Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 21 (C)

Đây là việc cướp ngực, làm sao có thể đút lót mua chuộc được. Sáng sớm hôm sau quan lên công đường. Thời Đại Lai bị giải tới phủ đường. Viên tri phủ này cũng là kẻ tham lam như tri phủ Nam Hùng. Thấy bắt được Thời Đại Lai hắn hỏi phủ đầu:
- Đã ăn cướp lại cướp ngục thoát thân, trông ngươi cũng bình thường mà sao lại nhiều thủ đoạn đến thế.
- Thưa ngài, - Thời Đại Lai nói, - con là sinh viên của phủ này, nếu hàng ngày quả là người bất chính, xin mong ngài cứ điều tra.
- Đừng có nói tới hai chữ sinh viên, - tri phủ nói, - ta hỏi việc ngươi ăn cướp, ngươi đừng có quanh co nữa. Hiện nay đã cướp ngục trốn về, lẽ nào còn chối cãi? Ta nói với ngươi, đây là việc ở tỉnh khác ngươi hãy khai ra một tên để thay cho ngươi thì ngươi chưa chắc đã phải chết. Ta có thể tha cho ngươi.
Thời Đại Lai làm sao có thể khai ra Phong Nhiễm Tử, anh chỉ nói:
- Thưa ngài con xin tình nguyện chết chứ có người nào đâu mà khai.
Tri phủ đùng đùng nổi giận quát:
- Hãy kẹp nó cho ta.
Sau đó lại đánh một trăm gậy. Thời Đại Lai chết đi sống lại, song vẫn không chịu khai. Tri phủ nói:
- Hãy giam nó vào ngục.
Tri phủ lại bảo bọn cai ngục:
- Ngươi có biết tên cướp này đã phá ngục để thoát thân không?
- Con có biết. - Tên coi ngục nói.
Thế rồi hắn giam Thời Đại Lai vào ngục, dùng cùm cùm lại.
Đúng là:
Quan mới và quan cũ.
Là hiểm họa của người
Phép nước sâu như biển,
Lòng người hiểm độc thay.
Lữ Du Chi vẫn không buông tha, hắn mua ít rượu và thức nhắm giả vờ vào nhà giam thăm Thời Đại Lai. Hắn nói:
- Thấy anh khổ như thế thật đau lòng, tôi mua chút rượu và thức nhắm tới thăm anh.
- Xin cám ơn anh. - Thời Đại Lai nói.
Lữ Du Chi rót cho Đại Lai mấy chén nói:
- Anh có nghe hôm qua quan phủ nói thế nào không? Rõ ràng là muốn hại anh. Nếu anh chịu bỏ ra mấy lạng tôi sẽ tìm cách cứu anh, sớm muộn rồi cũng sẽ được tha.
- Đã đến nước này, - Thời Đại Lai nói, - lẽ nào tôi còn giấu anh. Tôi cũng đành liều thôi.
Thời Đại Lai nói lảng ra. Du Chi giả vờ rót vài chén rượu nữa rồi đi ra. Hắn về nói với Vạn thị:
- Tôi vừa mua rượu và thức nhắm đến nhà giam thăm anh ấy, anh ấy không sao chịu nổi đòn và bảo tôi về nói với chị bằng mọi cách lo lấy ít bạc, nhờ tôi đưa đút lót cho phủ quan để cứu anh ấy khỏi chết.
- Còn đâu ra nữa. Chỉ có gói bạc ấy tôi đã đưa cho anh hết cả rồi. Trong nhà hiện chẳng còn một đồng một chữ nào. Chồng tôi có chết cũng không cứu được nữa.
Nói xong chị kêu gào thảm thiết. Lữ Du Chi thấy hai bên nói khớp nhau, biết không còn gì nữa. Hắn nói:
- Ấy là vì tôi thấy anh ấy không có ai nên tôi mới giúp thôi chứ trách tôi làm sao được.
Lúc ấy nghe thấy ngoài đường có tiếng người nói ầm ĩ:
- Án viện đến rồi.
Lữ Du Chi nói:
- Án viện đã xuống ngựa, tôi có đơn phải đưa ra đệ trình cho ngài không ngài đi mất.
Vạn thị nghĩ: "Bạc không có, lẽ nào cứ ngồi đây mà nhìn chồng chết. Vừa rồi nghe nói án viện tới, ta cũng viết một lá đơn để kêu oan cho chồng, biết đâu lại gặp may. Rồi chị lập tức nhờ người viết đơn, đến cửa nha môn. Lúc ấy người đưa đơn rất đông, Vạn thị khóc lóc thảm thiết. Án viện gọi chị đưa đơn để ngài xem. Ngài nổi giận nói:
- Cướp phá ngục bỏ chạy là trọng tội, còn oan nỗi gì?
Nói xong ông vút lá đơn đi, quát:
- Đánh chết nó cho ta.
Thuộc hạ kẻ kẻo người đẩy, đuổi Vạn thị đi. Vạn thị nói:
- Tôi vốn kêu oan, lại chịu nhục, tôi còn sống làm gì nữa.
Chị gắng gượng về nhà, vừa đi vừa khóc. Phàm là đàn bà khóc họ thường hay kể lể đầu cua tai nheo. Vạn thị vẫn lải nhải kể lể. "Chỉ mong anh dạy học để nuôi gia đình, song lại đi vào chỗ chết. Giá anh không về nhà cũng được, đằng này về nhà lại chui vào bẫy". Chị vừa khóc vừa đi qua một tiệm rượu, đi được mấy bước thì nghe thấy đằng sau có người gọi:
- Chị ơi! Chị hãy dừng lại. Tôi có câu chuyện muốn nói với chị.
Vạn thị quay đầu lại thì thấy một người đàn ông lực lưỡng, râu dài, bước tới hỏi:
- Chị là thân quyến của ai? Vì sao mà khóc thảm thiết như thế?
Vạn thị nói:
- Chồng thiếp họ Thời, bị oan. Án viện tới, thiếp đưa đơn kêu oan, không ngờ ngài không xét đến nối oan của chồng thiếp mà còn đánh thiếp đuổi đi, thiếp thấy chẳng còn cách nào khác nên thiếp khóc.
Người ấy nói:
- Vậy tờ đơn ấy chị có có cần không?
- Coi như tờ giấy vứt đi thì còn cần làm gì?
- Chị không cần tới thì hãy đưa tôi xem xem thế nào.
Vạn thị đưa lá đơn cho người ấy rồi cứ thế khóc ra về.
Hai hôm sau, án viện gởi một tờ văn thư tới Hình sảnh Nam Xương. Quan hình sảnh mở ra thì đó là lá đơn như sau:
Người làm đơn là Vạn thị.
Vì sao chồng con phải chết!
Phê rằng:
“Thời Đại Lai là sinh viên thuộc phủ Nam Xương. Ta đã điều tra kỹ. Việc cướp tù là nghe phong thanh ở tỉnh ngoài không có tang chứng, phải trình lên Hình sảnh thẩm vấn xem xét kỹ”.
Tri phủ nghĩ: "Tên cướp này quả là tài giỏi, ở tỉnh ấy phá ngục chạy trốn, ở tỉnh này lại đút lót án viện. Đúng là phải nhiều tiền của, chờ cho án viện đi rồi ta sẽ bắt lại. Việc mua bán này nhất định phải trả cho ta". Tri phủ đành phải giải lên Hình sảnh hỏi qua loa.
- Ngươi là sinh viên phủ Nam Xương có đúng không?
- Thưa ngài, - Thời Đại Lai trả lời rất trôi chảy, - con được vào trường phủ học năm nào, năm nào đi thi, mấy lần đỗ loại ưu.
- Đã là tú tài tại sao không thận trọng mà lại bị liệt vào bọn trộm cướp. Âu cũng là số kiếp cả, án viện thả ngươi ra, có người bảo lãnh không?
Thời Đại Lai chưa kịp trả lời thì nha lệ hai bên quát thét:
- Quan hỏi ngươi có ai bảo lãnh không?
Bỗng ngoài cửa có một người bước vào, quỳ xuống nói:
- Bẩm quan, con là tổng giám của phương này, tình nguyện xin bảo lãnh.
Hình sảnh nói:
- Tên phạm nhân giải lên đây rất hệ trọng.
Người ấy đáp:
- Bẩm quan con là Tiền Khả Thông, khi ngài đòi người, cứ gọi con là được.
Tiền Khả Thông đệ đơn xin bảo lãnh, quan quát lên một tiếng đuổi ra. Tiền Khả Thông cõng Thời Đại Lai ra khỏi dinh quan. Về tới nhà gõ cửa nói:
- Bà Thời ơi, mở cửa, chồng bà đã về rồi đây này.
Vạn thị ở trong hỏi vọng ra:
- Ngươi là ai mà dám đến trêu ta.
- Đúng là tôi về thật đấy. - Thời Đại Lai nói.
Vạn thị nghe thấy tiếng chồng vội vàng ra mở cửa, kinh ngạc nói:
- Tại sao anh lại được thả ra?
Chị dìu chồng vào nhà đóng cửa lại. Thời Đại Lai nói:
- Thật là một việc kỳ lạ. Ta nghĩ rằng chỉ trong vài ba ngày là ta sẽ bị hành hạ đến chết, ngờ đâu Hình sảnh điều ta ra khỏi ngục nói là án viện thả ra. Em hãy thắp hương lạy tạ tổ tông, cầu chúc cho án viện.
Quả nhiên Vạn thị chắp tay vái lạy, miệng lẩm bẩm cầu khẩn:
- Nhờ được trời đất tổ tông thương tình, cầu mong cho phủ quan sáng suốt, được trời đất phù hộ cho muôn đời con cháu, đời đời công hầu vinh hoa phú quý.
Cúng xong lại cúi đầu lạy mấy lạy.
Đúng là:
Một nén hương thơm dáng kính cẩn,
Trời cao im lặng chẳng nói năng,
Hóa phép thần thông ai thế nhỉ,
Cứu vớt người đời thoát hiểm nguy.
Vạn thị nói:
- Hôm kia em tới dâng đơn kêu oan, án viện đánh em đuổi đi. Sao hôm nay bỗng nhiên lại gia ân?
- Đi kêu oan không dùng tiền ư?
- Làm gì có tiền, gói bạc anh mang về đều đưa hết cho Lữ Du Chi mang đi rồi, sau đó hắn lại đến lừa mấy lần nữa nhưng em bảo hết sạch rồi.
- Thôi nói làm gì đến gã họ Lữ nữa, hóa ra việc này đều do hắn mà ra. Nhờ trời mà thoát khỏi tù ngục, dù cho có nghèo túng một chút còn hơn ngồi trong ngục mà chịu hành hạ. Nếu không gặp được án viện sáng suốt thanh liêm thì e rằng anh sẽ bị tù mọt gông.
Một lát sau trời tối mịt mùng, lại nghe thấy tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Thời Đại Lai sợ quá sững sờ nghĩ: "Nhất thiết không thể tùy tiện mở cửa được, lần trước đang đêm mở cửa mà chuốc lấy đại họa, hôm nay lại sợ sẽ xảy ra như thế". Vạn thị không dám lên tiếng, ngươi bên ngoài gõ cửa gấp gáp, nói:
- Vẫn không mở cửa ư? Ta là Phong.
- Có lẽ là Phong Nhiễm Tử tới, - Thời Đại Lai nói, - hãy mở ra đi.
Vạn thị vội vàng mở cửa, đã thấy Phong Nhiễm Tử bước vào. Nhiễm Tử nhìn Đại Lai thì thấy:
Mặt mày cáu bẩn
Đầu tóc bù xù,
Áo như tổ đỉa
Giày tất tả tơi
Gân xanh chằng chịt
Chấy rận đầy người
Túi chẳng một xu
Dáng đi thất thểu
Ngọn đèn leo lét
Nào khác quỷ ma.
- Quả là ân nhân đã tới. - Thời Đại Lai nói.
- Tôi đến để chúc mừng anh đây.
- Từ khi chia tay anh, dọc đường vô sự. - Thời Đại Lai nói. - Ai ngờ vừa tới nhà đã gặp cơn sóng gió này. May mà gặp được quan án viện thanh liêm, sáng suốt thả ra. Ngài đúng là đấng cha mẹ dân.
- Chà, quả là sáng suốt, - Phong Nhiễm Tử nói.
- Tôi nhiều lần gặp phủ quan, quan nào chẳng đánh đập cùm kẹp bắt khai ra đồng bọn, vơ vét tiền bạc, nếu không gặp ông quan này thì cũng không gặp được anh hôm nay. Mà cũng buồn cười thật, Hình sảnh vừa bảo là tìm người bảo lãnh, đang lúc bối rối thì lại rất may gặp một người tình nguyện bảo lãnh, rồi lại cõng tôi về nhà, đến một đồng tạ ơn cũng không nhận. Số chưa chết cho nên chỗ nào cũng gặp may, anh ạ. Đây không phải chuyện kỳ lạ trên thế gian này ư.
- Đúng là kỳ lạ thật. - Phong Nhiễm Tử nhìn Thời Đại Lai, vuốt râu cười nói. - Tôi nói thực với anh nhé, tôi tới gặp một người bạn, ngồi trên lầu tiệm rượu ngày trước, thấy chị ấy khóc lóc đi qua, tôi sinh nghi. Lắng tai nghe thì hình như là nói về anh. Tôi có ý hỏi chị. Lừa chị lấy tờ đơn kêu oan và ngay tối ấy đưa cho quan hình sảnh hai trăm lạng vàng, thì ngày hôm sau nghe thấy anh được thả. Tôi lại đưa cho Tiền Khả Thông mười lạng bạc và bảo anh ta chờ ở cửa nha môn xin bảo lãnh. Anh cứ nói nào là gặp may, nào là quan thanh liêm, nếu được như thế thì thiên hạ đã thái bình từ lâu rồi. Chúng ta đang đứng ở đâu anh có hiểu không. Anh đừng nói những lời ngốc nghếch của kẻ thư sinh nữa.
Thời Đại Lai như người say chợt tỉnh, đứng dậy chắp tay tạ ơn.
Đúng là:
Một ngày rắn người cắn
Ba năm con sợ lươn,
Nửa đêm nghe anh nói,
Hơn đọc sách mười năm.
Phong Nhiễm Tử nói:
- Tôi biết anh vẫn chưa ăn bữa tối, tôi đi một lát rồi về ngay.
Phong Nhiễm Tử đi một lát rồi trở về, thấy anh cho người gánh vào hai gánh, đó là chiếc chân giò, một đôi gà béo, một con cá to, một tảng thịt cừu, một vò rượu cùng với củi đuốc, gạo và rau. Phong Nhiễm Tử nói:
- Hãy bảo chị ấy làm cơm đi, tôi sẽ uống với anh suốt đêm nay.
Chỉ một thoáng, những thức ăn nóng hổi đã được bày đầy bàn. Hai người ăn uống thả sức. Phong Nhiễm Tử sao chịu dùng chén uống rượu, gọi:
- Đem một cái bát ra đây.
Thế rồi anh cứ dùng bát dốc ừng ực. Vạn thị trong bếp hâm rượu không kịp. Phong Nhiễm Tử nói:
- Hãy đổ cả vào nồi mà đun, hâm từng ấm như thế không đủ xấp giọng.
Một lát sau, họ uống cũng đã khá nhiều, mâm bát được dọn đi, Phong Nhiễm Tử trông như một kẻ sĩ. Anh nói:
- Rượu uống đủ rồi, hãy nói đi, nay đã thoát nạn thì bây giờ phải thế nào đây?
- Tôi cũng đang nghĩ tới điều ấy, - Thời Đại Lai nói, - song nhà không còn một đồng một chữ nên chưa biết làm thế nào.
- Chẳng lâu đâu án viện sẽ về phục mệnh, những người này sẽ không buông tha, họ sẽ bắt giam ngay như cũ, lúc ấy rất khó xoay xở. Tôi thấy anh là người trung hậu, sau này nhất định sẽ đỗ đạt. Anh hãy mau mau tới vùng biên ải phía Bắc, thay họ đổi tên, nuôi chí tiến thủ. Nếu có dịp chúng ta lại gặp nhau nơi chân trời góc bể.
Nói xong Phong Nhiễm Tử đưa tay lên hông, lấy ra một gói đặt lên bàn, nói:
- Đây là một trăm lạng bạc, để lại nhà một ít còn thì mang đi làm lộ phí. Ngày mai phải đi ngay để thoát khỏi tai họa. Tôi đi đây anh đi đường phải hết sức thận trọng.
Thời Đại Lai định bàn kỹ với Phong Nhiễm Tử, nhưng anh đã mở cửa đến kẹt một cái ra đi và cũng chẳng biết đi đâu. Vạn thị bước ra nói:
- Cách cư xử của Phong Nhiễm Tử thật khác thường, anh phải nghe theo anh ấy.
- Sao lại không nghe theo. - Thời Đại Lai nói. - Trước đây ta lo vì không có tiền, có tiền thì đúng là thuốc tiên. Chỉ ân hận là anh và em vừa mới gặp nhau đã phải biệt ly, lấy một người chồng như anh là một gánh nặng đối với em.
Vạn thị an ủi chồng, đun nước cho chồng tắm, lấy quần áo cho anh thay, thu xếp hành lý và chia số bạc ấy. Gói ghém xong xuôi, Thời Đại Lai đáp theo thuyền tới Nam Kinh, họ ngậm ngùi rân rấn nước mắt chia tay.
Đúng là:
Ông sao nở rẽ duyên,
Hồng nam, nhạn bắc đôi miền cách xa.
Thời Đại Lai lên thuyền ngủ mấy ngày liền cho lại sức trông người lại ra dáng thư sinh. Thuyền thuận buồm xuôi gió chẳng bao lâu đã tới Nam Kinh. Thời Đại Lai nghĩ: "Lâu nay được nghe Nam Kinh là một danh thắng, mình chưa từng đặt chân tới, nhân thể đi du ngoạn mấy hôm rồi sẽ liệu việc học hành". Anh gửi hành lý tại một quán trọ, thay quần áo, dạo chơi trên những phố lớn. Anh lại nghĩ, chùa Báo ân là nơi danh thắng, phải tới đó chơi. Hỏi thăm đường tới chùa, thấy một hòa thượng đang ngồi đó kể chuyện, nhân lúc nhàn rỗi anh cũng đứng chen vào đám đông nghe. Người ấy kể một câu chuyện về Trương Văn Tú người Dương Châu, mới xảy ra gần đây. Nghe thấy nỗi khổ của Trương Văn Tú, Thời Đại Lai nghĩ: “Khổ như thế chưa thấm vào đâu, như mình đây mới thực là khổ”. Đại Lai mải mê nghĩ, quên cả về, mãi đến khi tan cuộc anh mới cùng mọi người đứng dậy về quán trọ ăn cơm. Tới phòng ngủ định cởi áo đi nghỉ thì thấy bên hông nhẹ bỗng, lấy tay sờ thì gói bạc biến đâu mất. Anh nghĩ: "Hay là mình để trong gói quần áo, không mang theo người". Mở gói ra xem, tìm đi tìm lại mấy lần, song nào có thấy. Anh xem lại túi thì thấy một đường dao rạch, anh dậm chân nói: "Thôi chết rồi. Đúng là lúc mình mải nghe đã bị kẻ cắp rạch túi lấy đi rồi".
Suốt đêm anh trằn trọc, đập giường lật gối, trăn trở mãi không sao ngủ được. Anh nghĩ: "Phong Nhiễm Tử đã dặn ta phải hết súc thận trọng, thế mà không nghe lời anh. Vừa mới lên bờ đã gặp rủi ro, may mà hai hôm trước đi thuyền, chứ nếu đi bộ thì chưa biết chừng đã hỏng việc từ lâu rồi. Bây giờ đâm đầu vào bức vách rồi, thật là tiến thoái lưỡng nan, đường cùng mà tiền cũng hết, làm thế nào bây giờ. Sáng mai Đại Lai đành bán chiếc khăn bông cho chủ hiệu để trả tiền cơm. Lại còn phải kiếm mấy đồng mà sống chứ. Đây là lúc quẫn bách nhất, không thể buông xuôi. Chẳng còn lòng dạ nào mà đi du ngoạn nữa. Anh tìm đường qua sông, tiền túi không nhiều, anh chỉ mua chiếc bánh bao lót dạ chứ không dám mua cơm. Đến Sơn Đông thì trong túi không còn một xu, bây giờ lại đang là mùa đông, rét mướt mà trên người chỉ có một chiếc áo dài, ban ngày làm áo, ban đêm làm chăn. Có bài thơ ghi lại tình cảnh này:
Người coi là áo,
Ta coi là chăn.
Ban đêm ta đắp,
Ban ngày ta mặc.
Người coi là áo,
Ta coi là vàng
Xin khuyên người đời
Đi xa nhớ kỹ.
Đang lúc bí thì làm gì có Lữ Mông Chính(1) cứu vớt. Đã liều thì ba bảy cũng liều. Thời Đại Lai đành liều vào một quán trọ nói:
(1) Lữ Mông Chính: thời Tống, ba lần được cất nhắc làm tể tướng.
- Năm hết tết đến tôi xin ở nhờ ông mấy hôm, ra Giêng tôi sẽ đi.
Người chủ cửa hàng nói:
- Xin tùy ông, chỉ có điều năm cùng tháng tận, muốn xin ông trước ít tiền để mua củi gạo.
Thời Đại Lai nói:
- Quả là tôi chẳng còn một xu nào, xin ông cứ cho tôi ở mấy hôm rồi sang giêng sẽ tìm cách trả ông:
- Tôi thấy ông, - chủ cửa hàng nói, - như một người có học, thế ông có viết chữ được không?
- Ông nói thế là thế nào? - Thời Đại Lai nói.
- Ông vừa nói là ông không có tiền. Ở vùng tôi rất ít người biết viết câu đối, nếu ông viết được thì cứ viết ào đi, một ngày cũng gỡ được tiền cơm.
- Ông nói đúng. - Thời Đại Lai nói.
Thế rồi anh mượn chủ nhà chiếc bút, đề mấy chữ. "Viết câu đối thuê".
Chỉ trong chốc lát đã thấy có người mang đến nhờ anh viết. Hôm ấy anh cũng kiếm được bốn năm trăm bạc. Hôm sau người tới nhờ anh viết càng đông. Người miền Bắc quả là rất thật thà thấy anh là người có học đã mang giấy đến nhờ anh viết các bức trướng. Anh cũng mạnh dạn viết, chẳng kể nhiều hay ít, cứ thấy mang đến là viết. Những người nhờ anh viết cứ tấm tắc khen:
- Anh học trò miền Nam viết tuyệt đẹp.
Đến giáp tết, hai sáu hai bảy cửa hàng đông nghịt, viết không kịp anh phải mang cơm ra ăn ngay tại bàn. Những ngày . ấy cũng kiếm được chừng mười mấy quan tiền, nên rất vui.
Đúng là:
Rồng bay phượng múa vung ngọn bút
Tiền của tuôn trào tự đó ra.
Phủ Đông Xương có một ông quan nghỉ hưu, họ Viên. ông vốn nhậm chức Thái thường tự khanh, vì dâng sớ kể tội Vương Trấn nên bị treo mũ từ quan. Vua xuống chiếu gia ân cho ông một chức quan danh nghĩa. Song ông là người lập ngôn, khi trở về ông khác hẳn với những viên quan xấu khác, tiếng tăm ông lừng lẫy, trong kinh ngoài nội ai ai cũng kính trọng. Ông nghe nói có một anh ngươi Nam viết chữ đẹp, nhân tiện ông dẫn con trai đi dạo và xem người ấy viết chữ. Con ông tên là Viên Kiệt, tuy chưa vào trường phủ học, song trong đám học trò cậu ta là người thông minh nhất. Hai cha con tới cửa hàng ăn, thấy câu đối treo la liệt, ông cầm lấy một tờ xem, nói:
- Chữ viết chưa thật điêu luyện, song cũng đẹp.
Lát sau ngài Viên cũng chen vào cửa hàng, nói với Thời Đại Lai:
- Xin chào anh.
- Xin chào ngài. - Chủ hàng nói. - Sao quý ngài cũng hạ cố tới tệ xá này.
Thời Đại Lai nghĩ đây chắc là ông lớn nên vội vàng sửa sang lại quần áo, đứng dậy vái chào. Ngài Viên nói:
- Viết đẹp mà có cảm hứng.
- Con là người lưu lạc, - Thời Đại Lai nói, - dựa vào việc này để kiếm ăn chứ có biết viết gì đâu ạ.
Thấy nói năng nhã nhặn, ngài Viên hỏi:
- Anh cũng từng đi học rồi chứ?
- Thưa ngài con cũng học được chút ít.
Ngài Viên hỏi anh mấy bài cổ văn và mấy danh sĩ thời Ngô, Thời Đại Lai vừa viết vừa trả lời rất lưu loát. Ngài Viên hỏi họ tên, nghĩ bụng: "Người này không phải đến đây bán chữ” rồi nói:
- Thời tướng công có hành lý gì không? - Ngài Viên hỏi.
Chủ cửa hàng nói:
- Hành lý của khách đều cả trên người.
- Không có hành lý, - ngài Viên hỏi, - thì tới ngay nhà tôi đi.
Thời Đại Lai ngần ngại một lát rồi đi theo ngài Viên.
Đúng là:
Buôn bán thương cỏ yếu.
Nhàn nhã tiếc hoa rơi.
Bên đường vui câu chuyện,
Mới biết ông Mạnh Thường.
Thời Đại Lai tới nhà ngài Viên mới biết đây là một ông quan danh tiếng. Ngài Viên thết đãi cơm rượu rồi hỏi:
- Lưu lạc như thế, văn chương chữ nghĩa vẫn còn nhớ chứ.
- Con nhà nghèo, lại không được lên học quán, phiêu bạt đã nhiều năm song chữ nghĩa vẫn còn nhớ. Xin ngài dạy bảo.
Tối ấy anh nghỉ tại thư phòng. Sáng hôm sau ngài Viên thuận miệng đọc hai đề văn, bảo con và Thời Đại Lai làm. Đến trưa cả hai đều làm xong, trình lên ngài Viên. Nhìn chữ nghĩa, văn vẻ của Thời Đại Lai, ngài Viên khen:
- Không những chữ nghĩa không quên mà nội dung và nghệ thuật đều nổi bật, âm hưởng hòa quyện nhau, có tài giật bảng vàng. Anh xuất chúng như thế có muốn tôi tiến cử vào trường học trong vùng này không?
Thời Đại Lai không dám bộc lộ rõ ý tứ của mình, anh nói:
- Nửa đời lưu lạc, thời gian trôi đi một cách phí hoài, quả thực con vẫn chưa đỗ tú tài.
- Sang năm là năm thi, quan chủ khảo mở kỳ thi, anh hãy chịu khó lưu lại đây, cùng thằng nhỏ nhà tôi đèn sách, nhận quê quán ở đây anh mới là người miền Bắc, nhất định anh sẽ đỗ.
Là người lang thang phiêu dạt tới đây, Thời Đại Lai sao mà chẳng nghe theo. Ngài Viên dành riêng một phòng học cho hai người đọc sách. Từ khi bỏ học, nay được làm bạn với đèn sách. Thời Đại Lai suốt ngày miệt mài học tập. Gặp được người tri kỷ, sách vở lại nhiều, anh vùi đầu vào việc học hành. Ăn tết xong, thoáng cái đã sang tháng Ba. Ngài Viên nói:
- Quan chủ khảo đã tới bản phủ yết bảng mở kỳ thi, anh Thời thích đến xem trường thi không?
Thời Đại Lai nói:
- Anh nhà ta văn bài tiến bộ đã khá nhanh, tất sẽ đỗ cao, còn con nếu ngài thương thì cũng được đi theo anh nhà.
Ngài Viện bèn bảo anh đổi họ tên, anh muốn giữ lại tên vốn có và đặt là Viên Thời. Hai lần thi huyện và phủ Viên Thời đều đỗ đầu Viên Kiệt cũng có tên trong bảng phụ. Đến khi thi vào trường phủ thì Viên Thời đỗ thứ nhất. Viên Kiệt đỗ thứ ba. Họ báo tin về cho ngài Viên, ông vô cùng mừng rỡ.
Đúng là:
Tuy rằng đã đổi thay dạ lốt,
Xem ra vẫn giữ được nếp nhà.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết