Khoe Mình về Sự Yếu Đuối
II Cô-rinh-tô 11:16-33

"Mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội Thánh. Nào có ai yếu đuối mà tôi chẳng yếu đuối ư? Nào có ai vấp ngã mà tôi chẳng như nung như đốt ư?" (câu 29, 30).
Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô đã trải qua những hoạn nạn nào? Vì ai? Ông kể chuyện ông trốn khỏi thành Đa Mách để làm gì? Việc làm nào của Phao-lô tác động cách tích cực đến bạn ngày hôm nay?
Vì yêu thương Hội Thánh Cô-rinh-tô mà lòng của Sứ đồ Phao-lô luôn mang lấy gánh nặng về Hội Thánh này. Vì yêu thương họ mà ông không nhận tài trợ của họ và cảnh báo họ về những kẻ làm công cụ cho Sa-tan đang làm tổn hại Hội Thánh. Câu 20 mô tả việc làm gian ác của những người này: họ đem xiềng xích thay vì tự do; họ cướp bóc và làm tổn hại bầy chiên thay vì chữa lành; họ tự tôn mình thay vì tôn cao Đấng Cơ Đốc. Những điều họ làm hoàn toàn khác với Phao-lô.
Phao-lô đã phải chịu nhiều đau khổ và mất mát vì Hội Thánh. Ông nhắc đến những khổ nạn mà ông đã trải qua không phải để cho mọi người thương cảm ông, hay để khoe khoang công trạng nhưng để tôn vinh Đấng Cơ Đốc. Ông luôn nói về sự yếu đuối của ông nhằm giúp Hội Thánh Cô-rinh-tô đừng khoe khoang, kiêu ngạo nhưng bày tỏ đức tính nhu mì mà Chúa Giê-xu muốn thấy nơi họ. Phao-lô chịu khổ để các tín hữu Cô-rinh-tô và chúng ta ngày nay vui hưởng những phước hạnh do Phúc Âm mang đến. Cuộc chiến thuộc linh luôn đòi hỏi một giá đắt hơn là cuộc chiến thuộc thể. Dù trải qua bao đòn vọt tù đày, hiểm nguy trên đường bộ lẫn đường thủy, chịu khổ với đồng bào mình lẫn dân ngoại, nhưng nỗi đau cùng sự quan tâm lo lắng của Phao-lô không do ngoại cảnh mà ở trong lòng ông. Gánh nặng về từng tín hữu mà ông cưu mang luôn đè nặng ông (câu 27-30). Chúng ta không thể đọc những câu này với lòng dửng dưng, mà phải cảm nhận được sự cao trọng của Sứ đồ Phao-lô qua tình yêu thương, sự tận tụy, tận hiến của người chăn cho từng con chiên của mình.
Trong cuộc chiến chinh phục linh hồn người ta đòi hỏi Phao-lô và tất cả những người chăn phải xả thân vì bầy chiên đang khi Sa-tan tìm cách cắn nuốt và làm tan lạc bầy. Phao-lô đã chịu khổ từ ngày đầu tiên thi hành chức vụ cho đến ngày cuối cùng của ông trên đất. So với ông thì những khổ nạn ngày nay chúng ta phải nếm trải vì Đấng Christ chỉ là mảy may.
Phao-lô kết thúc chương này bằng một sự việc lý thú để nói lên sự yếu đuối và hạ mình của ông: ông phải trốn khỏi thành Đa-mách khi kẻ thù săn đuổi ông (Công Vụ 9:23-25). Liệu các sứ đồ giả có chịu cho người khác để mình ngồi trong cái giỏ rồi dòng xuống tường thành không? Chắc hẳn là không, vì họ có thể ngang nhiên bước đi qua cổng thành do họ đã thỏa hiệp với thế gian.
Bạn bày tỏ đức tính nhu mì trong nếp sống hằng ngày bằng cách nào? Bạn có tâm tình yêu thương và mang lấy gánh nặng về Hội Thánh địa phương của bạn không?
Lạy Chúa, xin giúp con có thể tôn vinh Ngài qua nếp sống yêu thương, mềm mại và hy sinh chịu khổ vì Ngài và vì Hội Thánh như chính Phao-lô.