Chương 30
Kết cục bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ

Khang Sinh, Giang Thanh tổ chức lực lượng lục lọi hàng triệu hồ sơ trong mấy thập kỷ trước để tìm kiếm chứng cứ kết tội Lưu Thiếu Kỳ nhưng không kết quả gì, liền cho bắt một số người từng làm việc trong các cơ quan từ pháp, cảnh sát, đặc vụ của Nhật Bản và Tưởng Giới Thạch doạ dẫm, ép cung, buộc họ “khai ra” những điều phù hợp ý muốn của ban chuyên án, làm “chứng cứ” kết tội Lưu Thiếu Kỳ “phản bội, nội gian, công đoàn vàng”, “tay sai của đế quốc xét lại, Quốc Dân Đảng”.
Từ 13 đến 31-10-1968, Hội nghị Trung 12 khoá 8 họp tại Bắc Kinh. Trong 97 uỷ viên Trung ương khoá 8 có 10 người chết, 47 người bị đánh đổ, chỉ còn 40 người đến họp. Mao đã cho bổ sung thêm 10 uỷ viên dự khuyết lên chính thức, cho đủ quá bán hợp lệ (50/97). Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị, thông qua báo cáo thẩm tra về “tội ác” của Lưu Thiếu Kỳ do Giang Thanh đệ trình. Dưới sức ép của Mao-Lâm, bằng cách giơ tay biểu quyết, Hội nghị “nhất trí thông qua nghị quyết vĩnh viễn khai trừ Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi Đảng”, chỉ có một phụ nữ không giơ tay: Bà Trần Thiếu Mẫn, uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Tổng Công hội Trung Quốc.
Nghị quyết công bố ngày 31-10, nhưng chờ đến 24-11, đúng ngày sinh thứ 70 của Lưu Thiếu Kỳ, Giang Thanh mới cho Lưu nghe băng ghi âm nghị quyết trên. Nghe xong, Lưu Thiếu Kỳ run bắn toàn thân, mồ hôi ra đầm đìa, thở dốc, huyết áp đột ngột lên 260/130, thân nhiệt lên tới 40 độ C.
Tối 17-10-1969, Lưu Thiếu Kỳ hơi thở thoi thóp, mũi cắm ống xông, họng gần ống hút đờm, phủ một tấm chăn, được cáng lên máy bay quân sự, bí mật đưa đến Khai Phong. Nơi cuối cùng giam giữ Lưu Thiếu Kỳ này nguyên là kho bạc của một ngân hàng từ trước năm 1949, các cánh cửa là những tấm thép dày, chấn song cửa sổ to đùng. Hai trung đội được cử canh giữ ngày đêm, với 4 khẩu súng máy đặt trên các nóc nhà xung quanh đề phòng bất trắc.
6 giờ 40 phút sáng 12-11-1969, ngày thứ 27 sau khi bị đưa đến lưu đày ở Khai Phong, Lưu Thiếu Kỳ qua đời trong tinh trạng không được cấp cứu. Khi Lý Thái Hoà, vệ sĩ của ông năm xưa đến nhận xác, thi hài vị Chủ tịch nước đặt trên nền đất dưới gian hầm, chân tay khẳng khiu, đầu tóc rối bời, miệng mũi méo xệch, máu ứ bên khoé mép. Người vệ sĩ dùng kéo xén bớt mái tóc bạc dài gần hai gang tay, sửa sang chòm râu, mặc quần áo, xỏ giày cho ông. Nhân viên chuyên án chụp ảnh để mang về trình Mao, Giang. Sau đó, họ đặt thi hài Lưu Thiếu Kỳ trên xe quân sự nhỏ, chân thò ra ngoài, bí mật đưa đi hoả táng, dưới cái tên “Lưu Vệ Hoàng, không nghề nghiệp”.
 
Gần 3 năm sau, ngày 16-8-1972, mấy người con của Lưu Thiếu Kỳ xin thăm cha mẹ, Mao Trạch Đông phê vào báo cáo của Tổ chuyên án: “Bố đã chết, có thể thăm mẹ”.
Lịch sử phải ghi bằng dòng chữ to đậm: Mao Trạch Đông chà đạp Hiến pháp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, giam cầm trái phép Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, và bức hại Người cho đến chết.