LỜI ĐÙA CỢT NGUYÊN THỦY

Nếu đem số trứng đám gà mái ấp của anh Rác làm bể hằng ngày ra so với số trứng toàn bộ loài gà trên mặt đất này đẻ được mỗi ngày thì chẳng thấm vào đâu. Nhưng khi nói ba chục con gà mái ấp của anh Rác, trong khi ấp trứng, mỗi ngày mỗi con làm bể một trứng, thì thiệt hại này là quá lớn đối với anh ấy. Tức khi bỏ đi tầm nhìn vĩ mô, mà rút về tầm nhìn vi mô, thì ông Ruông phải nhảy vô công cuộc làm ăn của con trai. Anh Rác đang nuôi gà mái đẻ. Có nghĩa đang ở vào một khâu trong vòng tròn chăn nuôi bất tận (bán bò nuôi heo, bán heo nuôi gà, bán gà nuôi bò…)
Việc làm đầu tiên của ông Ruông là sửa sang lại sản phẩm của tự nhiên. Cụ thể là sửasang lại móng chân của gà. Nói rõ ra là làm công việc cắt bỏ hết phần sắc nhọn của móng. Kết quả là không còn có chuyện trứng bị vỡ, mà chỉ bị móp, hoặc bị nứt. Từ kết quả này, ông Ruông cho rằng mọi chuyện lủng củng trong quá trình ấp trứng là do đám ngón chân gà mà ra. Đồng thời ông cũng thấy rằng, nếu như chân gà mà không có ngón thì chưa hẳn trong tự nhiên đã có loài gà. Nhưng điều ông đang suy nghĩ không phải là chân gà có ngón hay không có ngón. Trong lúc nghĩ cách làm thế nào cho những quả trứng ấp bị móp bị nứt cuối cùng cũng nở được con gà con, ông Ruông đã phát hiện ra chỗ hơi kỳ cục của tự nhiên. Là lòai gà không đẻ thẳng ra gà con, như loài heo loài bò đẻ thẳng ra heo con bò con, mà phải đẻ qua trung gian là trứng. Muốn có gà con, gà phải bỏ ra thời gian trên dưới hai mươi hôm để ấp trứng. Chính đám ngón chân có móng sắc nhọn để gà bới tìm thức ăn trong đất đã làm cho trứng vỡ trong khi gà ấp trứng. Trang bị ngón móng cho gà, tự nhiên muốn cùng lúc trao cho loài sinh vật này khả năng tự tồn tại lẫn khả năng tự hủy diệt. Ông Ruông cho đây là sự đùa cợt của tự nhiên đối với loài gà. Và giờ thì ông đang thử đùa lại với tự nhiên.
Thấy ông Ruông ngồi tẩn mẩn ốp những mảnh vỏ trứng lên những quả trứng ấp bị móp bị nứt, thằng Cỏ anh nói:
-Ông nội đang hóa phép để mỗi cái trứng nở được nhiều con gà con phải không?
Ý tưởng ngộ nghĩnh của cháu khiến ông Ruông càng phấn khích hơn:
-Nở bao nhiêu gà con là chuyện về sau. Còn bây giờ thì ông đang vá trời.
-Ông đang đắp thêm vỏ trứng, chứ vá trời nào?
-Là do cháu nghĩ chưa ra đó thôi. Cả ông, cả cháu, và cả những quả trứng gà bị móp bị nứt này đều là của trời sinh. Ông đắp thêm vỏ trứng chẳng phải là vá trời hay sao?
Thực ra, thằng Cỏ anh cũng chẳng cần hiểu những lời cắt nghĩa đó. Nó chỉ thấy vô cùng thích thú với cái tên gọi thứ công việc ông nó đang làm.
-Là ông tao đang vá trời…
Thằng Cỏ anh vừa chạy đi tìm lũ bạn, vừa reo ầm lên thế.
Còn vợ chồng anh Rác, tuy không dám nói ra, nhưng không dám nghĩ là những quả trứng được vá vỏ ấy cuối cùng lại nở được con gà con.
Phải nói là khi trông thấy con gà con chui ra khỏi quả trứng do chính tay mình vá, ông Ruông cũng vui sướng y như khi ông chui ra khỏi lòng mẹ. Tất nhiên, niềm vui khi ra khỏi lòng mẹ là do ông suy đoán. Còn niềm vui khi chuyện đùa vá trứng lại thành chuyện thật, thì ông vừa thực sự trải qua. Thằng Cỏ anh đi nói với lũ bạn nó ở trong làng rằng một cái trứng gà bị nứt, đáng lẽ là đem luộc ăn, nhưng ông nó đã hóa phép để cái trứng nở ra con gà con. Toàn bộ những người nuôi gà đẻ ở miền sông Tượng núi Tượng bắt đầu làm theo phương thức vá trời của ông Ruông.
Anh Rác nói:
-Lần này cha không ra tay cứu giúp, vợ chồng con cái con chắc chết. Vì nếu quay lại nuôi heo nuôi bò, thì bán hết đám gà đẻ cũng chỉ đủ mua được nửa con heo hoặc một góc tư con bò.
Nhưng với ông Ruông không phải chỉ là chuyện cơm áo. Trong lần đùa thử với tự nhiên này (vá thử trứng, trứng nở ra gà) ông cảm thấy trí não mình như đã vươn tới chỗ đỉnh cao của nhận thức.
Ông chép trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ:
Nghe tiếng kêu chim chíp, ta vội vã chạy ra chuồng gà, nâng con gà mái ấp lên khỏi ổ trứng. Một con gà con lông còn ướt mèm đang chui ra khỏi quả trứng chính tay ta đã vá trước đó hai mươi hôm. Bấy giờ là giữa trưa. Và mắt ta như đang nhìn thấy buổi tạo thiên lập địa. Bắt đầu từ hôm đó, ta luôn sống trong tâm trạng phấn khích, như sắp phát hiện được điều gì lớn lao. Vào một đêm cũng đã gần khuya, vợ chồng con cái thằng Rác đã ngủ say, nằm ở trong nhà nghe tiếng kêu chim chíp của lũ gà con đang nở ngoài ổ, ta cứ căng mắt trong bóng tối, để thử hình dung buổi bắt đầu của trời đất. Dù cố gạt bỏ đi, nhưng hình ảnh đám ngón chân gà đầy móng vuốt cứ diễn đi diễn lại trong trí não ta. Cho đến lúc không còn nghe tiếng chim chíp ngoài ổ, có nghĩa đám trứng ấp đã nở xong, đám ngón móng ấy cũng nhòa dần đi trong trí não ta, và cuối cùng thì nhập vô vùng hạt bụi có màu sẫm tối y như màu đêm tối đang vây phủ quanh ta. Ta có hơi hoảng một chút. Vì chẳng lẽ là chính mắt ta đã nhìn thấy được đám vật chất nguyên sơ, đám hạt cơ bản của trời đất. Nhưng thằng Rác đã trấn an ta. Không sao, không sao… Ta nghe con trai ta kêu lên trong giấc ngủ. Phải, cũng chẳng sao, nếu đám hạt bụi kia quả đúng là, hoặc chẳng phải là chỗ bắt đầu của muôn vật. Trong lúc ta nghĩ ngợi vậy thì mắt ta dường nhìn thấy một cảnh trí vô cùng kỳ vĩ. Trước mắt ta lúc ấy vẫn là vùng bụi bặm mênh mông, nhưng dường như ta đang nhìn thấy một hội vui lớn đang diễn ra trong đó. Từ những hạt bụi màu tăm tối đó, ta thấy thò ra những ngón chân gà đầy móng vuốt, kế đến là những nụ, những chồi, những lá, những quả, những sâu bọ, và vô số những sinh linh và không phải sinh linh cứ nảy ra từ đám bụi bặm tăm tối đó, chẳng có thứ tự lớp lang, chẳng theo một qui tắc nào cả. Trí não ta liền mách bảo ta rằng thế giới là muôn màu muôn vẻ, nên tạo tác là hoàn toàn ngẫu nhiên, là cuộc trùng phùng chẳng cái gì hẹn với cái gì, là sự đùa cợt vô tư và vĩ đại của tự nhiên. Từ phút giây đó ta bắt đầu bị cuốn hút vào một cuộc tra vấn dai dẳng: Vậy thì trong giờ phút tạo thiên lập địa tự nhiên đã đùa cợt thế nào với con người để trong muôn loài của trời đất chỉ loài người là có lịch sử? Nói đấy là sự đùa cợt của tự nhiên, thì cũng như nói đấy là ngôn ngữ của tự nhiên. Vậy thì tự nhiên đã nói những gì với con người trong giờ phút tạo thiên lập địa? Ta biết, khi dây vào cuộc tra vấn này là dây vào một cuộc phiêu lưu. Bỡi ngôn ngữ tự nhiên là vô cùng bí ẩn, bất cứ giải đáp nào cho tra vấn này cũng có thể là sự lầm lẫn. Trong cuộc mưu toan vĩ đại với con cháu, phải nói là lần này ta hơi vất vả. Anh giáo làng Lê Ruông lại đi tra vấn tự nhiên vốn là công việc của nhà khoa học và nhà triết học. Thế là trong lúc đi tìm lời giải cho tra vấn ấy, ta hết rơi vào lầm lẫn này lại rơi vào lầm lẫn khác. Có một lần trí não ta mách bảo ta rằng dấu vết của tự nhiên trong lịch sử con người cũng chìm khuất vào thời gian như chính lịch sử con người. Vậy là ta lại phải căng mắt ra để hình dung những năm tháng mù tăm của thời tiền sử. Có nghĩa phải bắt đầu cuộc tìm kiếm giải đáp cho tra vấn ấy ngay sau buổi tạo thiên lập địa. Và trí tưởng tượng của ta đã giúp ta nhìn thấy được những con người đầu tiên bước ra từ đám vật chất nguyên sơ. Không diễn được bằng lời, nhưng ta cảm nhận được một cách thật rõ vẻ tinh khôi hoang dã trên khuôn mặt những con người vừa mới được khuôn đúc trong hội vui lớn của trời đất. Là chỉ xảy một lần đó thôi, nên dường như tất cả đã được hoàn chỉnh, mọi người đã được hoàn chỉnh, chẳng còn chỗ nào để phải sửa sang, từ chỗ sắp đặt chi tiết trên dưới trong ngoài và hình dạng tổng quát của cơ thể, cho đến cách thức chuyển động, cụ thể là cách bước đi trên mặt đất, hay cách ngước mặt nhìn trời. Mới đầu ta cho đó là tiếng nói nguyên thủy. Nhưng không phải. Đó là tiếng của tự nhiên lặng lẽ được nhận biết qua cách nhận biết của ta, hậu duệ mấy chục ngàn đời (hay mấy chục triệu đời) của những người nguyên thủy ấy. Như vậy là ta vẫn chưa nghe được tự nhiên đã nói gì với con người trong buổi đầu của trời đất. Song, qua cách thức tồn tại của con người, ta cứ việc muờng tượng ra dấu vết của tự nhiên. Chẳng biết là ta có lầm lẫn không, khi nói rằng việc tồn tại của con người trên mặt đất này là có vẻ lẩm cẩm đến mực giống như đùa cợt. Trời đất rộng lớn vậy, có nghĩa chưa bao giờ là chật hẹp đối với con người, vậy mà con người thì lại luôn lo chuyện chỗ đứng của mình. Ta muốn nói đến chuyện nếu không có chuyện chiếm chỗ, tranh giành chỗ, thì con người vẫn có chỗ đứng một cách đường hoàng trên mặt đất này. Thế, chẳng phải như thế là giống như đùa cợt ư? Dõi theo việc tồn tại của con người, ta lấy làm cảm kích khi thấy con người không phải chỉ lo tranh chỗ, chiếm chỗ, mà còn biết hợp lại thành những quần thể người để chống lại sự đe dọa của những quần thể tự nhiên khác. Và máu bắt đầu chảy khi các quần thể người biết cách biến các quần thể tự nhiên khác thành nhũng thứ nuôi sống mình. Còn khi các quần thể người chống lại nhau là khi con nguời đã làm cho máu người khác chảy. Hình dung lại lịch sử con người, tới chỗ này, ta có thấy hoảng sợ. Nhưng vào một đêm mất ngủ (ta luôn bị mất ngủ vì luôn bị cuốn vào tra vấn dai dẳng ấy), nằm trong nhà nghe đám côn trùng reo gào ngoài bờ rào, ta đã ngộ ra rằng, không phải chỉ con nguời, mà cả những sinh vật nhỏ bé mắt ta chưa bao giờ nhìn thấy ấy cũng đang hợp thành những quần thể, đang chống lại nhau, và máu đang chảy, có thể tiếng reo gào hằng đêm nghe thấy là tiếng đùa cợt của chúng khi thấy máu chảy. Chính trong đêm mất ngủ đó ta đã nhìn thấy được lời đùa cợt của tự nhiên trong buổi tạo thiên lập địa: Rằng để cho thế giới vui vẻ, loài người sẽ mãi mãi sở hữu thứ khả năng làm cho máu kẻ khác chảy, và là loài duy nhất trong muôn loài biết được việc máu chảy.