Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 17
Tám Lạng Bạc Giết Hai Mạng Người,
Một Tiếng Sét Diệt Bảy Tên Hung Ác

Ý trời luôn sáng tỏ,
Lòng tốt đời vẫn còn.
Mưu sâu thật gian ác
Bẫy hiểm đang rập rình
Gương sáng, gian khó giấu
Uy thần, ác phải trừ.
Sống luôn luôn thận trọng,
Tàn ác trời chẳng tha.
Nếu mọi người biết giữ mình thì chẳng sợ gì sấm sét. Người luôn luôn có lòng tốt ta chưa từng thấy họ bị sét đánh bao giờ. Pháp luật tuy nghiêm, song có thể dùng tiền để chạy tội, dùng thế lực để xin xỏ. Chỉ có sét là chẳng kể gì đến giàu có và thế lực. Bởi thế thấy có một con trâu bị sét đánh, trên mình trâu thấy có mấy chữ đỏ, người ta bảo đó là Lý Lâm Phủ thời Đường. Ba đời phải làm đĩ, bảy đời phải làm trâu. Đấy là sét đánh kẻ gian dâm. Ở Diên Bình sét đánh ba người đàn bà độc ác ngỗ ngược, một người biến thành trâu, một người biến thành lợn và một người biến thành chó. Đấy là sét đánh kẻ ngỗ ngược. Lại có một con rết bị sét đánh, sau lưng nó có ba chữ "Tần Bạch Khởi". Hắn từng chôn sống hai vạn quân lính. Đó là sét đánh kẻ tàn bạo. Có một kẻ chiếm đất của chị dâu góa chồng, bỗng thấy sét đánh, người ấy bị trói và nhà của hắn bị dời khỏi khu đất của chị dâu. Đó là sét đánh kẻ tham lam. Có một người đàn bà cưới con dâu về thì gia tài khánh kiệt, bà phải đi ở cho người khác để lấy tiền trả nợ. Người con dâu về không thấy mẹ chồng, hỏi chồng mới biết rõ nguyên do. Người con dâu bèn mang trang sức của mình bán đi để chuộc mẹ chồng về, song bị kẻ hàng xóm cướp mất. Chị uất ức quá treo cổ tự tử. Bỗng sét đánh chết tên hàng xóm ấy, bạc lại trả về tay chị. Người con dâu thắt cổ chợt nghe tiếng sét mà sống lại. Đấy là sét đánh kẻ cướp, chẳng cần phải nói cũng đủ biết trời rất gần ta.
Trong cuốn Truyết canh lục có ghi: "Có một kẻ mưu hại đứa cháu mồ côi, hắn sai đứa ở đút tiền cho người vú nuôi để người này bôi thuốc độc vào đầu vú. Khi đứa bé ấy sắp bú thì một tiếng sét nổ vang trời, đứa ở và mụ vú nuôi ấy bị sét đánh chết, đứa bé chẳng hề kinh sợ gì cả. Nếu như chỉ chậm lại trong giây lát thì đứa bé ấy ắt phải chết". Đấy là sét đánh cấp bách. Thật là một điều kỳ lạ. Lại có một lần sét đánh chết một lúc bảy tên cướp đã cướp của giết người cứu sống hai nhân mạng. Quả là chuyện ấy còn lạ hơn nữa.
Truyện kể rằng ở làng Lưu Thành, huyện Gia Định, phủ Tô Châu, có một người tên là Nguyễn Danh Thắng, con cả trong gia đình, có biệt hiệu là Kính Pha. Mẹ Thắng là Ôn thị, tuổi ngoài sáu mươi, vợ là Lao thị trạc ngoài hai mươi cũng là người có nhan sắc. Ba người đều sống trong ngôi nhà nhỏ, có dăm bảy mẫu đất, lại thuê mấy mẫu, sáng cày tối bừa, chịu thương chịu khó, không nề gian khổ. Ôn thị là người giỏi giang, chị kéo được những cuộn sợi gai đẹp, và dệt được những tấm vải đẹp như lụa. Hàng ngày ngoài việc chải đầu, rửa mặt và nấu ba bữa cơm ra, chẳng lúc nào chỉ được rảnh tay. Sáu bảy nhà hàng xóm đều ở rải rác, chị cũng chẳng khi nào la cà tới nhà họ chơi bời. Những món ăn chỉ làm cái gì ngon thì để phụng dưỡng mẹ chồng, rồi sau đó để dành cho chồng, còn lại chị mới ăn, chẳng bao giờ chị tỏ ra là người tham ăn. Gia cảnh ngày càng sa sút, mặc dù chồng không kiếm ra tiền, nhưng chị không bao giờ oán giận hoặc chì chiết. Chẳng những vợ chồng sống với nhau hòa thuận vui vẻ, mà mẹ chồng cũng rất quý mến chị và ngay cả những người trong làng ai cũng tấm tắc khen ngợi chị. Họ bảo rằng anh Thắng lấy được người vợ tốt, vừa chịu thương chịu khó lại vừa hiền lành hiếu thảo.
Tuy chị đảm đang, song những việc giao thiệp bên ngoài phải hoàn toàn dựa vào chồng. Rất tiếc chồng chị lại là người thật thà và nhút nhát như con gái, không biết nói năng. Thuế má vùng Tô Tùng rất nặng, chẳng khác hổ đói nhai xé thịt người. Bạc đã đủ rồi còn phải trừ hao đi hai ba phân, thóc thuế đã đủ cũng phải trừ hao bốn năm phân. Biết bao việc phu phen, tạp dịch đều phải quy ra bạc để trả. Bọn lý trưởng kỳ hào chẳng hề thương xót mà càng ra sức bóp nặn họ.
Khi nộp tô, những người thuê ruộng giả nghèo giả khổ, xin chịu lại mấy thăng họ cũng đòi phải trả cho bằng đủ. Lần này dù van nài cũng không được, thế là lại đong ra cho chủ ruộng từng thăng một, song rốt cục vẫn cứ thiếu mấy thăng. Nông dân không biết nói dối, có những người thuê ruộng khác giảo hoạt, đã rảy nước hay nước muối vào đánh lừa là thóc ruộng trũng. Hoặc có người lại nấu nồi cháo loãng quấy cám vào rồi trộn với gạo cho nhiều thêm. Nông dân là người yên phận, nên những điền chủ cứ đến thu tô đầu tiên để lấy cớ bắt những người khác làm như nông dân. Bởi thế không những Thắng thiệt mà người khác cũng chịu thiệt lây, họ quay ra oán hận, chửi bới, thậm chí còn định đốt nhà, Thắng phải van xin họ tha cho.
Người già ngày càng già đi, chỉ ăn mà không làm. May mà trong nhà Lao thị đảm đang, chỉ ở nhà quay tơ dệt vải. Vì hoa lợi đất đai có hạn nên phải đi mua thóc ngoài. Song nông dân lại mua đắt, tiền nhiều mà hàng mua về lại ít. Tơ và vải do Lao thị làm ra thì Thắng phải đi bán nhưng lại bán rẻ. Bởi thế họ sống hết sức tằn tiện, đói khát nhưng vẫn không đủ ăn. Mà đã đi làm thì phải ăn, hằng ngày Lao thị phải nấu mấy bát cơm cho chồng ăn để đi làm, sau đó nấu cháo đặc cho mẹ, nghĩ rằng mẹ đã già đói không chịu được, còn chị chỉ húp vài bát nước thừa loáng thoáng mấy hạt gạo. Quần áo thì mùa đông cũng như mùa hè, Lao thị chỉ mặc bộ quần áo vải gai vá chằng vá đụp, chồng chị thì mặc chiếc áo cộc ngủn cộc ngẳn, tay không che kín khuỷu và một chiếc quần lửng. Chẳng phải khi đi làm, mà ngay khi ăn cỗ bàn anh cũng mặc như thế. Quả là nhà nông làm ra thóc gạo mà không có thóc gạo ăn. Cuộc sống của họ vô cùng chật vật.
Cầy cấy chưa xong đã lo dệt vải,
Đạo trời đắp đổi chẳng lúc nào ngừng.
Vợ chồng nhà nông quanh năm vất vả.
Đêm đêm xe chỉ dệt vải dưới trăng sao,
Sáng di cày trời nắng chang chang như đổ lửa
Chiều đi bừa gió mưa sấm chớp bão giông
Nắng khổ mưa sầu.
Vừa lao tâm lại vừa lao lực.
Vải tay mình dệt mà không được mặc.
Thóc gạo mình làm mà chẳng được ăn.
Thuế má quan thúc nợ nần chủ giục.
Mặc thì, áo rách tả tơi,
Ăn thì bữa rau bữa cháo.
Gội gió tắm sương đen thủi đen thui
Chạy vạy sớm chiều, cơm ăn chẳng đủ.
Ai là người dâng tấu sớ nói rõ nỗi khổ này cho nhà vua.
Hai người tuy khổ nhưng sống với nhau vẫn vui vẻ hòa thuận. Song hàng xóm láng giềng có hai tên vô lại: một là Hổ Bào Lôi, thư ký trong làng, chuyên rượu chè lêu lổng, lừa dối người tốt, sợ hãi kẻ ác. Việc gì hắn cũng xuất đầu lộ diện, tự khoe khoang là mình có tài. Một tên nữa là Tiếu Hoa Phương, trạc hai mươi tuổi, tóc đen nhánh, người trắng trẻo, tỏ ra ta đây là người đẹp trai. Hắn rất thân thiết với Bào Lôi. Hoa Phương thấy Nguyễn Thắng nghèo, Lao thị ăn đói mặc rách, Thắng lại lo lắng buồn rầu nên già trước tuổi. Hắn nghĩ hẳn là Lao thị không chịu được kham khổ, muốn của lạ, sẽ chê chồng, còn mình lại đẹp trai muốn dụ dỗ chị. Tuy hắn đã hai mươi tuổi nhưng vẫn tự cho mình là còn bé, thường vờ tới nhà Lao thị, mượn cuốc cào. Hoặc có khi giả vờ đưa cơm ra đồng giúp chị. Khi thì hắn lân la đến nhà chị nói:
- Chị Lao, cũng rất may chị giỏi giang, hằng ngày làm rất nhiều việc, nào là lo cơm nước, nào là dệt vải xe tơ, cả nhà đều do tay chị lo toan.
- Không làm thì lấy gì mà ăn. - Lao thị nói.
- Chị Lao, - Hoa Phương nói, - ấy thế mà có người không làm mà lại được ăn ngon mặc đẹp đấy!
Hắn thường khen để lấy lòng chị. Có khi hắn lại nói:
- Chị Lao, anh ấy thì dựa vào cái cuốc, còn chị thì dựa vào đôi tay thì làm sao nuôi nổi gia đình. Cũng chỉ là sống chật vật cho qua ngày thôi. Năm được mùa đã vậy, chứ mất mùa rồi, hắn lại lải nhải nói: - Năm tháng xoay vần, tôi xem ra anh Thắng chẳng mấy chốc mà già, thật đáng thương. Tôi cũng rất buồn. Ngay chị cũng thấy già đi chút ít, ấy là chị cũng biết trang điểm đấy. Như chị Chu Thân thôn Tiền, hơn chị năm tuổi, hàng ngày đầu bù tóc rối, đi chân đất, xấu như quỷ, thế mà khi về nhà Lý Bì Tam lại sống sung sướng. Chu Thiệu Giang nghèo kiết xác đã để chị đi lấy chồng khác.
Hắn cứ đưa những chuyện như thế để khơi gợi Lao thị. Lao thị là người ít mồm miệng, dù cho hắn nói gì chị vẫn lẳng lặng ngồi dệt vải hay xe gai, mặc cho hắn cười cợt nhăn nhở, chị vẫn không thèm nhìn. Những lời hắn nói chị đều bỏ ngoài tai.
Không còn cách nào, một hôm không biết hắn đánh ở đâu một chiếc trâm bạc và hai chiếc nhẫn, tới khoe với chị rằng:
- Đây là trâm và nhẫn mà Lý Bì Tam nhờ tôi đi đánh cho vợ Chu Thân, lại còn mất cả tiền công nữa. Lý Bì Tam tốn khá nhiều tiền với vợ Chu Thân. Vợ Chu Thân không nuôi nổi mình, thế mà lại sung sướng. Không những có quần áo đẹp, đồ trang sức đắt tiền, mà hằng ngày lại được ăn thịt, ăn cá.
Hắn đưa những việc tư thông để dụ dỗ Lao thị, song Lao thị chẳng thèm nghe, hắn rất bẽ mặt.
Kẻ ngu đần thì suy nghĩ cũng vụng dại, mặt đuỗn ra, hỏi thì ứng ngay, song chị thì im lặng không thèm trả lời. Thế rồi một hôm nhân đi mang cơm, hắn đánh liều nắm lấy cổ tay chị. Lao thị trừng mắt, mắng:
- Đồ mất dạy.
- Xin lỗi, xin lỗi chị. - Hắn nói.
Lao thị giận tím mặt, nhưng không dám to tiếng, sợ chồng mình sẽ tức giận.
Hoa Phương cắm đầu chạy, không ngờ đâm xô vào một người, cơm đổ tung tóe. Người ấy lại chính là Bào Lôi. Anh ta tóm chặt lấy Hoa Phương hỏi:
- Thằng quỷ, sao mà hoảng hốt thế?
- Sợ muộn cơm.
- Mày dừng dối tao, muộn cơm thì việc quái gì mà hoảng. Nhất định là có chuyện gì rồi, mày phải nói thật với tao đi.
Bị hắn túm chặt, Hoa Phương đành phải thú nhận mình bị Lao thị chửi. Bào Lôi nói:
- Chắc Nguyễn Thắng chẳng giữ được Lao thị được lâu đâu, dù thế nào chăng nữa mày cũng lấy được cô ta.
- Một người cần cù chịu khó như thế, - Hoa Phương nói, lại xinh đẹp thì Nguyễn Thắng bỏ làm sao được.
- Cứ thư thư một chút, - Bào Lôi nói, - ta chắc rằng Nguyễn Thắng sẽ gả cho mày thôi.
Đúng vào năm Thiên Khải(1) thứ bảy, vào đầu mùa hạ, mùa màng đang bận rộn, mẹ Nguyễn Thắng là Ôn thị ốm nặng, thuốc thang chạy chữa tốn kém. Bởi thế Nguyễn Thắng lo lắng, lại thêm công việc đồng áng nắng mưa vất vả nên mắc bệnh thương hàn, nằm liệt giường tới mười bốn ngày trời, người gầy như que củi. Trong nhà lúc ấy không còn hạt gạo, đồng tiền nào. Lao thị không còn biết lấy đâu ra tiền mà thuê người làm, ruộng chỉ thấy cỏ mà chẳng thấy lúa đâu, mùa màng chẳng trông mong gì thu hoạch. Chưa được nghỉ ngơi, lại bị bó chân bó tay tới nửa tháng trời, Nguyễn Thắng gắng gượng bò dậy, ra cửa ngồi:
(1) Thiên Khải: niên hiệu của Minh Hy Tông (ND).
Người gầy giơ xương,
Da vàng như nghệ.
Chống gậy đứng lên,
Gió to cũng đổ.
Lao thị bảo chồng:
- Ra ngoài gió đấy, anh vào nhà mà nghỉ đi.
Chợt thấy có hai người hàng xóm là Vưu Thiệu Lâu và Sử Kế Giang đi qua, Vưu Thiệu Lâu trông thấy nói:
- Xin chúc mừng anh Nguyễn, anh khỏi rồi à? Có ba anh em mình, thì anh lại ốm.
- Đúng là anh từ cõi chết trở về thì ai mà chẳng mừng, song có điều ruộng để hoang thì sống sao đây. - Sử Kế Giang nói.
Đang chuyện trò thì Bào Lôi ở đâu tới cũng nói chen vào:
- Chà chà, anh Thắng khỏe rồi, xin mừng cho anh.
- Ruộng để hoang, - Nguyễn Thắng nói, - mất trắng rồi, . tôi cũng sắp chết đến nơi đây.
- Sắp chết thì phải tìm cách mà sống chứ. Chịu đựng hết năm nay, mùa xuân sang năm có đậu là sống rồi.
- Mất trắng rồi, - Nguyễn Thắng nói, - trong nhà rỗng tuếch, lấy gì mà mua gạo nước, củi đuốc, chỉ còn trơ trọi ba cái xác người thì anh bảo lấy gì mà sống được.
- Có người có cách. - Bào Lôi nói. - Nếu như anh chết, thì anh còn cái gì nữa đâu?
Vưu Thiệu Lâu nói:
- Người mà anh ấy nhờ cậy là chị ấy, sao anh lại nói thế?
- Anh không đọc "chúc phát ký" à? - Bào Lôi nói. - Có gạo thì ba người sống, không gạo thì ba người phải chết, chết đói thì vợ và bà cũng phải đổi lấy gạo mà sống.
Thế rồi họ chia tay nhau.
Hai hôm sau, quả là không sao chịu đựng nổi, Nguyễn Thắng thấy Bào Lôi nói có lý, mới nói với Lao thị rằng:
- Mẹ con tôi rất may có cô mà thoát chết, song chết vì ốm đau bệnh tật cũng như chết đói. Thôi thì cô đi lấy người khác thì sống gắng gượng được nửa năm. Quả thực đây là việc bất đắc dĩ, mà tôi cũng không muốn thế.
- Cho dù tôi không nuôi nổi anh và mẹ, mà nếu có chết thì chết cả ba.
Lại hai ngày nữa qua đi, mà không được lấy hai bữa. Quả thực đã lâm vào cảnh đường cùng. Ôn thị nói:
- Con ạ! Mẹ nghĩ rằng, chỉ hai ngày nữa thôi là mẹ con ta chết. Thôi thì con hãy nghe chồng con, cứu sống lấy hai mẹ con ta.
Thấy thế Lao thị giàn giụa nước mắt, chẳng nói năng gì. Nguyễn Thắng bèn nhờ bà mối tìm người.
Hoa Phương biết tin này đến nhà Bào Lôi nói:
- Đúng là vợ Nguyễn Thắng phải đi lấy người khác rồi, làm thế nào cho cô ta lấy tôi?
- Khó gì đâu. Cứ chuẩn bị lấy bốn lạng bạc thì tôi chắc rằng anh tha hồ mà dùng.
- Anh đừng nói là hỏi cho tôi, - Hoa Phương nói, - hôm nọ tôi mới trêu một tí mà cô ấy đã chửi, sợ rằng nói ra cô ấy không ưng.
- Sợ quái gì mà phải giấu tên, ai mà chẳng biết anh là kẻ trăng hoa, cả cái làng này có người nào đẹp trai được như anh.
Bào Lôi tự cho mình có thế mạnh bản lãnh quen rồi, hơn nữa lại hết lòng với Hoa Phương, nói với Thắng là, hiện có hai lạng, còn hai lạng nữa sẽ đưa sau. Nguyễn Thắng nói:
- Để tôi bàn với vợ tôi xem đã.
Lan thị nói:
- Anh đã định gả tôi cho người khác thì số tiền ấy cũng phải đủ nuôi mẹ con anh được nửa năm, chứ hai lạng thì bõ bèn gì.
- Người như thế mà bốn lạng thì không được, - Ôn thị nói, - con đã làm khổ nó mấy năm trời, song đâu đã đến nỗi tàn tạ đến như vậy. Hãy đi tìm người khác.
Nguyễn Thắng bảo với Bào Lôi là mẹ không nghe. Bào Lôi cười khẩy nói:
- Chờ hôm nữa tôi bảo Hoa Phương dồn đủ bốn lạng.
Hoa Phương tới thấy vậy nói:
- Anh lo chu đáo cho tôi quá, thôi thì đưa ngay bốn lạng cũng được. Chỉ cần ngủ với chị ta sớm hai ngày là được rồi.
- Đừng sốt ruột, nghe đâu hai người hàng xóm của chúng ta muốn lấy Lao thị. Ta chỉ nói là người đàn bà có chồng, thì sẽ gặp hậu họa, thế thì ai còn dám lấy? Như thế chắc chắn Lao thị sẽ về tay anh thôi. Hãy thư lại vài ngày nữa.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết