- 4 -
VẤN ĐỀ TƯ THỤC

(Bài này là bài cuối trong loạt năm bài nhan đề là Phải mạnh bạo cải tổ nền giáo dục Việt Nam đăng trên Bách Khoa từ 1.5.62 đến 1.7.62[1]. Trong số đó, tôi phần tích:
 
1. Chương trình Trung học 1958 và những cải cách năm 1961 của Bộ Quốc gia Giáo dục (số 1.5.62).
 
2. Rồi xét đề nghị của ông Nguyễn Được, đưa đề nghị của tôi mà nguyên tắc là phải dân chủ và thực tế (số 15.5.62).
 
3. Để áp dụng vào bậc Tiểu học và Trung học (số 1.6.62).
 
4. Áp dụng vào bậc Đại học (số 15.6.62).
 
5. Bài cuối xét vấn đề tư thục (số 1.7.62) mà tôi trích lại dưới đây).
 

°

 
Muốn cải tổ nền giáo dục của chúng ta lúc này mà không xét vấn đề tư thục thì thật là thiếu sót. Nghĩ vậy chúng tôi viết thêm bài này:
 
Từ năm 1950 đến năm 1953, một ông bạn tôi dạy Việt văn và Pháp văn tại một trường nọ ở miền Hậu Giang[2]. Học sinh ở một tỉnh nhỏ thời đó xét chung rất dễ thương, tình thầy trò thật mặn mà. Ông ta chỉ bất mãn một điều là có một số - năm sáu trò mỗi lớp mà mỗi lớp hồi đó chỉ có ba bốn chục trò – sức học kém quá, mặc dầu gắng sức cũng không theo nổi chương trình. Ông khuyên phụ huynh các em đó nên cho chúng ở lại, các vị đó không chịu; ông giảng giải cho các em, các em cũng không dám cãi nhưng cũng không nghe; rồi ông đề nghị với ông hiệu trưởng cho các em ấy ở lại, ông hiệu trưởng gạt đi vì sợ mất lòng phụ huynh học sinh. Bực mình ông xin thôi, nghĩ rằng không thể vì một số tiền năm sáu trăm ngàn đồng mỗi tháng mà làm một việc trái với quy tắc sư phạm, trái với lương tâm được. Đơn gởi ba lần mới được chấp nhận.
 
Rồi ông lên Sài Gòn mưu sinh. Nhưng mới lên Sài Gòn, chưa chắc đã kiếm tiền được ngay, ông tìm chỗ tạm dạy tư trong một hai năm, dạy ít thôi để có thì giờ tính việc khác. Có người sẵn lòng nhường hai chục giờ Việt văn ở những lớp đệ tứ, đệ ngũ. Khi hỏi số học sinh và cái “huấn phong” ở các tư thục Sài Gòn này thì ông ngại quá, bảo tôi: “Anh tính mỗi lớp 70 trò là ít, mà dạy học thì phải giảng cho thật “hấp dẫn” từ đầu giờ tới cuối giờ. Ở Lục tỉnh đâu có vậy! Như thế thì phải hò hét 25 giờ mỗi tuần – mỗi kép hát dù là vai chánh, tổng cộng lại phải ê a khoảng một giờ mỗi đêm thôi vì còn những vai khác nữa – rồi cứ hai tuần phải chấm khoảng 400 bài luận. Tôi tự xét không kham nổi, đành rút lui lập tức. Thà chịu bóp bụng chứ không thể bán phổi như thế được”.
 
Đó là tình trạng dạy tư cách đây chín mười năm.
 
Mới đây các bạn giáo sư của tôi lại bảo: thời 1953 đó dạy tư như vậy còn là sướng như tiên, bây giờ mới thực là cực như mọi. Là vì hồi đó dạy Việt văn đệ tứ có thể lãnh được 100 đồng một giờ, lớp học nhiều lắm là 70, 80 trò, mà học sinh thời đó không đến nỗi kém lắm, lại tương đối có kỷ luật. Bây giờ học sinh đông hơn: 120, 150, 170 không chừng, bảy tám phần mười không theo nổi chương trình, một số ngỗ nghịch, mà tiền thù lao chỉ có 80, 90 đồng một giờ, có nơi chỉ 50 đồng, có nơi lại chỉ 30 đồng, nghĩa là giảm đi từ 30 đến 70% trong khi giá sinh hoạt tăng từ 1953 đến nay ít nhất là 50%. Dạy học như vậy quả thực là làm mọi. Tôi nghe nói có những ông 50 tuổi mà phải dạy trên 40 giờ một tuần, dạy ba bốn trường, trường ở tỉnh này, trường ở tỉnh khác, thành thử 5 giờ sáng đã phải ra bến xe, vậy mà trong túi không khi nào có trên 100 đồng, đến nỗi một bọn lưu manh nọ uy hiếp ông ta ở giữa đường, moi ví ông thấy có 30 đồng, phải thốt lên một câu tục tỉu: “Đ.m., giáo sư gì mà nghèo như vậy!”.
 
Nói cho đúng, chỉ một số giáo sư nghèo như vậy thôi. Đa số kiếm được 4-5 ngàn đồng một tháng, tạm đủ ăn; một số nữa trung bình một vạn một tháng, sống phong lưu nhưng bấp bênh vì hễ đau luôn một hai tháng là nguy; và một số ít hốt bạc rất nhiều, ba bốn vạn một tháng hoặc hơn nữa. Nhưng xét kỹ thì hết thảy đáng thương; họ phải bán phổi và bán cả lương tâm đi, họ phải làm từ đầu giờ đến cuối giờ, có ngày đến tám giờ và cả năm họ chỉ nghĩ được mươi bữa vào dịp Tết và nửa tháng vào dịp hè; họ phải chiều học sinh và làm ngơ trước những lỗi của học sinh. Học sinh không học bài, họ không dám rầy; họ không có thì giờ để sửa bài, biết như vậy là “đếm giờ ăn tiền” đấy, là không phải cái đạo ông thầy, nên một số chỉ mong sớm thoát ly được nghề và nếu có phương tiện nào khác để mưu sinh, chẳng hạn nuôi gà, làm vườn, bán sách… thì họ sẽ đoạn tuyệt với tư thục liền.
 

°

 
Tình trạng đó do đâu? Tại sao một nghề mà dân tộc nào, thời nào cũng coi là cao quý lại đến nỗi như vậy? Tại tư thục của ta hiện nay tự do quá, mà ngành tư thục thành một ngành bán buôn.
 
Mới đầu, tức vào khoảng 1950 gì đó, những người đứng ra mở tư thục chắc có ít nhiều lương tâm. Nhưng rồi học sinh tăng lên mau quá, họ kiếm tiền dễ quá, lương tâm của họ mờ đi một chút. Hễ kiếm ăn được thì tất có nhiều người nhảy ra cạnh tranh.
 
Bị cạnh tranh gắt quá, các ông hiệu trưởng có chút lương tâm một là phải rút lui, nhường cho kẻ kia tha hồ múa gậy, hai là nén cái lương tâm thêm một chút nữa để có thể tồn tại. Gần đây một số nhà mô phạm danh tiếng, muốn cứu vãn tình thế, hùn vốn hùn công với nhau mở một tư thục đứng đắn, định làm kiểu mẫu, nhưng chỉ vài tháng sau phải đóng cửa. Không thể nào chống nỗi những phép thần của một số tư thục khác được, chẳng hạn “phép” dùng một lũ học sinh “cao bồi” cho vào phá các trường đứng đắn, phép dùng nữ sinh kiều diễm để “hấp dẫn” nam sinh, nhất là phép hạ học phí. Như trên tôi đã nói, trong khi mức sinh hoạt tăng lên ít nhất là 50% thì học phí lại rút từ 30% đến 70%. Tôi nghe nói có lớp đệ thất hiện nay chỉ thu học phí chỉ có 90 hay 70 đồng một tháng. Tới cái nỗi giáo dục cũng đem bán xon như tiểu thuyết kiếm hiệp thì người nào có chút lương tâm đâu còn dám bỏ vốn ra mở trường nữa? Thành thử tình trạng tư thục mấy năm nay cứ mỗi ngày mỗi bi đát thêm.
 
Truy nguyên lên nữa thì lỗi còn ở phụ huynh học sinh. Nghề mở tư thục là một nghề buôn bán, không có người mua sao có người bán? Người mua thời này phần đông chỉ ham rẻ, cho nên mới có những người chuyên làm tồi hơn một chút để bán rẻ hơn một chút mà câu khách hàng. Nhưng xét kỹ thì phụ huynh học sinh chỉ chịu trách nhiệm một phần nhỏ thôi. Trước hết đa số ít học, không kiểm soát được sự học của con em; họ thấy tư thục được phép mở là tin cậy ở chính quyền, ở nhà trường, yên tâm gởi con em lại. Một số ít có học, thấy sự thối nát của tư thục, nhưng may mắn con em được vào trường công thì lên tiếng làm gì cho mệt; cũng có người lên tiếng, nhưng luôn mấy năm trên mặt báo nào cũng có lời kêu ca, mà vấn đề vẫn không hề nhúc nhích, riết rồi phải chán; trách nhiệm là trách nhiệm chung, đâu phải của riêng ai.
 
Lại truy nguyên lên nữa, ta thấy Bộ Quốc gia Giáo dục cũng có chỗ đáng chê vì không kiểm soát chặt chẽ các trường tư. Tôi biết Bộ ở vào một hoàn cảnh cực khó khăn. Số học sinh trong mười năm nay tăng lên mau quá – có lẽ gấp mười chứ không kém – ngân sách lại ít, nhân viên cũng ít, nội việc mở trường tiểu học cho mọi trẻ em có thể được hưởng một nền giáo dục căn bản cũng đã làm không xuể, rồi còn trung học, đại học nữa, bất kỳ cấp nào cũng thiếu trường, thiếu giáo sư, làm sao xoay sở cho kịp? Mới năm ngoái năm kia gì đây mà nhiều trường trung học công lập hoặc bán công còn phải tạm dùng một số giáo sư chỉ có tú tài I[3] thì làm sao Bộ có thể cung cấp những giáo sư đủ điều kiện văn bằng cho các tư thục được? Đã không cung cấp được thì còn trách người ta vào đâu được?
 
Vậy thì chính hoàn cảnh gây nên tình trạng hỗn độn hiện nay, mà từ Bộ tới phụ huynh học sinh, tới các tư thục đều chịu trách nhiệm một phần nào thôi.
 

°

 
Nhưng chỉ đổ lỗi cho hoàn cảnh thì dễ quá. Chúng ta phải tìm một giải pháp nào để cải thiện hiện trạng chứ.
 
Ông Bộ trưởng Nguyễn Quang Trình chắc đã nghĩ vậy, nên đầu năm nay đã ra một thông cáo “trân trọng yêu cầu quí vị Hiệu trưởng tư thục đặc biệt lưu tâm đến vấn đề tuyển dụng giáo chức mới và điều chỉnh tình trạng giáo chức cũ (cần hội đủ điều kiện tuổi và văn bằng). Kể từ niên khoá 1961-63, những giáo sư nào không có giấy phép dạy học sẽ coi như hành nghề không hợp pháp”. Ở đoạn đầu thông cáo đó ông còn khuyên các vị hiệu trưởng phải chú trọng đến hành vi chính trị và tác phong đạo đức của giáo chức nữa.
 
Tôi nhớ đâu như hai năm trước Bộ đã ra một thông cáo đại ý như vậy, nhưng rồi không áp dụng, nghĩa là gần như không kiểm soát gì cả mà những giáo chức không đủ điều kiện vẫn tiếp tục dạy như thường. Không biết lần này Bộ nhờ tinh thần hăng hái của ông tân Bộ trưởng có thâu được kết quả nào không. Trong khi chờ, chúng ta cũng nên góp ý kiến với ông.
 

°

 
Như trên tôi đã nói, gây ra cái nông nỗi này, không phải chỉ tại giáo sư (tôi thu hẹp vào bậc Trung học vì cái tệ lớn nhất là ở bậc này, chứ không phải ở bậc Tiểu học) và các hiệu trưởng, mà còn tại quy chế tư thục và tại hoàn cảnh. Vậy muốn cải thiện tình trạng thì phải nhận định hoàn cảnh và bám thẳng vào quy chế tư thục.
 
Ông Hiếu Châu đã nhận định gần thấu đáo khi ông đề nghị (trong bài Trở lại vấn đề tư thục – Tự Do 24.2.62): “…chính quyền cũng như nhân dân phải đặt ra vấn đề lọc đãi, kiểm soát, không riêng đối với giáo sư mà còn đối với cả hiệu trưởng và học sinh nữa: giáo sư dù có đầy đủ khả năng và kinh nghiệm nhưng nếu vẫn còn những “lớp cá hộp”, vẫn còn “phong trào học nhảy”, “học tủ”, vẫn còn chế độ cai thầu qua sự trung gian của những “giám học” côn đồ chuyên nghĩ đến phép cạnh tranh bất chính để triệt hạ đồng nghiệp, để bóc lột giáo sư và học sinh nhằm vét lợi cho các hiệu trưởng và cho chính họ thì vấn đề tư thục vẫn còn nguyên vẹn là một kinh doanh đầu cơ trục lợi”.
 
Quả thực như vậy: một thông cáo “trân trọng yêu cầu quý vị Hiệu trưởng tư thục” lưu tâm đến vấn đề tuyển dụng giáo chức và dặn kỹ rằng giáo chức nào không có giấy phép sẽ coi như hành nghề không hợp pháp, một thông cáo như vậy dù áp dụng triệt để, vẫn chưa giải quyết hết vấn đề.
 
Mà làm sao áp dụng cho triệt để được? Nếu áp dụng triệt để thì có lẽ phải loại đi già nửa giáo sư tư thục hiện nay. Kể ra trong nước không phải không có người để thay, nhưng những người này muốn dạy tư thì đã dạy từ lâu rồi. Ông Hiếu Châu thấy vậy nên đã đề nghị những giải pháp tạm thời dưới đây:
 
1. Cho phép giáo sư trường công ra dạy trường các tư thục không hạn chế số giờ, miễn sao việc đó không phương hại đến công việc giảng dạy của họ ở nhà trường.
 
2. Cho phép sinh viên đại học Sư phạm từ năm thứ hai trở đi được dạy các lớp đệ thất, đệ lục của các tư thục.
 
3. Mở các lớp tu nghiệp và các kỳ thi khảo hạch để điều chỉnh tình trạng hành nghề của những giáo sư có khả năng, có kinh nghiệm, có đạo đức đã lâu năm trong nghề nhưng không đủ điều kiện bằng cấp.
 
Giải pháp thứ nhất không nên theo. Nếu không hạn chế số giờ ở trường tư (hiện nay mặc dù có hạn chế mà hình như cũng đã có tình trạng như vậy rồi), mà lại dạy những lớp 120, 150 trò thì làm sao khỏi hại tới việc giảng dạy ở trường công và luôn cả trường tư nữa? Tôi nghĩ trái lại, chẳng những nên hạn chế số giờ dạy của giáo sư trường công mà cả giáo sư trường tư nữa. Tôi cho rằng mỗi tuần dạy 24 giờ là vừa; trong tình trạng thiếu thầy hiện nay số giờ đó có thể tăng lên 30, nhưng nhất định không được quá.
 
Giải pháp thứ hai có thể theo được, nhưng cũng chẳng bù vào số giáo sư được bao nhiêu vì những sinh viên Đại học Sư phạm học cũng đã mệt rồi, ít người còn đủ sức dạy tư thêm nhiều giờ nữa. Tôi còn nghĩ rằng cho họ dạy tư tại các trường cá hộp thiếu kỷ luật như ngày nay, một là họ sẽ nhiễm cái thói đếm giờ ăn tiền, bán rẻ lương tâm đi, hai là họ chán ngán về tương lai nghề nghiệp của họ. Vậy giải pháp tưởng là hiệu nghiệm mà thực ra ích lợi rất ít.
 
Giải pháp thư ba rất hợp lý, nhưng cũng cần phải bàn thêm. Bộ phải mở lớp tu nghiệp ở mỗi tỉnh, giáo sư đâu để dạy những lớp đó? Chẳng lẽ lại dùng giáo sư trung học để tu nghiệp cho giáo sư trung học. Ít nhất là phải dùng giáo sư Đại học hoặc hiệu trưởng Trung học. Giáo sư Đại học thì bận việc quá, còn hiệu trưởng trung học thì nhiều ông chỉ có tú tài mà dạy học chẳng hơn gì ai. Lại thêm có một số giáo sư tư thục vốn là nhà văn nổi danh dạy học đã lâu năm mà không có văn bằng, những vị đó có ai chịu tu nghiệp không? Mà ai dám nhận cái việc dạy những nhà văn nổi danh đó? Tôi chắc họ sẽ bỏ nghề mà như vậy hại cho ngành tư thục. Tôi nghĩ riêng về số giáo sư danh tiếng đó có thể đặt cách cấp giấy phép cho họ. Có thể rằng về lý thuyết sư phạm họ không thạo, nhưng họ có kinh nghiệm, lại có uy tín, mà trong sự dạy học, kinh nghiệm và uy tín rất quan trọng, có lẽ quan trọng nhất nữa. Chắc gì mấy chục bài lý thuyết sư phạm đủ làm cho người ta thành nhà mô phạm?
 
Hình như Bộ mấy năm trước cũng đã nghĩ được giải pháp tới mỗi đề nghị đó mà không hiểu vì lẽ gì lại bỏ.
 
Nhưng dù có dùng tất cả những giải pháp kể trên thì theo sự phỏng đoán của tôi vẫn còn thiếu giáo sư, chắc đến già nửa như tôi đã nói, thiếu nhiều nhất ở tỉnh, quận[4]. Riêng ở các tỉnh Hậu Giang, tôi chắc chắn sẽ có non 9 phần 10 giáo sư không đủ điều kiện hành nghề, nhất là lúc này quân đội cần dùng những người có tú tài.
 
Vậy nếu Bộ giữ đúng quy tắc thì hầu hết số tư thục ở các tỉnh, quận phải đóng cửa vì tuyển giáo sư không ra mà Bộ cũng không có cách nào cung cấp giáo sư cho các trường đó được, ngay trong các trường công còn cung cấp chưa đủ kia mà. Và ta sẽ thấy nhiều quận không còn trường trung học nữa, phụ huynh học sinh những nới đó phải cho con em nghỉ học khi chúng 11, 12 tuổi, vì không đủ tiền cho ra tỉnh học. Tất nhiên dân chúng sẽ kêu nài và Bộ trả lời cách nào?
 
Nếu trái lại, Bô sẽ không giữ đúng quy tắc, sẽ nhắm mắt làm lơ, chỉ kiểm soát lấy lệ vài trường hợp ở những châu thành lớn thì thông cáo của Bộ sẽ vô giá trị và tình trạng vẫn chẳng thay đổi gì cả.
 
Tôi không rõ trước khi ra một thông cáo như vậy, Bộ có nghiên cứu kỹ hiện trạng hay không. Theo tôi thì ít nhất Bộ phải làm những việc này: tính xem trong nước có bao nhiêu học sinh, cần bao nhiêu giáo sư, khi cho thi hành thông cáo đó sẽ còn lại bao nhiêu giáo sư đủ điều kiện văn bằng, thiếu bao nhiêu giáo sư, kiếm đâu cho ra những giáo sư để bù vào, nếu chắc chắn kiếm được tạm đủ thì hãy ra thông cáo, nếu không thì hoãn lại một vài năm, và trong khi chờ đợi, một mặt cấp tốc đào tạo số giáo sư cần thiết, một mặt chỉ cải thiện từng bước nhỏ giọt thôi, nghĩa là chỉ cấm hành nghề những người thực là thiếu khả năng và tư cách, còn những người khác dù không đủ điều kiện, vẫn tạm thời cho phép được dạy.
 
Chúng ta lại nên nhớ điều này nữa: giáo sư đủ niên kỷ và văn bằng chưa nhất định là đủ tư cách. Tôi nghe nói một giáo sư trung học đệ nhị cấp[5] ở một trường công danh tiếng ở Sài Gòn tuyên bố với với học sinh rằng: “Tôi còn phải dạy thêm trường tư nữa mà ở trường tư dạy lôi thôi như dạy trường công thì ai người ta mướn”. Tôi lại được đọc trên một tờ báo rằng một ông hiệu trưởng trường công nọ bảo học sinh: “Các trò năm nay đỗ nhiều là nhờ thầy vận động cho đấy”. Rồi năm ngoái năm kia gì đấy, một học sinh trường Quốc gia Sư phạm phàn nàn trên mặt báo rằng giáo sư của họ đã thiên vị trong một kỳ thi, cho cháu mình đỗ cao mặc dầu nó học kém. Như vậy có thể gọi là đủ tư cách không? Bộ đã nhận thấy chỗ đó nên nhắc các ông hiệu trưởng cần có tác phong đạo đức. Vậy chắc Bộ sẽ kiểm soát tác phong cùng “hành vi chính trị” của giáo sư nữa và sau những sự lựa lọc đó, số giáo sư càng thiếu nhiều hơn nữa.
 
Mới rồi Bộ ra thông cáo mở ở Sài Gòn những lớp tối dạy các thanh niên hiện có tú tài từ 20 tuổi trở lên. Học hết hai năm, mỗi tối hai giờ, nếu thi đậu thì họ sẽ được cấp một chứng chỉ, được phép dạy ban trung học đệ nhất cấp ở các trường tư hoặc công. Sáng kiến đó hay, kết quả còn tuỳ cách tuyển lựa và cách đào tạo ra sao. Nhưng tôi nghĩ phải bảo đảm việc làm cho những thanh niên đó sau khi mãn khoá, nghĩa là phải dành chỗ dạy cho họ ít nhất là tại các trường bán công, phải giới thiệu họ với những trường tư, và sau ba bốn năm dạy học, họ phải được quyền thi vào chính ngạch, được lựa vào dạy các trường công thì họ mới thấy có tương lai và mới ham học. 
 

°

 
Chúng tôi cứ tạm đặt giả thuyết rằng tất cả những khó khăn kể trên, Bộ sẽ giải quyết được hết, nghĩa là các trường sẽ đủ giáo sư, giáo sư nào cũng đủ điều kiện niên kỷ, văn bằng, lại có tác phong đạo đức, có hành vi chính trị đứng đắn.
 
Như vậy tình trạng tư thục có cải thiện được một chút, chỉ một chút thôi, vì chỉ mới là trị ngọn. Cần nhất là phải thay đổi quy chế tư thục. Quy chế hiện hành, tôi thú thực là không được biết rõ lắm; chỉ nghe nói mấy năm trước Bộ điều tra cũng rất kỹ lưỡng, kỹ lưỡng tới nỗi có trường đã dạy học hai ba năm mà vẫn chưa được cấp giấy phép. Điều đó rất quý – việc gì làm kỹ mà chẳng quý? – nhưng tôi được biết một giáo sư đã dạy các lớp đệ tứ, đệ nhị một trường công trong tám chín năm, được hiệu trưởng và học sinh rất trọng, có hồi lại lên thay hiệu trưởng non một năm, có hồi lại làm hiệu trưởng một trường bán công trong một năm nữa mà khi xin mở một lớp luyện thi trung học đệ nhất cấp thì nghe đâu như một năm sau vẫn chưa được giấy phép, thành thử ông ta chán nản, hết muốn mở trường mà cũng không hăng hái dạy học nữa. Tôi vẫn biết Bộ có những lý do chính đáng mà Bộ không cần phải tuyên bố nhưng tự hỏi, nếu thấy không thể cho được thì sao không từ chối phắt đi, bắt người ta trông chờ làm chi?
 
Mà cứ nhìn chung quanh, tôi thấy Bộ cơ hồ như theo một chính sách “tự do, dân chủ”, cho các trường tư tha hồ cạnh tranh nhau, vì học phí không có gì nhất định cả, rút xuống bao nhiêu cũng được cả, số học sinh mỗi lớp cũng không hạn chế, tăng lên bao nhiêu cũng được.
 
Chính sách đó tất nhiên cũng có lợi, học phí nhờ vậy mà rẻ đi, giáo sư nhờ vậy mà phải gắng sức “tranh thủ” học sinh; nhưng cái gì quá mà chẳng có hại, và cái hại đã làm tốn bao nhiêu giấy mực trên báo chí rồi đấy.
 
Học phí rút xuống nhiều quá thì tiền thù lao giáo sư cũng phải rút theo, và giáo sư muốn đủ sống phải dạy thêm nhiều giờ, hiệu trưởng muốn giữ được lời, phải mở những lớp thật rộng, chứa được 150, 170 học sinh. Luật xã hội lo đến sức khoẻ của công nhân, có luật nào lo đến sức khoẻ của giáo sư và học sinh không?
 
Trường muốn “tranh thủ khách hàng” thì tất nhiên phải tìm cách thoả mãn thị dục của khách hàng; mà hạng khách hàng đầu xanh đó thì 10 em có tới 8, 9 em ngại sự gắng sức, chỉ thích đùa nghịch, được thoả mãn hai con mắt và hai lỗ tai; cho nên một số hiệu trưởng phải dùng nữ sinh để “câu” nam sinh mà giáo sư phải thuộc nhiều truyện phim giật gân, phải hát chèo, hát xẩm, hát cô đầu cho “mùi”, v.v… cũng để câu học sinh, cả nam lẫn nữ, nhất là nữ. Tất nhiên đó chỉ là một số chiên ghẻ thôi, không khi nào tôi nghĩ rằng cả các giáo sư tư thục đều như vậy. Vì trong giới giáo sư tư thục hiện nay thật là có đủ hạng người. Có những kẻ thiếu tư cách thì cũng cũng có những người đáng kính: một số không chịu trở lại làm việc với Pháp mà dạy học để sinh nhai, một số nữa là văn nhân, học giả muốn khỏi tủi với cây bút phải dạy thêm để nuôi gia đình… Cứ xét chung thì đa số không xấu, không tốt, sở dĩ phải đếm giờ ăn tiền, làm trái với lương tâm chỉ vì hoàn cảnh xã hội và gia đình, thứ nhất là sự cạnh tranh của các trường tư.
 
Chúng tôi vẫn biết rằng tự do, dân chủ là những quy tắc rất quý, rằng ở các nước văn minh, việc mở tư thục vẫn được coi là một nghề tự do, chứ không phải theo một nghề buôn bán, nhưng khi tự do mà đưa đến những kết quả như trên thì không thể gọi là đẹp được mà cần phải xét lại.
 
Theo thiển kiến thì muốn cải thiện hiện trạng, phải trị từ cái gốc, đặt lại cả vấn đề, thay đổi hẳn cơ chế tư thục, chặn đứng hẳn sự tự do vô tổ chức đó. Vấn đề lớn lao quá, ảnh hưởng sâu xa tới tương lai của dân tộc, một mình Bộ không giải quyết nổi, phải có sự hợp tác của toàn dân, mà muốn có sự hợp tác đó thì Bộ phải tiếp xúc với nhân dân, giảng giải cho nhân dân thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề.
 
Ông Bộ trưởng hiện thời là chủ tịch một hội rất đông, tức Tổng hội giáo giới Việt Nam (nghe nói gồm hàng vạn hàng ức hội viên đấy); Tổng hội đó lại có cơ quan ngôn luận, tạp chí Luận đàm, đã ra tới số mười mấy, thì ông có dư phương tiện để đặt vấn đề với nhân dân, trao đổi ý kiến với mọi người.
 
Khi thu thập đủ tài liệu rồi, Bộ nên mở một hội nghị giáo dục gồm:
 
- Các vị hiệu trưởng ở khắp nơi.
 
- Các vị đại diện giáo sư tư thục ở khắp nơi.
 
- Các vị đại diện phụ huynh học sinh ở khắp nơi.
 
- Một số nhà báo.
 
- Một số nhân viên các bộ.
 
Để cùng nhau:
 
- Nhận định, mổ xẻ tình trạng bi đát hiện tại của tư thục.
 
- Tìm một giải pháp toàn diện, thực tiễn cho vấn đề.
 
Giải pháp đó sẽ là quy chế tư thục. Quy chế đó phải nhắm vào những mục tiêu dưới đây trong một thời gian bốn hay năm năm:
 
- Mỗi lớp học sinh không được quá năm chục.
 
- Học sinh phải đủ sức theo chương trình thì mới thu nhận, mới đầu không thể căn cứ vào học bạ của các tư thục hiện thời mà phải khảo sát trình độ học sinh.
 
- Giáo sư phải có đủ điều kiện như thông báo của Bộ đã định.
 
- Giáo sư chỉ được dạy nhiều lắm 30 chục giờ thôi.
 
- Kỷ luật phải nhiều.
 
- Diệt nạn cạnh tranh bất chính giữa các tư thục.
 
- Định học phí ra sao để trường và giáo sư đủ sống.
 
- Ở cùng một nơi, học phí phải như nhau, từ tỉnh này qua tỉnh khác học phí có thể khác nhau một chút thôi, tuỳ mức sinh hoạt ở mỗi nơi.
 
- Rút giấy phép của những trường không đứng đắn.
 
- Trường phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bộ: kiểm soát hiệu trưởng, kiểm soát giáo sư, nhất là kiểm soát sự học của học sinh (công việc này có hiệu quả nhất).
 
Bộ cần có sự hợp tác của nhân dân (tức của phụ huynh học sinh) thì sự kiểm soát mới hữu hiệu vì Bộ khó có đủ nhân viên được; vậy phải khuyến khích sự thành lập các hội đó, giúp những hội đó mở trường tư.
 
Một số người cho rằng cứ đào tạo nhiều giáo sư rồi tự nhiên sẽ có sự đào thải, chớ không nên kiểm soát giáo sư tư thục vì ngành tư thục là ngành tự do, ngay ở nước nhà thời Pháp thuộc, người ta cũng chỉ kiểm soát hiệu trưởng và chương trình thôi, chứ không kiểm soát lối dạy của giáo sư.
 
Đào tạo nhiều giáo sư tất nhiên là việc phải làm gấp rồi, nhưng dù ngân sách dồi dào thì cũng mất từ tám tới mười năm mới có được hai ba ngàn giáo sư cần thiết. Vì phải lựa chọn chứ không phải ai có tú tài cũng nhận được. Mà khi đào tạo xong thì cũng phải kiểm soát nữa, không thể bảo rằng hễ ở trường ra là có đủ tư cách dạy.
 
Và tình trạng nước ta khác nước người. Ở Pháp chẳng hạn, dư người đủ tư cách làm giáo sư tư thục, nên họ không kiểm soát cách dạy cũng không hại. Còn như ở nước ta, thời Pháp thuộc, trường tư không quá tệ như hồi này, người Pháp không cần kiểm soát chặt chẽ. Cũng có thể họ theo chính sách sống chết mặc bây, chỉ dò xét xem giáo sư tư thục có làm cách mạng hay không, còn thì để cho họ tự do. Chúng ta ngày nay không thể bắt chước họ được, phải kiểm soát khả năng và công việc của giáo sư (có bắt trả bài không, có ra bài làm, có chấm bài không, lớp học có kỷ luật không…), miễn sự kiểm soát phải có tinh thần xây dựng nhằm mục đích duy nhất là tìm cái lợi cho học sinh.
 
- Tư thục phải đóng cửa ít nhất một tháng trong vụ hè cho giáo sư và học sinh được nghỉ ngơi. Tháng đó giáo sư được ăn lương. Tết vừa rồi một giáo sư tư thục lại thăm tôi, phàn nàn rằng làm bất cứ làm nghề gì Tết cũng được nghỉ ăn lương, duy có giáo sư tư thục là hễ miệng nghỉ giảng thì cũng nghỉ ăn lương. Tại sao không áp dụng những luật xã hội vào giáo sư tư thục? Làm lao công ăn lương ngày còn được hưởng phụ cấp cho vợ con, mà tại sao giáo sư tư thục lại không được hưởng? Bắt họ có đủ điều kiện mới được hành nghề thì cũng phải cho họ hưởng những quyền lợi tối thiểu của một lao công chứ.
 
Đại khái mục tiêu chúng ta phải đạt được như vậy. Tôi trình bày với độc giả chỉ là nêu vấn đề, và cắm những cái mốc thôi. Mốc có cắm sai thì sẽ có những nhà chuyên môn cắm lại.
 
Dân chủ không phải là để cho dân muốn làm gì thì làm mà là tiếp xúc với mọi giới trong nhân dân, tìm hiểu thắc mắc, nguyện vọng của nhân dân, trình bày những khó khăn và khả năng của chính quyền, để cùng nhân dân vạch một chương trình hoạt động có lợi cho nhân dân mà chính quyền có thể thực hiện được.
 
Chúng tôi chỉ đưa mục tiêu ra thôi, không đưa giải pháp vì vấn đề lớn lao quá, không một cá nhân, một cơ quan nào có thể tìm nổi một giải pháp. Vì vậy mà chúng tôi đã đề nghị đặt vấn đề với nhân dân để cần sự góp sức của toàn dân.
 
Chắc có vị cho rằng những mục tiêu chúng tôi mới trình bày bó buộc trường tư quá, thiếu tự do. Vâng, nhưng hiện nay chế độ tự do đã gây một tình trạng quá bi đát thì phải mạnh bạo cải tổ lại, phải mổ và nặn mủ đi, chứ không nên xoa bóp ở ngoài nữa. Tới bán than còn phải theo giá chính thức, bán trụ sinh mà còn phải có bằng cấp, theo toa bác sĩ, đâu có hoàn toàn tự do.
 
Vả lại tôi tin rằng nhiều ông hiệu trưởng cũng mong phong trào cạnh tranh bớt đi để có thể sống được mà phụng sự quốc dân một cách tốt hơn. Rồi khi nào tình trạng cải thiện rồi thì qui chế lại nới rộng ra, miễn là luôn luôn chỉ nhắm cái lợi của học sinh.
 
Vậy nhược điểm “thiếu tự do” đó không đáng cho ta quan tâm tới. Nhược điểm dưới đây mới cần xét kỹ: muốn đạt những mục tiêu đã vạch, học phí tất phải tăng lên khá nhiều mà đa số nhân dân sẽ gánh không nổi.
 
Tôi tính sơ sơ một lớp đệ thất ở Sài Gòn (trong một trường có khoảng 20 lớp) phải chi tiêu những khoản này:
 
- 5.000 đồng trả giáo sư.
 
- 1.000 đồng phí tổn về lớp học và bàn ghế…
 
- 2.000 đồng góp phí tổn về văn phòng và trả công hiệu trưởng, giám học…
 
Cộng là 8.000 đồng. Phải thêm ít nhất 1.000 nữa để trả giáo sư và các nhân viên của trường trong vụ hè, và để lập tủ sách, chi tiêu về những công vụ khác, như thể dục, chiếu bóng, mua dĩa hát…
 
Số học sinh tối đa mỗi lớp là 50 thì ta nên tính chỉ thâu được học phí của 40 thôi vì có lúc ít học sinh hơn, lại có những học sinh nghèo được miễn học phí. Vậy số chi là 9.000 đồng chia có 40 học sinh, học phí sẽ khoảng 220 đồng. Ở tỉnh đời sống rẻ hơn, phí tổn nhẹ hơn thì học phí có thể định là 200 đồng.
 
So với các trường tư thục Pháp ở đây thì học phí còn là nhẹ lắm (những lớp 6è, 5è của họ, học phí tới 400, 500 đồng) mà so với học phí tại các tư thục của ta hồi 8, 9 năm trước thì không cao gì, hồi đó học sinh đệ thất cũng phải trả 170 đồng mà giá sinh hoạt chỉ bằng 60, 70% giá sinh hoạt ngày nay; nhưng hiện nay vì có nhiều trường dạy ẩu để giảm học phí xuống còn 120 đồng, có nơi 70 đồng, cho nên nhiều phụ huynh học sinh sẽ chê là cao quá, và một số sẽ không trả nổi[6].
 
Vì điểm khó khăn đó nên Bộ mới cần có sự hợp tác của toàn dân để tìm một biện pháp hầu đạt được những mục tiêu đã vạch, hoặc thay đổi mục tiêu nếu chưa thể nào thực hiện được. Bô phải làm sao giảng cho quốc dân hiểu rằng thà đừng cho con đi học còn hơn là cho học tại những tư thục dạy ẩu, rằng muốn cho người ta khỏi dạy ẩu thì học phí ít nhất phải như vậy, rằng chính phụ huynh phải để ý đến sự học của con em bằng cách thành lập những Hội phụ huynh để kiểm soát các trường tư, rằng toàn dân phải đóng góp vào việc giáo dục thanh niên, kẻ góp công người góp của (chẳng hạn học sinh trường công mà gia đình khá giả cũng nên đóng học phí để chính quyền có tiền phụ cấp cho các tư thục…) rằng tương lai của con em không thể giao phó cho hạng đầu cơ được, rằng chính quyền sẽ tận lực giải quyết vấn đề, sẽ phái nhân viên lại giúp các tư thục và khi nào có phương tiện, sẽ lần lần đổi các tư thục thành bán công hết, nhưng phải có sự hợp tác của nhân dân thì mới có kết quả vì hiện nay Bộ không đủ nhân viên, không đủ ngân sách. Tôi nghe nói ngay như ở Nhật Bản, phụ huynh trong mỗi xóm, mỗi khu nhiều khi phải lo lắng sự học của con em tại các lớp mẫu giáo. Trưởng nhóm hay trưởng khu khi tới mùa tựu trường đi nhắc nhở các gia đình cho con em đi học, và các phụ huynh góp sức nhận tổ chức lớp mẫu giáo, tìm chỗ làm lớp học, mướn cô giáo, định học phí… Họ vui vẻ làm, vì biết nếu họ không làm lấy để chính quyền lo hết thì họ phải đóng thuế nặng hơn, rốt cuộc đâu cũng vào đấy. Công việc gì khác thì còn có thể hoàn toàn trông vào chính phủ được, chứ công việc giáo dục con em mình thì nhất định mình phải góp sức vào.
 
Bộ có thể nhờ báo chí, nhờ Bộ Văn hoá, nhờ Tổng hội giáo giới và các Hội phụ huynh học sinh giảng giải cho dân chúng hiểu mục đích và chương trình hoạt động của Bộ. Phải vạch rộng cho dân thấy những tệ hại của nền giáo dục tư thục hiện nay, những kết quả bi thảm của nó, thấy trách nhiệm làm cha mẹ và hiểu ít điều căn bản về sự dạy dỗ con em.
 
Chúng tôi chắc rằng khi dân thấy sự quan trọng của vấn đề thì sẽ chịu đóng góp thêm; khi “huấn phong” đã được cải thiện ở đa số tư thục rồi thì sẽ có nhiều người đứng đắn muốn dạy học, và có thể có đủ giáo sư, nếu Bộ chú trọng đến khả năng và tư cách hơn bằng cấp.
 
Bao giờ quốc dân mới được coi phim, nghe một vở kịch, đọc một tiểu thuyết ghi hiện trạng của ngành tư thục hiện nay, diễn tả nỗi khổ tâm của những trẻ đứng đắn muốn học mà không tìm được những lớp đứng đắn; của những giáo sư có lương tâm mà đành phải đếm giờ ăn tiền, của những ông hiệu trưởng có lý tưởng mà bị bọn đầu cơ đè bẹp và của những phụ huynh đóng tiền cho con em học mà không ngờ là để chúng tán gái?
 
Bộ Quốc gia Giáo dục, Bộ Văn hoá sao không đặt những giải thưởng đặc biệt khuyến khích sự sáng tác những kịch, những phim về đầu đề đó? Những tác phẩm đó mà được phổ biến trong nhân dân, nhân dân mà được trông thấy sự sa đoạ trong ngành tư thục, tất sẽ cười ra nước mắt và suy nghĩ lung lắm. Mà suy nghĩ là bước đầu của hành động rồi đấy.
 

(Bách Khoa số 1.7.62)

Chú thích:
[1] Tức 5 số từ 128 đến 132. (Goldfish).
[2] “Ông bạn” đó chính là tác giả. Theo ĐVVCT, cụ Nguyễn Hiến Lê dạy trường Trung học Thoại Ngọc Hầu từ tháng 11 năm 1950 đến hết niên khoá 1952-1953, cụ“dạy Pháp văn, Việt văn, Đức dục, sau thêm cả Hán văn nữa ở nhiều lớp từ năm thứ Tư xuống tới năm thứ Nhì (bây giờ tương đương với 9, lớp 7”. (Goldfish).
[3] Tôi nhớ khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, có nhiều giáo sư chỉ có bằng Trung học đệ nhất cấp, học một khoá sư phạm ba năm (được xem tương đương với trình độ tú tài I) là ra dạy các lớp đệ thất, đệ lục. (Goldfish).
[4] Quận: hồi đó không phân biệt quận và huyện như ngày nay. (Goldfish).
[5] Trung học đệ nhị cấp: tương đương với cấp Trung học phổ thông bay giờ (BT).
[6] Nếu mới đầu ta hãy tạm đạt được mục tiêu này thôi: mỗi lớp 60 học sinh thì học phí giảm được là 9.000: 50 = 180 đồng, một trò ở lớp đệ thất. Nhưng nhất định không nên quá số đó.