Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG XI
THÚ DU LÃM

1. ĐI CHƠI VÀ NGẮM CẢNH
 
Du lịch là một cái thú và bây giờ đã thành một kĩ nghệ. Nhờ có những phương tiện dễ dàng, nhờ có những cơ quan du lịch của chính phủ, chúng ta ngày nay du lịch nhiều hơn ông cha chúng ta. Nhưng nghệ thuật du lãm hình như đã mất. Trước khi tìm hiểu nghệ thuật đó, chúng ta hãy xét các cách du lịch mà không phải là du lãm.
 
Có cách du lịch để cho tinh thần được phong phú. Tôi ngờ rằng tinh thần không dễ gì mở mang được. Cứ coi kết quả các câu lạc bộ và các cuộc diễn thuyết thì biết. Do quan niệm sai lầm đó nên mới có những tổ chức dẫn đạo khách du lịch. Không thể tưởng tượng được một hạng người nào hay nói mà vô ích hơn cái bọn dẫn đạo du khách nữa. Ở Trung Hoa cũng có bọn đó nhưng họ không phải là bọn nhà nghề mà là những người bán trái cây, những phu xe hoặc con cái nông dân, sự hiểu biết không được chính xác, nhưng có cá tính riêng, dễ thương hơn bọn nhà nghề phương Tây.
 
Rồi lại có cách du lịch để có tài liệu dùng trong các lúc nói chuyện. Đi càng nhiều thì càng biết được nhiều di tích lịch sử, kí ức càng phong phú, về nhà càng có dịp kể lại cho bạn bè nghe mà câu chuyện càng thêm vui. Nhưng càng muốn biết cho nhiều thì càng lại phải đi coi cho được nhiều nơi trong một ngày. Người ta cầm trong tay một chương trình du lịch, coi một nơi nào rồi người ta lấy viết chì bôi bỏ tên nơi đó đi. Hạng người đó, cả trong lúc nghỉ ngơi cũng muốn có hiệu năng.
 
Lối du lịch ngu xuẩn đó tất nhiên phát sinh ra một hạng du khách đi coi các nơi theo một chương trình nhất định, và theo một thời khắc biểu nhất định: sẽ ghé Vienne mấy giờ hay Budapest mấy giờ. Họ kính cẩn theo đúng thời khắc biểu, không dám sai một chút. Thành thử ở nhà họ đã như bị buộc vào tấm lịch và chiếc đồng hồ mà đi du lịch, họ cũng không thoát li được hai cái đó.
 
Tôi đề nghị tìm một động cơ chân chính cho sự du lịch trái hẳn với những động cơ kể trên. Du lịch theo tôi là để hòa vào trong đám người lạ, không ai biết mình cả, là để quên hết thảy đi. Ở trong châu thành của mình thì ai cũng bị bó buộc vì những luật lệ, thế tục, tập quán, bổn phận. Một ông giám đốc ngân hàng chẳng hạn, dù là ở nhà đi nữa, vẫn không được người ta coi như một người thường, mà chính ông ấy cũng không thể quên được rằng mình là giám đốc ngân hàng; mà theo tôi, ông ta có muốn đi du lịch thì chỉ là để được tiếp xúc với những người coi ông ta là một người thường như mọi người khác, không vậy thì đi du lịch để làm gì kia! Trong những cuộc lữ hành về thương nghiệp, đem theo những bức thư giới thiệu là việc hữu ích, nhưng đi như vậy không phải là đi du lịch. Đi du lịch mà mang theo những bức thư đó thì có hiểu thêm được gì về bản thân của mình, có biết rõ được Tạo hóa sinh ra mình để làm gì đâu. Mất cái thú được bạn thân tiếp đãi niềm nở tại một xứ lạ, được hướng dẫn trong cái giới cùng giai cấp với của mình, thì lại được một cái thú khác kích thích hơn nhiều, tức cái thú của một hướng đạo sinh lạc trong rừng mà phải tự xoay xở lấy. Đi du lịch như vậy rồi về nhà sẽ thấy mình bớt phải tùy thuộc người tài xế hoặc ông chủ hàng thịt quen của mình.
 
Một người du lãm luôn luôn là một người phóng lãng, có những cái vui, những cái cám dỗ, cái tinh thần mạo hiểm của người phóng lãng. Du lãm phải là phóng lãng, không có cái gì bó buộc, không có giờ nhất định, không thư từ, không thăm viếng ai cả, không có cả mục đích nữa. Một người biết du lãm là một người không biết mình đi đâu, và một người du lãm hoàn toàn quên cả mình ở đâu mà tới nữa, quên cả tên, họ mình nữa. Đồ Long trong thiên Minh Liêu tử đã diễn rõ ràng ý đó (coi tiết sau). Có thể rằng một người như vậy không kiếm được một bạn thân nào trong xứ lạ, nhưng “Không đặc biệt lưu ý tới ai tức là lưu ý tới toàn thể nhân loại”. Không có bạn thân đặc biệt tức là coi ai cũng như bạn thân. Vì yêu hết cả mọi người nên hòa mình vào với mọi người, nhận xét những chỗ khả ái và những phong tục của mọi dân tộc. Ngày nay, những du khách ngồi xe ca, nghỉ ở lữ quán, nói chuyện với bạn đồng hành về xứ sở của mình, không còn được hưởng cái lợi kể trên nữa vì họ không chịu nhận xét tâm hồn dân tộc những xứ mà họ tới thăm.
Có tinh thần phóng lãng, ta mới tiếp xúc mật thiết với thiên nhiên được. Người phóng lãng đòi đi tới những nơi thật vắng vẻ để hưởng sự tĩnh mịch hoàn toàn mà cảm thông với thiên nhiên. Họ không mất thì giờ dạo những cửa hàng lớn, lựa những bộ áo tắm xanh xanh đỏ đỏ.
 
Ngoài ra, còn một cách du lãm nữa là tới những nơi không có người, không có cảnh, chỉ có mây, cây cối với những con sóc, con chuột xạ, con ngân thử (Marmotte). Một bà bạn Mĩ kể chuyện rằng có lần bà cũng với vài bạn Trung Hoa leo một ngọn núi ở Hàng Châu để “chẳng coi cái gì cả”. Buổi sáng hôm đó sương mù, họ càng leo núi, sương càng dày đặc. Có thể nghe được giọt sương rơi nhẹ trên ngọn cỏ. Trừ sương mù ra chẳng có gì để coi hết. Bà ta thất vọng. Các bạn Trung Hoa khuyến khích: “Phải tiếp tục leo tới đỉnh, cảnh trên đó tuyệt đẹp”. Bà ta rán leo nữa, một lát sau thấy ở xa xa có một tảng đá xấu xí mây phủ. Bà ta hỏi: “Cái gì đó?”“Đó là bông sen trồng ngược”. Rầu rĩ trong lòng, ba ta muốn quay trở xuống - “Nhưng trên đỉnh còn có cảnh đẹp hơn”. Áo đã ướt đẫm vì sương, bà ta lại rán tiếp tục leo. Sau cùng họ tới đỉnh. Bốn bề chỉ là một biển sương mù mênh mông, xa xa mờ mờ một dãy núi. Bà ta gắt: “Ở đây có gì để coi đâu?”. Các bạn Trung Quốc đáp: “Vâng, chúng ta tới đây để chẳng coi cái gì cả”.
 
Coi cảnh vật với coi cái hư vô, thực khác nhau xa. Nhiều du khách tuy coi nhiều cảnh vật mà thực ra chẳng thấy gì, và nhiều du khách chẳng coi cái gì cả mà lại thấy được rất nhiều.
 
Tôi thường cười thầm mỗi khi nghe nói một văn nhân nào đó đi du lịch ở ngoại quốc để “tìm tài liệu viết một tác phẩm mới”; cơ hồ như ở trong tỉnh, trong xứ ông ta, nhân tình, phong tục không còn có thể cung cấp đề tài cho ông ta được vì đề tài nào cũng đã khai thác hết nhẵn rồi. Vậy thì điều kiện cốt yếu của sự du lãm là phải biết nhìn sự vật; mà đã biết nhìn sự vật, thì đi ra nước ngoài hoặc đi chơi ngay trong cánh đồng ở quanh nhà cũng vậy thôi, không khác nhau gì cả.
 
Điều đó, Kim Thánh Thán đã nhận thấy. Trong bài phê bình nổi danh tuồng Tây Sương kí, ông nói người du lãm cần phải có “một biệt tài trong lòng và một cặp biệt nhãn dưới hàng lông mày”. Tất cả vấn đề ở đó: có một tấm lòng để cảm và một cặp mắt để ngó. Thiếu hai cái đó thì đi chơi núi chỉ là tốn tiền bạc, thì giờ. Mà có hai cái đó thì chẳng cần leo núi, cứ ở nhà, hoặc ra ngoài đồng ngắm một đám mây, một con chó, một hàng rào, một cây đứng lẻ loi, cũng hưởng được nhiều cái thú. Dưới đây, tôi xin dẫn một đoạn của Kim bàn về nghệ thuật du lãm:
 
“Tôi đã đọc nhiều bộ du kí và thấy rằng ít người hiểu nghệ thuật du lãm. Đành rằng người biết du lãm không ngại đường xa ngàn dặm, vạn dặm, cũng cố đi đến nơi để coi hết những cái kì diệu của hóa công trong cảnh núi non, sông biển, hang động, đất lành (phúc địa). Nhưng trong lòng có chút biệt tài, dưới hàng lông mày có cặp biệt nhãn thì chẳng cần tới coi những cảnh núi non, sông biển, hang động, đất lành mà cũng biết được hết cái kì diệu của hóa công. Hôm trước người đó đi thăm một hang đá, gần kiệt sức của chân, của mắt và của lòng để coi cho hết; hôm sau người đó lại đi thăm một nơi đất lành, lại gần kiệt sức của chân, của mắt, của lòng để coi cho hết. Người đi theo không hiểu người đó, bảo: “Ngày nào cũng đi chơi, khoái quá! Mới coi xong một cái hang đá, nay lại coi thêm một chỗ đất lành!” Họ không hiểu gì cả. Người biết du lãm kia khi rời khỏi hang mà chưa tới chỗ đất lành, giữa hai nơi đó là một khoảng cách hai ba chục dặm hoặc chỉ tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai dặm, hoặc chỉ cách một dặm hay nửa dặm; nhưng có được một biệt tài trong lòng và một cặp biệt nhãn dưới hàng lông mày, thì người đó cũng thưởng ngoạn cái khoảng một dặm, nửa dặm đó như thưởng ngoạn cái hang đá, cái đất lành kia.
 
“Cái đại bản lãnh, đại thông minh, đại khí lực của Tạo hóa hốt nhiên dựng thành hang đá, đất lành kia làm cho ta kinh tâm, đã đành rồi. Nhưng mỗi khi tôi nhìn kĩ những vật nho nhỏ trên trái đất này như một con chim, một con cá, một đoá hoa, một cây nhỏ, thậm chí chỉ nhìn một cái lông chim, một cái vảy cá, một cánh hoa hoặc một cọng cỏ, tôi cũng nhận thấy trong những vật đó, Tạo hóa đã phí bao nhiêu đại bản lãnh, đại thông minh, đại khí lực rồi sau mới tạo thành được. Ngạn ngữ có câu: “Sư tử dùng toàn lực để chiến đấu với voi, mà cũng dùng toàn lực để bắt con thỏ”; đấng Tạo hóa kia thì cũng vậy: dùng toàn lực để tạo cái hang đá, chỗ đất lành; mà tạo những con vật nhỏ nhoi như con chim, con cá, đoá hoa, cây nhỏ, thậm chí đến một lông chim, một vảy cá, một cánh hoa, một cọng cỏ, cũng không khi nào không dùng toàn lực. Do đó mà xét thì những cái làm cho ta kinh tâm, không phải chỉ có cái hang đá, cái đất lành mà thôi.
 
“Vả lại, chúng ta có bao giờ nghĩ rằng cái hang đá, cái đất lành kia sáng tạo ra làm sao không? Trang Tử bảo: “Hiểu trăm bộ phận trong mình con ngựa, không phải là hiểu con ngựa. Cái mà ta gọi là con ngựa có trước trăm bộ phận của nó”[1]. Lấy tỉ dụ khác; có cả trăm loài cây mọc chung quanh cái chằm lớn; có bao nhiêu đá, bao nhiêu suối ở trên cái núi lớn… Nhưng núi to do đá nhỏ mà thành, thác lớn do suối nhỏ mà thành. Nếu ta xét từng vật một thì đá không lớn bằng bàn tay, suối không lớn bằng dòng nhỏ. Lão Tử bảo: “Ba mươi cái găm xe tụ chung quanh một cái bầu xe, và khi những cái đó mất bản tính đi rồi[2] thì xe mới lăn được. Nặn đất sét sẽ làm cái bình, khi đất sét mất cái tồn tại riêng của nó đi rồi thì cái bình mới được dùng. Đục lỗ trong tường để làm cửa và cửa sổ; khi cửa và cửa sổ mất cái tồn tại riêng của nó đi rồi thì nhà mới có thể ở được”.
 
“Các hang đá và đất lành thì cũng vậy; có chỗ dựng đứng lên thành ngọn núi, có chỗ sâu hõm xuống thành ngòi, có chỗ bằng phẳng thành bình nguyên, có chỗ dốc thành sườn, có chỗ kéo dài ra thành cầu, có chỗ tụ lại thành khe, thật kì kì diệu diệu, nhưng ta biết rằng cái kì đó sở dĩ kì, cái diệu đó sở dĩ diệu là đều tại các vật đã mất cái tồn tại riêng của chúng đi. Vì khi chúng đã mất cái tồn tại riêng đi thì không còn ngọn núi, sườn núi, thác ngòi, bình nguyên, cầu, khe nữa. Mà chính ở cái điểm chúng mất cái tồn tại riêng đi mà biệt tài trong lòng ta cùng cặp biệt nhãn dưới hàng lông mày của ta mới phát động được mạnh mẽ.
 
“Mà cái biệt tài trong lòng ta cùng cặp biệt nhãn dưới hàng lông mày của ta đã chỉ có thể phát động được mạnh mẽ ở chỗ mọi vật không còn tồn tại riêng nữa, như vậy thì ta còn cần gì phải tới hang đá và đất lành nữa? Trong khoảng đường từ cái hang đá tới chỗ đất lành, cách vài ba chục dặm, hoặc chỉ cách có một dặm, nửa dặm, chỗ nào mà mọi vật chẳng mất cái tồn tại riêng của nó? Thấy một chiếc cầu nhỏ, một gốc cây đứng lẻ loi, một dòng nước, một xóm làng, một hàng rào, một con chó thì cái biệt tài, biệt nhãn của ta cũng phát động mạnh mẽ được; vậy thì cái kì kì diệu diệu ở hang đá, đất lành, chưa chắc đã hơn được cái kì kì diệu diệu ở những vật nhỏ nhoi này”.
 
2. MINH LIÊU TỬ ĐI CHƠI
Như trên chúng ta đã biết, tác giả truyện này là Đồ Long. Ông muốn tả một nhân vật phóng lãng mà ông đặt tên là Minh Liêu Tử (minh liêu là mù mịt, trống không). Minh Liêu Tử chán việc đời, trò đời, bỏ nhà đem theo một ít tiền ngao du sơn thủy, tới đâu cũng xin ăn, khi nào không xin được mới phải dùng tiền mua những vật thực cần thiết. Đi lang thang không nhất định tới chỗ nào, các danh sơn thắng cảnh đều đặt gót tới, có lần đàm đạo với đạo sĩ trên núi, có lần lại theo bọn vương tôn công tử về dinh họ ở cả tháng, ngâm thơ, bàn về triết lí, về lẽ sinh lão bệnh tử, về lẽ thịnh suy…
 
Sau ba năm phóng lãng như vậy, về ẩn trên núi Tây Minh, suốt đời không ra khỏi núi.
 
(Bản tiếng Pháp bỏ trọn cả tiết và chúng  tôi chỉ lược thuật như trên).
 
Chú thích:
[1] Sách Trang tử, thiên Tắc Dương. (Goldfish).
[2] Dịch theo Lâm Ngữ Đường. Chữ Hán là: “đương kì vô”, và người ta thường hiểu là “ở chỗ trống của nó”; cái bầu xe có trống xe mới chạy được, cái chén có chỗ trống mới chứa được, cửa có trống thì mới là cửa. Nhưng ở trong đoạn văn này của Kim Thánh Thán,  phải hiểu như Lâm Ngữ Đường thì mới có nghĩa.