Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Năm Mươi Sáu
Cầu Độc Long, minh huynh bắt nghĩa đệ,
Phủ Khai Phong, án tướng đãi hiền hào.

Tưởng Bình nói: "Phải, ta là thằng đang ốm đây, mà sao từ hồi nào tới giờ không giỏi chèo thuyền đi, hay là theo cầu Độc Long mà qua sông". Bạch Ngọc Đường nghe nói cả giận, giơ sào đập đại. Tưởng Bình né một cái nhào xuống sông, Bạch Ngọc Đường chăm chú đưa mắt ngó theo, và bơi thuyền vào bờ, song thuyền vẫn không lay động. Chợt thấy Tưởng Bình ló đầu vịn be thuyền hỏi rằng: "Ngũ đệ muốn uống nước hay không?". Ngọc Đường chưa kịp trả lời thời thuyền đã úp xuống chìm ngấm, làm cho con chuột lông gấm (cẩm mao thử) là Bạch Ngọc Đường ướt lướt thướt như chuột lột.
Tưởng Bình sợ Bạch Ngọc Đường uống nước nhiều mà chết, thấy Đường đã mê man vội ôm lên bờ mé bắc. Vào tới bờ đã có nhiều thuyền đậu chực ở đó. Bọn thủy thủ thấy Tưởng Bình bắt được Bạch Ngọc Đường bèn reo lên rằng: "Tứ gia thành công rồi!”. Reo dứt tiếng, áp lại chung quanh Bạch Ngọc Đường xốc nước. Tưởng Bình nói: "Ngũ gia uống nước ít, không hề gì đâu, cứ việc khiêng về thôn Mạc Hoa rồi sẽ cứu tỉnh lại". Các thủy thủ vâng lời, khiêng Bạch Ngọc Đường về thôn Mạc Hoa.
Hai anh em họ Đinh cùng với Triển Chiêu, Lư Phương và Từ Khánh trở về thôn Mạc Hoa, vừa tới nhà liền hỏi người nhà rằng: "Tứ gia có được khá hay không?". Mọi người đáp: "Chiều hôm qua khi các ngài đi rồi thời Tưởng gia cũng đi". Lư Phương hỏi: “Vậy có nói là đi đâu hay không?". Họ đáp: "Nghe nói rằng hẹn với anh em bạn ở đâu đó". Ai nấy nghe đều lấy làm lạ, duy một mình Lư Phương hiểu song không nói ra.
Khi vào tới trong nhà, Triệu Lang chạy đi ra mắt thái thái, Triệu Huệ sai gia đinh dọn rượu thịt, tất cả cùng nhau giải lao đã trọn một đêm dầm sương trèo núi rất cực nhọc. Tiệc bày xong, ai nấy vừa ngồi vào, thấy có gia đinh vào báo rằng: "Tưởng tứ gia mới về, lại có khiêng Bạch ngũ gia theo nữa". Các vị anh hùng nghe báo đều kinh hãi cùng chạy ra xem. Đúng là Tưởng Bình về và có khiêng Bạch Ngọc Đường theo. Tới trang môn Tưởng Bình liền truyền cởi trói Bạch Ngọc Đường ra, tuy bây giờ Bạch Ngọc Đường đã mửa nhiều nước tỉnh lại rồi song còn đờ đẫn lắm. Lư Phương thấy vậy cũng chảy nước mắt. Từ Khánh thì trợn mắt giận, còn Tưởng Bình thì cười. Bạch Ngọc Đường mở mắt thấy Tưởng Bình ngồi xổm dậy hét rằng: "Thằng ốm ho kia, ta không thể nhịn thua mi được!”. Triển Chiêu vội vàng ôm lại nói rằng: "Ớ Ngũ đệ ơi! Đừng làm như vậy, các việc đều tại liệt huynh cả, vậy có trách thời cứ trách một mình Triển Chiêu đây". Hai anh em họ Đinh cũng lật đật đỡ Ngọc Đường mà nói rằng: "Xin mời Ngũ đệ vào nhà tắm gội sạch sẽ rồi cùng nhau đàm đạo". Bạch Ngọc Đường nhìn lại mình thời thấy áo quần lấm lem ướt át khó coi lắm, không biết trả lời làm sao, cúi đầu một lát lâu rồi nói: "Tôi xin vâng lời”. Triệu Huệ sai tiểu đồng dắt Bạch Ngọc Đường vào nhà tắm gội.
Bạch Ngọc Đường giở rèm bước vào, thấy đã sẵn cả nào là bồn tắm khăn lau, phấn, dầu, lại có cả áo lụa, quần là, khăn hoa, giày láng đều toàn là đồ mới. Kế tiểu đồng bưng nước nóng vào, mời Bạch Ngọc Đường gội xong lấy lược chải gỡ tóc, rồi lại đi bưng thêm nước vào rửa mặt dội mình, tắm gội xong xuôi, mặc y phục, đội khăn mang giày, nhất nhất đều vừa vặn cả. Trong lòng Bạch Ngọc Đường bây giờ cảm kích ơn hai anh em họ Đinh lắm, mà lại cũng vẫn còn giận Tưởng Bình rất nhiều. Bỗng đâu Đinh Triệu Huệ ở ngoài đi vào và nói rằng: "Ngũ đệ tắm gội xong rồi, xin mời lên nhà khách uống rượu và nói chuyện”. Ngọc Đường đi theo tới nơi thấy ai nấy đều đủ duy thiếu mặt Tưởng Bình. Triệu Lang bèn mời tất cả ngồi vào tiệc. Ai nấy yên vị rồi Triệu Lang cầm ly, Triệu Huệ cầm bầu rót một ly đưa cho Ngọc Đường và nói: "Chắc Ngũ đệ đã đói lắm, xin mời cạn chén này cho ấm rồi sẽ dùng cơm". Bạch Ngọc Đường tiếp uống, Triệu Huệ lại rót đưa cho một người một ly. Lư Phương nói: "Này Ngũ đệ! Những chuyện qua rồi, bất luận là ai phải ai trái đều để cả cho ngu huynh lên phủ Khai Phong chịu hết, để cho Ngũ đệ được rạng rỡ mày mặt". Bạch Ngọc Đường nghe nói giận lắm, song chẳng lẽ cự với Lư Phương, nên nói dịu rằng: "Bảo tôi lên phủ Khai Phong thời chắc tôi chẳng vâng lời". Triển Chiêu ngồi một bên nghe nói, chen lời rằng: "Ngũ đệ chớ nói như vậy, phàn làm việc gì nên phải xét trước đôi ba lần đã, lời của Lư huynh nói đó là phải lắm". Ngọc Đường cự rằng: "Ba hay bốn lần gì? Cứ nói tắt một lời là tôi không chịu lên phủ Khai Phong mà thôi".
Triển Chiêu còn muốn nói chuyện với Bạch Ngọc Đường song sợ y không thuận lời lại sinh ra cãi cọ rầy rà nên lặng thinh suy nghĩ. Đương còn tư lự chợt thấy Tưởng Bình bước ra nói rằng: "Bạch ngũ đệ, sao em lại ỷ tài như vậy? Em đã hứa với Triển huynh rằng khi nào thu được Tam Bảo thời em liền theo lên phủ Khai Phong, bây giờ người đã thu được rồi, em có nuốt lời thời cũng nên nói lời gì mà năn nỉ, lẽ đâu chạy trốn. Nếu không có tôi với anh em họ Đinh thu xếp cho thời em sẽ ra thế nào? Em làm như vậy là thất tín họ chẳng hổ với Triển huynh và thêm phụ lòng tốt của anh em họ Đinh sao?". Bạch Ngọc Đường nghe nói hét lên một tiếng rằng:"Thằng kia, tao thề không cùng mày đứng chung trên mặt đất!”. Nói rồi lại định liều mạng với Tưởng Bình. Anh em họ Đinh lật đật ôm lại can rằng: "Ngũ đệ chớ nóng nảy như vậy". Tưởng Bình cả cười rằng: "Ngũ đệ ôi! Em có đánh anh đi nữa, ta cũng chẳng thèm đỡ đâu, mà không, để chơi cho biết, chỉ làm cho thấy được thể diện mà thôi”. Bạch Ngọc Đường hỏi rằng: "Mày nói cái gì là thể diện?". Tưởng Bình đáp. "Em nói rằng em vào Hoàng cung đề thơ trong đền Trung Liệt, giết người tại Vạn Thọ Sơn, khuấy Bàng Thái sư hại thiếp là giỏi, song đó chẳng qua là cậy ở tài xoi tường leo vách, chớ bao giờ dám làm việc đàng hoàng nơi thanh thiên bạch nhật. Thiên tử lâm triều, văn võ bái chúc, nghiêm trang oai võ, khiến cho người thấy mà lạnh mình rởn gáy hay là Bao tướng gia thăng đường vì dân, khí thế hùng dũng khiến cho người trông thấy mà phải cải tà quy chính liền. Em thật là oai hùng, song anh chắc em tới đó thấy nghi vệ đường đường sẽ tuân theo vương hóa. Em không dám lên phủ Khai Phong tức là không dám thấy nghi vệ đường đường vậy?”. Bạch Ngọc Đường không ngờ Tưởng Bình nói khích mình, nên đáp rằng: "Ớ thằng ốm kia, mi tưởng ta là người thế nào mà dám buông lời như thế? Dẫu tại phủ Khai Phong toàn là nom gươm rừng giáo ta cũng chẳng sợ đâu, để ta đi cho mi coi". Tưởng Bình cười rằng: "Chắc hay không?". Ngọc Đường đáp: "Sao lại không chắc". Tưởng Bình nói: "Phải, nếu em dám lên phủ Khai Phong ra mắt Bao tướng gia để nghe hiểu dụ, thời mới thật là trượng phu quân tử, ví bằng ỷ có tài xoi vách nhảy rào, làm càn nói bướng rồi trốn chui trốn nhủi thời có khác chi loài giặc cướp vô lương". Bạch Ngọc Đường vốn là người tài cao khí ngạo lẽ nào chịu được lời nói xóc như thế, nên nói lớn lên rằng: "Ừ, để rồi đây ta lên phủ, ra mắt Bao Công chừng ấy mi ráng mở mắt cho lớn xem ta dám thấy chính nghĩa hay không cho biết". Triệu Lang nói: "Rượu thịt sẵn sàng sao chưa uống mà cứ cãi cọ hoài như vậy?". Nói rồi rót rượu trao cho Bạch Ngọc Đường một ly. Triệu Huệ cũng rót cho Tưởng Bình một ly. Ai nấy thấy hai người uống cạn rồi liền ngồi lại mà ăn uống. Bạch Ngọc Đường ngó Tưởng Bình mà hỏi rằng: "Ta với mi vẫn không thù khích, sao lại dìm ta xuống nước là cớ gì?". Tưởng Bình nói:"Em nói sao không biết nghĩ, nào phải lỗi tại ta, em nhớ coi ai không xét nghĩa anh em, muốn dứt tình, quơ sào đập trước cho ta té xuống sông, phải ta không biết lội thời chết chìm rồi còn gì". Ai nấy nghe nói cười xòa. Triển Chiêu bưng lên một ly rượu đưa cho Ngọc Đường và nói: "Này Ngũ đệ! Việc đó đều lỗi tại liệt huynh, nay có cả anh em, liệt huynh xin nói ngay rằng, hiền đệ có hơi tự tiện nên mới đến nỗi này. Thế mà thôi, nay hiền đệ đã chịu lên phủ Khai Phong vậy liệt huynh nguyện rằng: Sau này vinh nhục có nhau, nếu hiền đệ không phụ tấc lòng xin cùng cạn ly rượu”. Ai nấy nghe nói đều khen rằng: "Lời tuy vắn tắt mà ý rất sâu xa".
Ngọc Đường vui lòng bưng ly rượu uống cạn rồi nói: “Tiểu đệ cùng đại huynh vẫn không hiềm khích mà thật là nghĩa khí đồng nhau, chuyện này tại tiểu đệ tuổi nhỏ trí non, nên sinh nhiều điều bậy bạ. Khi tới phủ Khai Phong, tiểu đệ xin nhận tội, không để lụy tới đại huynh, xin lấy lượng hà hải mà dung thứ". Nói rồi rót một ly rượu trao cho Triển Chiêu. Triển Chiêu uống cạn, rồi lại rót đưa cho Tưởng Bình một ly mà rằng: ”Có ly rượu này, xin Tứ ca uống mà lượng tình cho". Tưởng Bình vui cười mà uống. Ai nấy cất chén, mừng rỡ vô hạn, tiệc xong Triển Chiêu vào ra mắt Thái thái và cáo từ, lại có thư cảm tạ quan Thái thú phủ Tùng Giang.
Hai anh em đưa năm người ra khỏi cửa, xem thấy cả năm đều lộ vẻ hào kiệt anh hùng thời vui lòng mà trở vào nhà. Năm người thẳng đường về đến phủ Khai Phong. Triển Chiêu vào trước ra mắt Công Tôn Sách, bàn luận cầu xin Bao Công bảo tấu cho Ngọc Đường, rồi sau mới gặp mặt với Vương, Mã, Trương, Triệu. Ai nấy thấy Ngọc Đường hình dung đẹp đẽ, tướng mạo anh hùng đều khen.
Công Tôn Sách và Triển Chiêu vào ra mắt Bao Công đem Tam Bảo dâng lên. Bao Công cho mời Bạch Ngọc Đường vào thư phòng, Triển Chiêu ra truyền lệnh. Ngọc Đường vội vã đứng dậy đi liền. Tưởng Bình cản lại mà rằng: "Ngũ đệ với Tướng gia là bà con hay là bầu bạn?". Ngọc Đường đáp: "Đều không phải cả!" Tưởng Bình nói: "Vậy thời Ngũ đệ phải biết mình là người có tội chớ". Bạch Ngọc Đường tỉnh ngộ, đứng sựng lại.

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm