Dịch giả: Phong Đảo
Chương Ba Mươi
Hội Kiến Trường Xuân Chân Nhân Và Sự Phấn Đấu Sau Cùng

Sao sáng đầy trời, lửa trại soi sáng khắp nơi. Trước gian lều của Gia Luật Sở Tài có một bầu không khí căn thẳng và ngột ngạt. Hốt Lan phi đôi mắt ứa lệ đang nói lên tâm sự của mình cho Gia Luật Sở Tài và Gia Luật A Hải nghe:
- Ông ấy còn đang theo dõi tin tức truy lùng Trát Lan Đinh. Trong khi đó tôi rất lo sợ sức khỏe của ông ấy không chịu đựng nổi trước sự bôn ba khó nhọc ngoài chiến trường! - Là một sủng phi của Thành Cát Tư Hãn, tất nhiên bà phải lo lắng tới sức khỏe của Đại Hãn.
- Còn có cách nào khác hơn được? - Gia Luật Sở Tài dang rộng hai cánh tay nói tiếp - ông ấy ngày đêm mong mỏi Trường Xuân Chân Nhân, nay Chân Nhân đã tới Tát Ma Nhĩ Can, thế mà ông ấy chưa chịu kéo quân trở về.
Bỗng có ánh đuốc của một người phi mã từ xa chạy tới trước cửa doanh trại. Người cầm đầu đám đông là Đóa Đãi từ trên lưng ngựa nhảy xuống, trao dây cương ngựa lại cho người tùy tùng, rồi đi thẳng vào đại trướng của Khả Hãn. Khi ông ta đi ngang trước mặt Gia Luật Sở Tài, liền thi lễ nói:
- Xin bái kiến Hốt Lan phi, bái kiến nhị vị tiên sinh!
Gia Luật Sở Tài hỏi:
- Này Đóa Đãi thiên hộ, ông từ đâu về đây vậy?
- Tôi từ Ấn Độ trở về để báo cáo tình hình quân sự với Khả Hãn.
Hốt Lan phi hỏi:
- Đã bắt được Trát Lan Đinh Toán Đoan chưa?
- Dạ, chưa!
Đóa Đãi đang muốn rời đi Gia Luật Sở Tài vỗ tay ra hiệu gọi lại:
- Đã có cách rồi! Này Đóa Đãi ông hãy cùng đi với tôi.
Đóa Đãi theo chân Gia Luật Sở Tài bước vào lều. Hốt Lan Phi ngơ ngác không hiểu Gia Luật Sở Tài có ý gì?
Đóa Đãi với y phục bám đầy bụi đường, đi thẳng vào hành cung tại Bát Lỗ Loan, báo cáo tình hình quân sự với Thành Cát Tư Hãn:
- Bọn chúng tôi vẫn không thể tìm được tung tích của Trát Lan Đinh. Địa phương đó hết sức nóng bức, nóng giống như chiếc lò lửa đốt phân bò vậy. Có hơn mười binh sĩ bị chết vì quá nóng. Cho nên Đóa Nhĩ Bá Hắc Thân Na nhan mới phái tôi trở về thỉnh thị ý kiến của Khả Hãn.
Thành Cát Tư Hãn đang do dự chưa có sự quyết định dứt khoát thì Đóa Đãi hạ thấp giọng nói:
- Thưa Khả Hãn!.. .
Thành Cát Tư Hãn biết Đóa Đãi còn có ý kiến gì định nói thêm, bèn hỏi:
- Sao?
Đóa Đãi dùng một giọng đầy bí mật:
- Có một sự kiện lạ, không biết tôi có nên nói ra chăng?
- Chuyện lạ gì? - Câu nói đó làm cho Thành Cát Tư Hãn phấn khởi, muốn biết.
Đóa Đãi lộ vẻ căng thẳng, kể lại:
- Trên đường trở về khi đi ngang qua Thiết Môn Quan, bỗng nhiên tôi nghe một tiếng gầm, vội vàng nhìn về hướng đó, thì... Ối chao!
Đám đông đều có vẻ háo kỳ hỏi:
- Thì sao nữa?
- Tôi thấy trên đỉnh núi có một con thú lạ mà từ trước tới nay tôi chưa bao giờ trông thấy.
- Hình dáng nó ra sao?
Đóa Đãi như moi lại trí nhớ, lên tiếng mô tả:
- Đầu nó giống con nai, đuôi nó giống đuôi ngựa, trên mình có vẫy ngũ sắc, trên đỉnh đầu có một chiếc sừng. Suốt đời tôi không biết sợ cái gì cả, bèn hướng dẫn mọi người tiến lên định bao vây nó, muốn bắt nó về đây cho Đại Hãn xem một con thú lạ.
Thành Cát Tư Hãn sốt ruột hỏi:
- Bắt được nó chưa?
- Thôi đừng nói nữa. Tôi mới vừa đưa cao thanh đao lên muốn chặt vào đùi nó, thì con quái thú đó liền đứng hai chân lên!
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Nó đứng như con người phải không?
- Nó còn biết nói cả tiếng người nữa.
- Cái gì? Nó nói cái gì? - Tất cả mọi người có mặt đều tỏ vẻ bán tín bán nghi.
Đóa Đãi bèn bắt chước giọng nói của nó:
- Bảo vua nhà ngươi mau kéo quân trở về!... - Dã Lặc Miệt đứng bên cạnh vừa cười vừa nói:
- Anh bịa đặt đó phải không?
Hốt Lan phi bổng nói lẩm nhẩm:
- Sao lạ thế! Tại sao lại có chuyện trùng hợp như vậy?
Thành Cát Tư Hãn hỏi Hốt Lan phi:
- Em nói sao?
Hốt Lan đáp:
- Đêm qua thiếp nằm mộng thấy giống hệt như sự kiện của Đóa Đãi vừa kể!
Đám đông không còn ai lên tiếng nói gì nữa.
Thành Cát Tư Hãn suy nghĩ một chốc, bèn quay sang hỏi Gia Luật Sở Tài:
- Này ông râu dài, ông là người tinh thông về bói toán cũng như những điều bí mật trong trời đất, vậy con thú đó gọi là con thú gì?
Gia Luật Sở Tài đáp:
- Theo như thầy tôi là Vạn Tùng Lão Nhân nói, thì con thú đó có tên gọi là Lục Đoan, một ngày có thể đi xa tám nghìn dặm, có thể nói được tiếng nói của các nước và nó là con thú tượng trưng cho sự chán ghét giết chóc, yêu thích hòa bình.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Tại sao nó lại xuất hiện như vậy?
- Ý nghĩa của việc nó xuất hiện là hết sức rõ ràng: nó muốn báo cho ngài biết - Mọi người đều chú ý lắng nghe. Gia Luật Sở Tài nói tiếp thao thao - Đế vương là con cưng của trời. Để giúp cho tuổi thọ của các đế vương được lâu dài, trời xanh - Nói theo người Mông Cổ là "Trường sinh thiên" - Thường lấy những hiện tượng khác lạ để cảnh báo. Nhất là một người sinh ra trong tay lại cầm một cục máu đông như Đại Hãn, tất nhiên trời xanh bao giờ cũng chú ý theo dõi. Sự xuất hiện của nó là do trời phái nó xuống để cảnh báo Khả Hãn.
- Lời nói đó là có ý nghĩa gì?
Gia Luật sở Tài đáp:
- Muốn Khả Hãn sớm rút quân trở về .
Hốt Lan phi nói:
- Gần đây có rất nhiều tướng sĩ bị bệnh thương hàn phát ban mà chết, vậy phải chăng là một sự cảnh báo của trời?
Gia Luật Sở Tài nói:
- Rất có thể.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Nếu vậy, theo ý kiến của ông, thì ta phải làm sao?
- Bệ hạ nên tức khắc phái người đến chỗ con thú xuất hiện để cúng tế, đồng thời, phải tức khắc xuống lệnh rút quân trở về nước để thuận theo lòng trời, bảo vệ nhân mạng, nhất là để giữ tuổi thọ của Khả Hãn được vạn thọ vô cương.
Cáp Tát Nhi không tin lời nói của Gia Luật Sở Tài:
- Lời nói đó có bằng chứng gì đáng tin? Này Hãn huynh, không nên tin như vậy. Hiện nay Trát Lan Đinh còn chưa bắt được, nếu bất ngờ rút quân trở về nước, thì chẳng phải nuôi cọp cho béo để sau này nó ăn thịt người ta đó sao?
Sát Hợp Đài cũng không tin, nói:
- Thưa Phụ Hãn, đứa con trai lớn của con là Mộc A Thốc Can không thể chết oan như vậy được, xin phụ hãn phái một đạo quân mạnh vượt qua sông ấn Độ để truy lùng Trát Lan Đinh!
Thành Cát Tư Hãn tức giận nói:
- Các ngươi mà biết cái gì? Năm rồi tại Tát Ma Nhĩ Can ông râu dài bảo ngày 15 tháng 10 có nguyệt thực, chẳng phải đúng như vậy sao? Tháng 6 năm trước tại Thiên Sơn bỗng tuyết đổ to, ông râu dài bảo đó là điềm báo trước chúng ta có thể đánh thắng kẻ địch, không phải đúng như thế sao? Rút quân ngay!
Đám đông không biết phải nói như thế nào, nên đồng thanh đáp:
- Thưa vâng!
Dã Lặc Miệt hỏi:
- Thưa Đại Hãn, em trai tôi Tốc Bất Đài và Giã Biệt đang mở cuộc viễn chinh Khâm Sát, e rằng không thể trở về kịp, vậy ngài có thể cho tôi ở lại để một mặt dẹp yên những cuộc nổi loạn, mặt khác chờ đợi họ được không?
- Không! Giã Biệt và Tốc Bất Đài viễn chinh vạn dặm. Ngay đến ta cũng không biết họ đang làm gì và cũng không biết lúc nào họ trở về và trở về bằng con đường nào, vậy nhà ngươi chờ sao được? Thôi đừng ai nói gì thêm nữa. Này, Gia Luật Sở Tài tiên sinh, phiền ông thay mặt tôi đến Thiết Môn Quan để cúng tế con thú lạ đó, rồi trở về sẽ rút quân!
Đám đông đều lui ra.
Sau khi trở về đến lều riêng của Gia Luật Sở Tài, Gia Luật A Hải chỉ vào Gia Luật Sở Tài tươi cười nói:
- Này, Sở Tài công, ông tài thật?
Gia Luật Sở Tài khoát tay nói:
- Tôi chỉ mới đi nước cờ thứ nhất thôi, nước cờ kế đó phải nhờ Trường Xuân Chân Nhân.
Ngày 22 tháng 8 năm 1222, Thành Cát Tư Hãn vừa đúng 60 tuổi. Quân Mông Cổ đang trên đường rút trở về nước. Cờ phướn tung bay theo gió, người ngựa đông nghẹt.
Gia Luật Bất Hoa cưỡi ngựa đến trước cỗ xe chở đại trướng của Thành Cát Tư Hãn. Nạp Nha A liền thúc ngựa chạy tới đón:
-Thưa tướng quân Gia Luật Bất Hoa!
Gia Luật Bất Hoa nói:
- Này, Nạp Nha A vạn hộ, xin ngài bẩm lại với Đại Hãn là Trường Xuân Chân Nhân đang đến đón Đại Hãn đấy!
Nạp Nha A vẫy tay nói với quân đội của mình:
- Hãy đứng cả lại! - Đoàn quân liền đứng yên. Nạp Nha A bước lên cỗ xe đại trướng của Thành Cát Tư Hãn.
Chẳng mấy chốc sau, Thành Cát Tư Hãn từ trên xe bước xuống, tức thì Gia Luật Sở Tài, Gia Luật Bất Hoa, Gia Luật A Hải cùng bước nhanh tới nghênh đón.
Cỗ xe có chở theo đại trướng từ phía đối diện đi lại, chính là cỗ xe của Trường Xuân Chân Nhân. Sau khi xe dừng lại, số đệ tử của Trường Xuân Chân Nhân từ trên xe bước xuống, cùng nhau đỡ Trường Xuân Chân Nhân xuống xe.
Thành Cát Tư Hãn bước nhanh tới mấy bước, lên tiếng hỏi:
- Có phải lão Thần Tiên đó không?
Khưu Xứ Cơ cúi đầu chào, đáp:
- Chả dám! Khưu Xứ Cơ con người của rừng núi, xin bái kiến Thành Cát Tư Hãn!
Thành Cát Tư Hãn vui vẻ nói:
- Xin mời Thần Tiên!
Khưu Xứ Cơ và Thành Cát Tư Hãn sánh vai nhau bước lên cỗ xe đại trướng đã tháo bỏ những con bò kéo.
Đóa Đãi nói với Dã Lặc Miệt:
- Ôi chao! Vị lão đạo này cũng làm ra vẻ quá!
Dã Lặc Miệt nói:
- Nếu tôi lớn bằng tuổi ông ta, mà còn khỏe mạnh được như ông ta thì hay quá!
Đóa Đãi hỏi:
- Có phương pháp hay nào để được như vậy?
Dã Lặc Miệt nói pha trò:
- Ít nhất phải làm như Khoát Nhi Xích, cưới cho đủ 30 bà vợ!
Đóa Đãi phá lên cười. Dã Lặc Miệt vội vàng véo anh ta một cái. Đóa Đãi liền im lặng.
Bên trong cỗ xe đại trướng, Thành Cát Tư Hãn ngồi đối diện với Khưu Xứ Cơ. Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Đối với trà sữa, rượu sữa của Mông Cổ, lão Thần Tiên dùng có quen chưa?
- Một người sơn dã như tôi, mỗi bữa ăn thường dùng thức ăn đạm bạc, thường uống trà thô, đối với việc ăn uống sang trọng thì không hề nghĩ tới.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Nghe đồn Thần Tiên năm nay đã 300 tuổi rồi, phải không?
Khưu Xứ Cơ cười đáp:
- Đó là lời đồn không đúng sự thật. Bần đạo năm nay mới 73 tuổi thôi. Con người có ai lại sống được đến 300 tuổi chứ!
Thành Cát Tư Hãn nói một cách chân thành:
- Không phải như người ta thường nói, là có thuốc trường sinh bất lão đó sao?
Khưu Xứ Cơ lắc đầu, đáp:
- Đạo gia chia thành mấy phái. Trong đó có một phái Phương Sĩ thường cho rằng uống linh đơn thì có thể thành tiên, có thể hóa thành chim mà bay lên trời. Những chuyện đó là những chuyện dùng để gạt mình và gạt người khác. Thí dụ như Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Đế đã tin loại tà đạo đó, làm hại sức dân, tốn hao tiền bạc, rốt cuộc lại hại chính mình. Vua tôi đời Đường cũng có rất nhiều người vì muốn tìm thuốc trường sinh mà bị ngộ độc chết vì thuốc!
Thành Cát Tư Hãn cười to nói:
- Muốn sống lâu mà lại bị yểu tử!
- Bần đạo từ trước tới nay không hề tin những tà thuật đó. Trong đời chỉ có phép dưỡng sinh, chứ không có thuốc trường sinh.
Thành Cát Tư Hãn thở dài, nói:
- Người đời ai ai cũng quyến luyến cảnh giàu sang, mong muốn được sống mãi mãi, đó cũng là thường tình - Vừa nói ông vừa cười - Thế nhưng, từ xưa cho tới nay không thấy ai có thể trường sinh bất lão - ông đưa ngón tay cái lên và khen tặng - Lão Thần Tiên là người thành thực, không dối gạt ai. Tốt! Đúng là một người có đạo đức cao - Nói tới đây ông bùi ngùi nói tiếp - Tôi không hề có quá nhiều hy vọng về việc trường sinh bất lão. Chỉ có điều là tôi cảm thấy mình còn có nhiều việc phải làm, nhưng lại thấy lực bất tòng tâm? Khi nhìn thấy xa thì lại không thể thấy gần ; khi nhớ được điều xa thì lại quên mất điều gần. Vậy Thần Tiên có thuật giữ gìn sức khỏe nào tốt truyền dạy cho tôi, thì đó là điều tôi hết sức cần đến.
Khưu Xứ Cơ nói:
- Cái đó thì được.
Gia Luật Sở Tài nói chen vào:
- Chân nhân từ xa đến đây, chả lẽ có phép dường sinh tốt mà lại giữ cho riêng mình, không hiến dâng cho Khả Hãn?
Mọi người đều cười.
Đêm hôm ấy, bên trong đại trướng đặt trên xe của Thành Cát Tư Hãn, Thành Cát Tư Hãn đang ngồi trong một chiếc thùng gỗ để tắm.
Hốt Lan thắp lên ba cây nhang.
Quân cảnh vệ đưa đến món thịt cầm tay, Hốt Lan nói:
- Hãy dẹp món thịt đi, đổi lại là món ăn chay, vì Khả Hãn đang tắm rửa trai giới, để hỏi đạo với Thần Tiên.
Thành Cát Tư Hãn mặc một bộ y phục mới toanh, cùng ngồi sánh vai với Hốt Lan đang bồng một con mèo Ba Tư nhỏ, còn Khưu Xứ Cơ thì ngồi đối diện. Gia Luật Sở Tài, Gia Luật Bất Hoa, Gia Luật A Hải cũng có mặt.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Vấn đề dưỡng sinh và vấn đề an dân chính là hai vấn đề lớn trong đời sống, vậy Thần Tiên có ý kiến gì hay, xin chỉ giáo cho, bản Hãn bằng lòng cố gắng thi hành.
Khưu Xứ Cơ nói:
- Cái ăn đối với người dân là quan trọng nhất (dân dĩ thực vi thiên). Ngũ cốc, rau cải, cá thịt, các loại thực phẩm từ sữa, đều là những thứ dùng để nuôi sống con người. Phật môn thi hành tám điều cấm kỵ, không ăn mặn. Cổ nhân thường nói người ăn thịt đều hèn hạ, hoặc nói ăn chay thông minh sáng suốt và có thể sống tới trăm tuổi. Sở Tài công xin đừng để ý đến - Thật ra không phải vậy. Đạo gia cho rằng người ở vùng U Yên (chỉ chung địa phương ở phía bắc tỉnh Hà Bắc và khu vực tỉnh Liêu Ninh ngày nay - ND) thì ăn lạnh; người ở vùng Thục Hán (khu vực Tứ Xuyên và một phần lớn Vân Nam ngày nay - ND) thì ăn nóng; vùng Giang Nam thì ăn cá, ăn gạo; vùng Trung Nguyên thì ăn ngũ cốc; vùng thảo nguyên thì ăn thịt uống sữa. Tất cả những loại thực phẩm đó đều có thể nuôi sống người dân. Nhưng, ăn sang mặc đẹp, suốt ngày no nê thì lại không có ích cho đời sống; ăn không cần quá no, ở không cần quá đầy đủ tiện nghi, thì sẽ không có hại gì cho đời sống. Do vậy, việc tiết chế sự ham muốn, chính là để bảo vệ cho sức khỏe, biết sống thích hợp theo hoàn cảnh thì mới đúng là cái phép dưỡng sinh.
Thành Cát Tư Hãn suy nghĩ một chốc, nói:
- Đúng thế! Năm anh em của chúng tôi thời còn thơ ấu chịu nhiều gian truân, từng ăn củ cỏ, trái rừng, từng ăn cá bắt dưới sông, từng ăn chuột bắt ngoài đồng, có gì ăn nấy, thế nhưng người nào cũng khỏe mạnh; còn bây giờ có một số con em của Na Nhan chỉ thích ăn những gì mình thích, chỉ thích mặc những loại vải mình ưa, thế mà người nào người nấy đều yếu đuối. Qua đó đủ thấy việc ăn uống để nuôi người, nhưng cũng có thể hại người.
Khưu Xứ Cơ nói:
- Đại Hãn nói rất đúng. Phép dưỡng sinh và phép an dân tuy khác nhau, nhưng trên nguyên tắc hai phép đó là giống nhau. Thuận theo qui luật của trời đất thì sống, trái với qui luật của trời đất thì chết; thuận theo lòng ham muốn của người dân thì yên, nghịch với lòng ham muốn của người dân thì loạn. Lẽ trời luôn hiếu sinh và ghét việc chém giết, việc cai trị nên trọng sự thanh tịnh và vô vi. Đó chính là danh ngôn chí lý của Hoàng Đế và Lão Tử.
Gia Luật Sở Tài và Gia Luật A Hải đưa mắt nhìn nhau.
Thành Cát Tư Hãn trầm ngâm một lúc, nói:
- Thưa Thần Tiên, cái phép an dân của ngài thì tôi không hiểu được Ngài bảo thuận theo lẽ trời, đúng lắm, tôi là người tin Trời. Nhưng "việc hiếu sinh ghét chém giết" thì thật khó. Tôi muốn để cho người đó sống, còn bao nhiêu người khác lại muốn cho người đó chết; tôi muốn yên ổn, nhưng người khác lại muốn loạn lạc. Cho nên tôi cho rằng phải lấy việc giết chóc để ngăn chặn sự giết chóc, phải lấy loạn để ngăn chặn việc loạn, thì mới có thể đứng vững chân giữa trời đất. Còn thanh tịnh vô vi thì làm sao có thể đạt đến tình trạng đại trị trong thiên hạ được?
Khưu Xứ Cơ bình tĩnh đáp:
- Ý nghĩ đó Đại Hãn không phải là ý nghĩ đầu tiên đâu. Trong thời chiến quốc, Hàn Phi chủ trương dùng hình pháp để trị tội những người phạm luật hình ; Thương trong chủ trương lấy chiến tranh để ngăn chặn chiến tranh. Nước Tần tiến hành một cuộc chiến tranh để tranh đoạt kéo dài cả trăm năm, không thiếu tướng tài dũng sĩ, nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi được sự thảm bại ở Cự Lộc không tránh khỏi bị thất thủ Hàm Dương. Tại sao vậy?
Thành Cát Tư Hãn ngẩn ngơ, Khưu Xứ Cơ nói tiếp:
- Tần Thủy hoàng đế lấy hình phạt làm biện pháp, lấy những con người như Triệu Cao, Lý Tư làm cây gậy. Nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi cái họa nước mất nhà tan, cái họa sụp đổ tan tành. Qua đó đủ thấy việc dùng nghiêm hình và sát phạt là điều không thể tin cậy. Đó là tấm gương mà các triều đại ở Trung Nguyên đã để lại. Cho nên có người nói khi cai trị càng phiền phức chi li, thì thiên hạ càng loạn, pháp luật càng gắt gao thì kẻ gian xuất hiện càng nhiều, quân đội càng đông thì kẻ thù càng lắm. Nước Tần sở dĩ bị diệt vong là do biện pháp thống trị của họ quá ư tàn bạo, việc dùng hình phạt của họ quá nghiêm khắc, quá nặng nề.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Những việc mà ngài vừa nói tôi chưa từng nghe qua. Vậy, Thần Tiên có thể nói thẳng xem, tôi cần phải làm những gì?
Khưu Xứ Cơ tươi cười nói:
- Đại Hãn lấy việc sát phạt để giành thiên hạ, nhưng không thể lấy việc sát phạt để cai trị thiên hạ. Phải lấy luật hình để trừ cái ác, phải lấy giáo hóa để khuyến khích cái thiện. Đức và Hình phải được dùng song song, Ân và Uy phải được thi hành cùng một lúc, thì thiên hạ mới có thể được yên ổn lâu dài.
Thành Cát suy nghĩ và nói:
- Đức và Hình cùng dùng một lúc, Ân và Uy được dùng song song. Phải chăng Thần Tiên bảo tôi Hình và Uy dùng quá nhiều, còn Đức và Ân lại dùng quá ít chăng?
Khưu Xứ Cơ chỉ mỉm cười chứ không trả lời. Thành Cát Tư Hãn nói tiếp:
- Này ông Râu Dài, phải ghi chép tất cả lời nói của Thần Tiên lại, dùng hai loại văn tự Mông và Hán đối chiếu song song. Tôi phải cất giữ kỹ và phải nghiền ngẫm tới nơi tới chốn.
Gia Luật Sở Tài gật đầu cho là phải.
Khưu Xứ Cơ nói:
- Mười năm binh hỏa, vạn dặm can qua, nay kẻ thù đã bị tiêu diệt, thiên hạ đã được yên ổn, nên người sơn dã này mong muốn Đại Hãn sớm rút quân trở về, để cùng thần dân an hưởng thái bình.
Thành Cát Tư Hãn thở phào, nói:
- Đúng vậy! Tôi chinh chiến suốt cả đời người chính là muốn để cho con cháu và hậu thế được hưởng thái bình, yên ổn. Thưa Thần Tiên, chúng ta sẽ cùng rút trở về một lượt nhé?
Tháng 12 năm 1222. Đại quân của Thành Cát Tư Hãn rút trở về vùng thảo nguyên. Cuộc Tây chinh lần thứ nhất trên cơ bản đã được kết thúc. Chỉ có điều là cánh quân phía bắc của Giã Biệt và Tốc Bất Đài đã bị mất liên lạc. Trong thời điểm đó họ đã tiến vào lãnh thổ của Oát La Tư.
Ngày 28 tháng 12 năm 1222, Thành Cát Tư Hãn đang trên đường rút quân trở về phía Đông.
Khắp nơi nơi băng tuyết phủ dày, mây thấp gió mạnh, bỗng nhiên có tiếng sét đánh rất to. Quân Mông Cổ vội vàng xuống ngựa, quì trên mặt đất, ngước mặt lên bầu trời để khấn vái.
Thành Cát Tư Hãn đang ngồi trong đại trướng trên cỗ xe, muốn bước ra ngoài. Khưu Xứ Cơ hỏi:
- Đại Hãn định làm gì?
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Mùa đông mà có sét đánh chắc chắn là điềm dữ. Tôi muốn đi ra ngoài để xem có ai giặt y phục và phơi phóng không? Vì làm như vậy thì trời cao sẽ giận dữ.
Khưu Xứ Cơ tươi cười nói:
- Xin mời Đại Hãn hãy ngồi trở lại, việc sấm nổ, mưa đá rơi, động đất, nhật thực, gió bão, lũ lụt, sinh lão bệnh tử, hoa nở hoa tàn, v.v... đều có nguyên nhân sâu xa trong cõi minh minh, còn việc giặt giũ phơi phóng quần áo thì trời không bao giờ tức giận đâu!
Thành Cát Tư Hãn nói một cách thành thực:
- Ồ! Chính đạo Tát Mãn đã nói như vậy.
Khưu Xứ Cơ đáp:
- Người ở Trung Nguyên ngày ngày đều giặt giũ phơi phóng y phục, nhưng tại sao trời lại khoan dung họ mà tỏ ra khắc khe ở đây? Chỉ không cho phép người ở vùng thảo nguyên giặt giũ phơi phóng quần áo?
Thành Cát Tư Hãn suy nghĩ một chốc, nói:
- À! lời nói đó đúng lắm. Nếu nói như vậy thì điều khoản ngăn cấm phơi phóng giặt giũ quần áo trong bộ luật Đại Cát Tát Lệnh cần phải thay đổi. Đúng, cần phải thay đổi.
Khưu Xứ Cơ nói:
- Người sơn dã như tôi từng nghe, trong ba nghìn tội lỗi không có tội lỗi nào lớn hơn bất hiếu. Người thảo nguyên thường trọng người khỏe mạnh mà khinh người già nua. Một phần lớn thường bất hiếu với cha mẹ.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Thành Cát Tư Hãn tôi bao giờ cũng tôn trọng người già.
- Bần đạo từ lâu cũng từng biết chuyện đó. Bệ hạ có thể dùng uy đức ngày nay của mình để mở rộng việc răn dạy người trong nước, phải tuân thủ nguyên tắc vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con, bất cứ là việc gì đối với mọi người chỉ có lợi chứ không có hại.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Phải! Tôi nhất định sẽ dùng lời nói của Thần Tiên để Hồ thừa tướng viết vào bộ Đại Trát Tát Lệnh.
Trong khi Thành Cát Tư Hãn dẫn đoàn quân chủ lực của Mông Cổ trở về phía Đông, thì người con trai cả của ông là Truật Xích vẫn còn ở lại vùng đất phong của mình.
Trong các khe núi tại Ngọc Long Kiệt Xích cỏ non xanh rờn khắp mọi nơi, rừng cây sum suê khắp chốn. Truật Xích đuổi theo một con ngựa con khỏe mạnh trong bầy ngựa, rồi tung sợi dây có thòng lọng ra tròng vào cổ của nó.
Người thợ mộc xuất thân là thư sinh thúc ngựa chạy tới, nói:
- Tài quăng dây bắt ngựa của Vương gia ngày càng thành thạo rồi đó!
Truật Xích giật mình quay mặt lại hỏi:
- Là ngươi đấy hả? - Đôi mắt của Truật Xích nhìn về phía xa nói tiếp - Tôi rất nhớ nhà, đại quân đã trở về vùng thảo nguyên, trong khi tôi còn phải ở lại tại vùng đất mặt trời lặn này.
Người thư sinh không nói gì.
Truật Xích ngã người nằm ngửa trên bãi cỏ, đôi mắt lóng lánh ánh lệ nói:
- Tôi rất nhớ mẹ tôi. Tôi thật sự hết sức nhớ bà ấy? - Một lúc lâu Truật Xích lại nói tiếp - Ngươi có biết Phụ Hãn ta không ưa ta không?
Người thư sinh không trả lời.
Truật Xích không để ý tới anh ta, ngồi dậy nói tiếp:
- Ta nhớ lúc ta và các em trai của ta hãy còn rất nhỏ, Phụ Hãn có hỏi lý tưởng của mỗi người sau này thế nào, thì người em trai tốt của ta là Sát Hợp Đài bảo, khi nó lớn nó sẽ làm cho vợ con của kẻ thù phải rơi lệ, đàn ông phải cúi đầu ; còn đứa em trai thứ ba của ta còn biết ăn nói hơn, nó bảo sau này sẽ tiếp tục phát huy sự nghiệp của phụ Hãn. Còn nhà ngươi biết ta trả lời ra sao không?
- Không biết, nhưng có thể là một câu trả lời kém nhất chăng?
Truật Xích cười, đáp:
- Kém quá đi chớ! Ta bảo ta thích chăn bò chăn ngựa, thích nhìn thấy ở vùng thung lũng này là một bầy ngựa có màu sắc này và ở một thung lũng khác lại có một bầy ngựa màu sắc khác! - Nói dứt lời thì ông ta phá lên cười, tiếng cười kéo dài đến sau cùng thì nó chuyển thành tiếng nấc, rồi nói tiếp:
- Càng tệ hơn nữa là hiện nay ta không muốn làm Vương gia, không muốn làm quốc vương, không muốn chỉ huy quân đội để đánh giặc, mà ta chỉ muốn trở về bên cạnh mẹ ta để chăn ngựa!
Truật Xích lại nằm xuống.
Người thư sinh nói qua giọng thâm tình:
- Tôi cũng nhớ mẹ tôi. Mẹ tôi sống ở Trung Đô một mình, không biết bây giờ bà còn sống hay không?
Ngày 8 tháng 2 năm 1223, Thành Cát Tư Hãn 61 tuổi và đang trên đường trở về phía Đông.
Thành Cát Tư Hãn, Nạp Nha A, Cáp Tát Nhi cùng truy đuổi theo một con nai rừng trong một cuộc săn bắn. Trong bụi rậm bỗng có một con heo rừng sợ hãi phóng ra, làm cho con chiến mã của Thành Cát Tư Hãn đứng thẳng lên bằng hai chân sau, khiến Thành Cát Tư Hãn suýt nữa bị té ngựa. Nạp Nha A và những người khác vội vàng chạy tới Cáp Tát Nhi bắn ra một mũi tên trúng con heo rừng, những người khác cũng giường cung bắn ra liên tiếp.
Thành Cát Tư Hãn so đầu ngựa đi chầm chậm với Khưu Xứ Cơ, từ trong rừng đi trở ra. Khưu Xứ Cơ nói:
- Vừa rồi thực là nguy hiểm, tuổi của Đại Hãn nay đã cao, không còn thích hợp cho việc đi săn bắn nữa. Vừa rồi Đại Hãn suýt nữa bị té ngựa, đó là một sự cảnh báo của trời; con heo rừng không dám làm hại Đại Hãn là vì có trời che chở cho ngài. Một khi trời đã cảnh báo thì Đại Hãn nhất định phải nghe theo, bằng không thì hối hận sẽ muộn đấy!
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Lời khuyên bảo của Thần Tiên tôi nhất định phải ghi nhớ. Tuy nhiên, việc cưỡi ngựa bắn cung là việc mà người Mông Cổ không thể xa rời được.
Khưu Xứ Cơ định thuyết phục thêm:
- Thưa Đại Hãn...
Thành Cát Tư Hãn tươi cười nói:
- Được rồi! Tôi cố gắng ít cưỡi ngựa hơn là được rồi!

Truyện Thành Cát Tư Hãn Lời Tựa Phần Một - Phần Dẫn Chuyện Chương Một (1) Chương Một (2) Chương Hai (1) Chương Hai (2) Chương Ba (1) Chương Ba (2) Chương Bốn Chương Bốn (2) Chương Năm Chương Năm (2) Chương Năm (3) Chương Sáu Chương Sáu (2) Phần II - Chương Bảy Chương Bảy (2) Chương Bảy (3) Chương Tám Chương Tám (2) Chương Chín Chương Chín (2) Chương Mười Chương Mười (2) Chương Mười Một Chương Mười Một (2) Chương Mười Hai Chương Mười Hai (2) Chương Mười Hai (3) Phần III - Chương Mười Ba Chương Mười Ba (2) Chương Mười Ba (3) Chương Mười Bốn Chương Mười Bốn (2) Chương Mười Bốn (3) Chương Mười Lăm Chương Mười Lăm (2) Chương Mười Lăm (3) Chương Mười Lăm (4) Chương Mười Sáu Chương Mười Sáu (2) Chương Mười Sáu (3) Chương Mười Sáu (4) Chương Mười Bảy Chương Mười Bảy (2) Chương Mười Bảy (3) Chương Mười Bảy (4) Chương Mười Tám (1) Chương Mười Tám (2) Phần IV - Chương Mười Chín (1) Chương Mười Chín (2) Chương Mười Chín (3) Chương Hai Mươi Chương Hai Mươi (2) Chương Hai Mươi (3) Chương Hai Mươi Mốt (1) Chương Hai Mươi Mốt (2) Chương Hai Mươi Mốt (3) Chương Hai Mươi Hai Chương Hai Mươi Hai (2) Chương Hai Mươi Hai (3) Chương Hai Mươi Ba Chương Hai Mươi Ba (2) Chương Hai Mươi Ba (3) PHẦN V - Chương Hai Mươi Bốn (1) Chương Hai Mươi Bốn (2) Chương Hai Mươi Bốn (3) Chương Hai Mươi Lăm (1) Chương Hai Mươi Lăm (2) Chương Hai Mươi Lăm (3) Chương Hai Mươi Sáu (1) Chương Hai Mươi Sáu (2) Chương Hai Mươi Bảy (1) Chương Hai Mươi Bảy (2) Chương Hai Mươi Bảy (3) Chương Hai Mươi Bảy (4) Chương Hai Mươi Tám (1) Chương Hai Mươi Tám (2) Chương Hai Mươi Tám (3) Chương Hai Mươi Tám (4) Chương Hai Mươi Chín Chương Hai Mươi Chín (2) Chương Hai Mươi Chín (3) Chương Ba Mươi Chương Ba Mươi (2) Chương Ba Mươi (3)