MỘT VỊ VUA CHƯA CÓ THẦN DÂN

Bảo Lê Ruông này là háo danh, hay thích sự bất tử, là hoàn toàn lạc điệu. Có nghĩa lý quái gì những thứ chính bản thân mình chẳng thể có, mà chỉ là của người đời ban cho (Nếu không có kẻ nhìn thấy, tức nếu không có người đời, dẫu anh có làm ra vũ trụ này thì chính anh cũng chẳng biết anh là bất tử ) Ta có mượn chuyện sử sách để tô điểm cuộc đời ta và cuộc đời các bậc tổ phụ của ta cũng chỉ là để trở nên nổi tiếng, hay trở nên vĩ đại, với đám con cháu nhà họ Lê chơi, thế thôi.
Khi nghiền ngẫm về bản gia phả truyền miệng của dòng họ nhà ta ( dòng họ nhà ta đời nào cũng chí thú việc cày cuốc), ta có giả dụ có một vị tổ phụ của ta đã ra làm vua, một ông vua trọng nông. Giả dụ thế để chứng tỏ rằng không phải tất thảy các tổ phụ ta đều cầm cày. Vì một ông vua trọng nông cũng là kẻ chí thú việc cày cuốc. Không ngờ cách giả dụ ấy cứ lẩn quẩn mãi trong trí não ta. Hầu như ngày nào thì ta cũng nghĩ đến chuyện có một vị tổ phụ của mình đã làm vua.
Thế là vào một ngày không đẹp trời cho lắm, có nghĩa là vào một ngày cuối thu, bầu trời và cảnh vật có phần u ám nặng nề, ta đã quyết định để cho vị tổ phụ của mình lên ngôi vua. Ta quyết định thế vì mùa thu ở miền sông Tượng núi Tượng là mùa nghỉ cày bừa. Cây lúa đang đứng trên đồng, chờ trỗ bông. Tổ phụ ta đi thăm lúa trên đồng Đất Sét. Và từ nơi bờ ruộng ông bước lên ngai vàng.
…Tha thuế ruộng và thuế thân cho tất cả nông phu ở miền sông Tượng núi Tượng trong ba năm. Đem hết ruộng đất trong nước chia cho dân. Chỉ rừng với biển là thuộc về vua…
Ta đương phát họa giúp tổ phụ ta cương lĩnh trị nước thì chợt nhớ đến một điều, và nghe toát mồ hôi. Ta đã tôn phò một cách quá cẩu thả. Từ bờ ruộng bước thẳng lên ngai vàng, tức là tổ phụ ta chưa có lúc nào kinh qua kinh sử. Thế thì làm sao làm vua cho nổi? Cũng may là ta chưa chép chuyện này vào Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ.
Cái khó là do bản gia phả truyền miệng gây ra. Con cháu nhà họ Lê sẽ căn cứ vào gia phả để cho rằng tất thảy các tổ phụ của họ đều là nông phu. Một nông phu cầm cày cầm cuốc thì làm sao làm vua? Ta nghĩ nát óc. Hay để tổ phụ ta rời cày cuốc, làm công việc cầm ngọn cờ tụ nghĩa chống ngoại xâm, hay làm công việc lật đổ bạo quyền, lật đổ một thể chế chính trị thối nát, tức là làm cách mạng. Ngôi vua là được dựng lên trên chiến công. Cách này nghe ổn. Nhưng lại là chuyện thường xảy ra trong lịch sử nhân loại, không chắc gì sẽ làm cho đám con cháu họ Lê của ta coi tổ phụ mình là vĩ đại. Hay cứ để tổ phụ ta thủng thỉnh bước trên con đường khoa bảng? ( con đường vẫn rộng mở ở các nước phong kiến phương đông) Con nhà cày cuốc mà do ráng học, tổ phụ ta đã đỗ trạng nguyên ( tức là ta đã để cho tổ phụ ta đỗ đầu trong kỳ thi Đình, tổ chức tại triều đình) Nhưng trạng nguyên thì thường làm quan, chứ trong lịch sử của dân tộc Việt Nam ta thì chưa có ai làm vua.
Ta lại phải tiếp tục nghĩ ngợi. Phải nói là óc não của ta sắp nổ tung, ta mới nhìn thấy tổ phụ ta từ một huyền thoại có tính triết lý rất cao đang chậm rãi bước lên ngai vàng. Dường như là đương bước lên ngai vàng, chứ chưa ngồi vào ngai vàng thì phải.
Sự việc là thế này. Ngọc Hoàng (vua trời) sai sứ giả xuống trần gian truyền rằng loài người khi già thì lột da sống đời, còn loài rắn khi già thì chết. Nhưng sứ giả vừa đến trần gian đã bị loài rắn lừa đảo dọa sẽ cắn chết nếu không nói ngược lại lời của vua trời. Thế là, do sợ chết, sứ giả đã làm theo lời rắn. Có nghĩa nhân loại đã không được hưởng sự bất tử của trời ban. Tổ phụ ta chính là người đã giết chết loài rắn lừa đảo kia. Nhưng vua trời thì không thể sửa lại lời truyền ngược đã được truyền ra. Chỉ ban cho tổ phụ ta ngôi vua mười ngàn năm cho hợp với lời chúc tụng vạn tuế của trần gian.
Ta thấy lòng nhẹ tênh. Là việc thiên khải thì đám con cháu nhà họ Lê của ta sẽ không còn ngõ nào để bắt bẻ. Và ta cũng khỏi phải khổ công thảo gíup tổ phụ ta cương lĩnh trị nước như lần tôn phò trước đấy. Nhưng rồi nghĩ lại, ta là kẻ từng đọc kinh sử mà không có lời nào trong việc làm vua của tổ phụ mình, là lỗi đạo.
-Thưa, tổ phụ định trị nước theo thể chế nào?
Ta hỏi thử.
Tổ phụ ta nói:
-Chuyện trên trời rơi xuống, ta đâu đã kịp nghĩ.
-Theo chỗ con biết, hiện nay trên thế giới có một số nước có vua. Nhưng nay là thời đại dân chủ, nên dù nước có vua cũng không gọi là nước quân chủ.
-Chuyện nước khác dính dáng chi tới chuyện làm vua của ta.
-Dạ phải. Con nói ra là để tổ phụ tính toán nên theo thể chế nào đó thôi.
-Trời cho bao nhiêu huởng bấy nhiêu, còn tính tóan gì.
Đúng ra là thế. Nhưng ta thì mưu toan làm sao cho tổ phụ mình chắc chắn trở nên vĩ đại với con cháu, nên ngoài phần thiên khải, ta muốn có phần tham dự của mình. Ta bèn điểm lại các thể chế chính trị trong lịch sử nhân loại, coi thử thứ nào là phù hợp với mưu toan của mình. Có mấy thứ thể chế, không cần nghĩ cũng biết là đám con cháu họ Lê sẽ không chấp nhận, như tập đoàn trị, như độc tài bạo chúa chẳng hạn. Tất nhiên là theo xu thế hiện tại, tổ phụ ta không thể quay lại thể chế quân chủ cũ kỹ. Mà dân chủ xét cho cùng, cũng đã có tự thời cổ đại, như ở quốc gia đô thị Athen của nước Hy Lạp, chẳng hạn. Tất nhiên là dân chủ thời nay khác xa với dân chủ thời Athen. Thời Athen, theo sử sách, chỉ có dân tự do, tức không phải dân nô lệ, mới có quyền làm chủ đất nước. Còn thời nay, theo lý thuyết, mọi người dân đều có quyền làm chủ đất nước của mình. Nhân loại đã tốn rất nhiều máu xương trong bao nhiêu cuộc cách mạng mới có được thể chế chính trị hiện nay. Ta đã toan thưa với tổ phụ ta nên trị nước theo thể chế này, nhưng chợt nghĩ đến sự phản bác có thể xảy ra ở đám con cháu nhà họ Lê. Bọn chúng có thể sẽ nói rằng, còn guồng máy nhà nước (mà thể chế dân chủ thì không thể xóa guồng máy nhà nước) tức còn guồng máy cai trị, mà đã có cai trị thì phải có bị trị, tức phải còn có kẻ bị trị là người dân, mà đã bị trị thì làm sao làm chủ?
Ta liền thưa với tổ phụ ta:
-Trong hiện tại, thể chế dân chủ là tiến bộ nhất so với bất cứ thể chế nào trong lịch
sử. Nhưng con nghĩ trong tương lai nhân loại còn tiến bộ hơn, có thể con cháu ta sẽ coi thể chế dân chủ là lạc hậu. Do vậy tổ phụ phải tính toán kỹ.
-Đã bảo chẳng tính toán chi hết. Trời cho ta làm vua thì ta làm vua. Thế thôi.
Phải nói là tổ phụ ta quá phóng khoáng trong chuyện làm vua. Vào một ngày đẹp trời, có nghĩa là vào một ngày đầu mùa xuân, cây cối trong vườn nhà ta loài nào bị gãy đổ trong mùa đông thì thôi, tất cả những thứ còn lại thì đương đâm chồi nảy lộc, vào một ngày như thế, ta quyết định làm lễ lên ngôi vua cho tổ phụ ta. Nhưng trong khi đang lúi húi sắp đặt các thứ, ta chợt nhớ ra một điều, là từ ngày lập nước đến lúc ấy, chỉ trừ những lúc bị nước khác xâm lăng, còn lúc nào thì đất nước Việt Nam ta cũng có chủ, tức là lúc nào cũng có nguyên thủ quốc gia, lúc thì gọi là vua, là hoàng đế, lúc gọi là quốc vương, lúc gọi là quốc trưởng, hay tổng thống, hay thủ tướng. Như vậy là không còn có chỗ để tổ phụ ta lên ngôi vua. Chỉ còn cách là lui ngày đăng quang về thời chưa có sử. Nhưng khổ nỗi ta đã chép trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ rằng thủy tổ nhà họ Lê là một trong những con trai của Au Cơ và Lạc Long Quân, có nghĩa dòng họ Lê ta chỉ mới bắt đầu từ thời sơ sử.
-Bị kẹt rồi, thưa tổ phụ
Nghe giọng hơi không bình thường của ta, tổ phụ ta cũng tỏ ra lo lắng.
-Bị kẹt gì?
-Dạ, dòng họ Lê ta đã trải qua bảy mươi sáu đời. Lúc thì làm con dân của Au Lạc, lúc là con dân của Chăm Pa, lúc là con dân của Đại Việt, rồi là con dân của Nam Việt ( Nam Việt thời vua Gia Long) rồi của Việt Nam. Xét qua các thời, chỉ trừ những lúc bị xâm lăng, còn thời nào thì cũng có người đứng đầu trong nước. Do vậy phải chờ đến tương lai tổ phụ mới lên ngôi vua được.
-Trời cho ta ngôi vua đến mười ngàn năm kia mà. Năm tháng còn dài rộng, lo gì.
Thấy tổ phụ ta có vẻ lạc quan, ta nói luôn điều mình vừa nghĩ được:
-Có thể nói thiên đường của nhân loại thời nay là tương lai. Lý tưởng của cuộc sống là tương lai. Tức là như thế này: Người ta muốn làm sao cho hôm nay thì hơn hôm qua, ngày mai thì hơn hôm nay. Do vậy con muốn đề xuất với tổ phụ là khi lên ngôi vua, tổ phụ sẽ trị nước theo thể chế Hậu Tương Lai.
-Đón đầu thời thế vậy cũng được.
Tổ phụ ta nói.
Ta dám tuyên bố với đám con cháu nhà họ Lê rằng tổ phụ ta là một minh quân.
Ở BÊN NGOÀI CHÂN LÝ VÀ SAI LẦM
Có một vị tổ phụ ông Ruông phải nghĩ đến gần cạn kiệt trí não mới nhìn thấy được:
Vị tổ phụ thứ mười bảy, sống vào hậu bán thế kỷ mười lăm.
Ông chép trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ:
Cuộc binh lửa xảy vào mùa xuân 1471. Sang mùa hạ, ta bắt đầu cuộc tìm kiếm tổ phụ của ta. Người làng nói với ta là họ không còn thấy ông Mười Bảy ở trong làng. Binh lửa quả có sức quyến rủ đối với thuyết Làm cho mặt đất không còn buồn tẻ như lúc chưa có loài người: Nó làm cho mọi sự như trở nên sinh động hơn. Cỏ cây đương một màu xanh tươi thì bỗng thêm vào màu úa héo. Người làng ta đang lặng lẽ với cày cuốc thì bỗng có nhiều người rời cuộc sống để chết, nếu không chết thì cũng hủy bỏ đi một phần thân thể, hoặc dạt đến một cuộc sống khác ở chốn khác. Ta không còn nghe tiếng vó ngựa, tiếng gươm dáo. Nhưng khi nghe những lời người làng nói ra, ta lập tức nhận ra những tầm nhìn mới. Người làng nói sắp tới thì những vị thần linh làng thờ phụng bấy lâu sẽ không còn cai quản họ nữa. Vì ông vua cũ đã chết thì các vị thần linh cũ cũng chẳng còn quyền hạn gì ở đây.
Ta nhìn về phía kinh thành Vijaya không thấy còn lửa khói, và bảo:
-Nay làng ta không còn thuộc nước Chăm Pa, mà thuộc nước Đại Việt, nên mọi thứ phải theo vua Đại Việt.
Người làng nói:
-Theo vua nào là chẳng sao cả. Vì theo ai thì cũng đi cày ruộng trên đồng Đất Sét.
Điều này có làm ta bất ngờ. Hóa ra cuộc binh lửa nhằm tranh giành lãnh thổ giữa Chăm Pa và Đại Việt là chẳng dính dáng chi với người làng ta. (Năm 1470 vua nước Chăm Pa, Trà Toàn, tiến đánh đất Hóa Châu của Đại Việt, thì năm sau, vua nước Đại Việt, Lê Thánh Tông, tiến đánh Chăm Pa, sáp nhập dãi đất nam Hoá Châu vào nước mình )
Ta cho là tổ phụ ta hoặc đã chết trong binh lửa, hoặc đã trôi dạt đến một nơi nào đó. Nhưng ông già có vẻ am tường chuyện thế gian đã làm cho ta mất phương hướng trong việc tìm kiếm
-Giặc chưa tới làng, bọn ta đã giắt nhau lên núi trốn. Khi yên giặc, quay về, mới rõ bọn họ không đáng sợ như thế.
Ông ấy nói.
Ta hỏi có phải ông nói về đám binh lính Đại Việt (lúc đuổi theo tàn quân vua Chăm Pa, Trà Toàn) đã tràn qua làng?
-Phải. Hóa ra giặc cũng cùng chết với binh lính của vua. Chết rồi thì thịt da cũng lạnh ngắt như thế. Đám binh lính của hai vua cùng nằm chết với nhau trên đồng Đất Sét và trên đường làng. Nằm bên nhau mà chết. Đi chôn bọn họ, bọn ta chẳng còn thiết xem ai là giặc, ai là người mình. Bỡi thấy bọn họ thân thiết nhau như thế.
Ta hỏi có phải chỉ binh lính hai vua chết, còn người làng thì không?
Ông ấy nói:
-Việc binh lửa đâu phải ai cũng tránh kịp. Người làng chết cũng nhiều. Có người chẳng còn trông thấy xác. Có điều, bọn ta là những kẻ còn sống cũng chẳng phải truy cứu làm gì. Bỡi chết ở chốn nào cũng thuộc cõi bình yên.
Như vậy là ta thôi, không đi tìm tổ phụ ta nữa. Không đi tìm nữa, nhưng trí não ta cũng chẳng được yên. Cứ cho là tổ phụ ta đã chết. Và lời ông già am tường chuyện thế gian là đúng. Nhưng mục đích cuộc tìm kiếm của ta không phải để được nhìn thấy sự bình yên, mà nhìn thấy sự vĩ đại của tổ phụ mình. Ta có mở ra cho tổ phụ mình một cuộc trốn chạy qua bên kia núi Cù Mông, lằn mức cuối trong cuộc tiến chiếm Chăm Pa của vua Lê Thánh Tông. Trốn qua bên kia núi Cù Mông là từ chối làm người dân Đại Việt. Nhưng bất cứ cuộc trốn chạy nào cũng thuộc lĩnh vực thấp hèn của thân phận làm người. Và ta lại mở ra cho tổ phụ mình một con đường ngược lại. Nhập vào đoàn quân chiến thắng của vua Đại Việt. Con đường hình thành theo một hồi cố lịch sử. Dù gì thì tự những ngày xa xưa ấy, làng ta cũng nằm trên dãi đất phía nam Ngũ Lĩnh, các vua Hán Trung Quốc gọi là đất của man di, và đã nhân danh khai hóa để áp đặt lên đó một nền cai trị man rợ. Có nghĩa, trước khi có nước Chăm Pa, làng ta là nằm trên dãi đất Au Lạc kéo dài ra phía nam. Nếu như tổ phụ ta chọn con đường này là trở lại cội nguồn. Nhưng những người đã qua được bên kia núi Cù Mông sẽ coi ông là kẻ phản bội. Những giả thuyết ta đặt ra đều sụp đổ. Và cuộc binh lửa năm 1471 tựa một bóng râm lịch sử vẫn che khuất hình ảnh của tổ phụ ta. Nhưng ta là Lê Ruông, kẻ không đời nào muốn rời bỏ niềm kiêu hãnh, thì không thể thua cuộc.
Tám năm sau cuộc binh lửa, năm 1479, ta gặp nhà chép sử Ngô Sĩ Liên. Ông vừa mới làm xong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, có vẻ còn nguyên niềm cảm hứng.
-Anh có biết sử là gì không?
Ông hỏi.
Và ta chưa có câu trả lời, ông đã tiếp:
-Là đem con mắt của người hôm qua để xem con mắt của người hôm nay. Thấy sử chép là chiến thắng chớ nghĩ chỉ toàn vinh quang. Thấy chép là chiến bại thì không hẳn là tủi nhục. Thấy chép có công không hẳn là làm điều thiện. Còn khi thấy chép là run sợ thì chớ tưởng là hèn nhát.
Ta nói:
-Kẻ hậu sinh này nghe nói có người chép sử đã biến tiếng gầm của con hổ thành tiếng nói hoa mỹ của con người.
-Phải. Chỉ có con người mới có sử. Nên sử là thường hay chép theo cách của con người.
-Nhưng sao tiên sinh chỉ chép từ buổi khai sinh nòi giống đến vua lập ra triều Lê, mà không chép đến triều Lê đương thời?
-Buổi khai sinh nòi giống là đỉnh cao của dân tộc. Là đỉnh của ánh sáng. Nói đỉnh ánh sáng, hay nói bào thai rồng tiên cũng vậy. Chép tới đâu, hay chép tới chỗ nào, cũng chỉ là sự tiếp nối đỉnh ánh sáng ấy. Anh sáng sinh ánh sáng. Anh sáng sinh bóng tối. Ngày và đêm tiếp nối nhau. Ngày và đêm tương sinh. Ngày và đêm tương tàn.
Ta có cảm tường là ông đang trò chuyện với chính mình. Về con người này, ta cũng có biết đôi điều. Tám tháng sau được ghi tên vào bia đá ở Văn Miếu, ông đã được nhìn thấy cái chết của ông vua đã cho ông đỗ tiến sĩ, vua Lê Thái Tông, và cái chết của quan đại thần Nguyễn Trãi, vị quân sư lỗi lạc của Lê Thái Tổ (vua cha của Lê Thái Tông) trong việc tạo dựng triều Lê. Vua Lê Thái Tông chết sau một đêm ngủ ở vườn Lệ Chi với một người con gái tài danh. Còn Nguyễn Trải chết với cái án tru di tam tộc vì có người vợ là người con gái tài danh đã ngủ với vua. Mười bảy năm ông ngồi im lặng nơi Ngự sử đài của triều Lê Nhân Tông, ông vua lên ngôi lúc một tuổi, là con ông vua đã chết ở vườn Lệ Chi, có mẹ là bà thái hậu Nguyễn thị, là vua đàn bà quáng mắt buông rèm coi chính sự. Mười bảy năm ông ngồi im lặng trong cảnh hiền tài là rường cột triều đình mà sạch không như quét đất, văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô ( nói theo sách Quang Thuận Trung Hưng Ký). Ông vẫn ngồi im lặng khi ông vua anh của đương kiêm hoàng đế là Lê Nghi Dân giết đương kiêm hoàng đế. Ông cũng vẫn ngồi im lặng khi ông vua em của đương kiêm hoàng đế là Lê Thánh Tông giết anh mình là Lê Nghi Dân. Nhưng Lê Thánh Tông đã mắng ông là gian thần bán nước, vì ông đã im lặng lúc Lê Nghi Dân giết đương kiêm hoàng đế Lê Nhân Tông. Vua Lê Thánh Tông mắng ông, nhưng vẫn sai ông chép sử. Ta biết là mình chẳng thể hỏi được gì ở con người này về ông Mười Bảy. Nhưng qua những lời ông, ta lại cảm nhận được hình dáng của tổ phụ ta.
Năm 1665, khi Phạm Công Trứ đã chép tiếp Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ta lại lên đường tìm tổ phụ ta.
Đến lúc này, ta có cảm nhận không rõ ràng lắm về một chuyển động lịch sử đã xảy ra trong cuộc binh lửa 1471: Thị dục con người nhân danh chân lý đã làm nảy sinh một sự dịch chuyển kéo theo cả con người lẫn chim chóc về phương nam, trong đó có ông Mười Bảy, tổ phụ của ta.
Lần này là ta đi về phương nam. Là lần theo dấu vết của con người, lần theo sử văn Sách Bản Kỷ Thực Lục, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, của Phạm Công Trứ chép rằng bên kia núi Cù Mông có ba nước nhỏ. Lê Thánh Tông đã chia nhỏ ra thế để làm suy yếu Chăm Pa. Một nước Chăm Pa của Bồ Tri Tri, vốn là một viên tướng của vua Trà Toàn. Một nước Hoa Anh. Và một nước Nam Bàn.
Ta ra đi vào một ngày yên tĩnh của lịch sử Đại Việt. Bấy giờ thì cuộc chiến giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, cuộc chiến nổ ra từ hơn ba muơi năm trước đó, đang ở vào thời hưu chiến. Chúa Nguyễn Phúc Tần gặp ta ở đèo Cù Mông. Ông đang trên đường trở về kinh sau chuyến kinh lý các phủ huyện phía nam, chắc là khá vất vả, nên cả người lẫn ngựa đều nhuễ nhoại mồ hôi. Chúa Nam Hà hỏi ta đi đâu. Ta nói là đi tìm vị tổ phụ của mình đã thất lạc trong cuộc binh lửa năm 1471.
-Đã gần hai trăm năm trôi qua, làm sao tìm cho ra?
Chúa hỏi.
Ta nói cứ theo sử văn mà tìm.
Chúa hỏi theo sử văn nào.
Ta nói đó là sách Bản Kỷ Thực Lục, là sách chép tiếp sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, do nhà soạn sử Phạm Công Trứ ở Bắc Hà soạn.
Chúa bỗng gò cương ngựa, con ngựa hơi chồm lên, rồi vẫy mạnh đuôi.
-Là dân nước Nam Hà mà đi đọc sử sách của người nước Bắc Hà, ta e đã phạm sai lầm.
-Xin chúa thượng chỉ bảo cho kẻ hậu sinh này biết đã phạm sai lầm nào?
-Không những phạm sai lầm, mà còn là đem lòng không vua.
Chúa Nam Hà giận dữ nhìn ta, rồi quất ngựa đi
Còn lại một mình nơi núi đèo hiu quạnh, ta bỗng thấy đầu óc ta trống rổng khác thường. Bỗng, chẳng còn muốn nghĩ tới thứ gì nữa. Ngay cả nghĩ ta là Lê Ruông đang đứng một mình nơi núi đèo, đừng nói chi là nghĩ tới nước tới vua. Tự dưng đầu óc ta như thế. Chứ nào phải như chúa Nam Hà nói là đem lòng không vua.
