Hồi 20
Hai chuyến gặp thầy, trẻ gian mất mật,
Một phen cứu mạng, phường bợm bầy mưu.

Lúc đó Tiêu Minh Phượng đi ra chỗ đặt Chư Ỷ Phương nằm trước trong bụng hí hửng thích chí, đoán chắc là thế nào cũng được thỏa lòng nguyện vọng ngay tối hôm nay. Bất đồ khi chàng ra tới đó thì một sự ngạc nhiên xảy ra làm cho chàng choáng hẳn người lên không hiểu ra sao; nghĩa là tìm đến Chư Ỷ Phương thì đã biến đi đâu mất, tìm mãi cũng chẳng thấy đâu...
Minh Phượng lấy làm kinh ngạc không hiểu, nhìn quanh nhìn quẩn một lúc, rồi lại ngơ ngẩn quay vào trong phòng. Khi vào trong phòng chàng ngồi nghĩ thần mặt ra một lúc, rồi chợt vỗ tay xuống bàn nói lẩm bẩm một mình: "Không có lẽ ta để giấu ở đó mà Lục Bất hòa thượng lại biết tới và lại mang trả về nhà nó được!!! Nhưng dù thế nào mặc lòng, miếng ngon đã kề tận miệng, nếu ta chịu bỏ phí đi thì thực là một đứa ươn hèn vô hạn. Vậy chi bằng ta lại đến nhà nó phen nữa, xem nếu quả đích ai mang con bà ấy về nhà thì ta lại bắt nó đi, cũng không lấy gì làm khó..."
Chàng nghĩ tới đó, bèn quả quyết đứng dậy, sửa soạn áo xống gọn gàng, lại dắt sẵn thanh kiếm bên mình, quay ra khép trái cửa phòng lại, rồi lại chuyền lên nóc nhà, theo lối cũ đến tận nhà Chư Ỷ Phương. Lần này vì đường lối đã quen, nên chàng đi không mấy chốc thì đã đến tòa nhà đó và lần ngay đến gian phòng lúc trước đã vào.
Khi đến nơi chàng thấy cửa phòng đã đóng, song trong phòng vẫn còn ánh đèn sáng soi ra. Minh Phượng cạy cửa ra xem thì thấy cửa phòng khép hờ chứ không cài khóa. Chàng đẩy cửa bước vào thấy cái giường màn lúc nãy, buông màn cẩn thận và có một đôi giày cao gót nhỏ mũi của người đàn bà để ở dưới đất về phía cửa màn.
Tiêu Minh Phượng trông thấy, trong bụng hớn hở vui mừng, không còn nhớ chi đến lời thầy bạn dặn dò, bèn lại rón rén đến khẽ vén cửa màn lên để vào tìm kiếm Ỷ Phương. Bất đồ chàng vừa vén màn lên thì bỗng giật mình đến thót, hai tay run bắn hẳn lên, bỏ ngay cái màn rũ xuống, hóa ra Ỷ Phương thì chẳng thấy đâu, mà lại thấy ngay Lục Bất hòa thượng đương ngồi xếp vòng tròn nhắm nghiền mắt lại ở đó. Chuyến này mới thật là một chuyến kinh hoàng vô hạn, khiến cho Tiêu Minh Phượng cuống hẳn người lên không biết lối nào mà rở.
Nhân tiện bên cạnh cái giường đó có một cái cửa sổ bỏ ngỏ, chàng liền quay ngoắt ra toan nhảy qua cửa sổ để trốn. Ngờ đâu vừa trông đến chỗ cửa sổ thì lại thấy ngay một người đương đứng sừng sững ở ngoài, nhìn kỹ thì chính là Vu Anh sư đệ.
Tiêu Minh Phượng lại càng luống cuống vội quay sang lối cửa giữa thì lại gặp ngay Hoàng Vân Nhi ở ngoài vừa bước sấn vào nét mặt dịu đàng mà có vẻ nghiêm trang đứng đắn, tựa như một vị phán quan.
Minh Phượng tới lúc đó, lên trời hết lối, xuống đất không đường, biết thế không sao trốn thoát, bất đắc dĩ phải quay ngay vào chỗ trước cửa màn lúc nãy, quỳ ngay hai chân xuống đất, cúi gục đầu xuống mà rằng:
- Trăm lạy đại sư, đệ tử con biết tội lắm rồi, bây giờ đại sư muốn chém giết mổ xả thế nào, đệ tử cũng không dám phàn nàn chi nữa...
Nói đoạn lại cúi rạp đầu xuống đập trán dính trên mặt đất.
Bấy giờ Lục Bất hòa thượng mới từ từ ở trong màn bước ra, nét mặt ung dung nghiêm nghị bảo Tiêu Minh Phượng rằng:
- Tiêu Minh Phượng! Nhà ngươi trái lời sư phụ, thiện tiện trốn đi, đã là một tội. Đến đất Cô Tô, bắt đầu ngươi toan bức hiếp Thúy Như, để cho Thúy Như bực mình tự tử, là tội thứ hai. Khi sang Từ Châu ngươi lại thông gian với một con mẹ giang hồ du đãng, làm mất danh tiết của mình, là ba cái tội. Sau đó ngươi lại dốc lòng dâm dục, quay về Cô Tô, gây nên bao việc đáng thương, ấy là bốn điều phạm tội. Còn tội thứ năm là, ngươi đã gặp ta cũng không biết hối hận, mà còn cố ý đến đây, để cho ta còn bắt gặp... Trong năm tội đó, hỏi rằng ngươi còn đáng sống hay không?
Tiêu Minh Phượng lặng ngắt không dám nói lấy nửa lời.
Lục Bất hòa thượng lại nói tiếp luôn:
- Cứ kể tội ác của ngươi, dẫu chết cũng chưa xứng đáng. Duy có một điều nhà họ Tiêu bảy chi tất cả, mà sau này kế tự chỉ có một người, nay nếu bản sư đem ngươi giết nốt thì họ Tiêu thực là tuyệt tự từ đây. Vậy bản sư cũng mở ra một con đường sống, cho ngươi chạy tránh lấy thân, ngươi nghĩ thế nào?
Tiêu Minh Phượng thoạt tiên tưởng là thế nào cũng bị Lục Bất hòa thượng giết ngay, song nay nghe đến câu đó thì cái bụng lo sợ bỗng nhẹ bẵng đi năm phần. Chàng bèn gật đầu lạy xuống, cất cái giọng hơi run và nói:
- Bây giờ đại sư dạy bảo thế nào đệ tử cũng xin vâng lệnh.
Lục Bất hòa thượng liền gật đầu đáp rằng:
- Bây giờ ta chỉ còn một lối để cho ngươi sống, là ngươi phải theo ta về ngay trong động Lưu Xuân, ngồi quay mặt vào vách trong 10 năm trời để xám hối những điều tội lỗi mà rửa sạch tấm lòng trần tục, vậy ngươi có bằng lòng hay không?
Tiêu Minh Phượng lúc đó khác nào con cá nằm trên thớt, chỉ còn cúi đầu vâng nhận, ngoài ra không dám nói một điều chi.
Lục Bất hòa thượng liền vẫy tay mà bảo Minh Phượng rằng:
- Nếu vậy cho ngươi cứ về hàng trọ, rồi sáng mai ta sẽ đến đó tìm ngươi.
Minh Phượng vâng lời lạy tạ, rồi đứng dậy quay ra, lại chuyền nóc nhà đi về nhà trọ. Trong khi đi đường chàng còn nửa mừng nửa sợ, không hiểu vì sao bọn họ lại tụ họp cả 3 để đối phó với mình như thế và sau đây nếu trái lời họ nói thì sẽ kết quả ra sao?
Nguyên hôm trước đây, từ khi Vu Anh cùng Minh Phượng đến Kim Lăng rẽ bước chia tay, rồi một mình Vu Anh đi thẳng về lối Bắc Kinh. Khi vào tới thành, chàng nhân trong lưng hết cả tiền lương, nên cũng không vào hàng trọ, và nhân lúc đó, trời chưa tối hẳn, Vu Anh bèn nghĩ ra một kế, bất nhược hãy đi dò xét ngay nhà cừu nhân là Phan Nhược Thủy, để xem tình thế ra sao, rồi sau sẽ liệu. Chàng nghĩ như vậy, bèn lập tức xăm xăm nhớ đường lối cũ dò đi.
Trước đây nguyên phụ thân Vu Anh tên là Phượng Sơn cũng là một tay buôn bán giàu có, lừng lẫy mọi miền. Gần nhà Phượng Sơn, có một người tên là Phan Nhược Thủy, là một tay du đãng có tiếng xưa nay. Phan Nhược Thủy tính tính ngạo ngược, đối với xóm làng gần xa, nếu lỡ có việc gì trái ý hắn là hắn lập tâm sinh sự ngay. Mà nếu hiện thời hắn không trị nổi thì hắn khắc xương để dạ, tìm kiếm cơ hội lập cách làm sao mà trả được thù thì mới thỏa chí.
Một ngày kia, nhân khi trong xóm có một nhà kia có việc ma chay, cả Vu Phượng Sơn cùng Phan Nhược Thủy cũng cũng sang giúp. Trong khi chè chén ở trong nhà đám, bất chợt có một người khách xa lạ mới đến, chưa biết tính nết Nhược Thủy thế nào, bèn vì một câu chuyện cỏn con, làm nên những điều trái ý Nhược Thủy. Nhược Thủy cũng nhân lúc chén say, liền hùng hổ ra oai, toan sinh sự với người khách lạ.
Phượng Sơn thấy vậy lấy làm chướng mắt ngang tai, lập tức đứng ra can thiệp. Phan Nhược Thủy đương lúc nóng nảy, cho là Phượng Sơn có ý bênh vực người ngoài mà bỏ tình xóm làng, nên lại hùng hổ quay ra, sinh sự với cả Phượng Sơn.
Thoạt tiên Phượng Sơn cũng còn lấy lời ôn tồn giảng giải, song Nhược Thủy nhất định không nghe, lại càng làm già mãi lên.
Về sau Phượng Sơn cáu tiết cũng hăng hái cự lại Nhược Thủy, không còn nể nang chi nữa.
Hai bên kẻ nói đi người nói lại thành ra câu chuyện xô xát, rồi Nhược Thủy sấn lại đánh thẳng Phượng Sơn. Phượng Sơn sức yếu không cự địch nổi, đành phải chịu nhịn lúc đó, rồi sau trở về thì làm đơn thưa kiện tại quan. Lúc đó quan huyện ở đấy cũng là một vị minh quan, vốn ghét những phường du đãng. Khi quan xét ra, biết đích Nhược Thủy là tay phiếm đãng ngang tàng thì liền kết án Nhược Thủy bắt phạt rất nặng để cho chừa hẳn về sau.
Sau khi Nhược Thủy đã bị pháp luật trừng phạt một phen, trong lòng lại càng thù hằn Phượng Sơn vô hạn, những muốn giết chết ngay đi, nhưng lại e là khi pháp luật biết tới thì nguy.
Nhân thế chàng bèn nghĩ ngay một kế "giả mặt đạo đức để báo thù xưa" thì may ra mới có ngày xong được. Chàng nghĩ như thế, bèn quyết chí từ đó trở đi, cố làm ra mặt lương thiện và lại cố ý cầu thân với nhà Vu Phượng Sơn để tìm cơ hội báo thù.
Phượng Sơn thấy Nhược Thủy bỗng dưng tử tế với mình thì lại thực tâm cho là Nhược Thủy đã biết đổi bỏ tính xưa và đã tự biết những điều lầm lỗi, nên cũng tỏ ý ân cần, không hề một chút gì nghi ngại.
Rồi đó không bao lâu, tình nghĩa đôi bên đi lại với nhau, càng ngày càng thêm thân mật. Nhược Thủy đối với Phượng Sơn chẳng khác chi là ruột thịt anh em.
Xóm riềng thấy thế ai nấy cũng đều lấy làm chuyện lạ, cho là Nhược Thủy đã thành một hạng hiền lành đạo đức, khác hẳn tính nết khi xưa, cho nên ai cũng đem lòng tán phục.
Ngờ đâu không được bao năm thì Phượng Sơn bỗng một hôm bị bạo bệnh mà chết. Sau khi Phượng Sơn chết rồi, có người nói ra nói vào cho là Phượng Sơn đã bị trúng phải thuốc độc mà chết, song cũng không hiểu có ai thù hằn điều chi, mà đến nỗi gây nên như thế, vì thế nên cũng nhiều người cho sự chết của Phượng Sơn là một việc đáng ngờ, song tuyệt nhiên không ai dám nói ra sao.
Sau khi Phượng Sơn chết đi rồi, người vợ là nàng Mã Thị thì còn trẻ tuổi mà Vu Anh lúc đó cũng mới lên ba. Phan Nhược Thủy được tin Phượng Sơn chết, vội vàng chạy sang thăm viếng khóc lóc ra dáng rất thảm thương và lại xuất tài xuất lực để lo giúp công việc ma chay.
Mã Thị thấy Nhược Thủy săn sóc ân cần, thường thường tỏ lời cảm tạ thì Nhược Thủy lại gạt đi mà rằng:
- Tôi trông nom giúp anh ấy là phận sự của tôi phải thế, nào phải tôi muốn làm ơn lấy tiếng chi đâu! Từ rày nếu còn cho là ơn huệ thì tôi quyết không khi nào lại dám lai vãng đây nữa.
Mã Thị nghe câu nói đó, lại càng kính phục Nhược Thuỷ, tin là có thể nương nhờ trông cậy về sau.
Phan Nhược Thủy lại còn khéo cách cư xử bề ngoài, làm cho rõ mặt ra người chân chính. Khi Phượng Sơn thất lộc đi rồi, đối với Mã thị, Nhược Thủy rất là giữ gìn ý tứ, chưa từng đứng ngang trước mặt, nói chuyện bao giờ.
Thỉnh thoảng có lúc bất thần, gặp Mã thị nơi nào thì Nhược Thủy vội vàng vái chào rất lễ phép, rồi chấp tay đứng về một bên, nhường cho Mã thị đi qua, không dám ngửa mắt lên nhìn.
Người ngoài thấy thái độ như vậy ai cũng khen ngợi Nhược Thủy cho là một tay lễ phép hiếm có xưa nay. Mã thị thấy vậy cũng càng tin cẩn Nhược Thủy không còn để ý nghi ngại chút chi.
Duy một điều sau khi Vu Phượng Sơn chết đi rồi thì trong nhà họ Vu, thỉnh thoảng lại xảy ra những việc quái gở lạ thường, hình như có ma quỷ nào hiện hình ám ảnh. Có lúc đương đêm thanh vắng, phát ra những tiếng rên rĩ nỉ non, khiến cho người nhà nghe thấy đều phải sởn tóc gai người, hoảng hồn kinh sợ. Cũng có khi đương tự nhiên vô cớ, thấy trong nhà chuyển động lung tung, tựa như có máy làm cho thay đổi.
Những đầy tớ người nhà họ Vu thấy vậy thì thần hồn nát thần tính, bảo nhau dần dà xin thôi, không ở được nữa. Về sau, còn có một người đầy tớ rất thân là Vu Mộc Hưng, cố quyết liều gan ở lại nhưng không được bao lâu thì cũng bị bạo bệnh mà chết. Thế là trong nhà họ Vu chỉ còn trơ trọi có hai mẹ con Mã thị cùng Vu Anh ở đó, tình cảnh thê thảm vô cùng.
Rồi một hôm kia, mẹ con Vu Anh đương ngồi lo sợ với nhau thì bỗng thấy vợ Nhược Thủy sang chơi nói với Mã Thị rằng:
- Cái nhà đây, sau khi ông Phượng Sơn nhà ta mất đi rồi thì hằng ngày lại xảy ra những việc yêu quái lạ lùng, ai ai nghe thấy cũng phải kinh sợ. Vả ông Phượng Sơn duy có mình Vu Anh là con, lỡ khi xảy ra có việc gì thì đối với kế tự sau này, sao cho ổn tiện. Vậy chi bằng phu nhân hãy cùng Vu Anh sang ở nhà tôi để khuya sớm có người hầu hạ và tránh khỏi những sự nguy hiểm bất thần.
Mã Thị bắt đầu nghe nói, bụng còn ngần ngại chưa quyết. Sau thấy người vợ Nhược Thủy bầy giải các đường lợi hại thiệt hơn, nghe ra có vẻ xuôi tai, nên cũng quyết kế theo lời, dọn sang ở chung bên nhà Nhược Thủy.
Bắt đầu Mã thị sang ở đó, phàm công việc giao thiệp, Nhược Thủy nhất thiết chỉ cho vợ đến để nói, chớ mình không hề giáp mặt bao giờ. Nhược Thủy lại sai dọn ba gian nhà riêng cho mẹ con Mã thị ở, để riêng hai đứa đầy tớ gái cho ra vào hầu hạ và cấm chỉ các đầy tớ con trai không cho ai được bén mảng vào đó.
Mã thị thấy vậy lại càng yên tâm thích chí, cho là đã được một nơi ổn tĩnh, không còn e ngại điều chi.
Bỗng một hôm kia, vào khoảng đương tuần mùa hạ, khí trời nóng nực lạ thường. Lúc đó vào buổi chiều hôm. Mã thị vừa mới tắm xong, một mình đương ngồi hóng mát thì thấy một đứa tớ gái tay bưng một cái khay con, trong đặt một bát chè sen đưa vào ra dáng lễ phép tươi cười, nói với Mã Thị:
- Thưa phu nhân, trời đương nóng nực, phu nhân con sai đưa bát chè sen sang đây để phu nhân xơi cho mát dạ.
Nói đoạn để bát chè sen đó rồi lại quay ra. Mã thị mở bát chè ra thấy khói lên nghi ngút thơm ngọt lạ lùng. Lại nhân trong bụng đương nóng, bèn bưng bát chè ăn ngay lập tức. Bất ngờ khi nàng ăn xong bát chè thì bỗng trong người ngây ngất khó chịu, nàng bèn lên giường nằm nghỉ.
Nằm được một lúc thì thấy trong bụng ì ạch sủi lên, mà người thì mệt lử ngay đi. Mã Thị thấy vậy, cho là vì mình tắm xong bị cảm, bèn bảo người sắc nước thang gừng để uống.
Sau khi uống nước thang gừng rồi thì trong người lại thấy nhẹ nhàng dễ chịu. Nhân thế Mã Thị cũng coi là thường, không hề để ý nghĩ chi.
Ngờ đâu từ sau hôm ấy trở đi thì Mã Thị ăn uống có vẻ uể oải kém dần, mà sức lực nghe ra có phần mỏi mệt. Rồi được dăm ba hôm sau thì Mã Thị thành ra yếu nặng liệt giường liệt chiếu, không sao dậy được.
Vợ chồng Nhược Thủy thấy vậy thì đều tỏ ý băn khoăn ái ngại, tìm thầy tìm thuốc cho Mã Thị rất là chu đáo. Duy các thầy thuốc đến nơi thì ai nấy đều cho chứng bệnh của Mã Thị thực là quái gở, không hiểu cội rễ tại đâu. Bởi thế dẫu có thuốc men cho uống. song rốt cục cũng là vô hiệu. Rồi chỉ trong mấy hôm là Mã Thị lử mệt dần đi, đến nỗi bỏ nơi trần thế.
Sau khi Mã Thị mất đi rồi thì bỗng thấy Phan Nhược Thủy giàu có đùn đùn gấp trăm gấp ngàn khi trước. Đoạn rồi Nhược Thủy lại dời cả gia quyến sang đến Bắc Kinh để ở và đem cả Vu Anh sang nuôi ở đó.
Nhược Thủy có người vợ cả, mất sớm đã lâu, sau chàng ta lại lấy người vợ lẽ tên là Ninh Thị hay còn ít tuổi mà tính nết rất là lẳng lơ. Trước đây Nhược Thủy đối với Ninh Thị rất lòng tin cẩn, cho nên các việc bí mật của Nhược Thủy đã làm, Ninh Thị đều được dự biết tất cả.
Nhưng dần dần không được bao lâu thì Ninh Thị phải lòng một người đầy tớ trai của Nhược Thủy tên là Phan Quý và đem hết các chuyện bí mật của Nhược Thủy nói cho Phan Quý biết.
Phan Nhược Thủy dò biết việc đó, song không hề nói ra, và đối với hai người ấy lại càng tỏ ý thân mật hơn trước. Rồi cách đó chỉ mấy tháng trời, bỗng một hôm Ninh Thị lại bị bạo bệnh chết tươi lập tức. Người ngoài có kẻ tò mò cho là Nhược Thủy đã đánh thuốc độc cho Ninh Thị chết, song không can thiệp gì đến ai, và cũng sợ oai Nhược Thủy, nên không ai dám đả động đến chi.
Duy Phan Quý thấy sự thể như vậy, sợ khi tai họa xảy đến thân mình, bèn tìm cách trốn biệt ngay đi nơi khác. Nhược Thủy không làm sao được, đành phải để mặc cho đi, cũng không tra cứu đến nữa.
Năm đó Vu Anh đã lên 12 tuổi, tuy còn bé nhỏ, song thỉnh thoảng nghe người ta thuật chuyện, thì đối với công việc của Nhược Thủy đã làm, cũng hơi láng váng biết được đôi chút. Bởi thế về việc vợ chồng Vu Phượng Sơn bị chết, Vu Anh cũng có ý ngờ cho Nhược Thủy mưu mô làm hại, song chưa biết có đích như thế hay không?
Bỗng một hôm kia, Phan Nhược Thủy gọi Vu Anh vào trong thư phòng, ra dáng vui vẻ mà bảo Vu Anh rằng:
- Cháu ở đây với ta, năm nay đã là 12 tuổi rồi, cũng không phải là bé nhỏ chi nữa. Vả chăng phần mộ của cha mẹ cháu ngày xưa là để cả ở đất Đan Dương, mà lâu nay chưa hề thăm viếng, vậy nay nhân công việc thư thả, ta muốn đưa đi sang đó một phen để thăm mồ mả kẻo nữa sau này, không ai chỉ dẫn ra cho.
Vu Anh cũng còn đương tuổi trẻ thơ, nào đã biết chi, thấy Nhược Thủy xử với mình như thế thì cho là Nhược Thủy quả thị tốt bụng với cả nhà mình, mà những chuyện trước đây, không khéo là họ ghen ghét mà đặt ra như thế. Nhân vậy chàng ta càng tỏ ý vui mừng, vâng lời đi ngay lập tức. Đoạn rồi Nhược Thủy liền đưa Vu Anh cùng xuống thuyền, dong buồm kĩu kịt ra đi.
Thuyền đi được vài ba hôm, một buổi chiều kia, trời đương gió mát trăng trong. Nhược Thủy nhân ngồi rỗi, bèn bảo Vu Anh cùng ra đứng chơi ngoài mạn thuyền. Bất đồ Vu Anh đương đứng mảng xem phong cảnh thì Nhược Thủy lừa bất thình lình ấn cho một cái, ngã ùm xuống nước. Đoạn rồi chàng ta giả vờ kêu lên mấy tiếng, bảo người tìm kiếm qua loa một tí rồi cho thuyền quay ngay về lối Bắc Kinh.
Sau khi Vu Anh bị ngã xuống sông rồi, Nhược Thủy khác nào trút được gánh đầy đổ đi, trong bụng vui mừng hí hửng, yên chí là từ đó về sau, không còn một người nào là có thể lôi thôi động đến công việc của mình được nữa.
Nhưng không ngờ sau khi Vu Anh bị ngã xuống nước thì trời xui khiến vậy lại bị ngay một anh thuyền chài quanh đó cứu vớt được lên. Đến khi Vu Anh tỉnh dậy nhìn ra thì anh thuyền chài đó lại chính là anh Phan Quý, là người đầy tớ của Phan Nhược Thủy đã trốn đi xưa. Phan Quý vớt được Vu Anh lên, thăm hỏi rõ ràng câu chuyện, mới hiểu Vu Anh bị ngã, chính là mưu kế của Phan Nhược Thủy đã sắp đặt ra, cốt để trừ hẳn các gốc sau này cho khỏi lôi thôi nguy hiểm.
Phan Quý nhân vậy bèn đem hết cả các chuyện trước đây, Nhược Thủy vì thù hằn bố mẹ Vu Anh mà lập tâm giết hết để chiếm hết gia tài, và nay lại giết nốt Vu Anh như thế, thuật rõ cho Vu Anh nghe một lượt.
Vu Anh nghe rõ đầu đuôi bất giác cảm động thương tâm, khóc lên rưng rức. Phan Quý nhân lấy lời yên ủi, đem Vu Anh về nhà riêng, lấy quần áo cho thay và khuyên bảo thư tâm để lập cách báo thù, Vu Anh thấy Phan Quý có lòng săn sóc với mình thì rất lấy làm cảm tạ và lưu lại ở đó để nhờ lập kế giúp cho.
Sang ngày hôm sau, Phan Quý bèn nhờ một người viết hộ cái đơn đứng tên Vu Anh khiếu oan cho bố mẹ là Vu Phượng Sơn đã bị Phan Nhược Thủy giết chết. Đoạn rồi Phan Quý đưa Vu Anh đi sang cả đất Bắc Kinh để liệu các việc.
Khi sang tới Bắc Kinh, Phan Quý đem Vu Anh gửi vào một chỗ, rồi một mình mang tờ đơn kiện kia tìm đến tận nhà Phan Nhược Thủy.
Phan Nhược Thủy thấy Phan Quý đột nhiên đến đó thì trong bụng có ý hơi ngợ, song cũng phải làm ra bộ tử tế, cười bảo Phan Quý rằng:
- Ngươi đương ở đây với ta, ta có điều gì là tệ bạc, mà sao tự nhiên, vô cớ, ngươi lại bỏ đi, không nói với ta một câu chi cả. Chỗ tình nghĩa thầy trò, ngươi nghĩ như thế làm sao cho tiện!
Phan Quý làm bộ vênh váo cười nhạt, ngồi ngang vào đối diện với Phan Nhược Thủy, rồi ung dung gật gù mà rằng:
- Tôi thiết tưởng tôi nói ra đây thì có điều bất tiện. Song nói ra cho đúng thì cái sự mà ông tệ bạc, không những là đối với tôi, mà còn đối với nhiều người khác nữa....
Nhược Thủy thấy Phan Quý ra vẻ ngông nghênh như vậy, đã hơi chột dạ, đoán chắc là hắn lại có việc gì bắt thóp được mình: nhân vậy chàng cũng cố dằn lòng, làm dáng trấn tĩnh mà rằng:
- Ta với ngươi là chỗ thầy trò cả, có việc gì ngươi cứ nói rõ, can chi để bụng thêm phiền. Cái việc năm trước của ta, cứ kể cũng có điều không phải, nhưng bây giờ ta nghĩ cũng hối lắm rồi Vậy ta muốn rằng ngươi nghĩ lại tình thầy trò ngày trước, rồi lại về đây giúp việc cho ta: hay là có muốn làm ăn buôn bán gì thì ta cũng cấp vốn cho. Chẳng hay ngươi có ưng thế hay không?
Phan Quý sơ tâm đến đó, cũng không phải cần gì đến việc Vu Anh, chẳng qua là cốt mượn Vu Anh làm mồi để xoay ít tiền tiêu là hết. Nay thấy Nhược Thủy nói nhũn như vậy thì trong bụng cũng đắc ý, liền cười cười gật gật mà rằng:
- Tôi có chút việc qua nói với ông, cho nên hôm nay tôi mới tới đây. Chẳng hay có một người gọi là Vương Nho Cát, chắc ông cũng có biết thì phải.
Nhược Thủy gật đầu mà rằng:
- Có ông ta là một tay chữ nghĩa giỏi có tiếng, tôi cũng có biết.
Phan Quý làm bộ thở dài mà rằng:
- Việc này chẳng qua cũng là không may cho ông, nhưng nếu ông biết mà liệu trước đi thì cũng còn có cơ gỡ kịp.
Nhược Thủy vội hỏi:
- Có việc gì đó, anh thử nói tôi nghe xem sao?
Phan Quý quay trước quay sau, thấy không có ai, mới bảo Nhược Thủy:
- Cái người mà ông ấn người ta xuống sông hôm nọ, không biết làm sao mà Vương Nho Cát lại vớt lên được. Hiện nay anh ta mang cậu bé con ấy về nhà, chỉ nay mai là cho cậu bé con đi kiện ông đó, ông biết hay không?
Nhược Thủy còn làm bộ ngạc nhiên mà rằng:
- Người nào? Tôi ấn người nào xuống sông mà hắn biết được?
Phan Quý cười rằng:
- Chính cậu bé Vu Anh chớ còn người nào nữa.
Nhược Thủy nghe dứt lời, tái hẳn mặt đi, nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi Phan Quý:
- Làm sao mà anh biết là họ sắp kiện tôi!
Phan Quý đáp:
- Tôi từ năm ngoái tới năm nay vẫn ở làm việc cho nhà Nho Cát. Cũng may tôi nghe thấy câu chuyện như thế, nhân nghĩ chỗ tình thầy trò cũ. nên tôi phải đến báo cho ông biết trước. Hiện nay ông ta đã thảo cái giấy ra đây, ông thử coi xem nào, để rồi liệu mà thu xếp.
Nói đoạn liền thò vào bọc lấy một tờ giấy đưa ra. Nhược Thủy cầm lấy xem, thấy tờ giấy viết đặc những chữ, nói như sau này:
"Tên tôi là Vu Anh, nguyên trước quê ở Đan Dương, kính trình quan trên một việc như sau này:
- Nguyên có tên Phan Nhược Thủy ngày trước là hàng xóm với cha tôi là Vu Phượng Sơn, đôi bên đi lại với nhau lâu năm, tình ý rất là thân mật. Sau đó chỉ vì một việc hiềm khích cỏn con, và lòng tham chiếm gia tài của cha tôi, đến nỗi tên Phan Nhược Thủy lập mưu ám hại cả cha mẹ tôi, rồi chiếm hết gia tài mà sang ở đất Bắc Kinh.
Trong khi Nhược Thủy làm công việc đó, người ngoài không ai biết: duy có người vợ lẽ là Ninh Thị, cùng người đầy tớ trai là Phan Quý, về thỉnh thoảng Nhược Thủy cũng có chi dùng bàn hỏi, nên có biết rõ đầu đuôi. Bởi thế cách đó ít lâu, Nhược Thủy muốn cho bịt hết miệng đời, liền lại đánh thuốc độc cho người vợ đó chết đi và toan hại cả Phan Quý một thể. Nhưng Phan Quý biết cơ trốn đi ngay được, cho nên còn sót đến nay...
Kế đó ít lâu, Nhược Thủy thấy tôi đã lớn, e tôi sau này sẽ báo thù xưa, nên hôm mới đây y có đánh lừa tôi, đưa về Đan Dương thăm mộ, rồi thuyền đi đến nửa đường thì đẩy tôi xuống sông mà bỏ đi mất. Cũng may lúc đó thân tôi lênh đênh trôi dạt, lại nhờ được có người cứu vớt lên ngay, cho nên tới nay mới còn sóng sót.
Vậy nay tôi xin kể rõ đầu đuôi, đem trình lên quan thủ hiến, mong ngài lấy lượng trời soi xét mà giải oan cho thì tôi được đội ơn vạn bội..."
