Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Năm Mươi Chín
Tử Nhiêm Bá quyết lòng trừ Mã Cang,
Đinh Triệu Lang vô ý gặp Mãn Hán.

Bao Hưng nói với Trương lão rằng: "Dám thỉnh lão trượng cùng đi với Đặng Cửu Như lên Đông Kinh ra mắt Tam công tử. Đặng Cửu Như được làm con nuôi của công tử, thời lão trượng cũng được theo săn sóc mà nhờ tấm thân. Chẳng rõ lão trượng nghĩ thế nào?". Trương lão nghe nói cả mừng tỏ ý vâng lời. Bao Hưng liền hối hả sắm sửa hành trang rồi cùng Cửu Như lên xe rong ruổi. Lúc ra đi còn căn dặn người trong tiệm bánh rằng: "Nếu Hàng gia gia có trở lại, thì nói rằng cùng nhau đã tới phủ Khai Phong rồi".
Lúc Bao Hưng và Trương lão ra khỏi lầu Hội Tiên thời Đinh Triệu Lang hỏi Bắc Hiệp Âu Dương Xuân rằng: "Khi nãy tên ác nô của Mã Cang làm càn và Trương lão đã kể như thế, bụng anh nghĩ sao?". Bắc Hiệp nói: "Hiền đệ, chúng ta cứ ăn uống, lo chi tới việc người ta". Đinh Song Hiệp nói thầm trong bụng rằng: "Đã lâu rồi ta nghe tiếng Bắc Hiệp võ nghệ siêu quần, hào hiệp vô tỉ, thế mà nay lại nói những lời như thế ấy! Mà thôi, có lẽ mới gặp nhau lần đầu nên còn hồ đồ như thế, vậy để ta dò ý người coi thế nào?". Nghĩ đoạn bèn nói: “Chúng ta vẫn một lòng hào hiệp trượng nghĩa, cứu khốn phò nguy, lẽ nào thấy việc bất bình lại nỡ làm thinh, theo ý tôi thời nên lập kế trừ phứt chúng nó cho rồi". Bắc Hiệp khoát tay mà rằng: ”Hiền đệ chớ nói như vậy, há chẳng nghe lời nói: Rừng có mạch vách có tai hay sao?”. Song Hiệp nghĩ rằng: “Ối! Tiếng là hiệp sĩ mà gan như tép, mặt như đậu, thì còn làm được việc gì? Tiếc thay trong mình không có gươm đao, được rồi tôi nay sẽ trổ tài cho y biết danh Song Hiệp. À à. Ta nên cùng y ngủ chung một đêm nay, chờ mê giấc sẽ mượn đao của y mà đi". Nghĩ như vậy liền nói: "Thôi chuyện đâu bỏ đó. Chúng ta cứ việc ăn cơm, bây giờ bụng đói lắm rồi". Bắc Hiệp nói: "Tôi cũng vậy". Hai người bèn kêu nhà hàng đem cơm thịt, cùng ăn no, tính tiền trả rồi đi xuống lầu.
Ra tới đường lộ, bây giờ trời đương đứng trưa, Triệu Lang làm ra dáng mệt mỏi, nói với Bắc Hiệp rằng: “Ngày nay tôi đi đường mệt mỏi lắm, muốn kiếm chỗ nghỉ tại đây, ý nhân huynh tính lẽ nào?". Bắc Hiệp đáp: "Phải, chúng ta mới gặp nhau, đáng lẽ cùng chuyện trò cho thỏa chí, nhưng tôi cũng mệt lắm, chúng ta đi kiếm chỗ nghỉ đi". Triệu Lang nghe nói mừng lắm, vừa đi tới cửa chùa, hai người bèn dắt nhau đi vào, thấy có một ông sãi già, bèn ra mắt, tỏ ý xin ngủ nhờ một đêm, sáng ra sẽ đền ơn tiền nhang khói. Ông sãi vui lòng, đưa hai người tới chỗ có ba căn nhà sạch sẽ và tĩnh mịch lắm. Hai người bèn để hành lý vào đâu đó yên ổn, Bắc Hiệp mở túi gươm treo lên trên vách. Đến chiều tối, hòa thượng đem cơm chay cho hai người ăn. Bắc Hiệp có điều ngụ ý trước nên ăn rất lẹ làng, ăn xong há họng ngáp dài. Đinh Triệu Lang thấy vậy cười thầm trong bụng rằng: "Rõ là hạng người giá áo túi cơm, thế mà dám xưng là Bắc Hiệp”. Cười đoạn nói với Bắc Hiệp rằng: "Nếu nhân huynh có mệt thì xin nghỉ trước đi". Âu Dương Xuân đáp: "Xin lỗi hiền đệ, liệt huynh biết trong mình nhọc mệt nhiều”. Nói rồi lấy gối gối đầu, vừa nắm xuống thì đã nhắm mắt ngáy như sấm.
Đinh Triệu Lang ngồi nhắm mắt định thần, đến bước đầu canh hai bèn nai nịt gọn gàng, với tay lên vách lấy túi gươm đeo vào mình, chỉ nghe Bắc Hiệp ngáy to hơn nữa, vội vàng bước ra, khép cửa lại, nhắm Thái Tuế trang đi tới.
Đi được vài dặm đường, xem lại đã đến nơi, thấy trước mặt có một vòng tường rất cao, liền giậm chân nhảy vào, xem lại thì còn một vòng tường nữa mới tới trong bèn đi lại chân tường giậm chân nhảy lên trên đầu tường, thấy một bên có một cái phòng ló mái ra, nhắm thế qua được, bèn đi lần tới, vừa lẹ bước chuyền qua, bỗng miếng gạch trên đầu tường tróc ra muốn rớt. Triệu Lang sợ để miếng gạch ấy rơi làm kinh động trong nhà, nên gắng ghìm cẳng lại, rồi mới chuyền qua phòng nhỏ rồi lại leo thẳng tới phòng lớn, ngồi trên nhìn xuống, thấy nào là con hầu đầy tớ chạy đi chạy lại hô cơm kêu thịt dâng rượu lấy rau lăng xăng. Triệu Lang bèn nhân lúc chúng nó đi qua khỏi bò lần vào chỗ tối bên vách mà rình, nghe bên trong có tiếng của bọn nàng hầu năn nỉ rằng: "Sao Thiên Tuế uống rượu của mấy nàng kia, lại không dùng của chúng tôi, thế thời chúng tôi không vừa lòng". Rồi nghe có tiếng đàn ông đáp: "Bọn chúng bây cả thảy là tám người, vậy Cô gia° phải theo thứ tự mà uống chứ". Đinh Song Hiệp nghe xong nghĩ bụng rằng: "Hèn chi mà Trương lão nói nó có ý làm phản! có oan đâu! Nó dám xưng cô là quả, không trừ nó sao được".
° Cô gia: Tiếng xưng hô của vua.
Nghĩ rồi bò lần gần tới chỗ bày tiệc ôm đầu cột ngồi nhìn xuống, thấy mé bên kia cách một bức rèm, vắng vẻ không có ai bèn tuột xuống, đứng nép vào len lén nhìn qua. Thấy giữa bàn có một người trạc ba mươi tuổi ngồi chễm chệ, chung quanh rất nhiều tỳ thiếp cười cười giỡn giỡn buông ra những lời bất đạo vô quân, thời nổi giận với tay ra sau lưng rút đao ra, ai dè bảo đao mất tự lúc nào rồi, chỉ còn cái vỏ không mà thôi. Bây giờ trong tay không một tấc sắt, biết tính làm sao! Đương lúc suy nghĩ bỗng nghe bọn tỳ thiếp la hoảng lên rằng: "Không xong rồi, không xong rồi. Đầu của Thái Tuế đã bị yêu tinh cắt mất rồi". Chúng nó vừa la vừa chạy làm rối rít cả lên. Đinh Triệu Lang nghe như vậy nghĩ thầm rằng. "Yêu tinh nào biết trừ bạo trừ hung như vậy, thôi ta khỏi phải lo nghĩ gì nữa, trở về chùa cho xong". Nghĩ đoạn liền lén lén đi ra, nhảy qua tường thứ nhất, vừa đi được ít bước, thấy một người to lớn tay cầm cây nhảy tới đánh đập tứ tung, Đinh Triệu Lang tài cao mắt lẹ nên tránh trớ khỏi, song chỉ có hai tay không, chẳng lấy gì chống cho lại. Đương lúc nguy hiểm bỗng thấy trên đầu tường có một người ngồi, tay xách vật chi không rõ, ném đại vào mình người to lớn kia, người to lớn bị ném té lăn. Triệu Lang liền nhảy tới đè, thời người ngồi trên đầu tường cũng vừa xuống kịp. Đình Triệu Lang nhìn kỹ lại thời chẳng ai đâu lạ, đó chính là người mà mình chê là mật thỏ nhát gan mà xưng hiệu Bắc Hiệp tên Âu Dương Xuân. Triệu Lang thấy vậy cả mừng, song lấy làm lạ một điều là trong tay Bắc Hiệp lại cầm bảo đao của y.
Người to lớn kia bị đè la to lên rằng: “Ơ Hoa Hồ Điệp! Chúng ta kiếp trước có oan nghiệt chi sao mà anh em ta đều bị hại nơi tay mi?". Triệu Lang nói: "Đại hán, chớ lên vô lễ, ai là Hoa Hồ Điệp mà gọi như thế?". Người to lớn nói: "Vậy chẳng phải là Hoa Xung đó hay sao?". Triệu Lang nói: "Không phải, ta là Đinh Triệu Lang đây". Người to lớn nói: "Vây thời tôi nhìn lầm rồi”. Triệu Lang nghe nói lật đật buông người to lớn ấy đứng dậy, phủi bụi giùm cho, nhân thấy trên vai người ấy có một vết máu, hỏi ra mới biết vật của Bắc Hiệp ném khi nãy là thủ cấp của Mã Cang, liền bảo nhau rằng: "Chỗ này không tiện cho chúng ta chuyện vãn, xin hãy mau mau đi ra". Ba người liền nhảy khỏi vòng tường thứ hai, ra tới ngoài đường trống. Đinh Triệu Lang liền hỏi người to lớn ấy rằng: “Túc hạ tên gọi là chi?”. Người ấy đáp: "Tôi tên là Long Đào, nhân vì Hoa Hồ Điệp Hoa Xung giết anh tôi là Long Uyên, nên tôi không lúc nào là không quyết ý báo cừu, nhưng tung tích của Hoa Xung bí mật lắm, khó mà rõ trước được. Mới đây, người trong bọn tôi là Dạ Tinh Tử Phùng Thất nói rằng có người vào nhà Mã Cang, tôi nghĩ chắc là Hoa Xung, té ra lại là hai ngài; tôi vẫn đã nghe tiếng Song Hiệp ở thôn Mạc Hoa, nay tình cờ lại gặp, may mắn biết bao”.
Triệu Lang nhân tiện giới thiệu Âu Dương Xuân cho Long Đào, Long Đào cả mừng nói rằng: "Tôi có ý muốn tới cầu nhị vị giúp sức trả thù anh, song chưa dò hỏi được quý phủ, nay dịp may lại gặp, cúi xin nhị vị vui lòng giúp sức cho". Nói đoạn cúi đầu lạy. Triệu Lang đỡ dậy mà rằng: "Túc hạ bất tất phải làm như vậy" Long Đào đứng lên nói: "Tôi nguyên là kẻ sai dịch trong huyện này, hôm qua vâng lệnh quan huyện đi dò phòng việc kín của Mã Cang, và nhân tiện thăm tin tức của Hoa Hồ Điệp". Bắc Hiệp nói: "Mã Cang làm ác đã gặp tai trời, vậy không còn lo chi nữa, ngặt có Hoa Hồ Điệp tôi không biết mặt nó, thời tính làm sao?". Long Đào nói: "Hoa Hồ Điệp là một vị thiếu niên công tử, võ nghệ cao cường, bên mí tóc hay cài một cây trâm hình bươm bướm cho nên mới có hiệu là Hoa Hồ Điệp. Thường nơi đông đảo, thời y hay tới giả danh du ngoạn, mà hễ gặp đàn bà con gái có sắc đẹp là bắt ngay, hay tới nhà bức hiếp, làm nhiều điều ác không thể kể xiết. Hôm nào đây nghe nói y lên Táo Quân Từ, vậy tôi tính phải theo lên đó mới được" Bắc Hiệp nói: “Táo Quân Từ ở đâu?". Long Đào đáp: “Ở tại huyện này, song cách xa ba mươi dặm, đó là một chỗ rất náo nhiệt". Song Hiệp Đinh Triệu Lang nói: "Hiện nay chúng ta còn phải trở về nhà ít lâu, vậy xin ước rằng, lúc tới đây sẽ cùng nhau hội tại Táo Quân Từ!”. Long Đào nhận lời rồi từ giã ra đi. Hai người liền đi về chùa thay đổi y phục. Triệu Lang mở giỏ đao trả lại cho Bắc Hiệp và hỏi rằng: "Tại cách nào mà nhân huynh lại lấy đao đặng?". Bắc Hiệp nói: "Lúc hiền đệ ngồi xuống lượm cục gạch trên đầu tường để qua một bên, thời đao này đã vào tay tôi rồi”. Triệu Lang nói: "Tài của nhân huynh thật em xin bái phục, song còn một điều lạ, là tỳ thiếp của Mã Cang la hoảng là yêu tinh ấy bởi cớ làm sao?”. Bắc Hiệp đáp: "Chúng ta vì lòng nghĩa hiệp mà làm việc cho nên phải giữ gìn cho người khỏi biết mặt và không mang tiếng". Song Hiệp nói: ”Phải, nhân huynh nghĩ thế ấy thật hay". Bắc Hiệp cả cười móc trong đẫy ra món đồ đưa cho Triệu Lang coi và nói: “ Đây hiền đệ coi vật yêu quái này!”. Triệu Lang tiếp lấy xem, đó là ba cái mặt giả bằng da, hèn cười rằng: “Từ nay em mới rõ nhân huynh là người hai mặt". Bắc Hiệp nói: "Tôi không phải là người hai mặt, song lúc cần dùng tới mới đem ra làm quỷ làm yêu, chuyến này đội mặt giả giết Mã Cang thật hay lắm!”.

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm