Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 20 (D)

Từ Bằng Tử là người có học, chữ viết ngay ngắn rõ ràng. Những người cúng lễ cầu mong điều gì anh viết hết vào sớ, bởi thế mọi người đều muốn anh viết giúp. Ngay đạo sĩ trong miếu có sớ gì cũng nhờ, anh chỉ vung bút đến nhoáng một cái xong văn vẻ đọc lên kêu như chuông. Bởi thế cuộc sống cũng không đến nỗi buồn tẻ. Song việc làm ở miếu này anh không chủ động được, có ngày làm không kịp, có ngày lại chơi dài. Những ngày như thế buồn không sao chịu nổi. Đạo sĩ nói:
- Việc này không có thường xuyên, thấy anh vốn học khá cao, tôi định tiến cử anh, liệu anh có muốn đi không?
- Việc gì thế?
- Ở đây có một ông quan họ Lư, là thí chủ của tôi, hiện giữ chức Hàn lâm viện chiêm sự phủ. Hai năm trước ông có nói với tôi, trong thư phòng con trai cả của ông cần một người đọc thông viết thạo. Công sáu lạng một năm. Tôi vẫn chưa tìm được nếu anh muốn ở với ông lâu dài thì dù không có tiền ông ấy cũng gả đứa hầu cho.
- Nói như thế tức là làm quản gia cho ông ấy ư?
Đạo sĩ nghĩ một lát rồi trả lời:
- Không phải là quản gia mà còn hơn quản gia rất nhiều.
- Như thế thì không được. - Từ Bằng Tử nói. - Quản gia phải quỳ lại người, xưa nay tôi có quen quỳ đâu.
- Ông ấy làm quan to, biết bao người làm quan còn phải quỳ lạy ông, thế mà anh còn sĩ diện. Được rồi để tôi thử nói với ông ấy, nếu ông ấy không bắt anh cúi đầu lạy thì anh có chịu đi không?
- Thầy thử đi xem sao.
Đạo sĩ vui vẻ ra đi. Một lát sao đạo sĩ trở về nói:
- Được được rồi, thư phòng ông lớn đang cần người như thế. Tôi đã nói với ông lớn rồi, ngài bảo rằng người Man ở miền Nam không bắt nó cúi đầu cũng được và bảo hãy mau mau dẫn nó tới.
Đang lúc bơ vơ, Từ Bằng Tử chẳng dám đòi hỏi chi nhiều, đành theo đạo sĩ. Đúng là:
Nguyễn Sinh đường cùng thường rơi lệ,
Lý Bố, gia nô phải cạo đầu,
Kìa xem Vệ Hoắc phong hầu bởi
Tạm nhún mình nên đấng trượng phu.
Ngay ngày hôm ấy đạo sĩ dẫn Từ Bằng Tử tới gặp Lư Hàn lâm. Từ Bằng Tử đứng sang một bên. Thấy anh nhã nhặn, ngài Hàn lâm rất vui, rồi hỏi họ tên. Anh dùng tự làm tên, nói:
- Thưa ngài con là Từ Bằng.
Hàn Lâm cho người dẫn xuống thư phòng, gặp người con trai cả của ngài. Lực học của Lư công tử rất xoàng, song do dựa vào danh vọng của cha mà được vào trường. Trong nhà vẫn mời thầy về dạy, người thầy họ Trần ấy vốn là một tú tài được phát học bổng.
Từ Bằng Tử tới, công tử giao cho anh chép một số bài. Từ Bằng Tử chép rất cẩn thận rồi trao lại cho công tử. Thấy chữ viết đẹp chân phương, công tử rất thích, nên nhìn anh bằng con mắt khác. Mấy hôm sau, công tử lại đưa cho anh mấy bài văn mà hàng ngày công tử làm, bảo Bằng Tử chép để gửi cho cha xem. Bằng Tử vừa viết vừa xem, trong đó thấy mấy câu chưa được, anh không kìm nổi, rồi hứng lên chữa liều và cứ thế chép vào đưa cho công tử. Công tử đọc lại, thấy chỗ sửa bèn gọi Bằng Tử tới, nói:
- Mấy câu này không đúng nguyên văn của ta.
- Tôi bỗng chốc bạo gan, thấy mấy câu ấy bèn sửa bừa.
- Chỗ sửa rất hay, xem ra anh cũng là người biết làm văn.
- Tôi cũng biết được chút ít.
- Thế thì tốt lắm, hôm qua bác Vương Niên phát hai đề mục của trường, tôi ngại làm, anh thử làm xem sao.
Bằng Tử nhận lời, công tử mang ngay tới, chưa đầy một khắc Bằng Tử đã làm xong đưa ngay cho công tử. Tuy không hiểu hết hay dỡ, công tử coi như bài của mình, bảo Bằng Tử chép lại sạch sẽ rồi đưa ngay cho bác Vương Niên. Vương Niên vốn là một tiến sĩ kỳ cựu, có con mắt tinh đời. Xem hai bài văn của công tử thì rất thích. Khuyên như đổ son, rồi đưa lại cho công tử, lại viết riêng một lá thư cho ngài Hàn Lâm, hết lời khen ngợi bài văn của công tử. Lư Hàm Lâm cũng cho là ông chỉ khen lấy lòng mà thôi, nên cũng không xem lại bài văn ấy bẵng đi không nhắc tới nữa. Đúng là:
Năm năm không thấy vùng biển rộng
Sao biết văn chương khóc gió thu.
Lư công tử thực lòng quan tâm đến Từ Bằng Tử, đích thân may áo cho anh. Gặp khi lễ tết lại thưởng cho anh rất hậu. Bằng Tử được nơi yên thân, lại có sách, anh đọc say mê quên cả ngày tháng. Một hôm Trần tiên sinh không ở trường, công tử được về nhà nghỉ đêm, cùng ăn cơm tối với mẹ. Công tử nói:
- Từ Bằng Tử cũng là người có học, văn hay chữ tốt. Anh người Man này không phải là người thấp hèn, hôm nay thầy không ở đây, bảo người mang đến ít rượu và thức ăn thưởng cho anh ấy.
- Hóa ra là như thế. - Người mẹ nói.
Thế rồi bà gọi người hầu của bà là Phi Hồng:
- Ngươi hãy mang hai bác thức ăn và một bình rượu tới thư phòng cho Từ Bằng.
Phi Hồng vâng lời mang đi ngay, cô nghĩ: "Không biết Từ Bằng là người thế nào mà công tử khen anh ấy, ta phải tới xem mặt mũi anh ta".
Tới thư phòng, Phi Hồng gọi:
- Từ Bằng, Từ Bằng.
Từ Bằng đáp lời. Phi Hồng nói:
- Tướng công bảo đưa cho anh ít rượu và thức ăn, anh ra mà nhận.
Từ Bằng vội vàng ra đỡ lấy. Phi Hồng nghĩ bụng. Hóa ra Từ Bằng cũng đẹp trai và cũng ra dáng thư sinh, không giống như một số người đầu óc đần độn ở nhà này. Ta nghĩ mấy người đầy tớ trong nhà bà đều lấy những anh chồng ngu ngốc, nếu ta lấy được người như Từ Bằng thì chết cũng toại nguyện. Chi bằng ta cứ lôi kéo anh ta, bảo anh ta nói với tướng công tình nguyện lấy ta. Tướng công yêu quý anh ta, lo việc này thì chắc chắn là thành. Ý đã quyết chỉ chờ cơ hội là làm. Đúng là:
Mắt xanh đấng văn nhân chưa gặp,
Đã lọt vào gương khách quần hồng.
Một hôm Phi Hồng biết được công tử tới nhà bác Vương Niên uống rượu. Phi Hồng tìm một đôi nhẫn và một chiếc móc tai gói vào chiếc khăn là. Cô vuốt tóc mai chải lại đầu rồi tới thư phòng. Thấy cô:
Búi tóc đen nhánh.
Mặt thoa phấn hồng.
Mặc áo xanh, quần vải áo nâu không sao sánh,
Lưng thắt giải là, chẳng khác nào liễu xuân mơn mởn thướt tha.
Đôi chân thon thả, giày hồng cao gót,
Cánh tay trắng ngần, áo lụa thêu hoa.
Tuy chẳng phải giai nhân lầu son gác tía,
Cũng coi như gái trinh khuê các trên đời.
Phi Hồng rón rén bước tới thư phòng, thấy Bằng Tử đang ngồi viết. Bằng Tử hỏi:
- Chị Phi Hồng tới làm gì đó?
- Tướng công không có ở nhà, em đến chơi một chút.
Thế rồi cô chống hai tay xuống cạnh bàn Bằng Tử, xem anh viết, cô nói:
- Chữ anh viết đẹp quá, không như tướng công, chữ to chữ nhỏ xiêu xiêu vẹo vẹo trách nào tướng công thích anh. - Rồi cô lại nói tiếp. - Hôm nay tướng công đến nhà họ Vương uống rượu, bao giờ mới về?
- Bao giờ yến tiệc xong sẽ về, cũng phải đến tối đấy.
- Tướng công không có ở nhà, tôi tới làm bạn với anh có được không?
- Tôi không dám phiền chị.
Phi Hồng thấy trên giá có chậu hoa lan tứ quý đang nở rộ, cô đi tới ngắt hai bông. Cài một bông len đầu, còn bông kia cô mang tới cài lên búi tóc Bằng Tử, nói:
- Hoa rất thơm.
- Đừng ngắt bừa. - Bằng Tử nói. - Sợ tướng công về sẽ trách mắng.
- Anh cứ yên tâm, có rượu mà không uống là chàng ngốc, có hoa mà không hái là anh đần.
Thấy Bằng Tử cắm cúi viết, không để ý đến cô, cô bước tới ôm lấy vai Bằng Tử nói:
- Anh không sợ lạnh ư, tối qua tướng công nói với bà là muốn mua vải may cho anh một chiếc áo bông mặc, anh là anh Man mà gặp vận may.
- Đây là ân nghĩa của tướng công, có gì mà nói vận may với không may.
- Anh Từ này. - Phi Hồng nói. - Em có cái này tặng anh, anh hãy nhận đi.
Bằng Tử cầm lấy xem, thấy có hai chiếc nhẫn và một chiếc móc tai, đoạn lại đặt lên bàn như cũ, nói:
- Chị cầm lấy, tôi không dám nhận, tôi cũng không có chỗ để sợ rằng mẹ tướng công tìm thấy thì quả là phiền phúc.
- Đây là của em, anh sợ gì. Nếu anh nói với tướng công thì tướng công là một ông chủ tốt. Hơn nữa, mấy người làm thuê trong phòng của bà lớn chẳng ai không tắt mắt. Song em không như họ nên bà lớn rất yêu quý em. Anh Từ này! Chẳng giấu gì anh, anh có chuyện gì cứ nói với em, em sẽ nói với bà lớn cho.
- Tôi chẳng có chuyện gì dám phiền tới bà lớn cả.
- Vật nhỏ mọn này anh không dám nhận lại còn trách em.
Phi Hồng có ý bước lại gần cầm lấy gói tặng phẩm ấy, rồi ôm chầm lấy Bằng Tử, nhét bừa vào tay áo anh, rồi thừa cơ nắn anh mấy cái. Từ Bằng Tử ngượng quá, đành phải bỏ đi.
Anh nói:
- Chị nên đứng đắn một chút, ông lớn mà biết được thì ông ấy sẽ trị tội, lúc ấy thật là bất tiện.
Thấy Bằng Tử không cắn câu. Phi Hồng nằm ềnh xuống giường khe khẽ rên và hát gợi tình. Thấy cô ta cứ bám chằng chằng, không cách nào đuổi đi được, Từ Bằng Tử sợ có người trông thấy bèn cố ý nói:
- Suýt nữa thì quên mất, tướng công bảo tôi ra cửa hiệu lấy sách. Tôi phải đi đây, chị Phi Hồng ở lại đây một mình hay thế nào cho tôi khóa cửa.
Thấy Từ Bằng không mặn mà gì, Phi Hồng đành phải bò dậy, cầm lấy gói tặng vật giấu vào tay áo, nói:
- Đồ ngốc, người ta tặng mà không lấy.
Rồi bỏ đi. Đúng là:
Thấy gái chẳng màn, Liễu Hạ Huệ,
Thấy của không tham, Dương Tứ Tri.
Hoa rơi nước chảy bặt tin tức,
Trăng sáng trời trong biết thuỷ chung.
Lại nói, một hôm án sát Viện tới muốn biết phong tục ở đây liền ra đề, trường học lĩnh đề đưa cho Lư công tử làm. Từ Bằng Tử lại làm giúp, thấy bài của công tử được mọi người khen, bèn cho điểm cao nhất. Rồi quan án trả bài và chuẩn bị lễ vật tới thăm Lư Hàn lâm. Quan hết lời khen ngợi bài văn của công tử. Lư Hàn lâm nói:
- Thằng bé được ngài khen cứ ngỡ là thật, thực ra ngài khen quá lời. Hơn nữa ngài là bạn đồng khoa, xin mong ngài cứ dạy bảo thẳng mới phải.
- Không phải là tôi khen lấy lòng đâu. - Quan án nói. - Quả là cậu ấy là người xuất chúng ở miền Bắc, sau này tài năng sẽ nở rộ, e rằng tôi chưa thấy hết được cái hay trong bài văn, nên ca ngợi chưa thỏa đáng, xin ngài hãy thử xem.
Thế rồi ông gọi người đưa tập bài tới, đích thân ngài giở ra hai bài đưa cho Lư Hàn lâm. Lư Hàn lâm xem, quả nhiên bài này khác hẳn ngày thường. Ông rất ngạc nhiên, song không dám tự khen con mình, rồi nói:
- Cũng bình thường thôi, sao lại được ngài quá khen như thế?
Ngài quan án từ biệt ra về. Từ đó về sau thường là bài làm hàng tháng hay bài thi, hay những bài các quan ra để xem xét phong tục, thì bài nào của Lư công tử cũng được xếp thứ nhất. Công tử và Lư Hàn lâm rất vui, thầy Trần cũng vui lây. Cả hai người đều nói là công tử chăm chỉ dùi mài, nên văn chương tiến rất nhanh, chẳng ai ngờ tới một nguyên nhân khác.
Đàn sáo hòa nhau ai phân biệt,
Chép, giếc trong ao chẳng khác nhau.
Dạo ấy quan Đề học đạo đến mở kỳ thi cuối năm, Lư Hàn lâm muốn con đi thi liền mở tiệc tiễn chân cực kỳ long trọng. Khi công tử đi thi, Lư Hàn lâm cho mang theo rất nhiều tiền và cử thầy Trần đi theo làm bạn đồng hành. Thấy Trần mặt mày rạng rỡ, xoa tay nói như đinh đóng cột.
- Công tử đi thi lần này nhất định đỗ thủ khoa là cái chắc.
Lư Hàn lâm cũng tin như thế, song lẽ nào lại nói "chưa chắc", chỉ biết tạ ơn công lao thầy dạy dỗ. Nào ngờ, thi xong mấy ngày thì yết bảng. Lư công tử xếp thứ năm. Mà đứng thứ năm cũng là do quan Đề học nể công tử là con trai của Lư Hàn lâm. Nếu không thì xếp thứ sáu cũng chưa biết chừng. Lư Hàn lâm nổi giận, bảo mang bài cho ông xem. ông nói:
- Bài văn thế này, xếp thứ năm cũng chẳng oan đâu. Tại sao hôm ấy lại làm như thế?
- Hôm ấy con không bình tâm. - Công tử nói. - nên làm ào đi cho xong thôi.
- Lẽ nào lại thế? - Lư Hàn lâm nói. - Lòng không thư thái hay là bế tắc, văn chương không bay bổng được, khác nhau một trời một vực như thế. Việc này ta không tin. Đúng là:
Xưa nay văn chương có bằng chứng
Chớ vội đua nhau quá ngợi khen.
Lư Hàn lâm rất nghi hoặc, tới thư phòng nói với thầy Trần:
- Bài thi hôm trước của cháu xếp thứ năm là đáng rồi. Chỉ có điều so với mấy bài làm về phong tục không biết ở đâu ra mà khác nhau một trời một vực như thế.
- Chính điều ấy. - Thầy Trần nói. - Tôi cũng không hiểu được. Tôi có một kế, cứ đến ngày ba, sáu, chín là ngày làm văn, ngày mai là ngày làm văn, trưa mai phiền ngài tới xem công tử nộp bài. Thì hay dở tốt xấu biết ngay.
Ngài Hàn lâm cho thế là phải lắm. Sáng hôm sau, không chờ đến trưa ông đã tới thư phòng, xem bài của công tử thì thấy bài văn viết rất hay. Lư Hàn lâm nói:
- Văn chương thế này thì còn nói gì nữa, sao bài thi vừa qua lại không làm được như thế?
- Văn thì đúng là có lúc hay lúc dở, công tử nói rằng hôm ấy không bình tĩnh, có thể là như thế thật chứ như hai bài hôm nay thì quả là công tử thiên tư đĩnh ngộ, học một biết mười, nên sẽ tiến rất nhanh. Đúng là người đang gặp vận, nếu thi chắc chắn sẽ xuất sắc và quả là tôi cũng được thơm lây. Thiết nghĩ, hai bài hôm nay mà vẫn như bài thi vừa qua thì không những ngài mất hứng, mà tôi cũng không còn được ngồi ở đây nữa.
Lư Hàn lâm tuy gật đầu, nhưng ngài vẫn hồ nghi. Song một người làm quan như ngài bao giờ cũng tinh anh hơn người, ngài nghĩ: "Đúng rồi", hôm sau ngài ngồi dưới lầu bảo người đi gọi công tử tới. Khi công tử đến ngài nói:
- Trên lầu có đề bài, con hãy lên đó làm một bài văn để ta xem.
Công tử không dám trái lời, lập tức lên lầu. Lư Hàn lâm lập tức khóa cửa lại rồi cầm chìa khóa mang đi. Đến trưa ông lại đích thân mở cửa cho đứa hầu mang cơm lên khi nó xuống lầu, ông lại khóa cửa như cũ. Đúng là:
Không phải lấy gai rào lỗ hổng,
Mà dùng gia pháp chỉnh trường quy.
Công tử lên lầu, thấy trên đó chẳng có gì, chỉ thấy bút nghiên, mấy tờ giấy và một cuốn Tứ Thư với một đề bài. Công tử nghĩ: "Lần này ông đã ra tay". Không dám làm sai. Đành phải cố công vắt óc suy nghĩ, làm bài văn suốt từ sáng sớm mãi cho tới chiều tối, lại còn phải đốt nến lên mới viết xong, rồi trực tiếp giao bài. Lư Hàn lâm xem, nói:
- Bài văn này so với bài thi cũng chỉ thế thôi. - Rồi ông mỉm cười gật gật đầu nói tiếp. - Bài văn này so với mấy bài trước đây thì đúng là chép của ai rồi, không còn nghi ngờ gì nữa, từ nay trở đi con cũng không cần phải học nữa chỉ học sao chép thôi.
Công tử biết sai, cho rằng cha mình đã biết chép bài của Từ Bằng, bèn khai thật:
- Mấy bài văn trước là con chép của Từ Bằng.
Lư Hàn lâm kinh ngạc:
- Từ Bằng làm ư?
- Vâng ạ.
Lư Hàn lâm bèn cho gọi Từ Bằng tới. Những người này biết là có chuyện, nghe lệnh bèn gọi toáng lên.
- Ông lớn cho gọi Từ Bằng. Từ Bằng đâu rồi?
Từ Bằng sợ giật thót mình, hỏi:
- Ngài cho gọi tôi có việc gì thế?
- Ngài bảo, - những người ấy nói, - bài văn hôm trước là do anh làm, nên đã cho gọi anh, ông lớn đang tức giận anh phải hết sức cẩn thận.
Từ Bằng nghĩ bụng: “Việc này đã vở lở cả rồi, phải làm thế nào đây?” Rồi anh lại nghĩ: "Trong trường thi làm thay thì e rằng sẽ phạm tội, nhưng đây là chuyện riêng thì ngại gì, lẽ nào lại bắt tội ta, xấu chàng hổ ai, chẳng việc gì mà mình lại sợ sệt như thê". Rồi theo mọi người tới gặp ông lớn. Lư Hàn lâm nói:
- Anh cũng biết làm văn ư?
Bằng Tử ngẩng đầu lên nhìn Lư Hàn lâm, vẻ mặt hết sức bình tĩnh, đáp:
- Thưa ngài! Con cũng làm bừa mấy câu.
- Quả như anh nói, hiện trên lầu có đề và giấy bút, anh hãy làm bài văn cho ta xem.
Bằng Tử theo lệnh, khoảng chưa đầy một giờ đã làm xong bài văn trình lên ngài Hàn lâm. Xem xong ngài nói:
- Quả không sai, anh làm được bài văn như thế này thì anh không phải là người thường. Hãy nói thực với ta đi, ta sẽ nâng đỡ anh.
Từ Bằng Tử kể lại mọi việc từ họ tên, lai lịch và việc mình bị xóa tên không cho thi cho Lư Hàn lâm nghe. Ngài nói:
- Đã như thề thì tôi xin chắp tay mời anh ngồi, ngày mai cùng học với thằng nhỏ nhà tôi, anh có chí lớn như thế chẳng lo gì nghèo hèn. Trước đây tôi có lỗi coi thường anh, rất mong anh tha thứ.
Hôm sau ông may cho Từ Bằng Tử một chiếc khăn và một bộ quần áo. Những gia nhân trong nhà đều phải gọi Từ Bằng Tử bằng tướng công, chứ không được gọi là Từ Bằng nữa. Từ Bằng Tử vô cùng cảm động sự tri ngộ của Lư Hàn lâm, anh luôn nói về phong tục, tập quán phương Nam để dìu dắt công tử. Công tử lần này bị sĩ nhục cũng thật tâm suy nghĩ về mình, chỉ vài tháng sau công tử tiến rất nhanh.
Lại nói sau khi Từ Bằng Tử rời khỏi gia đình, bọn cướp biển nổi loạn, vùng Chiết Giang loạn lạc. Nơi nào chúng tràn qua dân chúng đều bỏ chạy tán loạn, nơi nào chúng chưa tới thì chỉ nghe tiếng đồn cũng khiếp vía. Đàn ông, đàn bà, già trẻ, lớn bé cứ chạy vòng quanh. Trong hang núi tiếng kêu gào khóc than thảm thiết. Nơi họ đến thì người ở đó gồng gánh nồi niêu đứng chờ đến lượt mình chạy loạn. Cái khổ của thời chạy loạn không sao kể xiết. Vợ Từ Bằng Tử là Vương thị sống hết sức cùng quẫn, chẳng ai thân thích, bè bạn nào quan tâm, một thân một mình đeo bị nhập bọn, chạy theo mọi người. Vừa chạy tới một nơi, đang cùng mọi người ngồi nghỉ thì chợt Vương thị thấy một người trông rất quen, nhìn kỹ thì hóa ra là Thúc Tự, người Vệ Lý. Chị đứng dậy nói:
- Chào bác, bác cũng ở đây à?
- Chị là người nhà ai nhỉ? - Người ấy nói. - Tôi bỗng nhiên quên mất.
- Tôi là vợ anh Từ Bằng Tử.
- À thế ra là bà Từ, xin lỗi, tôi xin lỗi nhé!
- Bác có biết tin tức gì về chuyến đi của họ không. Mãi tới nay tôi không thấy có một là thư nào gởi về.
- Bà vẫn chưa biết ư? Họ đến Lâm Thanh, do không đề phòng cẩn thận, thuyền lương bị cháy. Nghe nói quan chuyển lương bị quan địa phương bắt giam, sớm muộn gì cũng sẽ giải về Bắc Kinh xử tội.
- Như thế mà không gửi thư về cho vợ biết.
- Đây là do người trong nhóm khác về nói lại. Tôi cũng không biết ông Từ thế nào nên cũng không dám nói bừa.
- Thế thì ngộ xảy ra chuyện gì thì sao, quan chuyển lương bị tội thì họ có việc gì không? Vì sao cho tới nay vẫn không thấy về? Nhất định là chết nơi đất khách quê người rồi.
Nói tới đây Vương thị chẳng kể gì đến chiến tranh loạn lạc cứ gào lên khóc. Người ấy nói:
- Thôi đứng khóc nữa, phải tìm một người nhà đi thăm dò thì mới biết rõ được.
- Anh ấy là con quan. - Vương thị nói. - Trên không có anh em, dưới không có con cái, bỗng dưng lâm nạn ai người ta chịu đi tìm cho? Trừ đích thân mình đi.
- Chị là đàn bà con gái, một thân một mình đi xa không tiện. Tôi nghĩ thế này, hai hôm nữa có một chuyến thuyền lương nhổ neo, người quản thuyền là người thân của tôi, để tôi nói xem sao. Chỉ lấy tiền cơm thôi không lấy tiền thuyền, lại là người cùng địa phương, cùng đi về thì quả là yên tâm.
- Thôi thì trăm sự nhờ bác nói giùm, sớm mai báo tin cho em biết, em vô cùng biết ơn bác.
- Sáng sớm mai tôi sẽ quay lại báo tin cho chị.
Hôm sau quả nhiên người ấy tới, nói:
- Trong nội hôm nay anh ấy nhổ neo, chị cứ đến bến tàu hỏi Lý Ma Tử thì đó là anh ta. Tôi đã nói rõ với anh ấy rồi, chị thu xếp rồi đi ngay đi.
Nói xong người ấy bỏ đi. Thật là:
Bỗng chốc không lo xa,
Nghìn dặm rời khỏi nhà.
Đường đi đầy mưa gió,
Hiu hắt dạ xót xa.
Vương thị thu xếp hành lý rồi tới ngay bến tàu hỏi thăm thuyền Lý Ma Tử. Lý Ma Tử nói:
- Chị là vợ của anh Từ phải không? Người thân của tôi hôm qua đã nói rồi, mời chị lên thuyền, hôm nay nhổ neo đấy.
Vương thị cúi đầu lạy tạ ơn.
Lý Ma Tử vốn là một tên du đãng, đã hơn ba mươi tuổi mà vẫn chưa có vợ. Hắn có một mẹ già hơn sáu mươi tuổi, thường ở trên thuyền lo cơm nước cho hắn. Hôm đầu nghe thấy Thúc Tự nói, hắn vẫn chưa biết là người thế nào. Khi Vương thị tới thấy chị còn trẻ, hắn nghĩ: "Người đàn bà này trẻ đẹp, lại chỉ có một thân một mình lên thuyền ta, đúng là trời xe duyên. Ngày đầu tiên đã được lãi, rồi cầm tay cô đỡ nhẹ ngang hông đón lên thuyền còn hơn hẳn mất ba đồng chơi gái ở bến tàu. Nghe nói cô đi tìm chồng, nếu tìm không thấy, khiến cô ta khao khát sống với mình lâu dài chưa biết chừng, đúng là cá đã vào ao, chỉ sợ cô ta tếch đi đâu thì có phải phí hoài một cô vợ đẹp không". Hắn mừng thầm, xếp cô ở một khoang, sáng sáng chiều chiều rất ân cần quan tâm hỏi han, chăm sóc cô từng miếng cơm bụm nước. Vương thị cứ ngỡ hắn là người tốt hiếm thấy trên đời, chẳng hề để ý tới, nào ngờ đâu hắn là kẻ gian manh. Đúng là:
Nghe lời đường mật đừng nhẹ dạ,
Nghĩa đảm lòng trinh phải giữ mình.
Mấy ngày sau khi mọi người đã đi ngủ, Lý Ma Tử uống rượu say khướt, hắn hát nghêu ngao, lên thuyền đến khoang thuyền chị nằm, hắn hỏi:
- Chị Từ chưa ngủ à?
Vốn là từ khi lên thuyền, Vương thị không bao giờ cởi thắt lưng, cứ để cả áo quần đi ngủ. Vừa trở mình thì nghe thấy Lý Ma Tử gọi, chị nghĩ: "Đêm hôm khuya khoắt hắn gọi ta làm gì nhỉ, ta không thưa xem hắn giở trò gì". Thấy chị không thưa, hắn sột soạt cậy cửa khoang. Cửa thuyền không có khóa, chỉ mấy chốc là hắn mở được, hắn len người vào thuyền. Vương thị kêu lên:
- Ai đấy, đang đêm sao lại chui vào đây!
- Anh đây. - Lý Ma tử nói. - Anh thương em đêm nằm không một mình lạnh lẽo, anh vào ngủ với em cho vui đây.
- Nói càn. - Vương thị nói. - Ta là con nhà tử tế, anh lầm rồi, hãy đi ra, đừng có làm bậy.
- Em yêu của anh, em lên thuyền anh chính là cái duyên cái số phân biệt gì sang với hèn, anh cũng chỉ mong vui với em một đêm thôi mà.
Nói xong hắn hai ta ôm chầm lấy Vương thị, tức khí Vương thị nhẩy lên cào cấu vào mặt Lý Ma tử, Cuối cùng người hắn to, sức hắn khỏe, hắn đè Vương thị xuống giường. Vương thị kêu lên:
- Làng nước ơi, có kẻ hãm hiếp người lương thiện.
Lý Ma Tử hoảng hốt buông tay, bịt lấy mồm chị. Vương thị thừa thế giãy giụa, chui ra ngoài khoang kêu thất thanh:
- Cứu cứu tôi với cướp của giết người các ông ơi!
Lý Ma Tử hoảng hốt, thấy tình thế không xuôi vội vàng chuồn thẳng. Vương thị định rêu rao lên, song chị nghĩ: "Mình nhờ người ta nên phải nhún nhường đôi chút. Ta tới đây để làm gì? Nếu chẳng may bị đuổi khỏi thuyền thì giải quyết sau đây. Thôi thì hãy kiên trì tự giữ mình thì hắn làm gì được.
Chờ đến khi gặp chồng hãy tính chuyện sau, còn bây giờ cứ chịu đựng là tốt nhất”. Đêm ấy chị vẫn im lặng, vẫn cài chặt cửa khoang như cũ, rồi nằm trên giường khóc một mình. Đây chính là khí tiết của Vương thị, chị đã quyết rồi. Nếu không thì đã bị làm nhục, đây cũng là sai lầm của những người đàn bà tùy tiện ra khỏi nhà. Đúng là:
Đàn bà không nên ra khỏi cửa,
Hoa tươi dễ bị bướm ong châm.
Người xưa thường bảo ở nhà tốt.
Ở nhà mới giữ trọn thủy chung.
Hôm sau, Lý Ma Tử cảm thấy ở thuyền chẳng hứng thú gì cơm nước xong hắn uể oải bỏ đi, cũng chẳng thèm quan tâm đến Vương thị nữa. Vương thị cũng vui vì hắn không thích mình. Mấy hôm sau thuyền tới Lâm Thanh, mọi người nô nức đi cúng phúc thần, Vương thị cũng nói với mẹ của Lý Ma Tử:
- Mẹ ơi cho con lên bờ tìm một chút rồi về ngay.
Chị cùng đứa nhỏ trên thuyền lên bờ, cứ gặp nhà hàng là hỏi thăm. Người ở đây nói:
- Đúng là có việc ấy, năm ngoái có một thuyền lương bốc cháy ở đây. Quan chuyển lương bị giam tới nửa năm, sau đó giải về Bắc Kinh giam tại nhà lao Thông Thiên.
- Đêm ấy thuyền của họ mất mấy người? - Vương thị hỏi tiếp - Ông ấy có mời một người họ Từ làm thầy, không biết các vị có biết hiện ông Từ có còn không?
- Người chết xác vẫn còn chôn ở đây, chúng tôi không rõ họ tên. - Người ấy nói.
Vương thị cứ hỏi đi hỏi lại nhiều người, nhưng không ai biết, sau cùng có một cụ già nói:
- Tôi nhớ năm ấy ở miếu Đông Nhạc có một người ở thuyền lương lâm nạn, sống ở đó một thời gian nhưng tôi cũng quên mất tên. Nếu cô muốn biết hãy đến miếu Đông Nhạc hỏi đạo sĩ sẽ rõ.
- Thưa cụ, từ đây đến miếu Đông Nhạc bao xa ạ?
- Xa đấy. - Cụ già đáp. - Cả đi lẫn về cũng bốn năm dặm đường.
Vương thị định đi thì đứa nhỏ nói:
- Đi hỏi mãi bụng cũng đã đói, hãy về thuyền ăn bát cơm rồi hẳn đi. Bà đi chậm, cả đi lẫn về cũng lâu đấy, hơn nữa cũng phải về thuyền nói với người ta một tiếng, phong tục vùng này không phải đùa đâu.
Vương thị thấy nó nói phải, trở về thuyền nói với mọi người, song chẳng thấy ai trả lời. Chỉ thấy Lý Ma Tử nhảy tới quát tháo:
- Con mẹ mày chứ, thuyền ta chở là thuyền quan, vận tải lương thực của triều đình, ai dám bảo muốn đi thì đi, muốn dừng thì dừng. Tao lại không được một xu một hào nào của mày, ai là người hầu của mày. Đừng có nói phu nhân với tiểu nhân, còn làu bàu thì dây thừng đây ông trói lại rồi buông cho mày xuống hà bá mà kiện. Nói thực với mày, chúng tao trên thuyền này còn còn đang nợ hà bá cái mạng chó của mày đấy.
Dứt lời hắn quát cho thuyền nhổ neo đi tới bến cảng khác. Tất cả mọi người hì hục đẩy thuyền đi. Uất quá, Vương thị trừng mắt nhìn họ, tự nhiên nước mắt trào ra. Lúc ấy trời đất mênh mông thân cô thế cô, tiếc rằng là một người đàn bà, chỉ biết giương mắt nhìn chúng kéo buồm cho thuyền chạy.
Vương thị tới khoang sau, nói với mẹ Lý Ma Tử:
- Mẹ ơi, hãy thương con, con cùng quê với mẹ. Mẹ hãy cứu vớt con.
- Cô nói sao? - Mẹ Lý Ma Tử nói.
- Con vốn đi tìm chồng, họ đã không muốn cho con tìm chồng thì lẽ nào cứ bắt con theo thuyền lương đến tận Bắc Kinh. Họ phải thả con ra để con về trước.
- Thế thì cô định về bằng cách nào? - Mẹ hắn hỏi.
- Gặp thuyền xuôi về Nam thì con đáp thuyền nhờ họ về. - Vương thị nói.
- Ngươi trẻ người non dạ, không biết hết được sự nguy hiểm khi ra khỏi nhà. Những chân sào trên thuyền này đều là người vùng ta, còn có thể biết được họ đôi chút. Nếu như gặp một chiếc thuyền đi qua, gửi ngươi sang đó, ngươi có biết người trên thuyền thuộc trời đâu đất đâu không? Ngươi là con gái, ở đấy liệu có tốt không? Thuyền ấy đều toàn người tốt thì chẳng nói làm gì, nhưng chẳng may có một đứa xấu bán ngươi đi lấy vài lạng bạc, tống cổ lên bờ thì ngươi biết đi đâu mà kiện. Ra khỏi nhà không dễ như thế đâu, mà chồng ngươi thì chẳng thấy tăm hơi. Chỉ thương cho ngươi là đàn bà con gái, như con cua không chân, chỉ trách ngươi còn trẻ không hiểu hết sự đời, ngươi nói đến là buồn cười.
Nói xong bà ta thở dài rồi vào khoang thuyền ngủ. Vương thị như bị dội một gáo nước lạnh, chị hối hận: "Mình sai rồi, không thể ra ngoài một cách dễ dàng. Bà ấy nói cũng rất có lý. Ta làm sao bây giờ. Thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân để xem con tạo xoay vần đến đâu, con sông này là nơi kết liễu đời mình". Nghĩ tới đây nước mắt chị cứ trào ra. Đúng là:
Lòng người hiểm tựa Thái Hành sơn,
Đâu đất Hy Hoàng đóng ải quan.
Bỗng chốc phong ba ôi kinh sợ,
Chân bước khỏi nhà thật hiểm nguy.
Trong số họ chỉ có Lý Ma Tử là khó chịu, hắn nghĩ: "Con này không làm gì được nó, đúng là mèo thèm có nem để thừa. Nếu mình cứ bám lấy nó, sợ rằng nó lại làm ầm lên như hôm trước thì chẳng còn mặt mũi nào. Nếu cứ để mặc nó thì mình không chịu nổi". Suốt ngày hắn cứ tính toán, suy nghĩ: "Phải rồi, ngờ nghệch với nó sao được, không được người thì cũng được tiền. Người như thế đến Bắc Kinh thì cũng được bốn năm mươi lạng. Ta bán ngay ở đây cũng có mấy chục lạng, sợ gì không lấy được người mình vừa ý, cần gì cái đồ cứng đầu cứng cổ". Chẳng mấy chốc thuyền tới Thiên Tân, đây là bến đậu của thuyền lương. Mọi người đến đây đều yên tâm ăn nhậu, chơi gái suốt ngày. Đúng là:
Đêm ngày trằn trọc tìm kế sống,
Ai ngờ rút cục gặp oan gia.
Vốn là, đứa ở cùng với Vương thị đi hỏi tin hôm trước, chính là cháu ngoại của Lý Ma Tử. Tuy còn nhỏ nhưng nó rất khôn ngoan, nó từng nhờ Vương thị khâu giày cho nó. Vương thị rất yêu quý, mỗi lần rảnh rỗi Vương thị thường giúp đỡ, nên nó rất cảm động. Hôm ấy nó nói:
- Mẹ Từ, con có một chiếc áo mắc vào mui thuyền bị rách, nhờ mẹ vá giúp có được không?
- Mang lại đây ta vá cho.
Đứa ở ấy ngồi bên Vương thị nói:
- Mẹ Vương sắp có việc vui mừng rồi, mẹ có biết không?
- Có việc vui mừng gì đấy?
- Con nói với mẹ nhưng mẹ đừng nói với Ma Tử nhé.
- Được rồi, cứ nói đi.
- Cậu Ma Tử gả mẹ cho người ta rồi. Hôm kia họ đã lên thuyền xem người. Họ cố ý giả vờ đến xem mẹ. Họ ưng và đã đưa ba mươi lạng bạc làm sính lễ, cậu con đòi bốn mươi lạng. Hôm nay người mối lại đến gọi cậu Ma Tử tới quán rượu nói chuyện, hẹn giao tiền rồi khiêng người đi.
- Sao con biết?
- Con tới quán rượu hỏi tiền mua thức ăn, cậu con gọi vào cho uống rượu, con nghe thấy nên về đây nói với mẹ. Nếu mẹ đến nhà ấy thì chuẩn bị trước đi, đừng để đến lúc ấy lại cuống lên. Con cứ lo thay cho mẹ, không có gì đền ơn mẹ.
- Vậy thì thế này nhé. - Vương thị nói. - Mẹ vá áo cho con, con hãy lên bờ nghe ngóng, nếu có gì thì về báo ngay cho mẹ, mẹ sẽ đền ơn con.
Đứa trẻ có biết gì đâu, nó nhận lời hớn hở chạy ngay lên bờ. Vương thị hết sức kinh hãi. Thằng cướp này ác độc đến thế là cùng. May mà đứa nhỏ nói cho biết không thì mình đã bị nó lừa rồi. Nếu ta chết ở đây sẽ chẳng ai biết đến, như thế cũng là chết uổng thôi, ở đây thông tới Bắc Kinh, ta phải tự lo lấy cuộc sống. Ba mươi sáu kế trốn là thượng sách. Chị lập tức sửa soạn quần áo, giày dép, mang theo một ít tiền lộ phí. Lúc ấy trời đã nhá nhem tối, người trên thuyền đều lên bờ uống rượu. Vương thị tứ cố vô thân, vội vả nhảy lên bờ, không dám đi vào chỗ đông người, chị cứ men theo bờ sông vắng vẻ. Thật là:
Gian nan nguy hiểm khôn lường,
Vợ chồng liệu có giữa đường gặp nhau?
Lại nói từ khi đỗ tiến sĩ, Đinh Hiệp Công nghinh nghinh ngang ngang, nay tiệc tùng, mai hò hẹn, cả thành Bắc Kinh không chỗ nào là không tới. Hôm ấy bộ Lại ký giấy cử hắn về làm tri huyện phúc Kiến. Cầm bằng trong tay, hắn rời ngay Bắc Kinh về nhà tế tổ, mời bạn bè thân thích đến ăn mừng, người ra kẻ vào đông nghịt, tiệc tùng tới mấy ngày sau đó mới trống phách vang lừng tới nhiệm sở. Gia quyến kéo hàng đoàn hết sức vênh vang. Tính hắn thế đã quen rồi, làm sao mà kìm nén nổi. Tới nhiệm sở, hắn ra sức bóp nặn, chẳng kể gì đến thanh danh, phép nước. Án viện thấy Đinh Hiệp Công mặc dù là tiến sĩ nhưng xuất thân vốn đã có tai tiếng nên cho về quê quán. Liệu về quê làm quan hắn có trụ vững không? Bởi hắn vốn là người thường dùng mánh lới để tiến thân, đã làm quan liệu hắn có an tâm trở lại dân thường không? Thời ấy đúng vào lúc tướng Nghiêm đương quyền, hắn vơ vét của cải ở Phúc kiến, sau đó chuyển một số về Bắc Kinh đút lót cho Nghiêm Thế Phiên và nhận làm con nuôi ông ta. Nghiêm Thế Phiên bảo với bộ Lại cất nhắc hắn làm chủ sự bộ Hộ. Được giữ chức mới, hắn lại đưa gia quyến về Kinh, tới bộ Hộ nhậm chức trông coi việc kho tàng. Ở Kinh chưa đầy một năm, tướng Nghiêm bị đuổi về quê quán, không lâu sau Nghiêm Thế Phiên bị hành quyết. Bố đã chết thì liệu con còn ngồi làm quan được không? Hắn bị chưởng khoa họ Túc dâng sớ nói rõ hắn đã tham ô và làm rối loạn luật pháp triều đình, không biết đóng cửa tự sửa mình, hắn lại còn ra sức nhận hối lộ, làm điều gian ác, ngu ngốc mà nhận bổng lộc của triều đình, nhận con kết nghĩa để cầu được thăng quan tiến chức. Cuối cùng ông nói: "Trong thi cử hắn đều dùng mưu ma chước quỷ để thi đỗ, chứng cớ vẫn còn chứ không nghe phong thanh. Cúi xin triều đình lệnh cho bộ này chuẩn bị toàn diện thanh trừng triệt để thống kê tội trạng và phải dùng cực hình trị hắn, giải trừ mối lo cho muôn dân, bồi dưỡng nguyên khí muôn đời của quốc gia. Triều đình gởi chiếu chỉ cho bộ Hình truy cứu. Bộ Hình gửi giấy cho bộ lại định ra kế hoạch xét hỏi, ghép hắn vào tội nhận hối lộ. Đúng là:
Cậy cánh khỏe bay chín tầng trời,
Kẻ gian hùng đến ngày tận số.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết