Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Tám Mươi Bốn
Công Tôn Sách dò nước gặp Mao Sanh,
Tưởng Trạch Trường lội hồ bắt Ngô Khấu.

Bạch Ngọc Đường về đến viện Tuần án, ra mắt Nhan đại nhân thuật rõ chuyện thủy quái. Nhan đại nhân liền thăng đường đem thủy quái giả ra tra. Thời là mười ba tên thủy khấu (ăn cướp trên mặt nước) tụ tập tại miếu Tam Hoàng, ban ngày cướp giật thuyền qua lại, tối giả thủy quái chụp giật của cải của dân chúng trên đê Xích. Bạch Ngọc Đường lại thuật lời hương lão đã nói chỗ xoáy nọ. Công Tôn Sách nghe nói như vậy nghĩ thầm rằng: "Chắc là có chỗ nào bị ngăn lấp, nên thế nước ứ dội làm cho tràn ngập các nơi, vậy phải tra xét cho kỹ rồi khai đào cho thông, mới mong cứu được nạn". Nghĩ xong tỏ ý với Nhan tuần án xin ngày mai đi dò xem thế nước. Nhan đại nhân chấp thuận. Bạch Ngọc Đường lại nói: "Đã có thủy khấu, ắt phải viện Tứ ca tôi trị nó mới xong". Nhan đại nhân nhận lời, liền viết sớ tâu lên Thiên tử, xin phủ Khai Phong phái Tưởng Bình tới giúp sức.
Ngày sau Nhan đại nhân phái hai viên Thiên tổng là Hoàng Khai và Thanh Bình cùng tám tên thủy thủ chèo hai chiếc thuyền cho Công Tôn Sách đi xem thế nước. Đi chẳng bao lâu, Thanh Bình hớt hải chạy về báo rằng: "Chúng tôi theo Công Tôn tiên sinh tới chỗ nước xoáy, chúng tôi cản không cho đi tới, Công Tôn tiên sinh không nghe nên thuyền bị chìm, ngài và Hoàng Khai mất tăm dạng, chúng tôi cứu không kịp, mau trở về báo cho đại nhân hay". Nhan đại nhân nghe nói thất kinh hỏi rằng: "Chỗ ấy bây giờ có thuyền bè qua lại không?". Thanh Bình thưa: ”Trước kia thì có, song từ khi xảy ra những chuyện nguy hiểm chìm đắm, thì thuyền bè sợ hãi nên không dám qua lại nữa". Nhan đại nhân nghe nói buồn lắm, sai quân đem thuyền đến mò kiếm thi thể mà thôi. Kiếm trót ngày mà không thấy tung tích gì, khoanh tay đợi Tưởng Thạch Trường tới.
Mấy hôm sau Tưởng Bình tới, Nhan đại nhân kể lại chuyện Công Tôn Sách và Hoàng Khai bị chìm tại chỗ nước xoáy ở Triền Noa và lời của tên thủy khấu cung khai rằng còn đồ đảng mười hai đứa tụ tập tại miếu Tam Hoàng cho Tưởng Bình nghe.
Hôm sau, Tưởng Bình bảo Thanh Bình chèo thuyền đưa mình tới Triền Noa. Thanh Bình thấy Tưởng gia ốm yếu thời nghĩ thầm rằng: "Người như vầy mà bắt sao cho được quái vật, chẳng qua đem thịt mà nạp miệng hùm thôi". Mải nghĩ như vậy, thuyền đã tới nơi, nước xoáy ầm ầm, thấy mà sởn gáy. Tưởng gia tay cầm giáo, mình mặc đồ lội nước rất gọn đứng dậy co giò nhảy đùng xuống nước, không còn thấy tăm dạng ở đâu.
Tưởng Bình đi dưới nước, mở mắt ra xem, thấy xa xa đi lại có một người, mình mặc lốt da, tay cầm chùy sắt, mò mò đi tới. Tưởng Bình định chắc người ấy lội nước không mở mắt được, bèn cho một mũi giáo vào hông, người ấy chết liền. Tưởng Bình đi lần tới đâm luôn hai người như vậy nữa, rồi đi ước ba dặm thời tới bờ, bèn nhảy lên, thấy có một tòa miếu, trên ngạch có tấm biển đề "Tam Hoàng miếu”. Tưởng Bình len lén đi vào, không thấy bóng người thấp thoáng, thẳng tới nhà bên trong nghe có tiếng rên hù hù, bèn bước tới xem, thời là một ông sãi bị ốm.
Ông sãi ấy vừa thấy Tưởng Bình lật đật nói rằng: “Tôi không biết việc gì, đó là bọn học trò tôi thả vị tiên sinh và Thiên Tổng rồi trốn đi, để họa lại cho tôi đó xin lão gia dung mạng!”. Tưởng Bình nghe lời nói, có thể dò ra manh mối được, bèn hỏi: ”Tôi vì cứu vị tiên sinh ấy mà tới, vậy người đã bị hại chưa?". Ông sãi nói: "Vậy ngài là quan viên đây sao? Xin thứ lỗi cho tôi. Nguyên mấy ngày trước có hai người chìm thuyền tại Triền Noa, bọn thủy khấu mò vớt đem về cứu sống, nhìn ra thời một người là viên Thiên tổng họ Hoàng, còn hỏi người nọ là Công Tôn tiên sinh vâng chỉ Thiên tử đi trị thủy. Bọn thủy khấu nghe vậy, liền giao hai người cho học trò tôi giữ, rồi để lại ba người cướp giật thuyền buôn qua lại, còn bao nhiêu đều đi lên Tương Dương Vương thông báo, hoặc giết cả hai người hay là đem nạp cho Phi Xoa Thái bảo Chung Hùng. Khi chúng nó đi rồi, tôi bàn bạc với học trò thả hai người ấy đi và bảo nó trốn để tôi ở lại liều mạng cho chúng nó giết đánh gì tự ý". Tưởng Bình gật đầu và tỏ ít lời cảm ơn, rồi hỏi: "Người đầu mục của nó tên gì?". Ông sãi nói: "Nghe nó tự xưng là Trấn Hải Giao Ngô Trạch". Tưởng gia hỏi: "Còn vị tiên sinh và Thiên tổng đi ngả nào, ông biết không". Ông sãi nói: “Chỗ chúng tôi ở đây hoang vắng lắm, một mặt trông ra biển, một mặt dựa vào non, chỉ có một con đường đi rất khúc khuỷu quanh co, ước mười dặm tới một chỗ kêu là Loa Sư Loan, tới chỗ đó mới có nhà người ở”. Tưởng gia hỏi: "Từ đây lại Loa Sư Loan có thể đi đường thủy được không?". Ông sãi nói: "Được và gần lắm, ước vài dặm thôi!”. Tưởng Bình hỏi: “Chừng nào bọn thủy khấu về đây?". Ông sãi nói: “Ước vài ngày thời nó về tới". Tưởng Bình hỏi xong lai lịch rồi nói "Vậy ông nên yên dạ, mai này sẽ có quan binh tới bắt chúng nó, ông không bị hại đâu”. Nói đoạn đi ra khỏi miếu, nhảy ùm xuống nước, lặn ra tới Triền Noa ló lên thuyền dặn Thanh Bình rằng: “Ngươi mau chèo thuyền trở về báo với Tuần án, xin thêm năm mươi tên quan binh sáng ngày đem thuyền tới miếu Tam Hoàng bao vây bốn phía, chờ cho thủy khấu tụ tập lại, khi chúng đi ra sẽ núp theo mà đánh". Thanh Bình nói: “Chỗ nước xoáy này đi qua sao được?". Tưởng Bình nói: "Khi trước có ba tên thủy khấu đi đục thuyền, bây giờ ta đã giết rồi còn gì sợ. À! Ta đã dò được tin Công Tôn tiên sinh và Hoàng Thiên tổng đi đâu rồi”. Nói dứt lời, nhảy xuống nước lội qua mé tây bắc, Thanh Bình quay thuyền trở về.
Tưởng Bình đương đi dưới nước, nghe trên đầu có tiếng động, bèn trồi lên thời thấy một người ngồi trên bè thả lưới bắt cá. Người nọ dòm thấy Tưởng Bình mặt đồ chẹt ốm nhách như con vượn thời cười rằng: "Bộ tướng như vậy mà cũng lội nước làm giặc, ta không thèm hại mi đâu. Sao chưa chịu đi đi?". Tưởng Bình nói: "Không, ta không phải là thủy khấu, mà ngươi cũng không phải là kẻ đánh cá, vậy dám hỏi quý tính là chi? Ta tới đây chỉ hỏi thăm đường qua Loa Sư Loan mà thôi". Người nọ hỏi: "Mi tên họ là gì?" Tưởng Bình đáp: "Tôi họ Tưởng tên Bình”. Người nọ vội vàng nói: "Té ra Phiên Giang Thử đây sao? Xin thứ lỗi, tôi đây là Mao Tú nhà ở tại Loa Sư Loan, nhân có hai vị quan trưởng ở tại nhà, hằng nói tới danh hiệu ngài và nói rằng ít lâu nữa ngài sẽ tới, nên sai tôi giả đánh cá mà thăm tin. Vậy xin mời ngài về nhà tôi cùng nhau gặp gỡ. Tưởng Bình nhận lời leo lên, Mao Tú cuốn lưới rồi chống bè về Loa Sư Loan. Khi tới nơi thấy một ông già tức là cha của Mao Tú ra tiếp rước, kế Công Tôn Sách và Hoàng Khai ra chào mừng, ai nấy chuyện trò rất là vui vẻ. Công Tôn Sách liền chỉ ông thân của Mao Tú và nói với Tưởng Bình rằng: "Lão trượng đây quý danh là Cửu Tích, thật người cao minh ẩn sĩ, thông hiểu cách trị thủy". Tưởng Bình nghe nói mừng lắm.
Một lát Mao Tú bày cơm nước ra, mọi người xúm lại ăn uống rồi ở nghỉ tại đó. Hôm sau Tưởng Bình nai nịt gọn gàng, cầm giáo từ giã các vị ra đi, và hứa rằng: "Khi nào trừ xong thủy khấu sẽ trở lại rước”. Dứt lời ra mé hồ nhảy xuống, tính đi tới chỗ nước xoáy rồi tới miếu Tam Hoàng dò tin tức Thanh Bình và thủy khấu xem tới chưa. Chẳng dè đi vừa một đỗi, thấy có hai người mặc lốt da, tay cầm đao đi tới, Tưởng Bình bèn huơ giáo thưởng mỗi người một mũi rất mạnh, cả hai đều chết liền.
Tưởng Bình giết hai tên thủy khấu rồi, mới quay mình trở đi, chợt thấy có mũi thương đâm tới liền vội né tránh. Người đâm Tưởng Bình đó là Trấn Hải Giao Ngô Trạch. Từ khi đem tám tên thủy khấu trở lại miếu Tam Hoàng tính giải Công Tôn Sách và Hoàng Khai qua Quân Sơn cho Phi Xoa Thái bảo, ai dè vừa vào miếu thời nghe có tiếng la: "Bắt thủy khấu! Bắt thủy khấu!”. Bọn thủy khấu hoảng kinh cầm đao túa ra, bị phục binh của Thanh Bình giết hai đứa và bắt bốn đứa. Còn hai đứa thoát khỏi, lặn xuống nước tìm đường thoát thân, rủi gặp Tưởng Bình mới giết khi nãy đó. Viên đầu lĩnh của bọn thủy khấu là Ngô Trạch tuy có tài giỏi, song chống cự với Thanh Bình và quan binh không lại, nên nhào xuống nước tìm đường thoát thân. Đi vừa tới đây gặp Tưởng Bình, liền giơ thương đâm tới. Tưởng Bình né khỏi mũi thương rồi huơ giáo giao chiến. Phàm phép chiến đấu dưới nước phải khác hơn trên bờ, ở dưới thường dùng khí giới ngắn nhỏ mới tiện chớ thương dài, bản lớn nên xoay xở chậm chạp lắm, vì vậy Tưởng Bình lừa thế lòn ra sau lưng, một tay với nắm khăn trùm, một tay dùng giáo đâm vào bắp tay Ngô Trạch. Ngô Trạch bị đâm đờ đẫn không còn chống cự nổi, buông trường thương, rồi lăn đi. Tưởng Bình ôm lại nhận hoài, không cho ló mũi lên mặt nước lấy hơi thở, đến chừng thấy Ngô Trạch uống nước nhiều rồi, bèn kéo lên mặt nước thấy thuyền của Thanh Bình đậu dài theo mé hồ bèn kêu thuyền ra vớt Ngô Trạch lên, xóc nước cho tỉnh lại. Tưởng gia bèn hỏi Thanh Bình rằng: “Ngươi đem binh tới miếu Tam Hoàng sự thể ra sao?". Thanh Bình đáp: "Tới đó vây bắt được bốn tên thủy khấu và giết hai tên, còn hai tên chạy thoát". Tưởng Bình nói: “Hai tên ấy ta cũng giết được rồi. Chỉ người này chẳng hiểu có phải là Ngô Trạch hay không?". Nói đoạn sai dắt ra một tên thủy khấu bị bắt sống, rồi chỉ Ngô Trạch mà hỏi thời nó nhận là đầu lĩnh Ngô Trạch chẳng sai. Tưởng Bình cả mừng, truyền lệnh thủy thủ chèo thuyền riết về viện Tuần án.

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm