Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 25
Vì Tức Giận Giết Hai Nhân Mạng
Do Cưỡng Dâm Mang Họa Vào Thân

Vỗ tay chê cười kẻ điên loạn,
Chỉ vì tham sắc mà nên tội.
Đặt bẫy đào hố hãm hại người,
Đêm khuya dễ dàng lừa gái đẹp,
Những mong thỏa mãn thói dâm ô.
Mây mưa phút chốc tưởng thân yên
Song khó bề thoát khói lưới tù
Cưỡi ngụa ô tự khoe châu ngọc,
Sướng nhất thời, máu chảy đầu rơi.
Việc thành thì gọi là gì, việc không thành thì hậu quả thế nào. Đây là điều mà Dương Thục Sơn tiên sinh luận bàn về chủ trương quốc sự. Ta cho rằng người làm việc quốc gia, quả là phải có tấm lòng son đỏ vô tư, khảng khái gánh vác việc công, thành công không mong được tiếng trung nghĩa; thất bại thì không ngại gì làm ma trung nghĩa. Kẻ chuyên làm việc xấu, đứa thì lỗ mãng, đứa thì cực kỳ xảo trá, nếu thành cũng thuộc loại gian giảo lừa dối, mà không thành thì cũng không tránh khỏi bị treo cổ, chém đầu hay bị lưu đày.
Hậu quả ấy thật đáng chê cười. Song gánh chịu tai tiếng để cầu danh trục lợi, tham cái khoái lạc nhất thời cũng không tránh khỏi điều mổ bụng giấu ngọc châu. Còn nếu đến với rượu và gái, tìm sự khoái lạc trong chốc lát thì có gì là cần thiết đâu? Đấy là điều mà Thái Tổ Cao Hoàng đế đã cấm trong "Lục luận". Đừng làm những điều sai trái. Không biết tại sao người ta không tỉnh ngộ.
Ở kinh sư, dưới thiên tử, về cai trị dân có phủ huyện, có tuần tra năm thành, lại có thêm Nhiếp sự nha môn, Đông quảng bổ doanh cẩm y vệ. Dưới mỗi quan lại có một số Kỳ hiệu dịch, bên cạnh mỗi Kỳ hiệu phiên dịch còn có một số tay chân giúp việc. Hơn nữa lại còn có người mạo danh giả làm người tu hành, tụ tập đông như kiến, bí mật dò xét tới sát vách thế mà người ta vẫn không sợ. Hôm nay cùm chết người, ngày mai lại cùm chết người. Vụ án này vừa kết thúc thì lại phát luôn ra vụ án khác. Tóm lại đây là nơi bọn xấu ở khắp nơi và bọn người hám danh trục lợi ở các tỉnh dồn về. Bởi thế ở đây xảy ra biết bao tệ nạn. Còn về mặt pháp luật, bên trên thì ăn hối lộ bên dưới thì coi thường pháp luật. Cho nên ở kinh sư bọn côn đồ rất đông. Tôi cho rằng bọn người này đều là bọn thông minh. Song không hiểu vì sao bọn người thông minh này lại làm những điều ngu xuẩn. Người ta cho rằng chúng dùng sự giả dối để hại người cho nên trời làm cho chúng ngu tối đi, để rồi làm những việc tự giết mình. Tôi cho rằng bọn chúng chỉ nghĩ tới cái trước mắt mà quên mất cái hậu quả về sau, thấy lợi mà quên hại, chúng hoàn toàn không suy nghĩ về tiếng tăm và hậu quả mà thôi.
Trong sáng thì ngu thành thánh sống
Đen tối thì ngu thành khùng điên
Những người trong sạch hay ô trọc
Cách nhau chỉ gang tấc mà thôi.
Có một người họ Vương là con thứ tư, người Việt Trung, đến ngụ cư ở kinh sư, người ta thường gọi hắn là Tiểu Vương Tứ. Từ nhỏ tâm địa hắn đã xấu xa, nhưng hắn giả vờ tỏ ra có tấm lòng hào phóng. Bên trên thì hắn giao lưu với bọn cận thần và quản gia những nhà quyền thế. Lớp giữa thì hắn thân với bọn quan lại các nha môn. Bên dưới thì hắn liên hệ với bọn côn đồ lưu manh vô gia cư có thể đánh người, cùm người hoặc bắt người. Cho nên phàm gặp chuyện gì là hắn ăn sống nuốt tươi người ta ngay. Bán mình cho hắn thì hắn sán đến làm tình. Không bán mình cho hắn thì có ngay kẻ cáo giác, kẻ làm chứng giả, chưa làm cho anh khuynh gia bại sản hắn chưa thôi. Thậm chí có những nhà giàu sống an phận hắn cũng bất ngờ kiếm cớ gây sự. Bởi thế, có một số ngự sử nổi tiếng giàu có và thế lực cũng không bắt được hắn, mà dù có bắt được cũng không sao xử tội hắn được, trừ phi có chiếu chỉ nhà vua, ngoài ra phần lớn bắt được, hắn đều thoát thân.
Vương Tứ có một vợ và hai thiếp. Vương Tam là anh ruột. Hắn ỷ thế vào việc kiếm tiền một cách dễ dàng, hằng ngày hắn thường la cà đến các sòng bạc và nhà chứa. Thấy người đàn bà nào có nhan sắc là hắn chiếm bằng được mới thôi. Một hôm hắn đi qua xưởng làm đồ gốm, thấy một đứa bé rao:
- Ai bánh nướng đây!
Hắn chợt nghe thấy một tiếng gọi dịu dàng:
- Bánh nướng ơi!
Đúng là:
Hoa xuân khoe sắc chim ríu rít
Hành quân dùng bước ngẩn ngơ nghe.
Nghe tiếng nói êm ái, Vương Tứ cố ý đi chậm lại, thì thấy một cô gái mở mành bước ra, đúng là:
Một bông hồng hạnh vươn dậu,
Thoáng gió xuân về nhẹ nhẹ lay.
Cô đưa cho em bé mười đồng rồi nhặt từ trong chiếc làn sáu chiếc bánh nướng. Vương Tứ nhìn kỹ thì thấy, vừa sáng ra mái tóc nàng chưa kịp trang điểm giống như áng mây xanh, miệng nàng như một đóa hoa lê phảng phất sương khói. Đôi mắt nàng sáng long lanh như ngọc, nàng không son phấn mà má hồng như hoa đào. Hai trái đào tiên, non tơ như ngọc vừa đông, mềm mà đầy đặn, khiến người ta thèm muốn.
Thấy cô ấy bước vào trong nhà, Vương Tứ hỏi đứa bé bán bánh:
- Cô ấy con ai thế?
- Đấy là con gái ông Trần, chuyên sao chép thuê ở khoa thi võ vẫn chưa chồng.
Vương Tứ nghĩ: "Ta sẽ lấy cô ta làm thiếp thứ ba". Thế rồi hắn nhờ một bà mối tới hỏi. Lão Trần là người miền Nam, nhà nghèo, viết thuê để kiếm sống, vợ là Trương thị, con trai là Trần Nhất hai mươi tuổi, thường chơi bời với những người bình thường. Lão có một người con gái tên là Đại Thư. Hôm bà mối đến nhà khen ngay rằng:
- Hôm nay nhà ông gặp may rồi, ông Vương là một người rất nổi tiếng, vừa có tiền vừa có thế lực. Ông ấy có một bà vợ đẻ xong thì bại liệt, chỉ ăn rồi nằm đấy, không có ai trông coi việc gia đình. Ông ấy thấy Đại Thư nhà ta xinh đẹp lại giỏi giang nên nhờ tôi đến nói với ông bà xin cô ấy về làm vợ, quán xuyến việc gia đình.
Hỏi kỹ ra mới biết đấy là Vương Tứ. Trần Nhất trẻ người non dạ không biết gì nói:
- Vương Tứ là người kinh sư tới hỏi, chúng ta gả cho anh ấy, sau này sẽ có chỗ cậy nhờ.
- Ta chỉ có một đứa con gái, phải tìm một nhà giàu để cả nhà dựa dẫm vào nó.
Lão Trần nói thế song Trần thị lại nói:
- Việc gả bán không thể trả lời ngay được, để chúng tôi bàn bạc thêm đã. Đúng là:
Con gái như thân dây leo
Chọn nơi nương tựa là điều phải lo
Cây yếu chớ leo cành
Cành gầy dây đứt thiệt thua một đời.
Về sau thăm dò thì thấy Vương Tứ đã có một vợ và hai thiếp. Trương thị nói:
- Đây là một kẻ phóng đãng, đã có vợ lại lấy thiếp, có hai thiếp rồi lại bỏ họ đi lấy thiếp thứ ba. Sau này, thấy một người đẹp khác, ai chắc rằng nó sẽ không bỏ Đại Thư để lấy người khác nữa.
Thế rồi họ khéo léo từ chối:
- Nhà tôi nghèo, trông mong vào một đứa con gái, vợ chồng tôi sức yếu tuổi già nhờ cậy vào nó, bởi thế tôi cần gả cho một người chưa vợ sống một mình, chứ không gả làm thiếp.
Bà mối đi lại tới mấy lần nhưng nhà họ Trần không gả.
Sau đó, Vương Tứ nói:
- Ông ta muốn gả cho người sống một thân một mình, thì Vương Tam nhà mình chưa vợ, sống một mình, vậy cứ hỏi cho Vương Tam.
Lại có một người nói với nhà họ Trần:
- Hắn chỉ lừa đấy thôi. Biết là gả cho Vương Tam hay Vương Tứ. Vương Tam tuy là anh thật nhưng chỉ là người cầm rổ cầm cân, như một thằng ở mà thôi.
Bởi thế nhà họ Trần không gả.
Ít lâu sau có người đến làm mối cho một người tại ngũ tên là Thi Tài. Anh ta có một ngôi nhà để ở, hai nhà cho thuê, hai xuất quân lương, một xuất dùng để thuê người hầu hạ, còn một xuất thuê ngựa cưỡi mua vui. Mỗi tháng được cung cấp hai thạch gạo lứt, bán mỗi thạch được tám trăm đồng, tương đương với một lạng bạc, dùng để mua than và rượu. Trần Đại Thư lấy ông ta sống cũng dễ chịu. Sáng dậy nhóm lửa đun nước rửa mặt rồi mua bánh nướng bánh bao hoặc là cháo đường ăn sáng. Tới trưa, thì nấu cơm hoặc kê ăn bữa trưa. Nếu ngại thì trưa và tối đều mua bánh mì ăn. Khi có tiền cũng mua ít cá thịt cải thiện, ít tiền thì mua mỡ hoặc tương, không có tiền thì ăn rau dưa, chứ cũng không đến nỗi bếp không đỏ lửa. Hai vợ chồng sống như thế cũng tạm ổn.
Đói có kê vàng, rét có chăn,
Còn tìm đâu nữa chốn thần tiên
Gái đẹp chiều chồng càng thêm đẹp
Mơ làm chi nữa chốn Đào Nguyên.
Bỗng một hôm có lệnh của cấp trên điều anh từ châu Xương Bình đến Hoàng Lăng làm việc, van nài xin ở lại nhưng không được. Nghĩ rằng vợ mình là đàn bà con gái không thể sống ở nhà một mình, anh bèn gửi vợ đến nhà bố vợ, rồi ra đi. Xương Bình cách kinh thành sáu mươi dặm, anh đi hai tháng trời mà chẳng thấy tin tức gì. Chị phải nhờ người đi hỏi thăm, thì có người nói là: "Nội tướng(1) đưa anh về nhà hầu hạ". Có người lại nói: "Anh đi ra ngoài chặt củi, chắc là bị bắt đi rồi". Và sau đó cũng không biết tin tức gì về anh nữa. Trần Đại Thư bỏ tiền ra bảo anh đi tìm nhưng cũng không thấy. Suốt một năm trời, Trần Đại Thư phải ở vậy một mình.
Xem bói khắp mọi nơi,
Ngày về vẫn mờ mịt
Đêm đêm phòng lạnh lẽo,
Đèn soi bóng lẻ loi.
(1) Nội tướng: Hàn lâm sĩ (ND).
Lúc ấy có một người tên là Nguyễn Lương, người Kim Hoa, trạc hai bốn hai nhăm tuổi, kết nghĩa anh em với Trần Nhất, thường năng lui tới nhà họ Trần, hắn cũng là người không tốt, luôn luôn chòng ghẹo Đại Thư. Song cô là người đứng đắn, nên cứ mặc xác hắn. Nguyễn Lương thường nói: "Chồng cô Thư lâu nay chẳng thấy tin tức gì, hình như không còn nữa, cô còn trẻ, chẳng khác gì một đóa hoa, đừng vì anh ấy mà lỡ cả một đời, thôi thì phải biết tùy thời". Lão Trần là một người sống yên phận, nói:
- Đàn bà đã có chồng, ai người ta còn lấy? Ta bỗng chốc gả cho người khác, nếu chồng nó có sống trở về kiện lên quan, thì có mà nhừ đòn.
- Nếu em nó muốn lấy chồng, - Nguyễn Lương nói, - thì tôi quen nha môn, xin cho nó thì sợ gì anh ta.
Trần Đại Thư nói:
- Ta ăn của anh, thì ta vẫn thuộc về anh, lấy người khác làm sao được!
Phiêu dạt gặp nhau nên chồng vợ,
Nhà tranh vách nứa có gái ngoan.
Hơn một tháng sau, bỗng thấy hai người tới, người đi sau mặc áo xanh chít khăn vuông, đeo kính, cổ quấn một chiếc thừng. Chúng chẳng nói chẳng rằng trói ngay lão Trần giải tới nha môn, giam liền trong năm ngày. Trần Nhất hoảng sợ không dám xuất đầu lộ diện, nhờ người hỏi dò thì đó là một thư lại bộ binh làm văn thư giả có dấu giả, hắn nói là Lão Trần mua cho hắn. Người có tiền thì quan trong triều cho sống, không có tiền thì họ bắt phải chết. Hoàng thượng biết rõ tệ nạn này, lão Trần tuy vô can, song không thể tha ngay được.
Phép quan thật thảm khốc,
Quan độc ác như hổ.
Dù có phép thần thông,
Cũng không sao thoát khổ.
Nguyễn Lương tới nói:
- Việc này không phải chỉ có một mình ông Trần chịu oan. Nếu có tiền thì có thể cứu thoát. Ta xem ra Vương Tứ là một người có nhiều mưu kế. Anh ấy hỏi Đại Thư về làm thiếp. Nếu anh gả em gái cho anh ấy thì tôi đoán chắc ông Trần sẽ được tha.
Đang lúc sốt ruột nấu gan, Trương thị nói:
- Lại là thằng Vương Tứ! Trời còn có mắt, thế nào ông Trần cũng được tha.
Trần Đại Thư nguýt mắt lườm Nguyễn Lương, nói:
- Ta không lấy hắn! Ngươi đừng có nhúng vào.
Nguyễn Lương cười nói:
- Đại Thư cô đi đêm không kiếm được người đâu.
- Cút! Ngươi cút đi! - Trần Đại Thư giận dữ nói. - Từ nay trở đi ngươi đừng đến đây mà nói bậy nữa.
Bị mắng như tát nước, Nguyễn Lương ê mặt bỏ đi. Vừa được mấy bước thì gặp ngay Vương Tứ. Hắn hỏi:
- Anh Nguyễn đi đâu thế?
Nguyễn Lương nói lấy lòng:
- Hôm nay tốt ngày, nhưng tôi lại bị con đĩ già mồm nó chửi.
- Bị con dâm phụ nào chửi thế? Nó dám xúc phạm đến người anh em của ta. Ta phải vặt lông nó cho hả giận. - Hắn kéo Nguyên Lương đi rồi nói tiếp. - Nó là mụ góa nào thế?
- Không phải mụ góa, mà là con Trần Đại Thư, nó không nhận sự nâng đỡ của tôi. Tôi nói với nó rằng chồng cô biệt tích, đừng tự giam hãm mình, thôi thì ta làm mối lấy anh Vương Tứ, để anh ấy nghĩ cách cứu cha cô. Thế mà con dâm phụ ấy không thấy được lòng tốt của tôi, trái lại nó chửi toáng lên, không cho tới nhà nó nữa. Ngay như Trần Nhất, tuy không thân thiết bằng anh, nhưng về tiếng cũng là anh em kết nghĩa, thế mà anh ta cũng không ngăn cản, mặc cho nó chửi bới tôi.
- Thôi đừng bực bõ nữa, - Vương Tứ nói, - hãy thư thả đến nhà tôi uống rượu đã.
Tìm được rượu ngon do bợm rượu,
Vứt bỏ rượu tồi cũng do anh.
Ngươi bảo ta trừ ngay phiền não,
Ta lại lo dễ nổi can qua.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết