- 8 -
TÌNH HÌNH XUẤT BẢN TỪ TẾT MẬU THÂN (1968) ĐẾN NAY

Mãi lo trăm chuyện: vật giá cứ hiên ngang leo thang mà đồng bạc cứ âm thầm xuống giá, lo làm so đủ tiêu cho tới cuối tháng; hết lo thiếu sữa, thiếu gạo, bây giờ lại lo thiếu đường; lo tin tức con cháu ngoài mặt trận, lo bị giật xách tay ở giữa đường, lo điều chỉnh tờ khai gia đình, vân vân.  Vì tinh thần lúc nào cũng căng thẳng, chỉ mưu tính cuộc sống hàng ngày cũng đủ mệt, và lần lần chúng ta muốn quên cơn ác mộng Tết Mậu thân năm ngoái.
 

°

 
Trong hoàn cảnh đó, ngành xuất bản ngưng trệ hẳn. Những cuốn nào in xong trước Tết, như cuốn Nước non Bình Định của thi sĩ Quách Tấn, không lẽ chất trong kho, phải đem ra phát hành trong vài tiệm sách lớn ở Sài Gòn, chứ không gởi đi xa. Ngay ở Sài Gòn, tôi đã kiếm ba lần, mỗi lần cách nhau một tuần, mới mua được.
 
Có một số nhà sách ở miền Trung tiêu tan sự nghiệp, nhà phát hành, nhà báo, nhà xuất bản cũng chịu thiệt lây, ai đâu mà dám gởi thêm nữa. Vả lại có gởi thì chẳng những không có phương tiện – ngay quân nhân và công chức kia còn phải chờ cả tuần cả tháng mới có phi cơ để về nhiệm sở - mà nhà sách cũng không muốn nhận: nhà thì lo xây dựng lại, nhà thì lo tản cư, tình hình đã êm đâu. Cũng may, hình như không có nhà văn, nhà thơ nào thiệt mạng trong biến cố.
 
Nhưng từ tháng sáu, tháng bảy trở đi, tình hình xuất bản lại phục hồi; tại Sài Gòn sách bắt đầu bán được kha khá, có lẽ vì mấy tháng thiếu sách, người ta đã nhớ, có lẽ vì biện pháp giới nghiêm, tối không thể đi coi hát, nhảy nhót, tán gẫu ở phòng trà, người ta đành phải kiếm sách coi cho đỡ buồn.
 
Tới gần cuối năm 1968, ngành xuất bản phồn thịnh lại như cũ, còn hơn cũ nữa.
 
Các nhà xuất bản cũ: Khai Trí, Giao Điểm, Lá Bối, An Tiêm… hoạt động trở lại. Nhà Lá Bối dám bỏ trên triệu bạc in bộ Chiến tranh và Hoà bình của Tolstoi[1]. Các nhà xuất bản thành lập năm 1967 như Trình Bày, Ca Dao, Hoàng Đông Phương hoạt động rất hăng, nhất là nhà Trình Bày. Lại thêm một số nhà mới thành lập: Mặc Lâm, Cơ quan xuất bản Phạm Quang Khai… gần như tháng nào cũng cho ra một cuốn. Ngành xuất bản như cây sậy trong thơ ngụ ngôn La Fontaine, sau cơn dông tố, lại ngóc lên. Còn đất, còn nước – tức độc giả - thì loài cỏ đó không ngại sấm sét, phong ba, sống hoài, mỗi ngày một lan rộng.
 

°

 
Từ khi Tin Sách của hội Việt Bút đình bản (1967), chúng tôi không được biết số sách mỗi loại xuất bản trong mỗi năm là bao nhiêu. Thư viện tập san số 4 năm 1969 có lập một bảng liệt kê “những sách có giá trị đã xuất bản hoặc tái bản cuối năm 1967 và trong năm 1968” gồm khoảng 350 cuốn. Nếu kể cả những sách “không có giá trị” thì con số phải cao hơn nhiều. Hỏi thăm vài nhà xuất bản quen, và coi mục giới thiệu sách trên các tạp chí, tuần báo, tôi rất phỏng chừng rằng từ giữa năm 1968 tới nay, mỗi tháng trung bình, chúng ta cũng có được sáu chục cuốn, không kể sách giáo khoa và truyện trẻ em, so với những năm 1964, 1965 (mỗi năm khoảng 500 cuốn), có phần tăng lên kha khá.
 
Về xu hướng chúng ta cũng thấy có vài điểm đáng phấn khởi hoặc đáng để ý.
 
Loại sáng tác (thơ, tiểu thuyết) không có xu hướng mới – một xu hướng mới không thể mỗi năm mỗi xuất hiện được – nhưng cũng có một truyện rất đặc biệt của Nguyễn Mạnh Côn: Giấc mơ của đá, một truyện triết lý nên thơ mà hơi có vẻ khoa học. Loại truyện ướt át, giật gân giảm nhiều.
 
Loại biên khảo không có công trình nào lớn: luật học, sử học, kinh tế học, nguồn gốc loài người, vấn đề nông dân thời Pháp thuộc, lại có cả một cuốn về khí hậu học Việt Nam (cuốn đầu tiên trong môn đó của Đỗ Đình Cương, in tốn kém lắm vì rất nhiều bản đồ, hình thống kê, mà thuộc loại khoa học, rất khó bán. Loại địa phương chí đã được một thi sĩ nổi danh, Quách Tấn, góp sức; nghe nói sau cuốn về Bình Định, ông sẽ xuất bản một cuốn về Khánh Hoà, cũng dày như cuốn trên. Loại phổ thông kiến thức tuy còn lâu mới được hoan nghênh như ở Âu Mĩ (ở Pháp có bệnh “encyclopédite” - bệnh đọc sách bách khoa) nhưng đã chiếm được một số độc giả già, và một số tiểu thuyết gia như Phan Du cũng đã bắt đầu viết vài cuốn về loại đó.
 
Ba điểm dưới đây đáng chú ý nhất:
 
1. Từ 1967 đến nay vài ba nhà xuất bản đua nhau in lại tác phẩm tiền chiến. Mới đầu là cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân rồi tới cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, cuốn này bán rất chạy, chỉ trong mấy tháng đã in thêm. Kế tiếp là một loạt tác phẩm của Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Phan Kế Bính… Nên kể thêm bộ Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Một nhà tính in lại bộ Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của nhưng rồi bỏ vì phí tổn nặng quá.
 
Xét chung, các tiểu thuyết tiền chiến bán không mạnh: người già đọc lại không thấy say mê như hồi ba chục năm trước; còn người trẻ thì phần lớn do tò mò mà đọc chứ không ham: thời nào có văn học thời nấy, và càng lùi xa nhìn lại thì thấy những tác phẩm “vượt thời gian” quả thật là hiếm. Lâm Ngữ Đường bảo từ cuộc vận động Ngũ tứ (4.5.1919) tới năm 1960, Trung Hoa chỉ được hai nhà thơ và ba bốn nhà viết truyện ngắn, tuỳ bút là thực có tài. Chúng ta cũng không nên hi vọng gì nhiều hơn cho văn học Việt Nam.
 
2. Số sách dịch tăng lên rất nhiều, tuy không gây nổi một phong trào, nhưng đã được quốc dân coi trọng, và sau quốc dân tới chính quyền, nghe nói Bộ Văn hoá đã lập một uỷ ban dịch sách cổ và kim, đã được mấy chục nhà sẵn sàng hợp tác, nhưng vẫn chưa có ngân sách.
 
Chúng ta không chuyên dịch sách Mỹ, sách Pháp nữa, mà đã dịch sách Nhật, Đức, Nga (nghe nói có nhà xuất bản sắp in Anna Karenin, Anh em nhà Karamazov, và sắp có một bản dịch rút ngắn Chiến tranh và Hoà bình)… Đặc biệt nhà Ca Dao, trừ tập thơ của ông Giám Đốc, còn toàn là sách dịch, dịch sách Đức (Herman Hesse), Ấn Độ (Khrisnamurti), nhất là truyện của các dân tộc da đen. Độc giả bắt đầu làm quen với Freud, Fromm, Lecomte du Nouy… kiến thức sẽ mở rộng hơn.
 
3. Điểm đáng mừng nhất là sau khi xô bồ tiếp thu một vài khía cạnh của văn minh phương Tây, khía cạnh vật chất và nổi loạn, độc giả cơ hồ đã bắt đầu chán ngán. Một mặt người ta bắt đầu trở về tinh thần Đông phương: hai ba nhà giành nhau dịch Khrisnamurti, Hesse (người Đức nhưng có tinh thần Đông phương), hai bộ Kinh Dịch nối tiếp nhau ra đời: một bộ của Bộ Quốc gia Giáo dục, một bộ của cụ Phan Bội Châu (nhà Khai Trí xuất bản), bộ sau này, mười mấy năm trước tôi đã đề nghị một cơ quan chính quyền in nhưng người ta gạt bỏ; rồi thêm những công trình biên khảo về nếp sống cổ Việt Nam, tế lễ, phong tục, tôn giáo… của Đỗ Bằng Đoàn, nhất là Toan Ánh cũng được hoan nghênh hơn hồi trước nhiều, chỉ trong hai năm, đã thấy xuất hiện năm sáu cuốn dày độ 400 - 500 trang. – Mặt khác, người ta bắt đầu tìm hiểu các dân tộc nhược tiểu cùng cảnh ngộ của mình: Ấn Độ, châu Phi, Do Thái, Ả Rập… Cơ hồ như người viết không được đả động tới chính sách thực dân ở nước mình nên vạch cái nạn thực dân ở Trung Đông, Cận Đông, Phi Châu để vơi bớt nỗi lòng; còn độc giả đọc lịch sử các dân tộc anh em đó, nhận được hình ảnh của dân tộc mình, nghe tác giả mạt sát dã tâm của thực dân Anh, Pháp chẳng hạn, cũng thấy khoan khoái trong bụng.
 
Sau cùng tôi nhắc qua về loại Sách hồng. Đầu năm 1967, trong bài Tình hình xuất bản 1966 (Tin Sách – tháng 6 năm 1967), tôi viết: “Vài nhà xuất bản đã định ra loại sách đó để góp công vào sự giáo dục thiếu nhi. Hình như trước hết là nhà xuất bản Đông Phương cho ra được ít tập – mỗi tập 32 trang, 10$ - tiếp theo là một vài nhà khác cũng lèo tèo được ít tập, hiện nay thêm nhà Khai Trí ra một loạt trên 10 tập, và nghe nói đã có sẵn bản thảo của 80 – 90 tập nữa. Nhiều nhà văn tên tuổi đã hợp tác như Phan Du, Nguyễn Văn Xuân, Lê Tất Điều… nhưng hỏi thăm thì sách chỉ in có 5.000, bán chậm. Loại đó bán giá đó mà in số đó thì tình hình đáng gọi là chán nản. Trẻ vẫn thích những truyện có đầy hình lem luốc, với vài lời chú giải lăng nhăng. Tôi đã đưa hai chục tập Sách hồng cho một đứa cháu mười tuổi, mới đầu nó cũng không thích bằng những truyện hình, nhưng đọc hết mươi, mười lăm tập rồi, nó thấy quen và mỗi ngày nó đòi có một tập để đọc. Có ngày nó ngốn 2 tập, 3 tập. Tôi nghĩ bản tính con người dù trẻ dù già đều làm biếng, ít chịu vận động trí óc, nên trong sự giáo dục, không nghĩ đến cái vui thích của trẻ thì thì hỏng. Nói đến giáo dục thì thế nào cũng có chút ép buộc cho vào khuôn, và món ăn tinh thần nào cũng phải có một thời gian rồi mới hợp với “khẩu vị” của chúng được. Cần có những nhà xuất bản tiếp tục cho ra đều đều loại Sách hồng đó, mà cũng cần có những bậc, thầy học ép trẻ đọc những sách đó mới được. Sau một thời gian chúng sẽ quen, miễn là phải có đều đều cho chúng đọc.
 
Trở lên trên là hoạt động của tư nhân. Tóm lại tôi lạc quan và tôi vẫn giữ ý kiến của tôi trong bài “tình hình xuất bản trong năm 1966”: “…trong tất cả các ngành sản xuất của nước nhà, từ canh nông tới tiểu công nghệ, kỹ nghệ, chỉ có ngành xuất bản là (…) phát triển mạnh nhất, chịu hy sinh nhiều nhất”.
 
Trong khi đó hoạt động của chính quyền về văn hoá mỗi ngày một sút. Văn hoá nguyệt san âm thầm đình bản. Bộ Quốc gia Giáo dục in được vài bộ sách dịch: Luận ngữ, Kinh dịch, Kinh thi, bộ này công phu nhất. Nhưng dự định của chính quyền thì đáng kể lắm: uỷ ban Điển chế văn tự thành lập từ hai năm nay, vẫn chưa điển chế một tiết (mot) nào; rồi uỷ ban dịch sách kim cổ mới thành lập đây cũng chưa làm được gì. Nên vài năm nữa, sau khi hoà bình vãn hồi, thì mới làm sao? Nhưng đó là việc của chính quyền sau này, chính quyền hiện thời chưa cần nghĩ tới. Đúng như quy tắc của cổ nhân: Đắc nhất nhật, quá nhất nhật – Hơi đâu mà lo xa.
 

°

 
Muốn hiểu được sự hy sinh của ngành xuất bản mấy năm nay, chúng ta cần biết điều kiện làm việc của các nhà cầm bút và các nhà xuất bản.
 
Năm 1967, Quốc hội lập hiến đã đặt nguyên tắc tự do ngôn luận, rồi Thiếu tướng Kỳ cũng hứa sẽ nới tay, chỉ kiểm duyệt về tin tức chiến tranh và kinh tế thôi; đầu năm nay Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đồng ý với các văn nghệ sĩ nên bãi bỏ kiểm duyệt. Nhưng chính sách kiểm duyệt sách đã chẳng bãi bỏ mà còn có phần gắt gao hơn trước, hơn cả thời Ngô Đình Diệm và thời Pháp thuộc. Vài nhà xuất bản đã bị cấm in mấy cuốn, và vụ nhà văn V. Ph. mới rồi làm cho giới cầm bút xôn xao. Chưa thấy Bộ Văn hoá và các uỷ ban văn hoá Thượng viện, Hạ viện lên tiếng. Tôi không thấy có lý do gì để bỏ kiểm duyệt báo mà không bỏ kiểm duyệt sách. Tôi mong rằng vấn đề đó sẽ được giải quyết trong một ngày gần đây để chúng ta có thể tranh đấu về văn hoá: chế độ Tự do nếu có sức mạnh nào thì là ở chính sách Tự do, tự do mà không hỗn độn; có tự do thì dân mới tin, mới hăng hái, biết nhận trách nhiệm, giữ được tư cách.
 
Điểm khó khăn thứ nhì, là công việc in đã rất tốn kém (gấp ba gấp bốn năm 1963) lại rất trở ngại vì thiếu thợ. Đa số “thợ” sắp chữ là những em 15-16 tuổi, mới học tới lớp nhất; nguy nhất là thiếu thợ chạy máy, vì hạng thợ này không thể đào tạo trong nửa tháng một tháng như thợ sắp chữ được, cho nên có cuốn đương in phải ngừng lại cả tháng. Cũng không có người chuyên sửa ấn cảo nữa, nhiều khi ông giám đốc nhà in phải sửa lấy; ngay đến người sai vặt cũng thiếu, nhiều nhà in không thể gởi ấn cảo cho tác giả coi lại được, thành thử cuốn nào cũng rất nhiều lỗi. Có lẽ chỉ còn một vài nhà, lớn như Kim Lai, nhỏ như nhà Cảo Thơm, là giữ được nghệ thuật in thời trước. Cuốn Truyện con người của Phan Du, nhà Cảo Thơm trình bày vừa giản dị vừa nhã đáng gọi là hiếm thấy thời này về phương diện ấn loát.  
 
Giá vốn tăng lên gấp ba mà giá bán thường chỉ hơn gấp hai giá 1963 – một tuyển tập 200 trang giá trung bình là 120 đ – nên nhà xuất bản và cả tác giả phải chịu thiệt nhiều.
 
Điểm khó khăn thứ ba là việc phát hành mỗi ngày mỗi thu hẹp lại. Gần như chỉ còn mỗi nhà Sống Mới là đáng mang tên nhà phát hành, nhưng nghe nói lúc này kho cũng ngập sách rồi, hoạt động có giảm.  Còn những nhà khác thì đợi độc giả hỏi mua mới lấy của nhà xuất bản năm mười cuốn về bán. Nhiều khi độc giả hỏi mua họ cũng chẳng buồn lấy về bán nữa. Ông V. Ph. kể chuyện một lần ông gởi lầm 20 cuốn ông mới in cho một nhà sách nọ ở Trung. Chỉ một hai hôm, bán hết mà nhà sách không lấy thêm; hỏi tại sao, người ta đáp: Bán đồ Mỹ có lời hơn và mau hơn.
 
Theo lẽ thì sách đi tìm độc giả, độc giả ít khi tìm sách. Ở nước mình, lúc này trái lại, độc giả phải đi tìm sách, có khi đòi hỏi ba bốn lần mà cũng không có. Không tháng nào tôi không nhận được thư độc giả ở Trung hỏi tôi tại sao không thấy bán những cuốn này cuốn nọ. Một số nhà xuất bản đứng đắn do các nhà văn chủ trương đã nghĩ đến chuyện liên hiệp nhau để lo việc phát hành, nhưng việc gì thì cũng phải đợi tiếng súng im rồi mới có thể tính được. Hết chiến tranh nếu kinh tế không khủng hoảng mà giáo dục phát triển mạnh thì ngành xuất bản tất sẽ phát đạt gấp hai bây giờ. Lúc đó sự phát hành sẽ phải tổ chức đàng hoàng, cần phải rút kinh nghiệm của các nước tiên tiến.
 
Nước mình đã có ai đi du học hoặc tu nghiệp Âu Mỹ nghiên cứu về vấn đề đó chưa?
 
Hiện nay tình hình sản xuất tuy khả quan mà sức tiêu thụ sách có phần bi đát. Mấy tháng nay nhà xuất bản nào cũng kêu rằng số sách bán được sút hẳn đi, chỉ bằng nửa hay hai phần ba hồi cuối năm ngoái; mà báo ra định kỳ và tạp chí cũng vậy. Những báo đã lâu năm: Bách Khoa, Văn… gắng gượng để cố duy trì được tháng nào hay tháng nấy, còn những tờ khác thì ra được một số nghỉ vài số.
 
Nguyên do ở đâu? Tại đời sống đắt đỏ, đồng tiền khó kiếm, mãi lực của độc giả kém? Đa số độc giả thuộc gia đình quân nhân, công chức, sinh viên. Mười nhà thì chín nhà lương không đủ tiêu, mấy tháng nay ngong ngóng tăng lương, lương chưa tăng thì vật giá đã tăng lên quá mức lương sẽ tăng. Như vậy, lo ăn chưa xong, tiền đâu mua sách, mua báo.
 
Có người đưa ra nguyên nhân này nữa: sản xuất quá dư (mấy năm nay, nhà báo, nhà xuất bản mỗi ngày mỗi mọc thêm), nên có sự khủng hoảng về ngành xuất bản. Các nhà kinh tế học thời trước bảo sản xuất quá tự do, không có kế hoạch thì cứ khoảng mười năm lại có một cuộc khủng hoảng kinh tế, chẳng hạn, năm 1918, thế chiến thứ nhất chấm dứt, 11, 12 năm sau (1929, 1930), có cuộc khủng hoảng kinh tế mà hiện nay người ta còn nhớ. Sau thế chiến thứ nhì, nhờ các cường quốc có kế hoạch sản xuất, lại biết hợp tác nhau (Liên hiệp quốc có cơ quan giúp đỡ các nước gặp khó khăn về tài chánh: chẳng hạn giúp Anh, giúp Pháp những lúc đồng bảng, đồng quan bị phá giá) nên nhân loại tránh được các cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Ở nước ta, ngành xuất bản cũng như các ngành khác, không có kế hoạch, sản xuất ồ ạt, cho nên năm 1958-59, đã bị một lần khủng hoảng (tính ra là hết một chu kỳ mười năm: 1948-1958); tới nay lại được mười năm nữa (1959-1969), phải chịu một cuộc khủng hoảng nữa.
 
Phải đợi từ nay tới cuối năm mới biết thuyết đó có đúng không. Nếu sau khi lương quân nhân, công chức tăng lên rồi, số sách báo tiêu thụ cũng tăng lên theo thì chúng ta có thể yên tâm; nếu không thì ngành xuất bản sẽ phải ngưng trệ trong vài ba năm như lần trước: số sách xuất bản sẽ giảm đi, số bản thảo trong tủ mỗi nhà cầm bút sẽ chất cao thêm, mà bọn Hoa kiều Chợ Lớn lại có dịp làm giàu nhờ sách bán xon. Và lúc đó chúng ta sẽ rút được một bài học chắc chắn cho tương lai.
 

Sài gòn ngày 15.8.1969[2]

 
Chú thích:
[1] Nguyễn Hiến Lê dịch. (Goldfish).
[2] Bài này đăng trên báo Tân Văn số 16. (Goldfish).