Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 21
Khinh Tài Sắc Kẻ Cướp Đường Thuyết Pháp
Thoát Tử Sinh Đấng Nghĩa Hiệp Từ Tâm

Đừng nói người quê cảm khái sâu.
Đất trời nào biết có gì đâu,
Mộ người hiệp khách đầy cỏ dại
Quách huống tài danh chỉ vì tiền.
Ai bao ngàn năm không chính sử,
Chỉ tại đời này lắm quan tham.
Thế gian bao việc xin thử hỏi,
Cướp phải chăng tại rừng xanh.
Đây là bài thơ hình như không chỉ điều gì cụ thể, chẳng qua là cảm khái gửi gắm những suy nghĩ, mượn nó để bộc lộ những bất mãn phẫn uất của mình. Ngẫm nghĩ cho kỹ thì hình như bài thơ như là nói về những việc cụ thể, tôi là người đã vứt bỏ công danh, ngày ngày chạy theo ba bữa cơm đạm bạc, trong lúc nhàn rỗi cứ suy nghĩ về bài thơ ấy xem thế nào. Các bạn bảo, triều đình đặt ra bộ Lại, hằng ngày tuyển rất nhiều quan viên. Nhũng viên quan này ta đòi hỏi họ phải làm gì? Không khác gì là đòi hỏi họ vỗ yên muôn dân. Việc vỗ yên muôn dân tuy nhiều, song không có gì quan trọng bằng đánh dẹp bọn cướp. Bởi thế người ta thường nói dẹp cướp yên dân. Triều đình có quan văn, lại có võ tướng, từ trấn tuần tướng lĩnh trở xuống, lại có du kích, phiên bổ. Nhũng người này ăn cơm gạo triều đình, rõ ràng là phải dẹp cướp yên dân.
Lẽ nào kẻ làm cướp, khi lọt lòng mẹ đã định sẵn mình nhất thiết phải là kẻ cướp? Cũng có kẻ đói khát bức bách, cũng có kẻ phạm tội không thể tha thứ được, không còn cách nào khác buộc phải đi vào con đường ấy. Trong đó cũng có rất nhiều người vì phẫn uất mà giấu mình ở đó. Cũng có người trọng nghĩa khinh tài, cũng có người cứu giúp người hoạn nạn, cũng có người vung dao trừ khử bọn cường đạo giúp đỡ kẻ yếu đuối, cũng có người là kẻ phá gia chi tử, hối cải hiến thân cho đất nước. Những người này không thực hiện chí lớn của đời song lại không muốn làm điều xấu xa vô liêm sỉ, không muốn sống như con sâu cái kiến, không chịu làm điều lừa dối lương tâm, vơ vét những tiền tài đen tối. Cho dù tiết tháo, phẩm hạnh của mình không lập được thì cũng làm một trang nam nhi tự do, sống ngang tàng, khi việc thất bại, sẵn sàng đưa cổ cho người ta chém. Những người như thế hơn hẳn kẻ thực hiện mưu đồ đen tối để cướp của người. Bởi thế Lý Thiệp, một bậc tiên hiền đã làm thơ tặng họ rằng:
Vừa gặp vì sao lại bỏ trốn,
Trên đời chỉ có một nửa anh.
Thời ấy có thể nói là "chỉ có một nửa anh". Song ngày nay, câu ấy phải sửa là "Trên đời có ai được như anh". Thế nhưng, thứ nhất là đòi hỏi nhũng người dẹp cướp yên dân phải chính trực, liêm khiết, chứ không đòi hỏi họ phải gương mẫu về mọi mặt. Thứ hai là, triều đình phải phá cách dùng người chứ không thể câu nệ cất nhắc người làm quan theo một con đường nhất định. Những người này nếu được làm quan sẽ phát huy hết tài năng và cống hiến hết mình cho đất nước. Tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện sau đây.
Thời Tư Mã Tấn, nước Ngô có hai danh sĩ, anh là Lục Cơ, em là Lục Vân, đời đời làm quan to. Chưa kể đến họ giàu có nhất nước, mà ngay học trò của họ cũng ở khắp thiên hạ. Nước Ngô thất bại, đất đai thuộc về triều Tấn. Hai anh em họ tài cao học rộng, không chịu nổi cuộc sống buồn tẻ, có người tiến cử họ, họ chuẩn bị rất nhiều của cải, mua thuyền chở tới Lạc Dương yết kiến triều đình. Hôm ấy, thuyền đậu dưới sông, nghe thấy có tiếng còi huýt thì thấy có rất nhiều người ập xuống cướp tất cả của cải trên thuyền. Của cải đã chất đống trên bờ mà họ vẫn còn gào thét bắt giết nó đi. Sợ quá Lục Cô vội chui vào khoang lái, ngồi thu mình ẩn nấp. Khoang lái có một khe hở. Lục Cơ len lén nhìn ra, thấy một tráng sĩ ngồi trên chiếc giường Hồ đặt trên bờ, đầu chít khăn xanh, mặc áo bào đỏ, dáng vẻ phi phàm, phong tư xuất chúng. Sai bảo mọi người, ai cũng nghe theo răm rắp. Phân chia của cải rất công bằng. Thấy thế Lục Cơ hết sức ngưỡng mộ, thầm khen ngợi. Không kìm nén nổi, tự nhiên gọi to:
- Tráng sĩ trên bờ có thể cho biết tính danh được không? Tôi có câu chuyện muốn nói.
Tráng sĩ giật mình, ngẩng đầu lên thì thấy một người ngồi xổm trong khoang lái nói ra, bèn cười nói:
- Anh nói gì?
- Tôi đã gặp nhiều người. - Lục Cơ nói. - Song thấy tướng mạo và hành động của tráng sĩ thật khác thường nhưng rất tiếc con người cao cả ấy lại chôn vùi vào con đường này. Sao tráng sĩ không bỏ quách nó đi, cố gắng học hành thành tài để cống hiến cho triều đình, khỏi uổng phí tài năng và phẩm hạnh.
Người tráng sĩ ấy nói:
- Ông có thể ra đây để ta gặp mặt được không?
Thấy thế Lục Cơ vội nhảy ra khỏi thuyền lên bờ, vái chào tráng sĩ. Hai người nói cho nhau biết họ tên. Người tráng sĩ ấy nói:
- Tôi là Đới Uyên, nhân vì thiên hạ nhiễu nhương nên tôi phải một mình phiêu bạt nơi đây mai đó, quả thực tôi chưa từng đi học. Nếu ông không vứt bỏ thì tôi xin tôn ông làm thầy.
Từ đó tráng sĩ ấy miệt mài học tập. Vui vì thấy ông lập chí. Lục Cơ hết lòng dạy dỗ, tiến cử ông làm quan. Sau này là trụ cột của triều tấn, vì người dẹp loạn, trở thành một người trung thần mà tên tuổi còn lưu mãi tới ngày nay.
Thời Tống lại có một tể tướng tên là Trương Tế Hiền. Khi chưa gặp thời, nghèo rớt mồng tơi. Ông chưa từng cáu gắt với ai. Bụng ông cũng chưa bao giờ ăn được một bữa no. Hôm ấy đói quá chẳng có gì tiêu khiển, ông đành vào thành chơi cho khuây khỏa. Thấy trong một gian nhà dột nát có rất nhiều bậc anh chị, xắn tay phanh ngực, ăn uống ngồm ngoàm, nói năng hùng hổ. Trương Tế Hiền biết đây là những tên dao búa, liền nghênh ngang bước vào, chắp tay vái. Một trong số bọn họ đùa anh rằng:
- Tú tài có biết uống rượu không?
- Sao lại không biết. - Trương Tế Hiền nói. - Các ông đều là hào kiệt, chỉ vì tể tướng không biết, không dùng các ông nên các ông mới thế. Tôi là một học trò nghèo, rất ghét những kẻ bỉ ổi xấu xa, mà lại kính trọng các ông.
Những tay anh chị này thấy chí khí hiên ngang, nói năng tự nhiên thoải mái, bèn mời anh ngồi hàng đầu. Anh ngồi xuống cũng chẳng hề giữ gìn ý tứ, gắp ăn, rót uống rất ngon lành, thấy thế họ đều bỏ đũa bát xem anh. Anh mặc họ, cứ chén tràn, mâm bát hết nhẵn mới bỏ đũa, quệt quệt mồm nói:
- Tôi quấy rầy các ông nhiều, xin cáo lui.
Thoạt tiên anh như một tú tài, giờ đây trông anh còn hơn cả kẻ cướp. Mọi người nói:
- Anh đúng là một trang hảo hán, hiếm thấy trong đám nghèo kiết xác, xem ra sau này anh có thể làm tể tướng. Đến lúc ấy phải nhớ tới bọn này nhé.
Nói xong người mang gói, kẻ thì mang túi, ai cũng tặng cho anh. Tế Hiền không hề từ chối, vơ lấy hết rồi chắp tay vái, vác đồ đi ra. Sau này Trương Tế Hiền quả làm tể tướng thật. Xem ra người trước là trung thần, còn người sau là trí sĩ. Truyện này có ghi trong sử sách, song nếu lại cứ đưa thêm mấy chuyện nữa e rằng sẽ rờm rà. Tôi xin kể vào câu chuyện chính để các bạn nghe.
Vào nam Thuận Thiên, huyện Tân Kiến, phủ Nam Xương, tỉnh Giang Tây, có một tú tài tên là Thời Tăng, tự Đại Lai. Ông nội là một nhà nho, anh lấy một người vợ là Vạn thị. Thời ấy Đại Lai tuy học giỏi, nhiều lần đỗ loại ưu, song gia cảnh lại nghèo túng. Hằng ngày dựa vào dạy học mà sống. Vùng Giang Tây rất nghèo, tiền dạy học chẳng lấy gì làm nhiều. Tuy gia đình ít người, tiền dạy học cũng chỉ đủ tiêu pha tằng tiệm, chẳng dư dật chút nào. Năm ấy đúng vào năm hạn hán mất mùa, ăn còn không đủ lấy đâu mà cung đốn cho thầy. Bởi thế anh không tìm được chỗ dạy học. Phàm là tú tài thì chỉ có dạy học là kiếm sống. Không có chỗ dạy thì không còn kế sinh nhai, những người khác tuy không còn kế sinh nhai nhưng còn có tiền vốn để chi dùng hoặc có thể làm giúp người khác kiếm sống. Song cái nghề tú tài quý hóa này thì có vốn đâu mà chi dùng, cũng chẳng biết tính toán nên cũng chẳng ai nhờ. Lại không biết gồng nặng gánh nhẹ, làm ngày nào sống ngày ấy. Các bạn bảo thế thì sao mà không nghèo. Lúc ấy Đại Lai đang buồn rầu ngồi trong nhà, nhìn bộ mặt võ vàng của vợ, chẳng khác nào kẻ thù, lúc nào mặt vợ cũng cau có, bởi đã ăn nhờ vợ đã hai ba tháng nay rồi.
Hôm ấy đúng vào lúc không còn một hạt gạo, thanh củi, Vạn thị nói với chồng:
- Nhà đã hết sạch gạo, anh đi đâu vay mấy đấu gạo ăn tạm hôm nay. Ngày mai em lấy tiền công khâu giày về thì có thể ăn thêm được mười ngày, anh tính sao?
Thời Đại Lai đáp:
- Được rồi!
Nói xong anh vội vàng vào bếp, định lấy chậu nước nóng rửa mặt mới đi. Nào ngờ đâu bếp núc lạnh tanh, nồi niêu lỏng chỏng. Thấy tình cảnh ấy anh vô cùng buồn bã, cắm cúi đi ngay. Vốn là khi nhận lời vợ, Thời Đại Lai cũng chưa biết sẽ tới nhà ai. Đến khi ra khỏi cửa anh mới sực nghĩ: "Mình cứ vội vã đi nhưng đi đến nhà ai đây". Anh đứng lại nghĩ một lát. Người dì của vợ ở ngoài cửa Quảng Nhuận có lẽ hàng tháng nay mình chưa đến, mượn dì ít tiền hoặc vay dì ít bạc chắc là cũng được thôi." Vừa mới đi được mấy bước anh lại nghĩ: "Không được, người chồng của dì là người phố xá, họ giàu mình nghèo, họ sẽ khinh thường, hôm nay đến nếu ông ấy không cho mượn thì nhục quá". Anh quay trở lại, đứng nghĩ một lát: "Ngoài cửa Chương Giang năm ngoái có một nhà có con học ta, anh ấy cũng có ăn, thôi thì mượn anh ta cũng được". Anh vội vàng đi được mấy chục bước lại nghĩ: "Không được, nhà túng thiếu thì họ mới cho con thôi học, nay lại đến mượn thì quả là chẳng biết điều một chút nào". Anh lại quay về, vừa đi vừa nghĩ: “Cửa hàng của Uông Chiêu Phụng ở Liêu Châu là cửa hàng cầm đồ, mang thẻ đi cũng có thể vay được ít tiền". Rồi lại nghĩ: "Ta đến nhà người bạn họ Phó cũng có thể vay được mấy đấu gạo". Nghĩ đến nhà này đến nhà khác, cứ đi đi lại lại trên đường như một người điên mất trí. Cũng không biết anh đi đi lại lại bao nhiêu lâu mà vẫn chưa vượt ra ngoài mười bước. Không ngờ một đứa trẻ bảy tám tuổi, tay cầm một chiếc bát, bên trong có đựng một ít mỡ đi tới, vấp phải anh, chiếc bát rơi chát xuống đường vỡ tan tành. Đứa bé nào có sá gì đến anh, nó túm ngay lấy Thời Đại Lai bắt đền.
- Hãy đền ta đi.
Thời Đại Lai lấy đâu ra tiền mà đền, cuống lên nói:
- Cháu đi đường, tôi cũng đi đường, cháu lỡ tay đánh rơi, sao lại bắt tôi đền.
Đứa trẻ khóc khóc mếu mếu, nói:
- Ông không trả tôi, tôi cũng không về nhà được, tôi cùng đi chết với ông thôi.
Trong phút chốc, người ta xúm đen xúm đỏ, có người nói:
- Đứa bé ấy đánh đổ nhiều hay ít mà khóc dữ vậy?
- Cháu đi mua một đồng mỡ. - Thằng bé nói. - Về xào rau cho bố cháu ăn, rồi đi Nam Kinh, thế mà ông ấy đánh vỡ mất cái bát của cháu.
Lại có người nói với Thời Đại Lai:
- Ông là người ở đâu, đã đánh vỡ bát của nó rồi, thôi thì hãy đền cho nó.
- Tôi là học trò của phủ này. - Thời Đại Lai nói. - Quả thực trong người tôi không mang một đồng nào. Nếu có thì một đồng chứ nhiều hơn tôi cũng đền.
Lại có người nói:
- Anh là học trò thì đi đường cũng phải có văn hóa một chút chứ, vì sao anh đánh vỡ chiếc bát của thằng bé, hóa ra anh cũng không bằng một đứa trẻ.
Trông chàng hào khí ba ngàn trượng,
Trong túi thế mà chẳng một xu.
Mặt ngựa đầu trâu đời bao kẻ,
Vàng đeo xủng xoảng, kẻ ngu ngơ.
Đứa bé ấy cứ túm chặt lấy anh, dù chết cũng không buông, bắt anh đền cho bằng được. Những người xem cứ nhao nhao cả lên ầm ĩ, khiến cho Thời Đại Lai không biết làm thế nào, nếu có thể chui xuống đất được thì anh cũng chui ngay. Chiếc áo dài may bằng vải của anh cũng bị xé toạc chẳng còn ra gì nữa. Bỗng anh thấy một trang nam nhi, thân cao bảy thước, hàm râu rậm dài hơn một thước, trông như Quan Công. Bước tới rẽ mọi người ra, vốc một vốc tiền trong túi trước ngực, bảo đứa bé:
- Hãy cầm lấy mang đi.
Sau đó, người ấy kéo Thời Đại Lai đi, nói:
- Tướng công hãy theo ta.
Cuối cùng đám đông bỏ đi. Bạn hãy xem người ấy ăn mặc thế nào.
Đầu đội khăn chữ nhất,
Thân mặc áo chiến bào.
Lưng đeo bao tên,
Chân đi giày ủng.
Tóc búi trang nghiêm,
Chòm râu phất phới.
Lưng sáng loáng thanh đao,
Mắt đằng đằng sát khí.
Sợ gì ma quỷ quấy rầy.
Lúc ấy Đại Lai uất quá, anh như người ngây dại, thuận chân đi theo ông ta mấy chục bước. Người ấy kéo anh lên lầu của một tiệm lớn, ấn anh ngồi xuống rồi lớn tiếng gọi rượu. Thời Đại Lai lúc này đã bình tĩnh trở lại nói:
- Tráng sĩ là ai, tráng sĩ lầm rồi.
- Mỗ là người Bắc Trực, có chút việc ngồi trên lầu chờ một người bạn đã từ sớm, thấy ông đi đi lại lại trên đường. Ngay tôi nhìn thấy cũng không kìm nén nổi, tôi ngờ rằng tiên sinh đang có việc gì bất đắc dĩ ghê gớm lắm, đang định xuống lầu hỏi xem sao, không ngờ lại xảy ra việc này. Xin hỏi tiên sinh vì cớ gì vậy?
Thời Đại Lai không dám nói thẳng, chỉ nói hàm hồ:
- Chẳng có việc gì, chỉ định đi thăm một người bạn để tán gẫu thôi.
- Đại trượng phu, - người ấy nói, - một lời cũng trở thành tương đắc, đâu nhất định là một việc lớn nan giải, ta cũng có thể giúp được đôi chút. Sao tiên sinh lại giấu ta như thế, có thể nói tiên sinh chưa hiểu người.
Nghe thấy thế Đại Lai nghĩ rằng đây đây là một người lạ lùng, bèn nói:
- Không giấu ngài, tôi là thư sinh trường phủ, sống bằng nghề dạy học, năm nay hạn hán mất mùa nên học trò không đi học nữa, gạo củi trong nhà đều hết, định tới nhờ vả mấy người bạn vay ít tiền để sống qua những ngày đói kém. Vừa ra khỏi cửa, trong lòng cứ do dự chưa biết là tới đâu thì gặp đứa bé này cứ chửi toán lên, dáng vẻ xấu xa đớn hèn của hàn sĩ đã bị người ta ghẻ lạnh. Nếu đúng lúc ấy mà không gặp được ân nhân thì không biết bây giờ tôi đã ra sao.
Nói xong nước mắt cứ chực trào ra. Người ấy gật gật đầu thở dài, nói:
- Cũng là người đọc sách, người nào gặp thuận lợi thì suốt ngày chỉ cùm kẹp đánh đập người đời, nhẫn tâm vơ vét bóc lột của cải của người khác, giàu có không ai địch nổi vậy mà vẫn không biết chán, cứ vơ vét mãi, còn những người không gặp vận thì không những cái đói rét nó bám riết lấy bản thân, mà ngay cả vợ con cũng chẳng bảo toàn được. Vừa mới đây thôi, chỉ có một đồng không trả nổi đã chịu biết bao xấu xa cay đắng, xem ra ông trời xếp đặt rất bất công. - Thế rồi người ấy bô bô nói. - Tôi cứ ngỡ là có chuyện gì to tát lắm, hóa ra chỉ là cái việc cỏn con, đáng thương, đáng thương thay. Có điều tôi ngồi đây đã lâu muốn tới đó ngay, nay tôi không thể tiếp ông tới cuối bữa được.
Nói xong, người ấy đưa tay lên túi ngực, móc ra một gói đặt xuống bàn đến keng một tiếng, nói:
- Hôm nay ta không chuẩn bị, chỉ mang một ít bạc mua chút lót dạ, thôi thì ông cứ nhận lấy, đừng trách tôi. Chào ông. - Khi đi người ấy còn quay lại nói. - Rượu và thức nhắm hãy còn, tiên sinh cứ nhẫn nha, yên tâm dùng nốt tôi đã trả tiền.
Nói xong người ấy nhẹ nhàng xuống lầu. Lúc ấy Đại Lai đang định chối từ, chưa kịp nói thì người ấy đã xuống từng dưới, đưa một gói to cho chủ quán, nói:
- Đây là tiền uống rượu, trên gác đang còn một vị tướng công đang uống, tôi trả cả vào đấy. Hãy cầm lấy, tôi sẽ tính toán sau.
Thời Đại Lai xuống lầu đuổi theo thì người ấy đã đi tới đường, đi qua mấy nhà rồi. Thời Đại Lai gọi toáng lên:
- Hãy đứng lại đã. Xin ông cho biết quý danh.
Người ấy vừa đi vừa đáp lại:
- Biệt hiệu của ta là Phong Nhiễm Tử.
Vừa nghe hết câu thì không thấy người ấy đâu nữa. Thời Đại Lai quay lại tửu lâu, thấy rượu và thức ăn vẫn còn bày trên bàn, anh vừa ăn vừa ngẫm nghĩ: "Thiên hạ sao có những người lạ lùng như thế, đến ngay cả hai chữ cảm ơn cũng không nhận, cứ vội vàng đi như bay. Lẽ nào đây là giấc mơ? Không gói đồ vẫn đang nằm trên bàn, gõ vào kêu keng keng, ta nghĩ trên đời này còn có nhiều hiệp sĩ cao thượng, phần đông là những người như thế này. Đáng tiếc là người ấy đi quá vội không được chuyện trò lâu. Anh ăn hết những thức ăn trên bàn, rồi cầm lấy gói xuống lầu. Đúng là:
Có duyên nghìn dặm mà cũng gặp,
Ai ngờ năm ấy vận chửa thông.
Hôm nay gặp bác phải say khướt,
Đừng theo chim nội chửi gió xuân.
Lại nói, vợ Thời Đại Lai ở nhà, bóp bụng chờ đợi, song chẳng thấy bóng dáng chồng về. Mãi tới chiều Thời Đại Lai mới mở cửa bước vào, mặt đỏ phừng phừng, tươi cười hớn hở
Vạn thị hỏi:
- Anh vay được bao nhiêu?
- Chẳng vay được một hào nào.
- Không vay được thì sao mãi đến tối mới về, lại ăn no uống say như vậy?
Thời Đại Lai vứt cái gói xuống bàn, nói:
- Em nhịn đói đến tận bây giờ, anh cũng rất thương em, anh đưa cái này cho em xem đây.
- Cái gì thế?
Vạn thị cầm lên thấy nằng nặng, mở ra xem thì thấy có năm gói, mỗi gói mười lạng, đều là loại bạc cổ nguyên chất.
Vạn thị nói:
- Cái này ở đâu ra, hay lại làm điều gì sai trái.
Thời Đại Lai cười ha hả, nói:
- Ta là người có học, sao lại làm bậy được.
- Vậy thì ai cho anh mượn?
Thời Đại Lai kể lại tỉ mỉ từ đầu đến đuôi những chuyện đã xảy ra hôm nay cho vợ nghe. Vạn thị nói:
- Nhất định là thần tiên thương mình rồi, thấy vợ chồng mình cùng cực quá, đến đây cứu vớt chúng ta. Anh có hỏi tên người ấy không?
- Người ấy lông mày cao, mắt sáng, râu quay nón rậm mà dài, lại có phong khí phiêu diêu như lướt trên mây. Có thể là thần tiên chưa biết chừng. Anh vội chạy theo hỏi họ tên, thì người ấy chỉ nói là Phong Nhiễm Tử, rồi biến mất. Anh nghĩ, số bạc này có trả lại cũng không được, giờ hãy mượn một ít để chi dùng có ngại gì. Hãy mở gói ra lấy một phong mua mấy gánh củi, một gánh gạo, ít mắm muối, rau rợ, mau thêm chút rượu thịt, để anh với em ăn một bữa tươi.
Một lát sau, trong nhà náo nhiệt ồn ào hẳn lên như có thêm rất đông người. Hai vợ chồng cười nói râm ran chứ không buồn bã lạnh lẽo như trước nữa.
Các bạn thân mến, Phong Nhiễm Tử là ai vậy? Ông vốn là một tướng cướp, song ông đi ăn cướp khác với người khác. Những tên cướp khác ngay cả những người buôn thúng bán mẹt chúng cũng không tha, quần áo rách nát chúng cũng vơ cho bằng hết. Đại Lai cho rằng: "Làm người tốt có tông tích của người tốt. Ngay làm người xấu cũng có phẩm tiết của người xấu. Đại trượng phu đã đầu thai ở cõi đời, cũng phải vì trời mà để lại một chút nhân ái, vì triều đình mà cống hiến một chút công lao, vì gia đình mà để lại chút danh thơm. Nếu như buôn bán, mang tiền vốn của cha ông, băng đèo lội suối, lo lắng sợ hãi, chỉ kiếm được chút ít lãi, về nhà trả nợ, nuôi nấng cha mẹ vợ con. Nếu anh bán với giá cắt cổ thì trời cũng không dung. Còn những kẻ tham quan ô lại, ăn bổng lộc của triều đình, lại dùng cùm kẹp, để bóp nặn dân nghèo, dùng hết khiêng nặng gánh nhẹ để sống một đời xa hoa dâm đãng. Nếu triều đình biết được không những truy hồi tang vật, mà còn phải chịu tội. Nay ta phát hiện ra tang vật, tha tội cho ông ta, ta vì triều đình thực thi lòng nhân ái ngoài pháp luật, thì quả là có lợi cho ông ấy". Bởi Phong Nhiễm Tử gặp những người ít vốn cũng không để ý tới, gặp những người làm quan cũng không khúm núm. Tuy là cướp đấy, song có thể coi những hiệp sĩ cao thượng. Lúc ấy ngẫu nhiên gặp Thời Đại Lai ông ta động lòng thương cứu giúp, Thời Đại Lai cũng không biết đây là họa hay phúc. Hôm sau, Thời Đại Lai mua hai bộ quần áo mặc vào chẳng ai dám bảo anh là thầy đồ thất nghiệp
Hơn nhau tấm áo manh quần,
Thả ra mình trần ai cũng như ai.
Tây Thi nếu mặc đay gai,
Ra đường cũng chẳng có ai buồn nhìn.
Áo nâu giấu ngọc trong tim,
Dẫu là Khổng Mạnh ai nhìn cho ra.
Xuân về trời đất đầy hoa.
Líu lo chim chóc hát ca tưng bừng.
Bởi thế, ăn mặc vào, Thời Đại Lai ra dáng một cử nhân. Tục ngữ có câu, chó không cắn quân tử. Lẽ nào chó là loại thông minh, nó thấy anh ăn mặc sang trọng như một người quyền thế, chó không dám cắn. Thấy anh ăn mặc đẹp thì dù anh là thằng ăn mày, khi ăn cỗ người ta cũng mời anh ngồi mâm trên. Ngay đi đường tuy không quen biết anh, nhưng người ta vẫn nhường đường. Nếu như anh ăn mặc rách rưới thì dù văn anh có như Khổng Mạnh, võ ngang với Tôn Ngô(1) thì chẳng nói gì tới ngồi cỗ, mà ngay anh đi đường, đứa ăn mày nó cũng hất anh sang một bên để đi trước. Đấy là thói tục từ thuở khai thiên lập địa, trách sao được.
(1) Tôn Ngô: tức Tôn Tử, Ngô Khởi, hai nhà binh pháp thời Chiến Quốc. (ND)
Lại nói Thời Đại Lai, mặc chiếc áo dài lụa mới mua, đi thăm người bạn họ Phó trở về, nghe thấy có người đằng sau gọi: “Thời tướng công tiên sinh". Quay lại thì đó là Lữ Du Chi, anh dừng lại. Du Chi nhìn Đại Lai từ đầu đến chân nói:
- Mừng cho anh năm nay có chỗ dạy tốt.
- Có chỗ dạy đâu mà tốt.
- Không có chỗ dạy càng tốt, tôi có một chuyện định nói với anh.
- Xin sẵn sàng nghe anh đây.
- Có một thái phú phủ Triều Châu, Quảng Đông, thuyền đậu ở Liễu Châu rồi đi nhậm chức, muốn mời một người giúp việc ở bản địa. Hôm kia tin ấy lọt đến tai, tôi định nhận đây kiếm mấy lạng bạc, đi suốt hai ba hôm nay vẫn chưa tìm được người quen biết. Nếu anh không có lớp dạy thì có chịu làm việc này không?
Thời Đại Lai hết sức mừng rỡ, nói:
- Xin nhờ anh giúp cho, việc này anh rất thành thạo.
- Nếu anh đã nói thế thì anh cứ đi về đi, tôi đi một lát sẽ tới.
Một lát sau, Lữ Du Chi cùng một vị áo xanh mang tờ thiếp hồng, một gói sáu lạng làm quà tặng. Người ấy nói với Thời Đại Lai:
- Nói bằng nào tôi trả bằng ấy, công mỗi năm tôi trả một trăm hai mươi lạng. Trả trước một nửa để nhà yên tâm, sáng ngày kia nhổ neo. Lát nữa mời ông tới gặp ông lớn.
Thời Đại Lai nhận tiền rồi hai người lên thuyền, tri phủ thấy Đại Lai áo là tươm tất, nói năng nhã nhặn, bèn nhận ngay và nói:
- Nhờ ông thu xếp sớm, trưa mai đã nhổ neo lên đường. Sau đó tri phủ gói sáu mươi lạng bạc ứng trước tiền công đưa cho Thời Đại Lai, Thời Lai nhận bạc rồi tri phủ tiễn ra khỏi thuyền. Lữ Du Chi đến sớm, Đại Lai mở gói ngay trước mặt lấy hai bao tạ ơn Dụ Chi, còn lại anh đưa cho vợ. Hôm sau Đại Lai thu xếp lên đường, ngày thứ hai họ hò reo nhổ neo. Đi tới Nam Lĩnh thuê ngựa thồ vượt qua núi. Đúng là:
Chẳng phiền dịch sứ gửi hoa mai,
Vận đến gió đưa, Đằng Vân Các.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết