TRỜI SINH VOI SINH CỎ

Cách giả dụ của ông Ruông là nằm trong hệ thống mưu toan vĩ đại. Nhưng có một lần ông suýt làm cho hệ thống đó mất sự hoàn hảo. Cụ thể là lần ấy ông suýt làm cho hình ảnh ông không còn nguyên vẹn trong suy nghĩ của con trai và con dâu.
Vợ chồng anh Rác từ lâu vẫn coi ông Ruông là người trên thông thiên văn dưới thông địa lý. Sau chuyện đặt tên cho thằng cu Cỏ thì ông trở nên vĩ đại đối với vợ chồng anh ấy. Bỡi theo anh chị, cách mạng là điều to tát, vậy mà chỉ mỗi một mình cha mình đã làm nên một cuộc cách mạng. Do vậy khi xảy ra chuyện ấy, vợ chồng anh cứ thấy như có sự sụp đổ ở trong lòng. Xin nhắc lại là thấy như sụp đổ, chứ chưa sụp đổ. Chuyện là thế này. Vợ chồng anh trù tính đẻ thêm đứa nữa. Nhưng mỗi lần sắp làm công việc vợ chồng thì cả hai lại bảo thôi. Là cũng tại ruộng đồng Đất Sét xấu qúa, ba sào ruộng không lúc nào có đủ lúa cho bốn miệng ăn. Cứ nghĩ đến cảnh đi chặt củi trộm trong rừng núi Tượng bị kiểm lâm bắt nhốt đói, vợ chồng lại bảo nhau, thôi, đừng đẻ nữa. Nhưng một đứa con thì ít quá.
Thằng cu Cỏ rủi có bề nào, vợ chồng anh coi như tuyệt hậu. Cứ đêm đến, nằm với nhau, là anh chị lại bàn tính đẻ nữa, hay đừng đẻ nữa. Nhưng giữa đẻ nữa và đừng đẻ nữa là thứ biên giới hết sức mong manh. Chỉ trong tích tắc hai người không cầm lòng được thì ngã sang bên đẻ nữa là cái chắc. Cho nên hai người đã quyết định nằm riêng ra. Thằng cu Cỏ phát hiện được chuyện này, đêm nằm với ông Ruông ( từ năm lên ba thằng Cỏ đã ngủ với ông nội) nó lỉ kỷ nói với ông nó rằng cha mẹ nó bất hòa nhau, đêm nằm mỗi người một giừơng. Ông Ruông coi đạo vợ chồng như đạo chén bát, vợ chồng lâu lâu cũng cãi vã nhau, như chén bát trong sóng thì va nhau, nên chẳng có chi phải lo. Có điều, vợ chồng thì quen hơi, ngủ riêng thì không tài nào ngủ được, rốt cuộc anh chị lại trở lại chung gìừơng. Và hai người lại phải tiếp tục cuộc chiến đấu giữ vững cái giới tuyến giữa đẻ nữa và đừng đẻ nữa. Nhưng thử hỏi ở một nơi đất đai cằn cỗi, có ứng dụng khoa học kỷ thuật mấy, trồng cây gì cũng xấu, kẻ cày ruộng quanh năm phải loay hoay trong cảnh thiếu khó, thì còn niềm an ủi nào ngoài việc ái ân của vợ chồng? Nên phải nói ở làng Dầu vợ chồng anh Rác là những kẻ có chí. Có điều, có chí trong chuyện này thì khó giữ được lâu.
Cuối cùng anh bảo chị:
-Hay cứ hỏi thử cha mình là nên đẻ nữa hay không nên đẻ nữa.
Chị ngúng nguẩy:
-Ai lại đi hỏi cha chuyện chăn gối của hai đứa mình.
-Không sao. Cha mình thông thuộc chuyện đời, hễ ông nói thôi thì mình thôi, còn bảo cứ đẻ thì mình mới đẻ.
Vào một tối mùa thu, trời trong, trăng sáng, ông Ruông đang ngồi ở sân để giảng cho thằng Cỏ nghe chuyện lai lịch thằng Cuội, thì vợ chồng anh Rác đến ngồi bên.
-Ừ, lũ bay cũng nên nghe cho biết.
Ông Ruông nói.
Chị Rác véo anh Rác, ý bảo anh hãy vô đề, kẻo phải ngồi nghe đến khuya.
Cũng may, tối đó thằng Cỏ không mấy cảm hứng, khi nghe ông Ruông giảng đến chỗ tại sao thằng Cuội không ở chỗ khác mà chọn mặt trăng để ở, thì nó lăn ra chiếu ngủ.
-Lũ bay có chuyện chi phải không?
Ông Ruông hỏi, vì lúc ông toan đứng lên để gọi thằng Cỏ vào nhà ngủ, thì anh Rác ấp a ấp úng.
-Bọn con muốn hỏi thăm cha một việc.
-Một việc hay hai việc cũng được, nói đi.
Quả tình là quá khó, chẳng lẽ anh lại đi hỏi thẳng cha mình là có nên đẻ nữa hay
không. Loay hoay nghĩ mãi, anh mới tìm được cách vô đề thế này:
-Thưa cha, là thằng Cỏ năm này đã lên tám.
-Phải, tới tháng mười một năm này nó tròn tám tuổi
-Lũ con tính tới tết thì ráng sắm cho con một bộ quần áo mới với một đôi dép mới.
Chị Rác lại véo anh ấy, vì cứ đà này tới khuya cũng chẳng vào chuyện được.
Nhưng ông Ruông đã cứu nguy cho vợ chồng anh:
-Chuyện thằng Cỏ coi như xong rồi. Còn lũ bay muốn hỏi thăm việc gì chưa thấy nói.
Chị Rác chớp lấy thời cơ:
-Thưa cha, chuyện thằng Cỏ chưa xong đâu. Nó thì nó muốn có em. Mà vợ chồng con thì ngại quá.
-Lũ bay ngại cái gì?
Lần này là anh Rác nói:
-Dạ ngại nuôi không nổi.
Ông Ruông nói:
-Lũ bay xem ở làng này có nhà nào ít con không? Có con nhà ai chết đói chưa?
-Dạ chết đói thì chưa. Nhưng do thiếu ăn thiếu uống, đau chết thì có. Lũ con cứ nghĩ ba sào ruộng trên đồng Đất Sét chẳng thể nuôi đũ năm miệng ăn.
-Trời sinh voi sinh cỏ. Lũ bay muốn đẻ nữa thì cứ đẻ, đừng nghĩ ngợi chi hết.
Vợ chồng anh Rác vẫn thường nghe câu ấy. Nhưng là nghe thiên hạ nói. Còn giờ là nghe chính miệng cha mình nói. Với vợ chồng anh, những gì ông Ruông nói ra là chân lý. Ngay trong đêm đó, vợ chồng anh đã phá bỏ cái giới tuyến giữa đẻ nữa và đừng đẻ nữa.
Lúc gặt lúa đông xuân chị Rác đã có mang ba tháng. So với vụ trước, vụ này mất gần một nửa.
Chị Rác có hơi hồ nghi về cái chân lý ông Ruông đưa ra. Hơi hồ nghi thôi, chứ chưa phải là hồ nghi.
-Thế này thì nhà mình thiếu ăn đậm. Sao trời sinh voi mà không sinh cỏ?
Nghe chị nói, anh liền gạt.
-Thì đã sinh voi đâu mà sinh cỏ.
Ý anh là chừng nào sinh con mới ứng vời trời sinh voi. Chuyện mất mùa rồi cũng qua đi. Vì ruộng đồng Đất Sét có biết bao vụ mất mùa như thế.
Vợ chồng anh Rác đang lo chuyện thiếu ăn thì có đợt cấp phát lại ruộng đất. Điều này có nghĩa nhà nào thêm miệng ăn sẽ được cấp phát thêm ruộng, nhà nào có người chết hay chuyển đến nơi khác sẽ bị bớt ruộng.Vợ chồng anh cho là nhà mình đã gặp may. Đêm nằm chị kéo tay anh ấp lên cái bụng đang mang thai của mình, và khen ông Ruông:
-Cha mình tài thật. Hễ trời sinh voi thì trời cũng sinh cỏ.
Anh vân vê bụng chị, và tính toán:
-Theo đợt cấp phát trước, nhà mình bốn nhân khẩu được ba sào, tính ra một nhân khẩu gần một sào. Đợt này năm nhân khẩu, có ít mấy cũng được ba sào rưỡi.
Người lo việc hộ tịch hộ khẩu của địa phương đến nhà ông Ruông để làm kê khai nhân khẩu.
Ông Ruông nói:
-Số miệng ăn cũ vẫn giữ y. Chỉ thêm con vợ thằng Rác đã có chửa.
Chị Rác bổ sung:
-Có chửa đúng tám tháng. Tức còn một tháng mười ngày nữa thì sinh.
Thấy người lo việc hộ tịch hộ khẩu cười, chị Rác hỏi:
-Khai thế có gì chưa đúng hay sao?
-Dạ không có chi
Ông ta đáp. Và mang sổ bộ sang nhà khác.
Anh Rác hỏi ông Ruông:
-Cha có nghe nói kỳ này bình quân nhân khẩu là bao nhiêu không?
-Theo tao, cao lắm là như mức cũ. Bỡi làng mình đẻ dữ quá, mà ruộng đồng Đất Sét chẳng đẻ thêm khoảnh nào.
Như thế là ý ông Ruông trùng hợp với ý của anh. Anh phấn khởi trù tính với chị làm như chuyện cấp phát ruộng đất đã thực hiện xong:
-Ráng gia tăng phân lạt, ba sào rưỡi ruộng mỗi vụ sẽ được vài tạ lúa. Ba vụ gần nửa tấn. Tức đủ lúa ăn cho năm nhân khẩu.
Ông Ruông đi nhận ruộng về, bảo con trai và con dâu:
-Tao đoán không sai. Bình quân nhân khẩu kỳ này cũng y như kỳ cấp phát trước. Tức nhà ta vẫn nhận lại ba sào ruộng cũ.
Anh Rác có vẻ sốt ruột lắm:
-Năm nhân khẩu cũng nhận ba sào như cũ, sao cha bảo là như kỳ trước?
Ông Ruông nói:
-Con lũ bay còn nằm trong bụng mẹ, kiếm đâu ra năm nhân khẩu.
Chị Rác cãi:
-Trước sau con cũng đẻ, sao lại không tính là năm nhân khẩu?
Ông Ruông lại phải giảng cho vợ chồng anh ấy hiểu.
-Nhân khẩu là chữ mượn của nước Tàu. Nhân có nghĩa là người, còn khẩu có nghĩa là cái miệng. Nói gọn lại, nhân khẩu dùng trong chuyện cấp phát ruộng đất là để chỉ miệng ăn. Con lũ bay hiện thời còn nằm trong bụng mẹ, tức là chưa biết ăn, nên không thể tính là nhân khẩu.
Thấy vợ chồng anh ấy cứ ngồi lầm lì ngó mặt nhau, ông Ruông phải giảng thêm:
-Còn nằm trong bụng mẹ có nghĩa là chưa có mặt ở ngoài xã hội, có nghĩa chưa phải là nhân khẩu.
Sự thật, bấy giờ ông Ruông có giảng đến khô cổ, vợ chồng anh cũng chẳng còn muốn nghe. Cả hai đều cảm thấy như có sự sụp đổ ở trong lòng. Nếu trời sinh voi sinh cỏ như ông Ruông nói thì vợ chồng anh đã nhận được một phần ruộng nữa rồi.
Sau đó thì ông Ruông lo đọc sách, không còn nghĩ đến chuyện cấp phát ruộng đất.
Nhưng vợ chồng anh Rác thì không thể không nghĩ.
Đêm nằm chị kéo tay anh ấp lên cái bụng mang thai sắp sinh, than:
-Cũng tại cha, vợ chồng mình mới đẻ nữa. Trời sinh voi sinh cỏ đâu chẳng thấy. Chỉ thấy sắp tới thì thêm miệng ăn.
Chị Rác lại sinh con trai nữa. Thằng nhỏ bụ bẫm lắm. Ngày nào thằng Cỏ cũng hỏi mẹ đặt tên em là gì. Nếu bình thường, anh chị ấy đã hỏi ông Ruông về chuyện đặt tên cho con. Đằng này, mãi đến hôm cúng đầy tháng, hương án đã bày, thằng nhỏ vẫn chưa có tên.
Ông Ruông hỏi:
-Lũ bay không đặt tên con hay sao, chẳng thấy nói gì hết?
Anh Rác nói:
-Ruộng nhận không được, sắp đói đến nơi, tên với tuổi làm gì. Nhưng theo cha thì đặt cho nó tên gì.
Ông Ruông quyết giữ âm vang của cuộc cách mạng thi ca mười mấy năm trước, nên bảo:
-Anh nó là Lê Cỏ, thì nó là Lê Cỏ em.
Chị Rác đặt chè xôi lên mâm cúng, lầu bầu:
-Anh cũng cỏ, em cũng cỏ. Sắp tới không đủ gạo nấu, phải ăn cỏ thay cơm cũng nên.
Kiểu nói năng của vợ chồng anh Rác khiến ông Ruông nghĩ vợ chồng anh bất mãn ông nhà nước trong chuyện cấp phát ruộng đất. Nên liền sau đó ông triệu tập cả vợ chồng ngồi nghe ông giảng.
-Kể từ khi con người xuất hiện trên trái đất thì đất đai trở nên quí giá. Lũ bay thử nghĩ coi. Nhờ đất, con người mới có lúa gạo để ăn, mới có chỗ để ở, khi chết mới có chỗ để chôn. Do vậy mới có chuyện chiến tranh giành đất, chiếm đất trong lịch sử loài người. Thậm chí anh em ruột thịt trong nhà cũng tranh giành đất đai với nhau. Hễ còn con người thì còn vấn đề làm chủ đất đai. Chuyện này giảng ra rộng lắm. Tao lấy nước Trung Hoa cổ ra làm tỉ dụ để lũ bay hiểu được tới đâu thì hiểu. Là vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, giới quí tộc của triều Tiền Hán ở Trung Hoa chiếm đọat hầu hết đất đai trong nước, dân tình phải chịu cảnh đói khổ. Vương Mãng đánh đổ triều đại ấy, lập triều đại mới là triều Tân, quốc hữu hóa ruộng đất, đem chia đều cho dân. Nhưng rồi đám viên chức của guồng máy nhà nước này đông quá, sinh tham ô, bê bối, những ý hướng tốt đẹp ban đầu đã mất, chỉ còn xảy rặt những chuyện đê hèn. Triều Hậu Hán thay triều Tân, trở lại với chế độ tự do chiếm hữu đất đai. Tư hữu, rồi công hữu, rồi lại tư hữu. Phải nói là đất đai dập mình trong chuyện thay đổi chủ. Nay thì lũ bay đang sống trong thời đại dân chủ. Tức là dân làng Dầu mình đang làm chủ ruộng đồng Đất Sét.
Anh Rác cắt ngang ông Ruông:
-Làm chủ gì thằng Cỏ em chỉ còn một tháng mười ngày nữa làsinh vẫn không nhận được ruộng?
-Đó là luật kinh tế con ạ. Nếu đợt cấp phát chậm đi một tháng mười ngày thì nhất định thằng Cỏ em đã nhận được ruộng. Nhưng ông nhà nước đâu biết lũ bay ăn nằm với nhau lúc nào mà chờ.
Chị Rác liền lên tiếng:
-Nhưng cũng tại cha đấy thôi.
-Tại tao chuyện gì?
-Thì tại cha bảo trời sinh voi sinh cỏ, lũ con mới đẻ thằng Cỏ em.
Tới lúc đó ông Ruông mới vỡ lẽ con trai và con dâu ông khúc mắc với ông, chứ không phải với ông nhà nước. Thì ông chỉ dẫn câu tổng kết của dân gian cho bọn nó nghe, chứ nào có một hai bảo bọn nó phải đẻ nữa.
Thằng Cỏ em một tuổi rưỡi vẫn chưa biết đi. Vợ chồng anh Rác quyết định bán bầy gà lấy tiền đem con đi tỉnh gặp bác sĩ.
Bác sĩ hỏi thằng bé đau sao.
Chị Rác khai:
-Một tuổi rưỡi mà chưa biết đi. Hiện thời thì mỗi bữa ăn hết một chén cơm đầy. Chỉ chan sơ chút canh rau muống là ăn hết ráo.
Bác sĩ khám xong, nói:
-Thằng bé bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng.
Chị Rác nói
-Thiếu dinh dưỡng trầm trọng là sao, xin bác sĩ giảng cho rõ hơn.
Bác sĩ giảng:
-Tức là thiếu quá nhiều những thứ bổ dưỡng mà một đứa bé cần phải ăn mới phát triển được. Như trứng, sữa, cá, tôm, các thứ thịt bò thịt heo, và các thứ trái cây. Ăn đủ chất thằng bé sẽ đi được thôi.
Nghe chị thuật lại lời bác sĩ, anh bảo:
-Tưởng đau chi, chứ thế vợ chồng ta cũng biết. Nhưng lấy tiền đâu ra để ăn những thứ bổ dưỡng đó.
Chị Rác lại than:
-Nếu bán bớt lúa nữa nhà sẽ không đủ gạo nấu. Cũng tại cha mình nên mới có cảnh ngộ hôm nay.
Nhưng ông Ruông thì quyết không để cho câu tổng kết của dân gian mất uy thế, nên đã gọi riêng anh Rác bảo:
-Con là con trai của Lê Ruông, nên không thể để con trai của con đã một tuổi rưỡi mà không biết đi. Cha làm cách mạng được, thì con cũng làm cách mạng được.
Chợ phiên làng Dầu năm ngày nhóm một lần. Phiên chợ nào người ta cũng thấy anh Rác lẩn quẩn ở mấy hàng cá hàng tôm. Chị Rác hỏi, anh Rác không nói. Ông Ruông không hỏi, nhưng ông biết chuyện gì sắp xảy ra. Cho đến hôm thấy anh vác về nhà cùng lúc hai cây tre to, ông biết là ngọn lửa cách mạng đã bùng lên trong trí não con trai ông.
-Con đã nhận tiền cọc rồi. Đan rổ nò cho mấy người buôn bán cá biển ở chợ phiên làng mình.
Anh Rác thông báo với cha.
Ông Ruông liền tham gia ý kiến:
-Nếu như người khác đan rổ nò chạy chợ hai lần là hư, thì con phải đan sao chạy chợ ba lần mới hư. Làm được thế, những người buôn bán cá ở những chợ khác đều tìm đến mua rổ nò của con.
Anh Rác làm y như lời ông Ruông. Và hiệu quả cũng y như lời ông Ruông. Vốn mua tre không đáng kể. Tiền thu được chủ yếu là công sức của anh.
Lập tức, ngọn lửa cách mạng từ anh Rác lan sang chị Rác, chị nói:
-Ở làng Hạ người ta mới mở lò nung gạch, đang cần công nhồi đất, làm khoán, ăn theo sản phẩm. Nếu có người trông thằng Cỏ em, đi làm ở đấy, kiếm cũng được khá tiền.
Anh Rác lập tức phân bổ lại lao động gia đình: Thằng Cỏ thôi việc coi bò, ở nhà, chuyên lo việc trông coi thằng Cỏ em ( bấy giờ thì nó đã biết lừa cặp bò cày ra gò Tháp ăn cỏ). Còn anh thì vừa đan rổ nò, vừa coi bò.
Mấy tháng sau, vào một buổi chiều hôm, chị Rác ở lò gạch về, áo quần lấm lem đất, đói gần rã ruột mà cũng nở được nụ cười rất tươi khi thấy thằng Cỏ em chạy ra đón.
Anh Rác nói:
-Bảo trước khi đi làm chiều phải ăn chút gì, không nghe, giờ đói đi không nổi như thế.
-Đói đâu mà đói.
Chị Rác lại cười, và ôm hôn con.
Ông Ruông nói:
-Giờ thì lũ bay tin tao chưa? Trời sinh voi sinh cỏ.
Đến lúc ấy vợ chồng anh Rác mới thấy phục cha mình sát đất.