Ta nói với con ngựa già của ta:
-Này ngựa, có chi buồn hơn làm con dân một nước mà bị vua của mình mắng là phản quốc. Ta có đọc sử sách của người Bắc Hà cũng cốt để biết đường tìm tổ phụ ta, chứ chẳng có mưu bá đồ vương nào cả.
Ta thấy con ngựa già của ta khóc. Chẳng biết là do cảm động trước những lời chân thành của ta, hay là do tủi thân mà khóc. Ngựa là của đám khách thương Thuận Hóa vào buôn tơ lụa ở miền sông Tượng núi Tượng. Chúa Nam Hà đang cho lính phủ lùng sục khắp nơi trong nước trưng thu những ngựa khỏe để bổ sung vào đoàn ngựa chiến của triều đình, chuẩn bị đánh nhau với chúa Trịnh nữa, nên trong dân chúng chỉ còn lại những ngựa già yếu. Ta thì cần một con ngựa ít tiền để đi phương nam. Còn đám khách thương Thuận Hóa vì buôn bán thua lỗ phải bán bớt ngựa. Do đó mới có việc ta là chủ con ngựa cái già ốm yếu ấy.
Ở chỗ xóm làng ngay chân đèo Cù Mông có ông lão có vẻ biết nhiều thứ đã làm tiêu tan những phiền muộn trong ta.
-Sao không cỡi mà giắt?
Thấy ta giắt ngựa ngang qua chỗ ông, ông lão thôi cắt cỏ, đến bắt chuyện.
Ta bảo ngựa cũng đã khá già yếu, sợ cỡi xuống đèo bị ngã.
Ông lão ngắm nghía ngựa, rồi nói:
-Đích thị là giống ngựa miệt bắc.
-Phải, đây là ngựa miệt bắc. Nhưng làm sao ông biết?
-Thì do sống lâu mà biết nhiều thứ vậy thôi.
Ta cho là trời đã đưa đường chỉ lối để ta gặp được một người cần gặp, ta hỏi:
-Nhưng ông có biết nước Nam Bàn, nước Hoa Anh với nước Bô Tri Tri ở đâu không? ( nước do Bô Tri Tri làm vua thì ta gọi tắt là nước Bô Tri Tri )
Ông lão lấy tay che một bên tai:
-Hãy nói lại cho ta nghe là nước nào với nước nào?
Ta nhắc lại tên của ba nước ấy.
-Lúc kể chuyện lập nước lập làng, hình như cha ta có nhắc đến tên mấy nước ấy. Này nghe, mới đầu là bộ lạc, rồi sau mới có nước. Phải, ta nhớ ra rồi, mới đầu là bộ lạc Dừa với bộ lạc Cau.
-Là ông đang nói về các nước Nam Bàn, Hoa Anh và Bô Tri Tri?
-Đã bảo là cha ta kể cho nghe nhiều thứ lắm, chứ không phải chỉ chuyện mấy nước đó đâu. Cha ta nói có một người còn biết nhiều hơn ông, biết đến hàng vạn chuyện cổ tích.
Ta nói là mình rất mong được giúp đỡ, để gặp được người biết đến hàng vạn chuyện cổ tích đó, để hỏi cho rõ hơn về các nước đó.
Ông lão có tỏ ngạc nhiên trước sự khẩn khoản của ta:
-Cần đến mức đó sao?
-Phải. Cần đến mức đó.
-Người biết nhiều cổ tích là ông nội ta, thì đã chết từ lâu. Nhưng ta biết là ở miệt này cũng còn có nhiều người biết chuyện cổ tích. Cứ tìm đến họ hỏi, chắc sẽ rõ mấy nước ấy thôi.
Ông lão nói.
Và trở lại với công việc cắt cỏ của ông.
Ta qua phủ Phú Yên, rồi phủ Thái Ninh, mất một trăm lẻ chín ngày. Tất cả những người ta gặp ( cả những người biết chuyện cổ tích) đều nói rằng họ chưa bao giờ nghe nói đến tên mấy nước ấy. Theo họ, trên dãi đất từ Phú Yên đến Thái Ninh (các chúa Nguyễn mới lấy từ tay người Chăm Pa ) xưa kia có đến bốn nước chứ không phải ba nước như ta nói. Đó là các nước Pang đu rang ga, Pô na ga, Pan ran, và Bôn đa long. Nhưng nhiều người nói là Hoa ga chứ không phải Pang đu rang ga, là Bô na tri chứ không phải Pô na ga, là Nam ran chứ không phải Pan ran. Người bảo các nước đó tồn tại từ ba ngàn năm trước. Người bảo chỉ cách nay khoảng hai trăm hay gần hai trăm năm thôi. Đến ngày thứ một trăm lẻ chín, khi đến ngôi làng nằm phía đông vùng núi non ấy, con ngựa của ta bước không nổi nữa. ( Từ khi qua khỏi đèo Cù Mông thì ngựa ta không cỡi, mà chỉ giắt ) Ta nói với ngựa rằng, ta và ngươi đã qua bao nhiêu làng mạc, qua bao nhiêu ruộng đồng, bao nhiêu sông suối, nói cho nhau nghe bao nhiêu chuyện, hơn ba tháng trời vui buồn có nhau, như thế là tri âm, tri kỷ rồi. Giờ thì ta còn phải tiếp tục đi tìm tổ phụ ta, mà ngươi vì già yếu, không đi nổi nữa, nên buộc lòng ta phải để ngươi lại chốn này.
Ta đã tặng con ngựa của ta cho một người trong làng, có kèm theo một ít tiền để nuôi dưỡng nó. Và đã căn dặn riêng người ấy:
-Nếu ngựa có chết thì xin hãy chôn cất kỹ lưỡng. Song, phải rán nuôi dưỡng, để may ra nó còn chửa đẻ được. Ngựa khôn mà tuyệt dòng thì uổng lắm.
Vì cảm kích, người ấy không nhận tiền, mà còn tặng ta một cái móng gà trống trắng, vật gia truyền của dòng họ nhà ấy, để qua sông không sợ nước cuốn, vào núi rừng không sợ rắn rít.
Dù còn lại một mình, có nghĩa không còn có ngựa để làm bạn đường, ta vẫn không từ bỏ quyết định đi vào vùng núi non ấy.
Vào một ngày có lũ chim rừng chuyện trò gần nơi ta nằm đói lã, ta đã nhận ra sự vĩ đại của mình. Ta đói lã vì suốt mấy hôm liền không gặp được nơi có người ở. Đi tìm một vị tổ phụ sống gần hai thế kỷ trước đã là vĩ đại. Nên chi có chết trong cuộc tìm kiếm này là nhân đôi sự vĩ đại của mình. Trong cơn đói lã, ta nghe tiếng trò chuyện của lũ chim rừng giống rặt tiếng người. Dường như lũ chim đã sú nước cho ta. Không phải là mơ, ta biết, vì cơn khát ở trong ta đã thật sự chấm dứt. Sau đó thì ta nghe như có những hạt cơm ở nơi miệng mình. Và ta ngấu nghiến nhai.
-Nó còn sống.
Ta nghe lũ chim rố lên thế.
Và chính ý tưởng về sự vĩ đại có thêm cơm với nước vào đã khiến ta mở được mắt nhìn. Thì ra trong cơn lói lã ta đã nằm xuống ở một khu mộ táng của người miền núi. Và không phải là chim, mà là một lũ người miền núi đang vây quanh ta.
Khi ta đã đứng lên được, nhìn thấy một huyệt mộ mới đào, cạnh đấy là đoạn gỗ rừng to bằng hai người ôm có dây buộc quanh, và lỉnh khỉnh các thứ chiêng, ché, chén bát, cơm nước, ta liền hiểu điều gì đã xảy ra, ta nói:
-Nhờ đi chôn người chết, những người anh em đây đã trông thấy cứu sống ta. Ơn này lớn lắm. Coi như ta đã nợ anh em món nợ lớn.
Một người trong bọn họ chỉ cái quan tài bằng cây gỗ rừng:
-Nợ con ma rừng đấy, chứ không phải nợ bọn ta đâu. Lúc chưa chết, nó cũng là đứa tốt trong làng
Phải. Ta vừa ăn bớt phần cơm nước của người chết. Tức lấy bớt phần của cải người làng đã chia cho người chết mang theo.
Ta nói:
-Nợ người chết thì khó trả lắm. Song, sau khi tìm được tổ phụ của mình, ta sẽ tìm cách để trả thôi.
Bọn họ hỏi ta đi tìm tổ phụ của ta ở đâu. Ta nói đi tìm ở các nước Hoa Anh, Nam Bàn, và Bô Tri Tri. Bọn họ hỏi các nước ấy ở đâu. Ta nói là mình cũng định hỏi bọn họ về các nước ấy.
-Đi hỏi thử rừng núi nó có biết không, chứ bọn ta thì chịu.
Bọn họ nói.
Ta chưa có được chút tin tức gì về các nước này thì có kẻ rình rập ta.
Sáng ấy, sau khi ra khỏi khu làng mình đã ngủ nhờ qua đêm, ta cứ theo bờ con suối ấy mà đi. Đi được một quãng thì phát hiện có kẻ rình rập mình. Tưởng ta không nhìn thấy, kẻ kia cứ việc men theo bờ suối để đi song hành với ta. Có nghĩa, ta đi ở trên bờ, còn kẻ kia thì đi ở dưới lòng suối, chỉ cách nhau gang tấc. Các loài giống trên mặt đất này là thường hay rình rập hại nhau. Song, trong trường hợp ấy coi như công việc tìm kiếm của ta đã bị cản trở. Ta quyết định phải đối mặt với kẻ kia, để hai mặt một lời cho ra lẽ. Ta nghĩ, và bước thật mau. Thì thấy kẻ kia cũng bước mau lên. Điều này chứng tỏ là kẻ kia quyết bám theo ta. Tới một đoạn bờ suối không còn cây rừng che rợp, ta đã quyết định dừng lại. Dưới ánh mặt trời của buổi sáng hôm ấy, ta và kẻ rình rập ta đã đối mặt nhau.
Ta nói:
-Ta đường đường là kẻ đi tìm tổ phụ của mình, chẳng làm điều chi ám muội. Giả như ngươi muốn giết ta vì hiểu lầm ta, hoặc muốn giết ta để làm thức ăn cho loài giống ngươi, thì giữa thanh thiên bạch nhật cứ việc hạ sát ta, có chết, ta cũng còn nể mặt ngươi. Đằng này, ngươi đã theo rình rập ta suốt một buổi đường.
Ta chẳng muốn gởi đến kẻ ấy một thông điệp luân lý nào hết. Mà chỉ muốn làm cho kẻ ấy phải nghĩ ngợi về loài giống mình mà thôi.
-Rình rập kẻ khác là ngươi đã tự làm nhục loài giống của ngươi, biết chưa?
Ta hét, dội cả bốn phía núi.
Có thể, con hổ thấy ta không phải kẻ nguy hiểm đối với loài giống của nó, hoặc đã nhận ra đâu là chân lý, đâu là sai lầm, nên đã cụp đuôi bỏ đi.
Chiến công trên cũng chẳng mang lại chút hứng thú nào, vì cuộc tìm kiếm của ta gần như vô vọng. Tất cả những người ta gặp ở vùng núi non ấy đều bảo ta đi hỏi thử núi rừng về các nước ấy. Chính là buổi trưa nằm ở bờ con suối có tiếng thác đổ, tiếng gió gào, tiếng chim rừng từng lúc rộ lên, ta đã nhận ra sự dịch chuyển của ngôn ngữ tự nhiên. Nằm nghe một chặp thì tiếng chim nghe thành tiếng gió, tiếng gió thành tiếng thác. Ta ngồi bật dậy, thét to lên trong trí não rằng, Pan du rang ga đã chuyển thành Hoa ga, rồi thành Hoa Anh, Pô na ga đã chuyển thành Pô na tri, rồi thành Bô Tri Tri, Pan ran đã chuyển thành Nam ran, rồi thành Nam Bàn, hoặc thành những thứ na ná như thế. Ngay trưa hôm ấy ta quyết định quay về, vì biết rằng mình đã bị lạc vào trong sự dịch chuyển của ngôn ngữ con người.
Rồi ta bị mất ngủ vào một đêm mùa hạ thuộc hậu bán thế kỷ hai mươi. Con trai ta, thằng Rác, đã làm ta mất ngủ. Sau một ngày làm lụng cật lực, đêm nó vừa ịch xuống giường đã ngủ say, rồi nằm mơ. Chẳng biết là nó mơ thấy những gì, cứ ú ớ nói ra những lời không phải nghe là hiểu. Ta định đánh thức nó, nhưng lại thôi, vì làm cha mẹ không nên can thiệp con cái những việc như thế. Dường thằng con trai ta trò chuyện với ai đó. Tất nhiên không phải trò chuyện với vợ con nó. Bỡi lũ vợ con của nó đều đang ngủ say. Trong mớ ngôn ngữ đầu ngô mình sở đó ta chỉ nghe được mấy tiếng không sao không sao. Nhưng chính là cái không sao ấy đã làm cho ta không sao ngủ được. Khoảng quá nửa đêm ta nghe có tiếng te te đánh trên đồng Đất Sét. Đây là loài chim rất thính hơi người. Nên te te đánh trên đồng Đất Sét có nghĩa ở đó có người. Trí não ta có nghĩ ngợi nhiều, nhưng chẳng thể nghĩ ra ai vào giờ ấy còn ở trên đồng. Ta nghe tiếng te te mỗi lúc một gần. Điều này thì có nghĩa có ai đó từ đồng Đất Sét đi vào làng. Bỗng tiếng chim im bặt. Lát sau ta thấy ông Mười Bảy bước vào nhà.
-Hãy yên. Chớ để đứt dòng suy nghĩ.
Ông đứng ở cạnh giường của ta, ra hiệu cho ta hãy nằm yên.
Ta nằm yên trên giường chiêm ngưỡng vị tổ phụ mình đã tìm kiếm suốt bấy nhiêu năm. Và đấy cũng chính là thời khắc ta hiểu ra trong bấy nhiêu năm ta đã bị lạc vào
cuộc chơi của lịch sử. Lẽ ra đến lúc đó ta không nên hỏi tổ phụ ta bất cứ điều gì. Thì còn hỏi chi nữa khi đã biết suốt mấy trăm năm qua tổ phụ ta vẫn cày ruộng trên đồng Đất Sét. Nhưng rồi ta lại cứ phải nói ra, không nín được, cái câu hỏi đã từng làm trí não ta gần như cạn kiệt:
-Thưa, mấy trăm năm qua thì tổ phụ ở đâu?