Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Tám Mươi Mốt
Đem ngự hình thử gan tiểu hiệp,
Nhóm nội hoạn xét mất Ngự quan.

Ngại Hổ nghe Bao Công hỏi mình thời nghĩ thầm rằng: "Hèn chi người ta đồn Bao Công là tay lợi hại, thật quả chẳng sai". Nghĩ đoạn giả bộ đứng dậy bước xuống và nói: "Không có ai bày mưu cho tôi cả, đó là sự thật tôi khai, nếu chẳng tin, đợi Viên ngoại tôi nói thời biết". Bọn nha dịch thấy Ngại Hổ còn trẻ tuổi không hiểu việc quan, nên la rùm lên rằng: "Không được đi, hãy trở lại quỳ xuống". Ngại Hổ liền trở lại quỳ xuống. Bao Công cười nhạt mà rằng: "Ta xem mi là một đứa trẻ con quỷ quyệt xảo trá lắm, vậy mi có biết quy củ của bản quan thế nào không?". Ngại Hổ đáp: "Bẩm Tướng gia, tiểu nhân không biết". Bao Công nói: "Bản quan có lệ như vầy: Phàm kẻ nào tố cáo người bậc trên mình, thời sẽ bị chặt cả tay chân, nay mi đã cáo chủ mi, theo lý phải chặt cả tay chân mới được". Nói đoạn truyền tả hữu thỉnh ngự hình. Vương, Mã, Trương, Triệu vâng lệnh đem Cẩu đầu trát ra để giữa sân. Ngại Hổ xem thấy một lưỡi gươm đồng sắc lẹm, sáng quắc, thấy lạnh cô rùng mình, song gan mật tiểu hiệp cũng quá to nên cứ giữ một lòng trước sau như một.
Bao Công hạ lệnh cho Trương Long, Triệu Hổ cởi y phục của Ngại Hổ ra, rồi đút hai chân vào trước. Mã Hán nắm đầu Ngại Hổ còn Vương Triều thời đỡ lưỡi Cẩu đầu trát đưa lên. Ai thấy cũng sợ cho Ngại Hổ cụt hai chân, song anh ta không hề đổi sắc. Bao Công thấy vậy liền hỏi: "Ớ Ngại Hổ! Việc này ai bày mưu cho mi thời mau khai ra kẻo cụt chân tay rồi ăn năn không kịp". Ngại Hổ một mực rằng: "Lạy Tướng gia, thật không ai xúi giục cả, đó là sự thật mà thôi, nếu Tướng gia không tin, cho người đi lấy mũ Cửu Long. Nếu không có, tiểu nhân xin cam chịu tội". Bao Công nghe dứt lời truyền Trương Long, Mã Hán buông Ngại Hổ ra, rồi hỏi rằng: "Ngại Hổ, mũ Cửu Long bây giờ còn tại lầu Phật của Viên ngoại mi không?". Ngại Hổ thưa: "Quả thật như vậy”. Bao Công liền sai giam Ngại Hổ vào ngục.
Ngại Hổ vào tới ngục có tên lính canh là Hích Đầu Nhi nói rằng: "Mời ngài ngồi một lát tôi sẽ châm trà cho ngài dùng". Ngại Hổ thấy nó tử tế, lấy làm lạ, nghĩ chắc là bọn đỉa đói muốn kiếm tiền. Đến lúc dùng trà thời quả ngon ngạt mũi nhưng không biết Hích Đầu Nhi có ý gì. Uống trà xong lại thấy bưng vào mâm đồ ăn và rượu nữa. Ngại Hổ còn đương phân vân suy nghĩ, chợt ngoài cửa có tiếng người. Hích Đầu Nhi lật đật chạy ra chào rước, thì là một vị quan trưởng.
Hích Đầu Nhi thưa với quan trưởng ấy: “Vâng lệnh ngài, tôi hầu đãi thiếu gia kỹ lưỡng lắm, mới vừa bưng thịt rượu vào nữa kia". Vị quan trưởng nói: "Cám ơn, ta sẽ thưởng mi mười lạng bạc, cứ lại nhà ta mà lấy, bây giờ ta có chuyện nói với thiếu gia, mi hãy ra ngoài một chập".
Hích Đầu Nhi vâng lệnh đi ra.
Vị quan trưởng ấy chính là Bạch Ngọc Đường.
Nguyên Bạch Ngọc Đường nghe có đứa nhỏ vào phủ tố cáo, bèn đi tới xem, té ra thấy Ngại Hổ, lấy làm lạ, không hiểu nó đến đây làm gì. Đến chừng nghe nó khai, biết là nó vì chuyện Bắc Hiệp và Nghê Thái thú mà tới, thời lại càng sửng sốt hơn nữa, sao chuyện to lớn như vậy mà lại giao cho trẻ nhỏ e không xong được. Kế thấy Bao Công vỗ án sai đem ngự hình thời kinh hãi lắm. Ai dè Ngại Hổ là đứa trẻ gan liền hiệp sĩ, mật lớn anh hùng, cứ khai y như trước, không chút nao lòng thì khen lắm. Tới lúc thấy Bao Công hạ lệnh tha và giam Ngại Hổ vào ngục, liền tới gặp Hích Đầu Nhi dặn rằng: "Đứa trẻ ấy là cháu ta, mi phải hầu đãi tử tế, rồi ta sẽ hậu thưởng cho". Hích Đâu Nhi một là vì tiền, hai là vì thế, nên tử tế với Ngại Hổ vậy.
Bạch Ngọc Đường bảo Hích Đầu Nhi ra ngoài rồi, bèn đi tới hỏi Ngại Hổ rằng: "Cháu thật là bậc tiểu hiệp nên mới dám đến Khai Phong. Sao cháu tới đây lại không báo cho chú hay trước?". Ngại Hổ liền đem các việc thu lại một lượt rồi nói: "Hồi cháu đi, thầy cháu có gửi phong thư cho chú, song cháu e tới đây mà đi tìm chú ắt tiết lộ cơ mưu, lại cũng tình cờ gặp kiệu Tướng gia đi chầu về, cháu liền đón kiệu kêu oan nên không tìm chú được". Ngại Hổ nói đoạn móc túi lấy thư trao cho Bạch Ngọc Đường. Ngọc Đường giở ra xem thấy Trí Hóa dặn dò gửi gắm Ngại Hổ cho mình, lo liệu tay trong cho ổn thỏa. Thế mà Ngại Hổ ỷ gan liền mật to, không tìm mình mà cho hay trước, nên mới bị một trận kinh hồn như thế. Ngọc Đường xem xong, hỏi Ngại Hổ rằng: "Cháu vào ngục, đã dùng cơm nước gì chưa?". Ngại Hổ nói: "Có một mâm cơm mà có mấy chén rượu con uống làm sao cho đủ. Cháu không muốn ăn cơm, uống ít chén rượu là vừa". Ngọc Đường thấy Ngại Hổ tuổi nhỏ mà tửu lượng chẳng ít, thời sai Hích Đầu Nhi đi lấy thêm, rồi dặn dò Ngại Hổ ít điều rồi mới trở về phủ.
Hôm sau Bao Công dâng sớ, tâu rõ các việc. Mã Cường, Mã Triêu Hiền và Tương Dương Vương mưu phản y theo khẩu cung của Ngại Hổ lên cho Thiên Tử. Vua Nhân Tôn xem sớ xong, nhớ lại: "Binh bộ Thượng thư Kim Huy cũng thường dâng sớ tâu Hoàng thúc có ý mưu phản, mà trẫm không suy xét, giáng chứng người ấy rồi, nay Bao Công dâng sớ, trong cũng có nói chuyện ấy, thật đáng nghi lắm". Vì vậy vua liền xuống mật chỉ sai Trần Lâm tới kho Tứ Chấp kê tra các bảo vật.
Trần Lâm vâng chỉ đem vài tên thủ hạ đến dinh Tổng quản truyền chỉ. Mã Triêu Hiền chưa rõ việc gì, cứ theo quan Đô Đường đi tới kho Tứ Chấp. Tới nơi xem kỹ niêm phong, rồi mở cửa kho đi thẳng tới buồng chữ Thiên, số hiệu thứ nhất gỡ niêm khóa đi vào, xem thấy giường ngà đó mà đãy lụa đi đâu rồi. Trần Lâm liền hỏi Mã Triêu Hiền rằng: "Mũ Cửu Long trân châu ở đâu?". Triêu Hiền tái mét mặt đáp: “Tôi không biết". Trần Lâm liền nói: "Bản quan vâng chỉ Thánh thượng kê tra mũ ấy, nay đã mất rồi, phải chờ ý Thánh thượng thế nào". Nói đoạn sai thủ hạ coi giữ Triêu Hiền, rồi vào chầu Thiên tử.
Vua Nhân Tôn nghe tâu nổi giận, liền hạ lệnh bắt Mã Triêu Hiền giao cho Đô Đường tra xét. Trần Lâm tâu: "Muôn tâu bệ hạ! Mã Tổng quản giữ kho mà trộm của, tội rất lớn. Vả lại cháu người là Mã Cường có can án, đương đối thẩm tại Đại Lí Ti, chắc người ấy rõ nhiều nội tình trong này lắm. Xin Thánh thượng giao luôn việc này cho Đại Lí Ti là xong". Vua Nhân Tôn chuẩn tấu, lại e Đại Lý Ti thẩm vấn chẳng khỏi có điều sơ suất bèn hạ chỉ cho Hình bộ Thượng thư Đỗ Văn Huy, Đô sát viện Tổng quản Phạm Trọng Võ, Khu mật viện Chưởng viện Nhan Xuân Mãn cùng với Đại Lí Ti mà thẩm tra.
Chỉ ấy truyền xuống, các quan đều tựu tại Đại Lí Ti đủ mặt cùng xem tờ tấu của Bao Công, mới hay Mã Cường, Mã Triêu Hiền và Tương Dương Vương mưu phản, thời ai nấy kinh hãi. Phạm Trọng Võ nói: "Chút nữa Đô Đường đến, chúng ta nên hỏi đứa nhỏ ấy coi sao. Mà phải làm như vậy... như vậy... mới được". Các quan đều khen phải, rồi hỏi Văn Ngạn Bác rằng: "Án của Mã Cường đã tra xét ra sao?". Văn đại nhân đáp: "Mã Cường đã nhận mình có hoành hành ngang ngược, hãm hại nhân dân, nhưng cứ một hai nài nỉ rằng: Nghê Thái thú kết liên với Bắc Hiệp cướp giật nhà mình; nên bản ti đã sai bắt Bắc Hiệp rồi, té ra người ấy là Âu Dương Xuân, một tay nghĩa hiệp chớ chẳng phải kẻ cướp giật. Bản ti hỏi tới năm phen cũng chẳng chịu nhận, nên bản ti sai người dò thám. Nay có Ngại Hổ là gia đồng của Mã Cường, có lẽ việc cướp giật ấy nó hiểu rõ, vậy thử đem nó ra hỏi xem sao". Các quan nghe nói đều khen phải.
Ngại Hổ đã bị một cơn sấm sét, gan tiểu hiệp càng chắc, mật tiểu hiệp các dày, nên trước mặt các quan không hề nao núng, cứ ung dung quỳ xuống công đường. Trần Công hỏi: ”Mi năm nay được bao nhiêu tuổi?". Ngại Hổ đáp: "Bẩm được mười lăm tuổi". Trần Công hỏi: "Mi còn nhỏ, có sự gì oan ức mà dám đi cáo trạng?”. Ngại Hổ bèn thuật y như lời đã khai tại phủ Khai Phong hôm qua. Đỗ Văn Huy liền hỏi: "Mi ở tại nhà Mã Cường mấy năm rồi?”. Ngại Hổ nói: “ Tiểu nhân ở từ lúc nhỏ tới bây giờ". Đỗ Văn Huy nói: "Ba năm trước hồi Đại lão gia mi giao mũ Cửu Long cho Viên ngoại mi, thật mi có thấy rõ sao?". Ngại Hổ đáp: "Dạ tôi thấy rõ ràng, tại chủ tôi sai tôi bưng mũ ấy theo người vào lầu Phật mà giấu!”. Đỗ Văn Huy hỏi: "Sao chuyện ba năm trước mà tới nay mi mới cáo?". Ngại Hổ đáp: "Hồi đó tôi mới mười hai tuổi còn dại dột, chưa biết rằng thấy việc gian mà không tố cáo thời bị tội". Phạm Trọng Võ hỏi: "Vậy chớ Đại lão gia đưa mũ Cửu Long cho chủ mi, người nói lời gì?". Ngại Hổ đáp: "Tôi chỉ nghe Đại lão gia nói: Phải cất mũ này cho kín đáo, đợi lúc Tương Dương Vương khởi sự sẽ dâng cho ngài thời được tước trọng vị cao". Phạm Trọng Võ lại hỏi: "Như vậy thời Đại lão gia của mi, mi nhận mặt được không?".
Một câu hỏi ấy, làm cho Ngại Hổ ngơ ngẩn chưa biết phải trả lời làm sao.

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm