Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 17 (B)

Từ đó Vương Bảo sống một mình trong lều cỏ. Tính đốt ngón tay, đã được năm năm. Thời ấy đúng là lúc Hải Lăng Vương làm vua tại Bắc Triều. Y Đại Kiên được thăng làm Kinh doanh Thống soái, rất được sủng ái. Mễ Gia Thạch nhờ Y Đại Kiên tiến cử, cũng được giao chức Hoàng thành Đại sứ. Hai người này xu nịnh, khuyên Hải Lăng Vương tuyển chọn con gái dân gian khắp nơi làm cung nữ. Hải Lăng nghe theo, sai hai người là Thái tuyển sứ, tới lộ Ký Châu tuyển chọn. Phàm là con gái từ mười ba đến mười sáu tuổi đều phải dự tuyển. Hai người làm khâm sai, dựa vào việc này sách nhiễu tiền hối lộ. Người nào có tiền thì miễn tuyển, còn người nào không có tiền đều phải tuyển làm cung nữ. Từ thành thị đến thôn quê đều bị lùng sục. Họ lại dán một tờ yết thị lớn như sau: "Thánh chỉ tới, thì việc lấy vợ lấy chồng trong dân gian phải đình chỉ ngay". Những gia đình có con đều sợ hãi khóc lóc, đành bó tay. Vương Bảo thấy vậy nghĩ bụng: "Đứa con giả gái của mình, may mà đạo sĩ đã mang đi, năm nay nó mười ba tuổi, nếu còn ở đây thì cũng phải tuyển làm cung nữ, vậy thì che giấu sao được " Đúng là:
Nam đã giả làm nữ.
Khó nói nữ là nam.
Nếu không trốn tránh được,
Thì nay chạy trốn đâu.
Xóm làng rối loạn đến hai ba tháng trời, bỗng nghe thấy người ta đồn Y, Mễ đều đã bị giết. Vì Mễ Gia Thạch khi tuyển chọn cung nữ, đã tự ý để lại mấy người đẹp nhất hưởng thụ riêng. Y Đại Kiên biết được, sợ sau này Hải Lăng Vương điều tra ra sẽ bị liên lụy, bèn bí mật dâng sớ lên Hải Lăng Vương. Hải Lăng Vương vô cùng giận dữ, lập tức truyền chỉ hoạn Mễ Gia Thạch ngay tại chỗ, đuổi về nguyên quán. Sau đó mấy ngày, đang đêm Y Đại Kiên cũng bị giết tại tư dinh, lấy mất đầu. Người ta thấy trên tường trước giường nằm có dòng chữ viết bằng máu: "Người giết tên này là Mễ Gia Thạch". Sai dịch báo cho quan địa phương, sau đó tâu lên triều đình. Hải Lăng Vương nổi giận ra lệnh chém đầu Mễ Gia Thạch, bắt vợ con vào cung làm nô tì. Đúng là:
Gian đảng lại do gian đảng hại.
Kẻ ác bị kẻ ác diệt trừ.
Vương Bảo nghe thấy tin này thì mừng thầm: “Hai kẻ thù của chủ nhân đều bị giết, quả là trời có mắt". Hơn tháng sau, nghe tin triều đình sai thái giám Nhan Quyền cầm phủ tiết tới đình chỉ việc tuyển chọn cung nữ, và thả những người đã tuyển chọn trở về quê quán. Dạo ấy thôn làng đâu đâu cũng vui mừng hò reo vang trời dậy đất. Vương Bảo nghĩ: "Ông chủ nhỏ của ta lần này đã thoát khỏi tai nạn, nếu có về thì cũng sẽ bình yên vô sự”. Bây giờ đã năm hết tết đến, một năm nữa lại sắp trôi qua, bấm đốt ngón tay Sinh Ca đã mười bốn tuổi rồi, song vẫn chưa thấy người đạo sĩ đưa về. Suốt ngày Vương Bảo mong ngóng, thường đến Song Trung miếu thắp hương, cầu nguyện. Một hôm tới miếu, Vương Bảo thấy người đạo sĩ và Sinh Ca ngồi ngay trước mặt. Vương Bảo rất đỗi vui mừng, thấy Sinh Ca tóc chấm ngang vai, hoàn toàn như một cô gái đã trưởng thành. Vương Bảo cúi lạy đạo sĩ, nói:
- Đa tạ tiên ông đã giữ lời hứa.
- Ta đã dạy kiếm thuật để nó báo thù cho cha. - Đạo sĩ nói. - Song trước mắt vẫn chưa được xuất đầu lộ diện. Ngươi hãy đưa nó về am ở. Mười hôm nữa sẽ có một người họa sĩ họ Tu đến ở bên cạnh chiếc am cỏ của ngươi. Ngươi hãy cho nó sang đó học vẽ, sau này sẽ là duyên kì ngộ. Ngươi hãy làm theo ta, không được trái lời.
Nói xong bước ra khỏi cửa, thét lên một tiếng dài rồi bay lên không trung biến mất. Có bài thơ còn lại làm chứng:
Vân du tiên cảnh chốn nào đây?
Lúc đến khi đi cỡi gió bay.
Bi tấm lòng trung như sắc đá,
Ban ngày đã gặp được tiên ông.
Vương Bảo nhìn theo lạy rối rít. Rồi quay lại ôm Sinh Ca vào lòng hỏi:
- Năm năm trời nay con đi những đâu?
- Ở đó con không nhớ ngày tháng. - Sinh Ca nói. - Con cảm thấy mới có ít hôm thôi, sao đã tới năm sáu năm trời.
- Ta nghĩ rằng, - Vương Bảo nói, - một ngày ở cõi tiên bằng bao nhiêu ngày ở cõi trần. Tiên ông đã đưa con đi những đâu? Tiên ông tên gì? Hãy kể để ta hay.
- Từ lúc thấy tiên ông múa kiếm, - Sinh Ca nói, - con thấy một luồng ánh sáng trắng vây lấy con, tiếp theo thấy tiếng gió mưa gào rú. Khi ánh sáng tan, bình tâm nhìn ra thì thấy mình đang ngồi trong một hang đá. Trong hang có đủ giường ghế đá, sách vở, bút mục. Tiên ông đưa quần áo nam giới cho con mặc, và sai những hài đồng mặc áo xanh hầu hạ con. Hằng ngày dọn cơm cho con ăn, nhưng lại không thấy đun nấu. Bạn bè tiên ông thường lui tới, đều gọi tiên ông là Bích Hà Chân Nhân, động này cũng được gọi là động Bích Hà. Ban đầu tiên ông dạy chữ, sau đó dạy kiếm thuật. Trước khi dạy kiếm thuật, ông bảo con phải chạy nhảy trên vách núi, tập đến khi nào thấy người mình nhẹ bỗng rồi mới truyền kiếm thuật, sau đó dạy niệm thần chú và bắt quyết, những đường kiếm bao bọc lấy người, bay lên, bay xuống. Khi đã thành thạo, tiên ông ghi phù chú vào cánh tay con, bảo tới một nơi xa xôi nào đó lấy đầu một người nào đó. Con bắt quyết, niệm thần chú, đi lại mấy trăm dặm chỉ trong khoảnh khắc. Con nhớ mấy hôm trước đây, tiên ông lệnh cho con tới một nơi nào đó, giết một người rồi mang thủ cấp về. Lại lệnh cho con ghi mấy chữ trên tường: "Người giết tên này là Mễ Gia Thạch". Tiên ông nói: "Người này là kẻ thù giết cha ngươi, giết được kẻ này là ngươi đã báo thù được cho cha. Bây giờ ta đưa ngươi về”. Tiên ông bảo con cải trang thành con gái. Con nói với tiên ông rằng: "Con đã biết mẹ, không biết cha, và cũng không bao giờ nghe mẹ kể chuyện cha. Con không biết cha mình sống chết thế nào? Và vì sao con lại phải cải trang thành con gái?". Tiên ông nói: "Ngươi hãy về hỏi mẹ thì sẽ biết rõ đầu đuôi". Nói xong, bèn đưa con đến đây. Mẹ hãy nói cho con nghe đi!
Thấy thế Vương Bảo nước mắt chảy giàn giụa, khóc tức tưởi, nói:
- Ta không phải là mẹ con. Mẹ con cũng đã chết một cách oan khuất.
Nghe đến đây, Sinh Ca òa lên khóc, kéo tay Vương Bảo hỏi:
- Mẹ hãy nói nhanh lên!
Vương Bảo đang định nói, song phải im bặt. Bước ra ngoài nhìn xung quanh không có người nào mới trở vào nói với Sinh Ca rằng:
- Việc này không thể để lộ ra ngoài được, con phải nín ngay để nghe ta nói.
Sinh Ca lau nước mắt, Vương Bảo đứng lên kể hết về cái chết thê thảm của vợ chồng Lý Chân, và mình giả làm đàn bà bảo vệ người chủ nhỏ. Sinh Ca nghe xong nằm lăn ra đất khóc nức nở. Đúng là:
Con côi trốn tránh đã mười năm.
Trứng nước chia li sao nhớ được.
Trước đây cứ ngỡ đó mẹ hiền.
Đâu ngờ cha mẹ chết thảm thương.
Vương Bảo đỡ Sinh Ca dậy nói:
- Nay đã biết hết rồi, ta cũng không cần phải đóng giả là mẹ nữa. Phải phân biệt rõ chủ tớ, nhưng tiên ông vừa dặn, trước mắt vẫn chưa được lộ ra. Ông chủ nhỏ vẫn không được lộ tung tích, vẫn phải đóng giả con gái như cũ, gọi ta là mẹ để che giấu tai mắt mọi người.
- Nếu con không có mẹ che chở thì cũng đã mất mạng từ lâu. Xin đa tạ tấm lòng trung thành của mẹ. Dù cho việc ấy khiến thần tiên cảm động giúp đỡ thì con tôn là mẹ cũng không phải là quá đáng.
Nói xong, Sinh Ca cúi xuống lạy. Vương Bảo vội khấu đầu nói:
- Ông nhỏ làm thế ta không chịu nổi. Từ nay về sau chỉ đóng giả mẹ con trước mặt mọi người thôi.
Hôm ấy hai người về tới am, vẫn xưng hô với nhau như trước. Láng giềng thấy con gái bà quả phụ họ Trình đã về, khôn lớn trưởng thành, ai ai cũng vui mừng.
Mấy hôm sau người láng giềng cũ dọn đi nơi khác, và quả nhiên sau đó có người họ Tu đến ở. Người ấy chính là thái giám Nhan Quyền, trước đây Hải Lăng Vương chưa xuống chiếu đình chỉ tuyển cung nữ, đã ra lệnh Nhan Quyền nhậm chức thay Y Đại Kiên tuyển chọn con gái đưa về kinh đô. Ai ngờ Nhan Quyền lại là một thái giám có lòng từ thiện và nghĩa khí nhân cơ hội này ông đã trái lệnh vua, cho những người con gái trở về quê quán. Nghĩ rằng, lần này về triều, nhất định cũng sẽ bị giết, nên đến giữa đường ông đuổi hết những người đi theo, mặc thường phục trốn chạy. Vừa may tới Song Trung miếu thì trời tối, ông tá túc tại đó. Tới giữa canh năm, thấy trong miếu đèn nến sáng trưng, một hài đồng mặc áo xanh bước tới kéo Nhan Quyền dậy nói:
- Ta vâng lệnh thần, cho ngươi một bộ râu để lánh nạn.
Vừa nói vừa lấy kim chọc chọc vào cằm Nhan Quyền, rồi lấy trong tay áo ra một túm râu cắm vào cằm. Cắm xong, hài đồng cởi chiếc áo xanh và một đôi giày để lại, rồi dặn rằng:
- Ngươi hãy nhận lấy những thứ này, ngày mai đi cứu một người.
Nhan Quyền vội bò dậy kéo hài đồng lại, hỏi:
- Còn muốn ta cứu ai?
Hài đồng không nói gì, đẩy tay ra. Nhan Quyền ngã nhào, sực tỉnh. Thì ra đó là giấc mộng. Sờ lên miệng thấy ba chòm râu dài gần một thước, chân râu vẫn thấy còn ngưa ngứa. Thật là kì lạ. Khi trời sáng rõ, lạ lùng hơn nữa, lại thấy một chiếc áo xanh và một đôi giày. Ông đứng dậy lạy tạ thần, cầm áo và giày ra khỏi miếu. Vì có bộ râu nên chẳng ai biết ông là thái giám. Ông cứ tự nhiên thoải mái ra đi.
Đi được mấy chục bước, Nhan Quyền thấy có tiếng khóc bên đường. Tới nơi thì đấy là một người con gái trạc mười một mười hai tuổi đang ngồi khóc. Tuy ăn mặc rách rưới, đầu tóc rối bù, song dáng vẻ rất khác thường. Nhan Quyền hỏi lai lịch, lúc đầu cô không chịu nói, sau Nhan Quyền an ủi, cô nới rằng:
- Tôi là người huyện Ngọc Điền, Kế Châu. Cha là Liêm Quốc Quang, làm quan Gián nghị Đại phu. Vì thẳng thắn, coi thường lệnh vua, nên ông bị tử hình, tịch thu gia sản. Gần đây có lệnh tuyển chọn con gái vào làm cung nữ. May mà mẹ tôi đã mất từ trước, tôi bị thống chế Y Đại Kiên bắt, nhốt cùng với những người con gái trong dân gian tại dinh quan? Nay theo chiếu chỉ, những người con gái dân gian được trả về quê quán. Mọi người đều được cha mẹ đón, còn tôi, không nơi nương tựa, phải bơ vơ lưu lạc ở đây, nên tôi khóc.
Nhan Quyền nghe xong, nhớ lại giấc mộng đêm qua. Nghĩ tới sự trung thành tiết tháo đáng kính của Liêm Gián Nghị, hơn nữa, mình cũng là đồng hương của cô gái, cần phải tìm cách cứu cô. Nhan Quyền đưa cô gái về Song Trung miếu, cho cô biết lai lịch của mình, rồi nói với cô rằng:
- Ta với cô đều là người có tội, phải chạy trốn. Đêm qua được thần nhân báo mộng, phải cứu một người, ta nghĩ người ấy là cô. Muốn thế thì cô phải nhận ta là cha. Song cô là con gái của một phạm nhân chưa được tha thì không thể xuất đầu lộ diện. Đêm qua, thần nhân có cho ta một chiếc áo và một đôi giày đàn ông, ta muốn ngươi giả trai, lúc đó mới an toàn được. Cô hãy cải trang thành nam giới, cùng đi với ta có được không?
Nghe xong, người con gái vội vàng lạy tạ. Nhan Quyền bảo cô bái lạy thần, đưa áo, giày cho cô thay, rồi hỏi tên tuổi. Cô gái đáp:
- Tôi là Dã Nương, mười ba tuổi.
- Bây giờ ta gọi cô là con, - Nhan Quyền nói, - chữ "Dã" bỏ đi hai chấm, đổi tên thành "Đài".
Dã Nương rất vui mừng, nghe theo ông. Đúng là:
Bên này hai trai giả làm gái.
Bên ấy có người gái giả trai.
Sự việc hai bên tuy có khác,
Nhưng mà ước vọng lại giống nhau.
Nhan Quyền dắt đứa con giả trai, nghĩ: "Mình không thể sống ở nhà trọ được, phải tìm một nhà ở nông thôn để sống". Rất may họ tìm được một ngôi nhà cạnh am. Nhan Quyền tự nhiên có râu nên tự đổi là họ Tu, chỉ nói cho con mình ở Ngọc Điền dắt díu nhau tới đây tìm người thân, không thấy, lại không còn tiền trở về quê, đành phải trú tạm ở đây. Tuy ông mang theo ít tiền, nhưng không dám tiêu hoang phí, phải tìm một nghề gì để sống lâu dài. Dã Nương nói:
- Cha không phải lo nghĩ gì. Lúc nhỏ con được học may vá lại biết vẽ tranh phong cảnh, và truyền thần. Bây giờ con có thể kiếm sống bằng nghề vẽ.
- Như thế thì tốt quá! - Nhan Quyền nói.
Thế là Nhan Quyền vào thành mua giấy bút, mục màu bảo Dã Nương vẽ ít tranh phong cảnh, quả nhiên Dã Nương vẽ rất đẹp. Sau đó Dã Nương lại vẽ ông, thấy bức chân dung đó giống mình như tạc, Nhai Quyền rất vui, bèn treo tấm biển vẽ truyền thần và phong cảnh. Thấy nhà họ Tu có đứa con gái vẽ giỏi người đến thuê vẽ rất đông. Song nếu ai mời đến nhà vẽ thì Dã Nương kiếm cớ không đi, mà chỉ vẽ tại nhà.
Vương Bảo thấy đứa con nhà họ Tu vẽ giỏi, nhớ tới lời tiên ông dặn trước đây, bèn tới thăm Nhan Quyền, ngỏ ý muốn đưa Sinh Ca sang học. Nhan Quyền thấy Sinh Ca là con gái, nghĩ: “Con mình cũng là gái, con gái tiếp xúc với con gái thì cũng chẳng ngại". Từ đó Sinh Ca sáng tới học vẽ, chiều về nhà. Dã Nương và Sinh Ca coi nhau như chị em, sống với nhau rất hòa hợp. Khi biết Nhan Quyền đã cho những người con gái về quê, Hải Lăng Vương đùng đùng nổi giận, cho người vẽ ảnh Nhan Quyền, sai người truy lùng. Đồng thời tiếp tục cử quan lại đi các nơi tuyển chọn con gái vào cung. May mà có người đi sứ Nam Triều trở về khen con gái Nam Triều đẹp hơn con gái Bắc Triều rất nhiều. Bởi thế, Hải Lăng Vương thôi, không tuyển chọn con gái miền Bắc, mà đem quân đánh xuống phía Nam. Một hôm Sinh Ca sang nhà Dã Nương học vẽ, hôm đó Nhan Quyền vắng nhà, Dã Nương nói đùa với Sinh Ca:
- Chị rất thông minh, chỉ cần hướng dẫn qua là chị biết ngay. Bây giờ trình độ của chị cũng gần như em rồi, sau này chị sẽ giỏi hơn em rất nhiều. Chị thông minh như thế, chắc rằng lúc nhỏ chị cũng đi học?
- Chị cũng biết được chút ít. - Sinh Ca nói. - Nhưng chị là con gái, việc học hành không coi trọng lắm. Còn em, ít tuổi mà tài giỏi như thế, chắc rằng thơ phú cũng giỏi, sao em không tiến thân bằng con đường văn chương chữ nghĩa, mà lại theo đuổi nghề vẽ?
- Quân tử giấu tài để chờ thời. - Dã Nương nói. - Ngày nay không phải là thời chúng ta tiến thân. E rằng văn chương chữ nghĩa không phải là con đường công danh, nó dễ mang vạ vào thân.
Sinh Ca nghe xong, nghĩ tới cha mình cũng vì văn chương mà bị kẻ xấu hãm hại, nỗi bi phẫn tự nhiên trào lên, nghẹn ngào nói với Dã Nương:
- Lúc nhỏ ta gặp được một người kì lạ, học được kiếm thuật, lâu nay chưa từng biểu diễn, nay ta diễn thử cho em xem nhé!
Nói xong bèn lấy từ trong tay áo một viên màu trắng, bước ra sân tung lên không trung, biến thành một thanh kiếm dài. Sinh Ca dơ tay đón lấy, rồi múa ngay giữa sân. Lúc đầu còn thấy thấp thoáng bóng người trong quầng ánh sáng, sau đó chỉ thấy quầng ánh sáng trắng mà không thấy bóng người. Khi múa xong, vẫn thấy viền mầu trắng trong tay, mà không thấy kiếm đâu. Dã Nương sững sờ kinh ngạc nói:
- Không ngờ chị lại tài đến thế, quả là đấng trượng phu trong nữ giới.
Kiếm múa hoa sen nở.
Ánh sáng lạnh tầng không.
Như sương bay tuyết múa.
Như chớp lóe gió gào.
Bay lên rồi nhào xuống.
Tiến đông lại lùi tây.
Thoắt ẩn rồi thoắt hiện.
Chẳng phải con gái đâu.
Dã Nương đề thơ xong, đưa cho Sinh Ca. Sinh Ca tấm tắc khen, rồi cười nói:
- Ta nghĩ, hiền đệ thông minh, giỏi thơ phú, thật chẳng sai chút nào. Hiền đệ lại coi ta như một trượng phu. Song ta coi nét chữ của hiền đệ lại mềm mại như nét chữ con gái. Ta cũng làm một bài tặng hiền đệ. Rồi Sinh Ca viết ngay vào mặt sau trang giấy đề là "Tây Giang nguyệt". Bài từ như sau:
Thể chữ đẹp như con gái.
Văn chương thơm nức phấn son.
Nét bút mềm như ấn ngọc
Đâu phải là nét bút nam nhi
Tuy là con trai.
Dáng dấp như con gái.
Nếu mặc kiểu con gái.
Chẳng ai bảo là trai.
Dã Nương xem xong, thấy hình như Sinh Ca biết rõ mình là con gái, tự nhiên mặt đỏ bừng, gượng cười nói:
- Sao chị lại coi em như con gái? Em lại thấy chị rất giống con trai, nên gọi chị là anh mới đúng.
Nói rồi, Dã Nương lại đề tiếp một bài thơ để trêu Sinh Ca.
Dáng chị anh hùng đại trượng phu,
Nên cứ bằng anh, em xưng hô.
Bao giờ chị em ta lại gặp,
Như tình cầm sắt, em gọi anh.
Sinh Ca xem xong, cười nói:
- Nếu như em gọi chị là anh, thì chị cũng gọi em là em gái. Rồi nhân đó làm một bài đáp lại:
Yêu em tài trai như gái sắc,
Lại ngờ phòng học hóa khuê phòng.
Bao giờ chi em gặp nhau nhỉ?
Đôi lứa xứng đôi anh bên em.
Hai người chuyện trò vui vẻ với nhau hồi lâu, khi trở về Sinh Ca nghĩ: "Đài Quan có tướng con gái". Dã Nương cũng đinh ninh Tồn Nô có tướng con trai.
Một hôm nhân tiết Thanh minh, Sinh Ca ở nhà cùng với Vương Bảo cúng cha mẹ.
Hôm ấy, Nhan Quyền cũng mua sắm hương hoa lễ vật cho Dã Nương cúng cha mẹ, rồi tới Song Trung miếu thắp hương. Dã Nương đóng cửa ở nhà một mình vừa cúng vừa sụt sùi khóc.
Dã Nương là gái, không đám khóc to, chỉ lặng lẽ cúng. Khi cúng xong, nghe thấy tiếng gào khóc thảm thiết bên kia. Dã Nương kiễng chân, nghển cổ nhìn qua khe hở, thấy nhà bên vẫn còn đang cúng. Tồn Nô quỳ phía trước, mẹ cúi đầu quỳ đằng sau, nước mắt giàn giụa. Tồn Nô nằm lăn ra đất khóc nức nở. Mẹ đỡ dậy, miệng lẩm bẩm khuyên răn. Bà nói gì không rõ, Dã Nương chỉ nghe được mấy tiếng "ông nhỏ". Tồn Nô cúng xong, ngước lên vái lạy. Thấy vậy Dã Nương sinh nghi: "Sao lại kì quặc như thế? Từ trước tới nay ta nghi Tồn Nô là con trai, nhất định cũng là người thay hình đổi dạng như mình. Ngày mai ta phải thử xem sao".
Hôm sau Sinh Ca tới nhà Dã Nương. Chờ cho Nhan Quyền đi khỏi nhà, Dã Nương hỏi Sinh Ca như khơi gợi:
- Chị thông minh như thế chắc chị rất giỏi nữ công gia chánh . Sao em chẳng thấy chị thêu thùa gì cả?
- Còn nhỏ chị được mẹ cưng chiều, - Sinh Ca nói, - nên không học thêu thùa may vá.
- Nhưng sao lại học làm thơ múa kiếm? - Dã Nương hỏi. - Em chắc rằng chị phải giỏi nữ công, nếu như gặp con gái thì nhất định chị sẽ trổ tài. Bây giờ trước mặt em, chị mới giở cái trò con trai ra để khoe với em.
- Vẽ cũng như thêu thùa thôi. - Sinh Ca nói. - Thế thì em cũng giỏi thêu thùa?
- Em không phải là con gái, Dã Nương nói, - thì làm sao mà biết thêu thùa! Chị là con gái, lại học việc con trai. Mà sao chị lại hỏi em về nữ công?
- Em bảo em không phải là con gái ư? - Sinh Ca cười nói. - Chỉ sợ rằng con gái không ai linh lợi được như em.
- Chị vốn là con gái, - Dã Nương cười nói, - nhưng lại giống con trai. Em cũng chỉ sợ rằng không có người con trai nào hào phóng như chị. Nhân đó đưa cho Sinh Ca bức tranh vẽ Hồng Phất(1) trốn theo trai và nói:
(1) Hồng Phất: một kĩ nữ của Dương Tố thời Tùy, sau theo Lý Tĩnh.
- Nếu như chị học Hồng phất cải trang thành con trai, thì chẳng phải ban đêm có người trốn theo chị mà ngay cả ban ngày cũng có người theo chị. Chẳng ai nhận ra chị là con gái!
- Em bảo chị trốn theo ai? - Sinh Ca cười nói, - nếu chị là Hồng Phất, thì em phải là Lý Tĩnh.
Dã Nương thấy Sinh Ca nói trúng ý mình, bèn chỉ đôi chim uyên ương trên bức tranh, nói:
- Chúng mình gọi nhau là chị em, chỉ như nhạn cùng đàn thôi chứ không thân thiết như uyên ương. Tuy chị lớn hơn em một tuổi, nếu không giấu được, chờ em nói với cha em, chúng ta sẽ kết nghĩa vợ chồng liệu có được không?
Nghe xong Sinh Ca cúi đầu im lặng hồi lâu, rồi bỗng nhiên hai hàng nước mắt chảy dòng dòng. Dã Nương ngạc nhiên hỏi:
- Vì sao chị buồn phiền như thế? Chị giận em quá đường đột ư?
Sinh Ca lau nước mắt trả lời:
- Tung tích của ta không ai biết được. Ta đã giấu em, khiến em lầm tưởng là con gái mà yêu ta, nay ta phải nói thực để em nghe.
Rồi Sinh Ca lấy một tờ giấy trên bàn, viết một bài thơ tứ tuyệt:
Thay hình đổi dạng đâu phải thật,
Vì thiếu Đào Nguyên để tránh Tần.
Nếu muốn cùng em nên chồng vợ
Ước gì ta là con gái em ơi.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết