Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Hai Mươi Chín
Giúp người cùng khổ, Châu lão kinh dinh.
Mời khách anh hùng, Triển Thiệu đồng hạnh.

Đinh Triệu Huệ sai tiểu đồng mở gói ra, gói lớn gói nhỏ khác nhau. Đinh Triệu Huệ nói: "Tám cây bạc này phân lượng chẳng đồng, có nặng có nhẹ, nhưng cả thảy được bốn trăm hai chục lượng”. Châu lão vui mừng hết lòng cảm tạ. Đinh Triệu Huệ lại nói: "Nếu sau này có ai hỏi ông bạc ở đâu mà có, cứ nói rằng của con quan Tổng binh trấn phủ Hùng quan tên là Đinh Triệu Huệ hiện ở tại phủ Tòng Giang thôn Mạc Hoa". Triển Chiêu cũng nói: "Còn nếu có ai lấy gì làm tin, thời cứ nói có tên Triển Chiêu ở thôn Ngộ Truật huyện Võ Tấn phủ Thường Châu làm chứng”. Đinh Triệu Huệ lại sai tiểu đồng kêu chiếc thuyền câu hôm qua đem áo quần đã giặt sạch sẽ trả lại cho Châu lão. Rồi sai một đứa tiểu đồng mang bạc đi với Châu lão lo liệu việc lập tiệm. Châu lão tạ ơn rồi từ biệt ra đi. “Bấy giờ người tùy tùng của Triển Chiêu đã dắt ngựa tới, Đinh Triệu Huệ thấy vậy bèn nói: "Hôm qua có sai người tới kêu tôi về, tiểu đệ có gửi thư trả lời rằng, nhân dịp may gặp được tôn huynh, thời anh muốn tôi ra mắt như người khát trông nước. Vậy tiện dịp dám thỉnh tôn huynh quá bộ lại nhà chơi vài bữa". Triển Chiêu nghĩ rằng mình đang thư thả, cũng nên lại đó chơi ít lâu, liền nói: "Nếu tôn huynh không hạ cố thời thôi, nếu đã hạ cố ngu đệ nào dám từ”. Nói rồi kêu người hầu đem hành lý và ngựa trở về nhà đợi mình đi chơi Tòng Giang ít lâu.
Triển Chiêu và Đinh Triệu Huệ bèn dắt tiểu đồng, cùng nhau xuống thuyền nhắm Tòng Giang lướt tới Thuận buồm xuôi gió, đường sông từ đây tới Tòng Giang thật là gần. Trong khi cùng nhau ở dưới thuyền, hai người chuyện vãn rất là ý hợp tâm đầu, nhân hỏi tới tuổi tác, thời Triển Hùng Phi lớn hơn Đinh Triệu Huệ hai tuổi, nên Triệu Huệ kêu Hùng Phi bằng anh, còn Hùng Phi kêu Triệu Huệ lại bằng em. Trong lúc trò chuyện, bất giác nói tới chuyện Châu lão, Triển Chiêu bèn hỏi Triệu Huệ rằng: "Hiền đệ vâng lệnh bá mẫu đi dâng hương, sao lại đem nhiều bạc như vậy?". Triệu Huệ đáp: "Vì cần mua ít nhiều đồ đạc". Triển Chiêu hỏi: "Bây giờ tiền bạc ấy đã cho Châu lão hết rồi, lấy gì mua sắm được?". Triệu Huệ đáp: "Đệ tuy là bất tài, song cũng lo tạm được?”. Triển Chiêu cười nói: "Nếu cho mượn thời tốt, bằng không thời liền bị tắt đèn, làm sao lại không được?". Đinh Triệu Huệ nghe nói lấy làm lạ hỏi: "Triển huynh nói thế là có ý gì?". Triển Chiêu liền đem chuyện đêm trước thuật lại, hai người vỗ tay cười xòa. Chuyện vãn vừa xong, thuyền đã tới bến đậu, hai người lên bờ. Đinh Triệu Huệ sai tiểu đồng chạy mau vào nhà báo tin, còn mình cùng Triển Chiêu lững thững đi sau. Qua một chỗ Hùng Phi thấy một con đường trải đá, hai bên là một cụm rừng rất sum sê sầm uất, dưới mỗi gốc cây dài theo con đường ấy đều có một người hoặc hai người đầu không đội mũ, chân chẳng đi giày, áo ngắn quần cụt, mày đậm mắt to, khoanh tay đứng hầu, bèn hỏi Đinh Triệu Huệ rằng: "Những người ấy làm gì mà ở đó đông vậy?". Triệu Huệ đáp: "Nguyên vì dưới sông này có đến năm trăm chiếc thuyền chài lưới thường hay đánh lộn nhau tranh giành tôm cá, nên mới lấy chỗ Lưu Hoa Thang làm ranh giới. Mỗi bên quản hơn hai trăm chiếc, cứ mười chiếc có một người tiểu đầu mục, trăm chiếc có một người đại đầu mục, và cả thảy có một vị thủ lãnh giữ những điều ước hẹn của hai bên. Hai anh em tôi quản một bên, hễ trong phủ có cần dùng cá tôm thời các đầu mục vâng lệnh cung cấp, còn bao nhiêu mới đem ra chợ bán. Mấy người ấy tức là các đầu mục, nay tới đây trình diện tiểu đệ". Triển Chiêu nghe nói gật đầu bước đi, tới một con đường lát đá vảy cá xanh, đó là tới cửa ngõ, thấy trên cửa có một người đương đứng chờ, hai bên theo hầu rất nhiều trang đinh. Người ấy thấy Triển Chiêu đi tới bèn bước xuống rước.
Người này là Đinh Triệu Lang anh em sinh đôi với Triệu Huệ, ra trước một giờ nên đứng ngôi anh. Cả hai hình dáng in hệt nhau, nếu Triển Chiêu không gặp Triệu Huệ trước thời chắc là nhận lầm ngay. Triển Chiêu theo anh em họ Đinh vào trong, mở bảo kiếm ở lưng ra đưa cho tiểu đồng, rồi cùng ngồi vào bàn. Triển Chiêu muốn vào ra mắt Đinh thái thái, Triệu Huệ đỡ lời xin để mình bẩm lại, rồi chừng nào ra mắt cũng được. Trong khi uống trà, anh em họ Đinh hỏi tới việc của Triển hùng Phi cứu Bao Công thế nào, và được hậu đãi ra sao? Triển Chiêu liền đem cả việc tại Kim Long Tự gặp sãi dữ, nơi Thổ Long Cang gặp kẻ cướp, ngoài trấn Thiên Xương, trong vườn hoa của Bàng Kiết phá tà ma, đầu đuôi thuật lại cặn kẽ. Hai anh em họ Đinh nghe xong khen ngợi lắm. Lại hỏi rằng: "Cũng có nghe đại ca bái yết Thánh thượng tại lầu Diễn võ có diễn thi võ nghệ, được Thánh thượng cho hiệu là Ngự miêu, đầu đuôi làm sao nói cho anh em tôi được biết?". Triển Chiêu đáp: "Việc đó đều tại Bao tướng gia tâu lên, chớ ngu huynh tài cán gì mà dám như vậy”. Triệu Huệ nói: "Đại ca bất tất phải khiêm nhượng, chúng tôi muốn đại ca múa một hiệp để chỉ bảo thêm, chẳng hay có ưng không?". Triển Chiêu đáp: "Bảo kiếm đã đưa cho gia đinh cất rồi". Triệu Huệ bèn sai gia đinh vào lấy, rồi tự mình tuốt ra khỏi vỏ, thấy màu sáng chói lòa, tiếng khua như khánh, rất khen ngợi là kiếm tốt. Triển Chiêu muốn thử tài hai anh em họ Đinh biết xem kiếm hay không, bèn hỏi rằng: "Nhị vị có biết kiếm ấy tên là gì không?". Triệu Lang với tay cầm kiếm lên xem một lượt rồi nói rằng: "Có phải là kiếm Cự Khuyết chăng?". Triển Chiêu khen thầm trong bụng rằng: "Thật là bậc chân tài có mắt xem nổi bảo kiếm". Rồi nói rằng: "Thật lời nói chẳng sai, đó là kiếm Cự Khuyết vậy”. Dứt lời đút kiếm vào bao. Triệu Huệ tiếp lời rằng: "Khi nãy đại ca vừa có ý về việc múa kiếm, vậy cũng nên múa vài hiệp cho chúng em coi". Triển Chiêu thấy không thể chối từ, liền uống ít chén rượu, rồi xăn áo vo quần, xách kiếm ra trước sân. Anh em họ Đinh cũng bước theo, Triển Chiêu quay lại nói rằng: "Đường kiếm của tôi còn rất sơ sài, nếu có chỗ nào chưa hay, xin nhị vị hiền đệ chỉ giáo thêm". Hai anh em họ Đinh đồng thanh nói: "Đâu dám như thế, đâu dám như thế”. Triển Chiêu nghe xong liền vung kiếm ra múa. Anh em họ Đinh đứng dựa cột xem, tới mấy chỗ hay, vỗ tay khen ngợi. Triển Chiêu múa xong ngừng kiếm nói với anh em họ Đinh rằng: "Tài hèn như vậy, có chi đến phải làm nhọc mắt nhị vị hiền đệ đâu”. Hai anh em họ Đinh nói: "Kiếm pháp như vậy, trên đời dễ có mấy ai, nhưng tiếc vì kiếm ấy có hơi nhẹ tay một chút. Tiểu đệ có một cây kiếm rất tốt, xin dâng cho đại ca xem". Nói rồi kêu một đứa tiểu đồng lại dặn nhỏ ít lời, rồi cùng nhau trở vào nhà. Tới nơi thấy rượt thịt ê hề, nem, cá đầy mâm. Triệu Lang cầm bầu rót rượu đưa cho Triển Chiêu và mời ngồi vào tiệc.
Cùng nhau thù tạc được ít chén, tiểu đồng mang kiếm tới, Triệu Huệ tiếp lấy, rút ra đưa cho Triển Chiêu và nói: "Kiếm này nguyên của cha chúng tôi để lại, bấy lâu nay cũng chưa biết tên nó là gì, dám phiền đại ca coi thử". Triển Chiêu nghĩ thầm rằng: "Đinh nhị gia thật là tinh quỷ, mới một chút mà muốn trả đũa lại ta nên đem kiếm ra thử tài". Nghĩ rồi lấy kiếm xem thử, xem xong cười rằng: "Thật là bảo kiếm, song không hiểu có phải là kiếm Tràm Lư hay không?". Đinh Triệu Huệ đáp: "Lời đại ca nói chẳng sai, song không biết dùng kiếm này múa có được vừa tay không?". Triển Chiêu nghe nói liền xách kiếm ra múa một chặp nữa. Hai anh em họ Đinh xem xong hỏi rằng: "Đại ca múa kiếm này có mệt chăng?". Triển Chiêu nghe hỏi chẳng vui liền đáp: "Kiếm này nếu sánh với kiếm của tôi thời nhẹ hơn nhiều lắm". Đinh Triệu Huệ nói: "Sao đại ca lại nói vậy, khinh kiếm tức là khinh người đó, kiếm này còn có chủ nó, e cho đại ca thấy mặt chủ nó mà không dám chưng tài mình ra!". Câu nói ấy làm cho Nam Hiệp thẹn thùa, gắt lên rằng: "À! Dầu chủ cây kiếm này là người thế nào, liệt huynh cũng xin thừa tiếp, chớ sợ gì, hiền đệ nói coi người ấy là ai?". Đinh Triệu Huệ nói: "Đại ca chớ quên lời, kiếm ấy của em gái tôi đó”. Nam Hiệp nghe nói mắc cỡ liếc Triệu Huệ một cái, kế thấy con hầu ra thưa có Đinh thái thái tới. Triển Chiêu nghe thưa vội vã bước ra khỏi tiệc, cúi đầu làm lễ. Đinh thái thái vào ngồi yên nơi, ngó lên xem tướng Nam Hiệp một lượt, thấy rõ là một kẻ anh tài hào kiệt, bất giác lộ vẻ vui mừng nói ngay rằng: "Thôi mời hiền đệ hãy ngồi xuống, bất tất giữ lễ cho lắm “.
Nguyên là lúc Triệu Huệ vừa gặp Triển Chiêu thời đã có ý muốn tính nhân duyên cho em gái mình, nên lúc về nhà vào ra mắt Đinh lão mẫu đã có tỏ ý rồi. Nên khi Triển Chiêu ra mắt, Triệu Huệ thấy mẹ mình đã ưng ý, nên len lén lui ra, chạy thẳng vào phòng thêu của tiểu thư.
Thật là:
Thấy khách anh hùng liền đẹp ý.
Lo chi thục nữ chẳng vừa lòng.

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm