Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Tưởng nghĩa sĩ, hai phen lên Túy Vân Phong,
Triển Ngự Miêu, một mình qua Hãm Không đảo.

Quan huyện sai người đi rước công tử rồi, liền lập tức thăng đường đem Tống Thăng ra vả miệng bợp tai về tội vu cáo người ngay, rồi đuổi về. Lại cho đem Phương Thiện ra giữa công đường, truyền cởi xiềng và nói lại đầu đuôi các việc, yên úy cho vui lòng rồi mời ngồi. Phương tiên sinh thấy quan huyện hậu đãi như vậy cũng vui mừng phấp phỏng.
Ai nấy còn ngồi đợi nơi công đường, giây lâu đã thấy kiệu rước Bao công tử về tới. Bọn Tưởng Bình, Trương Long, Triệu Hổ tới ra mắt. Bao Vượng chạy lại mừng chủ. Công tử đáp lễ lại rồi tỏ ít lời cảm kích cùng Phương tiên sinh. Quan huyện mời cả các vị vào thư phòng, bày tiệc khoản đãi, còn Bao Vượng thời cắt người cho ăn uống tử tế.
Tiệc bày sang trọng ăn uống đậm đà. Quan huyện đứng dậy nói với Bao công tử rằng: "Tệ cảnh chẳng may xảy ra việc dữ, nay phạm nhân bị bắt, còn Đặng Cửu Như tìm chưa được thây. Tuy Võ Bình An đã khai rồi, song cần phải tra xét cho lắm mới được. Vậy về tới phủ công tử khéo lời tâu bày cho rõ với Tướng công”. Bao Thế Vinh gật đầu ưng nhận, và nhờ quan huyện chăm nom giùm Phương tiên sinh và Ninh bà. Duy có bọn Tưởng Bình thời nói chuyện khác, đem lệnh tướng gia phái đi tìm Hàng Chương mà thuật lại.
Tiệc xong bọn Tưởng Bình kiếu lên núi Túy Vân, Phương Thiện trở về nhà vui vẻ với con gái còn Bao Thế Vinh thời sửa soạn theo Bao Vượng về phủ Khai Phong.
Nay lại nói về bọn Tưởng Bình. Ba người lên núi Túy Vân vào chùa Linh Hựu ra mắt hòa thượng và hỏi thăm tin Hàng Chương đã ra tới hay chưa. Hòa thượng nghe hỏi đáp rằng: "Rủi cho ba vị quá, Hàng nhị gia lên lễ tảo mộ đã đi hôm qua rồi". Ba người nghe nói tức mình lắm. Tưởng Bình hỏi: "Vậy có nghe Nhị ca tôi cư trú ở đâu không?”. Hòa thượng đáp: “Tiểu tăng có hỏi, song Nhị gia nói rằng: "Bậc đại trượng phu bốn biển là nhà, chân bèo trôi nổi, không chỗ nào là nơi ở nhất định". Tưởng Bình nghe nói thở dài và buồn bã lắm, một lát cùng cả bọn kéo nhau lên mộ của mẹ Hàng Chương thời thấy có tro tàn hương lụn, hoa mới rõ ràng. Ba người liền lạy bốn lạy viếng mộ. Triệu Hổ nói: "Bây giờ tìm không gặp Nhị ca, vậy chúng ta nên trở về huyện Bình". Tưởng Bình đáp: "Bây giờ trời tối rồi, đi không kịp, nên trở về chùa là xong, rồi sáng ngày sẽ xuống huyện".
Ba người đồng ý trở về chùa ngụ tại nhà Vân Đường, tới sáng sớm mới xuống huyện Bình.
Hàng Chương thực vẫn còn ở trong chùa nhưng có dặn hòa thượng rằng: Hễ ba người ấy trở lại thời nói rằng mình đã đi khỏi rồi. Hàng Chương lánh ở trong phòng của hòa thượng. Chuyến này Triệu Hổ hòa với Tưởng Bình, nên ở chung tại nhà Vân Đường thành ra lại hóa hay.
Ba người trở về huyện thì Bao công tử còn ở đó, bèn nói chuyện tìm chẳng được Hàng Chương và tính về Đông Kinh. Quan huyện nghe nói liền sai nha dịch bốn tên chuẩn bị kiệu ngự sẵn sàng, đưa thầy trò công tử theo công sai về phủ. Đi suốt một ngày đã tới kinh thành. Bọn Tưởng Bình quất ngựa chạy riết về phủ Khai Phong, đem việc tìm Hàng Chương không gặp, và việc cứu công tử, bắt Võ Bình An bẩm lại, Bao Công nghe xong, cho các vị lui ra yên nghỉ.
Chẳng bao lâu Bao Thế Vinh cũng vừa tới, ra mắt Bao Công. Nhân hỏi can cớ làm sao mà bị hại, thời công tử liền đem cả đầu đuôi thuật lại và tỏ việc Phương Thiện hứa hôn, quan huyện hậu đãi v. v... Bao Công nghe nói mừng lắm, viết thư cảm tạ quan huyện, mua đất ruộng gấm lụa cho Ninh bà, viết thư về nhà tỏ việc hôn nhân của Thế Vinh, sai người rước Phương Thiện và tiểu thư Ngọc Chi đưa về thôn Tiểu Bao ở chung với Thái lão gia và Thái phu nhân, chờ lúc Thế Vinh thi đậu sẽ làm lễ thành hôn. Còn Võ Bình An thời lên án tử, dùng Cẩu đầu trát mà chém, Lưu giải cũng xử trảm, nhưng giam hậu.
Nói về Tưởng Bình trở về phủ Khai Phong ra mắt các vị anh hùng, ai nấy đủ cả, duy không thấy Triển Chiêu, trong lòng đã sinh nghi, liền hỏi rằng: "Triển đại ca đã đi đâu rồi?". Lư Phương đáp: "Cách đây ba ngày, Hộ vệ bỏ ra đi, có lẽ qua Tùng Giang thì phải". Tưởng Bình nghe nói lật đật hỏi: "Vậy sao không ai cản giùm, lại để đi lôi thôi như vậy?”. Công Tôn Sách nói: "Tôi có cản đôi ba lần, nhưng Hộ vệ không nghe thời biết làm sao!". Tưởng Bình tức mình giậm chân mà rằng: "Đó thật là tại tôi, vì hôm trước tôi có nói tìm được nhị ca làm nội ứng, rồi Hộ vệ sẽ đi, té ra tôi nói thật mà Hộ vệ tưởng là tôi nói khích, nên bỏ đi trước một mình. Nè anh em, ai lại không biết tâm tính của Ngũ đệ, nếu Triển hộ vệ đi đây, có xảy ra điều gì thật là khổ lắm. Lúc tôi đi dọc đường về đây, có nghĩ rằng: Chúng ta phải đi cả tới thôn Mạc Hoa bàn tính với hai anh em họ Đinh việc ấy thì mới xong, ai dè Triển hộ vệ là như vậy biết làm sao?". Công Tôn Sách hỏi: "Chuyện đã lỡ rồi, bây giờ Tứ đệ nghĩ phải thế nào?". Tưởng Bình nói: "Tốt hơn hết là chúng ta xin với tướng gia qua thôn Mạc Hoa, rồi tùy tình thế ra sao mà hành động". Ai nấy đều cho là phải.
Nguyên Triển Nam Hiệp ở tại phủ đợi Tưởng Bình mấy ngày nay chưa thấy về, trong bụng nghĩ rằng: "Tưởng Trạch Trường có ý nói khích ta, nếu đợi y về, té ra ta bất tài phải chờ y sao, chi bằng xin phép tướng gia đi tới đó trước coi thế nào?". Nghĩ rồi vào ra mắt Bao Công, lĩnh mệnh đi ra phủ Tùng Giang.
Tới nơi đưa văn thư vào ra mắt quan Thái thú, thái thú liền thỉnh vào thư phòng, Triển Chiêu thấy quan Thái thú người còn trai trẻ, lại có một vị quản gia đã già. Đương ngồi nói chuyện, lại thấy một người đi ra nhìn mình một hồi rồi kéo vai vị quan gia ấy lại trở vào kê miệng vào tai Thái thú nói nhỏ ít câu. Thái thú liền thỉnh Nam Hiệp vào nhà trong đàm đạo. Triển Chiêu không rõ ý tứ gì, cứ việc đi theo vào trong. Vừa ngồi yên, bỗng thấy bọn hầu gái nâng đỡ một vị phu nhân từ trong bước ra, vừa thấy Triển Chiêu liền sụp xuống quỳ lạy, cả gia quyến Thái Thú cũng quỳ mọp cả. Triển Chiêu thấy vậy thất kinh, chưa rõ chuyện gì, kế nghe quan Thái thú nói: "Thưa ân nhân, tôi đây là Điền Khởi Nguyên, vợ là Kim Ngọc Tiêu, nhiều phen được ân công cứu khỏi nạn to, nên được còn mạng thi đậu và làm quan, ấy là nhờ ân công tái tạo đó”. Triển Chiêu nghe rõ liền đáp lễ lại. Kim phu nhân và Vương Thị lui vào, Thái thú liền đặt tiệc khoản đãi.
Đương lúc chén tạc chén thù, Điền Thái thú liền hỏi: "Chẳng hay ân công vâng lệnh tới đảo Hãm Không có việc chi?". Triển Chiêu liền kể việc đi bắt khâm phạm là Bạch Ngọc Đường cho Thái thú nghe. Điền Thái thú nói: "Nghe đâu tại đảo Hãm Không đường lối ngoắt ngoéo, thế núi gay go, ân nhân đi một mình sao được. Vả lại Bạch Ngọc Đường là người tài giỏi, lại lui về giữ trong núi, e có nhiều mưu mai phục, xin ân nhân suy xét cho kỹ rồi hãy đi!”. Triển Chiêu nói: "Tôi với Bạch Ngọc Đường tuy chẳng phải thân thiết, song cũng là cùng nghề võ, hàng ngày lại không thù khích, nếu gặp được y, tôi sẽ lấy đại nghĩa cảm hóa, nếu y nghe thời tốt, sẽ về phủ Khai Phong chịu lệnh Bao đại nhân, nếu chẳng nghe tôi quyết liều mạng cho rõ tài cao thấp". Điền Thái thú nghe nói lòng cũng được yên ổn chút ít. Triển Chiêu lại nói: “Nay xin phiền Thái thú lựa người nào thông thạo đường lối, đưa giùm tới Lư gia trang, ấy là đủ đáp hậu tình rồi". Thái thú liền sai Điền Trung đi kêu tên quan sát đầu là Dư Bưu tới dạy rõ các việc. Dư Bưu vâng lệnh sắm sửa thuyền chèo, đợi hết canh một lúc sẽ đi Triển Chiêu dùng cơm nước rồi, yên nghỉ một lúc tới đầu canh hai, bèn cùng Dư Bưu xuống thuyền nhắm Lư gia trang chèo tới. Thuyền tới Phi Phong lĩnh bèn đậu lại ở đó.
Triển Chiêu dặn Dư Bưu rằng: "Mi nên ở đây thám thính, nếu quá ba ngày mà ta chưa trở lại, thời lập tức về phủ báo gấp với Thái thú, đợi quá một tuần ta chưa về phủ thời phải báo lên phủ Khai Phong". Dư Bưu vâng lời, Triển Chiêu liền nhảy lên bờ, bây giờ đã quá canh hai, cứ theo bóng trăng đi tới Lư gia trang, chỉ thấy một dải tường cao chắc chắn lắm, tìm tới cửa thời thấy đóng bịt bùng, liền tìm một cục đá đập vào cửa rầm rầm và kêu rằng: "Có ai ở trong không?". Nghe có tiếng hỏi: "Ai đó?", Triển Chiêu đáp: "Ta là họ Triển tới ra mắt Ngũ viên ngoại đây". Người ở trong lại hỏi: "Có phải là Nam Hiệp xưng hiệu Ngự miêu Triển lão gia đó không?". Triển Chiêu đáp: "Phải, vậy có viên ngoại ở nhà hay không?". Người ở trong nói: "Có, vậy xin ngài nán lại đợi tôi trở vào bẩm lại". Triển Chiêu đứng đợi đã lâu không thấy ai ra, máu giận đã sôi, vác đá đập vào cửa. Chợt thấy mé tây nam đi lại một người, nói lè nhè như người say rằng: "Mi là ai, nửa đêm tăm tối lại dám tới đây réo, có đợi được thời đợi, không đợi được giỏi thời làm sao vào được thời vào". Nói rồi bỏ đi. Triển Nam hiệp nổi giận nghĩ rằng:!”Đó là người của Bạch Ngọc Đường sai ra chọc ta, ắt trong ấy có mai phục, vậy ta há sợ hay sao". Nghĩ rồi đeo theo cửa, leo lên đầu tường, dòm xuống mé trong là đất bằng, liền nhảy xuống đi vòng lại cửa Huỳnh Lương, cũng thấy khóa chặt; lại qua nhà hai bên xem cũng không thấy ai. Đi vòng tới mé tây, gặp một cái cửa Huỳnh Lương nữa, giống hệt với cái khi nãy, bèn bước lên thềm thời thấy hai cánh cửa mở rộng, ngay trên có treo lồng đèn, trên” có bản chữ son đề Đại môn, bình phong trước mặt có treo một tấm biển đề hai chữ "Nghênh tường". Triển Chiêu nói thầm rằng: "Chắc họ Bạch ở tại đây rồi!”. Nói rồi rảo bước vừa đi vừa giữ mình phòng ngừa. Nhón gót đi vào tới hai tầng cửa nữa, qua khỏi hai tầng cửa đó thời tới dãy nhà khách năm căn. Nơi ấy tối om, chỉ thấy góc mé đông lấp ló bóng đèn, chẳng rõ nơi đó là chỗ gì, liền vòng qua cửa ngách mé đông, thấy cửa ấy thềm cao hơn hai tầng cửa ngoài. Triển Chiêu bụng nghĩ rằng: "Đây là theo dốc núi mà cất nhà, thế ấy rất gay go". Nghĩ đoạn nhìn lại thời đó là một cái nhà năm căn, nện bằng thẳng lắm. Trong ấy đèn đuốc rực rỡ, nhưng chỉ thấy mở có một cái cửa tại đầu phía bắc. Triển Chiêu lấy làm lạ nghĩ rằng: "Năm căn nhà như thế này sao lại không chừa cửa ở căn giữa, mà lại mở ở đầu phía bắc". Nghĩ rồi đi lên cửa, thời cửa ấy là cái cửa sổ nhỏ, dùng mở cho thoáng khí; đương còn nhìn xem, thời cửa mở toang ra, nhìn vào trong thấy bàn ghế la liệt, vừa có người quay lưng đi vào, mặc áo xanh màu lục có thêu hoa rất đẹp. Triển Chiêu định chắc đó là Bạch Ngọc Đường, liền vội vã đi theo tới căn thứ ba, người ấy quay mặt một cái, coi thoáng qua giống hệt Bạch Ngọc Đường, rồi vén bức rèm bước vào trong. Triển Chiêu nghĩ bụng rằng: “Thật là lạ, ta đã tới đây, Ngũ viên ngoại còn mắc mớ gì mà chẳng tiếp rước, ta thử đường đột đi vào coi y làm sao". Nghĩ rồi vén rèm bước vào thấy người ấy ngồi quay lưng trở lại đầu đội mũ võ sinh, mình mặc áo thêu hoa, chân đi giày da láng, trước mặt đèn đuốc sáng trưng. Triển Chiêu bước vào vừa kêu: "Ngũ hiền đệ, mạnh giỏi há!". Kêu như vậy đôi ba lần, không thấy trả lời, liền bước tới vỗ vai, té ra không phải Ngọc Đường, mà là hình nộm bằng cỗ lồng đèn vậy. Triển Chiêu kinh hãi than rằng: "Thôi ta đã trúng kế rồi!".

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm