- 7 -

Bá Hoán còn nhớ, sau ngày thi tú tài, cháu bà đã từng dẫn cô gái này, cô gái khác đến đây, có lẽ là bạn học nó. Dường như nó muốn trình diện với Bá. Chuyện trò với những cô gái ấy, bà chê loại gái liến láu giọng xoe xoé, bà không cưng con gái mắt lúng liếng đa tình quá. Bà cũng không cảm tình với gái nhan sắc mà đuểnh đoảng lười biếng. Ghét nhất là con gái vô duyên. Bà thẩm định giá trị của người con gái ở thiên chức làm vợ, làm mẹ. Phải. Cháu bà là người lính chiến nay đây mai đó, việc nhà và việc nuôi dạy con cái rồi đây phải có người biết quán xuyến, đảm đang. Bà đã xem số tử vi cho An. Ông thầy Tàu nức danh ở chợ Bến Thành, đọc lá số tử vi bảo rằng, cháu bà có số đào hoa, đời gian nan đủ đường nhưng tránh được hòn tên mũi đạn. Nó có bà cô chết trẻ thiêng lắm. Bà quý nó nhất, phù hộ cho nên chẳng có gì đáng ngại. Nếu chịu tu nhân tích đức lại có ngôi sao chiếu mệnh che chắn, nó còn sống thọ nữa chứ. Bà mong mỏi cháu dâu bà sẽ là người phụ nữa chung tình. Loại gái thắt đáy lưng ong, gót chân hồng hồng, ai mà chẳng ưa. Đặt lên bàn cân, Li đủ đồng cân để thuyết phục và chiếm trọn thiện cảm của Bá Hoán. Ánh mắt Bá nhìn Li trìu mến gần gũi như bà mẹ nhìn con gái yêu của mình.
Đều đặn như tuần trăng, dù là bận bịu hay rảnh rỗi, cứ hai tuần một lần, bà Hoán lại đến chơi, trò chuyện thăm hỏi cha mẹ Li. Đến chơi thăm hỏi chỉ là bề nổi, cái phần chìm quan trọng hơn là để xiết chặt quan hệ gần gũi thân thiết với bố mẹ Li nhằm thực hiện ý định đã thành hình trong lòng bà. Để ý đến tà áo, chiếc quần đã được giặt giũ đang phơi, vắt trên dây ngoài sân, vạt áo không xô lệch, ống quần song song thẳng hàng. Trong bếp, xoong nồi bát đĩa sạch sẽ được úp gọn gàng, ngay ngắn đều bởi bàn tay của Li - đứa con gái đầu lòng trong nhà, bà ưng ý lắm. Người con gái như thế ắt hẳn giỏi công việc nội trợ - bà Hoán nghĩ thế. Lần đến chơi này, đưa đẩy câu chuyện, bà nói với bố mẹ Li:
- Cháu Li đã 18 tuổi, con gái như thế là đã lớn khôn ông bà nhỉ?
- Vâng, cũng mừng là cháu nết na, ngoan ngoãn.
- Bà Hoán dò hỏi:
- Nhanh thế đấy, quay đi ngoảnh lại con gái đã đến tuổi lấy chồng, ông bà lo dần cho cháu là vừa.
- Vài ba tháng nữa cháu ra trường, có đám nào rồi sẽ thưa chuyện với bà.
Câu trả lời của bố mẹ Li làm bà Hoán yên lòng. Con Li sẽ phải là cháu dâu của bà. Linh cảm và cái nhìn sắc sảo, tinh tường mach bảo, chúng nó sẽ nên duyên đôi lứa. Cháu bà với con Li đẹp đôi lắm. Ra về, bà thân mật ướm hỏi Li:
- Mai ngày, Li làm cháu dâu của bác thì hay quá, bác mong thế đấy.
- Sợ anh An chê cháu bác ạ.
- Cái con này! Bác không chê thì đố nó dám chê trách.
Hai bác cháu cùng nở nụ cười cởi mở. Sau khi tiễn Bá Hoán ra về, Li lan man nghĩ xa xôi, làn má ửng lên màu hồng. Trái tim thiếu nữ nhanh nhanh những nhịp đập bất thường, lòng dày lên niềm vui mới lạ, êm ái khi nghĩ đến An.
Ba bốn tháng trôi qua, nỗi đau mất mát trong tình yêu đã lắng dịu trong lòng An. Hằng chỉ còn là những kỷ niệm buồn mà anh cố quên đi. Tính cách mạnh mẽ, cứng rắng của người con trai đã giúp anh mau chóng lấy lại trạng thái tâm lý cân bằng. vả lại, anh cũng tự chỉ trích và thầm nhắc nhủ mình, chớ bao giờ yếu đuối trong lòng, đừng chìm đắm trong hoài niệm tình yêu đã tuột khỏi tầm tay.
Tháng trước, đơn vị Nhảy dù của An đã tham gia hành quân “ tảo thanh” ở vùng chiến khu D. Ngưng tiếng súng ở chiến trường, An bình thản quay về xét đoán sự việc đã qua. Chính hành động kiên định của anh, không muốn rời quân ngũ đã dần đến hệ luỵ tan vỡ tình yêu. Ở nơi chiến trường vừa diễn ra, pháo đội của anh có tổn thất, may mà mảnh đạn chỉ vèo qua tai mình. Không thể oán trách ba Hằng, ông có lý. Người khoác sắc phục quân nhân trong thời loạn li khó mà giành được tình yêu hoàn mỹ trọn vẹn. Ít nhiều người đời đều bị tác động bởi chiến tranh nếu không muốn nói tất cả là nạn nhân của hoàn cảnh. Không thể trách được Hằng, em thật đáng thương…
Và rồi, sự đắc lực của tuổi trẻ, bản tính mạnh mẽ, trái tim dồi dào nhựa sống của tuổi thanh xuân đã đưa Anh trở lại nhập cuộc vào những khát vọng đời thường của tình yêu cuộc sống. Tà áo thiếu nữa bay bay trong gió nhẹ, bước đi uyển chuyển, dáng hình trẻ trung khêu gợi và gương mặt khả ái ửng hồng trong nắng nhẹ của những cô gái đã khiến trái tim anh ít nhiều xao động. Tình yêu cuộc sống thiết tha giục giã. Trong tâm trí Anh, hình ảnh Hằng lưu trong tâm trí trở thành cái nền, trở thành chuẩn mực cho An so sánh với những thiếu nữa mà anh bắt gặp. Thoáng chợt, hình ảnh Li thấp thoáng trong tâm trí.
Bá Hoán đã nêu ý định xe duyên cho An với Li, Bá bảo, Li là người vợ hiền không dễ kiếm được. An thầm biết ơn Bá. Chỉ mới đây thôi hai người gặp nhau, An hồi hộp, Li bẽn lẽn đỏ mặt. Li xinh đẹp chẳng thua gì Hằng – An nghĩ. Anh và Li trò chuyện không chán, tan biến sự bối rối, lúng túng giữa hai người. Cả hai như từng có mối giao lưa nên câu chuyện cởi mở tự nhiên, ấm áp trong lòng. Một bước ngoặt, một sự biến đổi chất trong quan hệ tình người của nhân duyên. Điều quan trọng hơn cả là An không còn ràng buộc trong mối quan hệ tình yêu với Hằng. Tất cả đã sang trang, Anh không phải là kẻ bắt cá hai tay đáng hổ thẹn – An nghĩ. Bây giờ, ánh mắt, nụ cười, giọng nói của Li đã trở nên gần gũi yêu thương. Tình yêu là thế. Những bức thư tình, những trang nhật ký của An từ chiến trường gửi về cho Li tràn ngập tình yêu thương nhớ, hẹn ngày hội ngộ.
Giã từ những kỷ niệm của tuổi cắp sách, chào mái trường ngói đỏ, Li rời ghế nhà trường năm 18 tuổi. Chỉ một thời gian ngắn ngủi sau đó, Bá Hoán đại diện cho nhà trai, thay mặt cho bố mẹ An đem cơi trầu, quả cau…đến dạm hỏi theo tục lệ của người miền Bắc. Tiếp theo là lễ ăn hỏi,lễ cưới với sự chứng kiến của chú Hoà, của thân nhân và bè bạn mà phần đông họ là người miền Bắc di cư. Ngày lên xe hoa, Li không khỏi e lệ, ngỡ ngàng như đang sống trong mộng tưởng. Tuy vậy, trước lễ cưới Li còn áy náy. Có nên mời Hằng, người bạn gái thân thiết của mình dự đám cưới này không? Hằng sẽ vui hay buồn? Có lẽ đi dự đám cưới sẽ làm Hằng chạnh buồn, sẽ khơi dậy nỗi đau của tình yêu trắc trở tan vỡ - Li nghĩ thế. Còn An, anh ngần ngại giáp mặt với Hằng, không muốn gợi lại những kỷ niệm buồn. Vậy nên, Li và An không mời Hằng. Thế mà, Hằng vẫn biết ngày giờ Li lên xe hoa, do người bạn cùng lớp đưa chuyện. Hằng lặng lẽ nghe, cặp mắt trong veo rưng rưng, nụ cười gượng gạo nở trên làn môi, không giấu được nỗi buồn trên gương mặt tưởng như vô cảm. Tiếng thở dài đau đớn, buồn bã chốc chốc lại buột ra. Hằng gửi quà mừng đám cưới là chú búp bê hồng hào mũm mĩm và nói rằng, bây giờ Hằng không còn hứng thú chuyện yêu đương, chỉ mong An và Li có những tháng ngày được sống mãi trong tình yêu hạnh phúc.
Tuần trăng mật thật ngắn ngủi, nhưng vô cùng hạnh phúc. Không phải là một tuần mà chỉ vỏn vẹn trong năm ngày trước lúc An nhận lệnh đi hành quân chiến đấu. Anh huýt sáo vang vang khúc hát lên đường như thể không ngần ngại, không muốn ai mủi lòng, không cần sống chết ra sao và không hề muốn nghe lời than thở. An đã lên gân cho cứng cáp lòng mình. An nói với Li rằng, không biết tại sao anh có niềm tin kỳ lạ là chẳng có hiểm nguy nào hại được anh, anh có người phù hộ, có bà cô che chở.
Buổi sáng ra đi, Sài Gòn yên tĩnh, An xiết Li thật chặt trong vòng tay âu yếm, áp má Li sát má mình, không cho Li khóc, nói rằng ra đi trong dòng nước mắt là điều xui rủi. Li phải giấu giếm những giọt nước mắt lộ liễu, cánh tay áo lau nhanh nước mắt hoen trên gò má. Li tránh nhũng điều khiến nỗi buồn bực đến với An trước lúc lên đường ra trận. Em thẫn thờ nhưng không hé môi than thở, không để An phải bận lòng vì những nỗi âu lo. Li lo chiều chuộng và đem lại cho anh những giây phút hạnh phúc hiếm hoi của người lính.
Những năm này, chiến tranh đã thực sự chuyển mình, hung dữ như một con quái vật. Cuộc chiến không còn là mìn bẫy, hầm chông du kích. Chiến trường đã loang lổ như mảng da báo trên toàn cõi miền Nam. Lữ đoàn Nhảy dù mau chóng phát triển thành sư đoàn Nhảy dù duy nhất của quân lực Việt Nam cộng hoà, thuộc lực lượng Tổng trừ bị. Lính dù đội mũ đỏ, áo quần loang lổ rằn ri màu cỏ úa, được mệnh danh là “thiên thần mũ đỏ”. Sau mỗi lần tảo thanh, dứt điểm xong chiến trường, các tiểu đoàn, lữ đoàn Nhảy dù thường được về Sài Gòn dưỡng quân cho giãn cân giãn cốt. Chiến trường không còn là mối bận tâm trong những ngày dưỡng quân. Họ được giũ hết cát bụi, khói súng vương trên mũ áo, được hít thở không khí thị thành náo nhiệt với bao nhà hàng, bao thú tiêu khiển, với điệu nhảy ngất ngây quyến rũ. Họ hãnh diện là đội quân xung kích cứu hoả.
Nơi nào có lính Nhảy dù xuất hiện là nơi đó đang, hoặc sẽ diễn ra những cuộc giao tranh đẫm máu. Nhảy dù đến để cứu nguy cho bộ binh đang lâm nguy vì áp lực của quân Giải Phóng. Chiến trường diễn ra sự tàn khốc đến kinh hoàng của súng đạn. Họ tham chiến để mau chóng dứt điểm chiến trường.
Sở trường của binh chủng Nhảy dù là tập kết nhanh, tấn công chớp nhoáng với hoả lực mạnh với quyết tâm pha trộn tâm lý kiêu ngạo, hăng hái chống Cộng hàng đầu.
Lính bộ binh nhảy dù khi xung trận được trang bị gọn nhẹ. Tay lăm lăm khẩu M16, M72, đạn lên nòng, ngón tay chạm nhẹ cò súng, sẵn sàng nhả đạn. Nhìn cái khoát tay mạnh mẽ ra hiệu tiếp tục xung phong của người chỉ huy, vừa bắn vừa vọt lên phía trước, họ lao theo. Sức càn lướt mãnh liệt, địch quân không chịu nổi, đành phải tốc hầm, bung tuyến tháo chạy. Tuy vậy, không biết bao nhiêu lần những đơn vị Nhảy dù đã vấp phải những khẩu trung liên, đại liên rồi hoả lực 12,8 ly khạc đạn như dòng bão, đốn ngã những đợt xung phong của lính Nhảy dù. Hoặc pháo binh cấp tập của quân Giải phóng đánh chặn. Những lúc như thế, các binh sĩ bộ binh Nhảy dù buộc phải khựng lại. Họ mong muốn pháo binh của Nhảy dù hoạt động đánh trả có hiệu quả, dập tắt những ổ hoả lực của đối phương.
Pháo binh Nhảy dù không làm nhiệm vụ trực tiép xông trận như các đơn vị bộ binh Nhảy dù mà làm nhiệm vụ yểm trợ phối hợp. An là đại đội trưởng Pháo binh nhảy dù từ giữa thập niên 60. Mỗi lần vào trận, anh và đồng đội cũng những khẩu pháo 105ly được trực thăng vận vào trận địa, lập căn cứ hoả lực pháo binh. Căn cứ được thiết lập ở nơi trống trải, cao ráo. Nòng pháo gióng hướng về chiến trường. Sĩ quan pháo binh mau chóng làm toạ độ địa hình mục tiêu. Tất cả đã sẵn sàng nhả đạn.
Pháo binh khởi sự, nòng pháo rung lên gầm thét giận dữ. Từng loạt đạn pháo 105 ly bay vào không gian, chụp lên mục tiêu.An náo nức phấn khích vì biết rằng, trên trận tuyến, lính bộ binh Nhảy dù nghe được tiếng pháo quen thuộc của đồng đội gióng vào trận địa, tự nhiên lòng trở nên ấm áp lạ thường. Niềm tự tin, tinh thần quả cảm dâng cao, dòng máu nóng dần lên. Đạn 105ly khoan vào lòng đất rồi mới phát nổ ngược chiều, hất tung hầm hố, công sự của địch quân. Mảnh đạn, đất đá văng rơi lả tả gieo chết chóc. Loạt đạn tạm ngưng, các tiền trình sát pháo binh bám theo các đại đội bộ binh Nhảy dù lập tức báo cáo, hoặc yêu cầu An cho đại đội pháo điều chỉnh một vài tác xạ cần thiết. Cũng là lúc, bộ binh Nhảy dù băng lên càn lướt theo tiếng hô “xung phong” của sĩ quan trung đội, đại đội. Pháo chuyển xạ, tiếng pháo, tiếng súng ngập trời.
An không nhìn thấy trực tiếp xác địch quân đổ gục giữa chiến trường. Anh cũng không tận mắt nhìn rõ giây phút binh lính bộ binh Nhảy dù và địch quân thân thể nát tan, chân tay găm đầy mảnh đạn, mình mẩy thương tích đâu đớn, máu đỏ thành vũng thấm vào đất đá cỏ cây hoang dại.
Dùng ống nhòm quan sát tầm xa, đất cát, khói lửa mịt mù, âm vang tiếng đạn pháo. Binh sĩ lom khom, lổm ngổm như đàn kiến. Kẻ lăn trên đất tránh đạn, người nhấp nhô vận động. Đã tham chiến nhiều trận, anh biết rằng vô khối người dính đạn bị thương và tử trận, anh không còn cái cảm giác ghê rợn. Nếu tận mắt chứng kiến gương mặt đau đớn, nhăn nhúm, quần áo bê bết máu của binh sĩ trúng đạn người ta dễ động lòng và có thể bị giày vò nếu những nạn nhân kia do chính mình gây ra. Ở trận tuyến nào thì người lính cũng là một sinh linh trên cõi đời này. Trong khoảng tĩnh lặng nhất thời của chiến trường như đang nung nấu cho một đợt phản kích mới, những ý nghĩ lan man của An không theo một chủ định. An chợt nhớ lời Bá Hoán: “ Đừng cho lính của con làm những việc thất đức”. Không – An tự lý giải, mình chỉ cho lính dưới quyền nhằm vào đối phương để nã đạn.
Trên chiến trường, đôi bên đối thoại với nhau bằng bom đạn dập vùi không có chỗ cho nương nhẹ mà, cố gắng tối đa để diệt gọn, kết liễu số phận của nhau.
Đối phương phản pháo, âm thanh dữ dội, nghe đến lọng óc, đất cát hất tung. Mảnh pháo, đất đá lả tả cách An chừng mươi mười lăm mét. Đạn pháo cầy lên, khoét sâu những hố đất thành hình miệng phễu, lởm chởm như miệng quái vật. Cũng may, không có quả pháo nào của quân Giải Phóng trúng trung tâm trận địa của pháo binh Nhảy dù. Tuy vậy, mảnh đạn pháo văng ra đã gây tổn thất đáng kể. Năm pháo thủ bị dính mảnh pháo, hai người tắt thở mắt trợn trừng nửa như uất hận, nửa như ngạc nhiên, không hiểu vì sao mình phải chết. toàn thân bê bết máu. Người bị đất đá gây thương tích, kêu rên đau đớn, mặt nhăn nhó. An bị dính mảnh đạn pháo ở cánh tay trái, vết thương không nặng những máu chảy bê bết tay áo. Anh nhíu lông mày, cắn chặt hàm răng. Không phải là người có trái tim sắt đá, chỗ ẩn khuất kia là niềm thương cảm với bạn bè, chiến hữu khi chứng kiến họ bị thương vong chết chóc.
Nghe tiếng kêu rên của binh sĩ bị thương, anh lên tiếng: “ Rên rẩm quá, não ruột lắm”. Tuy vậy, tiếng rên la chỉ nhất thời lắng dịu. Bác sĩ quân y và người phụ giúp hối hả làm nhiệm vụ. An không yêu cầu di dời mình khỏi mặt trận. Anh dõi mắt nhìn xác hai binh lính thuộc cấp bị tử trận, máu đã khô bết ngực áo. Một người bị vỡ tung mảng sọ, óc hêu hếu lùng nhùng, người kia há hốc miệng, mặt bê bết máu. Nước mắt An ươn ướt khóe mắt, anh cắn chặt làn môi.
Bất giác, trí nhớ của anh hiện hình người mẹ già tóc muối tiêu, bà là mẹ của người lính trẻ há hốc miệng kia…Cách đây nửa tháng, bà đến đơn vị thăm con, cho nó mấy gói kẹo mè xửng, gói bánh bic quy. Bà biếu An gói cà phê và ít trái cây, rồi khẩn khoản nói với An, xin ông chỉ huy, sau trận chiến, cho nó nghỉ phép một tuần để cưới vợ. Bà giãi bày, nó mắc cỡ, bẽn lẽn chẳng dám công khai xin phép cấp trên. Hai mươi tuổi đầu mà e thẹn như con gái…Giờ này, ở quê nhà người lính xấu số kia, bà mẹ và cô gái đính hôn đang nóng lòng chờ đợi anh về…Còn người lính bị vỡ tung mảng sọ kia, mới đây đã kể cho đồng đội nghe về đợt nghỉ phép thăm quê. Người vợ trẻ của anh sinh con trai đầu lòng mà lần đầu anh biết mặt, nó giống anh như đúc. Vậy mà bây giờ, trớ trêu, đau xót quá…
Chiến trường tạm thời lắng xuống, đạn bom không còn ràn rạt nổ, khói súng đã tan loãng, những chòm mây lơ lửng nhởn nhơ trên bầu trời tĩnh lặng, không một cánh chim bay.
Chợt có tin của lính thuộc cấp thông báo với An, đơn bị Nhảy dù của anh bắt được hàng binh Việt cộng. Chuyện xảy ra, lúc làn đạn nổ dữ dội nhất, một lính Việt Cộng đã vượt qua ranh giới vẫy khăn trắng đầu hàng. Thật tình cờ, người hàng binh ấy lọt vào trận địa pháo mà An chỉ huy. Vừa băng xong vết thương trên tay, An tiến hành thẩm vấn. Viên hàng binh cúi gằm mặt, tông tốc khai rằng, nhà hắn ruộng đất phải đưa vào hợp tác xã, mình bị bắt lính, nung nấu ý định đào ngũ vì khao khát tự do. Và rằng, cuộc leo núi vượt Trường Sơn gian khổ lắm, lại bị đẩy vào chiến trường khốc liệt. Thế rồi thời cơ đến, nhân cơ hội pháo của Nhảy dù chụp trúng vị trí phòng thủ của đơn vị mình, hắn thừa cơ bắn chết cán bộ chỉ huy, tẩu thoát đầu hàng. Hắn nộp khẩu súng ngắn, nói rằng lấy được của người chỉ huy mà mình hạ sát.
Viên hàng binh ngước nhìn người thẩm vấn, mắt lấm lét. An nhận ra nét khá quen thuộc của y. Nước da đen sạm, hai mắt trô trố, mũi hênh hếch. Cố moi trong trí nhớ, anh đã nhận ra thằng Cội. Anh hỏi câu đầu tiên:
- Anh họ tên gì, quê ở đâu, tên bố mẹ, vợ con.
Viên hàng binh không giấu giếm, đã khai thật câu hỏi của An. Anh không khỏi ngạc nhiên đến sững sờ, vợ hắn chính là Thương, bạn gái dưới mái trường xưa của anh. An trầm ngâm, những hình ảnh ngày nào của Thương vụt hiện… Chao ôi! Chồng em trong tay anh thế này ư, thế là vợ chồng em từ nay đôi ngả mất rồi. Nét mặt anh thoáng băn khoăn…Và rồi những ký ức về thằng Cội ngỗ ngược, chơi xấu chú Hoà và anh thoáng qua. Bây giờ chẳng nên chấp nhặt làm gì. Anh hỏi Cội tỉ mỉ về làng Xuân Giao không nhằm mục đích khai thác bí mật quân sự mà là để được nghe, được gợi về làng quê mà anh yêu dấu.
Cội lờ mờ nhận ra An nhưng hắn cúi gầm mặt như có điều hổ thẹn, miệng nói lí nhí, xin quan lớn làm phúc…Cuộc thẩm vấn diễn ra nhanh chóng vì Cội là binh nhì chẳng nắm được nhiều bí mật quân sự cần khai thác. An cho giải Cội về tuyến sau với lời đề nghị ngắn gọn với cấp trên, được ghi vào biên bản thẩm vấn: “ Hàng binh đã khai báo, đề nghị thả tự do”. Sau này, Cội được thả, sống ở miền Nam.
Đơn vị nhảy dù đẩy lui được quân giải phóng nhưng bị tổn thất nặng nề. An trở về nhà với cánh tay trái treo trước ngực, băng cuốn trắng xóa. Li đón anh, nhìn cánh tay treo trước ngực, ngỡ tưởng nó gẫy, mặt Li biến sắc, lòng đầy băn khoăn. An bình thản, miệng huýt sáo bản tình ca quen thuộc, giai điệu êm dịu như thể nói với vợ, chẳng có điều gì phải lo ngại. Li run run dội nước tắm cho anh, nhè nhẹ kheo khéo để dòng nước khỏi thấm vào dải băng cuốn vết thương. An đùa, mảnh đạn nó sợ anh, chỉ dám đùa giỡn làm trầy xước làn da mà thôi. Li cười, gượng vui. Mươi ngày, An và Li được sống trong căn nhà với bầu không khí sinh hoạt ấm áp, ngập tràn hạnh phúc.
Lúc này, mặt trận ngày một nóng bỏng, vô cùng sôi động.Quân đội Mỹ với cả một sư đoàn bộ binh, cùng thủy quân lục chiến, không quân đã vào tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Vài nước đồng minh đã gửi những đoàn quân tuy không lớn nhưng mang ý nghĩa sát cánh cùng quân lực Việt Nam cộng hòa chống lại sự xâm lăng của quân đội cộng sản Bắc Việt.
Chú Hòa biết tin cháu An bị thương, hai vợ chồng về Sài Gòn thăm, nhưng cũng là lúc An vừa mới rời nhà ra chiến trường. Chú thấy nhẹ nhõm khi hay tin An chỉ bị thương nhẹ, đã bình phục. Vợ chồng chú ở lại một ngày chơi với Li.
Bây giờ Ty công chánh của chú như vật lộn với công việc, những huyết mạch giao thông trong tỉnh bị đánh phá thường xuyên, trọng điểm là những cây cầu. Cầu bị phá sập, giao thông bị ngưng trệ, chẳng khác nào dòng máu lưu thông trong cơ thể bị tắc nghẽn. Chú Hòa bảo rằng, đường giao thông trườn dài như con rắn nối thôn ấp với phố phường, tỉnh lị. Cầu trên trục lộ bị đánh sập, giống như rắn bị đánh trúng xương sống, nhà chức trách lập tức lệnh cho Ty công chánh gấp rút, tìm mọi cách tái lập giao thông. Công việc tái lập giao thông nếu không mau lẹ tiến hành, rất có thể Ty công chánh bị tai bay vạ gió.
Tướng tá đầy uy quyền. Sau ngày ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tướng lĩnh nắm quyền điều hành đất nước, họ không ngần ngại quở trách quan chức tỉnh đã không tròn trách nhiệm đảm bảo cho giao thông chiến lược của những cuộc hành binh phục vụ chiến trường. Kẻ phải giơ đầu chịu báng, hứng chịu là ông trưởng Ty công chánh.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Bao nhiêu là tình huống, cây cầu này bị đánh sập toàn bộ, cầu kia sập ở đoạn giữa, lại có cây cầu đầu mố bị phá… Những tình huống như thế là sự thách đố với kỹ sư công chánh. Chỉ có lý thuyết sách vở kết hợp với sáng kiến kinh nghiệm mới khiến cho công việc xuôi chèo mát mái. Hòa đã vượt qua nhiều thách thức, được ghi chép lại tỉ mỉ trong cuốn sổ tay li ti những con chữ, hình vẽ và công thức tính toán, làm cho hành trang kiến thức của anh ngày một phong phú. Nó giúp anh biên soạn thành cuốn sách dày dặn, hữu ích cho kỹ sư công chánh miền Nam rộng đường tham khảo, thực thi vào việc sửa cầu, làm đường trên địa hình phức tạp. Cây cầu mang tên Cỏ May trên quốc lộ 15 bị phá sập nhịp giữa là một minh chứng. Nước sông sâu và chảy xiết nên không thể làm dàn giáo theo cách thức lắp ráp thông thường. Bao nhiêu ánh mắt chờ đợi của nhân viên dưới quyền đổ dồn nhìn vào gương mặt, ánh mắt, theo dõi thái độ của Trưởng ty Hòa. Hòa nói ngắn gọn, rồi chúng ta sẽ làm trong nay mai, dù rằng thời điểm ấy chưa tìm ra giải pháp. Sức ép vô hình thật nặng nề, đầu óc Hòa căng như sợi dây đàn, đôi mắt sáng của anh chớp chớp liên hồi. Chẳng lẽ lại bó tay đầu hàng ư? Không, không thể đầu hàng. Thế rồi đêm ấy không ngủ được, tưởng như vô vọng thì đột nhiên lóe sáng trong tư duy kỹ thuật của Hòa. Anh tìm ra giải pháp thích hợp. Niềm vui thật sảng khoái như học trò tìm ra cách giải một bài toán vô cùng hóc búa.Anh reo nhỏ trong đêm, lúc đồng hồ điểm một giờ đêm. Mở tung cửa sổ, làn gió mát ùa vào. Ngước nhìn bầu trời, thấp thoáng những vì sao xanh như ánh mắt vui chia sẻ cùng Hòa. Mấy ngày liền, Hòa cho tiến hành khẩn trương lắp ráp “ cầu Eiffel ” trên bờ. Cả một vùng bờ sông tíu tít công việc làm cầu, sôi động âm thanh. Ban đêm, ánh điện, ánh lửa hàn sáng góc trời, mặt sông lung linh ánh vàng. Cầu được làm xong trên bờ, đưa vào vị trí bằng cần cẩu trực thăng. Lưu thông chỉ bị gián đoạn không quá một tuần. Kể làm sao cho hết nỗi vui sướng của dân chúng đôi bờ. Niềm vui của dân là phần thưởng quí giá với Hòa, anh được chính quyền thưởng huy chương danh dự. Cây cầu Cỏ May chỉ là một trong số ngót chục cây cầu bị phá sập được sửa lại hoặc làm mới mà anh đã thiết kế và chỉ đạo thi công.
Danh tiếng “ ông Hòa ” Trưởng ty công chánh, kỹ sư đặc hạng của Tổng cục Kiều lộ nhiều người ngưỡng mộ. Có người khôn khéo tìm đến Ty công chánh để làm quen, chúc mừng và tặng kỷ vật. Anh treo bức tranh được tặng trên tường, sát bên tủ sách kỹ thuật của mình. Chuyện ông T. làm Hòa nhớ mãi… Hôm ấy có khách. Tiếng gõ cửa phòng, anh Tùy phái thưa:
-Trình ông Ty, có khách xin gặp.
-Mời vô.
Ông T là thương gia, nhiều người trong tỉnh biết tiếng. Tòa nhà ông ở là biệt thự lớn náu mình trong khu vườn rộng xanh tươi cây lá. Đường sỏi len lỏi, bao quanh những khóm hoa, cây kiểng. Gạch lát ngoại, hình bát giác bao quanh hồ nước trong veo. Chiếc ô tô con sang trọng bóng loáng túc trực trong ga ra nhỏ.
Cánh cửa phòng Trưởng ty vừa mở, ông T bước vào nở nụ cười thân thiện. Khó đoán ông là công chức hay thương gia bởi bộ quần áo tươm tất đắt tiền. Sau lời chào nhã nhặn, vừa đặt đít ngồi xuống ghế, ông mở chiếc cặp da, xuất trình hồ sơ xin phép mở cây xăng lớn dọc quốc lộ, kèm theo xấp tiền. Hòa cầm hồ sơ nhưng không nhận tiền. Ông T lắc đầu, bĩu môi, Hòa không để ý cử chỉ này. Ông mau lẹ mở bóp đưa thêm tiền. Hòa từ tốn nói, là nhân viên chính phủ, tôi có nhiệm vụ giúp dân. Nếu hồ sơ của bác hợp lệ, trong vòng một tuần sẽ nhận được giấy phép, không cần phải khoản chi phí này. Hòa đẩy xếp tiền trên bàn về trước mặt khách. Hòa hiểu rõ cái điều sơ đẳng, Trưởng Ty cũng chỉ là công bộc của dân mà thôi.
Cây xăng được cấp phép hoạt động, ông T. mừng rỡ, mời Hòa du chơi Đà Lạt nhưng anh từ chối. Chẳng biết có phải là để trả ơn hay bản tính thương gia giỏi tính đếm thiệt hơn, ông T. ngỏ ý muốn làm người mai mối, se duyên cho Hòa với cô cháu gái. Cô gái phốp pháp, chủ “ ba toa ”, lò mổ lớn nhất trong vùng, cung cấp thịt bò cho mấy chục nhà hàng, quán nhậu. Hòa nhã nhặn cảm ơn nhưng từ chối thịnh tình của ông T. Âý là câu chuyện xảy ra trước cái ngày Hòa yêu rồi lấy Nga.
Sau này, biết chuyện chồng mình từ chối nhận tiền biếu xén, Nga chê, anh Hòa dại lắm, không giỏi kiếm tiền, có quyền mà chẳng biết lợi dụng quyền thế. Nga ngoặc sang so sánh, thời buổi này, các vị tướng tá, quyền cao chức trọng, họ là những bậc khả kính mà còn biết lao vào các phi vụ áp phe, hót tiền bạc triệu. Họ giỏi làm giàu hơn đánh giặc mà có sao đâu.
Rời nhà Li, chú Hòa trở về Ty công chánh với công việc của mình, dặn lại Li bảo An, nếu có thời gian rảnh rỗi đến chơi với chú.
Đã một năm, rồi hai năm đã qua, An không đến thăm chú vì phải lặn lội nơi chiến trường. Nơi này tạm thời ngưng tiếng súng thì chiến trường nơi khác lại rộ lên những cuộc chạm súng dữ dội. Mồ hôi nơi chiến trường chưa kịp khô, ấo quần còn vương mùi khói súng, mùi cỏ cây hoang dại nơi núi đồi cao nguyên thì lại nhận lệnh hành quân chiến đấu nơi đồng ruộng lầy bùn. Mật độ của những cuộc hành quân năm sau dày hơn năm trước. Mức độ sắt máu, khốc liệt cũng gia tăng. Xương thịt bạn bè, máu huyết đồng đội và quân Giải phóng đã thực sự thấm đỏ những nẻo đường chiến trận trên khắp giải đất miền Nam đất Việt.
Người ra đi ở Bình Giã, đồng đội nằm xuống ở Hậu Nghĩa, Củ Chi, Đồng Xoài. Rồi Tết Mậu Thân 1968 rung chuyển thành nội Huế và nội thành Sài Gòn. Trận chiến ở Căm Pu Chia gian nan cực nhọc. Và cả cuộc hành quân hỗn hợp với Sư đoàn 1 không kỵ của Mỹ tại Tây Ninh khốc liệt, đêm ngày rền rĩ đạn bom- An vẫn nhớ.
Những lần dưỡng quân dài dài ở hậu cứ Sài Gòn không còn nữa. May mắn là An tranh thủ được gặp mặt vợ con, tuy vậy mỗi lần cũng chỉ được một vài ngày quí giá rồi An lại ra đi. Đứa con trai đầu lòng chào đời anh đang ở chiến trường, hai năm sau sinh đứa con gái. Người cha xao động trong những giây phút được nhìn khuôn mặt bé xíu, làn da non nớt cùng tiếng khóc oe oe. Phút giây được ôm con vào lòng cũng thật ngắn ngủi.
Thư của An từ mặt trận gửi về tràn ngập thương nhớ. Chẳng có đoạn nào An kể về đạn bom dữ dội và chiến trường đầy máu. Anh cố tình che dấu nỗi gian nan cực nhọc và chết chóc rình rập như thể, riêng anh gánh chịu là quá đủ, không muốn người vợ mà anh yêu dấu phải phiền muộn lo âu.
Tuy vậy, có người vợ nào lại bình tâm, thanh thản cho được khi người chồng thân yêu của mình đang phải lăn lóc nơi chiến trường. Nén hương thơm thắp trên ban thờ cùng những lời khấu nguyện đã trở thành công việc thường xuyên của Li.
Li nghe ngóng tin chiến sự. Nghe tin loan truyền ngoài phố, trong chợ, đọc tin chiến sự nóng bỏng trên mặt báo, vặn nghe đài phát thanh trong và ngoài nước. Trong căn phòng, âm thanh phố phường lắng dịu vào đêm, ngọn đèn ngoài phố như những con mắt chong chong thao thức cùng Li, tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ quả lắc nghe rõ lắm. Bao nhiêu đêm khó ngủ, không chợp được mắt vì lo điều rủi ro đến với An. Chỉ đến khi đứa con gái trở mình thức giấc, cất tiếng khóc ngằn ngặt, Li ôm nó, nho nhỏ lời ru và cho bú, hai mẹ con dần dà chìm vào giấc ngủ. Cái đêm Li trằn trọc, chợt nghĩ đến ngày sinh nhật của mình, lòng nao nao buồn vì thương nhớ An cũng là lúc ở chiến trường, An soi đèn pin ghi nhật ký:
 “Giờ đây anh nhớ là đã sáu lần liên tiếp sinh nhật của em, một sự trùng hợp ngẫu nhiên của chiến tranh, khiến cho cả sáu lần đáng nhớ, anh không được bên em và các con, cả quà sinh nhật cũng không được trao tặng em. Anh thật có lỗi với Li nhưng biết làm sao đây? giờ này em đang làm gì nhỉ? Em đã ngủ ngon hay đang quỳ trước bàn thờ cầu nguyện cho anh được an lành. Các con đang vui chơi hay đã yên giấc? Đứa lớn có len lét quỳ sau em để cùng cầu nguyện cho anh? Anh thật bằng lòng thấy con chúng mình ngoan ngoãn. Hết thẩy là do sự dạy dỗ của em. Nhìn em với khuôn mặt hồn hậu như thầm bằng lòng, và kiêu hãnh với năm tháng thiệt thòi, đơn lẻ của người vợ lính Mũ Đỏ, làm anh không thôi day dứt và xúc động, tự trách mình không tròn bổn phận với em và các con. Có lẽ em chưa biết điều sâu kín trong cõi lòng anh: Em và các con là niềm vui hạnh phúc là nguồn an ủi vô song đối với anh. Còn anh là mối suy tư nặng nề cho em và các con. Cảm ơn Trời Phật, cảm ơn gia đình đã giành em cho anh. Quà sinh nhật tặng em là thêm một chiến thắng của đoàn quân Mũ Đỏ để mau kết thúc chiến trường. Chờ anh em nhé!...”
Phải xa gia đình sang chiến trường Việt Nam, mang nỗi nhớ vợ, nhớ người tình nên mấy anh chàng cố vấn Mỹ đen, Mỹ trắng ưa thích mượn tên người đẹp đặt tên cho mấy mỏm núi và căn cứ hỏa lực trong phạm vi chiến trường. Những cái tên dễ thương, đầy nữ tính để phi cơ và pháo binh dễ nhận diện, tiện liên lạc trên bản đồ mỗi khi nhận nhiệm vụ trút bom yểm trợ hay tiếp tế, tản thương. Nào là Barbara, Carolyn, Berixa.v.v.
An cười thầm, trái tim si tình hồn nhiên chi phối cuộc chiến. Cuộc hành binh chiến đấu sát cánh cùng quân đội Mỹ không làm cho anh kiêu hãnh dù rằng An mong muốn giành chiến thắng. Đạo quân nước ngoài hùng mạnh tham chiến trên lãnh thổ Việt Nam đã nói rõ quy mô tầm vóc cuộc giao chiến ngày một quyết liệt. Quân đội Việt Nam cộng hòa được sự yểm trợ của quân đội Mỹ, dù cho giành được thắng lợi thì chiến thắng ấy có gì là hãnh diện. Dòng suy tư của An ngược dòng lịch sử làm cho anh phân vân, không vui lên được. Lê Chiêu Thống với mộng ước đoạt lại vương quyền, Nguyễn Ánh đoạt lại giang sơn. Cả hai cầu viện ngoại bang. Sự nghiệp ấy có người Việt Nam nào thừa nhận là hiển hách chiến công? Suy nghĩ của anh như đi vào ngõ cụt. Và rồi, anh tìm ra lý do để biện bác, chống chế, cuộc chiến này là cuộc chiến chống cộng sản. Chỉ có lý tưởng hóa, chính trị hóa cuộc chiến tranh như vạy mới yên lòng được.
Trở lại với hiện tại, anh mỉn cười bâng quơ, phút giây nhớ lại chuyện kể của vợ. Li bảo, ngày anh rong ruổi chiến trường, Bá Hoán cùng em lên chùa làm lễ cầu khấn cho anh. Bá bảo hãy khấn Phật cho nó bị thương nhẹ thôi. Bị thương nhẹ thì có cơ may rời khỏi chiến trường, chứ nếu vô sự thì về thế nào được. Ở chiến trường, bom rơi đạn nổ nguy hiểm lắm.Bá Hoán và mẹ con em vẫn khấn nguyện cho anh như thế đó. Nghe chuyện Li kể, anh không khỏi thương vợ con nhưng rồi lại nhủ lòng, lẩn tránh chiến trường lúc này, chẳng khác nào cuộc chạy trốn hèn nhát. Sĩ quan nhảy dù là niềm hãnh diện, nó níu giữ chân An để rồi tiếp tục đưa đẩy anh đến với chiến trường trong những ngày sắp tới.
Cuộc chiến như không có hồi kết thúc. Những người chiến đấu cho lý tưởng quốc gia, lý tưởng chống Cộng như anh không đủ sức lực để căng ra khắp chiến trường, trong lúc quân Giải phóng đang hiện diện trên khắp các vùng miền. Quân khu nào cũng xin tăng viện, yêu cầu sự yểm trợ của lực lượng tổng trù bị. Nhảy dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến thuộc lực lượng tổng trù bị không còn được tĩnh tại đóng quân tại hậu cứ của mình. Một phần phải đóng chốt ngay tại các quân khu, phần còn lại phải liên tiếp tung ra các chiến trường đẫm máu nhất. Khi thì miền Tây Nam bộ, lúc đánh trận ở Pleiku, Kontum, khi thì tham chiến ở Khe Sanh, Quảng Trị để chống lại “sự xâm lược ồ ạt của quân đội cộng sản Bắc Việt”. An không lý giải được vì sao, người cộng sản hay người quốc gia đều máu đỏ da vàng, thuộc nòi Lạc Long Âu Cơ, con rồng cháu tiên. Vậy mà, con rồng cháu tiên lại xâm lăng con rồng cháu tiên. Cuộc xâm lăng không diễn ra cảnh đốt phá, giết chóc, hãm hiếp thường dân như ở thồi Pháp thuộc.
An nhận được lệnh đi mặt trận Hạ Lào. Toàn bộ lực lượng Tổng trù bị của quân lực Việt Nam cộng hòa và sư đoàn bộ binh số 1 đã tham gia trận chiến kinh hoàng này. Vậy mà, trận Hạ Lào lại gieo ấn tượng buồn bực cho An. Không phải anh buồn vì thua trận ở Hạ Lào, cũng không phải buồn vì những cái tên “đồi ma, suối máu” ngập tràn chết chóc mà đồng đội của anh đã khéo đặt tên cho những địa điểm diễn ra cuộc chạm súng đẫm máu thật ám ảnh. An buồn và kinh ngạc vì bao điều khác thường mà anh được chứng kiến. Ở khía cạnh nào đó An và những người lính là nạn nhân. Nỗi bực dọc và cả những ngờ vực của anh phần nào hiện lên ở những trang nhật ký chiến trường. Anh ngờ vực tình báo đối phương đã biết trước cuộc hành binh.
Ngày N trừ 2: Đài BBC và VOA (Hoa Kỳ) đã loan tin nóng hổi: quân lực Việt Nam cộng hòa sẽ sử dụng lực lượng Tổng trù bị (Sư đoàn Nhảy dù, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Liên đoàn Biệt động quân, Sư đoàn thiết giáp) và Sư đoàn 1 bộ binh tấn công sang miền Nam của Vương quốc Lào...Tôi giật mình. Ai đã cung cấp những tin mật này cho các đài ngoại quốc kia? Kẻ nào trong bộ Tham mưu đã bán tin này? Điệp viên của địch đã lọt vào bộ Tham mưu chăng? Chao ôi! Yếu tố bí mật của trận đánh còn đâu nữa. Thật buồn. Hôm nay, Sư đoàn Nhảy dù chúng tôi được không vận ra miền Trung. Từ Tiểu đoàn phó trở xuống, khi bước chân lên máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất chỉ biết là đi vùng I mà thôi, rồi đáp xuống phi trường Ái Tử ngoài Đông Hà. Đến Đông Hà thì dân chúng đã biết là chúng tôi sẽ qua Hạ Lào. Họ biết từ ngày hôm trước. Hỏi ra mới biết là tin được lọt ra từ sĩ quan trong Bộ tư lệnh hành quân. Nghe được tin này, đã buồn lại càng buồn thêm. Vậy là, cuộc hành quân vào Hạ Lào để tấn công Việt Cộng đã mất yếu tố bất ngờ, bị tiết lộ bằng nhiều ngả.
Ngày N trừ 1: Là tiểu đoàn trưởng pháo binh Nhảy dù, tôi có nhiệm vụ trinh sát mục tiêu trận địa từ trên cao, được sử dụng máy bay trinh sát của Hoa Kỳ. Khi bay vào vùng trách nhiệm, thật ngạc nhiên ngoài sự ước đoán của tôi. Đường đất mới màu ngà chằng chịt, không có trên bản đồ. Bụi bay mù mịt trên đường, chứng tỏ có đoàn xe đang vận hành. Tôi đếm được năm đám bụi lớn, không kể những đám bụi nhỏ. Nhưng khi máy bay nhào đến thì tất cả đoàn xe đã chui vào lùm cây mất hút như trò ú tim, không để lại dấu vết. Bay đến Tchépon tôi thấy lờ mờ một cây cầu bắc ngang sông. Cây cầu này nối liền hai khúc đường mới, cũng không có trong bản đồ. Tôi yêu cầu máy bay hạ thấp độ cao để dễ quan sát nhưng bị phi công Pilôt từ chối, có lẽ hắn yếu bóng vía, sợ đạn phòng không bắn hạ. Vì cây cầu có nhiều điểm khả nghi, tôi nhấn mạnh một lần nữa là nhiệm vụ phải quan sát tường tận cây cầu lạ này. Đại úy Pilôt nhún vai, thở dài khó chịu, rồi cũng chiều ý tôi, nhưng nhắc tôi, chỉ một lần mà thôi. Khi máy bay hạ thấp, tôi thấy rất rõ, không phải là một cây cầu mà là một đoàn xe đang băng qua sông. Khi thấy máy bay trinh sát, đoàn xe nhích lại gần nhau và tắt máy bất động. Trên cao nhìn xuống, nếu không tinh mắt thì ngờ là cây cầu đúc.
Cùng ngày hôm nay, máy bay Hoa Kỳ đánh lầm vào điểm đóng quân của ban chỉ huy một Tiểu đoàn Nhảy dù tại Lao Bảo, nơi tập kết để chuẩn bị xuất quân vào Hạ Lào. Thiếu tá Tuy tiểu đoàn trưởng bị thương. Điểm gở chăng? Chưa mất quân đã mất “Tá”, thêm buồn.
Ngày N: Ngày mở đầu cuộc hành quân. Khoảng tám giờ, Đài phát thanh Sài Gòn trực tiếp truyền đi mệnh lệnh miệng của Tổng thống Việt Nam cộng hòa: “ Giờ phút này, tôi cho lệnh Quân lực Việt Nam cộng hòa tấn công qua phần đất phía Nam của Vương quốc Lào...”. Vừa nghe xong câu này, chúng tôi tắt rađio, băng qua con suối nhỏ là biên giới Lào Việt. Bên này con suối là phần đất của Việt Nam, đất màu đỏ, nếu mưa thì đất sẽ dính đế giày. Còn bên kia là đất của Vương quốc Lào là đất sỏi, dù có mưa thì đất cũng không bết đế giày. Tôi thầm nói với Li - người vợ yêu dấu của tôi, anh bước vào trận chiến, đừng buồn anh nhé. Em và con cứ yên tâm, chiến thắng anh sẽ về.
Tiến vào sâu khoảng hai cây số, cánh quân đi đầu của Nhảy dù chạm địch nặng nề. 15 giờ, chúng tôi đến địa điểm đóng quân ở Bản Đông để thiết lập căn cứ hỏa lực mang tên A Lưới. Vừa bước quân đến vị trí đóng quân, tưởng được yên tâm trút hơi thở nhẹ nhõm. Với con mắt nghề nghiệp của sĩ quan pháo binh, tôi thật ngại ngùng, ngạc nhiên và âu lo hòa trộn vì thấy dấu vết điểm địa hình của địch đã làm. Địch đã dự liệu chúng tôi đã đến đây ư? Chao ôi! Địch quân đã biết cuộc hành binh này từ bao giờ? Tôi lập tức trình bày điều phát hiện với Đại tá Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 1 Nhảy dù. Để ý quan sát tôi thấy sắc mặt ông thay đổi vẻ lo ngại. Và rồi, ngay lập tức pháo địch dàn chào bằng những loạt pháo hỏa tiễn 122 li và 107 li. Loại hỏa tiễn này được gắn trên xe xích, mỗi giàn pháo có từ 5 đến 7 nòng. Lần đầu tiên trong đời các chiến binh Mũ Đỏ được thưởng thức cả trăm trái hỏa tiễn. Lẽ đương nhiên, anh em chúng tôi phần nào bị tổn thất. Đại tá Lữ đoàn trưởng bị thương ngay ở lần pháo kích này. Thật là rủi.
Đến 19 giờ, Lữ đoàn nhận được báo cáo tổng quát: Một tiểu đoàn Nhảy dù đã khám phá và tiêu hủy kho nhiên liệu hơn 100 phuy dầu, tiểu đoàn khác khám phá và tiêu hủy kho quân trang và đụng độ với một trung đoàn địch. Một tiểu đoàn nữa báo cáo phát hiện một trung tâm huấn luyện quy mô trong rừng già...Tuy vậy, những ngày đàu vào vùng hành quân, nhìn chung các trận đụng độ ác liệt chưa diễn ra. Máy bay B52 đánh phá theo tiên liệu vào những vùng nghi ngờ có kho tàng hay nơi được phát hiện có đồn trú của địch quân. Hai đại đội được bung ra để kiểm chứng, xác nhận dăm trăm địch quân bị xóa sổ từ B52, xác chết không toàn thây.
Sau một tuần, trận chiến thực sự khốc liệt. Quân đội Việt cộng với lực lượng đông gấp bội được sự yểm trợ của pháo binh và chiến xa chiếm thế chủ đông tiến công. Căn cứ hỏa lực A Lưới bị pháo dữ dội, mỗi ngày hứng chịu cả ngàn trái pháo. Căn cứ 31 của Lữ đoàn 3 Nhảy dù bị đánh phá ngày đêm. Pháo dập vùi rồi chiến xa yểm trợ cho bộ binh của địch ào ào xốc tới. Thật hẩm hiu, căn cứ 31 thất thủ. Niềm hãnh diện về đồng đội Nhảy dù bị tổn thương. Đây là thất bại nặng nề nhất của Sư đoàn Nhảy dù kể từ ngày thành lập. Các cánh quân của Lữ đoàn Biệt động, của Thủy quân lục chiến, của thiết giáp, của Sư đoàn 1 trên khắp chiến trường của vùng rừng núi Hạ Lào bị thiệt hại nặng nề. Máy bay vào vùng hành quân bị bắn rơi quá nhiều. Sau một tuần lễ ít ai dám bay trên trời Hạ Lào. Trận Hạ Lào (Quân lực Việt Nam cộng hòa gọi là “Trận Lam Sơn 719”) kéo dài 2 tháng.
Máu của quân lực Việt Nam cộng hòa đã đổ, thấm đẫm đất đai của miền Nam vương quốc Lào. Thịt xương của bạn bè, đồng đội An không vun trồng cho màu mỡ quê mẹ mà lại làm tươi tốt cho đồng cỏ, cây rừng xứ người.
An thấm thía đau xót, những ấn tượng buồn bực về chiến trường đeo đẳng. Vài lần An suýt chết. Đạn bom rền rĩ cày xới đất đá tuy không làm cho anh run sợ nhưng cho anh bài học về sự thận trọng nơi chiến trường. Sau những lần thoát chết anh lại ngậm ngùi thương Li và thương các con còn non dại. Ấn tượng về sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, còn nguyên cảm giác. Lần ấy, máy bay trinh sát của An đang quan sát mục tiêu, bất ngờ cao xạ pháo địch quân dàn chào đầy hào hứng. Máy bay dính mảnh đạn, nó run lên bần bật. May mà anh chàng phi công đã kịp kéo cần lái, ngoặt đầu bay loạng choạng về rồi đáp khẩn cấp xuống phi trường Ái Tử. Rồi, một buổi tối, đang hút điếu Pallmall thì một quả pháo 75 li không giật của địch bắn trúng ngay vách núi, cách chỗ An đứng không đầy 2 mét. Anh bạn Tiểu đoàn phó dưới quyền tử trận. Sức ép hất An ngã chúi, đất đá ào ào bay phủ kín người...
Nếu ai đứng tại phi trường Khe Sanh sẽ thấy toàn là máy bay chở xác, chở thương binh của quân đội Sài Gòn mặt mày biến sắc. Đã là thương binh, vết thương đang hành hạ thì mặt ai cũng xanh mét. Máy bay chiếc lên chiếc xuống nhịp nhàng suốt ngày đêm với nhiệm vụ tiếp tế, tải thương, tải xác chết. Không thấy có tù binh cũng như chiến lợi phẩm mang về tương xứng. Bởi vậy các phóng viên chiến trường săn tin tại Khe Sanh đã đưa tin trên báo chí ngoại quốc và báo Sài Gòn bằng những cái tít khá giật gân: “Quân lực Việt Nam cộng hòa đã thua”, “Quân lực Việt Nam cộng hòa mất hết tinh thần khi gặp phải địch quân có hỏa lực mạnh hơn”...
Trận Hạ Lào là trận chiến với mục đích khác nhau của hai bên. Quân đội Sài Gòn vào Hạ Lào không phải để chiếm đất, nhiệm vụ hàng đầu không phải là tiêu diệt thật nhiều địch quân mà mục tiêu được minh định trong mệnh lệnh hành quân là: phá vỡ các kho tàng của địch, triệt hạ các cơ sở tiếp vận. Ngược lại, mục tiêu của quân Giải phóng là tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch. Dù là một phần mục tiêu đạt được nhưng quân đội Sài Gòn đã phải trả giá quá đắt, xương máu đổ quá nhiều trên chiến trường Hạ Lào.
Ấn tượng buồn về chiến trường đeo đẳng An, nét lông mày đậm, hơi xếch của anh thường nhíu lại. Khi khai thác tù binh mà đơn vị An bắt được, người lính ấy nói rằng đã đóng quân ở Hạ Lào chờ trước hai tuần. Địch quân đã biết trước cuộc chiến hàng tháng. Sự thật này đã được An chứng kiến bằng chính cặp mắt kinh nghiệm của mình, ấy là mốc địa hình tại Hạ Lào đã cũ. An ngao ngán cho tình báo của Việt Nam cộng hòa, họ không hề biết việc này. Không lẽ nhân viên an ninh tình báo chỉ ngồi chơi và đi bắt bạc hay sao? Địch quân đã cho làm địa hình tất cả những điểm quân sự, những địa điểm mà quân đội Sài Gòn có thể đóng quân hoặc đặt pháo binh (địa hình tọa độ chính xác đến từng cm hoặc mm). Như thế có thể đoán chắc, Việt cộng đã bày binh bố trận, đón lõng quân lực Việt Nam cộng hòa. Cũng còn là may, pháo binh Việt cộng kỹ thuật tác xạ chưa tinh luyện nên An có cơ may sống sót.
Vậy mà, buồn vô cùng, khi thuyết trình hành quân cho các đơn vị trưởng từ cấp Tiểu đoàn trở lên, bộ tư lệnh mặt trận, chắc là không hề hay biết nên đã không có một lời nào khuyến cáo về vấn đề này. Tình báo của họ vượt trội tình báo của Việt Nam cộng hòa là cái chắc.
Lại còn cái loa tâm lý chiến vô duyên của đài phát thanh Sài Gòn nữa chứ. Vào giữa thời điểm trận Hạ Lào diễn ra khốc liệt nhất thì sáng tác mới của Phạm Duy với tiếng ca vượt thời gian của Thái Thanh đã rót vào lòng binh sĩ Việt Nam cộng hòa khúc bi ai tàn nhẫn qua nhạc phẩm công bố lần đầu “Kỷ vật cho em”. Lời ca trăn trối ảo não: “Anh trở về viên đạn đồng đen. Em sang sông cho làm kỷ vật... Anh trở về dang dở đời em”. Chính An cũng mủi lòng. An còn nhớ lắm; đêm khuya ấy, đi một vòng quanh Tiểu đoàn đóng quân của mình, chỗ nào cũng thấy binh sĩ mở Rađio nho nhỏ đủ nghe. Tại vùng bom đạn ghê người, nghe lời trăn trối thống thiết trong nhạc phẩm ai oán kia, tinh thần quân nhân sẽ ra sao? Và rồi, thời điểm ấy An chợt nhớ trận chiến Hán Sở tranh hùng thưở xa xưa bên Tầu. Vào lúc khí thế quân sở đang còn mạnh Hán Vương Lưu Bang đã dùng ngón đòn tâm lý, Cho người soạn Bi ca tán Sở, rồi dùng loa cho người ca bài này để khêu gợi nỗi nhớ quê nhà, vợ con, cha mẹ, đồng ruộng của quân Sở. Bài ca ấy đã làm rã rời tinh thần chiến đấu của quân Sở. Kết cục quân Sở bị đánh bại. An vội gọi điện thoại Hotline về ban chỉ huy của sư đoàn Nhảy dù để lên tiếng, đòi Đài phát thanh Sài Gòn chấm dứt việc làm vô tình phản chiến này.Tuy vậy, cũng vẫn phải nghe thêm một đêm nữa.
Lại nữa, ngày quân lực Việt Nam cộng hòa rút quân khỏi Hạ Lào, địch quân cũng biết trước, bởi chúng đã thu được toàn bộ lệnh hành quân khi mà trực thăng của vị sĩ quan tham mưu mặt trận bị bắn rớt, lúc mà cuộc hành quân mới bắt đầu. Bao nhiêu là trớ trêu; những nghịch cảnh đáng buồn đã diễn ra trong trận Hạ Lào quái ác khiến An bực dọc. Thế rồi trận chiến rồi cũng kết thúc.
Rời Hạ Lào về Khe Sanh nghỉ ngơi được vài ngày. Đơn vị Nhảy dù của An lại nhận lệnh, không vận thẳng tới Pleiku, rồi từ đó đến Tân Cảnh, Kontum làm nhiệm vụ phá vây cho căn cứ hỏa lực số 6 thuộc quân đoàn 2 hiện đang bị quân Giải phóng siết chặt vòng vây. Thế là, lại thêm nửa tháng lăn lộn, quần thảo với địch quân giữa cao nguyên núi đồi nắng lửa.
Tiếng súng tạm thời lắng dịu trên chiến trường cao nguyên, An cùng đoàn quân Nhảy dù được trở về dưỡng quân ngắn hạn. Da mặt anh đen xạm, gương mặt hốc hác, áo quần xơ tướp, tưởng như khói bụi chiến trường vẫn còn dính dấp, thấm quyện thân người, duy chỉ đôi mắt vẫn vẻ linh lợi.
An có cơ hội về lại căn nhà ấm cúng cùng vợ con. Đón người lính từ chiến trường trở về, hết thảy gương mặt, ánh mắt, làn môi mọi người trong nhà bừng lên niềm vui khôn tả. Căn nhà ăm ắp nói cười, vui rộn ràng như ngày hội. Li lại mặc bộ đồng phục màu thiên thanh mà An đã từng khen là nền nã. Biết ý thích ấy, Li giành để mặc ngày An về. Không khí đoàn tụ đầy cảm xúc thật vô giá với anh. An cùng vợ con đưa nhau đến nhà hàng, cửa hiệu ưa thích, buổi tối đến rạp xem phim, nghe ca hát.
Tranh thủ thời gian được nghỉ hiếm hoi, An tìm đến thăm chú Hòa. Gia đình chú đã về ở Sài Gòn. Vậy mà đã gần ba năm trời chú cháu mới lại gặp mặt nhau. Ai nấy đều vui mừng xúc động. Con gái đầu lòng của chú đã vào tuổi đến trường, đứa bé lẫm chẫm tập đi. Nga, vợ chú bây giờ mở cửa hiệu bán mặt hàng gia dụng điện máy, dáng dấp trẻ trung. Bộ quần áo đồng màu tím nhạt khuôn lấy cơ thể khỏe khoắn của Nga, áo thêu hoa và kiểu cách bằng những đường chỉ màu đậm nét, tôn lên vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ biết làm đẹp mình. Người phụ nữ có vẻ đẹp trời cho bao giờ người đời cũng ưa ngắm, ưa nhìn cùng nhưng khao khát. Vẻ đẹp hấp dẫn của người đàn bà dễ phản bội sự thủy chung. Ngày ngày đứng bán hàng, Nga trang điểm bắt mắt. Làn môi đậm đà màu son đỏ như thể trời sinh ra thế. Vẻ đẹp nhân tạo nhiều người ưa chuộng.
Nga cởi mở trò chuyện với An, chuyện trong nhà, chuyện ngoài xã hội. Nga bảo, người đời nói phải lắm “phi thương bất phú”. Đưa mắt nhìn chồng như thẩm định giá trị mặt hàng, Nga nói với An, anh Hòa khờ lắm, không giỏi làm giầu, chỉ quen làm việc nơi công sở, cặm cụi suốt ngày, chẳng có thời gian dành cho vợ con. Nga còn bảo, lương Trưởng ty của anh Hòa cũng khá đấy nhưng bì sao kịp những vụ chạy hàng, áp phe. Vui chuyện Nga kể, bây giờ người ta buôn bán trăm thứ bà rằn, buôn bán thóc lúa, cà phê, thổ sản là một lẽ. Có kẻ còn buôn bán cả nhu yếu phẩm cho quân Việt, quân Mỹ, bán buôn lựu đạn súng lục. An tròn mắt ngạc nhiên. Nga kể thêm, những phi vụ trốn thuế, áp phe hàng ngoại đầy rẫy. Chợ Bến Thành, các cửa hàng cửa hiệu nhan nhản hàng Nhật, hàng Mỹ giá rẻ. Buôn bán thời này giàu lên mau lắm. Nga tính toán rằng, buôn bán đồn điền cũng dễ kiếm lời, lắm kẻ bán, nhiều người mua. Và rằng, Nga đă tăm tia dăm bảy nghìn mét đất ở Bình Dương, Lâm Đồng.
Lắng nghe chuyện của Nga, An hình dung hai mảng tương phản của cuộc sống hôm nay. Mảng này là cuộc mưu sinh gấp gáp như dòng chảy cuồn cuộn, không có gì ngăn cản nổi. Mảng kia là chiến truờng ác liệt, súng đạn nóng bỏng ngày đêm. Người lính mong bảo vệ cuốc sống bình yên, người dân được làm giàu nhưng không muốn ai làm giàu bất chính. An mơ hồ nhận ra cái mầm mống bất ổn trong gia đình chú Hòa bởi Nga nhiều ham hố. Điều bất ổn khó nói. Nhìn vợ chồng con cái chú Hòa, người ta nghĩ rằng một gia đình sung túc hạnh phúc, một mái nhà yên ấm thật đáng mơ ước.
Hòa không phải là người thờ ơ lãnh đạm, chú coi trọng cuộc sống gia đình, yêu quý vợ con. Hai đứa con gái là cục cưng của Hòa. Chiều về nhà, khi thì chú kiệu đứa con gái lớn trên vai, bố con reo vui, gian nhà đầy ắp tiếng cười. Khi thì chú quỳ gối, chống tay giữa nhà làm thân con bò, con ngựa cho con bé túm đầu, cứ nhong nhong trên lưng, cười như nắc nẻ. Được chiều theo ý thích con trẻ là niềm vui của người cha, bắt nguồn từ niềm vui của con, từ những sinh hoạt bình dị, êm ấm trong gia đình. Hai đứa con được chú cưng chiều, thường nhõng nhẽo nũng nịu, chúng xị mặt đòi bố mua đồ chơi, giày dép, áo quần và bám riết bố trong những lần cả nhà cùng đi chơi dã ngoại.
Với vợ, Hòa có cả yêu thương và nín nhịn. Điều mà Hòa không đồng điệu với vợ là những ham thích cá nhân. Ham thích là một phần đời sống con người. Nga không phản đối việc làm nơi công sở của chồng nhưng không đồng cảm với Hòa ham đọc sách, ham viết lách và ít chăm sóc đến những ham muốn riêng tư của Nga.
Buổi tối, Nga hỏi, không bằng lòng:
- Làm công sở nhàn hạ lắm phải không? Sao mà còn viết lách suốt đêm.
- Anh muốn ghi chép công việc chuyên môn làm tài liệu.
- Khuya rồi đi ngủ thôi anh.
Nhiều lần Nga nhắc Hòa đi ngủ như một điệp khúc. Lời nhắc nhở ấy có cả trông chờ khao khát của người vợ trẻ. Hòa vẫn cặm cụi đọc, viết. Em thở dài tắt phụt ngọn đèn ngủ. Buổi sáng thức dậy, mặt Nga nặng nề, vẻ giận dỗi không nói cười. Hòa vô tình không hiểu và không tìm ra lí do xác đáng của sự giận hờn. Lần khác Nga dè bỉu:
- Chăm chỉ viết lách như thế được mấy đồng tiền.
- Ham thích riêng của anh, nào phải chỉ để kiếm tiền.
- Chỉ có kẻ khờ dại mới tốn công vô ích.
Sao vợ lại bạo mồm đến thế. Mấy chữ “kẻ khờ dại” làm Hòa bực dọc như nuốt phải vị đắng, anh cau mày chép miệng. Tuy nhiên, đêm đã khuya, một điều nhịn là chín điều lành - Hòa nghĩ. Anh nhín nịn, không muốn to tiếng với vợ. Anh cắn chặt hàm răng, để cho dòng nước mắt bực tức ứa ra.
Chiều theo ý Nga, tháng một đôi lần chú Hòa cùng vợ con về thăm quê vợ hoặc du ngoạn Vũng Tàu, Đà Lạt, du chơi nơi này nơi khác. Nga được dịp diện bộ đồ mốt dáng thời thượng đắt tiền, đặt may ở tiệm Oanh Vàng lừng danh ở đất Sài Gòn. Áo quần vẩy nước hoa ngoại, thơm sực nức. Cặp má, đôi môi được tô điểm tỉ mỉ, chau chuốt. Nga lộng lẫy, đỏm dáng như một ngôi sao điện ảnh. Nga tươi cười hỏi chồng: “ Giống nữ tài tử Hôliút không anh?”. Nga trách chồng ăn mặc xuềnh xoàng như anh tỉnh lẻ ra phố, không tương xứng với vợ. Hòa cười trừ, bảo rằng, đi chơi mà đóng bộ cầu kì làm cho người ta phải gò bó, thiếu tự nhiên mất cả hứng thú.
Những nhu cầu đòi hỏi của Nga, Hòa không bác bỏ nhưng chỉ đáp ứng phần nào. Khao khát của người đàn bà dồi dào ham muốn bản năng giới tính, Hòa không làm cho Nga được thỏa mãn tối đa. Tuy nhiên, chức Trưởng ty công chánh, có danh và đồng lương không ít là nền tảng cho mái nhà gia đình chú Hòa tồn tại.
An cảm nhận vu vơ về sự không bình thường của quan hệ giữa chú và vợ. Đó chỉ là linh tính mách bảo, lúc này chưa thể nói rằng có dấu hiệu rạn nứt rõ ràng.
Chuyện trò với chú Hòa, chú kể với An bao nhiêu là chuyện mà chú đã làm. Bản tính siêng năng từ thuở cắp sách đến trường nay chuyển hóa thành cần mẫn trong công việc của người Trưởng ty công chánh. Việc đảm bảo lưu thông những con đường, cây cầu là trọng trách của Ty công chánh. Chú than phiền, nhiều cầu cống bị đánh sập và bảo rằng “Cầu cống là mục tiêu phá hủy của Việt cộng”, rồi lại bàn luận, đó là lẽ đương nhiên. Phía Việt Cộng và phía Quốc gia vật lộn nhau để giành phần thắng thì đôi bên phải tìm mọi cách triệt hạ, cắt đứt huyết mạch giao thông của đối thủ.
Hai lần Hòa suýt chết.
Lần thứ nhất xảy ra vào năm đầu thập kỷ 60, khi đó Hòa làm Trưởng ty công chánh ở một tỉnh Tây Nam bộ. Đại úy phó nội an tỉnh ra chỉ thị: “Cầu Tham Rớt quốc lộ 13 bị phá hoại, Ty công chánh sửa chữa gấp, đã có an ninh bảo vệ”. Hòa gấp rút lo chuẩn bị vật liệu: gỗ, xi măng, sắt thép rồi hướng dẫn đội Cầu lên đường làm nhiệm vụ, khẩn trương như cứu hỏa. Đến nơi, không thấy bóng dáng một binh sĩ địa phương nào. Cảnh vật vắng lặng đến lạnh người. Chiều tà, thưa thớt cánh chim bay. Hòa hồi hộp lắm, thoáng âu lo ngần ngại hiện trên nét mặt, ánh mắt. Để tranh thủ thời gian, anh cho đặt cống thay vì làm cầu mới. Khi bóng đêm mau lẹ chiếm ngự không gian,nền trời lác đác những vì sao đêm tỏa ánh sáng yếu ớt, công việc được gấp rút hoàn thành. Đến khi vẳng tiếng gà eo óc từ chòm xóm xa vọng lại, bỗng nhiên rộ lên tiếng súng bắn tỉa, hai người của đội cầu bị trúng đạn. Trời rộng lòng, Hòa không hề hấn gì. Anh cho đội cầu cùng người bị thương lập tức rút về. Trở về tỉnh lị, Hòa hỏi, sao lính không bảo vệ công chánh. Vị Đại úy nội An thản nhiên trả lời, địa phương quân nằm sâu trong rừng, làm sao ông Ty có thể thấy được. Và rằng, súng đạn vu vơ ai mà kiểm soát hết được.
Ngao ngán quá, chẳng làm gì nổi cánh An ninh tỉnh, chỉ có biết bĩu môi lắc đầu, Hòa hiểu mình bị lừa.