- 3 -
VẤN ĐỀ THÔNG CẢM LẪN NHAU GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN

Ngày 15.10.61, đoàn sinh viên Công giáo Sài Gòn đã tổ chức tại Câu lạc bộ sinh viên Phục Hưng một cuộc nói chuyện về vấn đề “Trách nhiệm người sinh viên trong xã hội hiện tại”. Hai vị Linh mục Kim (Paul Seitz) và Trần Văn Thiện lên diễn đàn, đại ý khuyên sinh viên phải có tinh thần trách nhiệm, phải nghĩ tới cái “bien commun”; và để chứng tỏ rằng tinh thần trách nhiệm hiện nay không được phổ biến lắm, rằng ít người ý thức được thế nào là cái “bien commun”, thành thử công việc chống chiến tranh du kích chưa có hiệu quả được như ý, hai vị đã dẫn ra vài trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm và phục vụ trong giới quân nhân và công chức.
 
Một thính giả - ông Trương Công Cừu[1] – ngờ rằng hai vị Linh mục có ý phê bình chính quyền, và đứng lên khuyên thanh niên có phê bình thì phải có tinh thần thông cảm và xây dựng.
 

°

 
Mới đọc qua bài tường thuật, tôi thấy ý kiến của thính giả đó rất đúng. Sự phê bình chính phủ phải có đủ hai điều kiện: thông cảm và xây dựng thì mới sáng suốt, khỏi có thiên kiến, mới có ích cho chính quyền và nhân dân. Quy tắc là như vậy.
 
Tuy nhiên khi áp dụng, chúng tôi thấy có điểm cần phải bàn thêm. Thế nào là tinh thần xây dựng, thông cảm, thế nào là không?
 
Trong trường hợp dân chúng thấy một lỗi lầm hay một sơ sót của một vài nhân viên chính quyền, thẳng thắn vạch ra, tìm nguyên nhân ở đâu rồi đề nghị một biện pháp hữu lý ít hay nhiều để cải thiện tình trạng thì sự phê bình là có tính cách xây dựng rồi.
 
Nhưng nếu thấy lỗi lầm hay sơ sót mà chỉ vạch ra thôi, không tìm nguyên nhân, không đưa ra biện pháp, thì là có tính cách xây dựng hay không?
 
Chắc vị thính giả đó cho là không, nên trong buổi họp đó ông mới thốt ra lời chúng tôi đã dẫn ở trên, thâm ý là để trách hai vị Linh mục.
 
Theo chúng tôi nghĩ thì trường hợp thứ nhì cũng vẫn có tính cách xây dựng.
 
Vì có khi chỉ cần vạch ra một tình trạng là tự nhiên người ta kiếm ra được nguyên nhân và biện pháp. Chẳng hạn khi Linh mục Kim phàn nàn rằng “Người ta đã phát giác biết bao vụ tham nhũng của các công chức, cán bộ chính quyền. Chính tôi cũng bị tống tiền cách đó. Chúng tôi xin giấu tên người công chức ty thuế vụ nọ ở địa phận tôi, là người công giáo nữa. Họ đến đề nghị, nếu tôi đưa cho họ một số tiền bao nhiêu đó thì họ sẽ giảm thuế cho tôi về một việc gì đó…” thì Linh mục chẳng cần tìm nguyên nhân cùng biện pháp mà chính quyền và quốc dân cũng hiểu được nguyên nhân ở đâu và biện pháp ở đâu rồi.
 
Lại như khi Linh mục Thiện kể cho ta nghe câu chuyện tiếp đón một nhân vật cao cấp nọ, vì thiếu tổ chức, mà có vài trẻ em đứng đợi giữa lộ từ 7 giờ đến 10 giờ, say nắng mà bất tỉnh, thì Linh mục cũng chẳng cần đưa biện pháp mà chúng ta cũng hiểu biện pháp ở đâu. Như vậy thì những lời chỉ trích của hai vị Linh mục, theo thiển kiến của tôi, vẫn là có tính cách xây dựng.
 
Huống hồ ta còn nên hiểu thêm điều này nữa: có những trường hợp dân chúng không có đủ trí thức về kỹ thuật để tìm ra nguyên nhân cùng biện pháp. Chẳng hạn nếu bây giờ có cái nạn các đồ ngoại hoá cần thiết tăng giá vùn vụt, nhân dân ai cũng thấy là hại, nhưng mấy ai đã đủ trí thức về kinh tế, về ngoại thương, cách thức viện trợ… để tìm ra được nguyên nhân cùng biện pháp? Nếu nhân dân phàn nàn mà trách họ rằng không đưa biện pháp tức là không có tinh thần xây dựng thì có khác gì bịt miệng họ không?
 
Vậy thì theo tôi, không thể dựa vào tiêu chuẩn đó – có đưa nguyên nhân cùng biện pháp hay không – để định được lời chỉ trích nào là có tính cách xây dựng hay không. Chỉ cần có sự thông cảm thôi, hễ chỉ trích mà có tinh thần thông cảm là luôn luôn có tính cách xây dựng, dù không đưa ra nguyên nhân cùng biện pháp cũng không sao. Chính quyền sẽ tự tìm lấy nguyên nhân và biện pháp. Nhân dân chỉ có bổn phận đưa ra những nguyện vọng của mình thôi, và làm tròn được bổn phận đó tức thị là đã giúp chính quyền được một phần rồi.
 

°

 
Nhưng thế nào là có tinh thần thông cảm? Ai cũng hiểu rằng đặt mình vào địa vị của người để tìm hiểu người là thông cảm với người. Nhân dân đối với chính quyền cũng vậy; phải tìm hiểu những nỗi khó khăn của chính quyền mà đừng nhất nhất việc nhỏ nhặt gì cũng trách cứ chính quyền, đừng đòi hỏi những điều mà chính quyền chưa thể thực hiện ngay được; như vậy là có tinh thần thông cảm.
 
Còn về cái giọng phê bình của người dân thì chính quyền cũng nên hiểu tâm lý của dân. Đã đành giọng càng bình tĩnh, càng lễ độ thì lời phê bình càng có giá trị, càng dễ sáng suốt. Tuy nhiên có những trường hợp bất bình quá thì không ai dễ gì nén được nỗi chua chát; lại có khi giọng có chua chát thì mới thấm tai người nghe. Trong trường hợp đó, chính quyền cũng không nên chỉ xét giọng nói mà trách nhân dân là không thông cảm với chính quyền.
 
Chúng tôi xin lấy thí dụ về Linh mục Thiện. Sau khi kể chuyện mấy em bé phải đứng đợi giữa lộ từ 7 đến 10 giờ, say nắng té xỉu, Linh mục nói:
 
“Ai chịu trách nhiệm về công chuyện đó? Tưởng một lần thôi, ai ngờ lần nào cũng vậy. Làm đến công chức to lớn mà không dám can thiệp gì, làm chức đó làm gì?
 
“Cũng chẳng riêng gì chính quyền. Một lần phải[2] rước một đấng Giám mục cũng vậy. Hẹn một giờ chiều song vì phải ghé dọc đường, đến sáu giờ mới đến… Làm cho cả mấy họ đạo lên ruột…”.
 
Rõ rằng là giọng phẫn uất. Có thể rằng Linh mục Thiện đã không thông cảm, nhưng chính mấy lần những người tổ chức các cuộc tiếp rước đã không thông cảm với những người “phải” đi tiếp rước (tiếng phải là của Linh mục), thì Linh mục tất phải có giọng đó. “Bất đắc kỳ bình tắc minh”, ai mà nỡ trách Linh mục?
 
Tóm lại, chúng tôi nghĩ rằng: khi phê bình, không nhất định phải đưa những nguyên nhân cùng biện pháp cho vấn đề mới là có tính cách xây dựng, chỉ cần thông cảm nỗi khó khăn của chính quyền thôi; còn như giọng phê bình nếu nhã nhặn, bình tĩnh được thì càng quý, nếu không thì cũng chưa nhất định là thiếu tinh thần thông cảm.
 

°

 
Nhưng vấn đề không phải chỉ có bấy nhiêu thôi. Chúng tôi muốn xét rộng thêm nữa. Nhân dân cần thông cảm với chính quyền thì chính quyền cũng nên thông cảm với nhân dân.
 
Tôi nhớ mười mấy năm trước, một lần lại thăm một tỉnh nọ, tôi được nghe nhiều người phàn nàn rằng một ông trưởng ty nọ rất liêm khiết mà sao lại trọng dụng một người phụ tá vào hàng mọt dân. Tôi nghĩ tình cố tri lại cho ông trưởng ty nọ hay những tiếng đồn ấy để ông tìm ra sự thực rồi thay đổi thái độ, vừa giúp được dân, vừa khỏi mang tiếng cho ông. Tôi nói:
 
- Tôi mới tới đây vài ngày mà đã nghe dân đồn rằng nhân viên X của anh ăn hối lộ. Ai cũng trọng anh là thanh liêm, không ai nghi ngờ anh bênh vực cho ông ta đâu, chắc là tại anh không rõ sự thực đấy thôi. Tiếng đồn đó đã đến tai anh chưa?
 
- Đến tai tôi từ lâu rồi. Nhưng người ta phải đưa chứng cớ ra thì tôi mới trừng trị ông ta được.
 
- Anh nói như vậy cũng phải. Nhưng anh cũng nên xét tình cảnh của dân chúng. Trong một tỉnh nhỏ như tỉnh này, nhân viên đó của anh tất nhiên là quen hết thảy những người có học thức và có uy quyền ở đây, không khi nào dám ăn hối lộ của những người đó. Chỉ có bọn con buôn và bọn dân đen là bị vắt sữa thôi. Bọn con buôn thì không bị thiệt gì cả, họ chịu “câu khoản” càng cao thì họ lại đập vào người mua càng nặng. Chung quy chỉ có dân đen là khốn đốn. Mà chúng ta thử đặt vào địa vị của một nông dân, một người buôn gánh bán bưng, chúng ta có dám đưa chứng cớ ra để tố cáo một nhân viên giao thiệp rộng, khá có quyền thế như vậy không? Dù chứng cứ có rõ ràng đi nữa, chắc gì đã thắng? Mà nếu thắng thì cùng lắm là họ phải đổi đi chỗ khác mà mình cũng phải bán xới chứ ở lại làm sao được. Vì họ đi thì còn tay sai, bạn bè họ ở lại, sẽ tìm cách trả thù giùm cho chứ? Tôi tưởng khi nghe thấy nhiều người đồn quá thì anh có thể tin rằng lời đồn có phần nào đúng và một là anh khuyên nhủ nhân viên của anh, hai là anh cho kẻ điều tra ngầm, chứ đợi dân chúng đưa chứng cớ ra mới hành động thì không bao giờ anh có cơ hội giúp dân chúng được đâu. Phải cảm thông tình cảnh của họ mới được.
 
Ông bạn tôi cau mày, nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi gặng:
 
- Anh nói khuyên nhủ? Nghĩa là cảnh cáo chứ gì? Hắn là nhân viên đắc lực nhất của tôi, mà không có chứng cớ anh bảo tôi phải cảnh cáo? Vô lý! Còn như điều tra? (Ông nói câu này bằng tiếng Pháp, mà tới bây giờ tôi còn nhớ rõ, nhớ từng lời một và nhớ cả cái giọng rất mỉa mai nữa) Vous voulez que je joue le rôle de Don Quichotte?
 
Tôi mỉm cười rồi thôi không bàn tới việc đó nữa.
 

°

 
Mới tháng trước, đọc mục Nói hay đừng trên báo Tự Do, tôi thấy một người dân ở một tỉnh nọ nêu lên trường hợp về sự lạm hành của vài nhân viên chính quyền địa phương, để góp ý kiến về vấn đề an ninh nông thôn. Đọc bài đó tôi thấy những sự kiện nêu ra rất có thể tin được, lời lẽ lại ôn tồn mà tinh thần xây dựng rất cao. Tôi mừng rằng đồng bào đã có những người lưu tâm đến việc nước, đến cái “bien commun” mà nhận cái việc không công là làm tai mắt cho chính quyền.
 
Nhưng sáu bữa sau, tôi ngạc nhiên làm sao khi thấy trên mục Nói hay đừng của nhật báo đó hai bức thư của hai nhà cầm quyền địa phương, một bức yêu cầu tác giả bài báo đưa những chứng cứ rõ ràng ra, một bức lại mời tác giả tới văn phòng của nhà cầm quyền để “góp thêm ý kiến”.
 
Lời lẽ hai bức thư cực kỳ nhã nhặn, nhưng tôi chắc rằng người dân nào đó tất cụt hứng, không còn dám góp ý kiến về việc nước nữa. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp tôi mới kể ở trên.
 
Và tôi khen thái độ của toàn soạn Tự Do. Toà soạn trả lời hai nhà cầm quyền nọ, đại ý rằng nhà báo chỉ có bổn phận “chuyển đạt tiếng nói của dân” lên chính quyền, khi xét rằng những tiếng nói đó có lý, có căn cứ một phần nào, chứ “không phải là cơ quan thanh tra, cũng không phải là một tổ chức chỉ điểm”, và xin phép hai nhà cầm quyền cho nhà báo giữ bí mật nghề nghiệp.
 
Không rõ vụ đó kết thúc ra sao.
 

°

 
Tuần trước, nhân gặp một ông bạn trong chính quyền, địa vị cũng khá cao, tôi đem vấn đề đó ra bàn. Tôi hỏi:
 
- Chính quyền nào mà sáng suốt thì dù dân chủ hay quân chủ cũng cho dân quyền góp ý kiến, tỏ thắc mắc. Đó là chính sách của “Ngô Tổng thống” cho nên mới có một cơ quan chuyên thu thập dân ý để đạt lên Tổng thống. Tôi tin rằng người dân nào trong tình trạng khẩn cấp này cũng sẵn sàng góp ý với chính quyền, hơn nữa, còn cho đó là một bổn phận của mình; nhưng bắt người ta phải đưa chứng cớ, phải vạch mặt chỉ tên ra như vậy, thì ai dám, hở anh? Nếu anh không ở trong chính quyền, chỉ là một thầy giáo làng hay một nông dân thì anh có dám không?
 
Ông bạn tôi đáp liền:
 
- Anh bảo chúng tôi phải tự đặt và địa vị của dân chúng, nhưng dân chúng cũng phải tự đặt vào địa vị chúng tôi chứ? Nếu ai cũng tố cáo, cũng chỉ trích mà không cần đưa chứng cớ thì có nhân viên nào mà không bị tố cáo, loạn mất rồi còn gì? Anh đừng nên quên rằng có những kẻ chuyên khuấy phá, manh tâm chia rẻ chính quyền với nhân dân.
 
- Anh nói cũng có lý. Nhưng xin anh nghe tôi kể hai trường hợp có thiệt.
 
Rồi tôi kể trường hợp nhân viên của ông trưởng ty trên kia với trường hợp đăng trên báo Tự Do; xong rồi tôi hỏi:
 
- Gặp những trường hợp đó anh hành động ra sao?
 
- Bắt phải đưa chứng cớ!
 
Tôi nói lảng qua chuyện khác. Tôi đã có kinh nghiệm rồi. Có những người rất ít thắc mắc, hễ đã tin điều gì là đúng thì tin chắc nó, không bàn luận gì với họ được.
 
Đa số, có thể nói 99%, dân chúng nước ta chỉ cần sự yên ổn và rất sợ chính quyền. Chỉ khi nào uất ức lắm người ta mới lên tiếng. Khi nghe được một lời phàn nàn nào của dân thì mười lần tới chín lần, nhà cầm quyền có thể chưa cần điều tra cũng biết ngay lời đó có lý phần nào không hay chỉ là hoàn toàn vu cáo. Nếu thấy có lý thì cho điều tra, mà tìm ra sự thực, nếu thấy không có lý thì bỏ đi, hoặc cho điều tra để tìm ra kẻ nào đã loan tin thất thiệt, rồi cảnh cáo họ, cảnh cáo không chừa thì trừng trị. Chỉ có vậy dân mới dám góp ý kiến với chính quyền, chứ nếu bắt nhất thiết sự kiện nào cũng phải đưa chứng cớ thì chúng tôi e dân chúng sẽ phải ngậm miệng mất. Không có biện pháp nào hoàn toàn cả. Lợi ở đây thì hại ở kia. Nhưng trước khi đòi dân chúng phải thông cảm với chính quyền – như ông Cừu đã tuyên bố - thì chính quyền nên tỏ đại lượng mà thông cảm với dân chúng trước đi đã. Đó là cái lẽ cư xử của người trên.
 
Chúng ta may mắn được sinh vào thời mà những phương tiện thông tin cực kỳ phát triển, vừa tiện lợi, vừa phổ biến, được sinh vào một nước mà quyền tự do phát biểu ý kiến được tôn trọng, đâu đâu cũng có những thùng thư dân ý; vậy mà người dân vẫn có cái cảm giác là thấp cổ bé miệng, đắn đo biết bao nhiêu rồi mới dám e dè thổ lộ một chút xíu nỗi khổ tâm của mình, thậm chí những vị có đức, có uy tín như hai vị Linh mục Kim và Thiện mà chỉ mới vạch vài lỗi lầm của một số người có trách nhiệm đã bị trách là thiếu thông cảm, thiếu xây dựng, thì xin độc giả thử tưởng tượng nỗi lòng của người dân thời xưa mới là tối tăm bi đát, đến đâu! Tạp chí Quê hương số 28 – tháng 10.1961 – trong mục Quan điểm có câu: “Cưỡng chế là yếu tố căn bản trong mọi chế độ chính trị”. Đúng như vậy?
 

Sài Gòn ngày 8.11.61

 

(Bài này đưa cho báo Mai, nhưng ông Hoàng Minh Tynh

không đăng, vì ngại làm lớn chuyện mà hai Linh mục

Kim và Thiện bị bề trên hay chính quyền trách móc)[3]

 

°

° °

Chú thích:
[1] Ông Trương Công Cừu nguyên Bộ trưởng Bộ Đặc trách Văn hoá thời đó ở miền Nam (BT).
[2] Chính chúng tôi cho in nghiêng.
[3] Trong ĐVVCT – trang 239, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo bài này “bị kiểm duyệt bỏ trọn”. (Goldfish).