Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 19 (B)

Lập tức ông cùng nhiều người tới chùa Thúy Phong, đào dưới gốc cây đại đông, nào ngờ vừa đào được mấy thước đã thấy xác một người đàn bà mới bị giết. Ngài Chu liền thẩm vấn từng hòa thượng một. Hỏi tới hai gã hòa thượng trẻ, thì mặt chúng đỏ bừng, chân tay run cầm cập, khai ra sự thực. Trước hết ngài lệnh cho đánh tám chục gậy, khép vào tội chết. Soát kỹ trong chùa, thấy lợn, dê, gà, vịt hàng đàn, phòng nào cũng đầy ắp rượu thịt. Ngài đùng đùng nổi giận đánh cho mỗi hòa thượng ba chục gậy, giải về nguyên quán, phá hủy toàn bộ ngôi chùa, ruộng vườn tịch thu bán đi để cứu dân nghèo. Có thơ rằng:
Lợn dê gà vịt có đầy đàn,
Cửa Phật toàn là sư hổ mang.
Hoang dâm tàn ác như quỷ đói,
Đàn bà chúng giết chẳng ghê tay.
Lại có một người làm nghề buôn bán tên là Thạch Ngưỡng Đường, làm ăn xa lâu ngày nên góp được hai trăm lạng bạc. Chưa về tới nhà thì trời gần tối, sợ đi một mình sẽ bị hãm hại, nên khi đi qua miếu Yến Công đã len lén giấu bạc dưới đáy chiếc lư hương đá. Đến khuya mới về tới nhà gọi mở cửa, vợ trông thấy nói:
- Đi làm ăn lâu ngày, kiếm được bao nhiêu lạng bạc?
- Kiếm được hai trăm lạng. - Thạch Ngưỡng Đường nói. - Tôi định mang về, nhưng thấy trời tối lại đi một mình sợ mất, tôi giấu nó ở dưới đáy lư hương đá miếu Yến Công, không ai biết, sáng sớm mai đi lấy.
Nói xong họ ăn cơm rồi lên giường ngủ. Sáng sớm hôm sau đến rờ đáy lư hương đá thì khốn khổ thay, không biết kẻ nào biết được lấy mất. Thạch Ngưỡng Đường đành tới chỗ ngài Chu bẩm việc này. Ngài Chu nói:
- Trong đêm tối, ngươi giấu bạc có ai biết không?
- Thưa ngài, chẳng có một ai biết.
- Ngươi có nói với ai không?
- Thưa ngài, về nhà con chỉ nói với vợ con, không ai biết cả.
- Đúng là, - ngài Chu cười nói, - vợ ngươi thông dâm, tên gian phu nghe thấy, đến lấy trước mất rồi.
Lập tức ngài bắt vợ người đó tới công đường xét hỏi, thì đúng là thị thông dâm. Hôm ấy khi Thạch Ngưỡng Đường về, tên gian phu hốt hoảng chui xuống gầm giường. Thạch Ngưỡng Đường nói, tên gian phu nghe thấy. Khi Thạch Ngưỡng Đường ra ngoài, thừa cơ vợ anh đưa tên gian phu trốn ra lối cửa sau. Hắn tới ngay miếu Yến Công lấy hai trăm lạng bạc dưới đáy lư hương đá, rồi khấp khởi về nhà. Quả là:
Biết đâu tai vách mạch rừng,
Ngờ đâu người dưới gầm giường đã nghe.
Thế rồi ngài luận tội dâm phu dâm phụ, truy hoàn số bạc. Hai trăm lạng vẫn còn nguyên vẹn, hắn chưa kịp tiêu một đồng nào.
Lại có một tù nhân bị giam trong nhà tù Hàng Châu đã nhiều năm, bỗng nhiên hắn tố cáo Phạm Điển, một người dân quê từng đi ăn trộm với hắn. Ngài Chu biết đây là lừa dối, bèn gọi Phạm Điển đến thẩm vấn tỉ mỉ. Phạm Điển kêu oan, nói:
- Thưa ngài, con chưa từng biết mặt tên trộm này, thì làm sao mà con cùng hắn đi ăn trộm được.
Ngài Chu biết chắc đó là vu cáo, bèn cho Phạm Điển mặc áo chít khăn của nha lệ và bảo nha lệ mặc quần áo của Phạm Điển quỳ trước sân, dặn anh không được lên tiếng. Sau đó đột nhiên dẫn tên phạm nhân kia tới quỳ bên cạnh Phạm Điển. Ngài Chu hỏi:
- Ngươi cáo giác hắn cùng đi ăn trộm với ngươi, nhưng hắn không nhận.
Tên tù nhìn Phạm Điển giả nói:
- Ngươi từng đi ăn trộm với ta, sao bây giờ ngươi còn chối?
Phạm Điển giả chỉ cúi đầu không nói. Ngài Chu lại cố ý nói:
- Thế thì không phải hắn rồi.
Tên tù nhìn một lượt nói:
- Không phải hắn ư? Hắn là Phạm Điển, ngụ tại X. Năm X, làm bạn với con, ngày... tháng... năm... cùng con tới nhà X. Ăn trộm, lấy được... rồi chia nhau. Ngày... tháng... năm... vào nhà lấy trộm chia nhau những gì... Con đã làm bạn với hắn nhiều năm, tại sao lại không phải là hắn?
Hắn nói như đinh đóng cột. Ngài Chu cười nói:
- Ngươi chẳng quen biết gì Phạm Điển, ta đã cho lính lệ đóng giả Phạm Điển. Việc này ắt có kẻ xúi bẩy.
Ngài cho người tra tấn tên tù, biết được Lương Trưởng thù phạm Điển, rồi mua chuộc tên tù cáo giác bừa. Ngài Chu đùng đùng nổi giận, bèn đánh chết hai tên này. Từ đó về sau không còn tên tù nào dám vu cáo hãm hại dân lành nữa. Có bài thơ làm chứng:
Tù nhân thường hay hại người ngay,
Hẳn có kẻ nào xúi bẩy đây.
Gian manh quỷ quyệt, cần xét kỹ,
Đừng cho kẻ xấu hại người ngay.
Chuyện kể rằng ở Hồ Châu có một người tên là Hồng Nhị, mang đi một số vốn lớn, định đến Tô Châu mua hàng về Hồ Châu bán. Hồng Nhị ngồi một mình trên thuyền đợi thằng nhỏ, mãi vẫn không thấy nó tới, người canh sào là Vương Thất thấy túi tiền của Hồng Nhị khá nặng, nơi này lại vắng không ai trông thấy, hắn bèn rắp tâm mưu hại, đẫy Hồng Nhị lăn đùm xuống sông chết, mang túi bạc về nhà. Sau đó hắn đến nhà Hồng Nhị gõ cửa, hỏi:
- Chị ơi, sao anh ấy vẫn chưa xuống thuyền?
Vợ Hồng Nhị ngạc nhiên nói:
- Đi lâu rồi!
- Tôi nghĩ rằng đến giờ vẫn chưa xuống thuyền, vậy thì nhất định anh ấy đã đi nơi khác rồi.
Một lát sau thấy thằng nhỏ về nói:
- Con tới thuyền không thấy ông chủ, không biết ông đã đi đâu rồi, mà cũng không thấy hành lý đâu cả.
- Anh ấy mang hành lý đi, - người vợ nói, - tất nhiên là ra thuyền, làm gì còn thời gian mà đi chỗ khác.
- Vì tôi chờ mãi không thấy anh ấy xuống thuyền, - Vương Thất nói, - nên tôi tới đây tìm anh ấy.
Hai bên cứ cãi nhau, bên nọ đổ bên kia mà Hồng Nhị vẫn biệt vô âm tính. Cuối cùng phải báo lên quan để truy tìm. Ngài Chu thấy Vương Thất dáng người hung ác, hỏi kín vợ Hồng Nhị rằng:
- Khi vừa tới nhà thuyền nói thế nào?
Vợ Hồng Nhị nói:
- Thưa ngài, chồng con mang hành lý đi từ lâu lắm rồi, thì nhà thuyền tới gõ cửa, cửa vẫn còn đóng, bèn nói là: "Chị ơi sao anh ấy vẫn chưa xuống thuyền?"
Ngài Chu gọi hai nhà láng giềng của Hồng Nhị tới, hỏi:
- Khi Vương Thất đến gọi, ngươi nghe thấy anh ta nói thế nào?
Hai người láng giềng trả lời:
- Con nghe thấy Vương Thất gõ cửa hỏi: "Chị ơi, sao anh ấy vẫn chưa xuống thuyền?".
Ngài Chu đập bàn quát:
- Vương Thất chính mày giết chết. Mày đã tự thừa nhận rồi, sao còm dám cãi bừa?
Vương Thất cố biện bạch. Ngài Chu nói:
- Ngươi biết chắc chắn Hồng Nhị không có ở nhà cho nên gõ cửa, bèn gọi chị ơi. Cửa vẫn đóng, mà nếu ngươi không giết thì tại sao ngươi không gọi anh ơi, mà lại gọi chị ơi? Đích thị là mày giết chứ ai giết vào đây nữa.
Vương Thất bị nói đúng tim đen, hồn xiêu phách lạc, mặt đỏ bừng, run cầm cập, biết ngay là hắn giết chết. Hắn đã khai hết sự thật. Bắt hắn trả lại hành lý, tất cả còn nguyên vẹn. Hắn bị khép vào tội chết. Có bài thơ làm chứng:
Xử án xưa nay khó lắm thay,
Sắc mặt lời khai lộ rõ ngay.
Lòng dạ kẻ gian cần xét kỹ,
Chết oan ắt có kẻ phải đền.
Có hai người tranh nhau một chiếc ô, không ai chịu ai rồi dẫn đến đánh nhau. Trương Tam nói: "Ô của tôi". Lý Tứ cũng nói: "Ô của tôi". Hai người không ai chịu ai, liền đưa nhau đến phủ quan. Ngài Chu bèn đập chiếc ô, đưa cho mỗi người một nửa, rồi bí mật sai người theo dõi. Trương Tam nói:
- Lúc đầu tôi đòi anh hai đồng, nếu anh đưa ngay cho tôi thì có phải tốt không? Bây giờ thì hai đồng cũng không có nữa.
- Ồ của tôi, - Lý Tứ nói, - sao anh bắt tôi phải đưa cho anh hai đồng!
Thế là người đi sau theo dõi bèn tóm ngay Trương Tam, đưa về phủ. Ngài Chu cho đánh hai mươi gậy và bắt phải mua ô đền Lý Tứ.
Lại có hai người tranh nhau con trâu, hai bên giằng co nhau không sao giải quyết được. Ngài Chu nổi giận quát:
- Hãy nhập con trâu này về dinh quan.
Một người cười hí hí không nói.
Một người tức tối cãi lại.
Ngài Chu lập tức bảo người nổi nóng cãi lại rằng:
- Con trâu này chính là của ngươi, bởi thế ngươi hết sức tức giận. Con trâu này không liên quan gì đến tên kia, nên gã cười hí hí không nói gì.
Ngài lập tức phạt tội anh ta. Quả thật ngài phát hiện ra sự gian dối rất tài tình. Còn rất nhiều chuyện như thế nữa, không sao kể hết được.
Thời ấy, trong nha môn có người thư ký lâu năm tên là Mạc Lão Hổ, chuyên bợ đỡ phủ quan, dò ý quan trên, dùng văn chương xuyên tạc pháp luật, xúi bẩy kiện tụng, không việc gì là hắn không làm. Ngài Chu thăm dò biết hắn vô cùng ác độc, hại người không sao kể xiết, tài sản có tới hàng trăm vạn, những người trong nha môn không người nào là không thông đồng với hắn làm điều xấu. Ngài Chu nói:
- Đây là nơi tập trung bọn sâu mọt vùng Đông Nam. Bọn sâu mọt trong nha môn không trừ khử thì dân lành không thể sống được.
Thế rồi đem chôn Mạc Lão Hổ trong ngục, bán tài sản của hắn mua thóc lúa nhập vào các phủ huyện để cứu đói khi mất mùa, còn những kẻ độc ác khác trong nha môn đáng tù thì bỏ tù đáng sung làm lính thì sung vào lính, không chút tha thứ. Từ đó về sau, dân lành mới được yên ổn làm ăn. Hình pháp tỉnh Chiết Giang nghiêm minh trong sạch đều do công lao của ngài Chu vậy. Ngài Chu thường nói:
- Muốn cho thiên hạ thái bình thì tất phải trừ khử bọn tham quan. Bọn tham quan hại dân phải có vây cánh, cho nên quan trên được ba thì bọn tay chân ở dưới được bảy. Muốn diệt tham quan thì phải làm cho nha dịch trong sạch, cho nên không thể tha thứ bọn này.
Thời ấy Diệp Tông Hành là tri huyện Tiền Đường, người Tùng Giang làm quan hết sức liêm khiết. Ông không bao giờ nịnh nọt quan trên, nên ngài Chu vô cùng kính trọng. Về sau Diệp Tông Hành chết, ngài Chu đích thân làm bài văn tế tế ông. ấy là tôn trọng sự liêm khiết và dùng việc này để giáo dục các quan. Mỗi khi đi tuần thú các huyện, ông hay mặc thường phục, khích cho quan huyện tức giận giam ông vào ngục, ông chuyện trò với tù nhân, họ nói cho ông biết nỗi khổ của cả huyện. Hôm sau thuộc quan của ông tới nghênh đón ông từ ngục ra, quan huyện sợ hãi phủ phục dưới đất xin tạ tội, song ông vẫn theo tội mà xét xử. Bởi thế quan lại các huyện nghe thấy tiếng ông đều run sợ, chẳng ai dám tham ô. Khi mới bắt đầu vào địa hạt vùng này, ở đó có một con hổ dữ đã ăn thịt rất nhiều người, ngài Chu tự làm một bài ăn tế cúng thần hoàng, thì con hổ tự dưng đến dinh quan án sát, nằm phủ phục bất động, ngài bèn lệnh cho tay chân đánh chết con hổ ấy ngay tại chỗ. Có bài thơ làm chứng:
Chu Tân đúc nghiêm,
Khuất phục hổ dữ.
Nay là thành hoàng,
Xưa là quan phủ.
Có một hôm người đồng liêu biếu ông một con ngỗng quay. Ngài Chu treo nó trong nhà, về sau có người biếu gì ông chỉ vào con ngỗng ấy. Ngài Chu nhà rất nghèo. Vợ ngài sống bằng nghề cày cấy. Một hôm bà vợ đi dự tiệc cùng với vợ các quan lại khác họ ăn diện rất sang trọng, chỉ có phu nhân ngài Chu là quần nâu áo vải như người đàn bà dân quê. Những người ăn mặc sang trọng rất ngượng ngùng, về sau họ sống rất giản dị. Phong thái của ông là như thế đó. Bởi thế thời ấy tên tuổi Chu hiến sứ lẫy lừng thiên hạ, ngay cả đứa trẻ lên ba cũng biết đức tính tốt đẹp của ngài. Thời ấy, Cẩm y vệ chỉ huy là Kỷ Cương, sai Thiên Hộ tới Chiết Giang, tác oai tác quái làm hại dân không sao kể xiết. Ngài Chu Tân bắt Thiên Hộ đánh cho một trận nên thân. Thiên Hộ lập tức về kinh khóc lóc kể với Kỷ Cương. Kỷ Cương dâng sớ nói rằng Chu Tân tự tiện bắt người trị tội. Ngài Vĩnh Lạc sai quan bắt Chu Tân về cung điện. Chu Tân khảng khái vạch tội Thiên Hộ. Ngài nói:
- Án sát sứ làm việc cũng giống như Nội đô sát viện, đều là vâng theo chiếu chỉ của bệ hạ. Thần phụng chiếu bắt kẻ gian ác, thì sao lại khép tội cho thần? Thần có chết cũng không hối hận.
Lời nói của ông vô cùng bất khuất, ngài Vĩnh Lạc đùng đùng nổi giận, ra lệnh giết ông. Lúc sắp hành hình, Chu Tân thét lên nói:
- Ta sống làm bề tôi ngay thẳng, chết đi ta làm ma ngay thẳng.
Đêm ấy, Thái sử dâng sớ nói rằng ngôi sao Văn Tinh bị rơi, ngài Vĩnh Lạc mới hiểu rằng ông chết oan và vô cùng hối hận, lập tức xử Thiên Hộ để đền mạng, rồi ngài Vĩnh Lạc hỏi quần thần:
- Tân là người ở đâu?
Quần thần đáp rằng:
- Ông là người Quảng Đông.
Ngài Vĩnh Lạc nhiều lần than vãn rằng:
- Quảng Đông có người tốt như thế mà ta đã giết oan.
Ngài Vĩnh Lạc cứ thương tiếc mãi. Về sau thường thấy ông hiện hình tại miếu. Một hôm giữa ban ngày bỗng thấy một người mặc áo hồng bào, Vĩnh Lạc quát lớn, thì người ấy nói rằng:
- Thần là Chu Tân, án sát sứ Chiết Giang, phụng mệnh thượng đế, thấy thần là người trung trực, cho thần làm thần thành hoàng Chiết Giang, trị những kẻ tham quan ô lại cho bệ hạ.
Nói xong biến mất. Ngài Vĩnh Lạc cứ than thở mãi. Về sau Chu Tân nhập vào người trước miếu thờ thành hoàng Chiết Giang nói:
- Ta vốn là án sát sứ Chu Tân, thượng đế cho ta là người trung trực, phong ta làm thần hoàng, hãy đắp tượng ta để thờ, ngày sinh của ta là ngày mười bảy tháng Năm.
Dân chúng thấy ông linh thiêng hiển hách, bèn sửa sang miếu mạo, rước tượng Thành Hoàng cũ tới Dương Thị. Có bài thơ làm chứng:
Uy danh hiển hách ấy thành hoàng,
Chưa biết uy danh đã lẫy lừng.
Thần ngay quỷ thẳng đều là một.
Những người trung trực quả phi thường.
Lại có bài thơ ca ngợi như sau:
Chu Tân chết thành thần Chiết Giang,
Vu Khiên chết thành thần Bắc Đô.
Xưa nay người ta ai chẳng chết,
Chết vẩn lưu danh mãi ngàn thu.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết