Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 16
Diệu Trí Tham Dâm Nên Bị Giết
Từ Hành Tham Của Bị Báo Thù

Rượu chè trai gái là mầm tai họa.
Tham lam tức tối dễ dẫn đến sai lầm.
Quanh đi quẩn lại đến bao giờ mới hết,
Kiệt bị chết vì đắm say Muội Hỷ.
Trụ bị diệt vong vì rượu thịt tựa núi sông
Hồi Lạc làm Tùy diệt vong bị thế gian chê cười
Cương Phục tầm thường bị Mãng phơi thây.
Bánh xe nghiêng đổ đã nhiều song không lấy đó làm bài học.
Trên đời có bốn thứ làm người ta liên lụy, đó là rượu chè, sắc đẹp, của cải và tức giận. Trong bốn thứ đó thì chỉ một cái cũng đủ làm cho người ta phải điêu đứng, huống hồ cái nọ còn sinh ra cái kia. Bởi thế xưa kia Lý Bạch vì say mà quyên thân ở Thái Thạch, ấy là tai họa của rượu. Tuân Sảnh yêu thiếp đến nỗi tình cảm bị tổn thương mà người cũng chết, đấy là tai họa về sắc đẹp. Mộ Dung Ngạn vơ vét cho đầy túi mà keo kiệt, khiến quân lính không có sức mạnh, ấy là tai họa về của cải. Hạ Bạt Nhạc hám danh, thích tranh giành rồi bị giết, ấy là tai họa của hám danh. Còn có người uống rượu nổi nóng rồi bị tai họa, đó là Quán Phu. Ông ta uống rượu chửi những người cùng ngồi, xúc phạm Điền Phần, rồi bị Điền Phần hãm hại. Vì sắc đẹp mà nổi giận rồi bị tai họa, đó là Kiều Tri Chi. Ông ta tranh đoạt Yểu Nương với Võ Tam Tư, sau bị Võ Tam Tư gièm pha rồi bị giết hại. Vì của cải sinh ra tức giận mà bị tai họa, đó là Thạch Sùng. Ông ta giàu có mà kiêu căng, thi giàu với Vương Khải, cuối cùng vì tiền của mà lụy đến thân. Ham mê tửu sắc mà bị tai họa đó là Trần Hậu Chủ. Ông ta sủng ái Trương Lệ Hoa. Khổng Quý Tân, mê đắm rượu chè, bỏ bê việc triều chính, bị nhà Tùy tiêu diệt. Trọng sắc ham của cải bị tai họa, đó là Đường Trang Tông. Ông ta sủng ái Lưu Hậu, vì tham lam không chịu thưởng quân sĩ, quân sĩ làm phản, đến nỗi phải bại vong. Bốn điều ấy vô cùng xấu xa. Song những tai hại được đồn đại ấy đáng để người đời lấy đó mà răn mình.
Truyện kể rằng ở Quý Châu có một người tên là Đô Vân Phủ, làm quản hạt Ma Cáp Châu, vùng Man Di. Ngoài châu có chùa Trấn Quốc, trong chùa có hai phòng hòa thượng: phòng phía đông là chủ tăng Ngộ Định. Người này chuyên coi giữ hoa lợi ruộng vườn, ăn chay đọc kinh, đóng cửa không ra ngoài, không quan tâm đến việc ngoài đời. Phòng bên tây có một vị sư già là Ngộ Thông, trạc ngoài bảy mươi, thường ốm đau nằm liệt giường. Ông có một người đồ đệ là Diệu Trí, tuổi trạc bốn mươi, tính khí hung ác, chẳng biết sợ là gì. Ngộ Thông có một đồ đệ tên là Pháp Minh ngót ba mươi tuổi, người giảo hoạt và một huyền tôn là Viên Tĩnh chừng mười tám mười chín tuổi, xinh đẹp như con gái. Ngộ Thông giỏi làm ăn tính toán, điền sản có tới hàng ngàn lượng vàng, và có trong tay tới sáu bảy trăm lạng bạc. Vì giàu có mà Ngộ Thông sinh ra kiêu ngạo, không học điều hay lẽ phải, mặc dù có một đồ đệ tốt nhưng ông ta vẫn chưa thỏa mãn, vẫn muốn đi tìm đàn bà.
Ở đó cũng có một gã anh hùng nhất khoảnh tên là Điền Cầm, tự Hữu Hoạch, là kẻ vô cùng giảo hoạt, kinh tế tương đối khá giả, làm viên nha lại về lễ tiết, thường hay la cà tới chùa. Vì hắn rất thích mùi vị đàn ông nên Ngộ Thông bèn nhường Viên Tĩnh cho hắn. Chùa được xây dựng quanh co ngoắt ngoéo, phòng thất thâm u còn hơn cả chốn thần tiên.
Thời tráng niên Ngộ Thông sống với ni cô tên là Thu ở am Bồ Đề, tuổi cũng xấp xỉ nhau. Diệu Trí tay cũng nhúng chàm. Thời ấy có một đồ đệ của Thu ni cô là Tịnh Phạn, trạc tuổi Diệu Trí, bị Thu ni cô ghen nên coi giữ rất chặt, hai người có tình ý với nhau nhưng không được gặp nhau, may mà Thu ni già ốm nặng rồi chết, Tịnh Phạn được nối gót, thường qua lại với Diệu Trí. Pháp Minh lại có thêm một đồ đệ là Hồng Như Hải, hai bên cũng đi lại với nhau từ lâu.
Hai gã đầu trọc có voi lại đòi tiên, chúng thường chê hai ni cô này tuổi sàn sàn nhau, và cũng chẳng đẹp gì cho lắm, đầu lại trọc lốc nên chẳng hứng thú gì, chúng muốn tìm một người đàn bà khác. Thầy trò bàn mưu, nhờ đạo nhân Đỗ Hữu Danh lấy vợ một tên cướp đã bị bán cho nhà quan tên là Nữu A Kim đưa về giấu trong chùa, rồi thay nhau hành dâm. Đỗ Hữu Danh không khoái lắm, Diệu Trí cho thêm Đỗ Hữu Danh mấy lạng bạc để hắn đi tìm người khác.
Đỗ Hữu Danh dùng số bạc ấy ăn nhậu và chơi gái hết sạch, rồi hắn lại lẻn vào phòng tìm A Kim, nói:
- Con đĩ trốn ở đâu rồi? Tại sao bỏ ta đi tìm hòa thượng?
Diệu Trí định đánh hắn, Pháp Minh chạy ra can ngăn. Đỗ Hữu Danh nói:
- Nếu sư phụ không có Hữu Danh thì chắc rằng cũng không được Nữu A Kim. Thôi thì bốn chúng ta cùng chung một giường vậy.
- Thôi cũng được. - Pháp Minh nói.
Thế rồi họ mang rượu ra chuốc Hữu Danh. Hữu Danh nói:
- Rượu! Rượu. Các ông đều là bạn tốt của ta.
Hữu Danh cứ uống tì tì, vừa uống vừa nói:
- Sư phụ, không phải tôi động đến sư phụ mà là do rượu đấy. Cho nên tôi muốn chơi cô ta.
Hữu Danh cứ khề khà uống mãi cho tới canh hai canh ba. Chuốc cho hắn say mèm, Diệu Trí mới đi hành lạc. Như thế mới trút hết nỗi tức giận của mình trong suốt một ngày. Cuối cùng, sau khi đã cho Hữu Danh say lúy túy, hắn dùng một chiếc thùng để kết liễu cuộc đời Hữu Danh.
Ba chén cả gan gây hiềm khích,
Khướt say rơi vào cõi âm u.
Rượu chè buông thả còn chứng cớ,
Đáng chê kẻ nát rượu lưu linh.
Trong chùa không có ai thân thích, chùa lại vắng vẻ không ai lui tới, hai hôm sau chúng khiêng Hữu Danh ra sau chùa đốt xác. Từ đó hai gã này yên tâm hành lạc. Ngay cả hai ni cô vì bọn chúng không tới, nên cũng thường tới đấy thăm, song họ chỉ tiếp bên ngoài mà không mời vào phòng nên cũng không biết ở đó có Nữu A Kim.
Một người hầu hạ hai người, người trước vào thì người sau chờ. "Phật quá khứ" ra sức tận hưởng hứng thú. "Phật vị lai" mắt thấy tai nghe, không khỏi đỏ mắt thèm thuồng. Hằng ngày chúng cứ thay nhau hành sự. Chỉ có điều Diệu Trí tuy tuổi có cao hơn một chút nhưng lại giỏi gợi tình. Pháp Minh tuy ít tuổi nhưng người thanh tú, mà ngón nghề cũng bình thường. Hơn nữa hằng ngày Diệu Trí lại hành lạc đầu tiên, lát sau lửa dục Pháp Minh bùng lên, nhưng khi lâm chiến không dai sức, nên Nữu A Kim không thích Pháp Minh. Biết được điều ấy Pháp Minh nói:
Cóc ngóe ba chân tìm đâu cho thấy,
Đàn bà hai chân thiên hạ ê chề.
Pháp Minh bị muối mặt, nên khi đi cúng lễ đã nghĩ cách gạ gẫm.
Một hôm đọc kinh cho một nhà trong thành, nhìn qua rèm thấy mấy người, trong đó có một người rất xinh đẹp, Pháp Minh cứ mắt la mày liếc nhìn trộm. Người đàn bà ấy cáu lên, cố ý liếc mắt đưa tình như có tình ý với gã. Đang cúi đầu đọc kinh, người ấy cứ kéo lấy tay áo hắn, rồi gói một cục than len lén bỏ vào ống tay áo mà Pháp Minh không hề hay biết. Gã ngừng đọc kinh, nhìn xoáy vào hai chiếc bánh dầy nóng hôi hổi trên ngực người ấy mà thèm thuồng thích thú. Tuy nhiên lẩm nhẩm ngồi đọc kinh, nhưng trong bụng gã luôn luôn nghĩ kế để gần cô. Một lát sau mọi người kêu lên:
- Không biết vải ở đâu cháy mà khét thế.
Mọi người nhìn nhau nhưng không biết là cháy ở đâu. Lát sau thấy tay áo Pháp Minh bốc khói, nhìn vào thấy trong ống tay áo có một hòn than, làm cháy thủng mấy chiếc áo mới tinh Pháp Minh đang mặc. Hắn vội kêu lên là: "Vừa rồi cắt bấc nến bị tàn than rơi vào", rồi vội vàng múc nước dội, nhưng mấy chiếc áo đã rách nát như xơ mướp.
Khó cấm ánh mắt thèm thuồng,
Đến nỗi cà sa bốc lửa.
Lũ đàn bà con gái nhìn nhau ôm bụng cười, mặt gã đỏ như gấc chín, bỏ dở đọc kinh về thẳng.
Thế mà máu dê vẫn không chừa. Hắn tức khí cố tìm cho được một người đàn bà. Rất may Pháp Minh gặp một người quả phụ họ Giả, vốn ở một gian nhà trong chùa, do đi lấy tiền thuê nhà mà trông thấy. Chị ta tuổi chừng hai hai, hai ba, cũng có nhan sắc. Giả thị cũng mặt dày mày dạn, đòi sửa chữa, giảm tiền thuê nhà. Pháp Minh cũng tỏ rõ cảm tình, ứng tiền cho chị sửa nhà, rồi thu về sau. Tiền thuê nhà cũng giảm đi chút ít. Dùng ơn huệ riêng để làm thân với chị. Khi chồng ốm chị ta cũng cho sờ mó. Nhưng khi chồng chị ta chết, Pháp Minh đến đọc kinh, tiền phí tổn lễ lạt đều cho chịu, chờ cơ hội sẽ kiếm chác. Những nhà hàng xóm đều là khách thuê nhà, họ cho rằng Pháp Minh là loại sư hổ mang, độc ác chẳng khác gì mụ dạ xoa, cho nên không ai dám động đến hắn. Hơn nữa người thuê nhà lại ở gần vườn chùa nên rất thuận tiện. Chồng chị chết chưa đủ trăm ngày, đêm nào cũng thế hắn trốn sư phụ một mình đến nhà Giả thị tới canh năm mới bỏ đi. Song hắn vẫn nghĩ thầm: "Tuy ta chiếm được thị nhung vẫn như một thằng ăn trộm, không được thả cửa hành lạc, chẳng thà ta đưa quách cô ta về chùa dùng cho thoải mái, không cần tới con mẹ A Kim nữa, mình ta độc chiếm cô ta".
Quả phụ họ Giả không còn mẹ đẻ, vờ nói với mọi người rằng có một cô gái góa chồng, muốn Giả thị đến ở với cô, thế là Giả thị bán hết đồ đạc, rồi vào một buổi chiều cô ả ra đi. Song cô quay ngoắt vào lối cửa sau chùa, tới nhà phía tây. Vào một ngôi nhà nhỏ, xuyên qua Phật đường, rồi qua một dãy phòng bên. Đây là phòng của Ngộ Thông và Viên Tĩnh. Rẽ qua một lối đi nhỏ thấy một giải tường bao và qua một chiếc cửa nhỏ, thì đây là phòng của Diệu Trí và Pháp Minh. Hai bên là tăng . phòng, ba gian giữa là nơi ngồi nghỉ ngơi, song cửa sơn màu đỏ buông rèm the, phía trước đặt rất nhiều chậu cảnh. Đây là nơi uống rượu cực kỳ thanh nhã. Rẽ sang phòng bên là chiếc cửa quét vôi vào bên trong là chiếc cửa màu tối, đi vào một hành lang. Ngoặt tới là ba gian nhà sâu hun hút, một phòng là của A Kim, một phòng dành cho Giả thị. Hai người gặp nhau, họ đều ngỡ ngàng. Diệu Trí nói:
- Người cùng một nhà cả, có gì phải nghi ngại.
Bốn người cùng ngồi quân quần bên nhau, bọn chúng rất mừng vì hai người đàn bà này đều mặt dày mày dạn. Chúng vui vẻ ăn uống với nhau, sau đó bốn đứa cùng nằm chung một giường. Quả là:
"Ong dạo chơi vườn đào, bướm nhởn nhơ suối mận. Chấp chới cánh bay, sà xuống hoa tươi, chui vào nhụy ngát. Mềm mại non tơ, khi đón ong vàng, khi vờn bướm trắng. Cành hoa run rẩy sương mai thấm đẫm chưa tan. Cuộc chiến say mèm, người mệt lử, vườn hoa dốc kiệt hai bầu. Hứng tận ngủ khì, hồ nước xanh trong, bầy uyên ương nằm bừa trên bãi cỏ. Quả là kể chi ô uế cửa thiền, chỉ cốt xuân tình tràn trề nơi cõi Phật".
Cả hai vô cùng khoái lạc!
Bỗng một hôm Viên Tĩnh tất tưởi đi tới, mặt tái nhợt. Diệu Trí hỏi vì sao, Viên Tĩnh đáp:
- Khó nói lắm. Lâu nay tôi ở nhà Điền Hữu Hoạch, hai bên đối với nhau hết sức thân thiết. Vợ Điền là Hoài thị, thiếp là Nhạc thị, họ đều gọi tôi là tiểu sư phụ. Nhà Điền có hai đứa hầu, một đứa tên là Giang Hoa mười tám tuổi, đứa nữa là Dã Đường mười ba tuổi. Chúng thường tới thư phòng pha trà tiếp nước. Giang Hoa là đứa cực kỳ xinh đẹp, nó thường nói: "Tiểu sư phụ xinh đẹp như thế, em rất yêu sư phụ”. Thế rồi nó lấy túi hương liệu của người thiếp Điền Hữu Hoạch đưa cho tôi, và đưa cả giày cho tôi, buộc tôi phải yêu nó. Trong giây lát tôi không kềm chế nổi bèn quan hệ với nó. Một lần tôi nghỉ ở đó, Điền Hữu Hoạch tiếp rượu tôi mãi tới tận canh một canh hai mới bỏ đi, sau đó Giang Hoa lại ra tiếp rượu tôi, cô ta nói thiếp của Điền Hữu Hoạch mê tôi dẹp trai, muốn gặp tôi.
Khi tôi đi, tự nhiên nó ôm chầm lấy tôi, nói: "Anh yêu của em, chẳng phải bà ấy yêu anh mà ngay em cũng mê anh. Hôm trước anh nằm với bà ấy trong phòng, khiến em uất đến tận cổ! Bà ta đã cướp của em thì hôm nay anh phải đền em". Tôi thấy bà ta đẹp hơn Giang Hoa, bất giác tôi bước vào phòng bà ấy rồi không sao ra được. Tôi đành ở ngay trong đó, quấn lấy bà ấy, suốt cả đêm vất vả. Sáng hôm sau ra muộn, đụng đầu ngay với Dã Đường, luống cuống tôi đánh rơi chiếc trâm cài đầu không ngờ Dã Đường nhặt được đưa cho Hoài thị. Tối qua Hoài thị ghen với Nhạc thị, nên Hoài thị lôi ra nhiếc móc: "Đồ vô liêm sỉ, mày có gã hòa thượng trẻ ấy chưa đủ hay sao còn tranh giành với tao", Giang thị bèn tới nói với tôi: "Nếu Hoài thị đến đôi chối thì cãi làm sao được".
Diệu Trí nói:
- Việc ấy chẳng ngại gì, kẻ ăn chả người ăn nem, thế là huề.
- Không nên nói thế, - Pháp Minh nói, - chúng ta là hòa thượng, có cái hay là chỉ sợ không chơi được thôi, mà chơi rồi thì khi ra cửa quan cũng không thể nói là cưỡng dâm được, và tự nhiên người ta cũng che giấu đi cho. Điền Hữu Hoạch là một gã thủ đoạn, song vì thể diện, hắn cũng không dám thừa nhận việc này. Chỉ có điều từ nay về sau ngươi đừng sa vào đó nữa.
- Đương nhiên là như thế, - Viên Tĩnh nói, - nếu con Giang Hoa muốn trốn theo ta thì ta dứt khoát đón nó ngay, nhất định Hữu Hoạch không dám tới tìm.
- Như thế sao được. - Pháp Minh nói.
Quả nhiên Điền Hữu Hoạch nói là Dã Đường đặt điều, rồi đánh cho Dã Đường một trận. Sau đó Viên Tĩnh không lui tới đó nữa. Song Hữu Hoạch biết đó là sự thực, hắn tạm gác lại, tìm dịp khác để trả miếng.
Từ Châu Đồng người huyện Tung Minh, xuất thân từ giám sinh được về nhậm chức châu Di Trực. Ông ta là người hết sức tham lam độc ác, có một đứa con trai tên là Từ Hành, tự Năng Trường, tuổi xấp xỉ đôi mươi, vợ là Châu thị cực kỳ xinh đẹp. Vì ân ái quá mức nên mắc bệnh suy nhược. Thầy thuốc nói, phải cách ly một thời gian mới có thể khỏi được. Điền Hữu Hoạch nói rằng phải gửi vào chùa. Từ Châu Đồng nói:
- Ta mới nhậm chức, làm thế sao được.
- Tạm trú mấy ngày, - Điền Hữu Hoạch nói, - thì có gì mà ngại.
Thế rồi đưa Từ công tử tới tạm trú ở một gian nhà nhỏ phía tây, và cử hai người tới chăm sóc.
Thỉnh thoảng Điền Hữu Hoạch mang thức ăn tới thăm. Khi thân thiết với Hữu Hoạch, Viên Tĩnh đã nói với hắn nhũng hành tung trong chùa. Thế rồi Điền Hữu Hoạch đem chuyện nói với Từ công tử:
- Thưa công tử, thế công tử đã từng vào bên trong dạo chơi chưa? Trong đó là một phòng đẹp tuyệt vời.
- Tại sao không cho ta mượn?
- Mượn làm sao được!
Điền Hữu Hoạch bén ghé sát vào tai công tử nói một hồi.
Từ Công tử cười nói:
- Có chuyện đó ư?
Thế rồi hai người chia tay nhau.
Điền Hữu Hoạch cố ý lẻn vào phòng Viên Tĩnh, ôm chầm lấy Viên Tĩnh hôn liền mấy cái nói:
- Khỉ ạ, bỏ ta rồi à? Lâu nay không tới thăm ta, hay là ta đã làm anh giận. Không biết anh ghen hãy đã có của lạ Từ công tử mà quên ta.
Hai người ôm chầm lấy nhau cười. Diệu Trí sợ Điền Hữu Hoạch tới tìm Viên Tĩnh có việc, vội chạy tới thì thấy hai người đang ôm nhau cười. Điền Hữu Hoạch vội gọi:
- Diệu Công, anh lại đây! Anh đừng trách tôi. Chúng tôi xưa nay rất thân nhau, có điều anh ấy bị trách móc, nên không chịu đến thăm tôi, hôm nay tôi có ý mang lễ đến nhận lỗi.
Thế rồi Hữu Hoạch lấy ra ba lạng bạc nói:
- Diệu Công, hãy bảo người giúp tôi làm bữa nhắm để mời anh ấy.
- Việc gì phải bắt ông Điền bỏ tiền ra và cũng không bắt phạt Viên Tĩnh. ông đã đến đây thì nhà chùa sẽ thết đãi ông.
Mọi người đều vui vẻ cười, nhắc tới Từ công tử. Điền Hữu Hoạch nói:
- Đây là một kẻ bạc tình, - rồi xoa xoa tay nói tiếp, - Từ Châu Đồng là một người độc ác hung bạo, vô phúc người nào bị kiện lên phủ thì mới thấy rõ bộ mặt của ông ta. Bởi thế phải đối đãi với con ông ta thật tử tế.
Lát sau thức nhắm được dọn ra, bốn người chơi trò phạt rượu ăn uống cười đùa với nhau hết sức vui vẻ. Họ kéo tai Diệu Trí đổ rượu, rồi đè cả Pháp Minh dốc rượu vào mũi, ăn uống, trêu chọc nhau hết sức thoải mái.
Rượu tăm rót tràn chén,
Xuân sắc má ửng hồng.
Quen nhau càng thêm lụy,
Có người mắc hiểm nguy.
Quả là thanh nhã tuyệt vời. Một chậu xương bồ đặt trên một chiếc đôn nhỏ, cạnh đó là một chiếc khánh vàng nhỏ. Từ công tử gõ nhẹ, chiếc khánh vàng kêu lanh canh mấy tiếng, bỗng nghe thấy cánh cửa kẹt mở. Hai người đàn bà cười hi hí bước ra, nói:
- Anh đầu trọc nào tới đấy?
Rồi hai người đàn bà bước ra giữa nhà, không ngờ Từ công tử đứng né vào chặn lấy cửa rồi nói:
- Thích chơi hòa thượng, bây giờ hãy thử chơi ta đi.
Từ công tử ngước mắt nhìn thì thấy: "Một người vú to ngực mẩy, một người đầu nhọn mình thon. Một người béo cùn béo cụt trông như bị thịt, một người gầy nhỏm gầy nhom chẳng khác cò rui. Một người lông mày tô đậm, mặt bự phấn son, dáng vẻ phong tình; một người bím tóc để xõa ngang vai, dáng trông yểu điệu. Là cỏ bồng trong bãi hoang vu, là ma vương trong đàn quỷ đói".
Hai người này cứ đòi vào song không sao vào được. Từ công tử vênh mặt đứng nhìn.
Lúc ấy chú tiểu đồng bưng trà tới, không thấy Từ công tử, bèn đến chỗ Điền Hữu Hoạch hỏi:
- Từ công tử đâu rồi?
Điền Hữu Hoạch giả vờ say, trừng mắt nói:
- Chắc Từ công tử lên điện thờ dạo chơi cho khuây khỏa.
- Rồi lại giục Pháp Minh:
- Anh nên đưa Từ công tử đi vãng cảnh chùa.
Pháp Minh trở ra thì thấy tiểu đồng cuống quít vội vàng nói:
- Từ công tử đang ở trong hiên.
- Thì hãy cứ để cho công tử vui lòng làm việc công đức.
Diệu Trí nghe thấy rất lo lắng, chạy xộc vào, thấy công tử đang chặn ngang cửa, A Kim và Giả thị đang đứng trơ ra đó, sững sờ kinh sợ. Từ công tử nói:
- Hòa thượng ghê thật, đã làm một việc tuyệt vời. Ta ở đây hãy bảo họ tiếp ta một chút sao lại chỉ lạc thú một mình. Hãy gọi người trói gã đầu trọc lại cho ta.
Bất chợt, Diệu Trí không biết làm thế nào, vội vàng cúi đầu cầu xin:
- Xin công tử che chở.
Cửa thiền tầng tầng khóa,
Giấu kín sắc khuynh thành.
Gió đông nhòm khe hở,
Tin xuân tiết lộ ra.
Từ công tử lắc đầu đòi phải xử.
Điền Hữu Hoạch giả vờ say, ngật ngưỡng xông vào, nói:
- Lạ thật! Tôi qua lại đây đã lâu mà không biết nhỉ?
Nhìn thấy hai người đàn bà, hắn nói:
- Ở đâu mà nảy nòi ra hai con đĩ này? Hay là lũ gái điếm công tử rủ vào đây? Công tử đừng làm ô uế Phật đường.
- Phật đường đã bị ô uế từ lâu, hôm nay ta phải làm cho nó trong sạch lại.
Điền Hữu Hoạch bèn kéo Diệu Trí lại nói:
- Công tử rất thoải mái phóng khoáng.
Diệu Trí khấu đầu van lạy.
Từ công tử nói với Điền Hữu Hoạch:
- Hai gã đầu trọc, không biết chúng bắt hai con này ở đâu về gian dâm. Tôi ngẫu nhiên vào đây trông thấy. Nhất định phải giải chúng lên quan trị tội rồi hủy ngôi chùa này.
Điền Hữu Hoạch vội vàng chắp tay lạy như tế sao, nói:
- Thưa công tử, hòa thượng công tử không nể đã đành, nhưng cũng nên nể mặt Phật, hơn nữa xin công tử nể mặt thằng tôi một chút, tha cho họ.
- Khó mà tha được.
- Tôi xin quỳ lạy công tử, xin công tử tha cho họ, họ sẽ biếu công tử năm mươi lạng bạc xơi quà.
- Ta có cần tiền của chúng đâu, ta chỉ cần trừ diệt lũ đầu trọc này.
- Tôi van lạy công tử, xin công tử tha thứ cho họ.
Thế rồi hắn giả vờ liêu xiêu như sắp ngã. Diệu Trí nói:
- Xin công tử nhận lễ cho họ.
- Ta nể ông Điền, các ngươi phải đưa cho ta một ngàn lạng.
- Lấy đâu ra! Lấy đâu ra nhiều thế! - Điền Hữu Hoạch nói. - Có mấy hòa thượng và hai mụ đàn bà, thôi thì xin tạ công tử một trăm lạng.
- Sinh mạng của những kẻ ở chùa này, - Từ công tử nói, nằm trong tay ta sao chỉ có một trăm lạng. Ta sẽ báo cho lý trưởng và đinh tráng tới bắt.
Nói xong công tử quay ngoắt đi. Diệu Trí liều mạng kéo lại Điền Hữu Hoạch nói:
- Thưa công tử, quả thực không lấy đâu ra, thôi thì biếu công tử hai trăm lạng vậy.
Song công tử đâu có nghe, nâng lên gạt xuống, co kéo mãi mới ngã giá là năm trăm lạng. Họ cứ van nài kêu khó khăn, rồi đưa trước hai trăm lạng. Điền Hữu Hoạch tỏ vẻ khó khăn, rồi nhận cho công tử.
Lừa gái đẹp về tay vui thú,
Ngỡ đâu tiền bạc nộp dâng người
Điền Hữu Hoạch nói:
- Hòa thượng, tôi e rằng có thể sinh chuyện, vậy sáng mai hãy thanh toán xong đi.
Không ngờ đến tối, Diệu Trí thở dài thườn thượt, cuối cùng Pháp Minh khôn khéo hơn chút ít, nói:
- Sư phụ, chúng ta giấu quách họ đi, mất tang chứng thì sợ gì hắn nữa. Hắn là con quan đương nhiệm, lại tạm trú trong chùa, ta làm gì được hắn.
- Đúng đấy! - Diệu Trí nói.
Rồi vội vàng vào trong từ biệt hai người. Và ngay đêm ấy, hai người đàn bà mặc áo đen, khăn trùm kín đầu, không dám ra lối cửa trước. Sợ Từ công tử để ý theo dõi nên họ bắc thang trèo qua tường. Pháp Minh cầm đèn lồng đi trước một đoạn khá xa, Diệu Trí đi sau dẫn họ tới am Bồ Đề. Gõ cửa, Tịnh Phạn mở cửa bước ra, thấy Pháp Minh nói:
- Ngọn gió nào đưa hòa thượng tới đây?
- Chúng tôi gửi thầy hai sư phụ.
Họ vào trong am, Tịnh Phạn nhìn thấy nói:
- Tôi thấy hai sư phụ này rất lạ, mà hai sư phụ này cũng không biết tôi. Am này rất nhỏ, nhiều người qua lại, ở đây không được.
Diệu Trí van nài mãi, hứa sẽ nộp ba đồng một ngày, đưa trước mười lạng bạc. Về sau Diệu Trí lâm sự, Tịnh Phạn thấy ở am quá lâu lại chẳng hy vọng gì về tiền nong nên Tịnh Phạn cứ càu nhàu. Hai người đàn bà này không yên tâm đành phải đi tìm khách hàng khác.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết