- 2 -

Sơn về phòng của mình.  Đó là căn phòng của anh từ hồi chưa có vợ.  Mẹ anh vẫn dọn dẹp tinh tươm nên bất cứ lúc nào ghé nhà, Sơn cũng có một chỗ nghĩ ngơi.  Trong căn phòng vẫn còn đầy đủ những kỷ niệm thời niên thiếu, thời thanh niên của anh mà Ngân không hề quan tâm.  Căn phòng chứa nhiều bí mật của Sơn, và anh luôn bâng khuâng mỗi khi chạm vào từng vật trong phòng.  Những bí mật ấy ngày một tăng thêm cùng năm tháng chứ không hề vơi đi.  Sơn thích sống với những hoài niệm, còn Ngân thì không.  Đây là điểm chưa bao giờ chung của hai vợ chồng Sơn.  Anh từng ray rứt khi nghĩ mình đã có những riêng tư, nhưng sau đấy, Sơn thấy Ngân rất vô tình, cô không bao giờ tìm hiểu hay để ý tới tâm trạng buồn vui của chồng, nên tự Sơn đã thôi, vì cho rằng bí mật riêng của mỗi nguời là đương nhiên, và từ đó anh thôi ray rứt.
Mắt Sơn chợt đụng phải chiếc vỏ ốc xà cừ hình chóp nón.  Cái vỏ ốc rỗng vô hồn này anh đã mang về từ một vùng đảo xa tuyệt đẹp.  Đó là một kỷ vật vô cùng đặc biệt mà chỉ cần áp tai vào nó, Sơn đã tưởng như mình đang đứng trước biển và nghe tiếng sóng biển ầm ầm vọng về.  Ngay lúc đó, tất cả những gì Sơn muốn quên lại cồn cào nổi sóng.  Anh đã là chủ một gia đình hạnh phúc, anh không thể phá tan hạnh phúc ấy cho dù từ khi có bé Hồng Phước, gia đình anh bắt đầu biến động, vợ chồng anh ít nhiều đã phát sinh mâu thuẫn.
Người ta bảo đấy là điều bình thường ở những đôi vợ chồng trẻ vừa có con mọn.
Nhưng vợ chồng Sơn cũng đâu còn trẻ và bé Phước cũng ba tuổi rồi.  Rõ ràng thằng bé càng lớn, anh và Ngân càng có nhiều bất đồng.  Những bất đồng mà vợ chồng anh cứ để nó tự do phát triển chớ không ai thèm kiềm nó xuống.
Điện thoại rung từng hồi trong túi, Sơn lấy ra và thấy số của Ngân.
Anh vừa nhấn nút đã nghe giọng vợ:
- Anh đang ở đâu vậy?
- Ở nhà mẹ.
Ngân khó chịu:
- Sao lại về đó vào giờ này?
Sơn nói ngay:
- Bé Phước bệnh phải giở mẹ.
- Lại bệnh!  Em sợ nó quá rồi.  Không tháng nào là không bệnh, không biết nó giống ai đây.
Sơn bực bội:
- Là mẹ như em thật ngộ!  Con bệnh không hỏi nó bệnh gì mà chỉ lo càu nhàu.
Ngân dịu xuống:
- Nó đâu rồi?
- Đang ở trong phòng mẹ.  Nó bị viêm họng.
Ngân ngập ngừng:
- Em chưa về được đâu.  Anh lo cho con vậy.
Sơn nhếch môi:
- Lúc nào chẳng thế.  Em cứ thoải mái họp hành, hội nghị.  Em có về được hay không cũng thế.
- Anh lại mỉa mai.  Em đi công tác chớ có đi chơi đâu.
Ngân nạt ngang:
- Không nói với anh nữa.  Liệu mà chăm thằng nhỏ.  Con cầu tự của họ nhà anh đó.
Dứt lời cô ngắt máy.  Sơn cố không buột miệng chửi thề dù anh rất muốn cho giảm... stress.
Lúc nào nói tới con, Ngân cũng mỉa mai thằng Phước là con cầu tự của cả họ nhà anh.  Cô khiến Sơn hết sức bực mình.
Giọng Hường vang lên ngoài cửa phòng:
- Cậu Sơn ơi!  Mời cậu ăn cơm.
Vùng dậy, Sơn vào tắm qua loa rôì xuống bếp.
Thấy bà Trà ngồi ở bàn ăn, anh ngạc nhiên:
- Bé Phước đâu mẹ?
- Nó ngủ rôì!  Mẹ tranh thủ ăn cho xong để còn vào với nó.  Thằng bé giống y như con hồi nhỏ.  Bệnh cũng ngoan chớ không quấy như con người ta.  À!  Mẹ nó biết chưa?
-  Dạ, biết rồi.
- Vậy mà không gọi cho thằng nhỏ đỡ nhớ mẹ.  Thiệt tình...
Sơn vội nói:
  - Dạ, tại con bảo cô ấy đừng gọi vì sợ bé Phước khóc đòi, mất công mẹ dỗ.
  Gác đũa xuống mâm, bà Trà bĩu môi:
  - Sợ mẹ mất công à?  Đúng là nực cười.  Mẹ đã tình nguyện giữ bé Phước cơ mà.
  Sơn im lặng.  Anh biết mình có nói gì đi chănng nữa, mẹ cũng không vừa ý.  Bà vốn không ưa Ngân, và cô cũng không thích gì mẹ chồng.  Hai người không bao giờ bỏ qua những cơ hội càu nhàu, nói xấu về nhau với Sơn.  Lắm lúc anh muốn điên lên vì hai người thân yêu nhất của mình.
  Miếng cơm trong miệng Sơn chợt lạt nhách, anh uể oải nhai mà chẳng biết ngon là gì.
  Nhìn anh, bà Trà mai mỉa:
  - Cơm mẹ dở hơn cơm vợ à?
  Buông chén xuống, Sơn đứng dậy:
  - Xin mẹ để cho con yên.  Còn thằng Phước ấy hả, mẹ nuôi đi, cháu đích tôn đó.
  Bước ra khỏi bếp, Sơn hầm hầm dắt xe ra khỏi nhà.  Anh vào quán Duyên Hải rồi lấy điện thoại gọi... chiến hưũ.  Anh muốn say và nhất định phải say cho bằng được.
  Có con là hạnh phúc, là niềm vui, vậy mà từ khi có bé Phước tới giờ, Sơn toàn thấy đau đầu hơn.
  Ngân đâu muốn có thằng bé, mẹ anh lại ao ước khát khao một đứa cháu đích tôn.
  Sơn cười khẩy.  Làm người khó thật khó.  Thôi thì cứ say cái đã.  Khi đã say, mọi chuyện buồn bực sẽ bị nhấn chìm xuống đáy ly rượu.  Anh cần phải say và cần nhấn chìm nỗi ray rứt sâu thẳm trong lòng xuống tận đáy ly.  Anh không thể tâm sự với ai chuyện riêng của mình, vậy thì hãy nhờ rượu để rồi khi rượu vào anh lại nhớ...
  Không thấy chiến hưũ nào tới.  Sơn tự cụng ly với bóng mình trên vách.
  Anh tỉnh táo để nhớ như in những câu thơ đã đọc ở tờ báo nào đó.
  "Là khi cạn một ly tràn
Đáy ly ta lại thấy làn mi xanh
Mi xanh buồn cứ long lanh
Gặp long lanh thấy mong manh là buồn..."
  Làn mi xanh ấy, nỗi buồn long lanh ấy... bây giờ đang ở đâu?  Sơn nhìn vào đáy ly không và chợt nhận ra trái tim từ lâu đã trống rỗng tình yêu.
Thiên Lý bước ra khỏi nơi làm việc bằng những bước đều, nhịp nhàng của những người quen đi bộ.  Sau cả ngày hầu như chỉ ngồi một chỗ, Lý thật sự thoải mái khi được đi như vầy.  Từ đây về tới chỗ Lý ở trọ khoảng hai mươi phút đi bộ.  Ngày nào cũng vậy, hai buổi sáng - chiều đến chỗ làm, Lý đều thả bộ.  Đó cũng là một cách tập thể dục và tiết kiệm tiền xe buýt.
Mỗi lần nghe Lý nói thế, Mai Nhiên đều trề môi chê cô keo kiệt.  Cũng có thể Nhiên đúng, vì Lý vốn hà tiện chúa kia mà.
Chiều nay, "chúa hà tiện" lại vào chợ để mua rau muống và "thịt tam tạng" đây.
Thiên Lý tủm tỉm cười một mình.  Cô cần phải tiết kiệm tiền, mặc kệ ai bảo cô là keo kiệt, miễn sao Lý biết mục đích của mình là được rồi.
Vào chợ mua đúng những thứ đã tính, Thiên Lý mua thêm một ký mận trắng đủ cô và Mai Nhiên tráng miệng rồi về nhà trọ.
Nhà trọ của cô và Nhiên là một căn gác áp mái tương đối yên tĩnh, được hai vợ chồng già cho thuê với nhiều điều kiện đi kèm mà chỉ những người không biết thế nào là đi chơi đêm mới thuê.
Tuy còn trẻ nhưng Thiên Lý sống như những bậc tu hành.  Hết giờ làm việc là cô rút vào cõi riêng với vài ba tờ báo mượn ở công ty và với cái radio nhỏ xíu.
Chắc tại cô vô duyên, chưa có người yêu, nếu không dễ gì cô đóng cửa ở nhà trong khi Mai Nhiên thì đi chơi suốt.
Thiên Lý xuống bếp và ngạc nhiên khi thấy Mai Nhiên cũng đang đứng đó với bà Hạc.
Nhiên là đứa ghét nhất chuyện nấu nướng.  Nó mà xuống bếp chắc phải có lý do đặc biệt.  Nhìn Lý bằng nửa con mắt, Nhiên dài giọng:
- A!  Cô nàng đậu hủ rau muống về rồi.
Ly hơi quê vì giọng nói mỉa mai của Nhiên.  Cô làm tỉnh:
- Đậu hủ rau muống cho lòng thanh tịnh, khỏi sân si với... ai, không được sao?
Bà Hạc tủm tỉm cười:
- Đúng đó!  Nhưng câu vừa rồi của con vẫn chứa đầy sân si.  Phải tiếp tục đậu hủ rau muống rồi.
Thiên Lý gãi đầu thú nhận:
- Vâng!  Quả thật cháu còn nhiều sân si lắm ạ.
Mai Nhiên vọt miệng:
- Tâm không tịnh nên tối nào cũng gặp ác mộng.  Con ngủ kế bên phải giật mình vì nó mớ.
Bà Hạc ngạc nhiên:
- Vậy sao!  Con mơ cái gì mà gọi là ác mộng hả Lý?
Nhiên... ăn cơm hớt:
- Nó toàn mơ thấy đàn ông, bác à.
Lý đỏ mặt vì câu nói sống sượng của Nhiên.  Cô gắt:
- Bậy bạ không hà.
Nhiên vênh mặt:
- Hổng phải sao?  Chưa chồng có mơ thấy trai cũng là chuyện thường.  Bác xem, có ai làm mai cho nó một người.
Bà Hạc cao giọng:
- "Ở đời có bốn cái ngu.  Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu".  Mày định xúi bác làm thiên hạ đệ nhất ngu hả con?
Nhiên lẻo mép:
- Dạ, đâu có.  Làm mai cũng là làm phúc bác ơi.  Con Lý muốn chồng lắm rồi.
Lý tức lắm nhưng cô làm thinh vì biết mình không cãi lại cái mồm có quai của Nhiên.  Ngay lúc đó, có một người từ nhà trên đi xuống.  Vừa trông thấy người ta, Nhiên đã reo lên:
- Anh Lâm!
Lý ngỡ ngàng nhìn người lạ rồi khẽ gật đầu chào.
Bà Hạc giới thiệu:
- Đây là Lâm, cháu gọi bác bằng cô.  Bắt đầu từ hôm nay, Lâm sẽ ở cùng với hai bác.
Lâm nở nụ cười khá quyến rũ.  Anh cất giọng ấm, rất đàn ông:
- Chắc đây là Thiên Lý rồi.  Rất vui được ở cùng nhà với Lý.
Nhiên bắt bẻ:
- Còn buồn khi ở cùng nhà với em, phải không?
Lâm hóm hỉnh:
- Chuyện này mới à nghe.  Anh chưa nghĩ tới đã bị em bắt mạch rồi.  Buồn cũng phải thôi, vì nói vui, em sẽ bảo anh xạo.
Mai Nhiên phụng phịu:
- Anh thấy ghét!
Lý đã hiểu vì sao Nhiên có mặt ở nhà bếp.  Chắc chắn là vì anh chàng này.  Nhiên vẫn thường nhắc tới Lâm, người cùng quê với mình bằng cái giọng say mê đắm đuối.  Cô nàng khoe Lâm rất si mình, nhưng vì ở xa nên không thể gặp nhau.  Bây giờ hai người có cơ hội rồi và Nhiên đang vui ra mặt kia kìa.
Lý chợt tò mò về anh chàng tên Lâm kia nên lặng lẽ quan sát.
Đó là một chàng điển trai, có cái nhìn và giọng nói ấm áp dễ gây thiện cảm với người khác ngay lần đầu gặp mặt.  Lâm khá tự tin.  Lý cảm nhận được điều đó qua vẻ tự tại, ung dung của anh ta.  Chắc hẳn trong cuộc sống, Lâm gặp nhiều may mắn hơn bất trắc, thành công nhiều hơn thất bại.
Cô cầm bó rau muống lên và thấy lạ là mình lại quan tâm tới anh ta.
Bà Hạc bảo:
- Chiều nay, bác sẽ đãi cơm cả nhà.  Lý không phải lặt rau nữa.
Nhiên cứ như nữ sinh cấp ba:
- Đã quá!  Hoan hô bác.
Lý thoáng thấy Lâm nhếch môi, cô biết anh ta không phải như những gì Nhiên đã kể.  Cô gửi nhờ bó rau và đậu hủ vào tủ lạnh rồi lên lầu chớ không vờ vịt lăng xăng như Nhiên.  Con bé muốn lấy điểm với anh chàng của nó thì cứ, Lý không thích làm màu, nhất là với những người lạ.
Thiên Lý vừa bước lên căn gác trọ, Lâm đã bâng quơ hỏi:
- Cô bạn chung phòng trọ với em có vẻ lạnh lùng nhỉ?
Nhiên nhún vai:
- Ôi dào!  Anh để ý làm gì cái con nhỏ tưng tửng ấy.
Lâm thắc mắc:
- Tưng tửng nghĩa là sao?
Nhiên lách chách:
- Là giống như người cõi trên.  Nó nằm mơ cả những lúc thức, nó mơ giữa ban ngày đấy.  Mà mơ toàn thấy...
Bà Hạc chợt ngắt ngang:
- Này này... làm ơn dọn chén dĩa hộ bác với Nhiên.
Mai Nhiên khựng lại.  Giọng giả lả, cô nói:
- Vâng, cháu dọn ngay đây.
Bà Hạc khẽ lắc đầu.  Bà không thích con gái lắm điều, nhưng Mai Nhiên không biết.  Cô cứ huyên thuyên nói, chỉ khác là cô không nói về Thiên Lý nữa, đề tài đã được cô chuyển và cháu trai bà ngồi nghe với bộ dạng của người đang bị tra tấn.
Thiên Lý trở lại bếp.  Cô vẫn lặng lẽ và không tham gia vào câu chuyện của Nhiên và Lâm.  Cô phụ bà Hạc xào tôm với dứa, nấu thêm món gà xốt chanh rồi dọn ra bàn.
Bà Hạc rất vừa ý:
- Chà!  Bác tưởng con chỉ biết luộc rau muống thôi chớ.  Ai dè cũng biết nấu món trông ngon lắm.
- Con vừa học lóm được, chỉ sợ trông thì ngon, nhưng lại không vừa miệng.
Lâm hít hà:
- Thơm quá đi mất!  Chắc phải ngon thôi.
Mai Nhiên vênh mặt:
- Món này con dạy nhỏ Lý đó bác.
Bà Hạc kêu lên:
- Vậy sao!  Hơi bất ngờ à nghen.  Hồi nào tới giờ, con đâu thích vào bếp.
Nhiên hăm hở:
- Từ giờ trở đi, con sẽ vào bếp.  Anh Lâm thích món gì, con sẽ nấu món đó.
Lâm hỏi ngay:
- Sao tự nhiên anh được chiếu cố vậy?
Nhiên cười cười không trả lời.  Bà Hạc bảo Lâm ngồi vào bàn.  Anh nhìn Lý bới cơm cho từng người với cái nhìn thiện cảm.  Một cô gái dịu dàng như thế mà bị bạn mình cho là tưng tửng.
Bà Hạc ra chiều tiếc rẻ:
- Phải chi có dượng Duyệt ở nhà, hai dượng cháu sẽ cụng ly cho vui.
Lâm nói:
- Con còn ở đây, cô lo gì không có lúc dượng Duyệt và con cụng ly.
Nhiên tấm tắc khen:
- Anh giỏi thật!  Ra trường chưa bao lâu đã được cơ quan cho đi học Thạc sĩ.  Mai mốt làm ông Thạc sĩ, Tiến sĩ không được quên em đâu.
Lâm lảng đi:
- Món gà ngon thật!  Chắc là nhờ mùi vỏ chanh phải không Lý?
Thiên Lý ngập ngừng:
- Vâng, chắc là vậy.
Nhiên chen vào:
- Anh thích món này, em sẽ làm cho anh ăn thường xuyên.
Lâm nheo mắt:
- Thường xuyên quá sẽ ngán.  Em không biết điều đơn giản này sao?
Nhiên xịu mặt:
- Khó tánh quá hà!
Bà Hạc bảo:
- Ăn đi kẻo mất ngon.
Mai Nhiên phụng phịu:
- Bốn mùa rau muống như Thiên Lý mà nó còn không ngán, huống hồ là thịt gà.
Lý chợt thấy đắng nghét trong miệng.  Cô không thích lấy người khác ra đùa của Nhiên, nhất là đùa trong chuyện ăn uống.  Vấn đề tế nhị này dễ làm người ta tự ái nhất.  Lâm nhẹ nhàng:
- Quanh năm rau muống vậy mà không ngán đấy em ạ.  Đừng bao giờ chê những món ăn có giá trị truyền thống, dù nó rất bình dị rè tiền nhé.
Nhiên lườm:
- Em có chê đâu.  Lúc nào anh cũng lên giọng với em.
Lâm gắp vào chén Nhiên một miếng gà:
- Nào, ăn đi cô bé dỗi hờn.
Nhiên liếc Lâm một cái thật dài:
- Tha cho anh đó.
Lý nhơi mãi miếng cơm.  Cô có cảm giác thừa khi ngồi chung với mọi người.
Dường như nhận thấy điều đó, Lâm tỏ ra quan tâm tới cô.
Anh dịu dàng:
- Lý và Nhiên làm chung à?
Lý gật đầu:
- Vâng!  Nhờ Nhiên giới thiệu nên em mới được bác Hạc cho ở trọ.
Bà Hạc vô tư:
- Bác rất vui khi có con ở chung nhà.  Nay có thêm Lâm, bác càng vui hơn.
Mai Nhiên dầm dầm đũa vào chén, cô bỗng thấy khó chịu khi cả bà Hạc và Lâm đều quan tâm tới Lý.  Nếu biết trước có ngày hôm nay, Nhiên đã không thèm kéo Lý về ở chung.
Lâm lại hỏi:
- Quê Lý ở đâu nhỉ?
Thiên Lý ậm ự:
- Dạ, ở Cai Lậy ạ.
- Vậy cũng gần quê anh.  Xem như mình cùng tỉnh, là đồng hương được rồi.
Nhiên bĩu môi:
- Gò Công - Cai Lậy xa lắc mà anh bảo gần?  Một bên là biển, một bên là ruộng tiếp giáp Tháp Mười mà đồng hương.  Ngộ thiệt!
Lâm thản nhiên:
- Được chứ sao không.  Cùng là dân Tiền Giang, quê hương bốn mùa gió lộng cả mà.  Thế bao lâu, em về quê một lần hả Lý?
- Dạ, cũng lâu lắm anh ạ!
Rồi cô nói:
- Anh và Nhiên ở gần nhà nhau phải không?  Em vẫn nghe Nhiên nhắc tới anh.
Lâm đẩy đưa:
- Chắc Nhiên toàn nói xấu về anh?
Lý hỏi lại:
- Sao anh lại nghĩ vậy?
Lâm so vai:
- Vì anh có gì tốt đâu để nói.
Lý cười khẽ:
- Vậy anh lầm rồi.  Ông bà ta vẫn nói: "Khi thương trái ấu cũng tròn" mà.
Lâm phát một cử chỉ:
- Xin chịu thua.  Đúng là lời của những người ít nói lúc nào cũng nặng ký.  Nhưng anh thà làm một quả bồ hòn méo...
Thiên Lý điềm đạm nói tiếp:
- Anh có bị ghét đâu mà đòi làm quả bồ hòn méo.
Mai Nhiên chớp mi ra vẻ ngây thơ:
- Hai người nói gì, sao tôi không hiểu.
Bà Hạc cười:
- Không hiểu tốt hơn hiểu đấy.
Đứng dậy, Lý mang dĩa mận và chén muối ớt tới để mọi người tráng miệng.
Trong lúc Nhiên cắt mận ra làm tư, Lý lại đi dọn dẹp chén dĩa.
Bà Hạc không chịu:
- Để đó cho bác, ra đây ngồi chơi đã.
Nhiên hơi mỉa mai:
- Số Lý là số cực, nó không ở không được bác ơi.
Lâm hấp háy mắt:
- Lý cực quá, làm người khác ngại đó.
Thiên Lý vội bước trở lại bàn.  Cô tự nhiên nhón một miếng mận cho vào miệng.
Bà Hạc gật gù:
- Chua chua, ngọt ngọt, cay cay, mặn mặn.  Đủ vị cuộc đời rồi còn gì.  Ngon!
Lý nhìn Lâm:
- Chắc anh không thích món chua?
Lâm trả lời:
- Món nào ngon, tôi đều thích.  Chua cũng là món ngon vậy.
Nhiên vọt miệng:
- Của chua, ai thấy chẳng thèm.  Lý hỏi câu này hơi thừa.
Thiên Lý đành im lặng.  Cô biết Nhiên không thích cô ở đây, bởi vậy nấn ná thêm đôi ba phút, Lý đứng dậy phụ bà Hạc rửa chén rồi lên lầu trước.
Cô thấy buồn trước cách đối xử của Nhiên.  Nó làm như cô tranh người yêu với nó không bằng.  Mệt mỏi sau một ngày bù đầu với công việc, giờ lòng lại nặng nề.  Lý không biết làm gì khác ngoài việc nghe đài.
Mở cái radio, cô nằm xuống giường khép mi lại nghe nhạc...
"Em có biết một ngày mặt trời không mọc ở phía đông, không lặn ở phía tây...  Nhưng làm gì có một ngày như thế.  Anh chỉ biết một ngày người yêu dấu chia lìa..." 
Thiên Lý trở mình...  Làm gì có một ngày như thế dù đã nhiều năm trôi qua.  Lý vẫn nhớ như in ngày chia tay...  Hôm đó, cô cũng nằm quay mặt vào vách thế này và nghe từng bước chân, mới đầu là ngập ngừng và sau đó là hết sức dứt khoát của người đàn ông bước mỗi lúc một xa.  Lý đã nằm bất động dù nước mắt không ngớt tuôn rơi.  Cho đến khi không còn nghe tiếng chân người, Lý mới vùng dậy chạy đến cửa sổ nhìn ra con đường đầy gió cát và những trái long chong.
  Cô nhìn dáng lặng lẽ ấy mỗi lúc một xa để rồi suốt ngày này qua ngày, cái dáng đơn côi ấy cứ ở mãi trong ký ức rất riêng của Lý, để rồi thỉnh thoảng lại hiện về trong những giấc mơ.  Những giấc mơ đẫm nước mắt và nỗi nhớ nhung khao khát đến tê người.
  Có tiếng chân rồi giọng Nhiên đầy gây hấn:
  - Ngủ rồi à?  Sao sớm thế?  Đã tắm rửa gì đâu?  Ngồi dậy, tao nói chuyện cho mà nghe.
  Thiên Lý càu nhàu:
  - Làm ơn để tao yên!
  Nhiên ngồi phịch xuống cạnh Lý:
  - Mày vẫn đang yên đó thôi.  Nhưng tao phải cảnh báo trước, nhà này giờ có thêm một người, lại là đàn ông, bác Hạc muốn mày phải ý tứ trong mọi sinh hoạt.
  Thiên Lý vẫn nằm yên:
  - Tao lúc nào cũng ý tứ, mày khỏi lo.
  - Bác Hạc lo chớ không phải tao.
  - Bác ấy lo gì chớ?
  Mai Nhiên cười nhạt:
  - Chẳng lẽ mày muốn tao nói trắng ra?
  Lý đều giọng:
  - Tao hiểu ý mày.  Sẽ không có gì đâu.  Tao ủng hộ tình yêu của mày và ông Lâm mà, do đó tao luôn ý tứ.
  Nhiên nhăn mặt:
  - Mày nghĩ đi đâu vậy?  Cái gì mà tình yêu của tao và anh Lâm?  Anh ấy nghe được, chắc tao độn thổ.
  Lý dài giọng:
  - Nếu ông Lâm không nghe làm sao hiểu hết lòng mày?
  Nhiên thẩn thờ:
  - Người ta ở kế bên mà cứ như xa nghìn trùng.  Đây là cơ hội, tao không nắm lấy không được.
  Lý bảo:
  - Vậy thì cố lên...  Còn bây giờ, làm ơn để tao yên.
  Mai Nhiên ngập ngừng:
  - Mày có nhận xét gì về anh Lâm?
  Thiên Lý nói ngay:
  - Tao không để ý lắm, nên không nhận xét được.
  - Láo!  Lâm quyến rũ đến thế, chẳng lẽ mày không chút ấn tượng với cái nhìn đầu tiên?
  Lý suýt phì cười vì câu nói và cách nói đầy vẻ tôn thờ thần tượng của Nhiên.
  Cô nghiêm giọng:
  - Không, tao hoàn toàn vô cảm.
  Nhiên có vẻ nhẹ nhõm:
  - Cũng đúng thôi.  Mày đã có một người trong mộng rồi còn để ý tới ai nữa.
  Lý cười nhẹ:
  - Biết thế còn hỏi.
  Nhiên ấm ức:
  - Tại bác Hạc có ý muốn giới thiệu mày cho Lâm chớ bộ.
  Lý vùng dậy ngay:
  - Trời đất!  Có chuyện khôi hài ấy nữa sao?  Tao miễn nhiễm với tình yêu, bác Hạc sẽ thất bại và thất vọng với ý muốn đó thôi.
  Nhiên bĩu môi:
  - Miễn nhiễm với tình yêu cái mốc xì.  Nói nghe chảnh quá!  Tao chỉ mong mày miễn nhiễm với riêng Lâm, còn tình yêu ấy hả... bao la, bát ngát lắm.  Ở đó mà miễn với nhiễm, tao không tin.
  Thiên Lý im lặng.  Cô không thích đôi co với bạn bè.  "Một sự nhịn chín sự lành".  Hai đứa con gái ồn ào lên vì một gã đàn ông thì thật là bất hạnh, mà cô vốn đã bất hạnh vì tình, vơ làm gì nữa cho chuỗi buồn lại kết thêm những hạt lê thê.
  Lấy quần áo, cô đi tắm.  Đó cũng là cách tốt nhất để chấm dứt chuyện có liên quan tới một người vừa xuất hiện trong ngôi nhà trọ này.
  Cuộc sống bắt đầu khó khăn rồi đây.  Thiên Lý ngao ngán lắc đầu.  Cầu cho cô sẽ miễn nhiễm với tình yêu như cô đã nói.