MỘT CUỘC CÁCH MẠNG

Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ nhất định không phải là gia phả. Ông Ruông không chủ trương chép gia phả. Vì ông đã có một gia phả truyền miệng mỗi lần cha ông răn dạy ông cách làm người lại đem ra nói: Dòng họ nhà ta đời nào cũng chí thú việc cày cuốc Tất nhiên là cha ông phải truyền đạt lại đúng như lời ông nội ông đã truyền đạt cho ông. Theo ông Ruông, bản gia phả là được chép trên nền tảng của cuộc Cách Mạng Đá Mới của loài người, cuộc cách mạng chuyển săn bắn hái lượm sang chăn nuôi trồng trọt. Song, ông không dừng lại ở nghĩa hẹp của các từ. Đời nào cũng chí thú việc cày cuốc không có nghĩa hết thảy các tổ phụ ông đều cầm cày. Ông chỉ giả sử thôi, là có một vị tổ phụ của ông đã làm vua, một ông vua chỉ chăm lo mỗi việc phát triển nông nghiệp trong nước, một ông vua trọng nông, thì đó chẳng phải chí thú việc cày cuốc sao? Nói tóm, nền tảng của gia phả là rất lớn, nhưng lại chưa nói được cái lớn của từng bậc tổ phụ. Ví như ông chỉ đơn cử mỗi việc đặt tên con xảy ra vào đời cha ông ( đời ông Hai ) cũng đủ khiến người ta giật mình. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Nông tang là thế. Nhưng ở làng Dầu không cày trâu, mà cày bò. Cha ông sinh con đầu lòng là con trai. Liền đặt tên là Bò, Lê Bò. Tiếp đến là sinh ông, đặt tên là Ruộng, Lê Ruộng (vì sao lại có tên Ruông là cả câu chuyện dài, sẽ nói sau) Tiếp sau đó sinh con gái, đặt tên là Lê Thị Nước. Cuộc sống nhà ông bấy giờ rất thiếu thốn. Mẹ ông bị bệnh sản hậu chết lúc em gái ông mới ba tháng tuổi, nên mấy tháng sau em gái ông cũng chết. Còn anh trai ông cũng chết hồi lên chín vì sốt phát ban, sau cái chết của em gái ông chừng vài năm. Nhưng vấn đề không phải chỗ con cái trong nhà còn được bao nhiêu đứa. Không chết yểu, đến tuổi già cũng chết thôi. Bò, ruộng, nước là những yếu tố cơ bản của văn minh lúa nước, văn minh Lạc Việt. Nói đến bò đến ruộng là nói đến bản sắc của nòi giống. Một người không biết chữ, tức không hề đọc sách, tức không hề biết đến khái niệm bản sắc nòi giống, vậy mà khi đặt tên cho con lại giữ được bản sắc nòi giống. Thế ai dám nói cha ông không phải là kẻ khác thường? Sự việc này đã để lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với ông Ruông. Nên khi sinh con đầu lòng ông đã phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều trước khi đặt tên cho con. Thường sinh con giáp tháng, khi cúng đầy tháng, người ta đặt tên con. Đằng này, con sắp thôi nôi, ông Ruông vẫn chưa chọn được tên cho con. Bà Ruông hối thúc. Ông bảo tên gọi của con người là thứ trọng đại, chết xuống mồ đã tám mươi đời người ta vẫn còn nhắc, nên không phải nghĩ là có ngay. Bấy giờ ông đang lao vào sự nghiệp thi ca. Vừa cày ruộng, vừa đọc sách, và sọan thơ. Nếu như ta có sự nghiệp thi ca là cũng chỉ để giúp con cháu ta bình tĩnh hơn khi đối mặt với lịch sử loài người. Ông Ruông ghi trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ. Đấy là lý do khiến ông lao vào việc trước tác. Có thể nói mưu toan trở thành vĩ đại đối với con cháu đã manh nha từ lúc ấy. Dường bấy giờ ông dành hết tâm trí cho việc soạn thơ. Là thứ vật thể vô hình khi được ngôn ngữ thay chỗ cho thì có thể trở thành tiếng nói của thần thánh. Cứ xem quan điểm thi ca này của ông cũng đủ biết ông từng muốn trở thành một thi gia lừng lẫy. Bài ông cho là lớn nhất trong sự nghiệp trứơc tác của mình là nói về cỏ rác. Xin lược qua việc hình thành thi phẩm. Sau cơn bão lớn mùa đông năm ấy, giống cỏ buồn ngủ (tức cỏ mắc cỡ) bỗng xuất hiện ở vùng làng Dầu. Giống cỏ có gốc gác ở núi rừng Trường Sơn rựng đầy mặt đất vườn nhà ông Ruông. Phải mất nửa tháng trời ông mới dẫy hết đám cỏ này. Nhưng sau một cơn mưa nhỏ sau đó, đám buồn ngủ lại mọc lại. Diệt cỏ phải diệt tận gốc. Tuân theo qui luật này, ông chờ cỏ lên cao để nhổ, chứ không dẫy bằng cuốc như trước. Xong, đem phơi khô, rồi đốt. Sau một cơn mưa sau đó, ông Ruông phát hiện thấy đám cỏ mắc cỡ lại mọc lên chính nơi đã đốt chúng thành tro than. Đến lúc ấy thì thi ca xuất hiện:
Chẳng ai nhìn thấy Người
Nhưng Người có mặt ở khắp nơi
Người là cơn gió mạnh mẽ đi ngang qua bầu trời
Nhưng cũng e thẹn rụt rè
Khi Người từ tro tàn hiện ra trong dáng vẻ của một loài cỏ cây
Mang âm hưởng trần gian
Có lẽ Người đã có mặt khắp nơi
Bỡi Người là cỏ rác
Và chính trong giây phút thi ca này ông nhìn thấy tên đứa con trai đầu lòng của mình: Lê Rác.
Bên dưới bài thơ có lời chú:
Đây là cuộc cách mạng trong thi ca. Hai lần cách mạng. Một là giải thoát cỏ rác khỏi thân phận thấp hèn. Hai là trao cho cỏ rác một thế đứng mới trong trời đất: Cỏ rác được làm tên gọi con người.
Mỗi lần cho con bú, bà Ruông thầm gọi tên con. Chỉ thầm gọi, chứ không dám gọi ra thành tiếng. Từ lúc bước chân về làm vợ ông Ruông, bà đã nghĩ đến chuyện khó nuôi con. Hình ảnh những người anh em ông Ruông đã chết yểu ám ảnh bà suốt thời kỳ mang thai. Theo bà Ruông, việc khó nuôi con đã thành huôn ở nhà này. Có nghĩa, trước đã xảy ra thế thì sau cũng sẽ xảy ra thế. Đâu phải mỗi bà Ruông, mà hầu hết những phụ nữ ở làng Dầu, cùng lớp bà Ruông, khi có chồng con, đều sợ cái huôn khó nuôi con. Để giải thứ tiền lệ có vẻ tiền định này, người ta chẳng màng đến việc sử dụng những thành tựu khoa học. Mà chỉ áp dụng những phương thức mang tính chất tôn giáo dân dã. Như kiêng việc khen ngợi hoặc chửi bới con, kiêng gọi tên con, hay lấy tên những vật dơ bẩn hoặc tên loài súc vật để đặt tên cho con. Nói chung, trong chuyện này thì khoa học chẳng có đất đứng.
-Đợi con mình đủ mười tám tuổi mới gọi tên, cũng chẳng muộn.
Bà Ruông nói với ông Ruông. Dẫu rất ưng ý khi lấy cỏ rác để làm tên con, bà vẫn phải cẩn trọng như thế.
Trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ, ông Ruông chép về bà Ruông như vầy:
Khi nghe ta bảo đặt tên con là Rác, bà ấy hài lòng lắm. Trong cuộc cách mạng thi ca của ta, dẫn đến việc đặt tên cho con ta, cỏ rác đã được nâng lên tầm cao quí. Nhưng với cách nhìn về thế giới của bà ấy, cỏ rác là thứ bỏ đi. Lấy tên gọi của thứ bỏ đi làm tên con là để chống lại cái huôn khó nuôi con. Hết thảy những người như bà ấy đều có quan niệm cố cựu như thế. Điều lý thú ở đây là cách mạng lại phù hợp với cố cựu.