìn ra xa, từ những hố bom sâu hoắm, lổn nhổn bị nắng trưa thiêu đốt, một làn hơi mỏng đang dâng lên khẽ lay động. Nắng loang loáng.
Nga ơi! Đâu rồi.
Nghe tiếng Quyết gọi, Nga mừng cuống. Cô vội đứng dậy thưa to.
-Đây cơ mà
Cô gái dơ tay vẫy vẫy cho Quyết nhìn thấy. Có mấy thương binh đi cùng Quyết. Họ mang theo hai cái cáng. Những người thương binh đặt hai người lên cáng, cáng đi. Nga đi theo đằng sau, cô hỏi Quyết.
-Còn ai bị nữa không anh Quyết?
-Hầm lán bốn bị sập. Anh Tháp bị thương nặng.
-Thế ạ. –Nga kêu lên hoảng hốt.- Anh ấy bị vào đâu? Liệu có sao không anh? Thương binh có ai bị gì không?
Nga hỏi dồn dập. Quyết phát cáu gắt lên.
-Đến thì biết. Hỏi gì mà lắm thế.
Nói xong Quyết cúi mặt lầm lì bước. Nga tiu nghỉu bám theo sau. Nga đâu biết tâm trạng của Quyết lúc này. Anh cúi đầu bước từng bước chậm chạp, cẩn thận lái chiếc cáng tránh những cành cây gẫy chĩa ra tua tủa. Trước cái sống và cái chết ai cũng phải suy nghĩ chọn cho mình một con đường. Quyết cũng đã lựa chọn. Nhưng trước những hi sinh to lớn mà mười năm trời anh đã gặp buộc anh phải nghĩ lại. Và Quyết đã ân hận. Hôm nay, trước Trường, sự ân hận một quãng đời bỏ phí trở thành tủi hổ. Quyết bỗng thấy cuộc sống của mình trở nên vô nghĩa. Một cuộc sống thừa. Kéo dài cuộc sống vô vị này thêm hai ba chục năm nữa mà làm gì? Như con người nằm kia, anh sẽ sống bao nhiêu năm? Có thể anh ta chỉ sống nốt ngày hôm nay. Nhưng những ngày anh sống thật có ý nghĩa. Dù có chết đi thì anh ấy vẫn sống trong tình yêu, nỗi nhớ của mọi người. Mình thì sao? Mọi người sẽ quên mình ngay sau khi mình chết. Mình không có gì để cho họ nhớ. Sự tủi hổ trở thành đau khổ giày vò Quyết.
Qua lán bốn, Nga thấy Sơn cùng mấy anh em thương binh đang hì hục cuốc hầm. Dưới nắng trưa gay gắt, những người thương binh cởi trần trùng trục, bặm môi hối hả đào bới. Lưng họ bóng nhãy mồ hôi. Nhưng vòng băng băng vết thương sổ tung bay phơ phất trong gió.
Thấy cáng tới, Sơn  đứng thẳng dậy lấy ống tay áo quệt vội những giọt mồ hôi bảo Quyết.
-Đưa vào lán hai, Còn cô –Anh quay sang nói với Nga-Chuẩn bị thuốc và huyết thanh. Cậu An sẽ pha chế giúp. An đâu rồi? An ơi
Sơn nhìn quanh tìm kiếm. Anh cất tiếng gọi.
-Có
Từ trong lán hai, chiếc lán duy nhất còn sót lại, An “Có” một tiếng rắn rỏi rồi tập tễnh bước ra.
-Cậu theo cô Nga pha chế giúp bọn mình thuốc nhé.
-Vâng
Nói xong An quay sang Nga lúng túng
-Ta đi thôi chứ ….Đồng chí.
Tiếng đồng chí thốt ra sau một thoáng ngần ngừ làm Nga đỏ mặt. Cả hai đều cùng rất trẻ.
Nga đi trước, An theo đằng sau. Cô gái đi nhanh quá, An theo không kịp làm anh phải bước gằn. Vết thương ở chân đau nhói. An cắn răng, cắn môi cố gắng bám theo.
-Đợi…..một tý
Nga quay lại, thấy An cà nhắc chạy theo mình, cô đỏ mặt nói với An giọng bối rối
-Chết em….Tôi quên mất.
Tiếng “Em” ngập ngừng rồi chuyển nhanh thành chữ tôi. Mặt Nga đỏ gắt.
°
°
Thành rên lên một tiếng khe khẽ rồi khụy xuống. Hai người thương binh đứng hai bên vội vàng đỡ lấy anh.
-Anh Thành!
Liên kêu lên hoảng hốt. Cô xô lại phía Thành. Mặt anh tái nhợt. Cơn đau làm mặt anh nhăn nhúm lại nhưng anh lắc đầu.
-Không sao đâu.—Rồi anh quay lại phía Liên—Cô tiêm cho tôi mấy mũi Nôvôcain chung quanh vết thương.
Liên nhanh nhẹn lấy thuốc, cô lấy tay định cởi những vòng băng quanh bụng Thành ra để sát trùng nhưng anh lắc đầu.
- Không cần đâu cứ tiêm qua lớp băng cũng được. Cởi băng ra sát trùng xong lại phải quấn băng lại thì đến bao giờ. Tiêm đi!
Đợi Liên tiêm xong, quay về vị trí phụ mổ, Thành ra hiệu cho hai người thương binh đứng hai bên xốc anh đứng dậy, chìa tay về phía Liên
-Dao
Liên cầm con dao mổ đặt vào tay thành. Đúng lúc ấy thì Sơn bước vào. Anh nhìn quanh hầm mổ một lượt
-Ông chịu được chứ? Còn cần gì nữa không?—Anh nhìn Thành, thấy hàm răng trên đang cắn chặt lấy cái môi dưới. Anh biết Thành không nói được. Sơn quay sang hai người thương binh đứng hai bên cạnh dặn dò—Các ông phải chú ý vào có gì phải đỡ ngay lấy anh ấy ngay.
Thành xua tay ra hiệu cho sơn đi ra. Cánh tay cầm con dao mổ hạ xuống. Một đường rạch kéo dài trên bụng thằng Hải. Máu bắt đầu tuôn ra. Thành chìa tay về phía Liên
-Kẹp
Cái kẹp đã nằm gọn trong tay anh. Liên nói nhanh
-Anh không cần phải nói. Trừ khi nào em đưa sai.
May mà cô ta còn đủ tỉnh táo để phụ mổ cho mình. Anh nghĩ nhanh. Cô ta thật dũng cảm. Công việc cuốn Thành vào làm cho anh không còn cảm thấy những cơn đau ở ổ bụng. Ổ bụng thằng hải được banh ra, anh nhanh chóng tìm thấy mảnh bom trong ổ bụng thằng bé. Thật may mắn cho nó, mảnh bom không làm tổn hại gì nhiều các cơ quan trong ổ bụng. “Nhanh lên” Thành tự bảo. Anh biết rằng mình không thể trụ đựợc lâu. Lúc này mình mà bị ngất thì thằng Hải chắc chắn sẽ chết. Nhanh lên! Nhanh nữa lên. Thành tự thúc dục mình. Liều Nôvôcain bắt đầu hết hiệu lực. Một cơn đau dữ dội từ ổ bụng thốc lên đỉnh đầu làm tay cầm chiếc kim của Thành run bắn. Không nói được, thành lấy tay chỉ vào lọ nôvôcain rồi chỉ vào bụng của mình. Liên hiểu ý, cô nhanh nhẹn lấy thuốc, quỳ xuống chọc kim qua lớp băng bơm một liều gây tê quanh vết thương ở ổ bụng thành. Lúc này cô mới nhìn thấy, lớp băng quanh bụng anh đỏ những máu.
Mối khâu cuối cùng vừa xong, không kịp cắt chỉ, Thành đã gục xuống. Liên bỏ con mình nhảy bổ đến bên Thành. Hai người thương binh đứng hai bên gựơng nhẹ đặt anh nằm xuống chiếc cáng. Trước lúc hôn mê, Thành còn kịp ra hiệu cho mọi người cắt chỉ. Cằm anh đầy máu. Liên ôm lấy thành, cô gục đầu vào ngực anh khóc nấc lên.
  Trong đêm trăng đoàn người đi lặng lẽ. Thỉnh thoảng tiếng rì rầm khe khẽ nổi lên xen lẫn với tiếng gió thì thào.. Sơn xốc mạnh ba lô rảo bước theo đoàn người. Anh vượt lên ngang với cáng của Trường, bấm đèn pin soi vào trong cáng.Trường vẫn chưa tỉnh, miếng tấm đắp tụt xuống ngang ngực. Mặt Trường lộ ra  đen sạm, đầu nghiêng sang một bên, mắt nhắm nghiền, da mặt nứt nẻ. Một chút nước vàng rỉ ra từ những vết nứt đó. Sơn kéo tấm đắp lên đắp lại cho Trường, xong anh lùi lại bảo Quyết.
-Cẩn thận kẻo va anh ấy vào cây đấy.
-Vâng.
Tiếng vâng của Quyết chìm trong tiếng thở gấp nặng nhọc. Sơn đứng lại, những chiếc cáng lần lượt vượt qua anh. Chiếc cáng đi cuối cùng là cáng của Tháp.
-Để tôi cáng cho một lúc.
Sơn nói với người thương binh đi sau. Tay anh đặt lên đòn cáng. Người thương binh cộc cằn gạt tay anh ra nói cộc lốc.
-Không! tôi cáng.
-Tôi chỉ cáng một lúc thôi.
Sơn nói giọng nằn nì. Anh muốn được cáng người bạn chiến đấu của mình đến nơi an nghỉ cuối cùng. Anh muốn khóc. Cũng không hểu vì sao nữa. Không phải vì công việc bề bộn của một người chính trị viên phải giải quyết sau một trận bom làm anh quên. Không! anh không quên. Giữa một đống công việc, sơn vẫn dứt mình ra dành những phút ngắn ngủi cho Tháp. Ngồi bên xác người đồng đội, Sơn thấy mắt mình cay nóng. Nhưng anh vẫn không khóc. Anh ngồi xuống đặt tay lên ngực Tháp. Dưới bàn tay mình, Sơn vẫn như còn như nghe thấy tiếng đập dữ dội của một trái tim đang đòi sống.
Tháp nằm. Phủ lên người anh là một lá cờ. Những tia nắng cuối cùng của mặt trời dọi vào lá cờ  để từ đó chói ra xung quanh một mầu hồng nhạt. Vải liệm không có, Sơn lấy lá cờ của ban phủ lên người anh. Ngồi bên Tháp, Sơn không cảm thấy nặng nề. Không phải vì cuộc đời anh đã chứng kiến quá nhiều cái chết. Mỗi một đồng chí của mình nằm xuống, bao giờ Sơn cũng tìm thấy ở đó một cảm nghĩ khác hẳn với nỗi đau thương bình thường. Chứng kiến mỗi một người nằm xuống, anh lại thấy yêu quý hơn những người đang còn sống. Anh lại thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn. Anh phải làm nốt những công việc, những mơ ước của những người nằm xuống chưa làm được. Cuộc sống thật vĩ đại và cảm động. Hàng nghìn, hàng vạn người đã chết cho hàng triệu sự sống khác nẩy nở sinh sôi. Như Tháp đây chẳng hạn. Sơn bồi hồi nhớ đến giọt nước mắt nóng hổi của người thương binh ngồi ở ngoài cùng của chiếc hầm bị sập.
-Anh Tháp đâu?
Đấy là câu đầu tiên người thươg binh hỏi khi tỉnh lại. Tất cả mọi người cúi mặt không nói. Chợt hiểu ra, người thương binh vùng dậy. Sơn vội giữ anh ta lại.
-Buông tôi ra. -Người thươg binh vùng vẫy kêu lên. Tiếng kêu chen lẫn với tiếng nức nở-Anh ấy đã cứu sống tôi.
Không sao ngăn được người thương binh, Sơn đành phải để anh ta đến bên Tháp. Người thương binh ôm lấy cơ thể đã lạnh cứng của Tháp
-Sao anh lại nhường hầm cho tôi. Anh Tháp.?
Người thương binh thì thầm hỏi Tháp như thể anh còn sống Giọng người thương binh nghẹn lại. Nước mắt anh nhỏ xuống lá cờ. Nền cờ sẫm hẳn lại nơi có những giọt nước mắt thấm vào. Mọi người cúi đầu im lặng. Sơn ngẩng lên nhìn lướt những khuôn mặt đang đứng xung quanh anh. Trong cái im lặng nặng nề có tiếng nấc khe khẽ của những người lính trẻ lần đầu vào trận. Trong họ có người phải quay mặt đi chỗ khác, nghiến chặt răng cho tiếng khóc khỏi bật ra. Những người đã từng trải thì khác hẳn. Những khuôn mặt sạm đi vì nắng gió chiến trường sắt đanh,lầm lì. Họ đăm đăm nhìn vào người đã chết. Hãy nhìn thẳng vào cái chết. Hãy nhớ lấy đừng quên. Hãy khắc sâu mối thù này vào tâm khảm để đến khi vào trận họ lao lên trước họng đại liên không một chút ngần ngừ. Hãy nhìn thẳng vào đấy để mà yêu cuộc sống, để mà nghĩ suy. Mỗi một người mất đi sẽ trở thành một vùng nhỏ yên tĩnh trong tâm hồn những người vào trận. Cuộc sống là một bản giao hưởng lớn. Sau chương hành khúc tang lễ sẽ là chương hành khúc của mùa xuân. Sẽ là những phút cuộn xoáy, dồn dập của sự sống đang vươn lên mạnh mẽ. Điểm xuyến vào đó là những âm thanh thánh thót, trong sáng của những kỉ niệm thanh bình. Cái lúc lặng im giữa hai chương, phút này đây. Là những âm thanh rất trầm, rất hùng, dâng dần lên làm nền cho những âm thanh dữ dội. Sơn thấy cổ họng mình đắng ngắt.
-Đừng khóc các đồng chí.- Sơn  nói, giọng âm vang-Anh Tháp không muốn chúng ta khóc. Anh ấy dùng sự sống của mình bảo vệ sự sống của chúng ta không phải để thấy chúng ta khóc. –Sơn cúi xuống, nắm một nắm đất, bóp vụn nó trong lòng bàn tay.- Mảnh đất này đã thấm quá nhiều máu và nước mắt. Bao đồng đội của chúng ta đã nằm xuống. Mảnh đất đã đón những bước chân đầu tiên của mỗi chúng ta, đã đắp ấm chúng ta khi chúng ta nằm xuống. Chúng ta lớn lên từ đất. Lưỡi cày đã trộn lẫn mồ hôi ta vào đất. Đất đã cho chúng ta biết bao vụ gặt. Thế mà mảnh đất thân yêu của chúng ta đang bị quân thù giày séo. Đang bị những hố bom kia xé nát-Sơn chỉ tay ra những hố bom. Dưới nắng, những hố bom chói lên một mầu đỏ gắt- Máu của đồng chí Tháp và của bao nhiêu người đã đổ xuống để băng bó lại những vết thương cho đất Thế mà chúng ta định trộn thêm nước mắt vào những giọt máu đó hay sao? Những thứ người đã chết để lại cho chúng ta còn quá nặng. Phải làm gì đây các đồng chí cho khỏi hổ thẹn với những người đã khuất? Đồng chí hãy yên nghỉ- Giọng sơn trầm xuống như nói với Tháp, như nói với chính mình- Chúng tôi nguyện sẽ không hổ thẹn với đồng chí.
Rất tự nhiên, một cuộc mít tinh nho nhỏ đã được hình thành. Về cuối, cuộc mít tinh trở thành một cuộc họp. Những lo lắng đè nặng trong Sơn được mọi người cởi ra dần. Cả một núi công việc tưởng như không thể giải quyết được,nay mang ra cuộc họp Sơn lại thấy mọi việc trở nên dễ dàng. Phải biết dựa hẳn vào tập thể. Bây giờ anh mới thấm thía điều đó. Cuộc họp hôm nay trở thành một bài học sâu sắc trong cuộc đời làm chính trị viên của anh. Chưa bao giờ Sơn thấy yêu những người thương binh của mình như lúc này. “Những thương binh của tôi”. Từ trước đến nay,trong anh chỉ mới có “Ban của tôi” “Viện của tôi”.Đến hôm nay bốn từ “Thương binh của tôi “mới âm vang trong tâm hồn anh. Trước kia anh phục vụ thương binh hết lòng là vì nhiệm vụ. Hôm nay, hơn thế, nó đã trở thành một tình cảm của anh.
Phải chuyển tất cả thương binh đến địa điểm mới ngay trong đêm nay. Nhiệm vụ chỉ có thế nhưng là bao nhiêu công việc. Vận tải không có, thương binh bất động lại nhiều. Đấy là chưa kể đến một số anh em thương binh chỉ có thể đi cà nhắc. Làm sao có thể chuyển được đi trong đêm nay? Còn lương thực, dựng lán trại, thuốc men….Một đống công việc phải giải quyết cùng một lúc làm Sơn thấy ngợp. Tất cả công việc đều được anh em thương binh giải quyết. Lương thực được chia hết cho mọi người. Anh em bị thương nhẹ sẽ đảm đương số cáng của anh em bất động. Sơn thở phào nhẹ nhõm. Nhưng đến công tác thương binh liệt sĩ thì cuộc họp lại bị chia rẽ. Những người lính cũ đề nghị chôn cất Tháp ở ngay đây. Sơn cũng đồng ý với ý kiến này. Anh em đã quá nặng, cần tránh cho mọi người những vất vả không cần thiết. Ý kiến này bị cánh lính mới phản đối mãnh liệt. Họ không đành lòng chôn cất người đã chết ở mảnh đất lở loét, trơ trụi này. Cuối cùng đám lính mới đã thắng.
Trăng sáng vằng vặc. Tiếng những cành cây gẫy lắc rắc. Tiếng những bước chân thậm thịch. Tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Những tiếng thì thầm khe khẽ. Tất cả những tiếng đó gộp lại tạo nên một thảm âm thanh quen thuộc của đêm rừng. Đoàn người đã vượt qua bãi bom tiến vào một khoảng rừng non.Ánh trăng lọt qua những kẽ lá vẽ lên mặt đất những đốm sáng loang lổ làm Sơn có cảm tưởng mặt đất là một tấm dù hoa lớn. Mùi lá mục xông lên ngai ngái. Con đường hiện ra mờ nhạt. Dưới những lùm cây tối đen được rắc vô vàn những mảnh lân tinh sáng xanh. Gió ở đây trở nên thoáng đãng hơn, không còn mùi khen khét, đăng đắng của khói bom. Sơn căng ngực hít một hơi dài. Không gian vương vất một mùi thơm ngọt của một loại hoa đêm mà Sơn không biết tên. Những bông hoa cánh dày mọc sát mặt đất nhiều khi bị lấp dưới những cành khô lá mục.Ở đấy nó dâng hương. Ai có thể ngờ được một bông hoa xấu xí, mọc một cách thấp kém như thế lại có thể dâng hương thơm ngọt cho đời? Mùi hương vương vất mang lại cho mọi người một cảm giác mới. Đã qua rồi những hình ảnh khủng khiếp, chết chóc của trận bom. Không khí nặng nề đau thương tan đi rất nhanh. Chưa ai quên. Nỗi đau lẩn sâu vào muôn vàn nỗi đau khác. Chìm xuống dưới muôn vàn công việc
-Sắn quần lội suối
Từ trên lệnh truyền xuống nho nhỏ. Sơn cúi xuống sắn quần.Anh nhìn quanh. Không nhận ra mình đang đứng ở đâu. Xung quanh anh chỗ nào cũng giống chỗ nào. Cũng những bụi cây tối mờ mờ, những mảnh lân tinh và ánh trăng bàng bạc. May mà vớ được một tay trinh sát nếu không mình cũng chẳng còn biết xoay sở ra sao giữa cánh rừng mênh mông này. Sơn thầm nghĩ về người đại đội trưởng trinh sát, một thương binh,đã nhận nhiệm vụ cắt rừng đưa thương binh đi trong đêm nay.
Đoàn thương binh dừng lại nghỉ bên một dòng suối. Sơn móc túi lấy gói thuốc lá gọi với lên trên.
-Thuốc nhé.
Tiếng ồn ào rộ lên. Gói thuốc chỉ một loáng đã hết nhẵn.Những đốm lửa lòe lên trong đêm.
Trăng sà xuống sát ngọn cây.Trời đang về sáng. Sơn len lên đến bên cáng của Thành.
-Đau không?
Sơn hỏi. Thành lắc đầu không trả lời.Sơn bấm đèn kiểm tra những vòng băng trên bụng Thành
-À anh bảo anh em cáng thằng cu Hải cho nhẹ nhàng
Chợt nhớ ra, Thành bảo với Sơn. Sơn hơi cười trong đêm.
-Ông nhận luôn nó là con đi.
- Tôi cũng nghĩ là tôi phải có trách nhiệm với nó.
Thành nói nho nhỏ. Thế còn mẹ nó? Sơn định hỏi câu đó nhưng chợt nhớ ra là Hà mới mất nên anh lại thôi.