Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 20
Đưa Hối Lộ Sống Chết Thành Oan Trái
Sống Từ Bi Quên Hẳn Mối Thù Xưa

Thơ rằng:
Được mất mông lung chẳng thể cầu,
Huống hồ bí mật lắm quyền mưu,
Công danh được mất do trời đất,
Phú quý còn đây cháu con lo.
Đất trời lồng lộng như gương sáng,
Chí công không thể uốn cong lưng.
Tướng quân vỗ ngực khoe thắng trận,
Hướng tới Đông Lăng lễ cố hầu.
Người ta thường ăn ăn làm lành, tất cả đều như đã định sẵn, không thể cứ cố cầu mong mà được. Nếu như cầu mà được thì tinh thần phải hết sức kiên định. Nếu là người có phúc thì không cầu cũng được. Cho nên nói hai chữ "tiền định" (đã định sẵn từ trước) đã làm phai nhạt những ham muốn không chính đáng, làm tiêu tan những thủ đoạn nóng vội. Người đời có khi cầu mà được, nên cứ cầu bừa đến khi không sao thu xếp nổi, lúc ấy mới hối hận thì đã muộn.
Chẳng hạn như người đi buôn, đã có vốn nhưng vẫn phải nhờ vào vận đỏ, duyên may. Dù có mở cửa hàng ngay tại nhà cũng kiếm được hàng ngàn hàng vạn. Nếu không gặp vận đỏ duyên may thì muốn kiếm vài ba đồng cũng phải hao tâm tổn trí mà vẫn không được. Đừng nói kiếm lấy vài ba đồng mà ngay vốn liếng cũng mất sạch. Huống hồ hai chữ công danh có quan hệ rất lớn, được hưởng rất nhiều lợi lộc.
Có một tú tài nghèo, không đầy nửa năm mà trúng cử nhân tiến sĩ, mũ áo xênh xang, ngồi giữa công đường, sai bảo bách quan, thống trị muôn dân, làm rạng danh tổ tông, vợ được phong thưởng, con được nối dõi. Điều này có phải do may rủi mà được chăng. Không, đó là kẻ hối lộ để mua chuộc, từ khi khai thiên lập địa đã có rồi. Xưa nay cũng có người đưa hối lộ mà được lợi, nói chung họ được quan cao lộc hậu, con cháu đời đời là dòng dõi trâm anh. Há đấy chẳng phải là tấm gương do cố cầu xin mà được đó sao? Dân gian có câu: "Mua khoa cử thì phải đúng vào năm trúng cử". Câu nói này có nghĩa là có thể cầu được và cũng không thể cầu được. Chẳng hạn như năm không trúng cử mà cứ cầu bừa thì cũng chẳng có phúc, việc làm không tính toán chi li chặt chẽ, một khi đã bại lộ thì danh và thực đều mất. Lúc ấy muốn làm tú tài như cũ, cũng không được nữa. Tóm lại công danh không thể hại người, công danh do mình tạo nên, đó là điều tối quan trọng.
Tôi kể ra đây hai câu chuyện làm thí dụ để các bạn nghe. Xưa kia có một cậu tú tài, tính hiền lành trung hậu, luôn luôn làm điều thiện. Tổ tông xưa đều là những người hiền lành, an phận thủ thường, chỉ có điều nhà nghèo mà không học lên được. Năm ấy có khoa thi, cậu nhờ một gian phòng trong chùa để đọc sách. Một hôm gần tới ngày thi, vào buổi tối cậu nghe nhà bên có tiếng thì thầm rất lâu, sau đó thấy uống rượu rồi hát hò, cười nói oang oang, tỏ ra rất vui sướng. Một lát sau bỗng thấy vắng lặng tĩnh mịch. Cậu tú lúc ấy mới được yên tĩnh, nhưng vẫn không ngủ được, cậu tha thẩn dạo bước dưới hành lang, thì thấy một người con gái thướt tha đi lại, người ấy gần tới nơi thì cậu tú hỏi:
- Cô là ai?
- Chàng đừng sợ. - Cô gái nói. - Thiếp là ma, đến đây không phải để hại chàng. Thiếp thấy chàng có chí học hành lại cố gắng làm điều thiện nên đến nói cho chàng biết việc công danh đại sự. Vừa rồi thiếp thấy người tú tài bên kia uống rượu là vì đã mua được ý mấu chốt trong kỳ này và đã mặc cả với nhau tại đó. Thiếp đã nghe được xin báo cho chàng biết. Xưa kia cha thiếp buôn bán ở đây và thiếp cũng chết ở đây, linh cữu thiếp gửi ở chùa này. Nếu chàng đắc chí thiếp phiền chàng đến chỗ X, bảo với cha thiếp sớm đưa linh cữu thiếp về táng nơi quê hương thiếp. Thiếp biết chàng là người trung hậu, chắc chàng không phụ sự nhờ cậy của thiếp, cho nên thiếp mới dám phiền chàng.
Đoạn cô gái nói cho cậu tú tài biết những điểm mấu chốt của đề thi. Theo lời cô gái, quả nhiên cậu tú tài này đỗ cao. Đến ngày yết bảng, vị giám khảo thấy họ tên không phải là người mình đã mách bảo, ông rất ngạc nhiên. Khi gặp người đã thi đậu, ông hỏi vì sao, anh ta nói thực việc mình đã gặp ma như thế nào. Vị quan giám khảo ấy nói:
- Anh là người có nhiều âm đức, từ nay con đường thăng quan tiến chức của anh sẽ rộng mở, không thể lượng trước được.
Vị tú tài ấy quả nhiên thi đỗ liên tiếp tới tiến sĩ rồi được làm quan.
Tôi lại còn nghe thấy một vị cử nhân ở Bắc Kinh thi Hội. Vị cử nhân tuổi còn trẻ, tài cao, học vấn uyên thâm, cứ tự khoe rằng, nhất định sẽ đỗ. Hội nguyên, trạng nguyên cầm chắc trong tay. Hôm ấy là ngày vào trường thi. Vị cử nhân ấy đến chỗ ngồi của mình, vừa thu xếp xong xuôi thì thấy một cử nhân khác tới tìm chỗ ngồi. Cử nhân này cao to, nói tiếng miền Bắc, không thấy mang đồ đạc gì, chỉ thấy vai vác một chiếc nghiên to ước chừng bằng thớt cối. Chỗ ngồi của anh ngay bên cạnh vị cử nhân nọ. Vị cử nhân này cười thầm: "Trong trường thi không biết mang vào làm quái gì chiếc nghiên đá to đến thế. Chả lẽ là để tỏ rõ mình có sức khỏe ư? Nếu như dùng nó để đánh người thì chỉ cần huých các góc nhọn của nó vào thì người cũng nát ra như cám". Một lát sau đề bài được mang tới. Vị cử nhân đến trước cầm bút vừa nghĩ vừa viết, xong một thiên anh lại ghé mắt nhìn sang vị cử nhân lực lưỡng kia, chỉ thấy anh này ra sức mài mục. Thôi thì cứ mặc anh ta, vị cử nhân này lại cắm cúi viết xong thiên thứ hai. Vẫn cứ thấy vị cử nhân cao to ấy hì hục mài mực. Anh cười thầm nghĩ: "Giá mà vị cử nhân kia chưa cơm nước gì mà vào đây thì uống số mực ấy cũng no kềnh bụng". Anh lại làm xong thiên thứ ba. Người cử nhân cao lớn ấy vẫn cứ ngồi đó mài mực, anh nghĩ: "Người này cứ ngồi mài mực, không biết mài đến bao giờ mới thôi! Hãy xem anh ta làm thế nào, sau này mình sẽ có một câu chuyện cười lý thú ở trường thi để nói với bạn bè". Anh lại ngâm nga đọc lại thiên thứ ba của mình một lần nữa và cảm thấy rất đắc ý. Đang định làm tiếp thì người cử nhân lực lưỡng kia nhảy sang nói:
- Nghe anh đọc, thấy bài văn của anh hay quá, nhất định là đỗ rồi. Song tôi là người vùng Tây bắc, văn bài không thông thạo anh cho tôi bài văn ấy, anh làm bài khác, thế thì mọi sự đều tốt. Nếu không tôi sẽ đổ mực đen ngòm vào bài của anh, thế là cả hai đều trượt. Nếu anh cho bài tôi, thì anh là người tình nghĩa.
Vị cử nhân này vừa buồn cười vừa tức giận. Thấy người ấy cao to lực lưỡng, mình có đánh cũng không thắng nổi, đành thở dài đưa ba bài văn ấy cho anh ta. Thế là anh ta mặt mày hớn hở trở về chỗ ngồi của mình, còn anh thì làm lại ba bài văn và làm luôn cả bài kinh văn. Thế rồi vị cử nhân lực lưỡng ấy lại tới nói:
- Anh vừa cho tôi mấy bài văn ấy, tôi nghĩ nhất định sẽ đỗ rồi, tôi lại không biết làm kinh văn, thật đáng tiếc là dù anh đã cho bài tôi nhưng cũng uổng công thôi. Nếu anh trọn tình trọn nghĩa với tôi, thì xin anh cho tôi bài kinh văn. Nếu đỗ, thì tôi không bao giờ dám quên ơn anh. Vị cử nhân ấy nghĩ rằng, ba bài trước hay đã cho anh ta rồi, nếu ba bài sau không khớp ý với nhau thì sẽ không đỗ, thế thì cho anh ta cũng vô ích. Thôi thì cho luôn anh ta. Mong rằng lần sau không gặp phải những tên hung đồ thế này nữa, rồi anh cho luôn người ấy và phất tay áo ra khỏi trường thi. Quả nhiên, vì anh người ấy đỗ tiến sĩ, sau này đã đến thăm và đền đáp công lao của anh. Các bạn thân mến, một đàng do ma mách bảo đề thi, một đàng là cướp văn. Hình như đây là hai chuyện hết sức lạ lùng trong trường ốc nhưng không phải ngấm ngầm làm việc ích kỷ hại người, cho nên không có một hận thù gì khắc cốt ghi xương. Tôi xin kể một câu chuyện, do ích kỷ, ngấm ngầm hại người mà sau này cháy nhà ra mặt chuột, khiến cho công lao cả dòng họ đổ xuống sông xuống bể, suýt nữa chết không có chỗ chôn.
Chuyện kể rằng, ở huyện Nhân Hòa phủ Hàng Châu, Chiết Giang có một người tú tài tên là Từ Tất Ngộ, tự Bằng Tử. Ông của anh ta làm tới đô ngự sử, vì thẳng thắn can gián mà mất chức trở về rừng núi dưỡng lão tới hai mươi năm. Do bản tính trong sạch và ngay thẳng nên việc thăng giáng chức luôn luôn xảy ra trong cuộc đời ông. Bởi thế cũng chẳng lấy gì làm giàu có cho lắm. Cha của anh ta là một tú tài, kiến thức uyên thâm nhưng con đường khoa cử thì lận đận, về sau được bổ làm lẫm sinh, chờ tiến cử. Sau làm huấn đạo được hai khóa. Chức quan thì thấp mà nơi làm việc lại hẻo lánh vắng vẻ, uất ức và bất đắc chí. Không lâu sau cũng cáo quan về nhà. Từ Bằng Tử sống trong cảnh nghèo túng. Đến năm mười tám tuổi anh được cử đi học và cùng năm ấy anh lấy vợ, vợ tên là Vương thị, vợ anh cũng thuộc dòng dõi con nhà quan lại, cũng biết việc đọc sách là cao thượng. Từ Bằng Tử sinh trưởng trong một gia đình quan lại, suốt ngày chỉ khư khư cầm quyển sách trong tay, không hề biết gì đến chuyện ham làm, miệng ăn núi lở, lâu ngày rồi cũng phải bán mấy ngôi nhà của người ông để lại khi còn làm quan. Rồi sau đó lại bán mấy mẫu ruộng của ông để lại. Cuối cùng chỉ còn trơ lại một ngôi nhà cổ, đấy là nơi dấy nghiệp của ông anh và gia đình anh đang sống, không thể động tới. Cũng mừng là hai kỳ thi nhất nhị trường anh không đến nỗi trượt. Song mấy kỳ thi sau anh cũng không được đứng đầu bảng. Nói đến tài văn chương thì anh cũng là người xuất sắc. Năm ấy có khoa thi, anh ở nhà đọc sách, tối đến nhân lúc nghỉ ngơi anh nói với vợ:
- Phen này nhất định đỗ.
- Làm sao mà anh biết được?
- Những đề về "Tứ Thư” anh đều chuẩn bị hết rồi, còn đề mục lớn nhỏ trong kinh "Xuân Thu” anh cũng làm rồi. Về phương diện này, bạn bè thi cử không ai hơn anh được. lần này không những đỗ mà anh còn đỗ cao, ít ra là xếp từ thứ năm trở lên, chứ không chịu đứng sau. Em hãy kiên tâm chờ hơn một tháng nữa, lúc đó em sẽ đàng hoàng là một bà cử.
Vương thị nói:
- Không biết vận nhà mình sẽ thế nào, thi mấy khoa liền mà không đỗ, lại không làm gì để sinh sôi nảy nở thêm được, ruộng vườn đã bán sạch chỉ còn lại ngôi nhà cũ. Khoa này mà không đỗ thì đành phải tìm người khác thay em. Em chỉ cầu mong anh phúc lộc và văn chương đều được cả đôi đàng. Anh sẽ làm rạng rỡ tổ tông, khiến cho vợ con thoát khỏi đói nghèo. Em nguyện suốt đời sống nâu sồng đạm bạc vì chàng.
Nói xong nước mắt chị giàn giụa. Bằng Tử nói:
- Em cứ yên tâm, anh bảo đảm với em chắc chắn khoa này anh sẽ đỗ. Anh sẽ đền em chức cử nhân, nếu không đỗ thì không còn mặt mũi nào gặp em và cũng chẳng còn mặt mũi nào gặp bạn bè, người thân trong dòng họ.
- Em mong được như thế, cầu trời khấn Phật phù hộ cho anh.
Đúng là:
Tài năng ta chăng kém ai,
Ngẫm ra mới biết vận may do người.
Những mong áo mão cân đai,
Ngờ đâu nghèo đói chẳng rời khỏi ta.
Trong số những bạn học của anh cũng có một gã tú tài tên là Đinh Toàn, tự Hiệp Công, cũng thuộc dòng dõi gia thế. Cha làm tới chức Thị lang Bộ công, con đường thăng quan tiến chức của anh ta khá thuận lợi, đã tích cóp được khá nhiều tiền của. Đinh Hiệp Công lại giỏi làm ăn, hắn thường lui tới những học trò của cha kiếm chác, gia đình ngày càng trở nên giàu có.
Ngoài việc đánh bạc và chơi gái gã không tiêu phí một đồng nào. Vào năm thi cử, hắn đành phải tung tiền ra tiêu. Việc thứ nhất là mua giám khảo, việc thứ hai là dùng mánh lới trong trường thi. Kỳ thi nào hắn cũng luồn lọt tìm khe hở, mò mẫm thăm dò khắp nơi, cho tới ngày yết bảng hắn mới yên tâm. Từ khi hắn được vào trường huyện học, kỳ thi nào cũng thế, điều ấy chẳng có gì là lạ.
Năm ấy quan chủ khảo kỳ thi là quan tri phủ, người họ Mạc, cùng đỗ khoa với cha hắn. Ngay từ khi đến nhậm chức, Đinh Hiệp Công đã mang lễ hậu đến nhận là người thân. Hắn nghĩ quan đứng đầu phủ là tiến sĩ, tuổi còn trẻ, có danh vọng, nhất định sẽ làm giám khảo. Cũng không chờ đến khi có tên trong danh sách thi, hắn đã làm một bữa cỗ thịnh soạn mời quan tri phủ họ Mạc. Trong bữa rượu hắn đã ghé tai vào quan tri phủ nhờ vả việc thi cử, như thế làm sao mà quan tri phủ không vui vẻ nghe theo. Đinh Hiệp Công lại lấy ra bức văn tự một ngôi nhà với giá là ba ngàn lạng đưa cho tri phủ họ Mạc tạm thời làm vật thế chấp, khi yết bảng sẽ lập tức mang bạc đến chuộc lại. Tri phủ họ Mạc nói:
- Hai nhà xưa nay là bạn đồng khoa với nhau, có bổn phận giúp đỡ hết lòng, đâu dám nhận tạ ơn.
- Tuy là anh em con cháu của bạn đồng khoa, nhưng bây giờ là quan hệ thầy trò, vả lại việc công danh cũng phải tạ ơn nhau chứ, chỉ có chút ít thôi, có gì đáng suy nghĩ.
Tri phủ họ Mạc vui vẻ nhận lời.
Đúng là:
Có duyên ngàn dặm cũng gặp nhau,
Mưu người, trời có thắng được đâu.
Đến khi mở khoa thi, quả nhiên tri phủ họ Mạc được cử làm giám khảo. Ông lập tức viết những điểm quan trọng về đề thi, niêm phong cẩn mật, rồi sai người đưa cho Đinh Hiệp Côn Đinh Hiệp Công mừng quýnh. Tri phủ họ Mạc lại nghĩ, lão Đinh mặc mũi sáng sủa, nhưng không biết văn chương chữ nghĩa trong bụng lão thế nào, chẳng may vào trường thi lại nộp giấy trắng hoặc là làm được bài mà văn vẻ trúc trắc, khi ấy khó mà trình lên chánh chủ khảo, mình thật là khó xử, mà lại mất tới ba ngàn lạng. Tri phủ họ Mạc viết một phong thư mật, sai người mang đến. Đinh Hiệp Công nhận được mở ra xem, bức thư viết:
"Việc ngoài cửa (khổn ngoại) tướng quân phải làm chủ thì mới phục ngài không uổng công đọc (không độc) sách cha, dũng sĩ (hổ bí) vẫn về nội phủ. Chiếu sáng, chiếu sáng?”
Đinh Hiệp Công đọc những chữ ấy không hiểu ý nghĩa của nó, lại không thể đưa cho người khác xem. Ngẫm nghĩ mãi, lá thư ông ta gửi nhất định không phải việc gì khác, mà chắc chắn đây là việc thi cử, cách viết rất lờ mờ, khiến người ta khó nhận ra. Hắn lại tra tìm lại các chữ, lật đi lật lại, lần lượt đoán từng câu chữ, nghĩ "Ta đã hiểu rồi, khổn ngoại" là nói ngoài rèm; "Không độc" có nghĩa là không biết binh pháp; số của "hổ bí" có nghĩa là ba ngàn. Rõ ràng nói về việc thi cử, bảo ta phải tự làm bài. Nếu như bài văn mà không đạt yêu cầu thì cái nhà ba ngàn lạng phải trả lại cho ta". Thế rồi hắn đập tay xuống bàn đến "chát" một cái rồi nói: "Đúng rồi, đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Song điều mà ông nói trong thư lại rất đúng vào chỗ yếu của mình. Chẳng may trong trường thi không thuận lợi, không đạt yêu cầu thì chẳng hóa ra mình mất toi ba ngàn lạng hay sao. Tuy thế, lão Mạc vẫn tính toán tỉ mỉ chắc chắn".
Đúng là:
Quân vương nếu hỏi kế biên cương.
Ắt lo lương đủ với binh cường.
Lúc ấy trong trường lại có một tú tài khác tên là Chu Đức, biệt hiệu là Bạch Nhật Quỷ. Tuy là tú tài song không theo đòi thi cử. Hắn la cà nay nhà này mai nhà khác để kiếm rượu uống. Người ta chơi cờ hắn sà vào tính nước. Người ta đánh bài hắn cũng len vào chia bài. Suốt ngày say bí tỉ, ăn không biết no. Nhà hắn có bếp cũng bằng thừa, thường đến những nhà giàu có thế lực để bợ đỡ lấy lòng. Hắn buôn bán tin tức, chuyên bắt mối với bọn con hầu đứa ở để nghe ngóng tình hình, xui nguyên dục bị để kiếm chút tiền còm cõi. Bởi thế những nhà tú tài, phàm có việc dù to hay nhỏ đều không bỏ qua hắn được. Còn như Đinh Hiệp Công là một tay giàu sang, thì chẳng phải bàn, ngày nào hắn cũng đến xin dạy bảo. Ngay như Từ Bằng Tử, cháu một vị quan nghèo, thấy anh thi cử thuận lợi, lại sáng dạ hắn cũng thường tới khoe khoan hão, vài ba ngày hắn lại đảo đến một lần. Còn như với Đinh Hiệp Công thì khác hẳn, hai người này ý hợp tâm đầu, gắn bó như keo sơn, không lúc nào rời nhau.
Định Hiệp Công xem tờ giấy, quả thực không khẳng định dứt khoát được, hắn suy nghĩ do dự suốt đêm. Sáng hôm sau hắn cho người mời Bạch Nhật Quỷ tới. Chu Đức nói:
- Tối qua tôi có chút việc không được gặp anh, thì đến nơi rồi mà tôi thấy vẻ mặt anh tươi rói. Khoa thi này nhất định anh đỗ cao. Xin hỏi gọi tôi tới đây để dạy bảo điều gì?
- Tôi có chuyện riêng. - Đinh Hiệp Công nói. - Không thể nói với người khác được. Song tôi với anh rất hợp nhau, việc lớn như thế không thể giấu anh được. Tôi có ý mời anh đến đỡ bàn bạc.
Chu Đức hoa chân múa tay, nói:
- Việc gì thế! Xin sẵn sàng nghe anh nói.
- Mạc Công Tổ, - Đinh Hiệp Công nói, - là con một người đồng khoa của cha tôi, chắc anh biết rồi. Gần đây ông ấy được cử vào làm quan giám khảo, khi đi ông ấy nói là rất mến mộ gia thế tài năng của tôi, có gửi cho tôi những điểm mấu chốt của đề thi, bảo rằng trong trường thi phải làm như thế, tôi không muốn khước từ lòng tốt của ông ấy, theo anh có nên làm hay không?
Bạch Nhật Quỷ vội chắp tay nói:
- Xin chúc mừng anh. Anh tài cao như thế lại có Mạc Công Tổ giúp đỡ bên trong, lần này anh trúng giải nguyên là chắc. Tại sao lại không làm?
- Tôi cũng nghĩ rằng nên làm, song thường ngày văn chương tôi còn có chỗ sai sót. Chắc anh cũng biết đấy. Một khi đề mục ra không thuận tay, sợ rằng sẽ không lưu loát. Theo tôi nghĩ, trừ phi có bài văn hết sức công phu mới không phụ lòng ông Mạc nếu được như thế thì tuyệt vời. Anh có cách gì hay không? Xin anh dạy bảo đôi điều.
- Điều ấy có gì khó lắm đâu. - Bạch Nhật Quỷ nói. - Tôi có một người anh họ là Trần Hựu Tân, anh ấy là tú tài kỳ cựu trong học phủ, kỳ thi nào anh cũng được ghi vào danh sách viết bài thi. Vì anh thi nhiều năm nên đáng tin cậy, những bài văn được khen đều do anh ấy viết và đưa cho thí sinh. Mỗi khoa thi anh hy vọng kiếm được một ngàn lạng. Nếu anh cần tôi sẽ nói với anh ấy, nhất định sẽ đỗ thôi.
Đinh Hiệp Công rất mừng, vội vàng sai người dọn một mâm rượu thịnh soạn tại nhà trong, thúc giục người đi mời Trần Hựu Tân. Tới nhà, được mời vào phòng riêng, Trần Hựu Tân nói:
- Tôi lâu nay đã ngưỡng mộ ông, ý định ông anh cho gọi tôi em họ tôi đã nói với tôi rồi, nhưng có điều không biết ông học kinh nào.
- Kinh "Xuân Thu”. - Đinh Hiệp Công nói.
- Thế thì càng tốt. - Trần Hựu Tân nói. - Chờ tôi vào trường thi chọn những bài văn hay nhất về "Xuân Thu”. Cắt phần phách đi, rồi cố gắng mà chép, và nhét vào tập bài thi thì mười phần đỗ chín. Song có đúng là Mạc Công Tổ làm chủ sự trường thi hay không?
- Tiếng tăm Mạc Công Tổ nổi như cồn làm giám trường ngự sử là cái chắc. Xin anh đừng ngại.
- Như thế thì tốt rồi, song Mạc Công Tổ có thể quan tâm suông cho mình đâu, còn tôi là kẻ sĩ nghèo, vậy ông anh phải nới rộng tay thì mới được.
- Điều ấy thì tất nhiên rồi. - Đinh Hiệp Công nói.
Nhân đó họ kéo cả Bạch Nhật Quỷ vào thương lượng. Trần Hựu Tân đòi một ngàn lạng, hai bên cò kè nâng lên gạt xuống, cuối cùng ngã giá là bốn trăm lạng. Hẹn tới lúc điểm danh vào trường thi mới cho biết phương pháp. Sau đó họ ra về. Lần này Bạch Nhật Quỷ gỡ gạc cả đôi bên.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết