- 3 -

Thương không còn nhí nhảnh, dễ cười hồn nhiên như ngày nào Hoà mới quen.
Thế là đã gần một năm rồi An thôi học, rời làng Xuân Giao. Cứ chừng nửa tháng, Thương lại dè dặt hỏi, chú Hoà có biết tin tức gì của anh An không? Câu hỏi tự nhiên vậy mà cũng làm Hoà động lòng xa xót. Giờ này không biết tin tức gì về An, Hoà thấy mình như người mắc nợ với Thương. Anh hiểu rằng Thương quyến luyến nhớ mong An, nó nặng ìtnh cảm với cháu mình. Là chú của An tình cảm tự nhiên đến, Hoà coi Thương như cháu, anh muốn che chở cho đứa cháu gái yếu đuối. Bây giờ, buổi sáng nào đến trường, Hoà không để Thương phải đứng chờ lâu ở khúc ngoặt đầu làng. Anh đi học sớm hơn thường lệ và đứng chờ Thương. Chỉ có như thế Hoà mới thấy yên lòng. Chờ và rồi cùng đi với Thương đến trường như là bổn phận, trách nhiệm. Nếu An còn ở nhà và ngày ngày cắp sách đến trường chắc nó cũng sẽ làm như thế - Hoà nghĩ.
Chuyện xảy ra mới đây, thằng Cội bắt gặp Thương đang đứng chờ Hoà để cùng đến trường. Sấn đến, nó giật cặp sách, lục xem các cuốn vở để tìm kiếm cái tên của cô gái rồi cười hềnh hệch, phô bộ răng vàng khè nói, thế là từ nay anh quen Thương và mau lẹ véo vào mông đít Thương để giao duyên.
Thương xấu hổ, e thẹn mặt đỏ nhừ. Nó cười to hơn, mắt thô lố nhìn chòng chọc vào mắt Thương, giọng bờm xơm, đỏ mặt à, anh chỉ thích làm quen với gái đẹp, gái làng này xấu xí, chẳng ai ưa. Thương đang lúng túng thì Hoà xuất hiện. Cội vội vã lủi mất, nhưng vẫn cố liếc mắt đưa duyên về phía Thương. miệng lẩm bẩm chửi, mẹ cha thằng Hoà, tự nhiên vác mặt đến như thằng phá đám. Nó chợt nảy ra ý nghĩ, quấn quýt nhau đến trường thế kia là có tình ý riêng, rõ là phải lòng nhau. Ông phải phá để con Thương rời thằng Hoà.
Ngay ngày hôm sau, nó gặp Thương, bịa chuyện Hoà sắp lấy vợ rồi, chỉ chờ ngày ăn hỏi cưới xin. Lẽ đương nhiên, Thương không ghen nhưng bị bất ngờ. Cô đem chuyện ấy thuật lại với Hoà. Hoà bực lắm, chợt nghĩ, còn thằng An ở nhà chắc rằng nó sẽ dạy cho thằng Cội bài học lễ độ. Thiếu vắng An như thiếu vắng người bạn trung thành, thiếu một trợ thủ đắc lực.
Cuối năm học, cây gạo đứng đơn độc gần đầu làng đã đơm hoa đỏ ối. Những vớ lưới im lìm trơ gọng tre khô khẳng trên mặt song như vô hồn, vô cảm. Thương nói với Hoà:
- Chẳng còn bao lâu nữa cháu sẽ thôi học.
- Vì lý do gì vậy?
- Bố cháu bảo, thời chiến loạn lạc thế này, ngày ngày cắp sách đến trường dễ gặp rủi ro vì bom rơi đạn lạc. Gái thôn quê học đến như cháu cũng là tàm tạm.
Im lặng một hồi lâu, giọng Thương thấm đẫm ngậm ngùi, oán hờn.
- Từ ngày anh An thôi học, cháu không còn được chăm chỉ như trước nữa, sức học dần dần đuối đi. Hàng ngày cắp sách đến trường, chẳng riêng gì tai hoạ bom đạn, cháu còn linh cảm dễ gặp bất trắc, nản lòng lắm chú ạ.
Hoà thấu hiểu cái ngụ ý sâu xa mà Thương dè dặt ngại nói ra, ấy là sự xuất hiện thường xuyên của thằng Cội trên đường đến trường. Nó như vật chướng ngại, làm cho những buổi cắp sách đến trường không còn mấy hứng thú. Đường đến trường còn đâu nữa niềm vui bạn bè, niềm vui được chờ đợi người thân yêu, chỉ còn nơm nớp lo ngại, băn khoăn. Đột nhiên Thương lại hỏi:
- Đã gần một năm rồi, không có tin tức gì của anh An chú nhỉ?
Hoà gật đầu buồn bã.
Những làn gió phóng túng từ cánh đồng ùa tới. Hai người đi trên con đường mấp mô những ụ đất, sâu trũng những ổ gà, ổ trâu đọng bùn lệt sệt. Lâu lắm rồi, con đường đến trường không ai tu bổ. Thời loạn lạc này nó càng trở nên gập ghềnh như muốn chối từ những bước chân của khách bộ hành.
