Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu
Nghê Thái thú giải chức về kinh sư,
Bạch hộ vệ cải trang gặp hiệp khách.

Nghê Thái thú lại sai Nghê Trung mời Châu Hoán Chương vào thư phòng, dùng lễ tân khách mà đãi. Thái thú bèn đưa nhành Bạch Ngọc liên hoa ra cho Hoán Chương xem, Châu Hoán Chương thấy vậy động lòng lệ rơi tầm tã. Nghê Trung bèn thuật việc Châu Giáng Trinh thoát khỏi nạn về đã ở tại nhà Vương Phụng Sơn cho Hoán Chương nghe. Hoán Chương liền đổi buồn làm vui. Thái thú bèn hỏi tới nguyên do nhành Bạch Ngọc liên hoa ấy. Châu Hoán Chương thuật răng: "Việc ấy đã trải qua hai mươi năm rồi. Lúc đó tôi còn ở huyện Nghi Trung, nhà mở cửa sau ra mé sông Dương Tử, ngày nọ thấy trôi tới một cái thây người đàn ông ước ba mươi tuổi, bèn động lòng thương, vớt lên dùng hòm rương liệm chôn làm nghĩa. Ai dè lúc sửa áo vuốt quần cho cái thây, đụng nhằm một vật tức là Bạch Ngọc liên hoa đó. Vì muốn sau này con cháu người vô phước ấy dễ nhìn thấy tìm cất, nên tôi giao cho vợ tôi giữ làm của tin, sau vợ tôi bất hạnh qua đời, con tôi yêu quý vật ấy đeo liền vào mình không hề rời một phút". Nghê Thái thú nghe những lời ấy gan như nát, ruột tự đâm, nước mắt tuôn như mưa. Nghê Trung khuyên rằng: "Tướng công chớ khóc hãy lấy của mình ra đọ coi sao?". Nghê Thái thú liền móc trong túi ra một nhành Bạch Ngọc liên hoa khác để hai nhành lại gần nhau, xem ánh sắc giống hệt, ráp lại thời thành một đóa liên hoa, Nghê Thái thú không cầm lòng được bèn khóc rống lên, Châu Hoán Chương sửng sốt, kế Nghê Trung đem cả nguyên do ngọc ấy kể rõ từ đầu tới Đuôi. Hoán Chương nghe rõ khuyên rằng: "Xin Thái thú chớ sầu, bây giờ hài cốt tiên phụ tử đã có nơi yên ổn, trước rủi mà sau may, xin ngài đừng khóc lóc nữa". Nghê Thái thú gạt lệ cảm tạ ơn Hoán Chương chôn cất cha mình, rồi giữ ở tại nhà đài đằng rất hậu.
Nghê Trung thỉnh thoảng nhắc tới ơn Hoán Chương chôn cất Nghê Nhân (cha Nghê Thái thú bị trôi sông), ơn Giáng Trinh giải cứu thầy trò tại Bá Vương trang và giữ gìn báu vật, khuyên Nghê Thái thú gá duyên mà báo nghĩa. Nghê Thái thú cũng sẵn ý ấy cậy Phụng Sơn làm mai, tỏ cho Châu Hoán Chương biết, Hoán Chương vui lòng. Vương Phụng Sơn lại cậy Nghê Trung làm mai nói với Cửu Thành cưới Cẩm Nương cho con mình. Hoát Cửu Thành cũng ưng chịu.
Một thời gian sau Nghê Thái thú sai Nghê Trung cầm nhành Bạch Ngọc liên hoa về am Bạch Y bẩm lại với mẹ mình là Lý Thị hay rằng: "Điều thứ nhất đã được đỗ quan, điều thứ hai, tìm được ngọc liên hoa rồi, và rước luôn gia quyến”.
Nghê Trung về rước gia quyến, sau này thêm nhiều nỗi rắc rối nữa. Vốn có văn thư trên kinh gửi xuống, nói Thái thú Nghê Kế Tổ trái hại lương dân, liên kết với trộm cướp, buộc phải giải chức về kinh, còn Mã Cường thời giao cho Đại Lý tự tra xét. Nghê Thái thú lập tức phụng chỉ, phái sai dịch giải Mã Cường về kinh, còn mình giao ấn tín cho quan úy thự, rồi ôm những cáo trạng của chúng dân cáo Mã Cường và dắt theo hai vị trưởng ban.
Khi tới kinh, Văn đại nhân nghe nói đương sự án ấy đã tới liền thăng đường, đem Mã Cường ra hỏi. Mã Cường đã được tin của Mã Triêu Hiền dặn trước, nên chỉ khai là Nghê Kế Tổ chẳng lo việc, tàn hại bá tính, liên kết với trộm cướp đánh bật nhà mình, hiện có tờ cáo và tờ trình của quan huyện làm bằng. Văn đại nhân nghe xong cho Mã Cường lui xuống, mời Nghê Thái thú ra hỏi đầu đuôi tự sự, rồi cho nghỉ ngơi. Đoạn xem các trạng cáo của Mã Cường một lượt, đoạn đòi Mã Cường lên hỏi nữa, nhưng nó chẳng nhận lỗi chỉ đổ cho Thái thú kết bè hiệp đảng với Bắc Hiệp mà cướp phá nhà mình. Văn đại nhân không rõ chân giả thế nào, phải mời Thái thú ra hỏi coi Bắc Hiệp là ai? Thái thú đáp: "Bắc Hiệp tên là Âu Dương Xuân, vì hay chuộng nghĩa, cứu nạn, nên người xưng là Bấc Hiệp cũng như Triển hộ vệ có hiệu là Nam Hiệp vậy". Văn đại nhân nói: "Như vậy thời quyết chắc là Bắc Hiệp chẳng phải là kẻ cướp giật. Nếu muốn cho minh án này phải mời người ấy ra mới được. Vậy Thái thú cho biết người ấy bây giờ ở đâu chăng?". Nghê Thái thú đáp: "Hiện nay còn ở tại Khánh Châu”. Văn Ngạn Bắc nghe xong tạm giam Nghê Thái thú tại miếu Ngục Thân, cho người hầu đãi tử tế.
Qua ngày sau Văn đại nhân viết sớ bày tỏ tình án ấy dâng lên Thiên tử, Thánh thượng bèn hạ chỉ phái tứ phẩm hộ vệ Bạch Ngọc Đường tầm nã Âu Dương Xuân về kinh phục án.
Cẩm Mao Thử vâng chỉ, vào thư phòng trình với Bao Công, rồi ra công sở dự tiệc tiễn hành của các vị hào kiệt. Trong khi uống rượu Tưởng Bình dặn Bạch Ngọc Đường rằng: "Ngũ đệ có qua Khánh Châu, trước nên ra mắt quan Thái thú tỏ việc của em, rồi cậy người ra cáo thị liền tỏ đầu đuôi các việc, dưới ký tên em. Tuy và phụng chỉ đến xin ra mắt mà về kinh, chừng ấy em lấy tình nghĩa cảm hóa người. Nếu chẳng vậy, chắc Bắc Hiệp chẳng chịu về kinh mà lại sinh thêm nhiều điều rắc rối". Bạch Ngọc Đường nghe dặn trong bụng chê Tưởng Bình là hèn nhát, song ngoài miệng giả bộ vâng lời. Tiệc xong Bạch Ngọc Đường sai bạn là Bạch Phúc sửa soạn hành lý rồi từ giã các vị anh hùng mà qua Khánh Châu.
Khi tới nơi Ngọc Đường mướn nơi trọ, không thể làm theo lời Tưởng Bình dặn, mỗi ngày sai Bạch Phúc đi khắp chợ búa đường sá dò la, như vậy ba bốn ngày không thấy tin tức gì. Ngọc Đường thay hình, giả dạng làm một vị tú tài, đầu đội khăn be, mình mặc áo hoa, chân đi giày đỏ, tay cầm quạt kim tráp, đi ra khỏi chỗ ngụ vừa đi vừa quạt, không định đi đâu, hai chân bước mãi. Đi đến một tiệm trà nọ, tên là phường Ngọc Lan, vốn là hoa viên của quan hoạn, Bạch Ngọc Đường liền đi thẳng vào trong, thấy nào là đình lạ, cầu nhỏ, lại thêm cây cối um sùm, cỏ hoa đầy dẫy, thật là đẹp mắt vô cùng. Bạch Ngọc Đường liền kêu một bình trà ngồi tại một ngôi đình rót uống, vừa nhâm nhi ít chén, bỗng trời mưa như xối, những khách ngoạn thưởng tại đó đều về hết rồi. Ngọc Đường thấy mưa càng lâu càng to, trời lại gần tối, bèn trả tiền rồi dầm mưa trở về. Đi khỏi nơi uống trà ít dặm đường sá lầy bùn, mưa như đổ nước, không thể đi được nữa. Thấy bên đường có một tòa miếu võ, liền vào cửa đứng trú mưa, ngước đầu ngó lên thấy một tấm biển đề: Tuệ Hải Diệu Liên am, ngó xuống đôi giày đã lấm tèm lem liền cởi ra. Đương cởi giầy thì thấy một gã tiểu đồng tay bưng bút nghiên, miệng kêu: "Tướng công, Tướng công". Rồi đi thẳng qua mé đông. Bỗng trong am có một cô vãi mở cửa ra nói: "Tướng công của mi ở trong này”. Tiểu đồng không nghe cứ đi thẳng, cô vãi liền khép cửa đi vào. Bạch Ngọc Đường thấy quang cảnh như vậy lấy làm lạ nghĩ rằng: "Sao tướng công nó ở trong am, mà kêu nó không vào, lại có ai không dám kêu lớn tiếng, chắc là có điều chi ám muội đây, vậy ta phải vào xem sao?". Nghĩ đoạn bỏ đôi giày trên thềm cất mình nhảy vào đầu tường tuột vào mé trong, thấy một cô vãi tay bưng mâm vuông đựng đồ ăn bốc hơi nghi ngút, và một tay xách bình rượu, đi tới cửa ngách lần theo bức tường rồi đi qua một cái cửa khác. Ngọc Đường liền rón rén đi theo, tới nơi đứng núp ngoài cửa, nghe trong phòng có tiếng nói: "Bây giờ cũng đã tối rồi, mời tướng công dùng bữa rồi yên nghỉ giây lát. Lại nghe có tiếng con trai nói: "Ta chẳng thèm dùng rượu thịt của mi đâu. Bụng chúng bay thế nào mà bắt ta không cho về, đó là phép tắc gì vậy? Mà sao lại đeo khít mình ta, không chịu nói ra vậy?". Rồi lại có tiếng con gái nói: “Tướng công chớ nên cố chấp, đây rõ là lương duyên trời định mà". Người con trai nạt rằng: "Bây chớ nói xàm như vậy". Bạch Ngọc Đường rình nghe thấy vậy nghĩ thầm rằng: "Người ấy dầu có từ cũng khó được". Kế lại nghe tiếng cô vãi mời: "Xin tướng công dùng chén rượu này". Người con trai không đáp, hất chén rượu xuống đất. Cô vãi cả giận mắng rằng: "Ta đã lấy lòng tốt mà đãi mi, sao mi không biết điều như vậy. Ta nói cho mà biết, dẫu thế nào cũng chẳng ra khỏi đây đâu! Bên kia có người bệnh gần chết cũng như mi vậy". Người con trai nghe nói thất kinh, kêu cứu ầm lên.
Bạch Ngọc Đường liền vén rèm bước vào xô hai cô vãi đứng ra hai bên, rồi nói với người trai nọ rằng: "Có tôi tới đây, tôn huynh yên dạ". Người trai nọ nói: "Lũ này thật là vô Phật vô kinh, làm nhiều điều xấu xa quá". Bạch Ngọc Đường nói: "Như vậy thì hại gì, người sinh ở đời mà thật có tình, thời tôn huynh câu nệ làm chi nữa? Dám hỏi tôn huynh tên họ là chi?". Người trai nọ đáp: "Tiểu đệ họ Thang tên là Mộng Lang, người thôn Thanh Diếp phủ Dương Châu, vì đi thăm bà con, ở lại làng phía trước, nay nhân thư thả muốn tới phường Ngọc Lan xem cảnh và đề vịnh chơi. Vì quên đem nghiên bút nên sai tiểu đồng trở về lấy, kế bị trời mưa, tôi phải vào trú tại đây. Ban đầu bọn này còn lấy lễ nghĩa tiếp đãi, sau lại đem những gì là mây mưa, hoa nguyệt quyến rũ, thật nhiều lời nhơ nhuốc, lắm giọng lẳng lơ, không miệng nào thuật lại được”. Bạch Ngọc Đường nghe dứt, liền nói: "Như vậy thời tôn huynh lỗi lắm”. Thang Mộng Lang hỏi: ”Tôi lỗi làm sao?". Ngọc Đường nói: "Chúng ta là kẻ học trò chấp kinh cũng phải tòng quyền, phải tùy cảnh ngộ cho yên chớ”. Thang Mộng Lang lắc đầu rằng: "Ôi! Thế nào tôi cũng quyết chẳng nghe lời quấy". Ai dè hai cô vãi đứng bên thấy Ngọc Đường đẹp trai, trẻ trung, nên bao nhiêu tà tâm tình bây giờ trút vào Ngọc Đường. Cô vãi lớn, tuổi lối ba mươi, tay cầm chén, tay bưng bình rượu lại trước mặt Ngọc Đường rót đầy một chén dâng lên mà nói rằng: "Mời tình lang dùng chén rượu hợp hoan!”. Ngọc Đường lật đật cất chén uống cạn. Cô nhỏ tuổi hơn cũng rót một chén bưng lại thưa rằng: "Tướng công đã uống của sư tỷ lẽ nào lại từ chối của tôi cho đành". Ngọc Đường cũng tiếp lấy uống cạn, rồi hỏi tên họ hai cô vãi, thời người lớn là Minh Tâm, nàng nhỏ là Tuệ Tính. Ngọc Đường biết tên cả hai rồi, bèn nói: "Minh Tâm, Minh Tâm, tâm chẳng minh thời mê. Tuệ Tính, Tuệ tính, tính chẳng tuệ thời hôn, hai người hôn hôn mê mê, bắt đầu tự lúc nào?". Hỏi đoạn nắm mỗi cô một tay, quay lại hỏi Thang Sinh rằng: "Tôi phê như vậy có đúng hay không?". Thang Mộng Lang đáp: "Đừng hỏi đệ làm gì, đệ coi bộ huynh cũng đã hôn mê rồi đó". Nói dứt lời, nghe hai cô vãi kêu đau tay, xin buông ra, Ngọc Đường không buông, trợn mắt hét rằng: "Ta hỏi chúng bây, vậy chớ gạt người vào đường bậy bạ, tội đáng bực nào? Chúng bay hãm hại bao nhiêu người rồi, trong am cả thảy có mấy đứa như bay, hử?". Hai cô vãi quỳ xuống thưa rằng: ”Trong am chỉ có hai tôi với hai bà lão và một trò nhỏ, chúng tôi không hề hại tính mạng ai. Sau nhà có cậu Châu Sinh, tự bởi mình nên mang lấy chứng bệnh liệt nhược". Nói rồi kêu đau, khóc lóc thảm thương. Thang Sinh thấy vậy động lòng, nói với hai cô vãi rằng: "Nếu chúng bay muốn khỏi hại, phải hỏi thăm nhà cửa của Châu Sinh, cho người đưa tin tới bảo người nhà tới rước về". Hai cô vãi dạ dạ vâng lời. Bạch Ngọc Đường lại nói: "Nếu sau này ta hay bọn mi chẳng vâng lời, ta sẽ tới đây giết cả lũ”. Nói đoạn buông tay ra, hai cô vãi cả mừng chạy riết ra sau trốn mất.
Bây giờ Thang Mộng Lang mới có lòng kính phục Ngọc Đường, bước tới nắm tay khen ngợi. Chợt thấy bức rèm vén lên, có một người to lớn bước vào, theo sau là một tiểu đồng xách đôi giày. Người to lớn hỏi tiểu đồng rằng: ”Phải tướng công mi là người này không?". Thang Sinh hỏi: "Sao ngài lại tới đây tìm tôi, nếu không có vị này cứu, ắt là khốn ta". Người to lớn ấy nói: "Thôi hai thầy trò ngài mau mau trở về đi". Thang Sinh chưa kịp đáp, thấy tiểu đồng đưa đôi giày thời lấy làm lạ không rõ là giày của ai. Đến chừng dòm lại thấy Ngọc Đường chân đi tất, liền trao lại cho Ngọc Đường mang vào.

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm