CUỘC HỘI NGỘ Ở SÔNG LAM

Khi luận ra thế, ông Ruông cảm thấy cảm hứng lịch sử của mình tăng rất cao. Đến nỗi lúc đọc xong những trang sử thời Trịnh Nguyễn của nước ông thì ông thấy vị tổ phụ thứ mười một của nhà họ Lê bước đi ngờ ngờ trong trí não ông.
Ông Ruông chép trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ:
Sử văn làm nảy sinh trong trí não ta một cuộc trông thấy vô cùng kỳ thú. Thoạt đầu là ta nghe thấy tiếng nước vỗ vào những con thuyền thủng nát đang bồng bềnh trên dòng sông Lam, xứ Nghệ.
-Ngươi muốn tìm ai?
Có ai đó hỏi, giọng như đang loãng ra.
Nếu ta không chú ý thì cứ nghĩ đó là tiếng nước vỗ mạn thuyền.
Ta đáp là chẳng tìm ai cả.
Giọng nói kia lại cất lên:
-Nơi này từng là chiến địa, ngươi có biết không?
Tất nhiên chuyện ấy thì ta đã rõ. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư các sử thần triều Lê Trịnh soạn, và sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục các sử thần triều Nguyễn soạn, đều chép về cuộc chiến tranh 1627-1672 giữa hai họ Trịnh Nguyễn. Trong cuộc chiến gần nửa thế kỷ này thì trận giao tranh ở hai bên bờ sông Lam, Nghệ An, là dai dẳng nhất. Ta nói là nhờ đọc sách mà biết được trận đánh ấy mở đầu vào năm At Mùi, 1655, kết thúc vào năm Canh Tý, 1660, quân Nguyễn đã tiến sâu vào đất của vua Lê chúa Trịnh, chiếm được 7 huyện phía nam sông Lam, nhưng rốt cuộc quân Trịnh đã lấy lại.
-Ngươi đến nơi này là để coi thử sách nói có trúng không?
Giọng nói kia dường đang cô đọng lại thành những lời đầy hàm ý.
Ta bảo là chẳng việc chi phải làm chuyện ấy. Chỉ do đọc sách, rồi tình cờ dừng lại chốn này thôi.
-Cuộc nhân sinh chỉ là chuyện tình cờ.
-Với mọi thứ trong cuộc đời này?
-Phải. Ngay cả việc ngươi được sinh ra.
-Nhưng đấy là ai? Là đang ở đâu trò chuyện cùng kẻ này?
-Ta là ai ư? Trước hết ngươi nên biết ta với con sông Lam này là mãi mãi gắn kết nhau.
Kiểu nói năng ấy khiến ta phải truy tìm lại trong sử sách.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của các sử thần triều Lê Trịnh chép:
Đinh Dậu, 1657, mùa hạ, tháng sáu, Thái bảo phú quận công sai bọn Lê Thì Hiến, Hoàng Nghi Giang, Đặng Thế Công đều đem các quân chia đường vượt sông Lam… Mậu Tuất, 1658, mùa thu, tháng bảy, giặc vượt sông Lam xâm lấn xã Mỹ Dụ. Canh Tý, 1660, mùa thu, tháng tám, Nguyễn Phúc Tần ở châu Hóa sai bè lũ là Thuận Nghĩa, Chiêu Vũ vượt sông Lam xâm phạm xã Mỹ Dụ,…thống suất Trịnh Đống sai bọn Hoàng Nghĩa Giao tiếp chiến, phá được, giặc chết đuối rất nhiều…
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của các sử thần triều Nguyễn chép:
Mậu Tuất, 1658, tháng chạp, mùa đông, Trịnh Căn sai bọn Đào Quang Nhiêu, Đặng Thế Công chia đường sang sông Lam đánh nhau với quân Nguyễn Hữu Tiến ở Tuần Lễ… Canh Tý, 1660, tháng tám, mùa thu, Trịnh Căn sai tướng qua sông Lam đánh nhau với quân Nguyễn Hữu Dật ở Lãng Khê, tướng bên Trịnh bị thua… quân Trịnh sợ hãi, tan vỡ, chết hại rất nhiều…
-Có phải đấy là oan hồn của kẻ đã ngã xuống trong trận chiến trên sông Lam thuở ấy?
Ta hỏi mà lòng cảm thấy không yên.
Bỗng như có ai vụt hiện lên trong trí não mình.
-Chớ nghĩ lung tung. Oan hồn là không thuộc về kẻ đã chết.
Ta rất vui vì đã nhìn thấy kẻ trò chuyện cùng ta.
-Nhưng thưa tiền bối, kẻ này chưa rõ thuở ấy tiền bối là người của Nam Hà hay của Bắc Hà.
Ta lập tức liệt kẻ trò chuyện cùng ta vào lớp tiền bối.
Và ông ta cũng lập tức nghiêm mặt với ta:
-Hơn ba trăm năm qua ta đã gặp hết thảy những người của thời xa xưa đó, chẳng ai mở miệng hỏi ta là người của Nam Hà hay của Bắc Hà.
-Ngay cả các chúa Nam Hà và các chúa Bắc Hà?
-Phải. Các ông ấy lâu lâu lại bày các cuộc đại hội nghị để đám dân Đại Việt thuở ấy có dịp gặp nhau.
-Tiền bối nói là các vị ấy cùng đứng ra để làm các cuộc hội nghị?
-Phải.
-Có nghĩa là họ chẳng còn thù hận nhau?
-Ngươi chớ lẫn lộn chuyện trần gian với chuyện của cõi chết.
Ông ta nói xong lời này thì mỉm cười với ta, khiến ta bối rối.
Cõi chết là nơi chẳng còn thù hận?
Thế cuộc phân tranh kia là do nguyên cớ nào? Chẳng lẽ đánh nhau mấy chục năm là để được về một thế giới chẳng còn thù hận? Ta rất muốn biết là ông ta có gặp các vị sử thần triều Nguyễn và triều Lê Trịnh không, để biết các vị ấy đã nghĩ thế nào về cuộc phân tranh các vị đã chép thành sử sách
-Có. Mỗi lần gặp bọn ta, tức là gặp đám binh lính đã chết trong cuộc phân tranh, thì các ông ấy lại nhắc rằng sở dĩ thế gian có chuyện chém giết nhau cốt là để cho mặt đất không còn buồn tẻ như lúc chưa có loài người.
Ông ta nói.
Một cách nhìn thế gian của những sử gia đã chết?
Ta định phải tranh cãi về chuyện này, nhưng ông ta đã nói tiếp:
-Ngươi lấy làm lạ có phải không? Chẳng ai ngu ngốc muốn có chiến tranh, hay điên khùng đi ngợi ca cái chết. Nhưng quả tình từ hôm ta chết, ta lại hiểu thế gian hơn.
Ta có cảm tưởng ông ta vừa nói vừa dộng đầu gậy chống xuống đất. Nhưng khi cố chú tâm nhìn thì không phải. Kẻ trò chuyện cùng ta chỉ vào trạc ngoài bốn mươi. Có nghĩa là còn quá trẻ so với ta. Lòng ngưỡng mộ khiến ta dồn hết cả tâm trí vào con người đã nằm xuống hơn ba trăm năm trước. Và ta chợt cảm thấy hoảng hốt:
-Thưa, có phải tiền bối chẳng còn đủ đôi cánh tay?
Bây giờ thì không phải ông ta mỉm cười, mà cười thoải mái, nói:
-Ta bị chúa Nguyễn sung vào lính năm Ất Mùi,1655. Trong trận đánh đầu tiên đó ta đã bị quân của chúa Trịnh chặt mất một cánh tay. Nhưng mãi đến trận đánh năm Canh Tý,1660, ta mới bị quân Trịnh giết chết ở sông Lam
-Có nghĩa vào năm đó quân Trịnh đã chặt cánh tay còn lại, và tiền bối đã chết.
-Không phải. Ta chết là do chiến thuyền của ta bị trúng đạn. Còn cánh tay kia là do người bạn đồng ngũ của ta đã chặt.
-Một kẻ phản bội.
Ta buột thốt.
Và ông ta lại cười thoải mái
-Đã nói chém giết nhau cốt là để cho thế gian thêm vui vẻ, thì chẳng ai phản bội ai hết. Người bạn đồng ngũ và cùng làng với ta thả xác ta xuống sông Lam, và chỉ dấu được mỗi cánh tay ấy để đem về cho vợ con ta. Cũng may là trước lúc nằm xuống, ta đã có đứa con trai để nối dõi.
-Nhưng làm sao đã chết màtiền bối còn biết được những chuyện xảy ra sau đó?
Ta phải hỏi vì cảm thấy có điều gì không ổn trong cách mô tả của ông ta. Và lần này quả thật là ta thấy sợ: Đột nhiên ông ta chòm người về phía ta. Và chăm chắm nhìn ta, vừa nghiêm nghị vừa thân thiết.
-Đừng sợ. Rồi ngươi cũng phải chết như ta, như vợ con ta. Chính bọn họ đã kể cho ta nghe những gì đã xảy ra sau khi ta chết. Ta chết lúc ngoài bốn mươi. Còn bọn họ thì sống cho tới già mới chết. Hoá ra lúc gặp lại nhau thì vợ con ta lại già hơn ta.
-Có nghĩa sau khi chết thì tiền bối vẫn giữ nguyên như khi mới chết?
-Phải. Người còn sống thì già. Còn kẻ đã chết thì trẻ mãi.
-Nhưng kẻ hậu sinh này chưa hiểu vì sao không đem về quê hương một phần nào khác của thân thể tiền bối, mà lại là cánh tay?
Ta hỏi.
Và có cảm tưởng ông ta đang đưa hai tay lên trời để khoác một vòng thật lớn trước khi nói.
-Là cơ nghiệp, ngươi biết không? Cánh tay của ta là để cầm cây cày tiếp nối cơ nghiệp của dòng họ Lê ở miền sông Tượng núi Tượng. Nên dù chỉ là xương cốt của mỗi cánh tay cũng phải được nối tiếp theo xương cốt của các bậc tổ phụ họ Lê ở nơi đó. Ngươi là con cháu nhà họ Lê, ngươi phải biết điều đó.
Ông ta nói là ông đã nhìn thấy ta tự lúc ta đang đọc sử văn thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
Còn ta thì hầu như đang chết lặng trong nỗi mừng vui. Là tổ phụ của ta ư? Sau ba trăm năm rời khỏi thế gian, một kẻ lam lụ đã trở nên minh triết?
-Kẻ hậu sinh này có mắt để đọc sử sách, mà chẳng nhận ra tổ phụ mình, tội đáng muôn chết.
Ta phải gắng lắm mới nói được lời này.
-Không sao, không sao …
Giọng ông ta như cứ loãng ra.
Và ta lại nghe có tiếng nước vỗ mạn thuyền.