Phan Nhược Thủy xem xong, ngẩn hẳn người ra, nghĩ ngợi giờ lâu, rồi mới bảo Phan Quý rằng:
- Anh có lòng nghĩ đến tình thầy trò cũ mà báo cho tôi biết việc này, thực tôi lấy làm cảm tạ vô cùng. Việc này nói ra cho đúng thì anh cũng đã hiểu cả rồi, tôi giấu anh cũng không được nữa. Vậy bây giờ duy của một cách là tính mệnh của tôi ở tay anh cả, anh làm sao cho chu toàn được thì tùy ở anh, chứ về phần tôi, tôi cũng không biết nói sao cho tiện được!
Phan Quý cũng giả vờ thần người một lúc, rồi mới bảo Nhược Thủy rằng:
- Việc này tôi cũng không biết làm thế nào cho ổn. Duy bây giờ chỉ có cách là phải nghe đúng như lời lão Vương Nho Cát, nhưng không biết ông có ưng thế hay không?
- Ông ta bảo thế nào, anh cứ nói rõ tôi xem.
Phan Quý ra vẻ rụt rè mãi mãi, rồi mới chịu nói:
- Cứ theo như ý ông ta thì việc này tất phải xếp đến 10 vạn lạng bạc, ông ta mới chịu xóa bỏ đi cho. Bằng không thì cũng khó lòng xong được.
Nhược Thủy nghe nói lè dài lưỡi ra mà rằng:
- Chết nỗi, như thế thì làm sao được! Gia tài nhà tôi có được bao nhiêu, người ta thì không kể, chứ anh đã ở đây bao lâu phỏng anh còn lạ gì nữa.
Phan Quý gật đầu mà rằng:
- Tôi cũng biết rồi, bởi thế tôi có nói với ông ta hết lẽ... mãi sau ông ta chỉ chịu rút xuống cho số 5 vạn, chứ nói rút nữa thì ông ta nhất định không nghe...
Nhược Thủy cau nét mặt, bóp trán cố nghĩ một lúc, rất bỗng gật đầu bảo Phan Quý rằng:
- Thôi thì tôi cũng đành phải cố xoay như thế cho xong chuyện vậy. Nhưng còn thằng bé con nhà họ Vu đó thì sao? Anh có nghĩ cách nào mà trừ nó đi không thì sau này nó lại lôi ra, bấy giờ tôi biết làm sao với nó.
Phan Quý ra dáng quả quyết:
- Cái đó không hề chi. Nếu ông có ngại thì tôi xin kết liểu ngay nó đi là rảnh chuyện. Nhưng cái số 5 vạn lạng bạc, ông phải nói cho đúng mới được.
Nhược Thủy ra dáng quả quyết đáp rằng:
- Cái đó khi nào mà sai được. Hễ ông Vương Nho Cát viết cho tôi mấy chữ là tôi xếp tiền trao ngay một vạn, còn thì xin khất đưa dần...
Phan Quý lấy làm vui vẻ vô cùng, bèn cáo từ Nhược Thủy quay ra. Đến ngày hôm sau, Phan Quý giả vờ làm một cái giấy biên nhận món tiền một vạn đưa đến, bắt Nhược Thủy phải nộp ngay ra một vạn, còn 4 vạn nữa thì cho viết chịu lại, mỗi năm phải nộp 5 nghìn, nộp làm 8 năm thì hết.
Khi thu nhận xong rồi, Phan Quý liền quay về nhà trọ, bảo Vu Anh là phải về Đan Dương để thưa ở quan sở tại. Vu Anh không hiểu đầu đuôi ra sao, cũng theo Phan Quý xuống thuyền để quay về đất Đan Dương.
Bất ngờ một hôm thuyền đương đi ở giữa đường, Phan Quý liền đợi cho đến gần tối, rồi néo thuyền vào một nơi vắng vẻ, gọi Vu Anh ra mà bảo rằng:
- Tôi đây đối với nhà anh, vốn không có ơn sâu nghĩa nặng xưa nay, mà đối với nhà Phan Nhược Thủy cũng không có thù hằn chi cả. Nay không lẽ nào tôi lại lưu anh ở trên dương thế mà nỡ làm hại Nhược Thủy cho đành! Vậy hồi trước đây tôi vớt anh ở dưới nước lên thì nay bất nhược tôi lại vất trả anh xuống nước cho rảnh công chuyện. Còn việc của anh thì sau đây sẽ có trời đất soi xét cho.
Nói tới đó, không đợi cho Vu Anh nói nửa câu, liền ẵm thẳng ngay lên để ném xuống sông...
Cõi đời trăm thảm nghìn oan,
Biết đâu cao thấp mà toan hỏi trời.
Khúc sông bên lở bên bồi,
Sông kia hỏi thấu cho đời hay không?