Mẹ  con An bước chân rã rời đến thành phố Nam Định khi đường phố đã lên đèn. Cửa hàng cửa hiệu rực rỡ ánh sáng trong con mắt trẻ thơ thật vô cùng hấp dẫn, tưởng như thế giới thần tiên. Lần đầu tiên trong đời bốn anh em An được biết, được ngắm nhìn cảnh phố phường rộn rã người xe, chan hoà ánh điện. Thành phố bao nhiêu là cảnh lạ mắt. Già trẻ mặc quần áo đẹp đủ màu, giầy dép đủ kiểu, nhà cửa san sát. Không giống với người ở quê An, bốn mùa quần nâu áo vải, chân đất quanh năm.
Lạ quá, đường phố có Tây trắng khoác tay bà đầm tóc vàng, váy màu súng sính, khác hẳn váy đen, váy nâu của đàn bà thôn quê. Thi thoảng vài thằng lính Tây say rượu, nghễu nghện bước, phì phèo thuốc lá. Mấy đứa trẻ mươi mười hai tuổi bám theo bập bẹ tiếng Tây bồi, ngửa tay xin thuốc “ Đon- nê – moa- sigaret”. Tiếng rao hàng không ngớt của trẻ bán thuốc lá, bán kem, bánh Tây. Có người mời khách đến mỏi mồm. Những đứa trẻ đánh giầy, bán lạc rang húng lừu chỉ xấp xỉ tuổi của anh em An, chúng cũng chân đất như người ở làng quê. Bà bán ổi, bán khế, bán kẹo bột ngồi dưới cột đèn bên vỉa hè, mặc áo chằng chịt những mụn vá. An lờ mờ hiểu, ở thành phố hay làng quê, nơi nào cũng có kẻ giàu người nghèo.
Mẹ mua cho mỗi đứa một que kem. Kem bốc khói nghi ngút. An mút và cắn những miếng nhỏ để được thưởng thức dài dài cái vị ngọt lịm, lạnh tê đầu lưỡi thật tuyệt vời. Thằng Chu, em út của An háu ăn, cắn phập một miếng kem lớn ròi vội vàng lè xuống đất, khóc tức tưởi. Bởi lần đầu tiên được ăn kem, nó chưa thể quen với cái lạnh buốt lạ lùng nơi chân răng đầu lưỡi. Kỷ niệm ăn kem lần đầu ở lứa tuổi mười bốn, mười lăm trên đường tha hương, An nhớ suốt đời.
Buổi tối hôm ấy, bên hè phố vắng, nhạt vàng ánh điện, mẹ con An ăn cơm nắm chấm muối vừng mang từ quê lên rồi lần mò, lếch thếch tìm đến nhà bà cô ở phố nhỏ trong thành phố mới lạ này.
Ở nhờ nhà bà cô, người mà anh em An gọi là cô Đằng. Cô có ánh mắt rưng rưng gần gũi. Cô thương đàn cháu tha hưong không nhà không cửa. Buổi sáng mua cho các cháu tấm bánh tẻ, đĩa bún vặn, củ khoai luộc, chia đều cho bốn đứa. Nhìn những đứa cháu mình háu ăn, biết là chúng đói, mắt cô rơm rớm nứơc.
Mẹ An ra chợ Rồng thăm thú, tìm cơ hội mưu sinh. Liệu có thể mua mẹt hàng tạp hóa để ngồi bán nơi góc chợ? Hay là mua mớ rau, mớ tép đem bầy bấn ở đầu chợ, góc phố. Cậy nhờ người ta xin cho cái thẻ môn bài để được hành nghề buôn bán, nhưng không được, đành bó tay. Cũng chẳng ai thuê gồng gánh, giặt giũ, nấu nướng lúc này. Thời buổi kiếm ra đồng tiền ở thành phố thật là khó khăn.
Miệng ăn núi lở, phải nuôi năm miệng ăn, cái ruột tượng buộc ngang lưng, đựng số tiền mà mẹ An đã góp nhặt những ngày mua hàng tạp hóa từ tỉnh về bán ở làng Xuân Giao, bây giờ ngày một teo tóp đến mức báo động. Sáng nay đã bán đi đôi hoa tai- của hồi môn ngày cưới nhưng số tiền cũng chẳng được là bao.
Ngày nào mẹ An cũng phải mua cân gạo hẩm, củ khoai, mớ rau, mớ tép cho hai bữa ăn. Buổi tối, nhìn đàn con ngủ lăn lóc trên manh chiếu trải góc nhà, muỗi vo ve bay, bà rưng rưng nước mắt. Trong đêm đen, mở ruột tượng, tẩn mẩn đếm số tiền còn lại như kẻ đi buôn tính vốn lời, mẹ An buột thở dài khe khẽ.
Thế rồi, cơ may run rủi đến, ông Thuận bác họ An, người có cửa hàng buôn bán lớn ở thành phố này. Ông dò biết hoàn cảnh khó khăn của mẹ con An. Tìm đến nhà cô Đằng, ông nói với mẹ An:
- Tội nghiệp các cháu quá, tôi thương thằng An thất học nên đã tìm kiếm nơi chốn cưu mang. Nơi này người ta muốn nhận cháu làm con nuôi. Họ là người giàu có lắm. Buổi sáng cháu được đi học, buổi chiều ở nhà giúp mẹ nuôi làm những công việc lặt vặt, rửa bát, quét nhà.
