TỰA

Từ năm 1959 chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu rung rinh.
 
 
Người ta thấy nó bất lực; thôn quê mất an ninh, nông dân bỏ ruộng tản cư ra thành thị; kinh tế thục lùi, đời sống đắt đỏ gấp hai năm 1954, đồng bạc sụt giá, nhiều người thất nghiệp; công chức hống hách và tham nhũng, vì nạn bè phái, sở nào cũng đầy nhân viên mà già nửa ngồi không, ngay trong học đường và trường thi cũng thiếu kỷ luật: đó là dấu hiệu chắc chắn nhất của sự sụp đổ.
 
 
Người ta oán nhất chính sách độc tài, phong kiến, gia đình trị, bầu bán bịp bơm, và áp bức đạo Phật của mấy anh em nhà Ngô. Chỉ nhờ Mĩ che chở mà Ngô Đình Diệm sống được tới ngày đảo chánh 1.11.63.
 
 
Những chính quyền lên thay Diệm còn bất lực, thối nát hơn Diệm nữa, và suốt 11-12 năm sau, nội bộ miền Nam thật là hỗn loạn. Các giáo phái và cơ quan ngôn luận đều lên tiếng đả kích mỗi ngày một mạnh nhưng chính quyền vẫn làm thinh hoặc đàn áp, không cải thiện một chút gì cả.
 
 
Khi rời Long Xuyên lên Sài Gòn tôi đã có chủ trương rõ rệt: Chỉ hoạt động về văn hóa, không làm chính trị, và muốn giữ tư cách độc lập, không vô một đảng phái, một hội đoàn nào. Nhưng từ 1960, thấy nhiều cái chướng tai gai mắt trong xã hội, tôi không thể làm thinh, và phải lên tiếng trên các tạp chí Bách Khoa, Mai, Tin Văn… Trước sau trên mười năm liên tục, được khoảng bốn năm chục bài, dài thì bốn năm chục trang, ngắn thì ba bốn trang, trung bình 8-10 trang, góp ý kiến với quốc dân và nhà cầm quyền về nhiều vấn đề từ giáo dục, văn hóa tới kinh tế, xã hội, chính trị… Ba bài bị bỏ, không đăng được, một bài được đăng nhưng bị cắt nhiều tới nỗi mất cả ý nghĩa (coi mục lục).
 
 
Một số bài đã được lựa cho vào hai tập: Mấy vấn đề xây dựng văn hóa (Tao Đàn – 1967), Những vấn đề của thời đại (Mặt Đất – 1974). Năm 1974, tôi lựa thêm mười tám bài có tính cách thời sự cho vào tập này, định khi nhà Trí Đăng xuất bản cuốn Mười câu chuyện văn chương rồi thì cho xuất bản tiếp; nhưng nhà Trí Đăng bận nhiều việc mà thời cuộc chuyển mau quá, cho nên cuốn trên mới phát hành được mấy ngày thì Sài Gòn được Giải phóng, và tập này không còn lí do để ra mắt độc giả nữa.
 
 
Vì tính cách thời sự, tôi sắp xếp các bài theo thời gian chứ không theo đề tài. Tuy một số bài tôi sửa đổi, thêm bớt vài chữ, vài câu cho rõ thêm hoặc đỡ rườm, hết thảy đều không quan trọng.
 
 

Sài Gòn, một ngày mùa Đông năm Đinh Tị (1977)

Nguyễn Hiến Lê