Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 11 (B)

Rồi ông ta bảo tay chân lấy kéo cắt vải ra chia. Xưa nay nhập vào công quỹ, cứ mười cái lấy năm, nhưng đây thì cứ cắt đôi nhập cho quan một nửa, còn một nửa trả lại cho thương nhân. Tiếc thay, mấy ngàn lạng bạc hàng hóa đều bị cắt nham nhở thậm chí cả gấm chức cẩm hồi văn cũng bị cắt nát như thế.
Ông Uông đau lòng, lúc đầu thì oán hận, sau đó lại cười, than thở rằng:
- Thôi thôi, thế là hết, trời làm lên rồi trời lại phá, ấy là do thời vận, do số mệnh!
Nói xong ông bèn đem số lụa bị cắt nham nhở ấy chất thành đống trước cổng nha môn, mua mấy gánh rơm chất xung quanh rồi châm lửa. Lụa cháy đùng đùng, khói lửa ùn ùn bốc lên mù mịt trời đất. Lúc ấy Ngô ái Đào đã trở về tư dinh, chợt thấy trước cửa nha môn bốc cháy, vội ra công đường; biết thương nhân họ Uông đã đốt lụa, đùng đùng nổi giận, quát:
- Thằng nhãi này cố ý làm nhục ta ư?
Rồi lập tức sai lính bắt ngay. Một mặt sai người dập lửa, và hứa cho hết số lụa đang cháy dở. Mọi người tham chút lợi nhỏ, phút chốc họ mang thùng to thùng nhỏ múc nước kìn kìn đập tắt ngọn lửa. Ngô Ái Đào gọi chức trách sở tại và không cho phép mọi người lấy lung tung mà phải nhập số vải cháy đỏ ấy vào công đường tự mình phân chia. Khi Ngô Ái Đào nói thế thì số vải cháy dở ấy đã bị họ cướp sạch. Đến khi đi bắt thương nhân Uông, ai ngờ rằng sau khi đốt vải, ông Uông đã lên thuyền, thuận buồm xuôi gió, không biết ông đã đi được bao nhiêu đường đất. Sai nhân về bẩm báo, Ngô Ái Đào buồn rầu, bực bội bỏ về. Lúc ấy, giá mà ông Uông chịu thiệt mười lạng bạc thì làm gì đến nỗi mất tiền vạn, há chẳng phải vì không muốn mất ít mà phải mất nhiều ư? Cho nên người đời nói:
Mất một chút hóa ra lại được,
Thiệt đôi phần mà lợi xiết bao.
Thời ấy ở sát vách trạm thuế, có một người tên là Vương Đại Lang chuyên nghề nấu rượu, giết lợn, làm ăn khá phát đạt. Ông có hai con, con trai lớn là Chiêu Nhi mười bảy tuổi, con thứ là Lưu Nhi mười ba tuổi, trong nhà có ba bốn người làm thuê và hầu hạ. Cả nhà sống yên vui, chỉ có điều Vương Đại Lang là người thẳng thắn, cương trục, nói năng chẳng kiêng nể ai. Những người láng giềng thân cận phần lớn đều ghét, chẳng mấy ai ưa. Hôm ấy chứng kiến sự việc của thương nhân họ Uông; ông rất bất bình, buột miệng nói:
- Giá ta mà gặp phải việc oan ức này thì ta chỉ xí cho mấy nhát dao chứ ta chẳng chịu.
Bất chợt bọn lính nghe thấy. Hôm ấy đúng vào ngày cưới con, Vương Đại Lang mời họ hàng thân thích đến ăn cỗ, mãi tới tận khuya vẫn chưa tan. Không ngờ đang đêm có một tên trộm mò vào, song chẳng lấy được gì. Hắn bèn tới chỗ vắng khoét ngạch, chui sang nha môn, cạy cửa lẻn thẳng vào phòng ngủ. Ngô Ái Đào mơ mơ màng màng, nghe thấy tiếng lạch cạch hòm xiểng, choàng tỉnh giấc kêu toáng lên:
- Nguy rồi, trộm đang ở đây.
Chỉ vì tiền của, Ngô Ái Đào còn đang quần đùi áo lót liều mạng nhẩy xuống bắt trộm. Ở phòng bên phu nhân cũng tỉnh giấc gọi gia nhân dậy. Ngô Ái Đào chạy ra khỏi phòng đuổi theo tên trộm, thấy cửa mở toang, kêu ầm lên:
- Chúng bay đâu, mau mau bắt lấy nó!
Bị đuổi sát nút, tên trộm quay lại đâm Ngô Ái Đào. Số Ngô Ái Đào chưa chết, thấy tên trộm giơ dao, Ái Đào vội né người, mũi dao sượt qua trán, toạc một mảng da, Ái Đào không dám đuổi theo nữa. Gia nhân lập tức đốt đèn đuốc tìm kiếm khắp chỗ. Vốn là tên trộm đã đào ngạch qua bức tường bao chui sang bên kia, họ vội vã hỏi ra mới biết đó là nhà Vương Đại Lang, Ngô Ái Đào sai lính sang ngay nhà ấy bắt trộm.
Lúc đó cả nhà Vương Đại Lang vừa đi ngủ. Tuy nghe thấy bên nha môn kêu trộm, song cũng không ngờ tên trộm ấy lại chui từ nhà mình sang, nên cũng chẳng thèm để ý tới. Đến khi bọn lính đập cửa thình thình mới dậy mở. Bọn lính xông vào, tìm khắp mọi chỗ nhưng chẳng thấy bóng dáng tên trộm đâu cả. Lính trở về bẩm báo:
- Nhà Vương Đại Lang cửa vẫn đóng, mà chẳng tìm thấy tên trộm đâu cả.
- Cửa vẫn đóng thì trộm chạy đi lối nào? - Ngô Ái Đào nói.
Rồi nghi cho chính Đại Lang, bèn cho người gọi Đại Lang tới. Dưới ánh nến, Ngô Ái Đào nhìn kỹ thì thấy Đại Lang na ná như tên trộm vừa rồi. Hỏi:
- Cổng nhà người không mở mà sao lại không tìm thấy tên trộm. Vậy ngươi bảo sao đây?
- Hôm nay nhà con có việc vui mừng, vừa mới đi ngủ thì sai nhân của ngài tới tìm trộm, con mới biết trộm đã khoét ngạch từ nhà con chui sang nha môn, còn việc tên trộm ra vào thế nào, quả tình con không biết.
- Cửa vẫn đóng mà ngươi lại bảo không biết tên trộm đi lại thế nào ư? Đồ vật tên trộm lấy đi là chuyện nhỏ, nhưng kẻ bất lương ấy đâm ta mới là chuyện lớn. Ngươi phải bắt tên trộm ấy cho ta.
- Con biết đi tìm nó ở đâu bây giờ, hay là ngài lại sai người của ngài đi bắt? - Vương Đại Lang nói.
- Nói láo! - Ngô ái Đào nói. - Nó ra vào theo lối nhà ngươi mà ngươi còn chối không biết. Vậy ngươi bảo người của ta đi bắt ở đâu?
Thế rồi Ngô Ái Đào bảo bọn lính áp giải, bắt Vương Đại Lang phải tìm ra tên trộm. Vốn là lúc ấy tên trộm cuống lên, chạy bừa ra vườn sau, thấy một cây hạnh cổ thụ, cành lá um tùm, liều mạng leo tít lên tận ngọn, thu mình lại như một tổ chim khách. Gia nhân đèn đuốc tìm khắp mọi chỗ nhưng chỉ soi bên dưới, không soi lên trên, vì thế tìm không thấy. Chờ cho hai bên lùng sục xong hắn mới tụt xuống, vẫn chui sang nhà Vương Đại Lang. Lúc ấy Vương Đại Lang đã bị bắt, cửa trước cửa sau mở toang, hắn len lén ra khỏi cổng, vì thế không ai biết được tung tích, song cả nhà Vương Đại Lang thì bị hại. Đúng là:
Mai rùa hầm không nát,
Chỉ hại cành dâu khô.
Ngô Ái Đào kiểm lại số bạc và đồ vật đã mất, viết một tờ đơn sáng sớm ra công đường, cho gọi chức trách địa phương tới hỏi, Vương Đại Lang có việc gì, hằng ngày làm gì, nhà có những ai. Người địa phương thưa:
- Nhà Vương Đại Lang có hàng ngàn lạng bạc, tính tình tuy ngang ngạnh, song vẫn giữ gìn bổn phận. Có hai người con còn nhỏ, trong nhà có ba bốn người làm thuê.
Ngô Ái Đào nghe thấy nói nhà Đại Lang giàu có, bèn động lòng tham, nói:
- Ta xem ra ngươi không phải là người lương thiện, nên rất khả nghi.
- Vậy ngươi có bắt được tên trộm không? - Bọn lính hỏi chen vào.
Nào ngờ bọn lính này biết được Vương Đại Lang giàu, cũng muốn moi ít tiền. Vương Đại Lang xưa nay vốn là một người ngang ngạnh, tự cho mình chẳng có gì đáng hổ thẹn, nên chẳng rỉ ra cho chúng một đồng bạc, một giọt rượu nào. Bọn chúng rất căm, nghĩ tới sự việc về họ Uông trước đó, Vương Đại Lang từng nói: "Chỉ xí cho mấy nhát dao", đến nay ông lớn bị đâm vào trán, quả là rất khớp với lời nói ấy, vậy không phải hắn thì còn ai nữa. Vì thế chúng giải Vương Đại Lang vào nha môn, bẩm việc ấy với Ngô Ái Đào. Mọi người đều nghe thấy câu nói ấy nên Vương Đại Lang có mồm mà không sao chối cãi được.
Ngô Ái Đào nghe thấy như lửa đổ thêm dầu, không còn nghi hoặc gì nữa, phồng mang trợn mắt quát:
- Cổng nha môn không mở, thì trộm đi đường nào. Đúng là ngươi rồi. Ta hỏi ngươi, ta ở đây không gây khó dễ cho dân chúng địa phương, chẳng có thù oán gì, tại sao ngươi đâm ta?
Vương Đại Lang gào lên phân trần, kêu oan, nhưng nào ai làm chứng cho. - Chỉ có hai tội lấy trộm và đâm người, song tùy ngươi nhận lấy một tội. Ngô Ái Đào quát:
- Hãy kẹp hắn lại.
Bọn sai nha dạ ran, xông tới lôi Vương Đại Lang ngã sấp ngã dụi, mắc kẹp vào rồi hai bên ra sức bóp, Vương Đại Lang ngất xỉu. Bọn Nha lại túm tóc lôi dậy, Đại Lang dần dần tỉnh lại Ngô Ái Đào hỏi:
- Tang vật giấu ở đâu? Hãy khai mau!
Vương Đại Lang trợn tròn mắt, nói:
- Ông vu oan cho dân lành lấy trộm, thì khai làm sao được.
- Mày là tên trộm hung hãn, ta không tha mày. - Ngô Ái Đào giận dữ quát thét.
Nói xong, Ái Đào hô đánh một trăm gậy. Sai nha đánh đủ một trăm. Ngô Ái Đào lại hỏi:
- Thế bây giờ mày có khai không?
- Dù có kẹp chết ta cũng không khai. - Vương Đại Lang gào lên.
- Ngươi không khai ư? - Ngô Ái Đào nói.
Rồi Ái Đào bảo tháo kẹp ra, gọi lính lại nói:
- Ta muốn hắn phải trả tang vật cho ta, các người hãy giải hắn về nhà lục soát.
Rồi bảo thư lại lấy một tập sổ giấy trắng, mấy chục phong bì, giao cho lính nói:
- Tất cả những gì có trong nhà hắn dù to dù nhỏ, dù tiền của hay đồ quý hiếm, cứ ghi rõ rành rành mạch, rồi đóng gói lại. Dù một sợi chỉ, một hạt thóc cũng đừng tự tiện đụng vào. Sau đó giải cả vợ con và gia nhân của hắn tới đây.
Vương Đại Lang hai chân trọng thương không đi được, bọn lính phải dìu về. Tới nơi, vợ con Vương Đại Lang và các gia nhân xúm lại kêu oan. Bọn lính khóa hết cổng trước cổng sau, rồi tìm hết từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, lật hòm mở tủ lục soát. Soát xét từ lỗ chuột đến hố phân, chuồng lợn, chuồng gà chẳng sót chỗ nào, song chẳng thấy tang vật đâu cả. Sau đó chúng cho kiểm kê tất cả cái gì có trong nhà ghi hết vào sổ. Niêm phong xong xuôi, chúng trói Dương thị vợ Vương Đại Lang, con cả Chiêu Nhi và ba người làm công, một người cất rượu và một người bán hàng họ Vương. Chỉ để lại một đứa ở và hai người vợ của người làm thuê. Đứa con thứ là Lưu Nhi lúc đó đi tìm người thân đến bàn bạc, không có nhà nên không bị bắt.
Lúc ấy trời đã tối, Ngô Ái Đào còn ở công đường chưa về phòng nghỉ, trong ngoài công đường đèn đuốc sáng rực như ban ngày. Bọn lính giải những phạm nhân vào, bẩm rằng tìm không thấy tang vật, rồi trình sổ ghi chép lên. Ngô Ái Đào mở ra xem, thấy tiền của, quần áo, đồ trang súc, dụng cụ, rượu chè, thóc gạo ghi trong sổ sách rất nhiều, nói:
- Nó chẳng qua chỉ là một thằng đồ tể, song sao lại có nhiều của cải đến thế, nhất định nó là một tên oa trữ lớn của bọn trộm cướp.
Rồi Ngô Ái Đào để quyển sổ lên giá, quay lại hỏi bọn Dương thị:
- Tiền chồng người lấy của ta giấu ở đâu? Khai ra sẽ không phải tra tấn.
Bọn Dương thị đều thưa:
- Chồng con hoàn toàn không ăn trộm, thì làm gì có tang vật.
- Nói như thế thì hóa ra ta đổ oan cho chồng ngươi ư?
Thế rồi Ái Đào hô tay chân kẹp Dương thị, cha con Vương Đại Lang và người nhà của Vương Đại Lang... kẻ bị cùm người bị kẹp, tiếng kêu oan, rên xiết thê thảm, náo động nha môn.
Chiêu Nhi và gia nhân đau quá không chịu nổi, cứ chỉ bừa là gửi tại nhà láng giềng nọ, giấu ở nhà thân thích kia, nói tới chỗ nào là sai, người tới chỗ đó khám xét. Thương thay cho mấy nhà dân lương thiện ấy, đều bị vơ vét sạch, chứ làm gì có tang vật. Tra khảo tàn khốc, xét hỏi mấy ngày, rốt cục chẳng tìm ra manh mối gì. Vương Đại Lang biết rằng không sao tránh khỏi cái chết, gào lên:
- Ngô Ái Đào mày đã ngược đãi thương nhân ở đây không sao kể xiết, nay lại vu vạ cho gia đình ta. Ta còn sống không chống nổi mày, nhưng chết xuống âm ti nhất định tao phải cãi với mày cho ra nhẽ.
Ngô Ái Đào vô cùng giận dữ, đập bàn quát:
- Đồ gian tặc, mày lẻn vào công đường ăn trộm của cải, lại còn đâm cả tao, bảo tao vu cho mày, lại còn định xuống âm ti đối chứng ư? Lẽ nào luật lệ dưới âm ti lại dung túng cho mày tiếp tục cướp của giết người? Trên dương thế mày hãy khai ra tang vật ngay, thì ta sẽ cho mày xuống âm ti mà kêu oan, rồi Ái Đào bảo bọn lính. - Ta biết rằng thằng này cứng đầu cứng cổ không sợ cùm kẹp, ngày mai ngươi tới phủ, gọi mấy thằng truy bức trộm cướp già đời tới đây, chúng có rất nhiều ngón đòn như "Hầu Tôn hiến quả", "Lừa nhổ cọc"... phải truy đến cùng để hắn khai ra tang vật, rồi định tội danh hắn. Đó mới là:
Nỗi oan đã kết từ kiếp trước,
Đời nay phải trả oán đời xưa.
Bọn truy bức này chẳng khác quỷ sứ dưới địa ngục diêm la, lòng dạ của chúng chẳng khác nào sắt đá, chúng vâng lệnh lôi tám người tới một công sở bỏ không, chia ra làm bốn nơi để tra khảo, nếu những lời khai giống nhau, thì đúng sự thực. Vợ chồng Vương Đại Lang vào một nơi, Chiêu Nhi và người làm công cho họ Vương vào một nơi, ba người gia nhân và một người cất rượu lại chia thành hai nơi. Thường là bọn tra tấn người vừa dùng thừng treo lên thì bọn trộm cắp đã phải khai, song như thế còn dễ chịu. Nếu không khai thì chúng dùng gậy dần khắp mình mẩy từ trên xuống dưới, đánh đến nỗi ai nhìn thấy cũng rất thương tâm. Dù cho có mình đồng da sắt, đến đây cũng nát ra như bã. Bởi thế những người oan khuất vô tội, không chịu khai, đều toi mạng. Lúc ấy, Chiêu Nhi mấy ngày liền bị kẹp đau đớn, thì làm sao chịu nổi sự tra tấn đánh đập độc ác này, nó không thở được, rồi lặng lẽ im bặt, xỉu người đi.
Bọn chúng vội vàng thả xuống, song gọi mãi mà không tỉnh lại. Chúng chạy như bay về báo cho nha môn, Ngô Ái Đào đưa cho chúng một tờ giấy đỏ trên đó viết: “Vương Chiêu Nhi tuy chết, song bọn phạm nhân vẫn phải tiếp tục tra khảo nghiêm khắc, không được dựa vào đó mà đùa với pháp luật để chuốc lấy tội. Đây là mệnh lệnh đặc biệt".
Bọn sai nha nhận được lệnh này, bèn lần lượt dùng hết các loại tra tấn. Mặc dù dùng mọi thủ đoạn, song Vương Đại Lang cứ gào tên Ngô Ái Đào lên mà chửi rủa. Sai nha tuy biết rõ là oan uổng, nhưng đây là ý của quan phủ nên buộc phải làm thế. Chỉ duy có Dương thị, là đàn bà nên chúng nhẹ tay chút ít còn lại chúng chẳng nới lỏng. Tới đêm ngày thứ hai thì năm người nữa bỏ mạng, đó là ba gia nhân, người bán hàng họ Vương và người thợ cất rượu. Việc này không chờ bọn tra khảo đi báo, mà đã có bọn lính tới đó giám sát đi báo. Ngô Ái Đào biết được Vương Đại Lang chửi bới mình, nghiến răng căm giận. Ngày thứ ba tới công đường, Ngô Ái Đào gọi bọn tra khảo lại dặn:
- Các ngươi nên biết rằng Vương Đại Lang hôm nay sẽ không còn trên cõi đời này nữa. Các ngươi phải hết sức vì ta.
Bọn tra khảo thưa rằng chúng đã hiểu. Sau đó chúng nói với Vương Đại Lang:
- Đại Lang, anh hãy nhớ cho kỹ, sang năm vào giờ này, ngày này, tháng này là ngày giỗ của anh, đó là lệnh quan, anh đừng oán chúng tôi.
- Được - Vương Đại Lang đáp, - ta sẽ tự tìm Ngô Ái Đào, chứ oán gì các ông. Ta đang muốn chết đây, xin các ông hãy nhanh lên một chút. - Lại kêu lên một tiếng thật to. - Em ơi, anh đi đây, em phải tiếp tục chống cự đến cùng.
Dương thị nghe thấy gào lên:
- Anh ơi, đây là oan nghiệp của kiếp trước, em cũng phải lập tức đi theo anh.
Vương Đại Lang lại gào lên:
- Chiêu Nhi con ơi! Cha không bao giờ được gặp con nữa, không, biết con có được sống không, chỉ sợ cha gặp con dưới suối vàng thì thật là bất hạnh.
Nghĩ tới đây, Vương Đại Lang tự nhiên ứa mấy giọt nước mắt. Bọn tra khảo nói:
- Đại Lang ơi, anh nên biết rằng, con trai cả anh đêm qua đã đi trước chờ anh, năm người giúp việc của anh đêm qua cũng đi rồi. Anh cứ yên tâm, cùng họ làm bạn đồng hành.
Vương Đại Lang nghe thấy con trai mình và mọi người đều đã chết tự nhiên dòng máu trong mắt trào ra, cổ tắc nghẹn, có nói lấy nửa lời cũng không được. Bọn chúng vội vã lấy thùng tròng vào cổ rồi thít chặt, chỉ trong nháy mắt Vương Đại Lang qua đời. Thương thay chỉ trong ba ngày, bảy người vô tội đã chết không được như chó lợn.
Từng nghe đạo chính ác như hổ,
Ngờ đâu đánh đập chỉ vì tiền.
Ba ngày bảy người vô tội chết,
Oan ức, hồn thiêng biết kêu đâu.