Như người sắp chết vớ được cọc, vui mừng khôn tả, mẹ An nở nụ cười hiếm hoi. Thế là con bà lại được ăn được học. Cảm giác như vừa được gột sạch tội lỗi. Chao ôi! Nếu mà thằng An không được tiếp tục cắp sách đến trường thì thật là ân hận, bà như người mắc tội với con. Mẹ An thẽ thọt nói:
- Thật là phúc đức cho cháu. Mẹ con em đội ơn bác.
Ánh mắt bà chán chứa lòng biết ơn, thầm mong ông Trời ông Phật phù hộ cho con bà và người đàn bà sẽ nhận An làm con nuôi. An lễ độ, khoanh tay, cúi đầu chào ông Thuận. Ông bảo:
- Cháu ông Chánh Huyện có khác.
Ông Thuận nhìn An chằm chặp như muốn cân đo đong đếm rồi nhoẻn cười, gật đầu vẻ đắc ý:
- Thằng bé khỏe mạnh, có sức vóc – Trong sâu thẳm lòng ông ẩn chứa điều thầm kín, mắt nheo nheo, ánh mắt tôi tối.
Sáng hôm sau tiễn con, mẹ An âu yếm nói:
- Lúc này, mẹ không còn đủ sức cho con ăn học- bà khóc, tay lau nhanh nước mắt- bây giờ thì mẹ mừng lắm, con mẹ lại được ăn được học. Ông Trời ông Phật đã phù hộ cho mẹ con ta.
Vuốt mái tóc An, bà ân cần dặn:
- Đấy nhé! Con đã nghe bác Thuận nói, cháu ông Chánh phải cho xứng. Về nhà mẹ nuôi phải ngoan ngoãn chăm chỉ, siêng năng học hành.
Thút thít khóc, nước mắt tràn ra, anh nắm tay từng đứa em rồi vuốt ve mái tóc rễ tre đen nhánh của chúng, anh dặn:
- Em của anh An phải ngoan ngoãn, nghe lời mẹ, đừng làm mẹ phải buồn.
Mẹ moi ruột tượng, cho An ba đồng bạc. Anh lắc đầu, trả lại mẹ rồi nói:
- Để mẹ nuôi các em.
Bước theo chân ông bác họ, tai anh vẫn nghe rõ mồn một, phân biệt được từng giọng nói của ba đứa em, thằng Pha, thằng Ban, thằng Chu dù rằng chỉ với cùng một câu ngắn gọn: “ Em nhớ anh An lắm”. Cuộc tiễn biệt diễn ra trong ngắn dài nước mắt.
Hơn một tuần sau, mẹ An và ba con từ biệt cộ Đằng, rời Nam Định, dắt díu nhau ra Hải Phòng kiếm sống. Bến cảng không có việc cho đàn bà. Phu bốc vác toàn là đàn ông. Họ còng lưng cõng những bao bì lên tàu, xuống bến vất vả lắm. Đàn bà kiếm được việc làm ở nơi đất cảng không hề dễ dàng. Dù muốn buôn bán vặt vãnh đi chăng nữa thì cũng chẳng đào đâu ra vốn liếng. Nguy cơ phải ăn mày, ăn xin nơi đất cảng khó tránh khỏi.
Cùng đường, mấy mẹ con An dấn thân theo chân đoàn người nghèo khó lam lũ. Họ là những người ở vùng quê Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên chạy loạn đến đây để được tuyển mộ làm phu mỏ. Đoàn người lam lũ, lếch thếch, đầu đội vai gánh đồ lề, bíu ríu vợ con xuống ca nô, theo đường biển rời Hải Phòng ra làm phu mỏ ở Sở than Cẩm Phả.
Thân phận phu mỏ xúc than, gập lưng đẩy xe goòng trên tầng mỏ đã giúp mẹ An nuôi con trong thời buổi loạn lạc khốn khó. Đời mẹ vất vả, nhọc nhằn nhất là những ngày làm phu lầm lũi than bụi này. Đôi lần bà đọc những câu ca nghe ai oán: “Ngày ngày nghe tiếng còi tầm/ như nghe tiếng vọng từ âm phủ về” và “Ăn cơm với cá mòi he/ lấy chồng Cẩm Phả đun xe suốt ngày”. Chiến tranh không phải chỉ có đạn bom khốc liệt rình rập mà việc kiếm kế sinh nhai cũng vô cùng khắc nghiệt. Không một danh họa lỗi lạc nào có thể phác họa được bức tranh hoàn chỉnh về người mẹ nuôi con trong thời loạn lạc và cũng chẳng có nhà văn thiên tài nào lột tả hết nỗi khó khăn trăm bề của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Họ là những anh hùng vô danh tính. Hình bóng họ sống mãi trong lòng những đứa con, sống động hơn cả những bia đá, tượng đồng uy nghi, hoành tráng.
Một số người ở làng Xuân Giao có việc lên Nam Định rồi trở về làng. Hòa tìm đến hỏi thăm họ có biết tin tức gì về mẹ con An không? Dò hỏi đến năm bảy người, có người nói rằng, đã lâu lắm rồi thấy mẹ con An ở nhờ nhà bà Đằng. Và nữa, An may mắn được bà chủ quán Bar nhận làm con nuôi. Họ chỉ biết đến thế.
Hòa vui vẻ gặp Thương, anh nói đã có tin tức về An. Tin về An làm cho Thương náo nức vui, cặp mắt màu nước biển rạng ngời nhưng chỉ trong khoảnh khắc lại nhường cho nuối tiếc vì tin tức ngắn ngủi quá. Bàn tay Thương mau lẹ làm dấu thánh trước ngực, cầu xin Đức chúa Trời nhân từ che chở cho người bạn yêu thương vựơt qua đường đời sóng gió.
Hơn một năm sau, An viết thư rồi chuyển tay nhờ một người làng đem đến cho chú Hòa. Lá thư ngắn, hỏi thăm chú và Thương cùng những người thân thuộc nhất. Cuối thư anh mong chú Hòa và Thương gặp may mắn trên bước đường học tập mà An hằng khao khát. Không một câu một chữ nào anh nói về mình đang làm gì, ở đâu và cũng né tránh bộc lộ nỗi niềm buồn vui của mình.
Thật trớ trêu, An mong mỏi người bạn gái gặp may mắn thì cũng là lúc Thương đã bỏ học. Cầm lá thư của An trong tay, Hòa nghĩ lan man. Thời buổi loạn lạc này, hai đứa An và Thương, kẻ chân trời, người góc biển thật là ít cơ may gặp lại được nhau. Giờ này với hai đứa, có lẽ chỉ còn là những hoài niệm nhớ nhung mà thôi.
… An mặc quần áo mới, cắp cặp rảo bước đến trường. Sóng bước bên An là Thương đang nở nụ cười tươi rói khiến gương mặt người con gái đã đẹp càng đẹp hơn lên. Nắng sớm mới lên tô hồng làn da trên đôi má. Chiếc cặp ba lá óng ánh ôm mái tóc dài mềm mại của Thương nhịp theo bước đi uyển chuyển. Bên con đường làng, màu vàng của cánh đồng lúa bát ngát đã thay thế cho màu xanh ngày nào của cây lúa trổ đòng. Cánh đồng trải ra tít tắp tận mãi viền xanh chân trời. Gió đồng quê dìu dặt thổi mang theo hương lúa thoang thoảng thật dễ chịu. Không gian, cảnh vật bình yên qúa. Tiếng trống trường vẳng xa như giục học trò mau bước… An bừng tỉnh. Ôi giấc mơ! An mơ thấy mình đang là học sinh cắp sách tới trường. Giấc mơ khiến An không thể chợp mắt được nữa.
Chuông đồng hồ mới điểm bốn giờ sáng. Căn buồng nhỏ tĩnh lặng, vắng ngắt. Bật ngọn điện, ánh sáng vàng nhạt hiện rõ mọi vật trong căn phòng nhỏ. Manh chiếu trải trên nền nhà. Năm, ba cuốn sách, cuốn vở mới, chúng lặng lẽ chờ ngày cắp sách đến trường của An. Anh đã mua sẵn sách vở chuẩn bị cho ngày đến trường. Thế mà đã hai năm rồi, nó vẫn yên vị, chất đống ở góc phòng ở của mình. Chồng sách vở như giễu cợt sự thất học của An. Nếu việc học không bị gián đoạn thì năm nay anh đã là học sinh lớp đệ tứ.
Sự thật chua chát quá, tiếng là con nuôi, thực chất An là đứa ở không công cho người tình của ông bác họ. Ông Thuận đã khôn ngoan khai thác được cảnh ngộ và mong ước của mẹ con An, mong muốn An được ăn được học. Một cú lừa dối ngoạn mục mà An là nạn nhân. Nhà hàng Bar của người tình ông bác thiếu bồi bàn. An trở thành món quà hiến dâng, làm không công kiêm rửa bát, quét nhà, hầu hạ chủ. Họa hoằn gặp khách hảo tâm, họ cho anh những đồng bạc lẻ. Gom góp lại, An mua sách vở, chuẩn bị cho ngày đến trường.
Vận may không đến với An. Ông bác họ bảo rằng, lúc này trường sở không nhận học sinh giữa khóa học, phải chờ đến niên học mới. An đành kiên nhẫn chờ đợi. Thế rồi ngày hè đến rồi qua, tiếng ve thôi rả rich, ngày tựu trường đã đến. Ông Thuận và bà chủ quán Bar không hề đến trường xin học cho An dù rằng niên học này nhà trường vẫn mở rộng cánh cửa tuyển sinh. Thế nhưng hai người phân bua giống nhau rằng, bây giờ Pháp và Việt Minh đang đánh nhau to, chiến sự lan rộng, vậy nên trường trung học trong thành phố này ngừng việc tuyển sinh. An thất vọng ê chề, đôi lông mày hơi xếch của anh nhíu lại vẻ đăm chiêu, suýt nữa An bật khóc tiếc nuối. Ông Thuận và bà chủ quán Bar đã nói đúng năm mươi phần trăm sự thật. Ấy là chiến sự đang diễn ra ác liệt. Tờ báo Tia sáng giật hàng tít lớn, cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đã bắt đầu, bộ đội Việt Minh và quân đội Pháp đánh nhau dữ dội ở miền núi rừng Tây Bắc. Khách vào quán, nhiều người chụm đầu, nhỏ to trò chuyện, họ phán đoán thế cuộc sẽ có nhiều diễn biến đổi thay.
An mơ hồ nhận ra cảnh ngộ bị lừa dối của mình. Đề phòng An có thể trốn khỏi cửa hàng, bà chủ rào đón răn đe, mày chưa đến tuổi làm thẻ căn cước (chứng minh thư), đừng dại dột bỏ cửa hàng mà ra đi, sẽ bị Sở Cẩm bắt tống giam, tao chẳng cứu nổi đâu.
Hàng ngày, nhìn học sinh cùng trang lứa với mình cắp sách đến trường, An tủi thân. Sự học kể cũng lạ. Người có năng lực và siêng năng học hành thì thèm khát đến trường như đói thèm ăn, khát thèm uống. Kẻ lười biếng tối dạ thì coi việc hàng ngày phải cắp sách đến trường là cực hình đầy ải.
Có An làm bồi bàn, bà chủ quán Bar rảnh rỗi thời gian ngồi tiếp khách. Khách hàng là người Pháp là người Việt giàu có ở thành phố này. Đôi khi, họ quấn nhau lên tầng hai của nhà hàng vui chăn gối. Bà chủ nghiêm sắc mặt, dằn giọng đe nẹt An, là thằng ở, không được bép xép với ông bác của mày, tao cắt lưỡi. Chuyện quen ai, quan hệ cùng ai là việc của tao. Bác mày cũng chỉ là một trong số hàng trăm thằng đàn ông mà tao quen biết.
Dù bà chủ không căn dặn, An cũng chẳng bao giờ muốn trò chuyện với ông Thuận. Thấy bóng ông, anh lảng tránh, trông thấy ông, cảm giác tủi nhục giận hờn dâng lên nghèn nghẹn trong ngực. Người lừa dối lại chính là bác ư? Sự thật là thế. Ông Thuận né tránh nhìn trực diện vào mắt An như muốn né tránh nhìn thẳng vào sự thật, muốn che giấu điều khuất tất. Nụ cười tình nịnh bợ, lời tán tỉnh xun xoe ông dành cho bà chủ quán. Ánh mắt lẳng lơ đàng điếm của ông, anh thấy ghê tởm đáng ghét quá. Cái cảm tình kính trọng, biết ơn ngày nào đối với ông nay đã tắt lịm, được thế chỗ bằng nỗi giận hờn.
An không phải một lần được chứng kiến cái âm thanh nực cười dội từ tầng hai xuống tầng một. Thằng con nhỏ ba tuổi của bà chủ ngỡ tưởng ông Thuận áp chế, hành hạ mẹ, nó gào khóc toáng lên. Ứ được đè mẹ. Đáp lại lời khóc gào, ông Thuận cười hềnh hệch như muốn nói với thằng bé không cha kia rằng, tao là người được quyền đè lên mẹ mày. Nó cứ gào, ông cứ cười, cứ đè mẹ nó. Thằng bé ấy làm sao hiểu nổi cuộc vui thú tình ái đang diễn ra. Vợ ông Thuận cũng không hiểu, không ngờ người chồng đạo mạo, đầu chải bóng nhẫy Bơ-ri-ăng-tin có vợ đẹp con khôn lại tham lam lạc thú, chăm chỉ ngoại tình. Trên đời này, đàn ông vẫn là người tham lam.
Thời gian trôi đi, sự thật được phơi bày, trí khôn mách bảo, An không bao giờ được bà chủ quán Bar coi là con nuôi. Vả lại, nếu là con nuôi bà ta anh thấy hổ thẹn lắm. Ở đây mãi anh sẽ thất học. Nghĩ như thế, An lựa lời nhũn nhặn xin với bà chủ cho mình đi tìm mẹ, tìm các em. Nỗi nhớ mẹ, nhớ các em làm anh nhiều lần âm thầm khóc trộm. Bà chủ xồn xồn át giọng nói, ông Thuận bán đứt mày cho tao làm đứa ở nhà này. Dẹp ngay cái ý nghĩ rồ dại đi tìm mẹ ấy đi. Trốn khỏi nhà này, tao trình Sở Cẩm, mày sẽ rũ tù. Lời nói của bà chủ như gáo nước lạnh táp vào mặt, anh bị sốc, mặt tái dại. Thật thế ư! Mình là món hàng à? Ông Thuận có bán anh cho bà nhân tình kia không? An không tin và cũng không cần biết, đó là chuyện riêng của ông ấy với bà ta. Anh không hề muốn giáp mặt để hỏi ông bác họ về chuyện này bởi anh ghê tởm ông lắm rồi. Điều mà An nhận ra ấy là, không phải cứ họ hàng là tử tế với nhau. Tình họ hàng chẳng bằng đồng tiền. Người ta sẵn sàng lừa dối, đánh đổi thằng cháu để mua vui, để lao vào những cuộc tình vụng trộm. Chí đã quyết- An nghĩ, không sớm thì muộn thế nào rồi mình cũng sẽ rời cái nhà hàng đĩ điếm Paul Bert ở Nam Định này.
Những ngày này, người dân phố phường và khách vào quán Bar hay mua báo, những tờ báo xuất bản ở vùng giặc Pháp chiếm đóng. Họ chuyện trò về chiến sự được đăng báo, được nghe ở radio. Nào là ở Trung bộ, ở đồng bằng Bắc bộ, ở Miên, ở Lào và nhiều nhất là trận chiến động trời ở Điện Biên Phủ. Họ bàn tán thầm thì, nhỏ to như có điều hệ trọng đang nung nấu sẽ xảy ra.. Pháp đang phải căng sức chống đỡ Việt Minh, có cơ bị đánh bại. Nếu như vậy, chính thể mới được xác lập. Thời của những nhà quyền quý giàu sang, của những ông cai ông kí, ông Chánh ông Lý, ông chủ đồn điền, chủ xưởng máy đang lụi tàn. Mượn của khách, An đọc báo Tia sáng và một hai tờ nhật báo khác, dần dần anh vỡ vạc được rằng ông Chánh ông Lý… không phải là bạn, là đồng minh của những người đang đánh quân Pháp ở chiến trường. Ông nội anh lá Chánh huyện đã mất, nghe người ta nói bố anh đang làm kí lục ở công sở nào đấy ở vùng Pháp tạm chiếm. Rồi đây sẽ ra sao, các con cháu của họ có gặp những rắc rối gì không? Dấu hỏi đó dần dà len lỏi vào tâm tư non nớt của An, không tìm được lời giải đáp. Và rồi không đầy nửa năm sau nó trở thành nỗi băn khoan ám ảnh nặng nề. Lứa tuổi mới lớn như anh dễ dàng bị kích động lôi kéo, tiếp nhận những chiêu thức tuyên truyền một phía, đẩy anh về đầu kia chiến tuyến, đối lập hoàn toàn với thể chế mới.
Những ngày cháu An làm bồi bàn ở quán Bar thì chú Hòa vẫn miệt mài theo học ở trường trung học Hồ Ngọc Cẩn. Giữa năm 1952 Việt Minh tấn công Trung Linh, trương Hồ Ngọc Cẩn rời sang Bùi Chu. Hơn cả Nam Định, Bùi Chu có trung học đệ nhất cấp nhờ công lao của Đức Giám mục và Cha Hiệu trưởng. biết thân phận mình mồ côi cha, mẹ phải thắt lưng buộc bụng cho con học hành. Vừa là bản năng vừa là ý thức, Hòa vô cùng siêng năng hiếu học. Trang ghi trong kỉ yếu Hồ Ngọc Cẩn: “Hòa hiền lành, thông minh và học siêng vô cùng, những định lý anh đọc không thiếu một dấu phẩy”.
Siêng năng là bản tính, thông minh là trời cho giúp Hòa vững vàng trên chặng đường đời trong những ngày cắp sách hiện tại và mai sau. Xét cho cùng, chính người cha kính yêu của Hòa là tấm gương học hành cho anh noi theo. Ông từng là trò của nền cựu học nơi cửa Khổng sân Trình. Và rồi thời thế thay đổi, ông đã giã từ mực Tàu bút lông để đến với lọ mực, bút chì của nền tân học quốc ngữ. Ông chưa có được cái khí phách kiên cường như các chí sĩ cầm gươm, trực tiếp nhập thân vào phong trào chống Pháp đương thời tuy rằng ông có thiện cảm và ủng hộ họ. Làm Chánh huyện ông dạy các con: “Nhân bất học, bất tri lý”, quý cái chữ, trọng học vấn. Từ những năm 30 trở về trước, ông Chánh huyện nuôi thầy đồ rồi thầy dạy chữ quốc ngữ làm gia sư cho các con. Các con bà cả rồi con bà hai đều đựơc cho đi học. Dù nhỏ hay lớn tuổi mà lười biếng học hành vẫn thường bị ông bắt nằm úp sấp, roi mây vun vút quất lằn mông đít. Sau này, các con bà cả, người học xong sơ học yếu lược, người học hết bậc thành chung.
Mấy người anh ruột của Hòa, anh Khiêm, anh Tản, anh Minh khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm1946 đã bỏ học, theo kháng chiến, khoác balô lên đường làm anh lính vệ quốc. Hòa nghe phong thanh anh Tản, anh Khiêm làm chức cán bộ chỉ huy bộ đội Việt Minh. Bây giờ bặt tin. Không biết họ còn sống hay đã gục ngã ở chốn trận mạc. Có thể, các anh đã phải vùi thây nơi rừng xanh núi đỏ ở chiến khu cực nhọc. Tuy nhiên, các anh là con bà cả nên có khoảng cách khá xa về tuổi tác đối với Hòa. Các anh hơn Hòa mươi, mười lăm tuổi nên tâm tư tình cảm và cả con đường đời các anh đã chọn không tác động bao nhiêu đến tâm lý, lẽ sống của cậu học sinh Tây học trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn.
Thực tế đời sống đã tác động từ nhiều chiều đến với Hòa. Anh đã tận mắt chứng kiến cảnh chiến tranh bom đạn đầy thương tâm, bất trắc. Quân Pháp và Bảo Hoàng bạo tàn càn quét, cướp phá làng Xuân Giao yêu quý của anh. Anh cũng thấy Việt Minh tấn công Trung Linh vào giữa năm 1952, bắt đi cha Cung, cha Kính. Điều này anh thấy là lạ nhưng rồi người ta bảo, bởi lẽ các cha gần gũi, giao thiệp rộng với người Pháp. Chiến tranh có nhiều cách lý giải những hiện tượng đã diễn ra. Khi trường Hồ Ngọc Cẩn rời Trung Linh về Bùi Chu tọa lạc ngay gần tòa Giám mục, học sinh bên Đời và bên Đạo học chung một trường. Ngoài những tri thức trong sách giáo khoa mà loài người gom góp được trở thành mục tiêu tích lũy của trò và thêm nữa, đức tin công giáo qua giọng âm vang, êm ái của Đức Cha cùng lẽ màu nhiệm đau khổ được lý giải trong kinh Phúc âm như mưa dầm thấm đất, dần dà từng bước thầm lặng thâm nhập đức tin của Hòa…
Thời gian mau lẹ, vùn vụt trôi, năm học kết thúc. Nắng sớm đầu hè hoe hoe vàng ngập tràn trên con đường từ Bùi Chu về làng Xuân Giao. Hôm nay Hòa về làng để được gặp mẹ, gặp các em trước khi từ giã mẹ và các em để lên Hà Nội thi Tú tài phần I. Vậy mà đã gần hai tháng nay anh chưa về làng, phải ở lại nhà trọ để có đủ thời gian, tập trung hết sức mình cho bài vở cuối năm, cho tổng ôn tập của lớp đệ nhị- lớp cuối cấp trung học.
Bấy giờ bước chân hướng về làng, lòng Hòa dâng lên niềm phấn khích, bước chân dẻo dai không biết mệt mỏi. Rặng tre bên đường như reo trong gió, nắng vàng ươm như rải thảm trên cánh đồng. Dư âm của buổi tổng kết năm học và đặc biệt hơn cả là lễ phát phần thưởng cho học trò xuất sắc đang dặt dìu thăng hoa trong hồi ức. Cuộc đời học trò dưới mái trường với niềm vui nhè nhẹ khi dành được điểm 9 điểm 10, thụ hưởng niềm vui lâng lâng khi được thầy giáo, cô giáo biểu dương khen ngợi và niềm tự hào chiếm ngự trong lòng nếu vinh dự được là học sinh giỏi của lớp, của trường. Hòa đã gặt hái trọn vẹn một mùa vui học hành của đời cắp sách. Còn gì vui hơn, tự hòa nào bằng đối với học sinh Hồ Ngọc Cẩn khi đoạt được phần thưởng hạng nhất toàn trường. Mới hôm qua, nhà trường long trọng tổ chức lễ rước vong quanh nhà thờ của Giáo phận để vinh danh học trò xuất sắc. Hòa xúc động, trái tim rộn rã đập vui trong lồng ngực, nở nụ cười mãn nguyện, run run bước chân lên bục nhận phần thưởng của “ Quốc trưởng Bảo Đại” do đích danh thầy hiệu trưởng trao tay trong tiếng vỗ tay ràn rạt, trong ánh mắt khâm phục của học sinh toàn trường…
Bước chân đến khúc ngoặt đầu làng, Hòa chạm trán thằng Cội, niềm phấn khích của anh vụt tắt. Đôi mắt lồi thao láo nhìn Hòa, Cội như đoán được niềm vui của người đi xa lâu ngày, giờ này có điều gì đang phấn chấn rảo bước về nhà. Cội bĩu môi, chun mũi vẻ khinh khỉnh giọng tưng tưng:
- Có gì mà vui thế? Chẳng vui được lâu đâu, sắp đổi đời rồi anh bạn con cụ Chánh ạ.
Nó định nói điều gì thế nhỉ? – Hòa nghĩ, hãy im lặng xem sao, Cội lại bĩu môi, xéo mắt nhìn Hòa nói:
- Hết thời của nhà giàu rồi. Ông Chánh ông Lý, địa chủ ngày xưa thì danh giá lắm, bây giờ thì chẳng ai nể trọng đâu- Thằng Cội nói những điều này bởi bố nó theo kháng chiến mới ghé về thăm nhà vài ngày, nói cho mẹ con thằng Cội biết thế.
Thằng Cội đang cố ý xỏ xiên mình – Hòa nghĩ, mặt nong nóng, hai lần nó nhắc lại chữ “ông Chánh”, ở làng này người ta gọi bố Hòa với cái tên quen thuộc ấy. Lúc này gây gổ, chửi rủa nó ư? Chẳng đến bến bờ nào. Nhường nhịn cho xong chuyện để tránh phiền hà, anh trả lời cộc lốc:
- Thế đấy!
Cội không buông tha, nó giễu cợt hằn học để thỏa bực dọc:
- Ông và tôi đều là người của cái làng Xuân Giao này. Mười bảy, muời tám tuổi đầu cả rồi. Kiếp người cả đấy. Vậy mà ông thì được rong ruổi cắp sách, dáng thư sinh trắng trẻo, còn thằng Cội này đen nhẻm bùn đất, ngày ngày theo đít trâu cày. Sao lại vô lý đến thế. Cũng tại giàu nghèo cả thôi ông ạ! – Hòa trả miếng:
- Chịu khó làm lụng thì lo gì nghèo hèn, mà nhà anh đâu có nghèo.
- Ông làm sao hiểu thời cuộc bằng tôi.
Tranh luận với kẻ ngông ngạo chẳng ích gì, im lặng là vàng, Hòa lẳng lặng rảo bước nhanh hơn để lại thằng Cội lẽo đẽo phía sau. Tuy vậy, trở về nhà mình với những phút giây tĩnh tại, Hòa mơ hồ nhận ra rằng thời thế đang biến chuyển. Thời mới đang ló dạng. Cuộc sống của gia đình và bản thân mình rồi sẽ ra sao, mình còn được theo học nữa không? Không, không thể bỏ học – Hòa thầm nói với mình. Suy tư gờn gợn, lăn tăn trôi về với những ngày cuối năm của lớp đệ nhị. Bạn bè cùng lớp, mấy đứa được nghe radio, được đọc báo về tin tức chiến sự, chúng bảo rằng Pháp thua trận ở nhiều chiến trường trên toàn cõi Đông Dương và rằng trận Điện Biên Phủ khốc liệt lắm. Bao nhiêu là chuyện thực thực, hư hư; mỗi ngày một chuyện mới lạ. Trong lòng Hòa vởn lên những e ngại lo toan.
Niềm vui nơi mái nhà ấm áp tình cảm gia đình, mẹ con, anh em chỉ có thể kéo dài vài ngày. Đầu mùa hè 1954, Hòa lên Hà Nội dự thi Tú tài.
Anh dừng lại thành phố Nam Định một ngày, tìm đến nhà chị Đằng để hỏi han tin tức, nơi ở của An. Chị Đằng bảo, cháu An đang làm bồi bàn rồi trỏ lối cho Hoà tìm gặp. Hai chú cháu gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi. Biết rõ cháu An phải làm con ở không công, Hòa rơm rớm nước mắt. Thăm hỏi chuyện ở làng quê, trường học, biết Thương đã bỏ học và rồi nghĩ đến phận mình lòng An trĩu nặng, lắng trong tiếc nuối làm gương mặt An phảng phất nét u buồn.
 Không khí căn phòng như chùng xuống..
Giọng nói của cả hai đượm tâm trạng nên không ồn ào rổn rảng. An chậm rãi bày tỏ ý định sẽ đi tìm mẹ và các em khi thời cơ thuận lợi đến.
Và rằng, mai đây sẽ đi đâu, về đâu mình không đoán định được tương lai. Xoay sang hỏi han chú Hòa:
- Thi xong Tú tài I, chú có dự định gì?
- Chú còn biết làm gì hơn là tiếp tục con đường học tập.
Chẳng cần chú Hòa hỏi về nguyện vọng của mình, An bày tỏ khao khát:
- Nếu có cơ may cháu vẫn muốn được theo học chú ạ.
Thế rồi như một lẽ tự nhiên, chuyện thời cuộc đang diễn ra len vào cuộc trò chuyện của hai chú cháu.
- Việt Minh họ đang giành thắng lợi trên chiến trường Đông Dương
- Chú cũng biết như thế đấy. Nếu quân Pháp bại trận, buộc lòng phải rút khỏi Đông Dương, rút khỏi Việt Nam, thì chế độ mới ắt sẽ được xác lập tức thời.
Câu chuyện thường ngày An nghe được của khách hàng trò chuyện với nhau ở quán Bar này bây giờ An nói với Hòa:
- Nhiều người khá giả ở thành phố này họ than phiền rằng chế độ mới không phải của lớp người giàu sang, lắm tiền nhiều của.
- Có lẽ đúng. Nghe đâu, người lắm ruộng nhiều vườn, nhà cao cửa rộng người ta gọi là địa chủ. Kẻ có xưởng máy, cửa hàng gọi là tư sản. Ông cai, ông ký, ông Chánh ông Lý không được coi là bạn hữu của giai cấp công nông – Ngưng lại trong giây lát, Hòa trầm ngâm, ở quê mình, người nghèo khó ít ruộng vườn đang trông chờ, hy vọng vào cuộc đổi đời nay mai.
Sự phân vân cùng lo âu, hoang mang chiếm ngự tam tư của hai chú cháu. Nguời thì nhíu lông mày như cau có, người thì nheo nheo cặp mắt suy tư. An xoay sang hỏi Hòa:
- Chú có được biết người ta nói gì về việc mở trường, mở lớp ở chế độ mới không?
- Không được nghe ai nói nhưng chú cho rằng, chế độ mới vẫn mở trường học. Thời nào mà chẳng có trường có lớp, chương trình thì ắt rằng có những phần không như chú cháu mình theo học.
Cả hai cùng một lúc buột thở dài, cứ như là trước mặt họ xuất hiện vật cản đang ngáng bước chân của mình. Ngày hôm sau, Hòa lên Hà Nội.
Ngày 7-5-1954 là ngày lịch sử đáng ghi nhớ, quân đội viễn chinh Pháp đại bại ở chiến trường Điện Biên Phủ. Thiếu tướng Đờ-cat-tơ-ri cùng bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm này bị bắt sống. Hàng vạn lính lê dương Tây đen, Tây trắng lốc nhốc phất cờ trắng đầu hàng. Ở khắp các mặt trận trên toàn cõi Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, nhuệ khí của quân đội Pháp rệu rã. Chúng phải co cụm lại trong đồn bốt, lui về các thành thị tạm chiếm như thể án binh bất động. Thành thị nhộn nhạo, nhan nhản lính Pháp.