Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 21 (D)

Ngày hôm sau họ khăn áo chỉnh tề tới tạ ơn quan chủ khảo. Thấy quan chủ khảo gọi quan tuần bộ. Tuần bộ vào gặp, quan chủ khảo nói:
- Ngươi hãy đi theo hỏi người đỗ đầu ở đâu.
Tuần bổ đuổi theo, hỏi:
- Ngài chủ khảo hỏi người đỗ đầu ở đâu?
Viên Kiệt trả lời thay:
- Ở tại dinh ngài Viên.
Tuần bổ về thưa với quan chủ khảo. Quan nói:
- Ngươi hãy tới nói với ngài Viên Rằng, quan chủ khảo rất thích bài văn của người đỗ đầu. Trong nha môn có công tử còn nhỏ, muốn mời tới dạy. Phải lập tức tới đó ngay, nếu trái lệnh sẽ phạt nặng.
Tuần bổ dạ ran:
- Vâng ạ
Hai anh em họ Viên ra khỏi nha môn về nhà chào ngài Viên. Ngài Viên cho dọn rượu chúc mừng. Đang dọn tiệc thì người coi cửa vào bẩm.
- Ngài học đạo sai tuần bổ tới, nói là phải mời Viên tướng công, người đỗ đầu bảng vào nha môn để dạy công tử.
- Quả có thế chăng? - Ngài Viên nói.
- Thưa ngài, vâng ạ. Tuần bổ vẫn đang đứng đợi bên ngoài.
Ngài Viên vô cùng mừng rỡ nói:
- Hãy mời ông ấy vào đây, uống một chén cho vui. Viên học đạo này tuy không tài năng lắm song có con mắt của một người đỗ đạt. Ông ấy đã lấy anh đỗ đầu, lại mời đến dạy học, quả là biết người biết của. Hãy uống đi mấy chén lấy may.
Lát sau tuần bổ giục, ngài Viên đành phải để cho anh đi. Viên Thời theo tuần bổ về phủ.
Đúng là:
Dê lợn dã vào nhà đồ tể
Lại còn ve vẩy vẫy đuôi mừng.
Các bạn có biết vị đề học này là ai mà lại để ý tới Thời Đại Lai không? Ông ta là tri phủ Nhậm. Vơ vét đã nhiều bạc ở Triều Châu, ông ta lại đút lót để lên chức học đạo. Đầu tiên ông cũng công tâm chấm bài và lấy Thời Đại Lai đỗ đầu. Khi đến tạ ơn, thấy anh bước từng bước lên thềm, ông ta nghĩ: "Đây là tên cướp Thời Đại Lai, đã phá ngục chạy trốn nay lại đỗ tú tài ở đây. Tên này quả là thần thông biến hóa". Nhìn đi nhìn lại thì đúng là Thời Đại Lai không còn nghi ngờ gì nữa. Ông ta lại nghĩ: "Mà cũng lạ thật, sao lại họ Viên, lẽ nào người họ Viên này lại giống hắn như đúc thế?”
Lúc ấy Thời Đại Lai thấy ông ta cứ nhìn mình chằm chằm dù có bỏ về cũng không được. Nhậm đề học nghĩ ra cách mời dạy học để trực tiếp hỏi thẳng anh ta xem sao. Nếu không phải thì thôi, nhưng nếu đúng là kẻ cướp thì giết chết hắn có khó gì. Thời Đại Lai làm sao mà biết được sự nguy ngập như thế, anh tất tả nghênh ngang đi theo tuần bổ với vẻ dương dương tự đắc.
Tới nha môn truyền lệnh cho vào. Quan học đạo ngồi ở trên, nha lệ mở cửa mời Thời Đại Lai vào. Vừa bước gần tới quan học đạo thì nghe trống gióng báo hết giờ làm việc. Đề học chắp tay dẫn Thời Đại Lai vào phòng bên, rồi mời Đại Lai ngồi. Đề học nói:
- Bài hôm trước anh làm rất hay, cũng không phụ công tôi chấm, xin hỏi Viên thái thường với anh là người thế nào?
- Ông là bác tôi.
- Nghe tiếng anh nói thì không phải tiếng miền Bắc. - Đề học nói.
Xem ra không thể giấu được. Thời Đại Lai đành nói:
- Tôi quê ở Sơn Đông, vốn lâu nay du học ở Giang Tây.
Nhậm đề học đã biết chắc đây là Thời Đại Lai, liền hỏi:
- Tôi trông anh rất quen, hình như đã gặp ở đâu rồi.
Thời Đại Lai ngẩng lên nhìn, thì biết đó là tri phụ Nhậm. Anh chợt thấy lo lắng, nói mập mờ rằng:
- Hình như tôi cũng gặp ngài ở đâu rồi.
Đề học chắp tay chào rồi trở về nha môn. Thời Đại Lai hồn xiêu phách lạc, nghĩ: "Đúng là Nhậm tri phủ, không còn nghi ngờ gì nữa, trách nào ông ta cứ nhìn mình chằm chằm, lại còn mời mình tới đây. Hóa ra ta lại chết trong tay Diêm vương rồi. Ta đến đây chỉ mong dựa vào nơi này để mở mày mở mặt, ai ngờ, đâu đâu cũng đi vào chỗ chết, thôi thế là xong đời ta sẽ chết ở đây thôi. Nếu nói đến chết thì mấy lần ta đã suýt chết rồi, ta đã sống thêm một năm, nay thì biết chạy đâu cho thoát. Thôi thì chỉ cầu mong ở ông ta thôi". Thoáng cái trời đã tối, Thời Đại Lai trong lòng ngổn ngang trăm mối, làm sao mà ngủ được. Anh nghe thấy tiếng trống cầm canh. Trống điểm canh một, khoảng canh hai thì nghe có tiếng người truyền lệnh cho người gác nha môn đưa chìa khóa mở cửa. Người gác vâng theo, đưa chìa khóa cho một người, người đó cầm đèn lồng bước vào. Đầu người ấy chít khăn, mặc áo dài rộng tay, búi tóc đen nhánh thoang thoảng hương thơm, hai má ửng hồng, dáng đi khoan thai yểu điệu thướt tha như cành liễu mùa xuân, hàm răng trắng bóng, tiếng nói thánh thót như oanh vàng, trong không giống như người phủ Long Dương luôn luôn theo hầu sau kiện. Người gác nha môn nói:
- Thưa ngài đi đâu ạ?
- Viên tướng công được mời tới nha môn hiện ở đâu? - Người ấy hỏi.
- Ở phòng bên. – Người gác nha môn nói.
- Thôi ngươi đi đi, - người ấy nói, - không cần theo ta nữa.
Người gác nha môn vâng lời bỏ di. Người ấy gõ cửa. Thời Đại Lai nghĩ: "Vào giờ này gọi người làm gì? Thật là quái lạ". Thời Đại Lai run cầm cập mở cửa, thấy một người đẹp trai, anh vội vàng vái chào, nói:
- Ngài đến đây có việc gì ạ. Ngài có việc gì cần sai bảo?
Người ấy ngồi xuống, cúi đầu tỏ vẻ ngượng ngùng, im lặng một lúc lâu không lên tiếng. Thời Đại Lai nói:
- Đêm đã khuya, ngài chưa ngủ sao?
Người ấy mặt đỏ bừng, nói:
- Anh là Thời Đại Lai người Giang Tây, sao lại đổi thành họ Viên?
Nghe thấy thế Thời Đại Lai như sét đánh ngang tai, trốn cũng không kịp nữa, hoảng hốt nói:
- Tôi người Son Đông, vốn là người lương thiện, có biết Thời Đại Lai là ai đâu.
- Đừng giấu tôi, - người ấy nói, - tai họa đã đến rồi mà anh còn nói dối. Anh cứ nói thực với tôi đi.
Thời Đại Lai nói:
- Ông hãy nói đi.
Người ấy bỏ mũ ra, nói:
- Tôi chẳng phải là ông nào cả, tôi là tiểu thư trong nha môn.
Thấy nói là tiểu thư, Thời Đại Lai ngẩn người ra, vội đứng tay nói:
- Xin cho phép hỏi, tiểu thư tới đây làm gì?
- Chẳng giấu gì anh, - tiểu thư nói, - từ khi gặp cướp ở Mai Lĩnh, thiếp bị bắt, nhờ ơn vị hảo hán tôi được trả về. Vị hảo hán ấy nói tiên sinh là một chính nhân quân tử. Khi thiếp được thả ra khỏi doanh trại, cha thiếp cứ nghi ngờ, không có lý gì ngọc trở về Triệu mà không tỳ vết. Tuy không nói ra nhưng ông đối đãi với thiếp rất lạnh nhạt. Thiếp là đàn bà con gái, là một viên ngọc không có vết nhưng đâu dám hé răng. Những điều tai tiếng không đâu ấy khiến thiếp phải quá lứa lỡ thì, cha thiếp cũng không muốn tìm người cho thiếp. Xin hỏi, tiên sinh đã là người đúng đắn sao lại giao du với bọn người ấy.
Thời Đại Lai lúc ấy mới thuật lại chuyện bỏ dở học hành, đến việc cướp tù cho tiểu thư nghe. Tiểu thư nói:
- Thiếp cũng biết tiên sinh không phải là người gây nên, tôi muốn thanh minh cho tiên sinh, song là gái, không duyên cớ gì nói được, đành phải nhẫn nhục. Bất ngờ tối nay cha thiếp về nha môn nói: "Tên cướp Thời Đại Lai đang ở đây, trước kia hắn phá ngục chạy trốn, sau đó lại mua chuộc án viện, nay lại mạo danh quê quán ở đây để đi thi. Tên cướp quả là có phép thần thông biến hóa, ta đã lừa tới, mai sẽ tìm cách ghép hắn vào tội chết để trừ họa sau này". Tuy lúc ấy nghe thấy, nhưng thiếp không sao cứu được. Chỉ có chờ tới khi cha thiếp ngủ say, mới cải trang tới đây cứu tiên sinh. Thiếp có hai mươi lạng bạc, tiên sinh hãy cầm lấy, rồi đi thật xa, càng nhanh càng tốt. Nếu thiếp giấu được tiên sinh thì sau này sẽ nguyện cắt tóc đi tu, còn chuyện vỡ lở thì thiếp cũng coi là người bỏ đi, sẽ lập tức tự vẫn, từ bỏ cuộc đời này mà thôi. Tiên sinh hãy mau mau theo ta, sợ rằng cha thiếp tỉnh giấc.
Lúc ấy Thời Đại Lai có muốn nói nhiều cũng không được, anh chỉ nói:
- Cám ơn tiểu thư đã thương tình, một ngày nào đó sẽ trả ơn kết cỏ ngậm vành.
Tiểu thu đội mũ lên như cũ, nói:
- Tuần bổ hãy mở cửa ra, ông lớn nói phải tiễn tướng công về.
Mọi người vâng theo, mở cửa cho ta ra. Tiểu thư bảo:
- Đóng cửa lại.
- Thấy cửa đã đóng, tiểu thư mới mang đèn lồng về phòng riêng.
Sáng hôm sau Nhậm đề học mang hai tờ văn thư tới công đường, gọi tuần bổ nói:
- Bức văn thư này gởi cho Hình sở phủ Đông Xương, còn bức văn thư này thì gửi cho quan Học giáo phủ Đông Xương.
Sau đó ông ta gọi nha lệ lấy một chiếc xích to, nói:
- Mở cửa này, khóa tay Viên sinh viên lại rồi áp giải về phủ Đông Xương ký giam, sau đó sẽ xử trí.
Bọn sai nha hùng hổ đạp tung cửa, không thấy người, quay lại bẩm:
- Thưa ngài, con đi bắt nhưng không thấy người.
- Làm gì có chuyện đó?
Ông ta bèn sai đứa ở trực tiếp hầu hạ mình cùng đi xem.
Họ lại trở về bẩm:
- Thưa ngài, quả đúng như thế.
- Nói bậy, - Đề học nói, - ta sẽ đích thân tới xem.
Mọi người đi theo ông ta, nhìn khắp phòng quả đúng là không có người. Ông ta ra lệnh mọi người phải tìm khắp nơi. Mọi người theo lệnh, tìm mọi ngóc ngách như xua mèo đuổi chó, ầm ĩ cả lên, hết chỗ này lại tìm chỗ khác, nhưng nào có thấy. Họ trở lại bẩm:
- Thưa ngài đã tìm hết mọi nơi, đều không thấy tung tích đâu cả.
- Cổng kín tường cao như thế lẽ nào nó bay qua?
Đề học không thấy người trong nha môn, nhưng lại không muốn chuyện ấy loang ra, đành nói:
- Thôi không tìm nữa.
Bọn sai nha lúc ấy mới thôi. Ông ta càng nghĩ càng tức, gọi tuần bổ tới, nói:
- Ngươi đến nhà ngài Viên nói rằng, Viên tướng công ta mời tới dạy học không ngờ đêm qua đã lấy trộm của cải trong nha môn rồi tẩu thoát, nếu nó ở nhà ông thì ông phải lôi ra để chúng tôi giải về. Nếu không ở nhà thì bắt ông ta cùng đi tìm. Đây là việc phải dâng sớ tâu lên triều đình chứ không phải chuyện nhỏ.
Đúng là:
Cáo đã chạy mất rồi
Phải truy tìm thỏ giảo
Hai bên quyết sống mái,
Họa phúc biết về ai.
Tuần bổ vâng lệnh tới nhà họ Viên nói hết sự việc đã xảy ra. Nào ngờ ngài Viên là người cứng rắn, thấy thế đùng đùng nổi giận, nói:
- Nói láo. Hôm qua rõ ràng có một người đến đây mời đi, không biết vì sao đã mưu hại anh ấy, lại còn đến ta hỏi người. Anh nói với ông ấy, quan họ Viên này không sợ đâu, ta phải hỏi tội ông ta.
Tuần bổ không dám giấu, đành phải thưa thật với đề học. Nhậm đề học hiểu rằng ngài Viên không phải là người dễ chơi, ta không làm thì ông ta cũng làm cho ra nhẽ. Nay thì không thể nói được nữa, đành phải làm một tờ yết thị. Trong tờ yết thị viết như sau:
“Quan họ Viên bị phế chức về nhà nghỉ, dựa vào thế lực, tác oai tác quái, làm rối loạn phép tắt trường học, khống chế triều chính. Thời Đại Lai là tên tướng cướp ở Giang Nam, phá ngục ở Việt Đông, hồ sơ vẫn còn. Hắn lại bị bắt ở Nam Xương rồi lại trốn thoát. Ngài Viên đã nhận hắn làm người trong họ, dùng hắn làm nanh vuốt. Ông đã nhận kẻ cướp làm con, rõ ràng là chứa chấp kẻ cướp, nếu không cấp bách trừ khử thì dần dần sẽ làm tổn hại đến sắc lệnh nhà vua".
Ngài Viên cũng không sợ đối đầu, cũng ra một bản yết thị, đại khái như sau:
"Đề đốc học chính là một chức hết sức tôn nghiêm. Việc tuyển chọn nhân tài phải cực kỳ thanh liêm và thận trọng. Nhậm đề học là người đê tiện bất tai hủ lậu, khiến người đời chê trách, giết học trò ngay trên giường chiếu, thật là xảo quyệt. Dùng những kẻ xấu xa hung ác làm tay chân, hãm hại tài năng. Tội ông ta là làm ô nhục lời răn dạy của triều đình đối với quan lại. Hằng ngày thường dùng hình phạt đối với mọi người. Học trò của phủ phải nộp bao nhiêu bạc để được vào trường, người nào là người trung gian nhận tiền. Sinh viên nào phải nộp bao nhiêu tiền thì được trợ cấp học bổng và được vào trường học. Ông ta lợi dụng mũ áo triều đình để vơ vét những tiền của hôi tanh. Triều đình phải trừng phạt ngay để răn đe kẻ khác".
Sau khi yết thị, cả hai đầu dâng sớ tâu lên triều đình. Chỉ trong mấy ngày, chiếu chỉ nhà vua gửi xuống, viết:
"Nhậm đề học tham lam vô đáy, chứng cớ rõ ràng, các bộ phải hạch tội nghiêm túc, rồi tấu lên cho trẫm biết. Viên mỗ trẫm đã hiểu rõ được bản chất của ông, không cần phải trình bày kỹ. ông vốn là người có tiếng trong triều. Còn Viên Thời thì sức cho các quan địa phương truy nã xét xử và tấu lên cho trẫm biết".
Đúng là:
Hại người là hại mình,
Tha người là tha mình.
Lòng quan mỏng như giấy,
Phép vua dày như sương.
Nhậm đề học bị một đòn nặng, cụt hứng, khuân tất tiền bạc tới Bộ đút lót mới được bãi chức làm thường dân, thu dọn về quê.
Sau khi được tiểu thư giải thoát, Thời Đại Lai vội vàng đến một ngôi miếu hoang ẩn náu. Sáng hôm sau ra khỏi cửa thành đi thẳng tới Bắc Kinh. Trong người đã có tiền, Đại Lai bèn thuê xe ngựa lên đường. Không đầy nửa tháng đã tới ngoại thành Bắc Kinh, Đại Lai thuê một gian phòng ở rồi vào thành nghe ngóng, tìm chỗ dung thân. Một hôm ngẫu nhiên đọc Kỳ báo biết được ngài Viên và Nhậm đề học vạch tội nhau tấu lên triều đình, phụng chiếu chỉ nhà vua, Nhậm đề học bị nghiêm trị anh như mở cờ trong bụng.
Chủ nhà của Thời Đại Lai là Cao Lâm, tự là Tiến Chi, thuộc dòng dõi chỉ huy Bắc Kinh. Anh ông chết trong vụ biến Thổ Mộc, lẽ ra Tiến Chi được thế tập, song bộ Binh đâu có dễ dàng cho ông tập chức, đòi phải đút lót mấy trăm, mấy ngàn mới chịu tấu danh sách lên triều đình. Cao Tiến Chi cũng là một người cứng đầu, ông nghĩ: "Mình làm gì có ngần ấy tiền đút lót cho họ. Mà dù có tập chức thì sau này cũng không có tiền leo lên chức chưởng sự, cái hố đựng tiền sâu hun hút ấy lấp bao giờ cho đầy. Ta có tài thì tự mình cũng tìm được công danh, làm rạng rỡ tổ tông. Bởi thế ông tự sống thanh thản tại gia đình. Trong võ giới có một người như thế cũng coi là một người trong sạch và cao thượng, Thời Đại Lai ở nhà ông, rất tâm đầu ý hợp. Họ rất kính trọng như, không sao nói hết được.
Đúng là:
Đười ươi thương đười ươi
Hảo hán thân hảo hán.
Sóng gió nổi trước mặt,
Lòng băng, lạnh than hồng.
Một hôm Thời Đại Lai ở thành về, nghe thấy tiếng khóc của người trong nhà. Can Tiến chi mắt cũng đỏ hoẻn. Thấy thế Thời Đại Lai hỏi:
- Hôm nay nhà anh có chuyện gì không vui thế?
- Chẳng giấu gì anh, - Cao Tiến Chi nói, - tính tôi ngang ngạnh, không thiết công danh, lại không có việc gì sinh sống nên gia đình nghèo túng. Không gặp thời nên hình như ngay cả ngôi nhà này cũng không giữ mà ở được. Nay ta định bán đứa con gái nhỏ cho một người lấy ít lễ vật chi đùng, chứ bán nhà thì đi đâu, bởi thế cứ nhìn nhau khóc.
- Hóa ra là như thế, - Thời Đại Lai nói, - hãy giữ cháu lại, tôi còn mấy lạng bạc anh lấy dùng tạm, rồi sẽ tính sau. 
 Cao Tiến Chi là một người có hoài bão, không chối từ mà nhận ngay đưa cho vợ. Cô gái họ Cáo vô cùng cảm động. Từ đó Cao Tiến Chi với anh thân thiết như ruột thịt.
Một hôm Cao Tiến Chi nói:
- Thời tướng công tài giỏi như thế sao không đi thi?
- Chẳng khác nào anh hùng nhưng không có đất dụng võ.
- Năm nay đến kỳ thi, chủ khảo mở khoa thi, có tài sẽ đỗ luôn cả hai kỳ. Nếu anh thích thì nhận quê quán của tôi, thi vào học quán.
- Thế thì hay quá. - Thời Đại Lai nói.
Hôm sau thấy quan đề học yết thị thu nạp nhân tài. Thời Đại Lai đổi họ tên là Cao Thăng. Thi xong, yết bảng anh đổ đầu. Vợ chồng Cao Tiến Chi vô cùng mừng rỡ, quan tâm chăm sóc Thời Đại Lai. Thi xong tam trường, yết bảng Thời Đại Lai đỗ thứ ba. Ăn tết xong, thoáng cái đã đến kỳ thi Hội. Đại Lai lại đỗ khôi nguyên. Thi Điện đỗ tiến sĩ nhị giáp. Thời Đại Lai đã trải qua nhiều thử thách, luôn luôn tâm niệm mình sẽ làm một ông quan tốt chứ không chạy chọt mưu cầu danh lợi như một số người, chỉ tuân theo sự tuyển dụng công bằng. Thời Đại Lai được bổ dụng làm hình bộ chủ sự. Tuy ở bộ Hình nhạt nhẽo lãnh đạm song anh không tính toán. Anh chuẩn bị ít tiền nhờ Cao Tiến Chi đón gia quyến tới nhiệm sở. Tiến Chi cảm động không dám từ chối lên đường đi ngay. Không đầy hai tháng đã đón phu nhân Vạn thị về nha môn.
Đúng là:
Vợ chồng bè bạn ân nghĩa nặng,
Cả nhà vui vẻ đáng ngàn vàng.
Một hôm đang làm việc tại công đường, cấp trên gửi xuống một tờ văn thư. Thời Đại Lai mở ra xem thì thấy trong đó phê:
Vụ án Hoàng Hiệp là một vụ án rất nghiêm trọng, hẹn trong một ngày phải xét xử nghiêm minh, rồi tấu báo lên triều đình. Không được chậm trễ.
Thấy sự việc rất khẩn cấp, Thời Đại Lai lập tức đưa ra xét xử cho giải phạm nhân quỳ trước thềm. Thời Đại Lai nhìn kỹ phạm nhân thì giật mình nghĩ: "Người này rất giống Phong
Nhiễm Tử, song tại sao gọi là Hoàng Hiệp?" Nhìn kỹ một lần nữa thì thấy khuôn mặt tuy gầy và đen song bộ râu vẫn như xưa. Đúng là Phong Nhiễm Tử rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng lại mắc trọng tội, vậy thì xử thế nào đây. Ta hãy thử hỏi xem rồi hãy bàn cách. Thời Đại Lai xem bản án, gọi Hoàng Hiệp tới, nói:
- Tại sao ngươi dám cả gan cướp lương của quan vận chuyển tại Thiên Tân lại còn giết mấy kỳ giáp? Đến nay ngươi còn bao che cho bọn đồng đảng, không chịu cung khai nhận tội?
- Việc ăn cướp ở vệ Thiên Tân có liên quan gì đến phạm nhân, kẻ ấy chính là bọn Phi thiên dạ xoa Đỗ Tiểu Nhị mà phiên mổ nhận lầm, tưởng gà hóa quốc, cho phạm nhân là hắn. Con đã từng nhiều lần bẩm với quan song đây là việc hệ trọng ai dám nhận sai lầm, cho nên phạm nhân chịu oan, không thấy được mặt trời.
- Vậy thì Phi thiên dạ xoa Đỗ Tiểu Nhị ở đâu? Điều ngươi nói có đúng không? - Thời Đại Lai hỏi.
- Sao lại không đúng thưa ngài, - Hoàng Hiệp nói, - hắn là người Sơn Đông. Nếu quả là phạm nhân thì tại sao nhiều lần tra tấn cực hình phạm nhân không khai ra đồng đảng mà lại chịu chết một mình?
Thời Đại Lai cố ý hỏi dò:
- Ở vệ Thiên Tân không phải là ngươi, nhưng kẻ cướp tài sản của tri phủ Nhậm ở Mai Lĩnh có phải là người không? Nay ông ta đang cáo giác ngươi.
Hoàng Hiệp à lên một tiếng nói:
- Việc ở Mai Lĩnh là có thật, phạm nhân xin nhận. Song vụ này không thể so với vụ ăn cướp lương thực, giết người ở Thiên Tân được.
Cao Tiến Chi nghe thấy thế rất tán thành.
Đúng là:
Sẻ, chuột tranh thóc gạo,
Anh hùng cùng tử sinh.
Tới nay trên Thanh Đảo.
Rót rượu viếng Điền Hoành(1)
(1) Điền Hoành: một nhân vật thời Chiến Quốc, là tướng quốc của Tề vương, Hàn Tín diệt Tề, Hoành tự xưng là Tề vương, mang 500 người chạy trốn ra hải đảo. Lưu Bang xưng để dụ hàng, Hoành về Lạc Dương, giữa đường thấy xấu hổ rồi tự sát.
Thời Đại Lai viết một bản văn thư gửi lên cấp trên, đại ý như sau:
Thẩm xét vụ án Thiên Tân, quả thực là Đỗ Tiểu Nhị Sơn Đông. Hoàng Hiệp người miền Bắc xa xôi không có liên quan đến vụ án. Việc nhận gà hóa cuốc như thế thì đất nước sao mà tồn tại được? Giết người để xiểm nịnh người, bọn quan lại xấu xa ấy phải phế bổ. Cúi xin hoàng thượng ra lệnh cho phiên bổ truy tìm thủ phạm. Hoàng Hiệp vô tội, nên cho được bảo lãnh thả ra.
Thượng thư bộ Hình thấy Thời Đại Lai là một tiến sĩ tân khoa dám chịu trách nhiệm. Hằng ngày lại rất thanh liêm, hơn nữa lời nói nghiêm túc hợp lý hợp tình, hoàn toàn không thể bác bỏ. Lập tức phê trả lời:
Ty ấy phải ra sức bắt ngay thủ phạm chính. Đây là vụ án quan trọng phải nhanh chóng kết thúc, không được chậm trễ. Hoàng Hiệp quả là vô tội, ty phải xem xét kỹ cho được bảo lãnh.
Thời Đại Lai vô cùng mừng rỡ, ngay lập tức đưa Hoàng Hiệp ra nói:
- Bản ty thấy ngươi oan uổng nên ra sức trình bày giải thích với cấp trên, ngươi có biết không?
Hoàng Hiệp nói:
- Sống chết tuy là dân đen, song sự oan uổng lại can hệ đến phép nước, phạm nhân cũng biết được điều đó.
Thời Đại Lai cho gọi ngay một người gác ngục, bắt anh ta bảo lãnh. Người gác ngục nói:
- Đây là tên trọng phạm, một mình con khó mà đảm đương hai việc. Quả thực con không dám.
Thời Đại Lai quát lên.
- Còn có ta ở đây, ngươi sợ cái gì? Hãy mau mau đưa ông ấy bảo lãnh.
Bất đắc dĩ người gác ngục phải đưa Hoàng Hiệp về. Thời Đại Lai dặn thêm:
- Người này mà trốn mất thì có liên quan đến bản thân anh đấy.
Người gác ngục cứ luôn mồm kêu khổ, đành phải đưa Hoàng Hiệp về nhà mà lòng không vui. Hoàng Hiệp nói:
- Tôi hiểu ý anh rồi, Hoàng Hiệp này là một người đầu đội trời chân đạp đất lẽ nào lại bỏ trốn để làm liên lụy đến anh. Hơn nữa tôi đã đợi ơn ngài Cao thì liên lụy đến anh là liên lụy đến ngài Cao. Thôi anh hãy giúp tôi đi mua ít rượu và thức nhắm mang về đây tôi với anh uống một bữa thoả thuê. Từ nay trở đi chúng ta là bạn với nhau có được không?
Hoàng Hiệp lấy ra một thỏi bạc, mà cũng chẳng thèm cân là bao nhiêu đưa cho người gác ngục, người gác ngục mới an tâm ra đi. Anh mua về một hũ rượu, một mâm bánh màn thầu và bánh cuốn, một đùi cừu, một thủ lợn, một con ngỗng béo. Hoàng Hiệp bảo anh làm thức nhắm cùng nhau uống rượu. Loáng một cái mâm rượu được dọn ra, hai người đóng cửa lên nhà, sắp sửa uống rượu thì chợt nghe có tiếng gọi cửa. Người coi tù hoảng hốt hỏi:
- Ai đấy?
- Tôi là người do ngài Cao ở bộ Hình sai tới, đòi Hoàng Hiệp, người mới được tha khỏi nhà giam. Ngài còn dặn là phải trả lời ngay. - Ngươi đứng ngoài nói.
- Tôi đã biết trước là việc này không được rồi, - người gác ngục nói, - bây giờ lại đến gọi anh. Nếu không phải ông lớn lật lại bản án thì chiếu chỉ gửi xuống cũng phải chém đầu. Nếu không thì tại sao người ta nói là phải trả lời ngay.
- Thì cứ mở cửa ra sẽ biết. - Hoàng Hiệp nói.
Người gác ngục mở cửa, người ấy bước vào chắp tay nói:
- Ngài Cao có lời mời ông tới.
Đúng là:
Đêm đêm thảng thốt không an giấc
Trời đất bao giờ lặng sóng đây.
Hoàng Hiệp nói:
- Tôi không phải là người sợ chết, hơn nữa chưa hẳn cái chết đã đến với tôi. Chỉ có điều ngồi trong ngục buồn đến chết người đi được. Rượu và thúc nhấm đã bày sẵn, ta hãy uống đi mấy chén rồi cùng đi một thể.
Người ấy thấy mâm rượu đã dọn sẵn nghĩ, đã đến đây thì cũng làm cho họ yên tâm, bèn ngồi xuống ăn uống. Được một lát Hoàng Hiệp bảo lấy bát ra rót rượu rồi uống liền hàng chục bát. Người ấy nói:
- Sắp gặp ông lớn, uống ít thôi. Ông lớn chờ đã lâu, xin mời các ông đi ngay cho.
Ba người cùng đứng dậy, đi tới nha môn. Cổng nha môn mở toang, công đường đèn nến sáng choang. Ngài Cao đang ngồi đợi. Người ấy quỳ xuống bẩm:
- Thưa ngài, Hoàng Hiệp đã tới.
Hoàng Hiệp phủ phục trước thềm, bỗng nghe thấy ngài Cao truyền lệnh đóng cửa. Ngài Cao bước xuống thềm kéo tay Hoàng Hiệp đi vào trong. Hoàng Hiệp nghĩ: "Thật là kỳ quặc, ta phạm tội với triều đình, lẽ nào lại điều ta đến nhà riêng xử tội", Đi quanh co mãi tới một thư phòng ở chính giữa, đèn nến sáng choang, bàn ghế bày ngay ngắn.
Dẫn Hoàng Hiệp vào tới phòng, ngài Cao bỗng nhiên bỏ mũ ra, nói to:
- Anh! Anh có nhận ra Thời Đại Lai không?
Hoàng Hiệp ngẩng đầu nhìn, nhận ta Thời Đại Lai, nói:
- Ôi! Tôi cứ tưởng ngài Cao thanh bạch là người ở đây. Ai ngờ đó lại là hiền huynh.
- Lúc đầu cứ gọi là Phong Nhiễm Tử, mà không hỏi họ tên thực, nào ngờ họ tên lại là một chòm râu, thế thì ai mà đoán ra được.
Hai người vái nhau bốn cái, Thời Đại Lai mời phu nhân ra gặp mặt. Vạn thị vô cùng biết ơn, vui mừng khôn xiết, không sao kìm nổi, phu nhân lại mời cả Cao Tiến Chi cùng ra tiếp đón. Phong Nhiễm Tử hỏi:
- Sau khi chia tay, thế nào mà anh lại tới đây.
Thời Đại Lai kể lại tỉ mỉ cho Phong Nhiễm Tử nghe, và nói:
- Nhậm đề học, ân hận rằng không đánh đổ được người mà ngược lại mình bị đổ, làm một kẻ tiểu nhân một cách oan uổng.
Mọi người cười rộ lên, Phong Nhiễm Tử nói:
- Vị Cao Tiến Chi đây là người thế nào?
Thời Đại Lai kể lại đầu đuôi việc mình kết giao với Cao Tiến Chi. Phong Nhiễm Tử hết sức khâm phục, nói:
- Lúc đầu tôi cứ tưởng thiên hạ là những hạng mặt người dạ thú, ai ngờ người tốt vẫn còn. Ngay như anh Cao người đang ngồi đây là một người thanh cao, em Thời là một người nghĩa hiệp, Viên thái thường là một người chính trực. Tất cả đều là những người hiếm thấy xưa nay. Đáng tiếc là tôi đã lầm lỡ nửa đời người, giờ có sửa lại cũng không được nữa.
Thế rồi Phong Nhiễm Tử dùng chiếc cốc lớn bằng sùng tê giác cùng với Cao Tiến Chi, thả sức say sưa. Họ bàn với nhau về võ nghệ, về những chuyện ở chốn biên cương rất tâm đầu ý hợp. Lúc ấy Phong Nhiễm Tử rất vui. Ba người như anh em ruột thịt, chẳng còn vấn vương gì. Phong Nhiễm Tử vốn là người không chịu sống yên một chỗ, song vì có Cao Tiến Chi, họ rất hợp nhau, nên hằng ngày thường thi đấu đao thương, cung tên, bởi thế họ vui vẻ quên cả ngày tháng.
Đúng là:
Tình cá nước biết bao sâu nặng,
Mười năm về trước, đó ân nhân.
Đời người vẫn có duyên hòa hợp,
Tình nghĩa anh em tựa keo sơn.
Thời Đại Lai luôn luôn là một viên quan thanh liêm, là một người tiếng tăm lừng lẫy Trường An cả triều đình điều muốn để cử Đại Lai vào bộ Lại, song không phải vào bộ Lại một cách dễ dàng, phải có mưu mô thủ đoạn thì mới vào được. Thời Đại Lai không hề quan tâm đến chuyện đó, chỉ nghe theo mệnh trời. Song Thời Đại Lai khó thoát khỏi công luận. Bộ Lại không chịu tiếp nhận Đại Lai mà chuyển sang hộ Binh. Thời Đại Lai vẫn cứ thản nhiên tới nhậm chức tại bộ Binh. Chưa đầy hai tháng thì có tin báo về: bọn Yểm Đáp đã tiến vào cửa ải áp sát đô thành, việc này phải do bộ Binh đảm trách. Song những quan viên dùng tiền đút lót thì đùn đẩy không đi, Thời Đại Lai là người không dùng tiền đút lót cho nên bộ Binh đã đẩy Thời Đại Lai đương đầu. Thời Đại Lai không hề từ chối, đến ngày thao trường, soái lãnh hơn một ngàn binh mã, đưa cả Phong Nhiễm Tử và Cao Tiến Chi đi cùng. Nào ngờ, vừa ra tới nơi thì gặp chúng đang cướp bóc, thấy thế Phong Nhiễm Tử và Cao Tiến Chi, hai người đang tràn đầy nhuệ khí, họ như một con chim ưng thích đấu, hào hùng xông lên chém đầu bốn năm chục tên, bọn Yểm Đáp phải bỏ chạy, họ thu được rất nhiều quân lương. Ngay sau đó họ phóng ngựa về triều đình báo tin chiến thắng. Thời Đại Lai dẫn quân về yết thị tại bộ Binh, thưởng công cho hai người. Nhà vua xuống chiếu giao cho Hoàng Hiệp làm đô ty, Cao Tiến Chi làm thủ bị, trở về nha môn mở tiệc ăn mừng.
Vì lập công ngoài biên ải, cả triều đình cho rằng Thời Đại Lai giỏi việc binh, bèn thăng làm binh bị đạo Trang Lãng. Thời Đại Lai đưa cả hai vị hảo hán này đi theo. Tới nơi cử Hoàng Hiệp làm tham tướng, Cao Tiến Chi giữ chức du kích. Từ đó họ đều binh luyện võ tại biên cương, thỉnh thoảng Yểm Đáp vào cướp bóc đều bị họ đánh bại. Không lâu sau hai người này được trao chức tước, đúng vào Chiết Giang có giặc Oa xâm phạm, bộ Binh lại tiến cử Hoàng Hiệp làm phó tướng đi cứu viện Tam Chiết. Không đầy nửa năm dẹp yên giặc Oa, Hoàng Hiệp được thăng làm tổng binh quan, đi ngựa tới nhiệm sở. Thời Đại Lai được triều đình giao cho trông coi vùng biên giới, thăng chức tuần phủ Diên Tuy. Hai người gặp nhau, hết sức vui mừng hòa hợp.
Đúng là:
Hen ước ban đầu cùng chung sống,
Chẳng còn nỗi khổ buổi thiếu thời.
Lại nói Nhậm đề học bị bãi chức, sống nhàn nhã, song ông ta là người hám của thì làm sao chịu đựng được nỗi cô quạnh. Ông ta đã chuẩn bị một ít bạc vào kinh đút cho chức sự để được trở lại làm quan. Được đút lót nhiều cho nên chức sự ra sức giúp ông ta đúng lúc ấy thì đạo Trang Lãng mà Cao tuần phủ mới nhậm chức thiếu người bèn cho rằng ông ta biết việc binh thăng giữ chức binh bị phó sứ đạo Trang Lãng. Lão Nhậm vô cùng mãn nguyện, lập tức đưa gia quyến tới ngay nhiệm sở bái yết tuần phủ. Được bẩm báo, Thời Đại Lai biết ngay đó là Nhậm tri phủ. Nhậm phó sứ tuổi đã cao, hám danh lợi, chỉ biết vái lạy mọi người và bợ đỡ cấp trên nên Thời Đại Lai cũng chẳng cần để ý đến họ tên lai lịch của lão làm gì. Một hôm trong bữa rượu, Thời Đại Lai hỏi Phong Nhiễm Tử:
- Có một người biết anh, xem anh có biết người ấy không?
- Ai đấy? - Phong Nhiễm Tử hỏi.
- Anh còn nhận ra Nhậm tri phủ không?
- Lâu lắm rồi tôi quên mất rồi.
- Thế chẳng phải anh đã gặp phó sứ Trung Lãng rồi sao?
- Chỉ nói hắn là họ Nhậm chứ ai ngờ lại là tên vô liêm sỉ ấy. Thật đáng tiếc đã không giết hắn ở Mai Lĩnh để hắn còn sống đến bây giờ làm nhơ nhuốc thanh danh những người khoa giáp.
- Loại người bỉ ổi ấy còn đầy rẫy ở Trường An. Hãy dung tha cho đồ vô dụng ấy.
Phong Nhiễm Tử tuy ngoài miệng nghe theo, song trong lòng cứ ấm ức. Một hôm lại nghe tin quân giặc phía tây tiến vào cửa ải. Phong Nhiễm Tử mang binh mã đi đánh đẹp, mãi xông lên Nhiễm Tử quên cả phòng bị phía sau. Cuối cùng bị phục binh xông ra vây hãm. Nghe tin cấp báo, Thời Đại Lai truyền lệnh điều Cao phó tướng đi cứu viện, đồng thời mình cũng tự dẫn binh mã tới ứng cứu. Cao Tiến Chi nghe thấy Phong Nhiễm Tử bị vây liều chết tiến lên. Phong Nhiễm Tử thấy quân tiếp viện tới gào thét xông lên chém giết, lại được quân của tuần phủ ứng cứu, ba cánh quân nhất tề xông tới đông như kiến cỏ, truy đuổi quân giặc tới hai ba trăm dặm mới trở về. Phong Nhiễm Tử đắc thắng trở về bèn nghĩ: "Binh mã của tuần phủ đều tới, lẽ nào phó sứ lại tọa hưởng kỳ thành? Nếu không nhân dịp này kết liễu đời hắn thì sau này khó mà trút được nỗi oán hận". Thế là Phong Nhiễm Tử làm một tờ trình lên bộ Binh, đại lược như sau:
Mở mang một cách quân yếu, bị bốn mặt tiến công, vây khốn hai ngày, song các dũng sĩ liều chết xông lên, may mà không làm nhục uy danh nơi đất người quân thù đã bị tiêu diệt. Song Nhậm phó sứ bất tài vô dụng, giữ trọng trách nhưng nhút nhác sợ chết, hoàn toàn không biết gì về việc binh, chỉ biết ra sức bóp nặn nhân dân, không thực hiện chức trách của một người làm quan. Khi ta xông lên diệt địch bị địch vây hãm, cơ hồ như sắp chết trong tay kẻ thù thì Nhậm phó sứ định mượn tay kẻ thù giết ta. Ta chết là việc nhỏ, song điều quan hệ đến biên cương lại là chuyện lớn...
Bộ Binh tấu lên triều đình. Vua lập tức xuống chiếu như sau:
Nhậm phó sứ thù riêng mà không lo việc biên Cương, phủ sứ phai thẩm xét xử lý nghiêm minh. Hoàng Hiệp lập công đã được ghi nhận, nay ra chiếu chỉ để Bộ biết.
Tuân theo chiếu chỉ, sáng hôm sau Nhậm phó sứ khăn áo chỉnh tề tới nha môn tuần phủ chờ xét xử. Thời Đại Lai ra lệnh đóng cửa rồi chắp tay chào phó sứ kéo đứng dậy mời trà. Nhậm phó sứ nói:
- Phạm quan đáng Trừng phạt, đâu dám mong đại nhân gia ân.
- Ông có nhận ra Thời Đại Lai trước đây không? - Tuần phủ nói.
Nhậm phó sứ lau mắt nhìn kỹ:
- Phạm quan đáng chết từ lâu rồi, chỉ mong ngài rộng lòng cứu giúp.
Nói xong Nhậm phó sứ quỳ xuống lạy. Thời Đại Lai nói:
- Không nói tới chuyện trước đây, chỉ xin hỏi người con gái yêu của ngài đã lấy chồng chưa?
- Không giấu gì ông lớn, - Nhậm phó sứ nói, - khi bị bắt trở về cháu không muốn sống trong đời tục nữa, từ lâu muốn cắt tóc đi tu. Phạm quan không nỡ bỏ mặc, cháu vẫn còn trong nha môn ăn chay niệm Phật, thề sẽ không đi lấy chồng.
- Thế thì tốt quá, - Thời Đại Lai nói, - tôi muốn làm mối cho con gái yêu của ông. Nếu ông bằng lòng thì không những ông được giải thoát mà còn có thể phục lại nguyên chức.
Nghe thấy có thể phục chức, Nhậm phó sứ cũng chẳng hỏi làm mối cho ai, mà bằng lòng ngay.
- Thưa ông lớn, nếu ông lớn nâng đỡ phạm quan thì phạm quan lo liệu một ít của hồi môn để chàng rể mới báo đáp đại nhân.
Nói xong Nhậm phó sứ quỳ xuống lạy. Thời Đại Lai nâng dậy nói:
- Tôi nói nghiêm túc đấy. Tôi làm mối cho vị này, sẽ không làm nhục ông. Nếu ông nói tới của hồi môn, điều ấy sẽ đụng chạm đến tông tích cũ. Không những con rể không nhận mà ngay tôi cũng không dám nói.
- Tôi xin nghe theo ngài. - Nhậm phó sứ nói.
Sau đó Thời Đại Lai lập tức dọn rượu mời Phong Nhiễm Tử tới. Trong lúc uống rượu Thời Đại Lai nói:
- Tôi xin chúc mừng anh.
- Có việc gì mà chúc mừng.
Phong Nhiễm Tử vốn là người trọng nghĩa, rượu đối với anh là không thể thiếu, song về mặc sắc thì anh chẳng hề màng tới, bởi thế tới nay vẫn chưa vợ con. Thời Đại Lai nói:
- Tôi đã làm mối cho anh một người.
- Ai đấy Phong Nhiễm Tử hỏi.
- Con gái Nhậm phó sứ.
- Anh sai rồi. - Phong Nhiễm Tử nói toáng lên. - Lấy loại người ấy để làm nhục tôi à? Sao bây giờ anh lại xử tệ với tôi như thế.
- Hãy nghe tôi nói đã, tiểu thư tên là Trại Nhi, không những đẹp mà còn là người nghĩa hiệp. Sau khi cô bị bắt, mặc dù anh là người đức hạnh không làm nhục cô ta, song là đàn bà con gái cô khó mà tự thanh minh được. Vì sự nghi ngờ ấy làm đời cô dang dở đến nay vẫn chưa đi lấy chồng. Điều ấy chẳng phải là do anh làm cô lỡ dở ư? Thế nhưng cô ở nhà ăn chay tụng niệm kinh Phật mà hoàn toàn không hề oán hận. Ngay khi tôi bị lừa, cái chết cầm chắc trong tay cô đã đóng giả đàn ông để cứu tôi. Anh tính nghĩa khí ấy, tài trí ấy thì trong hàng vạn đàn ông cũng không có lấy một người chứ đừng nói là con gái. Anh là bậc đàn ông kỳ tài trong thiên hạ, kết duyên với một cô gái kỳ tài thì đó chẳng phải là một đôi hiếm có do trời sinh ra ư? Tôi làm mối cho anh là phải lắm rồi, anh đừng có trách tôi.
Nghe thấy thế Phong Nhiễm Tử cười ha hả nói:
- Không ngờ minh châu từ bụng rắn mà ra. Tôi xin nghe theo lời anh.
Thời Đại Lai lập tức tâu lên triều đình gỡ tội cho phó sứ. bản tấu sớ đại lược như sau:
Tổng binh Hoàng mỗ hết lòng vì nước, anh dũng quên mình, bị vây hãm ở vùng sa mạc. Trong giờ phút gian nguy dám xông lên tiêu diệt địch lập công to. Song Nhậm phó sứ đang lúc tuần du không biết hỏa đài cấp báo, đến khi trở về điều quân theo sau. Tuy có sai lầm là chậm trễ song đó là sai lầm một cách vô tình chứ không phải cố ý. Xin bệ hạ phục chức đòi hỏi ông phải ra sức đáp đền.
Chỉ trong vài ba ngày nhận được chiếu chỉ, Nhậm phó sứ đến tạ ơn Thời Đại Lai và cùng tới tạ ơn con rể. Vốn là trước đây Nhậm phó sứ chỉ quan hệ với bọn người chó má, toàn bàn những chuyện chui luồn bợ đỡ, đến khi gặp quan tuần phủ Thời Đại Lai thanh liêm sáng suốt và gặp được chàng rể hào hiệp mới hiểu trên đời này còn có những chính nhân quân tử như thế. Từ đó về sau Nhậm phó sứ thương dân như con, coi tiền của như bùn đất.
Đúng là:
Sống lẫn trong cỏ dại
Chẳng đỡ mà thẳng ngay.
Lâu rồi quên hương sắc,
Nay bước vào phòng lan.
Thời tuần phủ đã bàn bạc với chàng rể nên trong bản tấu sớ đã biện bách cho Nhậm phó sứ, lại ca ngợi công lao của Hoàng tổng binh nên triều đình ban mãng ngọc, gia phong hàm Thiếu bảo. Thời tuần phủ có công lao dùng người cũng được thăng chức Thượng thư bộ Binh, gia phong Thái tử thiếu bảo, được tặng kiếm Thượng Phương, tổng đốc Tam Biên. Có một hôm Thời tổng đốc nói với Hoàng thiếu bảo rằng:
- Anh còn nhớ lúc tôi vì thiếu một đồng mà lâm vào chỗ chết không? Tôi và anh nay đã vinh quang tột đỉnh, nếu không sớm quay về thì khó tránh khỏi bị nhục.
Hoàng thiếu bảo là một người phóng khoáng, từ lâu đã chán ngán cuộc đời làm quan, bèn nói:
- Anh nói có lý, ngay ngày hôm nay chúng ta dâng sớ cáo quan.
Triều đình thấy họ ở biên cương đã lâu ngày, nhiều năm gian nan vất vả, bèn chuẩn y ngay. Họ vui vẻ vinh quy. Vì ngoài biên ải lâu ngày Thời Đại Lai chưa có con, lại được Phong Nhiễm Tử làm mối, khuyên Cao Tiến Chi gả con gái làm thiếp Thời Đại Lai. Cao Tiến Chi mang ơn Đại Lai cũng muốn đáp đền, bèn tiễn con gái đến nha môn. Sau đó Cao Tiến Chi lại thông gia với Phong Nhiễm Tử. Đời đời họ quan hệ mật thiết với nhau. Nhậm tiểu thư thấy cha không có con trai, nói với chồng đón ông về ở cùng và từ đó họ luôn luôn qua lại với Thời Đại Lai, thọ hơn bảy mươi tuổi. Người con gái đức hạnh hiếu nghĩa như thế thật hiếm có trên đời.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết