NHỮNG NGƯỜI CON ĐI VỀ PHƯƠNG NAM

Không phải đến hôm đi chọi gà cỏ, thằng Cu Cỏ mới gợi cho ông Ruông ý tưởng ấy. Mà đã bao nhiêu năm qua ý tưởng ấy tựa ngọn gió xuân làm cho lòng ông luôn cảm thấy rất vui. Là làm sao cho cuộc đời ông và cuộc đời các bậc tổ phụ ông đều trở nên khác thường đối với đám con cháu nhà họ Lê. Muốn vĩ đại với con cháu chơi, thế thôi. Để chuẩn bị cho sự ra đời của dòng họ Lê của mình, ông Ruông đã phải lùi lại tận thuở con người đầu tiên đặt chân lên miền sông Tượng núi Tượng, nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Hóa ra là ông đã làm theo cách của Lý Tế Xuyên, quan Thủ Đại Tạng Kinh Thư Hỏa Chính Chưởng đời Trần hay đời Lýgì đó. Nhờ làm công việc giữ sách giữ lửa ở nơi để đại tạng kinh Phật, Lý Tế Xuyên đã soạn được Việt Điện U Linh, sách chép về các bậc tiền bối thời Việt Nam cổ sơ. Thì ông Ruông cũng nhờ đọc sách mà thấy được các vị tổ phụ của mình. Nhưng phải nói trước hết là nhờ cái rổ trầu của bà nội ông. Những ngày cuối đời, bà nội ông luôn dặn con cháu khi bà chết phải chôn cái rổ ấy theo bà. Hình ảnh cái rổ trầu của bà nội ông đã giúp trí não ông lùi đến tận thời Hùng Vương, vì tục ăn trầu có từ thuở mới lập nước. Rồi từ tục ăn trầu thời Hùng Vương lập nước, ông lại lùi tới tận hôm Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con trong sách Lĩnh Nam Chích Quái. Đấy là vào một đêm mùa hạ có gió nam thổi rộ. Đọc xong truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái, ông Ruông lên võng nằm. Có tiếng biển gào? Không phải. Làng Dầu cách biển Đông những ba mươi cây số làm sao nghe được tiếng biển. Ông Ruông biết đấy là tiếng gió. Nhưng nhắm mắt lắng nghe, thì cứ y như có tiếng biển gào. Hãy dừng lại đi… Là anh Rác, con trai ông, mê ngủ, la hét lũ bò cày? Không phải. Rõ ràng là ông nghe có tiếng ai vừa thét lên giữa tiếng biển gào. Một người con trai đã bước ra khỏi biển, cứ theo hướng sông Tượng núi Tượng mà đi, dáng đi tựa dáng một con rồng.
-Cha ta không cho ta đi. Nhưng ta thì ta không thích ở chốn thủy giới
Lúc đến chân núi Tượng, người con trai ấy dừng lại, nói, giọng như tiếng sấm. Thấy dáng đi và nghe giọng nói, ông Ruông biết đấy là một trong năm mươi con trai từng được Lạc Long Quân đưa về thủy giới. Nàng là giống Tiên còn ta là giống Rồng, chẳng thể sống cùng một nơi. Lời Lạc Long Quân nói với Au Cơ trong sách Lĩnh Nam Chích Quái đã làm nảy sinh trong đầu ông những ý tưởng đầy tính sử thi. Thôi thì cha Rồng mẹ Tiên mỗi người một nơi cũng được đi. Nhưng một nửa số con của họ đã lên được đất Phong Châu, lập được nước Văn Lang, làm nên nền văn minh Đông Sơn ở phương Bắc, thì cớ chi nửa còn lại phải theo cha về thuỷ giới? Cho nên ông mới dám nghĩ có một người con trong số con theo Lạc Long Quân đã đến miền núi Tượng sông Tượng để trở thành thủy tổ cư dân nơi đây. Nếu được nói nữa thì ông sẽ nói rằng, sau đó thì bốn mươi chín người còn lại đều ra khỏi biển, đi về đất phương nam. Sau đó nữa thì sao, thì ông bảo là để cho các nhà viết sử nghĩ tiếp. Miền sông Tượng núi Tượng trước năm 111 trước công nguyên là thuộc bộ lạc nào hay quốc gia nào, ông Ruông chẳng thể tra cứu. Nhưng kể từ năm 111 trước công nguyên thì quê ông nằm trong nước Au Lạc, và bị lệ thuộc nhà Hán bên Trung Hoa. Sau đó, đến cuối thế kỷ thứ hai sau công nguyên thì nằm trong nước Chăm Pa. Còn sau đó nữa, đến thế kỷ thứ mưởi lăm, lại thuộc nước Đại Việt tức hậu thân của Au Lạc. Tình trạng lịch sử và địa lý như thế khiến người ta phải nghĩ đến sự lai tạp nhân chủng ở đây. Sự thực, ông Ruông chẳng sợ trong ông có lai máu Hán, hay máu Chăm Pa, vì máu nào cũng là máu người. Có điều, chỉ lo con cháu ông sau này có thể lại có chuyện cãi vã lôi thôi với ai đó về chuyện nguồn gốc dòng giống, nên ông đã để cho một trong những người con của Lạc Long Quân và Au Cơ thẳng đến đây, làm thủy tổ của dòng họ mình. Theo sử sách thì thời Au Cơ và Lạc Long Quân chia con cách thời ông Ruông khoảng hai nghìn rưởi năm. Và theo ông Ruông, vị thủy tổ này mãi hai trăm năm sau ngày đặt chân đến sông Tượng núi Tượng mới sinh con ( vì sao có chuyện trục trặc này, xin sẽ nói sau ).
 Ông Ruông lại tính đổ đồng các bậc tổ phụ của ông người nào cũng sinh con vào tuổi ba mươi. Như thế, tính từ đời ông ngược đến đời vị thủy tổ là được bảy mươi sáu đời.
Người ta thấy nơi trang đầu Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ:
Người lập hồ sơ: Lê Ruông
Trang tiếp theo ( coi như liệt kê tên các vị tổ phụ ):
Thủy tổ họ Lê, tức vị tổ phụ thứ bảy mươi sáu, tức ông Bảy Mươi Sáu, sống vào khoảng thề kỷ thứ V trước công nguyên.
Ông Bảy Mươi Sáu sinh ra ông Bảy Mươi Lăm, ông Bảy Mươi Lăm sinh ông Bảy Mươi Bốn, … ông Năm sinh ông Bốn, ông Bốn sinh ông Ba, ông Ba sinh ông Hai, ông Hai sinh ông Một, tức Lê Ruông