Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 16 (B)
Diệu Trí Tham Dâm Nên Bị Giết
Từ Hành Tham Của Bị Báo Thù

Hai thầy trò diệu Trí thấy yên tâm, sáng sớm hôm sau Điền Hữu Hoạch tới đòi đủ năm trăm lạng bạc. Hai hòa thượng này cứ đùn đẩy nhau, cuối cùng Diệu Trí nói:
- Tiền tài của hòa thượng là do thập phương tiến cúng, dù có cũng khó mà bỏ ra tiêu, làm sao mà đòi chúng tôi được? Bây giờ chúng tôi chỉ có hai mạng cùng quẫn mà thôi. Nay con quan đương nhậm ỷ thế cha lừa dối người được chăng?
Điền Hữu Hoạch khích vào một câu:
- Hôm qua công tử đã nắm đằng chuôi rồi, bởi thế tôi đã thay mặt hòa thượng hứa với công tử. Nếu muốn lấp liếm thì phải chuyển cái tổ ấy đi.
- Chúng ta vốn chẳng có gì cả.
- Nếu giấu đi rồi thì có thể lấp liếm được, nhưng ngài Từ Châu Đồng còn làm quan ở đây thì e sẽ có hậu họa.
- Chẳng sợ, - Diệu Trí nói, - tôi còn phải kiện hắn là đằng khác.
- Này kiện thì tôi phải là người làm chứng. - Điền Hữu Hoạch nói. - Không lo, tôi sẽ tống khứ nó đi, nhưng hòa thượng phải tạ ơn tôi đấy.
Thế rồi Điền Hữu Hoạch gặp công tử nói:
- Tối qua bọn hòa thượng trở tay không kịp, cầu xin công tử nhân nhượng.
- Tối qua, - Từ công tử nói, - vì ông nói nên tôi mới tha cho chúng, nếu đưa lên cửa quan e rằng chúng sẽ toi mạng, còn nhân với nhượng gì nữa.
Điền Hữu Hoạch kéo ghế ngồi sát vào Từ công tử nói:
- Tang chứng mất rồi, không biết chúng giấu ở đâu, bây giờ còn nói vào đâu được. Công tử hãy về bàn ngay việc này.
- Tất cả việc này đều do ông đánh lừa tôi. - Công tử giả vờ nói. - ông hòa hoãn với tôi để cho bọn hòa thượng trở mặt.
- Công tử ạ! Điền Hữu Hoạch nói. - Khi cần buông thì phải buông.
- Ông lừa dối tôi! Ông đã lừa dối tôi!
Thế rồi công tử đứng dậy bỏ đi.
Điền Hữu Hoạch nói với Diệu Trí:
- Nay hắn đã bỏ đi, thì nhất định hắn sẽ nói với ngài Từ Châu Đồng, chúng ta phải thu xếp việc này ngay mới dược.
- Đối với hòa thượng chúng tôi, - Diệu Trí nói, - giữa tiền tài và tính mệnh thì tính mệnh có là cái quái gì đâu, hai trăm lạng cũng là quá nhiều rồi. Nếu hắn được đưa lên cửa quan ông cứ làm chứng bừa cho tôi thì nhất định hai trăm ấy phải trả lại tôi.
- Được được - Điền Hữu Hoạch nói.
Từ công tử bỏ về. Quả nhiên nói chuyện ấy với Từ Châu Đồng, Từ Châu Đồng nói:
- Sao không sai người về báo ngay cho ta. Có thể được tới ngàn lạng chứ chẳng vừa, nay thì đã buông ra mất rồi.
- Hôm qua, - Từ công tử nói, - nó đã đưa cho con hai trăm lạng, còn ba trăm lạng nó bảo hôm nay đưa nốt nhưng bây giờ thì nó lật mặt.
Từ Châu Đồng giậm chân nói:
- Con khờ dại quá! Khờ dại quá! Nhưng không ngại, đã có ta.
Thế rồi Từ Châu Đồng gói một lạng bạc gọi một người sai nha tới, đưa cho Diệu Trí và nói rằng: "Quan lớn nói là công tử ở đây đã làm phiền các vị, quan lớn tỏ lời cám ơn, đây là số tiền công ít ỏi mong các vị nhận cho. Công tử uống nước suối chỗ các vị rất tốt, vậy phiền các vị lấy cho hai bình".
Thấy thế hai hòa thượng rất đắc ý, nói:
- Thôi chúng tôi không nhận tiền của quan lớn đâu. Còn như cần nước thì tôi bảo Viên Tĩnh lấy cho hai thùng.
Sai nha trở về. Từ Châu Đồng chỉ mong sai nha về là nổi giận. ông ta đổ ngay nước đi và nói đây không phải là nước suối và bắt phải đi đổi nước khác. Sai nha đổ nước và lại mang hai bình đi. Từ Châu Đồng càng nhìn càng giận dữ.
Điền Hữu Hoạch vốn muốn trả thù bọn hòa thượng, và Hữu Hoạch cũng đang muốn đòi hòa thượng phải trả ơn mình ít ra là trăm lạng. Thấy sự việc xảy ra như thế Hữu Hoạch cố ý nói khích với Từ Châu Đồng rằng:
- Chúng còn bảo đưa lên quan kiện công tử.
Từ Châu Đồng như lửa đổ thêm dầu, phải kiếm cớ để thanh toán bọn này.
Đúng lúc ấy bản châu mới bắt được toán cướp Dương Long. Từ Châu Đồng bảo bọn ngục tốt mớm lời cho bọn này khai ra sào huyệt thì Từ Châu Đồng sẽ tha cùm kẹp. Quả nhiên Dương Long đổ riệt cho bọn sư chùa này. Thế là Từ Châu Đồng ra lệnh cho sai nha đi bắt ngay Diệu Trí và Pháp Minh. Trước hết hai người này phải nộp tiền lệ phí cho sai nha. Hai hòa thượng tới công đường, Từ Châu Đồng chẳng cần hỏi han gì, bèn sai người cùm kẹp tra tấn bắt phải nhận tội. Hai người thà chết không khai, thế là tống ngay vào nhà giam.
Điền Hữu Hoạch nói:
- Trong chùa còn có Viên Tĩnh, là người coi giữ tài sản, cũng phải bắt ngay.
Từ Châu Đồng cho người bắt Viên Tĩnh và đưa ra kẹp ngay, rồi sai Điền Hữu Hoạch nói với Viên Tĩnh phải đưa một ngàn lạng bạc. Viên Tĩnh đành phải bán hết ruộng vườn, gom mãi mới được năm trăm lạng. Nhờ Điền Hữu Hoạch mang đi. Nhân cơ hội ấy Điền Hữu Hoạch được Viên Tĩnh chuyển cho mười mẫu đất.
Không ngờ Từ Châu Đồng lòng tham vô đáy, lại cho bắt Viên Tĩnh tới cùm kẹp. Diệu Trí là một sư hổ mang, tức uất đến cổ gào lên chửi:
- Ta bắt trộm đàn bà, việc ấy đáng phải tội, song còn ngươi lừa của ta năm trăm lạng bạc ngươi vẫn chưa vừa ý ư? Cướp không bằng ấy tiền thì con trai ngươi sẽ là kẻ cướp, con gái ngươi sẽ là đồ đĩ.
Châu Đồng chẳng còn mặt mũi nào, hắn nổi giận lôi đình, nói:
- Thằng trọc điêu oa này, mày là kẻ cướp còn trách ta thi hành luật pháp sai, làm ô nhục cả ta.
Thế rồi Từ Châu Đồng lôi họ ra đánh mỗi người bốn mươi gậy lại bàn với con rằng không thể để tho bọn ác tăng này sống, rồi làm tờ trình ghép họ vào tội chết đệ lên cấp trên. Thương thay lũ ác tăng bị bọn ngục tốt bỏ vào quan tài rồi đắp lên mặt tập giấy sũng nước. Bọn ngục tốt nói:
- Chẳng có liên quan gì đến chúng tôi, oan có đầu, nợ có chủ, ngươi đi mà tìm ngài Từ Châu Đồng.
Chỉ ít phút sau không thở được rồi chết. Khác hẳn với Hữu Doanh, vì say mà chết.
Nốc rượu cuồng dâm cười tít mắt,
Lược gương son phấn hại cà sa.
Giờ đây người đẹp đi đâu nhĩ
Tì bà réo rắt gẩy ai nghe.
Trong chùa Ngộ Thông tuổi cao sức yếu nghĩ rằng mình chịu khổ hạnh để giành lấy y bát(1) nay bỗng mất hết, cuối cùng do uất ức mà chết. Viên Tĩnh bị khép vào tội oa trữ, buộc phải tự treo cổ - nguyên nhân chỉ vì gian dâm với người thiếp của Điền Hữu Hoạch mà nhen lên ngọn lửa hận thù, còn Diệu Trí và Pháp Minh vì gian díu với đàn bà nên gây ra mầm tai họa, bởi thế tự dưng biến Phật đường đến mức tan nát như thế.
(1) Y bát: áo cà sa và bát trong Phật giáo do sư phụ truyền cho (ND).
Từ Châu Đồng vì quá tham lam tàn khốc nên đã bị đuổi về, mấy kẻ tâm phúc của hắn trong nha môn cũng bị khép tội. Điền Hữu Hoạch nhúng tay vào vụ này cũng bị bỏ tù. Nhân dân trong vùng định cướp hành lý của Từ Châu Đồng. Mặc dù lão ta đã bí mật sai nha lệ vận chuyển đi trước, song cũng bị người ta cướp mất rất nhiều. Từ Châu Đồng giả vờ đi chào từ biệt quan trên, song hắn trốn ngay xuống thuyền, nhưng đã thấy bốn hòa thượng đang đứng trên thuyền, một người già không biết là ai, còn ba người kia na ná như Diệu Trí, Pháp Minh và Viên Tĩnh. Từ Châu Đồng vội vã bước vào khoang. Mấy ngày liền Từ Châu Đồng ngơ ngác sợ hãi, hễ nhắm mắt là thấy bốn hòa thượng kia. Rồi cứ luôn mồm nói một mình rằng: "Tội của họ không đến nỗi chết, họ chỉ tức giận vì công tử đã tống tiền họ thôi. Song cha con ta đã lấy tiền của họ, tại sao còn giết chết họ? Thật là vô đạo đức". Bệnh tình Từ Châu Đồng càng ngày càng trầm trọng. Về tới nhà ông ta lập đàn cúng bái để giản oan, nhưng cầu sao được, cuối cùng hắn đã chết. Trước lúc lâm chung Từ Châu Đồng dặn con rằng: “Việc sai trái đừng làm, tiền phi pháp chớ tham".
Cười kẻ mưu sinh làm trâu ngựa,
Lòng tham vô đáy túi đầy vàng.
Hay đâu vàng hết người cũng chết,
Để lại ô danh chốn thế gian.
Từ công tử mừng thầm, của vẫn còn thì sau này Từ công tử sẽ lo liệu ma chay cho cha thật linh đình, song gã lại cũng luôn luôn hối hận rằng mình đã lấy không của Diệu Trí hai trăm lạng bạc, mình sẽ nói với cha thế nào đây, và cũng vì thế đã gây ra biết bao chuyện, và cũng dần dần nhận ra sai lầm. Trước đây hắn lấy Châu thị hiền dịu xinh đẹp, vợ chồng sống với nhau rất hòa thuận. Giờ đây tính khí anh ta thay đổi, cứ động một tí là chửi nhau. Nhà vốn có hai gia nhân, nay người quản trang trại và ruộng đất vắng nhà nên chỉ còn lại một người giúp việc là Từ Phúc trạc ba tư ba lăm tuổi, một đứa hầu gái tên là Thúy Vũ mười lăm tuổi, một thằng nhỏ tên là Uyển Nhi mười ba tuổi. Từ Hành là kẻ công bất thành danh bất toại, hàng ngày hắn di lang thang chơi bời thành kẻ du đãng, la cà nơi đường hoa ngõ liễu, Châu thị ở nhà cam phận sống lặng lẽ cô đơn. Hắn lại nghĩ mình đi chơi gái thì chắc vợ cũng sẽ rước trai về nhà. Hắn còn đưa cả Thúy Vũ vào phòng ngủ với nó hàng nửa tháng trời, không hề lai vãng tới phòng Châu thị. Vì hắn không đến nỗi hung bạo, nên hắn tới hay không Châu thị cũng cứ mặc hắn, chẳng nói năng gì. Song ngược lại, Từ Hành vẫn nghi ngờ vợ, hắn thường rắc tro ngoài cửa phòng Châu thị, hoặc dán giấy niêm phong vào cánh cửa để đánh dấu. Châu thị biết nhưng chỉ cười mai mỉa khinh bỉ. Song cũng rất lạ, giấy dán trên cửa thường bị chuột cắn nát, tro rắc trước cửa cũng bị mèo chó cào bới lung tung. Thế là hắn chửi bới om sòm. Châu thị là người biết giữ bổn phận, nín nhịn chịu đựng, không hề to tiếng với hắn nửa lời. Song hắn lại cho rằng vì có tình ý riêng nên Châu thị không dám cãi và càng ngờ vực.
Một hôm hắn vừa về đến nhà thấy một hòa thượng trẻ đi vào, Từ Hành vội vàng đuổi theo đến chỗ rẽ thì hòa thượng mất hút. Gã xông thẳng vào buồng Châu thị thì thấy Châu thị đang ngồi một mình thêu khăn. Châu thị ngẩng đầu lên thấy Từ Hành trợn trừng mắt hằm bằm nhìn mình. Không biết vì sao Châu thị tỏ ra lo lắng hoảng hốt. Từ Hành chạy xộc vào phòng lật chăn chiếu lên, nhìn xuống gầm giường, lấy gậy khua lên trần nhà, rồi lại nhảy lên xem. Sau đó hắn mở cả hai chiếc tủ ra tìm, rồi lục soát khắp mọi nơi. Châu thị cứ ngẫm nghĩ cười khinh bỉ. Thế mà hắn vẫn nói: "Ngươi giấu tài thật, giấu tài thật!" Sau đó hắn lại ra ngoài tìm kiếm khắp mọi nơi. Gọi Thúy Vũ lại hỏi, Thúy Vũ cũng nói là không thấy. Tra khảo Uyển Nhi, Uyển Nhi cũng nói không có. Từ đó hắn không hề lui tới phòng Châu thị nữa. Tối nào hắn cũng tự mình khóa hết lần cửa này đến lần cửa khác rồi đánh dấu cẩn thận.
Thấy thế Châu thị rất buồn, nghĩ mình bỗng dưng vô cớ bị chồng nghi ngờ, thà chết quách đi cho xong. Song vợ Từ Phúc là Hòa thị nói với chị rằng:
- Nếu như bà chết đi thì làm sao rửa được nỗi oan. Cố gắng chịu được một thời gian ngắn, nhất định sự việc sẽ sáng tỏ. Lúc đó ông nhà bình tâm lại thì sẽ sống yên ổn hòa thuận. Người xưa nói: chết trong không bằng sống đục. Hãy bình tâm lại.
Ngày buồn mù mịt tựa đêm đen,
Nước mắt đầm đìa rửa nỗi oan.
Nỗi đau biết ngỏ cùng ai nhỉ,
Chỉ thêu tơ rối chẳng thành hàng.
Thư phòng của Từ công tử với phòng ngủ của Châu thị chỉ cách nhau một bức tường. Hôm ấy trời đã tối, Từ công tử lững thững dạo chơi ngoài vườn hoa. Chợt thấy một bóng người, nhìn kỹ thì đó là hòa thượng trẻ tuổi, đẹp trai ngồi trên tường, tươi cười nhìn vào phòng ngủ Châu thị. Từ công tử tức giận, nhặt một hòn gạch ném hòa thượng. Hòn gạch vướng vào cành cây rơi xuống đất. Hòa thượng vội nhảy xuống, Từ công tử đùng đùng nổi giận.
Sau tường hoa lay động,
Dưới trăng thoắt bóng người.
Nghĩ rằng nơi màn trướng,
Hai sao nhấp nháy soi.
Từ Hành nghĩ: "Được, được! Hôm nay bắt quả tang ta sẽ giết chúng chứ không tha”. Thế rồi Từ vào thư phòng lấy thanh kiếm mài sắc, xông vào phòng. Hắn lại nghĩ: "Đừng vội, hãy lắng nghe xem sao". Thấy trong phòng có tiếng động, hắn nghĩ: "Con dâm phụ với thằng trọc đầu đang thích thú lắm đây". Hắn lấy chân đạp tung cửa phòng. Châu thị giật mình tỉnh giấc hỏi ai đấy. Từ công tử vung kiếm chém lia lịa. Châu thị không phòng bị thì làm sao mà chống đỡ được. Thương thay người đàn bà xinh đẹp vô tội, bị lưỡi kiếm oan nghiệt giết chết.
Tấm thân son phấn oan khó gỡ,
Má đào máu đỏ sắc hồng pha.
Chiếc đèn trên bàn khi mờ khi tỏ. Từ công tử cầm đèn soi, chỉ thấy trên giương có một mình Châu thị, cuộn tròn trong chiếc chăn, mấy nhát kiếm chặt đúng vào người, Châu thị đã tắt thở. Từ công tử tin rằng tên trọc đầu nhất định không thể trốn thoát, lại nghe thấy có tiếng động dưới gầm giường, hắn nghĩ: "Thằng trọc đang dưới đây". Hắn cúi xuống đâm bừa vào gầm giường thì thấy con chó liều mạng nhảy chồm qua mặt.
Từ công tử giật thót mình, nghĩ: "Vừa rồi đúng là mình nghe thấy tiếng động của con chó. Mình lú lẫn cứ tưởng là gã hòa thượng. Giờ thì quả là không có hắn thật rồi". Hắn ngồi chết lặng đi, nghĩ: "Việc này nên giải quyết thế nào, giờ thì chẳng kể gì đến tiếng xấu hay sinh mạng nữa". Hắn xách kiếm đi ra nhà ngoài gọi:
- Từ Phúc! Từ Phúc!
Hòa thị đáp:
- Hôm qua ông sai Từ Phúc xuống trang trại, nay chưa về.
Từ công tứ nghĩ: "Thế phải giải quyết sao đây?”. Hắn lại vội vã chạy đến chỗ Uyển Nhi, gọi đến tám chín lần mới thấy nó thưa rồi lại im bặt. Từ công tử sốt ruột, chờ một lát mới thấy nó ngái ngủ bước ra, hắn rút luôn kiếm chém một nhát, Uyển Nhi chết. Một lúc chém chết hai người, chân tay Từ Hành bủn rủn, hắn nghĩ một hồi rồi cắt luôn hai chiếc đầu.
Đến khi trời sáng, Hòa thị và Thúy Vũ ngủ dậy, thấy xác Uyển Nhi nằm vật dưới đất, trên chiếc bàn trong phòng để hai chiếc đầu, công tử đang ngồi đó, tay lăm lăm chiếc kiếm, trên giường, Châu thị máu chảy đầm đìa. Hòa thị nghĩ thầm: "Đây là do chồng Châu thị gây ra, nếu không thì là Uyển Nhi". Sáng hôm ấy Từ công tử ăn cơm sáng bình thường rồi xách hai chiếc đầu đi. Hai người khóc lóc than vãn, kêu rằng Châu thị chết oan.
Công tử xách hai chiếc đầu lên huyện, khiến cả thành náo động, nói rằng Từ công tử đã giết chết gian phu dâm phụ, cũng có người kéo đến nhà xem, cũng có một số người kéo nhau lên huyện xem, họ bảo rằng công tử là người có khí phách đàn ông. Ngay nhà họ Châu có hai ba vị tú tài cũng xấu hổ không dám ló mặt ra, chỉ sai người đi nghe ngóng tin tức mà thôi.
Lát sau quan huyện lên công đường xét xử vụ án. Quan huyện họ Nhiêu, người Quý Châu, được triều đình tiến cử. Là viên quan có tài năng, nên khi xét xử một vụ án ông rất bình tĩnh và thận trọng. Công tử xách hai chiếc đầu tới công đường đưa đơn kiện, nói:
- Con là Từ Hành, con của Từ Châu Đồng, vợ con là Châu thị đã gian dâm với đứa ở là Uyển Nhi, con đã giết chết và mang đầu tới trình quan. Ngài Nhiêu bước ra khỏi chỗ ngồi, nói:
- Quả là một người đàn ông dũng khí. Đây là việc làm của một người trọng danh dự.
Thế rồi ông xem qua hai chiếc đầu, đó là đầu một người đàn bà xinh đẹp và đầu một thằng nhỏ tóc mới chấm ngang. mày. Ngài quan huyện hỏi:
- Thằng nhỏ này bao nhiêu tuổi?
- Nó mười bốn tuổi, Từ Hành nói.
Ngài nhắc cái giải buộc, kéo nghiêng chiếc đầu xem. Rồi ngài lên ngay kiệu lại nhà Từ công tử điều tra sự thực. Người theo sau xem đông nghịt.
Ngài quan huyện xuống kiệu, nói:
- Thi thể ở đâu?
- Thi thể trong phòng. - Từ công tử nói.
Ngài bước vào phòng, thấy thi thể mất đầu đang nằm trên giường, trên người bị mấy nhát kiếm, người bị chém còn cuộn trong chăn. Xem xong ngài nói:
- Thằng nhỏ ở đâu?
- Ở trong bếp. - Từ đáp.
Ông tới bếp xem thì thấy xác thằng nhỏ đang nằm trên nền đất, mình bị chém một nhát kiếm. Nó vẫn còn mặc quần áo. Quan huyện lấy chiếc quần của nó xem. Thế rồi ông gọi người khóa tay công tử, đồng thòi giải cả Hòa thị và Thúy Vũ lên huyện tra hỏi:
- Từ Hành, mày là thằng khốn kiếp! Xưa nay bắt gian dâm là phải trai trên gái dưới. Song đây thì một người ở trên giường, một người ở dưới bếp thì khó mà bảo là họ gian dâm được. Hơn nữa thằng nhỏ còn là một đứa trẻ con sao ngươi lại vu cho nó. Đây đúng là vợ chồng bất hòa, ngươi giết vợ rồi lại giết bừa một thằng nhỏ để giải thoát. Ngươi lừa dối ai chứ không lừa được ta đâu.
Thế rồi ông sai người kẹp Từ Hành.
Từ Hành nói:
- Quả thực con thấy một hòa thượng trèo tường vào phòng vợ con khiến con tức giận rồi giết thị.
- Vậy thì thằng nhỏ đã bị ngươi giết oan. Ngươi bảo có một hòa thượng thường lai vãng đến nhà, vậy hòa thượng ấy tên gì?
Từ Hành không sao trả lời được. Ngài quan huyện sai người đưa gã ra ngoài hiên. Gọi Hòa thị tới hỏi:
- Thường ngày Châu thị có gian dâm với ai không?
- Thưa ngài, hằng ngày Châu thị vẫn chỉ ở một mình trong phòng, không gian dâm với ai. Con chỉ thấy công tử đi chơi gái, suốt ngày không ở nhà, rồi nghi ngờ vợ ở nhà gian dâm, ngày nào họ cũng cãi nhau. Tối qua Uyển Nhi không vào phòng Châu thị. Không biết vì sao công tử giết Châu thị lại giết luôn cả Uyển Nhi.
Sau đó ngài hỏi Thúy Vũ, Thúy Vũ cũng khai như Hòa thị Quan huyện nói:
- Từ Hành, ngươi giải thích thế nào đây?
Từ Hành đành phải khai rằng, vì nghi ngờ vợ gian dâm nên đã giết vợ, lại sợ phải đền mạng nên giết luôn cả đứa ở để thoát tội.
Quan huyện đùng đùng nổi giận nói:
- Đã giết người lại còn làm ô nhục thanh danh người ta, ngươi quả là độc ác đến cùng cực. Hãy mang hắn ra đánh bốn mươi gậy.
Lúc ấy mấy vị tú tài mới tới, nói:
- Cầu mong quan lớn theo pháp luật bắt hắn phải đền mạng để giải nỗi oan cho người đã chết.
- Phải đền mạng là đúng rồi, không cần phải nói.
Thế rồi ngài luận tội:
"Chồng Châu thị là một kẻ ngang ngược và độc ác, đã điềm nhiên tự thú không chút oán hận đó là điều tốt. Song Từ Hành vì nghi ngờ mà giết vợ, sau lại vu cho đứa ở gian dâm, quả là kẻ gian ngoan quỷ quyệt. Theo luật, vô cớ giết vợ phải khép vào tội treo cổ!".
Từ Hành vô cớ giết người ở, nhẹ thì cũng bỏ tù, song theo luật vô cớ giết vợ thì chờ đến mùa thu sẽ hành quyết. Giải tới viện chờ hình sảnh bản phủ phúc thẩm.
Từ Hành dùng tiền đút lót để chạy tội. Song tội ác đó là sự thực, ai cũng căm giận thì thoát chết sao được. Quan hình sảnh nói:
- Từ Hành vô cớ giết hại hai mạng người, dù có treo cổ cũng chưa đủ tạ oan cho hai người. Tội ấy là sự thực, không thể chối cãi được Nhiều lần bị giải đi xét xử, rồi Từ Hành bị chết trong nhà tù.
Nỗi gan phải trả sao thoát được,
Hồn về cát bụi cũng chẳng tha.
Hai gã trọc đầu ô nhục ấy,
Đầu lâu phải xơ xác trong tù.
Người đáng thương nhất trong chuyện này là Châu thị, vì bị nghi ngờ mà chết. Thứ hai là Đỗ Hữu Danh, vì say mà chết. Ngoài ra Diệu Trí, tuy chết vô tội, song thực ra là đền mạng cho Đỗ Hữu Danh. Cha con Từ Hành cũng chết để đền mạng cho Diệu Trí, Pháp Minh. Pháp Minh bị tử hình, Viên Tĩnh bị treo cổ cũng là không tuân theo luật của người tu hành, gian dâm với đàn bà mà bị quả báo. Điền Hữu Hoạch tham dâm để lại tiếng xấu ở đời, lừa dối người mà đắc tội, ấy cũng là bài học cho những kẻ tham lam độc ác. Tóm lại, rượu chè, trai gái, tiền của và sự giận dữ nhất định sẽ dẫn đến tai họa. Ta nhắc tới chuyện này cốt mong ngươi đời phải tỉnh ngộ.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết