Chú dịch và giới thiệu: Nguyễn Hiến Lê
Chương 2
TÁC PHẨM

A. XUẤT HIỆN THỜI NÀO?
 
Tôi cho rằng điều gì sáng sủa, dễ hiểu, được người đời dễ chấp nhận thì mới gần chân lí. Càng phải dẫn giải, chứng minh dài dòng, dẫn nhiều sách vở thì càng tỏ rằng thuyết của mình không vững, không hợp tình hợp lí. Mặc tử dùng cả “ba biểu” – tức ba tiêu chuẩn để biện luận – rồi viện dẫn hành vi của các thánh vương đời Tam đại để thuyết phục mọi người phải kiêm ái, yêu người như yêu bản thân mình, yêu cha mẹ, vợ con người như cha mẹ, vợ con của chính mình, mà vẫn thất bại, vẫn bị chê là không tưởng. Phe chủ trương Khổng tử quả có vấn lễ Lão tử, nói gì thì cũng khó tin mà La Căn Trạch viết cả vạn chữ để chứng minh rằng Lão tử là thái sử Đam cũng tốn công vô ích. Cuộc tranh luận của họ không có kẻ thắng người bại mà vấn đề tới nay vẫn gần như nguyên vẹn: không biết được Lão tử là ai.
 
Trái lại vấn đề tác phẩm Lão tử xuất hiện thời nào thì không gây sóng gió gì nhiều. 
 
Xưa kia, người ta tin Tư Mã Thiên, cho rằng chính Lão tử viết do lời yêu cầu của Doãn Hỉ, như vậy là tác phẩm xuất hiện vào thời Xuân Thu. Có lẽ tới thế kỉ XVIII mới có người nghi ngờ thuyết đó (Tất Nguyên hay Uông Thông), rồi gần đây Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tiền Mục, Trương Tây Đường, Phùng Hữu Lan, Cố Hiệt Cương, La Căn Trạch, Vũ Đồng v.v… (coi La Căn Trạch – sách đã dẫn – tr.278-79), mỗi nhà đều góp tiếng, đồng thanh nhận rằng Lão tử xuất hiện trong thời Chiến Quốc, kẻ thì cho là sau Mặc tử trước Trang tử, kẻ thì bảo trong khoảng từ Trang tử tới Tuân tử. Có kẻ còn bảo trễ hơn nữa, sau bộ Lã thị Xuân Thu và trước bộ Hoài Nam tử, nghĩa là vào đầu đời Tiền Hán, nhưng thuyết này không vững.
 
Họ lập cả trên hai phương diện nội dung và hình thức. Đại khái như sau:
 
1. Về nội dung:
 
Bộ Lão tử: Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh (chương 25).
 
a) phủ nhận trời là độc tôn, mà trên trời còn có Đạo, Đạo mới là gốc của trời đất (Cốc thần bất tử, thị vị huyền tẫn, huyền tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn – chương 6). Thời Xuân Thu, ngay cả đầu đời Chiến Quốc (Mặc tử) ai cũng thờ trời, tôn trọng trời, không thể có thuyết đó được.
 
b) phản đối chính sách thượng hiền (trọng người hiền) (Bất thượng hiền, sử dân bất tranh – chương 3). Mà theo họ chính sách thượng hiền (nghĩa là dùng người hiền, có tài đức, bất kì trong giai cấp nào, để giao cho việc trị dân, chứ không nhất thiết chỉ dùng bọn quí tộc, dù bất tài, vô hạnh) xuất hiện khá trễ, vào thời Mặc tử (Mặc tử có thiên Thượng hiền) cùng với giai cấp tân địa chủ và giai cấp “sĩ” do Khổng tử đào tạo (Khổng tử dạy các môn sinh đa số trong giới bình dân, tân địa chủ để họ thành những chính trị gia có tài đức). Phải có chính sách thượng hiền rồi Lão tử mới đả nó được, vậy Lão tử phải xuất hiện sau Khổng tử, Mặc tử.
 
c) đả đảo lễ: “lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ” (đã dẫn ở trên); tư tưởng đó không thể xuất hiện trong thời Xuân Thu được; mà đả đảo lễ, nhân, tức là đả đảo Khổng, Mặc, vậy Lão tử theo họ phải xuất hiện sau Khổng, Mặc.
 
Lí do a) có thể chấp nhận được. Quả thực vũ trụ quan trong Lão tử tiến bộ hơn của Khổng, Mặc (coi phần sau) và theo “diễn tiến tư tưởng” (Vũ Đồng – sách đã dẫn – tr.11) thì Lão tử phải xuất hiện sau Khổng, Mặc.
 
Còn hai lí do sau thì không vững. Dân tộc Trung Hoa có tinh thần “tuyển hiền” rất sớm, các vua chúa của họ cũng biết dùng chính sách truyền hiền, trễ nhất là 6-7 trăm năm trước Khổng tử, Mặc tử rồi. Không kể những truyện “truyền hiền” (Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, Thuấn cho Vũ) mà chúng ta có thể cho là tục lệ dưới chế độ bộ lạc, hoặc những truyền thuyết do nhà Nho tạo ra; ngay từ đời Chu, Văn vương và Võ vương đã biết dùng người hiền trong giới bình dân là Lã Vọng (Thái Công Vọng) để đánh bại nhà Ân, rồi phong cho làm vua nước Tề; rồi trước Khổng tử khoảng trăm năm, Tề Hoàn công cũng nhờ Quản Trọng, một người hiền trẻ nghèo khổ, bán dầu, mà lập nghiệp bá, Quản Trọng lại đề cử mấy người hiền nữa như Ninh Thích, một người chăn bò… Hoàn công đều trọng đãi hết. Điều đó dễ hiểu: trong thời loạn, chư hầu nào muốn mạnh lên, làm bá chủ hoặc thôntính các chư hầu khác, thì đều phải dùng người hiền tài trong giới bình dân, nếu không kiếm được trong giới quí tộc.
 
Lão tử mạt sát lễ, thì Mặc tử cũng mạt sát lễ, mà ngay thời Xuân Thu chắc cũng đã có nhiều người thấy cái lệ của nhà Nho là phiền phức đâu phải đợi đến thời Chiến Quốc. Không thể bảo chủ trương đó phải xuất hiện sau Khổng, Mặc.
 
d) theo Ngô Tất Tố (sách đã dẫn[1] – tr.15) thì Phùng Hữu Lan còn dẫn thêm đoạn này trong Sử kí để chứng rằng Lão tử ra sau Luận ngữ: “Về phương diện thực hành, họ (phái Đạo gia) theo luật thiên nhiên của “Âm Dương”, lượm nhặt những chỗ hay của Khổng giáo và Mặc giáo để dung hợp với những điều cốt yếu của Danh gia và Pháp gia”.
 
Lí do này vững, và còn chứng tỏ thêm rằng Lão tử không phải chỉ do một người viết – chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một đoạn sau.
 
2. Về hình thức:
 
Ý kiến của các học giả như sau:
a) Trước Khổng tử không có trường hợp nào tư nhân trứ thuật. Vì theo Chương Thực Trai, một sử gia đời Thanh, thời đó các nhà cầm quyền giữ điển chương, còn các sử gia thì chép các việc xảy ra. Bọn đó đều là quí tộc có học thức, lo việc trị dân, đâu có thì giờ nghĩ tới việc viết sách; vả lại nếu họ có chủ trương gì mới thì có đủ phương tiện để thi hành, không cần phải viết sách. Tới khi xã hội loạn lạc, một số quí tộc mất địa vị, suy vi, không được cầm quyền, mà lại có học thức, lí tưởng mới dạy học nghĩ cách cải tạo xã hội, lập ra học thuyết riêng. Khổng tử là người đầu tiên mở đường cho việc trứ thư lập ngôn đó.
 
Vì vậy bộ Lão tử không thể xuất hiện trước bộ Luận ngữ.
 
b) Xét về văn thể: Theo các học giả Trung Hoa gần đây thì trong hai thế kỉ thứ III tới thế kỉ thứ II trước T.L, văn của “chư tử” túc các triết gia Trung Hoa đã tiến bộ gần như liên tục. Mới đầu là bộ Luận ngữ chỉ dùng một thể đơn giản nhất là kí ngôn: môn sinh của Khổng tử ghi những lời của thầy. Rồi tới Trung Dung, Đại học cũng vẫn là kí ngôn, thêm những đoạn nghị luận ngắn. Bộ Mặc tử mở đầu cho thể nghị luận – hay biện luận – nhưng lí luận lắm chỗ ngây thơ và rườm. Mạnh tử cũng là kí ngôn như Luận ngữ, đúng ra là ghi những đối thoại giữ Mạnh tử và một số vua chư hầu, một số triết gia đương thời. Trang tử dùng ba lối: kí ngôn, lí luận vắn tắt và ngụ ngôn. Tới Tuân tử mới bỏ hẳn lối kí ngôn mà dùng thể lí luận theo đề tài. Sau cùng là Hàn Phi tử dùng hết các thể của người trước, có thể nói là “tập đại thành bút pháp thuyết lí của chư tử Tiên Tần”.
 
Bộ Lão tử dùng một thể văn đặc biệt, xen nhiều châm ngôn, chương nào cũng có những vế đối nhau, nhiều chỗ có vần, gần như thể phú, cho nên không thể xuất hiện trước Luận ngữ, Mạnh tử được. Lời rất vắn tắt, hàm súc, giống thể “kinh”, như Mặc kinh chẳng hạn, cho nên, theo họ, Lão tử nhất định phải xuất hiện vào thời Chiến Quốc. Riêng lí do sau cùng này chúng tôi cho là không đúng: kinh Xuân Thu của Khổng tử đâu có xuất hiện vào thời Chiến Quốc?
 
3. Ngoài ra, Dư Bồi Lâm (Sách đã dẫn – tr.89) còn đưa ra lí do này nữa:
 
Có người đã làm thống kê thấy rằng các sách thời Tiên Tần dẫn lời trong Lão tử khá nhiều; cuốn đầu tiên là Trang tử, nhưng chỉ trong Ngoại thiên, Tạp thiên, chứ không phải Nội thiên, nghĩa là trong những thiên không phải của Trang tử viết mà của người đời sau, môn đệ gần xa viết, có khi cũng chẳng phải môn đệ nữa.
 
- Ngoại thiên dẫn tất cả 19 lần: Khư khiếp 4, Tại hựu 2, Thiên địa 2, Thiên đạo 1, Chí lạc 3, Đạt sinh 1, Sơn mộc 2, Điền Tử Phương 1, Trí Bắc du 3.
 
- Tạp thiên dẫn 5 lần: Canh Tang Sở 2, Tắc Dương 1, Ngụ ngôn 1, Thiên hạ 1.
 
Chiến Quốc sách dẫn 2 lần, 1 trong Tề sách, 1 trong Nguỵ sách.
 
Hàn Phi tử, ngoài những thiên Giải Lão, Dụ Lão (chuyên giảng về Lão học), còn dẫn Lão tử 1 lần ở thiên Ngoại trữ thuyết tả hạ, 1 lần ở thiên Lục phản.
 
Lã thị Xuân Thu dẫn 4 lần trong 4 thiên: Quí sinh, Chế nhạc, Nhạc thành, Quân thủ.
 
Tất cả những lí do đưa ra ở trên, nếu xét từng lí do một thì không đủ vững, nhưng nếu gồm cả lại thì cho phép ta kết luận một cách gần chắc chắn rằng Lão tử phải xuất hiện sau Khổng, Mặc và trước Mạnh, Trang (hai nhà này đồng thời nhau), tức trong thế kỉ thứ IV trước T.L.
 

°

° °

 
B. DO AI VIẾT?
 
Thế là giải quyết xong được vấn đề Lão tử xuất hiện thời nào? Còn vấn đề ai viết bộ đó? Mọi người đều cho rằng do môn sinh viết.
 
Đọc các tác phẩm triết học thời Tiên Tần, chúng ta không nên quên ba điều này:
 
- có rất nhiều nguỵ thư, nghĩa là những sách do đời sau (Hán, hoặc sau đời Hán) viết như bộ Quản tử, bộ Án thị Xuân Thu có lẽ cả bộ Liệt tử nữa mà có người cho là của đời Nguỵ, Tấn…
 
- ngay cả những bộ chân thư như Mặc tử, Trang tử cũng có nhiều thiên nguỵ tác, như trong Mặc tử, chỉ có những thiên Kiêm ái, Thượng đồng, trong Trang tử chỉ có những thiên Tề vật luận, Tiêu dao du mới đáng tin là của Mặc, của Trang; còn cả phần Mặc kinh, và các phần Ngoại thiên, Tạp thiên đều là của người sau cả.
 
- ngay những thiên đáng tin nhất đó cũng chưa hẳn là do chính tay Mặc tử, Trang tử viết mà có nhiều phần chắc là do môn sinh chép. Theo Phùng Hữu Lan (tr.45) điểm đó người trước đã nói nhiều người. Tôn Tinh Diễn (có lẽ ở đầu đời Thanh) bảo: “Phàm gọi là sách của chư tử, phần nhiều không phải là chư tử tự viết”. Nghiêm Khả Quân cũng bảo: “Các sách của chư tử đời Tiên Tần đều là do môn đệ hoặc tân khách, hoặc con cháu soạn, không phải tự tay chư tử viết”.
 
Những sách thời đó, tới đời Hán lại được các học giả sắp đặt, chỉnh lí lại nữa; và những bản Mặc tử, Trang tử lưu hành ngày nay, đời Tiên Tần không có. Khi chỉnh lí, họ thu thập tất cả các thiên họ cho là của một học phái nào đó, gom cả vào một bộ, đặt tên là Mặc tử, Trang tử, Tuân tử… ngầm hiểu rằng đó là tác phẩm của cả học phái Mặc, Trang, Tuân chứ không phải của một người. Họ tuyệt nhiên không coi trọng quan niệm tác giả như chúng ta ngày nay, mà chỉ chú trọng tới tư tưởng của mỗi phái. Họ chỉ cốt thu thập cho đủ, không có óc phê phán, không đặt vấn đề chân hay nguỵ, cho nên trong Hàn Phi tử ta thấy có tư tưởng của Đạo gia (như những thiên Giải Lão, Dụ Lão); trong Trang tử, Ngoại thiên và Tạp thiên, ta thấy tư tưởng của Nho gia (như thiên Thiên địa). Gần đây mới có một số học giả như Lương Khải Siêu, Diệp Quốc Khánh, La Căn Trạch, Hồ Chi Tân… rán tìm xem đâu là chân, đâu là nguỵ để định được tư tưởng của mỗi nhà ở một thời đại nhất định chứ không phải tư tưởng của cả một phái trong ba bốn trăm năm. Công việc đó cực kì khó.
 
Cuốn Lão tử cũng vậy, không phải của Lão tử viết – vậy truyện Doãn Hỉ yêu cầu ông chép lại học thuyết trước khi qua ải chỉ là một truyền thuyết vô căn cứ - mà của môn sinh.
Có điều này hiển nhiên: có những chương do người đời sau thêm vào; và đại khái thì nó xuất hiện vào thế kỉ thứ IV, nhưng có thể qua thế kỉ thứ III nó mới có hình thức như chúng ta thấy ngày nay.
 
Thuyết đó nghe được, nhưng chúng tôi vẫn thắc mắc: môn sinh viết mà tại sao không nhắc đến tên thầy, không ghi “Lão tử bảo” hoặc “thầy bảo” (như bộ Mạnh tử, Mặc tử…)? Hay là Lão tử đọc cho môn sinh chép? Nếu vậy thì chính ông viết rồi. Điểm đó vẫn còn một nghi vấn.
 
Tuy nó không phải của một người viết, nhưng nó cũng không phải là một tập lục, thu thập hết tư tưởng Đạo gia (vì Đạo gia gồm Lão, Trang mà tuyệt nhiên không chứa tư tưởng của Trang); không kể mươi chương do người sau thêm vào, còn thì tư tưởng trong Lão tử vẫn nhất quán, vẫn là của một bậc thầy mà môn đệ đã chép lại.
 
Bậc thầy đó, chúng ta không biết chắc chắn tên là gì, sinh năm nào, chết năm nào, nhưng chúng ta có thể cứ gọi là Lão tử, hay Lão Đam, như từ trước tới nay, như vậy có hại gì đâu. Mà nếu đúng như lời Phùng Hữu Lan đoán, tác giả Lão tử là Lí Nhĩ, nhưng mượn tên một đại chân nhân thời cổ là Lão Đam, để giấu tên thật của mình và để cho học thuyết của mình được tôn trọng hơn, thì sao ta lại làm trái ý muốn của Lí Nhĩ?
 
Tới đây chúng ta thấy bao nhiêu công trình khảo cứu trong hai ngàn năm nay của cả trăm học giả đưa đến kết luận này: gần hết những điều Tư Mã Thiên viết về Lão tử đều không đáng tin, may lắm là giữ được ít điều về quê quán, tên họ, dòng dõi, tư cách (một quân tử ở ẩn) của Lão tử. Nghề sử gia bạc bẻo thật!
 

°

° °

 
C. BẢN LÃO TỬ LƯU HÀNH NGÀY NAY
 
Có nhiều bản Lão tử, bản dài nhất gồm khoảng 5.200 chữ, bản ngắn nhất không đầy 5.000 chữ. Bản lưu hành ngày nay dài hơn 5.000 chữ, chia là 81 chương ngắn, nhiều chương chỉ có trên 40 chữ, như chương 19, 24, 26; chương ngắn nhất là chương 40 chỉ có 21 chữ; những chuông dài nhất như chương 20, chương 38, cũng chưa đầu 150 chữ.
 
Có lẽ từ thế kỉ thứ II trước T.L, Hán Cảnh đế (156-140) cho ý nghĩa trong Lão tử thâm thuý, nên gọi là kinh; và từ đó Lão tử còn gọi là Đạo Đức kinh (cũng như Trang tử còn có tên là Nam Hoa kinh). Sở dĩ có tên Đạo Đức kinh là vì:
 
81 chương chia thành hai thiên, thiên thượng từ chương 1 đến chương 37 gọi là Đạo kinh; thiên hạ từ chương 38 trở đi gọi là Đức kinh. Sự đặt tên thiên như vậy chỉ do lẽ chương 1 (chứ không phải trọn thiên thượng) nói về Đạo và mở đầu bằng câu: “Đạo khả đạo phi thường đạo”; chương 38 (chứ không phải trọn thiên hạ) nói về Đức và mở đầu bằng câu: “Thượng Đức bất Đức, thị dĩ hữu Đức”, vì nội dung các thiên phức tạp và các chương không sắp đặt theo một thứ tự nào cả.
 
Đạo Đức kinh mới đầu có bao nhiêu chương, chúng ta không sao biết được. Đời Hán có một bản của Nghiêm Tuân gồm 72 chương nhưng bản đó nguỵ tác, không đáng kể. Bản 81 chương ngày nay là của Hà Thượng công và của Vương Bật.
 
Tác phẩm không thuần nhất cả về hình thức lẫn nội dung.
 
1) Về hình thức, thể văn, xét chung thì những câu hay vế số chữ thường cân đối, như câu đầu:
 
----Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh.
 
----Vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu[2]
 
hoặc như trong chương 38:
 
----Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ...
 
Nhiều đoạn có vần, như trong chương 2:
 
----…hữu vô tương sinh,
----…nan dị tương thành,
----…trường đoản tương hình,
----…cao hạ tương khuynh…
 
Hoặc chương 39:
 
---…thiên đắc nhất dĩ thanh,
---…địa đắc nhất dĩ ninh,
---…thần đắc nhất dĩ linh,
---…cốc đắc nhất dĩ doanh,
--…-vạn vật đắc nhất dĩ sinh,
---…hầu vương đắc nhất dĩ vi thiên hạ trinh.
 
Nhưng chúng ta nhận thấy tiết điệu không đều: bốn câu trên, tiết điệu là 5 chữ; câu thứ năm gồm 6 chữ; câu thứ 6 gốm 9 chữ.
 
Rồi đoạn sau cùng chương đó, lại đổi vần, đổi tiết điệu:
 
---…Thiên vô dĩ thanh tương khủng liệt,
---…địa vô dĩ ninh tương khủng phế,
---…thần vô dĩ linh tương khủng yết,
---…cốc vô dĩ doanh tương khủng kiệt,
---…vạn vật vô dĩ sinh tương khủng diệt,
---…hầu vương vô dĩ quí cao tương khủng quyết.
 
bốn câu trên 7 chữ, câu 5 có 8 chữ và câu cuối 9 chữ.
 
Có thể bảo những đoạn có vần có điệu đó, là bước đầu của thể “từ phú” hình thành ở cuối thời Chiến Quốc, đầu đời Hán, mà cũng là nguồn gốc của biền văn thịnh hành đời Lục triều.
 
2) Về nội dung, chúng ta thấy:
 
a) nhiều ý trùng điệp: Chẳng hạn có năm sáu chương khuyên ta nên khiêm nhượng, đừng tranh với người:
 
Chương 7: Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước (thánh nhân hậu kì thân nhi thân tiên).
 
Chương 67: Không dám đứng trước thiên hạ (bất cảm vi thiên hạ tiên).
 
Rồi chương 68 tiếp theo: Người khéo chỉ huy tự đặt thân mình ở dưới người, như vậy là có cái đức không tranh với người (Thiện dụng nhân giả, vi chi hạ, thị vị bất tranh chi đức).
 
Chương 73: Đạo trời không tranh mà khéo thắng (Thiên chi đạo bất tranh nhi thiện thắng).
 
Nhất là chương 22 và 66, lời giống hệt nhau:
 
----Chỉ vì mình không tranh với ai nên không ai tranh với mình (Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh – ch.22).
 
----Không tranh với ai nên không ai tranh với mình được (Dĩ kì bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh – ch.66)
 
b) tư tưởng có chỗ như mâu thuẫn:
 
- Chương 39 nói: thần được đạo mà linh (thần đắc nhất dĩ linh).
 
Chương 60 lại bảo: dùng đạo mà trị thiên hạ; chẳng những quỉ không linh mà thần cũng không làm hại được người; chẳng những thần không hại được người mà thánh nhân cũng không làm hại người (đạo lị thiên hạ, kì quỉ bất thần. Phi kì quỉ bất thần, kì thần bất thương nhân. Phi kì thần bất thương nhân).
 
- Chương 19 bảo phải “tuyệt nhân khí nghĩa” mà chương 8 lại khen người rất thiện thì khéo giữ lòng nhân.
 
- Chương 5: Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm (thiên địa bất nhân, thường dữ thiện nhân).
 
Mà chương 79 thì: Đạo trời không tư vị ai, chỉ gia ân cho người có đức (Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân).
 
Rồi chương 74 lại bảo: Có đấng ti sát (tức đạo trời) chuyên lo việc giết (những kẻ phạm pháp).
 
c) có chương diễn tư tưởng của binh pháp gia, như ch.69:
 
Thuật dụng binh có câu: “Ta không dám làm chủ mà chỉ muốn làm khách, không dám tiến một tấc, thà chịu lùi một thước (Dụng binh hữu ngôn: “Ngô bất cảm vi chủ nhi vi khách, bất cảm tiến thốn nhi thoái[3] xích”).
 
d) có chương giọng gay gắt như giọng Mặc tử, Mạnh tử, không phải giọng Lão tử; như chương 53: Triều đình thật ô uế, đồng ruộng thật hoang vu, kho lẫm thật trống rỗng; mà họ bận áo gấm thêu, đeo kiếm sắc, ăn uống chán mứa, của cải thừa thãi. Như vậy là trộm cướp chứ đâu phải là hợp đạo! (Triều thậm trừ, điền thậm vu, sương thậm hư; phục văn thái, đái lợi kiếm, yếm ẩm thực, tài hoá hữu dư, thị vị đạo khoa, phi đạo dã tai!).
 
e) có những chương không liên quan gì đến học thuyết Lão tử, như:
 
Chương 44 khuyên ta khinh vật quí sinh như Dương tử,
 
Chương 74 cảnh báo nhà cầm quyền đừng dùng tử hình mà doạ dân (Nho, Mặc cũng chủ trương như vậy).
 
Điều đó chứng tỏ rằng Đạo Đức kinh có nhiều chỗ do người đời sau thêm vào.
 

°

° °

 
Ai cũng nhận văn Đạo Đức kinh rất cô động, nhiều câu rất vắn tắc mà thâm thuý như châm ngôn, chẳng hạn:
 
----Khúc tắc toàn, uổng tắc trực (ch.22)
----Đại quân chi hậu tất hữu hung niên (ch.30)
----Tri nhân giả trí, tự tri giả minh (ch.33)
----Nhu nhược thắng cương cường (ch.36)
----Tri túc chi túc, thường túc hĩ (ch.46)
----Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri (ch.36)
----Báo oán dĩ đức (ch.63)
----Thiên võng khôi khôi, sơ vi bất thất (ch.73)
----Thiên chi đạo tổn hữu dư bổ bất túc (ch.77)
----Tín ngôn bất mĩ (ch.81)
----…
 
Theo Max Kaltenmax (trong Lao Tseu et le Taoïsme – Seuil – 1965) thì một số cách ngôn đó đã xuất hiện trong dân gian trước thời Lão tử và Đạo Đức kinh, có thể coi là một túi khôn của dân tộc Trung Hoa.
 

°

° °

 
D. CÁC BẢN CHÚ THÍCH
 
Văn trong Đạo Đức kinh gọn quá; người viết cốt chỉ gợi ý hoặc ghi lại cho dễ nhớ chứ không phải để cho người khác đọc[4], nên nhiều câu tối nghĩa, mỗi người có thể chấm câu một khác, hiểu một khác.
 
- Ví dụ, chương 1 có hai câu, Vương Bật chấm câu như sau:
 
----Vô danh, thiên địa chi thủy; hữu danh vạn vật chi mẫu.
 
----Cố thường vô dục dĩ quan kì diệu; thường hữu dục dĩ quán kì hiếu.
 
Chấm như vậy thì câu sau, “vô dục”, “hữu dục” nhiều người hiểu là không có lòng dục (không cảm động), có lòng dục (cảm động).
 
Tư Mã Quan, Vương An Thạch, Tô Thức, Lương Khải Siêu chấm khác:
 
----Vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu.
 
----Cố thường vô, dục dĩ quan kì diệu; thường hữu, dục dĩ quán kì hiếu.
 
Ngắt câu sau chữ “vô”, “hữu” thì hai chữ đó có nghĩa khác hẳn: từ “chỗ không”, từ “chỗ có” mà xét… (tựa như câu: tự kì biến giả…, bất biến giả nhi quan chi… trong bài Tiền Xích Bích phú của Tô Thức).
 
- Dù chấm câu như nhau, người ta vẫn có thể khác nhau rất xa.
 
Thí dụ câu đầu chương 50:
 
----Xuất sinh nhập tử. Sinh chi đồ thập hữu tam, tử chi đồ thập hữu tam.
 
Người thì hiểu là:
 
Ra đời thì gọi là sống; vào đất thì gọi là chết. Ra đời rồi thì thọ mười phần có ba; yểu mười phần có ba.
 
Người thì hiểu:
 
Ra chỗ sống, vào chỗ chết. Theo con đường sống, toàn sống mười phần, có ba phần chết…
 
Người lại giảng:
 
“Cái chết do cái sống mà ra. Nhưng đi vào chỗ chết, tất đi ra chỗ sống, đại ước mười phần thì có đến chín. Còn một phần không thuộc về sinh tử” (Ngô Tất Tố dẫn – tr.8). Không biết ở đâu ra số 9 đó?
 
Có người dịch:
 
“Sống tức là ra, chết tức là vào. Đồ đệ của sự sống, mười có lẽ ba, đồ đệ của sự chết mười có lẽ ba” (Ngô Tất Tố - tr.8).
 
Hàn Phi tử bảo: “thập hữu tam” tức là tứ chi và cửu khiếu (hai tay, hai chân, và chín lỗ: miệng, tai, mắt, mũi…).
 
Người khác lại bảo “thập hữu tam” đó là “13 điều, 13 phương tiện để đạt đến đạo Sống: hư, vô, thanh, tịnh, nhu, nhược, từ, kiệm, bất cảm, vi thiên hạ tiên, tri túc, tri chỉ, bất dục đắc, vô vi. Và trái lại là đạo Chết” (Nguyễn Duy Cần – Lão tử - Đạo Đức kinh. Quyển II, tr.59. Khai Trí – 1961).
 
Còn vô số cách giảng nữa, không làm sao chép hết được[5]. Có điều đáng mừng là không nhà nào chỉ trích nhà nào cả, cho nên không gây những cuộc tranh luận sôi nổi, tốn giấy mực như vấn đề đời sống của Lão tử. Vì có ai dám chắc rằng mình hiểu đúng tư tưởng Lão tử đâu, mà Lão tử và môn sinh chết cả rồi, ai là người chỉ ra được đâu là phải đâu là trái.
 
Rốt cuộc người ta phải nhận rằng đọc Đạo Đức kinh không nên căn cứ vào chữ nghĩa, chỉ nên coi tác phẩm gợi ý cho ta thôi, và mỗi người cứ hội ý theo “trực giác linh cảm” của mình. Cách đọc đó, từ đầu thế kỉ thứ V, Đào Tiềm một thi nhân, ẩn sĩ, theo Lão Trang, đã chỉ cho ta trong bài Ngũ Liễu tiên sinh truyện (Ngũ Liễu tiên sinh chính là ông): “…Đọc thư bất cầu thậm giải, mỗi hữu hội ý, tiện hân nhiên vong thực”: đọc sách không cần thâm cứu chi tiết (tìm hiểu nghĩa từng chữ, chỉ cần hội ý thôi), mỗi lần hội ý được điều gì thì vui vẻ quên ăn.
 
Dĩ nhiên, mỗi người tuỳ bản tính, sở học, kinh nghiệm của mình, hội ý một cách. Nhà Nho hiểu “vô vi” của Lão tử theo đạo Nho, Pháp gia như Hàn Phi hiểu “vô vi” theo Pháp, Binh pháp gia hiểu theo binh pháp, mà phái tu tiên hiểu theo đạo trường sinh, Phật gia hiểu theo Phật học; và gần đây có một số học giả theo “lôgích” của Tây phương phê phán Đạo Đức kinh theo lôgích. Có thể đem tất cả các triết thuyết hiện đại nhất như triết thuyết hiện sinh, hay cơ cấu[6] mà giải thích Đạo Đức kinh đều được cả. Trong lịch sử triết học Đông Tây, chưa có tác phẩm nào ngắn như vậy, mà được đời sau giải thích, dịch, phê bình nhiều bằng.
 
Nghiêm Linh Phong, một học giả Trung Hoa hiện đại đã làm thống kê các thư mục về Đạo Đức kinh, thấy rằng từ đời Hán đến cận đại đã có 283 cuốn chú thích và bàn thêm (hiện còn giữ được) ; ngoài ra còn 282 cuốn nữa đã thất truyền chỉ còn ghi lại tên, đó là ở Trung Hoa; ở Nhật có tới 192 cuốn trứ thuật nữa, tổng cộng 755 cuốn. Nếu kể cả những cuốn luận về học thuyết Lão tử thì con số đó lên tới 1.600 hay 1.700.
 
Nghe nói riêng ở Pháp, từ trước tới nay đã có 60 chục bản dịch Đạo Đức kinh; ở Anh, Đức số bản dịch nếu không hơn thì cũng không kém. Ở nước mình, mới chỉ có một cuốn giới thiệu đạo Lão tức cuốn của Ngô Tất Tố chúng tôi đã dẫn, một bản dịch và giải thích của Nghiêm Toản (Bộ Quốc gia Giáo dục – 1959), và một bản dịch nữa của Nguyễn Duy Cần (Khai Trí – 1961).
 
Ở Trung Hoa, bản văn cổ nhất giải thích Đạo Đức kinh là bộ Hàn Phi tử, thiên Giải Lão và Dụ Lão, nhưng chỉ giải thích một phần nhỏ Đạo Đức kinh thôi, mà lại không chắc Hàn Phi viết.
 
Hai bản cổ nổi tiếng hơn là:
 
Lão tử chương cú của Hà Thượng công (ông ở trên bờ sông), không biết tên thật là gì, tương truyền là một ẩn sĩ sống đời Hán Văn đế (180-157), nhưng có phần chắc là ở cuối Hậu Hán (thế kỉ II sau T.L).
 
Bài Tựa bản đó chép rằng Hán Văn đế thích đọc Lão tử, gặp nhiều chỗ không hiểu mà không biết hỏi ai. Khi nghe nói có một Đạo giả ở trong một cái chòi tranh trên bờ sông, không lúc nào rời cuốn Đạo Đức kinh, ông phái một sứ giả lại hỏi nghĩa những đoạn khó; nhưng Hà Thượng công buộc nhà vua phải thân hành tới. Nhà vua đành phải tới, nhưng trách ngay Hà Thượng công là không biết phép vua tôi: “Khắp gầm trời, không đâu không phải đất của vua, khắp mặt đất, bến nước, không người nào không phải là bề tôi của vua[7]… Thầy tuy hiểu đạo, nhưng chỉ là một bề tôi của ta. Thái độ như vậy không phải là tự cao quá, không biết uốn mình ư?[8]. Nên biết rằng làm cho ai giàu hoặc nghèo, sang hoặc hèn, đều là quyền của ta cả”. Tức thì Hà Thương công bay bổng lên cao, lơ lửng ở giữa trời, rồi đáp nhà vua: “Tôi bây giờ không ở trên trời, cũng không ở dưới đất giữ loài người, như vậy có còn là bề tôi của nhà vua không?”. Văn đế biết Hà Thượng công là một siêu nhân, lúc đó mới khúm núm xin lỗi và được Hà Thượng công trao cho một bản Đạo Đức kinh với lời chú giải. (Theo bản dịch của Kaltenmark trong sách đã dẫn, tr.23-25).
 
Một bản nữa là bản Lão tử chú của Vương Bật (226-249). Ông này cực thông minh, mới 23 tuổi mà đã chú giải Dịch kinhĐạo Đức kinh, sinh đời Nguỵ Văn đế (Tam Quốc), làm thượng thư lang, rất tiếc là quá yểu. Bản chú thích của ông có tính cách huyền học, còn bản của Hà Thượng công có tính cách thực dụng.
 
Có vài vị hoàng đế Trung Hoa cũng chú thích Đạo Đức kinh, như Lương Vũ đế (502-549) đời Nam Triều, soạn hai bộ Lão tử giảng sớ, Lão tử sớ lí cương; và Huyền Tôn đời Đường mà, theo Kaltenmark, bản chú giải được nhiều người thích.
 
Ngoài ra có thể kể thêm:
 
Tô Thức: Lão tử giải,
 
Tất Nguyên: Lão tử Đạo Đức kinh khảo dị,
 
Cao Hanh: Lão tử chính hỗ,
 
Diệp Mộng Đắc: Lão tử giải
 
vân vân…
 

°

° °

 
Chúng tôi không thu thập được nhiều, ngoài những cuốn của Ngô Tất Tố, Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần, Kaltenmark đã dẫn trên, và không kể những cuốn viết chung về triết học Trung Hoa, như của Phùng Hữu Lan, Vũ Đồng… chỉ có thêm những cuốn này:
 
° Lão tử bạch tân giải của Lưu Tư – Văn Nguyên thư cục – Đài Loan - 1969.
 
° Lão tử triết học của Trương Khởi Quân – Chính Trung thư cục - Đài Loan - 1968.
 
° Lão tử độc bản của Dư Bồi Lâm – Tam Dân thư cục – Đài Bắc – 1973.
 
° Lao Tseu – Tao To King của Liou Kia-hway – Galimard – Paris - 1967.
 
° L’Esprit du Tao của Jean Grenier – Flammarion – Paris – 1957.
 
Từ mười năm trước, sau khi đã cho ra cuốn Nho giáo một triết lí chính trị (1958) và bộ Đại cương triết học Trung Quốc (soạn chung với Giản Chi – Cảo Thơm 1965-66), chúng tôi đã có ý lần lần tìm hiểu thêm và giới thiệu riêng từng nhà một tất cả các triết gia lớn thời Tiên Tần. Vì vậy năm 1972, chúng tôi đã soạn Nhà giáo họ Khổng (nhà xuất bản Cảo Thơm, cuốn này chỉ mới vẽ lại chân dung của nhà giáo, chứ không phải của triết gia họ Khổng), và cuốn Liệt tử và Dương tử (nhà xuất bản Lá Bối), đầu năm 1975 lại cho ra thêm cuốn Mạnh tử (Cảo Thơm).
 
Trước năm 1975, chúng tôi đã viết xong bộ Trang tử, chưa kịp in; trong ba năm nay mặc dầu biết không còn cơ hội xuất bản được nữa cũng hợp soạn với ông Giản Chi được thêm hai bộ: Tuân tử, và Hàn Phi tử. Bây giờ viết nốt về Lão tử để giữ trọn lời tự hứa với mình[9]. Mà cũng để học thêm và tiêu hết 24 giờ một ngày.
 

Sài Gòn, Phật đản Đinh Tị

1er. 6. 1977-------

 

N.H.L----------

Chú thích:
[1] Theo một chú thích ở chương II, phần II, thì sách đó là “Lão tử (Khai trí – 1959)”. Tác phẩm này có lẽ được xuất bản lần đầu vào năm 1942). (Goldfish). 
[2] Coi chữ Hán và ý nghĩa trong phần III. Sau cũng vậy.
[3] Thoái: trong phần III, ghi là thối. Chữ 退 đọc là thối hoặc thoái đều được. (Goldfish).
[4] Các kinh thường viết theo lối đó như kinh Xuân Thu, Mặc kinh, cho nên sau phần “kinh” thường có phần “truyện” để giải thích.
[5] Coi thêm phần dịch.
[6] Nhiều người gọi là thuyết cấu trúc. (Goldfish).
[7] Chữ trong Kinh Thi.
[8] Hán Văn đề dùng ngay lời trong Đạo Đức kinh (ch.22) để trách Hà Thượng công.
[9] Trong Hồi kí, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết: “Từ 1977, được nhàn rỗi tôi tiếp tục nghiên cứu hết các triết gia lớn đời Tiên Tần, để thực hiện cho xong chương trình tôi đã vạch từ năm sáu năm trước, và soạn thêm được năm cuốn nữa: Mặc học, Lão tử, Luận ngữ, Khổng tử, Kinh Dịch”. Sau đó, cũng trong Hồi kí, cụ cho biết thêm là năm 1978, sau khi viết cuốn Lão tử, cụ dịch lại bộ Luận ngữ, rồi viết cuốn Khổng tử, năm 1979 viết cuốn Kinh Dịch. Từ những thông tin đó, ta có thể suy ra rằng cuốn Mặc học được viết trước cuốn Lão tử, và cuối cùng là cuốn Kinh Dịch. Nếu đúng như vậy thì tại sao trong đoạn cuối này, trong các cuốn viết trước cuốn Lão tử này, cụ không nêu tên cuốn Mặc học? Tại cụ viết thiếu hay sách in thiếu? (Goldfish).