Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 3 (B)

Ngay từ sáng sớm người vợ bé đã dậy đi khỏi nhà người láng giềng. Đi được một hai dặm, thấy chân đau mỏi không đi được bèn ngồi nghỉ bên vệ đường. Bỗng thấy đằng sau có một chàng trai, đầu chít khăn mỏ rìu, mặc áo bông rộng, vai khoác chiếc túi bên trong là tiền đồng, chân đi giày tơ không tất, người ấy đi tới. Chàng trai đến trước mặt Nhị Thư, nhìn qua, thấy tuy không phải là mười phân vẹn mười, song răng trắng bóng, đôi má như hoa sen đầy xuân sắc, đôi mắt sáng, lúng liếng như sóng nước hồ thu, đầy sức gợi cảm. Đúng là:
Hoa đồng ôi lóa mắt
Rượu quê ngây ngất say.
Chàng trai ấy đặt túi xuống, bước tới lễ phép chào:
- Cô đi một mình, không có bạn ư? Cô về đâu?
Cô gái đáp lễ:
- Tôi về nhà mẹ đẻ, mỏi chân quá, tạm nghỉ ở đây, thế anh ở đâu tới, bây giờ anh về đâu?
Chàng trai ấy chắp tay, không rời nửa bước:
- Tôi là người thôn quê, vào thành bán tơ, lấy được ít tiền, bây giờ về Chữ Gia Đường.
- Nhà em cũng ở Chữ Gia Đường, nếu được anh đưa về thì hay quá.
- Có gì mà không được! - Chàng trai nói. - Nếu chị đã nói thế thì tôi xin tình nguyện đưa chị về.
Thế rồi hai người cùng đi. Đi độ hai ba dặm đường, bỗng thấy đằng sau có hai người mồ hôi nhuễ nhại, thở hổn hển chạy tới gọi hồi hồi:
- Cô ơi hãy dừng lại, tôi có chuyện muốn nói với cô.
Cô gái và chàng trai thấy họ đuổi theo lấy làm lạ bèn đứng lại. Hai người phía sau xông tới, chẳng để hai người phân giải, mỗi người tóm chặt lấy một người, nói:
- Các người ghê thật, định dẫn nhau đi đâu?
Người vợ bé giật mình, trợn tròn mắt, song hai người láng giềng thì một người là chủ nhà cô ngủ nhờ đêm qua. Người vợ bé Lưu Quan Nhân hỏi:
- Tối qua tôi đã nói cho ông biết rồi, chồng tôi vô cớ bán tôi, tôi phải về nói cho cha mẹ tôi biết. Có việc gì mà ông đuổi theo tôi.
- Tôi không nói chuyện dông dài. Hiện nay nhà chị có chuyện giết người, chị về ngay mà đối chất.
- Chồng tôi bán tôi, đêm hôm qua mang tiền về, có chuyện giết người gì đâu? Tôi không về.
- Cây ngay không sợ chết đứng. - Chu Tam nói. - Nếu cô không về tôi sẽ gọi người địa phương tới, nói có kẻ trộm giết người ở đây, nếu không sẽ liên lụy đến chúng tôi, mà vùng các ngươi ở cũng không yên tĩnh.
Chàng trai thấy chị không phải là đầu mối bèn bảo với chị rằng:
- Đã nói thế thì chị dứt khoát phải về, tôi đi một mình cũng được.
Hai người láng giềng cùng kêu lên:
- Nếu không có ngươi thì thôi, đã có hai ngươi cùng đi với nhau thì ngươi không đi được đâu.
- Thật là kì quặc! - Chàng trai nói. - Tôi gặp chị ấy giữa đường ngẫu nhiên trở thành bạn đường, điều ấy có liên quan gì với nhau đâu mà bắt tôi phải đi.
- Nhà cô ấy có chuyện giết người, không thể thả ngươi được đâu. Nếu không thì có đầu mối đâu mà kiện.
Xem ra lúc ấy họ không thể dung tha vợ bé Lưu Quan Nhân và người con trai này. Người xem mỗi lúc một đông, họ nói:
- Anh không đi không được. Cây ngay không sợ chết đứng.
- Đi thì đi có ngại gì.
- Nếu anh không đi thì đúng anh là kẻ gian: - Người láng giềng nói. - Chúng tôi không chịu đâu.
Thế rồi họ lôi hai người về.
Tới cửa nhà Lưu Quan Nhân, thấy người ồn ào đông nghịt. Người vợ bé vào thấy xác Lưu Quan Nhân bị búa bổ, nằm sóng soài trên đất, mười lăm quan tiền trên giường không còn lấy một xu. Chị há hốc miệng, lưỡi cứng đơ không nói được. Người con trai cuống lên nghĩ: "Sao ta lại đen đủi thế này! Bỗng dưng đi cùng đường với chị ấy lại bị liên lụy". Mọi người cứ làm ầm lên. Đang lúc chưa biết phân xử thế nào, thì Vương viên ngoại và con gái hớt hơ hớt hải chạy tới. Thấy xác con rể, ông gào lên khóc, rồi nói với Nhị Thư rằng:
- Tại sao ngươi lại giết chồng? Cướp lấy mười lăm quan tiền trốn đi. Nay thì lẽ trời đã sáng rõ, ngươi chối làm sao được??
- Quả thật có mười lăm quan tiền. - Nhị Thư nói. - Tối qua chồng con về bảo không còn cách nào buộc phải bán con cho người khác lấy mười lăm quan tiền và nói là hôm nay bắt con đến với người ấy. Không biết anh ấy bán con cho loại người nào, con bèn về nói với cha mẹ. Bởi thế đêm qua con đặt mười lăm quan tiền vào sau lưng anh ấy, khép cửa, đến nhà ông Chu Tam ngủ nhờ một đêm, sáng dậy sớm về nói cho cha mẹ biết. Khi đi con cũng đã nhờ ông Chu Tam nói với chồng con, nếu có người mua tới thì cùng đến nói với cha mẹ con giao nhận xong xuôi. Con hoàn toàn không biết kẻ nào đã giết chồng con.
- Khéo nói thật! - Vợ cả Lưu Quan Nhân nói. - Tối qua rõ ràng cha ta đã đưa cho anh ấy mười lăm quan tiền mang về làm vốn nuôi vợ con, đâu có nhẽ anh ấy lại nói dối đó là tiền đã bán cô! Đúng là hai ngày cô ở nhà một mình đã gian díu với người khác, thấy gia cảnh khó khăn, không chịu đựng nổi, lại thấy mười lăm quan tiền chợt nẩy ra ý định giết chồng cướp tiền, rồi dùng mánh lới khôn khéo tới nhà hàng xóm ngủ nhờ một đêm, thông đồng bàn mưu, tính kế chạy trốn. Bây giờ cô cùng đi với một người đàn ông thì còn nói sao được nữa. Thật khó mà chối cãi được.
- Chị cả nói có lí. - Mọi người cùng nói, rồi lại nói với người con trai kia. - Anh kia? Ngươi đã bàn mưu với Nhị Thư giết chồng, rồi lại ngấm ngầm hẹn nhau tại nơi vắng vẻ, định rủ nhau đi trốn.
- Con là Thôi Ninh, chẳng hề quen biết chị ấy. Tối qua con vào thành bán được mấy quan tiền tơ, số tiền ấy vẫn còn đây. Trên đường về gặp chị ấy, ngẫu nhiên con hỏi chị ấy về đâu mà lại đi một mình như thế. Chị ấy nói là đi cùng đường, bởi thế mới đi cùng nhau, chứ con cũng chẳng biết trước sau thế nào.
Không ai chịu nghe lời phân trần, họ bèn khám ngay chiếc túi của anh, thì quả nhiên trong đó có mười lăm quan tiền, không thừa không thiếu. Mọi người reo ầm lên:
- Đúng là lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt. Ngươi đã cùng với Nhị Thư giết người cướp của, rồi cùng trốn đi nơi khác, làm liên lụy đến những người láng giềng, làm cho người ta không còn đầu mối để kiện.
Ngay lập tức người vợ cả trói người vợ hai lại, còn Vương viên ngoại trói Thôi Ninh, làng xóm đều chứng kiến, hò nhau giải vào phủ Lâm An.
Viên phủ doãn nghe thấy có vụ giết người, lập tức lên công đường, cho gọi phạm nhân vào, thuật lại từ đầu sự việc. Thoạt tiên, Vương viên ngoại bước lên thưa:
- Thưa tướng công, con là người thuộc địa phương của bản phủ. Nay đã gần sáu mươi tuổi, chỉ có một người con gái. Trước đây gả cho Lưu Quý người trong thành của bản phủ. Về sau, vì không có con, Lưu Quý lại lấy Trần thị làm thiếp, tên là Nhị Thư. Nhà có ba người, xưa nay đều không có điều tiếng gì? Chỉ vì hôm kia là ngày mừng thọ, lão đã sai người đến đón con rể và con gái tới nhà ở lại một đêm. Hôm sau, vì nhà con rể không còn kế sinh nhai, lão đã cho con rể mười lăm quan tiền làm vốn mở hiệu, buôn bán nuôi thân. Chỉ có mình Nhị Thư ở lại coi nhà. Đến tối hôm qua, khi con rể con về nhà, chẳng biết vì duyên cớ gì, Nhị Thư đã dùng búa bổ chết chồng. Nhị Thư trốn theo một người con trai tên là Thôi Ninh, bị đuổi theo bắt được. Mong tướng công thương con rể lão chết bất minh, gian phu dâm phụ, tang chứng vẫn còn, cúi xin tướng công phán xét.
Phủ doãn nghe thấy thế, bèn gọi Trần thị lên hỏi:
- Tại sao ngươi thông đồng với gian phu, giết chồng, cướp tiền rồi cùng nhau chạy trốn? Hãy khai mau.
- Con lấy Lưu Quý, tuy là vợ bé, song được anh ấy đối xử rất tốt. Chị cả cũng là một người hiền lành tốt bụng, thế thì sao con lại có lòng dạ độc địa, xấu xa như thế. Tối qua khi chồng con về nhà thì đã chếnh choáng say, lại mang theo mười lăm quan tiền. Con hỏi tiền ở đâu ra, chồng con nói, vì hoàn cảnh khó khăn nên đã bán con cho người khác được mười lăm quan tiền. Chồng con cũng không cho cha mẹ con biết là bán con, mà ngày mai chồng con bắt con phải đến nhà người ta. Con cuống lên, ngay đêm ấy con đi khỏi nhà, và đã ngủ nhờ nhà hàng xóm. Sáng ra con về nhà bố mẹ đẻ, lại nhờ ông Chu Tam nói với chồng con: nếu đã bán con cho người ta thì phải đến nói với cha mẹ con. Mới đi được nửa đường thì thấy người hàng xóm mà con đã ngủ nhờ đêm qua đuổi theo, bắt con về. Con hoàn toàn không biết vì sao chồng con chết.
- Nói láo! - Phủ doãn quát. - Mười lăm quan tiền rõ ràng là của bố vợ cho con rể, ngươi lại bảo là tiền bán ngươi, ngươi nói thật là vô lí. Hơn nữa tại sao đàn bà con gái đang đêm lại bỏ nhà đi! Nhất định đây là kế thoát thân. Việc này không phải chỉ có riêng người đàn bà làm, mà nhất định phải có gian phu giúp người lấy tiền, giết chồng. Ngươi phải khai rõ sự thực từ đầu.
Nhị Thư đang định nói thì mấy người hàng xóm quỳ xuống nói:
- Tướng công nói quả là ý trời! Tối qua cô ấy quả thật có ngủ nhờ nhà hàng xóm thứ hai bên trái, sáng nay đi sớm. Chúng con thấy chồng cô bị giết chết, một mặt cho người đuổi theo, tới giữa đường thì thấy cô đi cùng với một người con trai, cô ta khăng khăng không chịu về, buộc chúng con phải bắt về. Đến khi Vương viên ngoại nói rằng, tối qua cho con rể mười lăm quan tiền để kiếm kế sinh nhai, nay con rể đã chết, số tiền ấy không biết đi đâu. Hỏi mãi, người vợ lẽ mới nói rằng, khi cô ra khỏi nhà thì số tiền ấy để trên giường. Song khám xét người con trai thì túi anh ta có mười lăm quan tiền, không thiếu một xu. Cô không cùng với người con trai ấy giết chồng cướp của thì còn ai vào đây nữa. Tang chứng rành rành, chối sao được nữa?
Phủ doãn nghe thấy họ nói có lí, bèn gọi người con trai lên hỏi:
- Tòa không thể dung tha ngươi làm bậy. Ngươi đã bàn mưu tính kế với Nhị Thư giết người cướp tiền như thế nào? Hôm nay dẫn nhau đi đâu? Hãy khai thực ra.
- Con là Thôi Ninh, - người con trai ấy nói, - là người nông thôn. Hôm qua con vào thành bán tơ, được mười lăm quan tiền. Sáng nay ngẫu nhiên gặp chị ấy, con không hề biết họ tên. Nào ngờ nhà chị ấy xẩy ra chuyện giết người.
- Nói láo! - Phủ doãn nổi giận quát. - Không thể tin rằng trên thế gian này lại có chuyện trùng khít đến như thế. Nhà anh ta mất mười lăm quan tiền, ngươi bán tơ cũng có mười lăm quan. Đây hoàn toàn là lời nói hàm hồ. Hơn nữa vợ người không được yêu, ngựa người khác không được cưỡi. Ngươi không gian díu gì với người đàn bà này thì tại sao ngươi lại đi cùng với chị ta. Ngươi quả là một tên bướng bỉnh, không đánh thì ngươi không chịu khai.
Thế rồi người ta tra tấn Nhị Thư và Thôi Ninh đến chết đi sống lại. Vương viên ngoại, con gái và những người hàng xóm cứ một mực kết tội hai người này. Phủ doãn đành phải kết án. Tra khảo một hồi, thương thay Nhị Thư và Thôi Ninh không chịu được đành phải nhận. Nói là vì bỗng chốc tham của mà giết chồng, cướp mười lăm quan tiền cùng gian phu chạy trốn. Những người hàng xóm chỉ vạch chữ thập vào bản án. Mang hai chiếc cùm to cùm hai người, rồi tống ngục. Hoàn trả mười lăm quan tiền cho chủ, song số tiền ấy cung phụng cho những người trong nha môn vẫn không đủ. Phủ doãn gởi hồ sơ lên triều đình. Triều đình phê chuẩn hồ sơ, lệnh: "Thôi Ninh gian dâm vợ người, cướp của giết người, theo luật phải chém đầu. Trần thị thông dâm với gian phu, giết chết chồng, là kẻ đại nghịch vô đạo, phải lăng trì để làm gương cho mọi người".
Quan phủ đọc xong cáo trạng, cho người lôi ngay hai phạm nhân ra pháp trường hành hình. Hai người không sao chối cãi được. Thật là:
Người câm phải nếm mùi hoàng bá
Khó nói cùng ai vị đắng này.
Bạn thấy đấy, nếu quả là Nhị Thư cùng với Thôi Ninh ham của giết người, thì ngay đêm ấy hai người phải trốn đi nơi khác, chứ sao lại sang nhà láng giềng ngủ nhờ một đêm, sáng sớm hôm sau mới về nhà mẹ đẻ rồi bị bắt? Nỗi oan uổng này, nếu chú ý có thể suy ra ngay. Ai ngờ quan xử kiện ngu tối, chỉ cốt xong việc, vì không chịu suy xét ngọn ngành thì sao mà tìm ra được. Nơi cõi âm, tích tụ âm đức gần thì bản thân mình bị trừng phạt, xa thì báo oán đến cháu con, hai oan hồn ấy quyết không tha. Bởi thế quan xử kiện nhất thiết không được khinh suất mặc ý dùng hình phạt. Đòi hỏi người xử kiện phải công bằng sáng suốt. Người chết không thể sống lại, cái đứt không thể nối lại. Thật đáng thương thay!
Người vợ cả về nhà, lập bài vị ở vậy thờ chồng. Vương viên ngoại khuyên con đi bước nữa. Chị nói:
- Không phải nói ba năm mãn tang, mà con phải chờ tới khi cha về già.
Cha bằng lòng rồi ra về.
Ngày tháng như thoi đưa, người vợ cả sống vất vưởng tới gần một năm. Người cha thấy chị khó mà chịu đựng nổi, bèn bảo với lão Vương đón chị về. Ông nói:
- Bảo nó thu xếp về nhà, tang Lưu Quan Nhân tròn năm, rồi đi tái giá là được rồi.
Người vợ cả nghĩ đi nghĩ lại, thấy điều cha nói là phải, bèn thu xếp hành lí cho lão Vương mang về. Chị chia tay những người láng giềng, nói tạm đi dăm bữa nửa tháng sẽ về. Lúc ấy đang vào giữa thu, ra khỏi thành thì mây đen ùn ùn kéo tới, rồi trời mưa như trút, hai người đành phải theo con đường vào rừng trú mưa. Không ngờ lại đi nhầm đường. Đúng là:
Trâu dê đi vào nhà đồ tể
Bước bước nhích gần tới hiểm nguy.
Vào tới rừng, nghe thấy đằng sa có tiếng quát thét:
- Ta là Tĩnh Sơn Đô Vương! Các ngươi hãy đứng lại mau, đưa ngay tiền mãi lộ cho ta.
Người vợ cả và lão Vương giật bắn mình, quay lại thấy một người xông tới. Người ấy đầu chít khăn đỏ, mình mặc áo chiến bào cũ, lưng thắt đai hồng, chân đi đôi ủng da đen, tay lăm lâm con dao, múa may bước tới. Lão Vương chết tiệt ấy lại nói:
- Mày là tên cướp đón đường. Tao sắp hết đời rồi, tao phải liều mạng với mày.
Thế rồi lão húc đầu vào hắn, hắn né người, húc quá mạnh, lão Vương ngã dập đầu xuống đất. Tên cướp nổi khùng:
- Thằng già này thật vô lễ!
Hắn xỉa luôn hai nhát dao, máu tươi vọt ra lênh láng, lão Vương đã chết, lại thấy tên cướp hung ác, người vợ cả khó mà thoát thân, bèn nghĩ ra một kế đánh lừa. Chị ta vỗ tay nói:
- Giết giỏi lắm!
Tên cướp dừng tay trợn tròn mắt kinh ngạc, hỏi:
- Đây là người thế nào với ngươi.
Người vợ cả giả vờ nói:
- Tôi thật là bất hạnh, chồng chết, bị người mối lừa dối dụ dỗ lấy một ông già, chỉ biết ăn mà không biết làm. Hôm nay được đại vương giết chết lão, coi như đã diệt trừ tai họa cho tôi.
Thấy người vợ cả thương tâm như thế, lại thấy cô xinh đẹp bèn hỏi:
- Cô có muốn theo ta làm phu nhân chủ trại không?
Chị nghĩ ngợi hồi lâu, không còn cách nào khác, nói:
- Thiếp xin tình nguyện hầu hạ đại vương.
Người ấy chuyển giận thành vui, cầm đao trượng, hất thi thể lão Vương xuống suối, rồi dẫn người vợ cả họ Lưu về trang trại. Đường tới trang trại ngoắt ngoéo, tới một ngôi nhà, người vợ cả thấy đại vương nhặt một hòn đất ném lên mái, bên trong có người ra mở cửa. Tới thảo đường, người ấy bảo bọn đàn em giết dê làm cỗ cưới họ Lưu. Hai người ấy đúng là:
Biết rõ không là bạn,
Việc gấp phải theo hầu.
Không ngờ, sau khi đại vương chiếm được người vợ cả họ Lưu, chưa đầy nửa năm cướp được mấy món to, trở nên giàu Có. Người vợ cả là người rất hiểu biết, sớm tối dùng lời hơn lẽ thiệt khuyên giải hắn:
- Người xưa thường nói: "Ang sành gần giếng sẽ vỡ, tướng quân khó tránh khỏi cái chết khi xung trận". Số tiền có được thiếp và chàng cũng đủ dùng lúc cuối đời rồi, nếu cứ làm những việc không có lương tâm như thế này thì cuối cùng cuộc đời sẽ chịu những hậu quả xấu, ấy là chưa nói, "Nơi đây tuy tốt, nhưng không phải gia đình mà ta lưu luyến mãi". Thôi thì bỏ nghề làm người lương thiện, buôn bán nhì nhằng cũng đủ nuôi thân.
Quả nhiên đại vương hối cải, từ bỏ con đường trộm cướp. Họ vào thành mua một ngôi nhà, rồi mở cửa hàng tạp hóa. Gặp những ngày nhàn rỗi thường tới các chùa chiền niệm Phật ăn chay. Bỗng một hôm đang ngồi chơi, đại vương nói với người vợ cả:
- Ta tuy xuất thân từ cướp đường, song cũng biết được nỗi oan có đầu mối, nợ phải có chủ. Hằng ngày sống dựa vào dọa nạt người khác để cướp của. Về sau lấy được nàng, buôn bán luôn luôn xuôi chèo mát mái, nay bỏ đường cũ theo điều thiện. Ngồi nghĩ lại những ngày đã qua, ta thấy đã giết oan mất hai người, rồi lại làm liên lụy đến hai người và đã phải chết oan. Ta thấy lúc nào cũng canh cánh bên lòng, muốn làm việc công đức siêu sinh tịnh độ cho họ. Điều này ta chưa từng nói với nàng bao giờ.
- Giết oan hai người thế nào? Người vợ cả nói.
- Một là chồng của nàng. - Đại vương nói. - Trước đây cái ngày trong rừng ấy, ông ấy húc vào tôi, tôi đã giết ông ấy. Ông ấy lại là một người già cả, chẳng thù hằn gì ta, nay lại cướp vợ ông ấy, dù ông ấy chết cũng không chịu cam tâm.
- Nếu lúc ấy không thế thì thiếp sao được hầu hạ chàng. - Người vợ cả nói. - Thôi chuyện cũ không nói nữa. - Rồi lại hỏi. - Giết người kia là ai?
- Về người ấy, nói ra thì trời sẽ không tha, lại làm liên lụy đến hai người phải đền mạng. Cách đây một năm, tôi thua bạc không còn một xu dính túi, đêm ấy tôi mò đi lấy trộm, không ngờ đi qua một nhà, thấy cửa không cài, đẩy cửa nhìn vào trong nhà không có ai, bèn lẻn vào, thấy có một người say rượu nằm ngủ trên giường, sau lưng có một đống tiền, bèn rút lấy mấy quan. Đang định đi thì người ấy tỉnh dậy nói: "Đây là số tiền bố vợ cho ta làm vốn, mày lấy đi thì cả nhà ta chết đói," Thế rồi người ấy nhổm dậy đuổi tôi ra tận cửa, định tri hô. Tôi thấy nguy cấp, cầm ngay chiếc rìu bổ củi đang dưới chân quát: "Mày không chết thì tao cũng chết", rồi bổ liền hai nhát. Sau đó vào nhà lấy hết mười lăm quan tiền. Về sau nghe thấy cái chết của người ấy đã liên lụy đến người vợ lẽ của anh ta và một người con trai tên Thôi Ninh. Họ mắc tội oan là cướp của giết người. Cả hai đều chịu hình phạt của triều đình. Tôi tuy là một anh hùng nhất khoảnh, song đã giết chết oan hai mạng người này thì trời đất sẽ không dung tha, sớm muộn thì cũng phải siêu sinh tịnh độ cho họ, đó là một việc nên làm.
Người vợ cả nghe xong, âm thầm đau khổ. "Hóa ra chồng mình bị người này giết, Nhị Thư và Thôi Ninh bị liên lụy đã phải gánh chịu hậu quả. Lẽ ra lúc ấy mình không nên bắt họ phải đền mạng, hai người dưới âm phủ chắc sẽ không buông tha ta". Lúc ấy người vợ cả tỏ vẻ vui mừng và cũng không hề để cho Đại vương biết chuyện. Ngày hôm sau đại vương vắng nhà, người vợ cả bèn tới thẳng phủ Lâm An kêu oan.
Quan phủ doãn mới vừa nhậm chút được nửa tháng. Lúc đó ông đang làm việc tại công đường, bọn tay chân dẫn người vợ cả vào. Người vợ cả bước tới thềm òa lên khóc, khóc xong chị kể:
- Đại vương đã giết Lưu Quý chồng chị như thế nào, quan xử kiện không chịu suy xét kĩ, đã hàm hồ kết án cho xong chuyện, bắt Nhị Thư và Thôi Ninh đền mạng. Sau đó Đại vương giết lão Vương, cưỡng ép mình như thế nào. Nay thì lẽ trời đã sáng tỏ, chính Đại vương đã nói ra, cúi xin tướng công soi xét, minh oan cho nhũng người đã chết. Nói xong chị khóc lóc thảm thiết. Phủ doãn thấy chị thật đáng thương, lập tức khép Đại vương vào tội tử hình, tâu bản án lên quan trên. Sau sáu mươi ngày, chiếu chỉ của vua ban xuống: "Xét thấy, Tĩnh Sơn đại vương là kẻ giết người cướp của, làm liên lụy, khiến ba người phải chết oan, tội phải chém đầu. Quan xử kiện quyết án bừa bãi, cách chức xuống làm dân thường. Thôi Ninh, Trần Thị chết oan uổng thật đáng thương, quan hữu trách phải tới gia đình an ủi họ; cân nhắc thi hành ưu đãi tiền tử tuất. Vương Thị bị bọn côn đồ bức lấy làm vợ, lại minh oan cho chồng, được chia một nửa gia tài của tên cướp để nuôi thân, một nửa gia tài còn lại nhập vào công quỹ". Hôm ấy người vợ cả họ Lưu tới pháp trường xem hành quyết Tĩnh Sơn đại vương, rồi lấy đầu hắn cúng chồng, Nhị Thư và Thôi Ninh, khóc than thảm thiết. Sau đó đem số tài sản được chia, cúng tiền vào am ni cô. Sớm chiều tụng kinh niệm Phật, cúng những oan hồn, hưởng thọ trăm tuổi mới qua đời. Có bài thơ làm chứng:
Thiện ác bất phân, chỉ hại mình,
Nói đùa nên thường gặp tai ương.
Nói năng ta phải luôn thận trọng,
Tai họa xưa nay tại miệng người.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết