SỰ BẤT TỬ

-Ông là tay giỏi bịa chuyện.
Sau khi nghe ông Ruông đọc cho nghe chuyện vị tổ phụ thứ hai mươi ba của nhà họ Lê, ông Rường bảo.
Ông Ruông nói:
-Những chuyện không chính mắt trông thấy thì cũng dễ nghĩ là chuyện bịa. Nhưng ông thấy thế nào về con người đó?
-Con người nào?
-Ông Hai Mươi Ba.
-Một kẻ do ông tưởng tượng ra thì bảo tôi nghĩ thế nào?
-Cứ cho là thế. Nhưng tôi lại muốn biết ông nghĩ sao về con người đó.
-Muốn cưới một nữ nô lệ của một công chúa thì phải đem cả nắng mưa của trời đất ra làm sính lễ?
-Phải.
-Nếu có một người như thế thì vĩ đại quá.
Ông Ruông cũng không ngờ chuyện ông Hai Mươi Ba lại kích động ông Rường đến mức như thế.
Sau những phút im lặng ( chắc là để lắng nghe những xáo động trong lòng ), ông Rường bảo:
-Giờ ông hãy đi với tôi.
-Ông định bảo tôi đi đâu?
-Cứ đi rồi sẽ biết.
Hai người ra khỏi xóm làng, đi về phía núi Tượng. Ông Ruông nhớ thử thì đã gần ba năm qua ông và ông Rường không còn vào núi Tượng để tìm các loại rễ cây rừng chữa bệnh nhức mỏi. Con người từng bị mang tiếng là rất háo danh đó định chứng tỏ với mọi người đôi chân mình vẫn còn khỏe như thời đi lính cho Tây. Ông Ruông nghĩ. Và tức cười thầm.
Tới gò Tháp thì hai ông bị thằng Cỏ anh chận lại:
-Ông nội với ông Hai vào núi, có phải không?
-Đi đâu kệ bọn tao, mắc chi mày tra gạn.
Ông Rường bảo.
Nhưng thằng Cỏ đã chạy đi gom bò ( lùa bò vào núi ăn là niềm thích thú của nó trong những ngày theo bò)
Ông Ruông vội vói theo cháu:
-Trời đã trưa rồi, không được lùa bò vào núi đâu.
Tới hôm đó thì cuộc cải tổ kinh tế của anh Rác đã chuyển sang một nội dung mới. Anh thôi đan rổ nò. Cả hai vợ chồng đều đi làm cho lò gạch. Vì làm gạch thì thu nhập cao hơn đương rổ nò. Thế là thằng Cỏ anh lại quay lại việc chăn cặp bò cày. Để có thể thay việc chăn bò cho thằng anh, ngay từ bây giờ thằng Cỏ em phải luyện tập cho có tình cảm với bò, bằng cách theo cha mẹ đến lò gạch, nơi có sẵn nguyên liệu, để tập nắn những con bò bằng đất.
Ông Ruông không còn kiêm nhiệm việc giữ cháu. Nên ông Rường có rủ ông vào ở hẳn trong núi cũng chẳng hề chi.
Nhưng mới đến chỗ đầu con đường vào núi, ông Rường dừng lại:
-Giờ thì ông đã biết là ông và tôi đi đâu rồi.
-Đến đất Ông Rường.
-Phải. Đã mấy chục năm qua, bất kỳ ai làm chủ mảnh đất này cũng đều gọi đất này là đất Ông Rường. Nên hôm nay đứng ở chỗ này, tôi dám tuyên bố với ông là tên tuổi của Phan Rường này đã trở nên bất tử.
Đây không phải lần đầu ông Rường nói đến mảnh đất do ông khai vỡ. Hễ có dịp là ông lại đem mình ra ví với các bậc tiền hiền lập đất lập làng. Nhưng bữa đó là do bị kích động thế nào ấy, ông lại đưa ông Ruông đến đó để tuyên bố như thế.
Ông Ruông nói:
-Quả tình cả vùng sông Tượng núi Tượng này ai cũng biết đây là đất Ông Rường. Nhưng người các nơi khác chắc là chưa biết. Nên ông cũng nên xem xét lại là tên tuổi ông đã bất tử hay chưa.
-Còn xem xét chi nữa. Lúc khai vỡ xong đất này thì tôi làm trang trại nuôi gà. Gà bị dịch chết, tức mình lắm, tôi mới bỏ đất cho cỏ mọc. Làng lại lấy làm đất sản xuất nuôi quân kháng chiến chống Pháp. Chẳng phải bấy giờ mỗi lần ông vác cuốc đi làm sắn để nuôi quân thì nói là vào đất Ông Rường? Rồi làng lại cất trường bình dân học vụ ở đó. Bấy giờ ông là thầy giáo. Mỗi lần có ai hỏi ông dạy ở đâu thì chẳng phải ông bảo là dạy trường bình dân học vụ ở đất Ông Rường?
Như vậy là dưới bầu trời nhiều mây của buổi sáng tháng tám, mùa thu ( có lẽ là trời sắp mưa), ông Rường đã bắt ông Ruông cùng đi với ông, từ đầu trên xuống tới đầu dưới, từ đầu ngoài vào tới đầu trong, có nghĩa là đi dọc rồi đi ngang trên mảnh đất do ông khai phá tự hồi đi lính Tây về, vừa đi ông vừa nhắc lại bao nhiêu sự kiện đã xảy ra trên đất ấy. Hai ông đi tới đâu thì đám dê bỏ chạy tới đó. Vì bấy giờ đất ấy là khu vực nuôi dê, một trong những đơn vị sản xuất của khu kinh tế mới núi Tượng.
( Sau các sự kiện lập khu sản xuất nuôi quân và cất trường bình dân học vụ là các sự kiện khác được ông Rường nhắc đến: Dân quân du kích làng Dầu lập trường tập bắn súng bằng gỗ trên đất Ông Rường. Tỉnh đem phim chiến thắng Điện Biên Phủ về chiếu ở đất Ông Rường cho dân các địa phương phía nam huyện đến xem, người xem đứng tràn ra tới đồng Đất Sét. Trận đánh đầu tiên giữa quân giải phóng và quân quốc gia là xảy ra trên đất Ông Rường. Chính quyền quốc gia lập khu dồn dân trên đất Ông Rường, để đưa dân làng Dầu vào đó. Lính Nam Hàn lập đồn bót trên đất Ông Rường, lúc ấy thì dân làng Dầu đang trồng cây sắn ở đó. Cờ quốc gia thì cắm ở chỗ chợ làng Dầu, còn cờ giải phóng thì cắm ở đất Ông Rường lúc có hiệp định Pari. Chính quyền cách mạng đã lấy đất ông Rường làm thí điểm tổ sản xuất vòng công đổi công. Hợp tác xã nông nghiệp ở làng Dầu trồng thí điểm cây sả trên đất ông Rường với mục đích sản xuất tinh dầu sả xuất khẩu. Ngành nông nghiệp tỉnh cho địa phương làng Dầu trồng thử cây mía giống mới ở đất Ông Rường, thứ giống mía có sản lượng rất cao so với giống mía cũ. Thanh niên làng Dầu làng Hạ và làng Gàu đã làm sân đá bóng tròn ở đất ông Rường để hưởng ứng phong trào thể dục thể thao, sau khi thôi, không còn trồng mía ở đây, và trước khi có khu kinh tế mới núi Tượng )
Như vậy là dưới bầu trời sắp có mưa của buổi sáng mùa thu hôm ấy, con người có vẻ rất thiết tha với sự bất tử đã làm ông Ruông cảm động thực sự, ông nói:
-Đất Ông Rường quả là một cuốn sử của miền sông Tượng núi Tượng. Một cuốn sử chép bằng đất. Dĩ nhiên là tên ông đã thành bất tử. Có điều, những sự kiện xảy ra trên mảnh đất mang tên ông thì chỉ những người ở đây mới biết, nên sự bất tử có tính chất cục bộ.
-Có nghĩa là sao?
Ông Rường tỏ vẻ sốt ruột.
Ông Ruông nói tiếp:
-Tên tuổi ông dĩ nhiên sẽ được lưu truyền tới lớp con cháu sau này, nhưng chỉ là lớp con cháu của những người đã sống ở miền sông Tượng núi Tượng này. Nên sự bất tử ở đây là bất tử ở cấp độ làng xã.
-Ở cấp độ làng xã cũng được
Ông Rường nói.
Và trời đã bắt đầu rắc hột.
Ông Ruông thấy ông Rường kéo áo lau mắt. Trong khi bối rối nghĩ cách làm sao tránh mưa, ông Ruông cũng không dám nói chắc là ông Rường kéo áo để lau nước mắt (vì xúc động) hay để lau nước mưa.