MẶC KHẢI

Cứ thế, ông Ruông cứ để trí não mình đủng đỉnh hướng về phía cổ xưa. Thì chẳng phải những con bò đất sét của thằng cu Cỏ suýt đưa ông vào bến bờ nguyên thủy hay sao? Cho đến lúc ông nuôi giấc mộng tìm ra được cái nôi loài người ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình thì coi như cuộc mưu toan vĩ đại của ông đã đạt đến đỉnh điểm. Con sông Tượng già nua cổ kính luôn là mối khêu gợi trí tưởng tượng của ông. Mỗi lần chui vô những hang hốc lở lói ở bờ nam sông, hoặc tha thẩn dọc lòng sông sỏi đá, là ông lại nghĩ đến ngày nhìn thấy được xương người nguyên thủy. Chỉ một mảnh hóa thạch nhỏ thôi, nhưng nếu đó là xương của một loài homo nào đó, thì nhất định hóa thạch đó sẽ mang tên đất quê ông, homosongtuongnuituong, hoặc mang chính tên ông, homoleruong. Báo giới quốc nội quốc ngoại nhất đinh sẽ tìm đến ông. Những cuộc phỏng vấn nhất định sẽ xảy ra.Và tên tuổi ông sẽ được cả thế giới biết đến. Như vậy, có thể nói là đến lúc nuôi giấc mộng tìm ra được cái nôi loài người ở miền sông Tượng núi Tượng, ông Ruông lại có xu hướng muốn vĩ đại với toàn thế giới chơi, chứ không phải chỉ đóng khung trong đám con cháu nhà họ Lê. Cuộc mưu toan của ông vốn là một cuộc chơi, nhưng đến lúc này thì cuộc chơi này lại chẳng để ông yên. Hễ nằm mơ là ông nhìn thấy xương. Có điều, ký ức quỉ quái của ông đã làm ông lạc nẻo. Là chỉ mơ thấy xương người đương đại, những mảnh xương người lẩn lộn với mảnh đạn bom ông đã tận mắt nhìn thấy trong các cuộc chiến trong thế kỷ hai mươi.
Vào một đêm có mưa lũ, ông Ruông nằm yên ở trên giừơng để nghe nước sông Tượng chảy. Vào mùa lũ, nước con sông Tượng cũng chẳng kém hung hăng. Dường để bù vào chỗ quanh năm sông chẳng ra sông (sông mà chẳng có nước), thì đến mùa lũ, không phải chỉ chảy thôi, mà vừa chảy vừa gào réo. Nằm nghe con sông Tượng gào réo, ông lại nghĩ đến chuyện tạo núi tạo sông. Vào một ngày nào đó thuộc chu kỳ tạo núi Hymalaya, đại Tân Sinh, đất đai được nâng lên kéo theo những lớp trầm tích lên núi Tượng. Rồi băng tan lùa theo xác các sinh vật xuống lòng sông Tượng.
 Rồi những thề kỷ tiếp theo mưa lũ lại lôi đi bao nhiêu đất đá trên núi xuống lòng sông, chôn kỹ những mảnh xương người cùng với xương của đám voi, hổ, chồn, cheo.
Ông cứ nghĩ đến những hóa thạch vẫn còn dấu kỹ bên dưới lòng sông sỏi đá, và thiếp đi. Trong giấc ngủ đầy ứ hạnh phúc, ông nghe như có ai gọi tên mình. Ông tỉnh dậy, gọi hỏi con trai ông có gọi ông không. Nhưng cả vợ chồng con cái anh Rác đang ngủ như chết. Mưa như vẫn còn đang trút nước ngoài trời. Ông lại nằm nghe nước sông Tượng gào. Và lại nghĩ đến ngày tên tuổi ông vang khắp thế giới. Trong tiếng nước gào dường cứ vang lên điệp khúc homoleruong. Mới thoảng nghe, ông thấy thích lắm. Vì cho rằng trong cuộc chơi của mình cũng phải có những nét kỳ thú như thế. Nhưng khi điệp khúc ấy cứ vang mãi trong tai thì ông lại thấy lo. Hay là do nghĩ ngợi nhiều về chuyện xương người nguyên thủy mà trí não ông hóa ra có vấn đề? Ông giật mình nhớ đến chuyện chết vì tê liệt trí não, nên vội nhắm mắt nằm im. Quyết không thèm nghĩ chuyện gì nữa, nhưng trí não ông lại cứ bắt ông nghĩ ngợi. Dù gì thì ông cũng phải đi cho trọn cuộc chơi. Lòng kiêu hãnh vốn đeo đuổi ông tự thời trai trẻ lại cổ vũ ông. Ta vẫn chưa gặp hết các tổ phụ ta, vẫn mong nhìn thấy được một bậc tổ phụ có cuộc đời cũng sánh bằng các nhà sáng lập tôn giáo kia mà! Ông thầm thét lên như thế. Và lập tức như có ai thét vào tai ông:
-Ta, tổ phụ của ngươi, kẻ hát hí khúc không biết mệt mỏi, sẽ nói cho ngươi biết những điều ngươi chưa từng biết. Nhưng những lời ta nói ra không phải chỉ cho mỗi ngươi, mà cho cả những ai muốn biết.
Một cuộc mặc khải.
Và ông Ruông đã chép lại trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ toàn bộ những lời ông nghe được.
…Không có cuộc phân tranh giữa hai họ Trịnh Nguyễn thì ta chỉ là hòn đất ngu ngơ của miền sông Tượng núi Tượng. Từ cuộc trần gian ảo hóa, ta chuyển sang cuộc thiên thu lạnh lẽo vào năm 1798, năm vua tiểu triều Nguyễn Bảo, con vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, bị dìm sông. Nhưng ta phải bắt đầu từ khúc dạo đầu. Trong khúc dạo đầu có nước mắt của mẹ ta. Lúc lính phủ dẫn ta đi, mẹ ta khóc thật nhiều. Bà thương tiếc công trình tạo tác của mình không còn thuộc về mình. Cái tạo vật được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ và cơm nhai là ta, lúc ấy được người đời gọi là thành nhơn. Nhưng gặp lúc nước có binh lửa, dù là thứ binh lửa nào, thì thành nhơn còn có nghĩa là tài sản chung của nước. Thấu hiểu luật trần gian, cha ta đã bắt ta cưới vợ từ năm ta mười sáu tuổi, tức trước tuổi thành nhơn hai năm. Lúc lính phủ dẫn ta đi thì vợ ta đang mang thai. Có nghĩa, trước khi đi làm lính cho chúa Nguyễn, ta đã làm xong nghĩa vụ hậu duệ của một dòng họ. Cho nên khi thấy mẹ ta khóc ta rất đau lòng, nhưng đồng thời cũng rất tự hào. Nếu như mẹ ta đã sinh ra ta, thì vợ ta cũng sẽ sinh ra con ta, để dòng máu nhà ta không hề bị đứt đoạn.
Ta, từ miền sông Tượng núi Tượng lăn ra tới phủ, rồi lăn tiếp ra kinh sư. Thực sự lính phủ dẫn ta đi bằng hai chân. Nhưng quả tình là chỉ hơn hòn đất một chút là biết đi và biết nói năng, vì mọi thứ xảy ra lúc bấy giờ đều mù tịt đối với ta. Nghe nói đấy là phủ, là kinh sư, ta hay đấy là phủ là kinh sư. Còn phủ là gì, kinh sư là gì, thì ta cũng mù tịt như hòn đất đồng Đất Sét. Tiếp sau khúc dạo đầu là khúc đổi áo. Khi đã biết phổ hí khúc ta hát rằng, mặc áo khố của vua ta đã biến thành những cái ta không phải là ta.
Có nghĩa, từ đấy cái bản lai diện mục người của ta bắt đầu cuộc ngẫu nhiên trôi nổi vào các bến bờ trần gian. Bến bờ đầu tiên là thao trường tập binh của chúa Nguyễn. Ở chốn thao trường, ta với đồng đội ta là những hình nhân bằng xương bằng thịt đánh đấm nhau với đám hình nhân bằng rơm. Tay ta cầm cày suốt mười mấy năm, giờ lại đổi sang cầm gươm, nên cũng rất bỡ ngỡ. Có điều ngày nào cũng cầm nắm nó, miết rồi cũng thấy mến tay. Trong cuộc hành binh dã ngoại về phía bắc, ta đã nhìn thấy sông Linh Giang. Con sông đã ngăn đất nước ta thành hai miền nam bắc.
Và ta đã nghe nói ở phía bờ bên kia, vua Lê, ông vua chung của nứơc, đang bị chúa Trịnh lấy mất quyền trị nước. Nên ở bờ bên này chúa Nguyễn mới bắt đám con trai thành nhơn bọn ta mặc áo khố của chúa để giúp vua Lê trừ giặc Trịnh, tức phò Lê diệt Trịnh. Ta có đem sự nghĩ ngợi của mình ra để nghĩ ngợi, nhưng chẳng thể nghĩ ra phò Lê diệt Trịnh là làm thế nào. Ngày nào thì đám binh lính bọn ta cũng ra thao trường tập luyện cách chém giết, và nghe quan trên truyền cho lòng trung với chúa, cũng như truyền cho lòng căm ghét giặc Trịnh. Ta cũng có ý chờ coi thử, song vẫn chẳng thấy xảy sự việc nào gọi là phò Lê diệt Trịnh. Chỉ có đêm đêm nằm giữa chốn kinh thành, nghe trống điểm canh, ta lại thấy nhớ quê. Ta đang ăn cơm chúa để kéo lê thân nam nhi qua ngày tháng, thì bỗng có tin tức không lành đưa lại kinh đô. Rằng ba anh em nhà họ Nguyễn ở ấp Tây Sơn đã dấy binh để phò Lê diệt Trịnh Nguyễn. Lần này thì sự nghĩ ngợi của ta đã đưa ta đến một viễn cảnh chẳng mấy sáng sủa: Ta, kẻ đang mặc áo khố của chúa Nguyễn, chắc chết, nếu quân Tây Sơn đánh vô kinh đô. Nhưng chúa Nguyễn Phúc Thuần, vị chúa thứ chín cũng là vị chúa cuối cùng của họ Nguyễn, truyền rằng đấy là giặc cỏ. Có nghĩa là chẳng đáng kể. Nhưng tin tức không lành lại tiếp tục đưa lại kinh đô. Ta cũng chẳng biết bằng cách nào mới đấy mà quân Tây Sơn đã đánh chiếm các phủ huyện trải từ miền sông Tượng núi Tượng cho đến gần kinh đô Phú Xuân. Như vậy là cha mẹ vợ con ta đã bị mắc vào vòng binh lửa. Như vậy là đám binh lính bọn ta phải ra trận. Nếu như Tây Sơn là giặc, như lời truyền của chúa Nguyễn, bọn ta ra trận là để dẹp giặc. Khi đã phổ được hí khúc ta hát rằng, ai đã đem trao cho con người dáo gươm, để có lúc con người quên mất bản chất của dáo gươm? Ở nơi chiến trận, gươm của ta có đâm trúng mấy người bên binh đội Tây Sơn, và ta đã thấy máu chảy. Tất nhiên là máu của ta chưa chảy, tức ta chưa chết, mới thấy được máu người khác chảy. Lẽ ra là giặc phải tan, vì đấy là giặc cỏ, như lời chúa truyền. Đằng này đám binh lính mặc áo khố chúa Nguyền bọn ta đã bị giặc đuổi đánh tơi tả. Ta cũng chẳng hiểu vì sao quân Tây Sơn chỉ đánh tới đó rồi thôi. Nhưng quân của chúa Trịnh đã sang sông Linh Giang. Lời hịch nói là hịch của vua Lê đã truyền đến kinh đô, rằng lần này vua mang binh vô nam để diệt trừ họ Nguyễn là giặc của triều đình và dẹp loạn Tây Sơn. Ta, hòn đất ngu ngơ của miền sông Tượng núi Tuợng, lúc đó cũng đã bớt ngu ngơ, để hiểu được rằng, ta đang mặc áo khố của chúa Nguyễn tức là giặc của vua Lê. Cơ đồ hai trăm năm của họ Nguyễn đã đổ thật. Chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng vương thất thoát được về phương nam. Nhưng ta thì bị bỏ lại kinh thành. Ta có vứt bỏ áo khố của chúa Nguyễn cũng chỉ để may ra còn được sống. Có nghĩa, bấy giờ ta chưa hiểu hết giá trị thằng người của ta. Có nghĩa, ta đã không bị chúa Trịnh giết, mà còn được mặc áo khố của chúa. Khi đã phổ được hí khúc ta hát rằng, khi đã đổi được áo khố thì ta là giặc liền trở thành ta không phải là giặc. Như vậy là ta nghiễm nhiên đứng vào đội ngũ những người làm công việc dẹp loạn Tây Sơn và truy đuổi tàn quân giặc Nguyễn. Có một đêm ta không ngủ được vì cứ nghĩ đến niềm hạnh phúc của mình (ta cho rằng mình đương là giặc bỗng trở thành không phải là giặc là hạnh phúc) Nghĩ đến niềm hạnh phúc, và thấy nhớ cha mẹ vợ con (khi người ta hạnh phúc thì thường nghĩ đến kẻ khác) Cứ nằm nghĩ ngợi cho đến sáng. Lúc thấy trời sáng thì chợt nhớ ra là ngày và đêm vẫn đang tiếp nối nhau. Khi nhớ ra điều này, ta lại thấy thắc mắc trong lòng là chẳng biết những ngày sắp tới thì giữa chúa Trịnh và Tây Sơn ai thắng ai bại. Cứ thắc mắc suốt về chuyện này, cho đến hôm Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, quan quân chúa Trịnh bỏ chạy hết về bắc, ta mới thấy hết thắc mắc. Lần này thì ta đã học được kinh nghiệm của lần trước. Tức, cứ bình tĩnh cởi áo khố của chúa Trịnh vứt đi, rồi chờ người ta chấp nhận giá trị thằng người của ta. Đúng như ta nghĩ, Tây Sơn cần binh lính để làm cho xong công việc diệt Trịnh Nguyễn phò Lê, nên đã không bỏ sót ta. Khi đã được mặc áo khố của Tây Sơn, ta cứ làm ra vẻ hồn nhiên, như trước đó ta chưa hề mặc áo khố của ai. Và liền sau đó ta lần lượt bước vào những bước vinh quang. Bước vinh quang đầu tiên là được đứng trong đoàn quân Tây Sơn tiến ra phía bắc, diệt họ Trịnh, gom giang sơn về một mối, và giao cho vua Lê. (Nếu như được mặc áo khố Tây Sơn sớm hơn một chút, ta đã được đứng trong đoàn quân đi diệt họ Nguyễn ở phía nam) Nhưng vua Lê Chiêu Thống lại lấy làm không hài lòng về việc có một vị vua khác là vua Tây Sơn, tức vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, đang ngồi ở nơi thành Hoàng Đế, dù là thành này nằm khỏang giữa nước, cách kinh thành Thăng Long của vua đến ngàn vạn dặm. Do vậy mới có việc vua sang bên Tàu để nhờ vua nhà Thanh mang binh sang giúp. Do vậy mới có việc Nguyễn Huệ, em vua Thái Đức, lên ngôi vua, tức vua Quang Trung, để cầm binh đi chống giặc Thanh. Và ta bước tiếp bước vinh quang là đã được đứng trong đoàn quân Tây Sơn chiến thắng. Khi vua Lê Chiêu Thống quyết định ở lại luôn bên Tàu, thì vua Quang Trung ngồi làm vua ở thành cũ Phú Xuân, còn vua Thái Đức vẫn ngồi ở thành Hoàng Đế. Miền sông Tượng núi Tượng chỉ cách thành Hoàng Đế nửa buổi đường. Mà ta thì có số gần cha mẹ vợ con (sau các cuộc binh lửa còn sống đủ cả) nên đã được làm lính nội phủ của vua Thái Đức. Ta cũng có ý muốn kéo dài niềm vinh quang cho đến tuổi già của ta. Nhưng cả vua Quang Trung lẫn vua Thái Đức đều chết trước tuổi già, thành ra ta không thể làm theo ý mình được. Vua Quang Toản nối ngôi vua cha, không còn coi triều đình ở thành Hoàng Đế ngang với triều đình của mình ở Phú Xuân. Cho nên vua Nguyễn Bảo, con vua Thái Đức, bấy giờ chỉ được gọi là vua tiểu triều. Ta, vốn là hòn đất ngu ngơ, bấy giờ có thầm bảo mình rằng, vua nào cũng ngồi ở ngai vàng, tiểu triều với đại triều có khác chi đâu. Đến chừng quan quân ở Phú Xuân vào bắt vua tiểu triều đem dìm sông, ta mới hiểu ra đại triều là lớn hơn tiểu triều. Ta lặng lẽ phò vua ra đến bờ sông Tam Huyện. Và lặng lẽ đứng nhìn người ta dìm nước ông vua mình đang phò tá. Chỉ nghĩ ở trong lòng rằng đây là chết oan (ngưới ta bảo vua tiểu triều đang mưu chống lại Phú Xuân) Ta chỉ nghĩ vậy. Nhưng chẳng hiểu sao người ta biết là ta nghĩ vậy. Nên đã đem dìm nước ta luôn. Từ sông Tam Huyện ta đã chuyển luôn qua cuộc thiên thu lạnh lẽo, và được gặp lại hết thảy các vị vua chúa ta từng phò tá. Có điều, ở nơi đây chẳng còn có năm tháng, nên chẳng còn phân biệt già trẻ, vua tôi. Ta đương thõa thích tiêu xài thứ của cải chung vô tận là sự lạnh lẽo u buồn thì phát hiện thấy vị cựu hoàng đế triều Tây Sơn, vua Quang Trung, có vẻ buồn hơn mọi ngày. Hỏi mới hay ở cuộc trần gian ảo hóa, hậu duệ của họ Nguyễn là Nguyễn Ánh đã lật đổ triều Tây Sơn, lên ngôi vua ở kinh thành cũ Phú Xuân, đặt vương hiệu Gia Long, và để trả mối thù xưa của cha ông mình, vua đã cho quật mả vua Quang Trung, đem hài cốt ra xét xử. Thấy linh hồn vị cựu hoàng Tây Sơn có những vết thâm bầm, biết là vua chưa thoát được sự chiết tỏa của năm tháng, ta nói như thể an ủi vua, rằng chết một lần chỉ hiểu nửa trần gian, chết hai lần mới hiểu hết trần gian. Ta nghĩ là ta nói, nhưng chẳng hiểu sao những lời ta nói lại hóa thành khúc hát. Từ đó mới có chuyện ta đem cuộc trần gian ảo hóa phổ thành hí khúc để hát cho người khác nghe. Kẻ chết một lần hay chết đi chết lại nhiều lần đều nghe ta hát. Ta, kẻ hát hí khúc không biết mệt mỏi, đã tự làm ra khúc hát để hát cho loài giống mình nghe, cho năm tháng không còn làm gì được con người.