Ngay lúc ấy bọn tra khảo tới bẩm rằng Vương Đại Lang đã chết. Ngô Ái Đào nói:
- Hãy đem chôn tên giặc ấy phía nam cửa khẩu, chôn con hắn ở phía bắc cửa khẩu, làm cho cha con chúng dưới âm ty phải kẻ nam người bắc. Còn năm xác chết ba phải chôn ở một chỗ cách đây năm dặm, để chúng không thể nhìn thấy nhau.
- Vương Đại Lang vốn có của cải, có thể mua cho anh ta một cỗ quan tài không? - Bọn lính nói.
- Tên ấy là kẻ hung ác, - Ngô Ái Đào nói, - xác nó không để cho lợn ăn là đủ lắm rồi, cần gì phải quan tài.
Rồi Ái Đào lại nói với bọn tra khảo:
- Con vợ nó phải tra khảo mạnh vào, nhất định sẽ tìm ra tang vật.
- Người đàn bà này hãy từ từ hoãn lại đã. - Bọn tra khảo nói.
- Đúng là kẻ cắp thì làm sao mà hoãn được!
- Trong ba ngày, đàn ông trong nhà nó đều chết cả. Nếu tiếp tục truy bức nghiêm khắc thì người đàn bà này cũng khó mà lường được, nếu cấp trên biết e rằng sẽ bất lợi.
- Nó tới ăn trộm tiền thuế quốc gia, lại còn đâm quan chức lẽ nào không trị đến cùng ư? Dù cấp trên biết được cũng chẳng ngại gì.
- Đương nhiên ngài không ngại, chỉ có điều chúng con chẳng biết vì cớ gì mà việc ấy không sao làm nổi.
Ngô Ái Đào giận dữ quát:
- Ta biết các ngươi thông đồng với bọn trộm cướp, nên không chịu truy hỏi người đàn bà này, nhất định các ngươi biết rõ sự thực nên thoái thác.
Ngô Ái Đào quát giam bọn tra khảo lại, rồi đưa Dương thị ra thẩm vấn để tìm ra sự thực và trị tội. Dương thị lại bị đánh đập hàng ngàn gậy, tay chân bị lùm kẹp gẫy nát, song Dương thị vẫn không khai. Ngô Ái Đào lại gọi bọn lính tới, nói:
- Ta ngờ rằng tang vật vẫn còn giấu ở nhà, chỉ có điều các ngươi chưa chịu khó tìm, ta sẽ đích thân tới lục soát, nhất định sẽ ra.
Sau đó Ngô Ái Đào tới ngay nhà Vương Đại Lang.
Lúc ấy hai người đàn bà và một đứa ở đang coi nhà, nghe tin chồng chết đang sụt sùi khóc. Bỗng nghe quan phủ tới tìm tang vật, sợ quá trốn ra lối cửa sau. Ngô Ái Đào dẫn bọn lính tới gọi chức trách địa phương cùng tới nhà Vương Đại Lang, lại lục soát hết trước sau, rồi vào một gian nhà, thấy trong đó để bảy chiếc quan tài, bèn bảo bọn lính mở ra. Bọn lính nói:
- Những chiếc quan tài này đã có từ lâu, lần trước cũng đã khám, không cần phải mở ra xem nữa.
- Các ngươi làm sao mà biết được, - Ngô Ái Đào nói, - xưa nay bọn trộm cướp thường giấu của cải vào quan tài để tránh nghi ngờ. Nhà nó vốn là một tên trùm oa trữ của ăn trộm, những của cải cướp được xưa nay đều giấu ở đó. Không thế thì tại sao trong nhà lại để nhiều quan tài đến vậy?
- Những quan tài này, - chức trách địa phương nói, - là thi hài các ông chú ông bác thuộc hai đời trước, và vợ cả của Vương Đại Lang, tất cả là bảy người. Vì hắn tính vốn keo kiệt, không dám bỏ tiền ra làm ma, nên đã để trong nhà từ lâu lắm rồi. Ai ai cũng biết, nhất định trong đó không có tang vật.
Ngô Ái Đào không tin, cứ dứt khoát đòi mở ra xem, chức trách địa phương và láng giềng hàng xóm cứ nằng nặc kêu xin, Ngô Ái Đào mới thôi. Lục soát chán chê mà chẳng thấy tang vật đâu Ngô Ái Đào đứng giữa nhà quát:
- Tên ăn trộm này giỏi cất giấu thì ta cũng giỏi xử lý.
Nói xong Ngô Ái Đào bảo bọn lính kiểm kê lại toàn bộ hòm xiểng đã niêm phong đem về nhập kho. Gọi các cửa hàng tới chia nhau mang hết rượu chè, thóc lúa, lợn gà đi bán. Hạn trong ba ngày phải mang tiền đến nộp kho, ghi vào sổ sách, chờ khi nào truy hỏi Dương thị tìm ra tang vật mới trả lại.
Ngô Ái Đào lại nói:
- Ngôi nhà này ở sát nách nha môn, từng tụ tập bọn trộm cắp sau này rất đáng lo ngại.
Thế rồi bảo ngay chức trách địa phương lập tức mang vứt quan tài ra bãi đất hoang nhà ấy biến thành nơi kinh doanh và chỗ ở cho lính bảo vệ nha môn. Xử lý xong vẫn đưa Dương thị ra truy bức. Hỏi Dương thị giấu con thứ ở đâu, cần phải bắt cho bằng hết.
Thương thay cơ nghiệp rất chính đáng của Vương Đại Lang, gặp sự chống trả của phủ quan, chỉ trong mấy ngày mà tan nát hết, cả nhà bị hủy diệt, há chẳng phải là oan nghiệt của kiếp trước sao. Nghe thấy ai ai cũng vô cùng phẫn nộ. Bỗng chốc khắp nơi xa gần đều biết, các thân hào thân sĩ đều bất bình, trình đơn lên phủ huyện kêu oan cho họ. Có vị quan về hưu viết đơn gửi cho Ngô Ái Đào nói: "Phạm nhân không còn con, cả nhà chết tới bảy người, đã đền hết tội, theo lý thì vợ phải được tha". Ngô Ái Đào xét thấy người đời đồn đại về mình không tốt, đành phải tha cho Dương thị và những người tra tấn họ. Dương thị tìm được con trai thứ, họ hàng thân thích bàn với Dương thị rằng, tới nay quan trên đều biết được nỗi oan uổng của mình, thì tại sao không tố cáo để báo thù. Thế rồi Dương thị lập tức viết đơn đưa tới các nha môn kêu oan.
Đúng lúc ấy thì Thiết Ngự Sử mới nhậm chức đi tuần du xem xét các vụ án, thấy Ngô Ái Đào là một viên quan tham ô, tàn ác chưa từng thấy. Hắn đã giết bảy mạng người nhà Vương Đại Lang hết sức oan uổng, bèn dâng sớ lên triều đình. Bài sớ viết như sau:
"Thần nghe nói, người giữ cương vị quản lý tiền bạc của nhà nước, trên không làm hại nước, dưới không làm hại dân, như thế mới xứng đáng với chức vụ. Song Ngô Ái Đào trông coi vùng thượng du, trấn giữ một vùng đất trọng yếu, không nghĩ tới thương xót dân chúng, bồi dưỡng nguồn mạch đất nước. Tự ý làm loạn kỷ cương, đánh thuế cả người đi đường. Chuyên hành bạo ngược, chỉ cốt tham lam. Bởi thế, thương nhân oán hận, dân chúng ta thán. Những bài ca dao về sự bòn xương rút tủy từ lâu đã truyền khắp vùng Giang Hán. Cái tên Lột Da người dân đặt cho hắn nghe thấy khắp nơi. Xưa kia Lưu Yến Tang chiếm dê, được lợi chả đáng là bao, cũng chưa đến nỗi hại dân hại nước, thế mà đời sau còn cho Lưu Yến Tang là kẻ vơ vét. Nay Ái Đào là kẻ thù của thương nhân, bị cả nước oán ghét, tội hắn như thế nào đây! Thật là quái lạ, hắn vu cho dân ăn trộm, bịa đặt chứng cứ. Chưa đầy ba ngày mà giết tới bảy người, xác vứt xuống sông, vứt quan tài tổ tiên ra đồng hoang, chiếm nhà cửa cho tay chân ở, vét sạch của cải vào túi mình. Oan hồn đêm ngày kêu khóc, người đi đường thương xót, thần dân đều căm giận. Phàm quan coi giữ các chức trách không cho phép làm rối loạn. Việc thu thuế má, giải quyết kiện tụng, và xử lý việc trộm cắp phải xác đáng, tất cả đều quy vào việc chấp hành pháp luật. Mà hình phạt tàn khốc bạo người đến mức cả nhà phải chết, vậy thì lẽ trời ở đâu, phép nước có còn không! Thần nhận lệnh tuần du các địa phương, chức trách là phải diệt trừ tàn bạo, rửa oan cho những người vô tội. Tận mắt thấy nỗi oan khuất lẽ nào lại nhẫn tâm im lặng? Xin căn cứ vào sự thực tâu trình lên triều đình, cúi xin triều đình đưa Ngô Ái Đào tới Pháp ty, lên án sự thối tha của hắn, truy đến cùng tội sát nhân của hắn, làm cho pháp luật nghiêm minh, cho mọi người đều thấy. Có như thế phép nước mới sáng tỏ mà dân cũng được minh oan, hình pháp công bằng mà đạo quân vương cũng công bằng".
Chiếu chỉ phê xuống phải điều tra chính xác và trị tội. Ngô Ái Đào nghe thấy tin ấy rất hoang mang. Tự liệu sức không thể đứng vũng được. Trước hết hắn sai người về sửa sang nhà cửa một mặt viết tờ sớ thanh minh tâu lên triều đình, mang nhiều vàng bạc tới kinh đô, nhờ những quan lại quen biết, tìm cửa chạy tội. Bài sớ của hắn viết:
"Thần như một cây gỗ mục, tham lam chức quyền, vốn biết mình như một con ruồi, không thể đảm đương nổi nhiệm vụ, đâu dám ăn uống như một con chuột chù. Từ ngày nhậm chức tới nay, hằng ngày tự răn mình, dù gian khổ cũng vẫn cứ vui lòng, dù một ly cũng không dám thu vượt. Bởi thế các thương nhân ca ngợi thần là cán cân công lý, chức trách địa phương cũng không kêu ca thần là người xấu. Song những kẻ ghét thần lại chỉ trích thần là kẻ tham lam tàn khốc, bịa đặt ra những bài ca dao cho thần là người hút tủy dân, gọi thần là Lột Da. Không có gió mà nổi nóng, điều đó chẳng khác nào nói mê, quả là oan cho thần lắm. Song vẫn chưa hết, họ còn mượn việc trộm cướp để dựng nên chuyện thần làm sai pháp luật, ấy có phải là lương tâm không? Khi kẻ trộm đột nhập vào dinh thự của thần lấy vàng, thần tha cho rồi đuổi đi, tên trộm bèn giơ dao đâm thần, may mà sượt vào trán thần nên không chết. Đến khi truy tìm tông tích thì thấy tên trộm đã khoét ngạch phía bên trái dinh thự. Thần sai người đi bắt, nó sợ tội tự tử. Việc truy tìm đồng đảng là điều đương nhiên của pháp luật. Nếu việc ấy mà không trị thì cấp trên cho thần không thi hành luật pháp mà nghiêm trị thì những kẻ ghét thần chỉ trích thần là tàn khốc bạo ngược, như thế chẳng phải là vu cáo bịa đặt ư? Phải chăng họ muốn kẻ trộm giết thần để cướp hết tiền thuế nhà nước thì họ mới sướng hay sao? Vả lại địa phương có trộm cắp mà thần không xử tội thì lại trách thần bắt được trộm mà lại tha, điều đó cũng chẳng khác nào làm trái luật pháp vậy. Tuy thế thần không dám nói, không dám phân trần. Vì sao vậy? Quả thật đó là thần không dám làm cho kẻ ghen ghét phẫn nộ. Kính xin hoàng thượng thương thần một thân một mình sớm ban ơn truất chức thần để bịt miệng những kẻ ghét thần, để thần an toàn trở về ngôi nhà nhỏ bé của mình, đó là điều may mắn cho thần lắm lắm".
Xưa nay khéo nói thường làm rối loạn tai người nghe. Bản sớ Ngô Ái Đào trần tình, triều đình thấy Ngô Ái Đào bị tên trộm đâm, hơn nữa người chức trách không dẹp được nạn trộm cắp sẽ bị quở trách là bắt được trộm lại tha, đó là những lời nói rất có lý. Triều đình bèn phê là, Sở ty phải điều tra thật rõ ràng minh bạch rồi phúc trình cụ thể lên triều đình. Thời ấy Trung thư thị lang Thái Xác đang đương chức, mọi quyền hành ông đều thâu tóm trong tay. Bạn thân của Ngô Ái Đào đã đút lót cho Thái Xác, nên ông đã gợi ý cho Sở ty nể mặt ông. Sở ty phúc trình lên triều đình như sau:
“Thấy Ngô Ái Đào có dấu vết tham lam xấu xa, ai ai cũng biết, tuy có tô vẽ thêm, song công luận khó mà bịt được. Vì thế không thể để Ngô Ái Đào ở đây thêm một ngày nào nữa. Duy vụ án Vương Đại Lang, tên trộm đâm quan, việc ấy có nguyên nhân, hắn có chết cũng không oan uổng. Người chức trách dẹp trộm cướp không có phương pháp đáng phải phạt lương bổng. Chúng thần không dám tùy tiện, cúi xin hoàng đế phán xét".
Sau khi tâu lên, thánh chỉ theo như tờ trình cách chức Ngô Ái Đào thành dân thường, buộc phải lập tức rời khỏi nhiệm sở phạt ba tháng lương. Người nhận làm người nhà của Ngô Ái Đào biết được tin này, ngay đêm đó về báo tin cho Ngô Ái Đào. Ngô Ái Đào vội vã cho người nhà lên đường, chia một nửa binh lính hộ tống. Hòm xiểng của Vương Đại Lang vẫn còn trong kho, định đợi mang đi, nên cứ chần chừ chưa thỏa mãn, cuối cùng đành phải bỏ lại.
Mấy hôm sau, Thiết Ngự sử tới thi hành lệnh vua, đem tất cả tài sản còn lại trong kho trả cho Dương thị. Sau đó bắt một số lính đầu sỏ độc ác tới dinh quan trị tội. Lúc ấy Dương thị dẫn con và vợ của hai người làm công đến nha môn đòi mạng chồng. Kẻ gào khóc, người chửi rủa, không cho Ngô Ái Đào đi. Ngô ái Đào sợ quá lẻn vào trong, rồi bảo đóng chặt các cửa lại. Thấy hắn sợ hãi, những người địa phương trước đây bị Ngô Ái Đào hãm hại đều kéo đến. Song chẳng ai can thiệp, họ càng thừa cơ làm ầm ĩ lên, họ hô phóng hỏa đốt nhà, làm náo loạn đến sáu bảy ngày. Ngô Ái Đào không cách nào ngăn chặn thì lúc ấy quan thu thuế cấp trên tới. Xưa nay các quan thường bảo vệ lẫn nhau, thấy dân chúng túa vào đầy nha môn, ngượng quá quan phải đích thân khuyên nhủ mãi họ mới giải tán, lúc ấy Ngô Ái Đào mới ra khỏi nha môn, xuống thuyền đi ngay.
Những người hai bên bờ sông đã chất sẵn gạch, ngói, đất đá, ném như mưa xuống thuyền, gào lên chửi:
- Ngô Lột Da, các hòm xiểng mày đã chất đầy, tại sao mày không xếp số gạch đá này xuống thuyền mang về mà xây nhà.
Có người còn nói:
- Ngô Lột Da, chúng tao biếu mày ít sản vật địa phương như thế mới gọi là tình nghĩa.
Thế rồi họ lấy một bễ bùn to vứt xuống, rồi gạch, đất, đá, ngói cứ vù vù bay xuống thuyền như mưa. Ngô Ái Đào bèn chui vào khoang thuyền, gọi người nhanh chóng kéo buồm. Nào ngờ thuyền hàng rất đông, cửa cống tắc nghẽn, mặc dù khẩn cấp song không thể thoát nhanh được. Các thuyền buôn vỗ tay reo hò, nói:
- Ngô Lột Da, thuyền chở lợn con, thuyền chở người đang ở đây sao không đánh thuế?
- Ngô Lột Da, trên bờ có người đeo túi đi qua sao không sai người đi bắt?
Cứ thế họ vừa gọi vừa cười phá lên. Ngô ái Đào vừa uất ức vừa xấu hổ, chẳng nói được câu nào. Thật là:
Cho dù tát cạn Tam Giang
Khó mà rửa sạch nhuốc nhem mặt dày.
Về sau vị quan Đề cử mới tới nhận chức, xét thấy Vương Đại Lang quả thật chết oan uổng, thương vợ Vương vô tội, bèn thu ngôi nhà bỏ không của Vương thị làm thư phòng và cấp cho Dương thị năm trăm lạng bạc, coi như trả tiền mua nhà. Bảo Dương thị mua quan tài khâm liệm chồng, an táng cùng với bảy chiếc quan tài đã bị vứt ngoài bãi đất hoang. Thương nhân thấy ông làm những việc âm đức như thế, ai ai cũng ngợi khen, ông so với Ngô Lột Da khác nhau một trời một vực.
Ngô Ái Đào rời khỏi Kinh Châu, đi theo đường thủy Kiến Dương, châu Kinh Môn. Chiếc thuyền nhỏ của gia đình Ái Đào vốn đậu tại Tương Dương, chờ Ngô Ái Đào tới mới cùng khởi hành. Thấy người nhà mà mấy hôm trước Ngô Ái Đào sai về, quay trở lại báo rằng:
- Không thể về nhà được.
Ngô Ái Đào hỏi vì sao, người nhà nói:
- Người trong nha môn nói rằng, trước đây ngài đỗ tú tài, làm hại dân trăm chiều. Nay làm quan, kiếm được nhiều tiền của, những người nghèo trong thôn đã lấy sạch rồi, e rằng họ vẫn còn chê ít. Bởi thế họ đánh thanh la tụ tập cả thôn, đốt bằng địa cả nhà cửa, chờ quan về là họ cướp hết.
Ngô Ái Đào nghe xong sợ quá, mặt như chàm đổ, nói:
- Làm thế nào bây giờ?
Vợ Ngô ái Đào là một người thông minh, sáng suốt. Hằng ngày bà vẫn thường khuyên chồng làm việc tốt để tích âm đức, song Ngô Ái Đào nào có chịu nghe. Biết được tin ấy, vợ Ngô Ái Đào than thở:
- Người ta mãn nhiệm quan thì thân hào thân sĩ mang trướng đến chúc mừng, quan địa phương mở tiệc tiễn đưa, nhân dân đến đông nghịt tiễn chân giữ lại không cho về, cầm hương, cởi giày lập đền thờ sống, dựng bia ghi ân đức, vinh dự biết bao! Đến khi áo gấm về quê, thân thích ra mãi tận xa đón tiếp, quan phủ kính cẩn chúc mừng, lễ bái gia tiên, gặp gỡ làng xóm, vinh hạnh biết bao. Còn riêng ta rời khỏi nhiệm sở bị người ta trèo qua cổng chửi bới sỉ nhục, không cho đi. Tới khi xuống thuyền, gạch ngói đất đá lại ném xuống như mưa. Ru rú như chó tiền rưỡi, cuống quít như cá mắc lưới, chạy trốn thục mạng như gặp cơn binh lửa. Đến khi hỏi tới quê hương thì dân làng tụ tập hò hét, đốt nhà đốt cửa, ruồng rẫy không cho ở, mồ mả cha ông cũng không được thăm nom. Nếu ông nghe theo lời tôi thì làm gì đến nỗi có nhà mà chẳng về, đã có nước mà không ở được! Kết quả cửa sự làm quan như thế từ xưa tới nay chỉ có mình ông mà thôi. Bây giờ thì tiến thoái lưỡng nan, ta biết sống sao đây.
Ngô Ái Đào trong lòng đang phiền não, bị vợ trách móc càng thêm ngán ngẩm, bèn cười gượng nói:
- Đại trượng phu bốn biển là nhà, hà tất cứ phải quê hương.
Hơn nữa quê xa tít mãi tận Tây Bưu, đất đai cằn cỗi bạc màu, con người thô lỗ cục cằn có gì tốt đẹp lắm đâu! Từ lâu ta đã nghe Kim Lăng Kiến Khang là nơi sáu triều đại dựng kinh đô, là nơi ngàn năm văn vật vô cùng phồn thịnh. Xưa nay ta chưa đặt chân tới, nay ta hãy đến nương thân. Nếu nơi ấy hợp thổ nghi thì nhập cư ở đó, có gì mà không được!

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết